watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
10:06:2226/04/2025
Kho tàng truyện

Một Ngày Trong Đời

Tác giả: Hoàng Ngọc Hà

1.

Dạo đó tôi là sinh viên y khoa năm thứ sáu đi thực tập ở một bệnh viện nhỏ ven biển. Mùa hè người ta đổ về bãi biển này sao mà đông thế.

- Một buổi sáng khi đi tắm về, tôi rẽ vào quán cháo trai biển, đúng ra là cháo ngao mà ở đây không hiểu sao gọi là ngán.

Xì sụp húp bát cháo nóng, tôi chợt ngước lên thấy hai vợ chồng và một đứa bé trai khoảng ba tuổi bước vào quán. Tôi sững lại ngừng ăn. Nàng kỳ ảo quá, mong manh quá bên cạnh một người chồng lực lưỡng, râu quai nón cười nói oang oang.

Người đàn ông kéo ghế, gần như nhấc bổng nàng đặt vào. Rồi ông ta kéo ghế ngồi, xoạc hai chân lông lá. Thằng bé con liền nhảy tót cưỡi lên chân, rồi nhún nhảy như đua ngựa.

- Kìa, khéo ngã con! - Nàng hốt hoảng toan giơ tay đỡ con.

- Không sao, chàng kỵ sĩ của bố. Nào con ăn gì thì bảo.

- Ăn trứng luộc - Cậu bé đáp đầy tự tin.

- Cái thằng bé này, lúc nào cũng chỉ ăn trứng thì lớn sao được? Còn em ăn gì?

- Em ăn cháo.

- Ra đến biển lại ăn cháo thì khác nào đi bệnh viện?

Ông ta lớn tiếng gọi với vào trong nhà:

- Này ông chủ, cho hai chục tôm he loại to nhất, luộc gừng, một cá thu nướng, chọn con to mình tròn, nướng vừa chín tới, chục bánh đa nướng, phải đầy đủ rau ngổ, rau mùi, rau thơm, nước mắm cốt, cho tỏi nhiều vào, ớt tươi, hai quả chanh thái lát mỏng, à phải có một đĩa gừng thái mỏng nữa.

Nàng nói nhỏ nhẹ:

- Em chỉ ăn cháo thôi. Em thích thế.

- Thôi được, cho hai bát cháo. ở đây có cháo gì nhỉ?

- Dạ cháo ngán.

- Hay nhỉ, cháo ngán thì đúng quá, chưa ăn đã ngán. Này cho hai tô, thật nhiều ngán, có hạt tiêu không? Rắc nhiều vào, đầy đủ mùi, hành.

Trong nhà tiếng dạ ran ran, cha con chủ nhà rậm rịch chạy lăng xăng.

Nàng kéo ghế ra hiên ngồi ngắm biển. Ôi, đôi mắt sao mà huyền ảo, đen long lanh rợp dưới hàng mi rậm đến mức đổ bóng sẫm trên hai gò má trắng mịn như tuyết. Bàn tay ngón thuôn dài, xanh xao đặt hờ trên thành vịn ghế mây gõ gõ nhịp, đôi môi mấp máy lẩm nhẩm hát bài Thuyền và biển. Giây phút ấy tôi có cảm giác nàng bay lên bầu trời trong xanh, đang dõi theo con tàu trắng ngoài khơi xa, gương mặt bỗng hồng lên rạng rỡ. Nàng quay đầu nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi nhỏ:

- Anh có phải là em trai anh An không?

Tôi chỉ muốn nhận ngay "đúng, đúng vậy", chỉ có thế tôi mới có thể đến gần nàng, trò chuyện với nàng được, nhưng tôi lại buột miệng hỏi:

- Anh An là ai thế ạ?

Tiếng thở dài nhẹ như gió thoảng, đôi mắt trầm xuống, và gương mặt nàng lại trong suốt lạ lùng.

Ông chồng đến cạnh tôi, bàn tay nặng chịch gần như ấn tôi xuống ghế, rồi giọng trịch thượng của kẻ bề trên:

- Chào anh bạn, anh cũng đi nghỉ hè ở đây ư?

- Không phải, tôi là thầy thuốc của bệnh viện ở đây.

Lập tức nét mặt ông ta thay đổi, trở nên niềm nở:

- Thế ư? Tốt quá. Nào mời bác sĩ cùng vào mâm với chúng tôi. Ngồi cho vui thôi mà, để tôi có bạn rượu, chứ vợ con tôi không biết uống, đến cả ăn cũng chẳng thiết nữa.

Vì muốn được ngồi cùng nàng, tôi gật đầu vui vẻ:

- Vâng, hôm nay chủ nhật tôi không phải trực, gặp bạn mới càng vui. Xin cảm ơn anh chị.

Nàng mỉm cười. Trời! Nụ cười như bừng sáng cả gương mặt. Nàng nhanh nhẹn hẳn lên, đến bên bàn sắp bát đũa, rót rượu, đúng vai trò bà chủ bàn tiệc.

Ông ta đập bốp bao khăn, lôi ra lau mặt, lau cả cái trán hói, rồi mới lau hai bàn tay to bè ngón ngắn ngủn. Vẻ hào hứng vô hạn, ông ta thò tay bốc con tôm to nhất, mồm liến thoắng: "Xin mời, nào bốc lên, dùng bằng tay đừng vẽ vời dĩa với dao làm gì!".

Ông lột truồng con tôm để vào đĩa của vợ. Nàng rùng mình nhìn vào cái vật đỏ hỏn, giọng khàn lại nàng bảo:

- Em dị ứng với tôm, không ăn được.

Giọng nghiêm khắc ông nói như hạ lệnh:

- Phải ăn, tôm là rất bổ, nhiều can-xi, nhiều a-xit a-min. Em phải cố mà ăn cho lại sức.

Nàng nhìn tôi, đôi mắt như cầu khẩn, nhưng lúc đó tôi cũng đang háo hức trước đĩa tôm bốc khói thơm lừng, tôi đang mải ngấu nghiến con tôm kẹp với các thứ rau thơm chấm nước mắm tỏi ớt chanh. Nàng mỉm cười rồi tự tay xé nhỏ con tôm của mình, nhỏ nhẹ ăn từng miếng nhỏ, ăn kỳ hết.

Ông ta lại bóc con tôm nữa cho nàng, mồm nhai nhồm nhoàm lúng búng nói:

- Giỏi lắm, phải làm con nữa.

Thằng bé con nhất định không ăn tôm, nó nhai nhai rồi nhè ra kêu là dai không nuốt được. Nó chỉ ăn trứng gà luộc với cháo. Còn nàng lại kiên nhẫn xé tôm cố ăn, hình như nàng đang ăn thi cùng tôi, lúc này tôi đã ăn đến con thứ năm. Tôi với ông ta còn chén hết cả con cá thu nướng to tướng, và uống hết chai rượu Lúa mới.

Bữa ăn kéo dài đến tận gần trưa. Tôi đã trở thành bạn của cả gia đình: làm bạn với ông chồng vì đồng cảm với niềm vui trần tục ăn uống say sưa, làm bạn với thằng bé con vì đã bóc những quả trứng gà cùng với trứng chim cút gắn vào nhau làm thành mấy con gà con xinh xinh xếp hàng lũ lượt trong đĩa của nó. Còn kết bạn với nàng bằng gì nhỉ, có lẽ bằng giác quan thứ sáu chăng?

Tuổi hai mươi bốn đương độ trai trẻ, tràn đầy sức lực cường tráng mà tâm hồn thì tràn ngập mộng mơ. Tôi ăn uống như hùm mà lòng những bối rối như một con thỏ non ngơ ngẩn dưới trăng.

Tôi tạm biệt họ trở về bệnh viện, lòng lâng lâng thật chẳng hiểu vì sao. Tôi xông vào phòng trực nói với vị bác sĩ viện trưởng:

- Em trực hộ cho. Em sẽ trực cả đêm nay nữa. Có việc gì nguy cấp em sẽ gọi điện thoại, anh cứ yên tâm đi.

Mặc áo bờ-lu trắng vào, tôi đi khắp các giường bệnh thăm hỏi bệnh nhân. Tôi xông xuống cả nhà bếp hỏi han công việc. Y tá trưởng, người đàn bà lớn tuổi nhất bệnh viện, cười cười hỏi tôi:

- Hôm nay cậu làm sao thế? Đang yêu phải không?

Tôi bối rối tự hỏi: Mình đang yêu thật ư, chả lẽ lại bị sét đánh?

Tôi quay về phòng, vừa đặt lưng xuống lại ngồi bật dậy. Lúc này nàng đã ngủ chưa nhỉ, hôm nay quá vui nàng ăn hơi nhiều tôm, liệu có bị dị ứng không? Tôi đến lục tủ thuốc sắp sẵn một lọ thuốc dị ứng, chiều nay gặp nàng ta phải đưa để phòng khi bị phát ban.

Bỗng nghe tiếng xôn xao ngoài phòng khám. Tôi vùng dậy, vừa đến cửa phòng đã va ngay ông "hộ pháp".

- Bác sĩ ơi, cứu vợ tôi với, sốt cao quá, khắp người đỏ lừa như con tôm luộc, lại khó thở.

Nàng nằm mê man trên giường, thở khó nhọc như sắp bị ngạt đến nơi.

Tôi chưa gặp trường hợp nào dị ứng lại nặng như thế này, có lẽ là ngộ độc. Tôi nói với y tá trưởng: "Mời bác sĩ viện trưởng đến ngay". Khổ thân ông già, tưởng được về nhà nghỉ ngơi, hóa ra chỉ vừa đặt lưng chưa kịp ngủ đã bị dựng dậy, lại vội vàng đạp xe trở vào bệnh viện.

Ông hộ pháp (tôi đành tạm gọi như thế vì không biết tên ông ta) như con gấu xông đến cạnh bác sĩ viện trưởng khàn khàn van vỉ: "Bác sĩ ơi, cứu vợ tôi với, xin đừng tiếc thuốc tốt, bao nhiêu tôi cũng chi trả được. Có thuốc của Pháp của Mỹ xin bác sĩ cứ tiêm cho cô ấy. Đây, tôi xin ứng tiền trước...". Ông ta lôi ra xấp tiền đặt lên bàn. "Đúng là một con gấu". Tôi nghĩ thầm.

Bác sĩ cười nhạt điềm đạm nói:

- Ông cất tiền đi, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

Ông gấu lại rền rĩ:

- Lỗi tại tôi, tôi đã bắt cô ấy ăn đến năm con tôm to. Tôi ngu quá, cô ấy không biết uống rượu thì làm sao tiêu hóa nổi những ngần ấy tôm cơ chứ?

Bác sĩ lẩm bẩm: "Tai hại quá! Sức ông cũng chẳng tiêu nổi ngần ấy tôm, huống nữa là bà ấy, mỏng mảnh thế này".

Đứng nhìn bác sĩ khám cho nàng, tôi chăm chú quan sát từng diễn biến nét mặt của ông để đoán chừng bệnh trạng nàng ra sao? Nhưng gương mặt khắc khổ ấy cứ như một bức tượng đá.

- Đây là một ca dị ứng kịch phát đã ảnh hưởng xấu đến gan. Tim lại rất yếu - Ông nói trầm ngâm.

Sau khi uống thuốc hạ sốt và truyền huyết thanh, nhiệt độ đã hạ và các nốt ban đỏ lặn dần, nàng ngủ được. Trên giường đệm trắng, nàng thiêm thiếp như nàng công chúa ngủ trong rừng.

Tôi ngồi bên nàng, thầm ước mình trở thành chàng hoàng tử trong truyện, chỉ cần một nụ hôn là nàng sẽ tỉnh lại. Nhưng chẳng bao giờ tôi được phép làm vậy, đó là điều luật ngành y tế quy định cấm quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân.

Cô y tá tiêm thử phản ứng pênicilin. Nhìn cánh tay mảnh mai trắng xanh của nàng bị mũi kim chọc vào, tôi thấy đau nhói. Vết tiêm thử ửng đỏ, rồi tấy lên lan rộng. Cô y tá thở dài: "Không được rồi".

- Thử streptômixin xem có được không? - Tôi bảo với cô y tá.

Lại tiêm thử ở cánh tay bên kia. Lần này vết tấy đỏ lại càng to hơn, rộng hơn. Tôi bắt đầu hoang mang, làm thế nào bây giờ? Nàng lại lên cơn sốt cao, thuốc hạ sốt đã hết tác dụng, vậy là trạng thái giảm nhiệt độ ban nãy chỉ là do thuốc, còn cơ thể nàng vẫn trong tình trạng rất nguy kịch. Nàng đang quằn quại thở cá ngáp.

Trời ơi, tôi chỉ muốn tự đấm vào cái đầu ngu xuẩn của mình, tôi muốn tát vào cái mồm tham ăn của tôi. Nàng đến nông nỗi này là nỗi tại tôi, tại sao lúc đó tôi không ngăn ông ta bắt nàng ăn nhiều tôm đến thế nàng đã nói là dị ứng với tôm cơ mà, thế mà tôi lại quên khuấy vì mải ăn uống, vì mải ngắm nhìn nàng dùng những ngón tay xinh xinh xé con tôm hồng hồng đưa lên hàm răng trắng như ngọc.

Bác sĩ viện trưởng khám lại cho nàng rất kỹ, xem kết quả thử máu, xem bảng điện tâm đồ... Ông thở dài nói:

- Phải chuyển về bệnh viện trung ương thôi. Bệnh viện của ta không đủ điều kiện điều trị. Bệnh nhân lại bị ngoại tâm thu nữa, tim yếu lắm. Dị ứng chỉ là bệnh thông thường, nhưng ca này thì trở nên nghiêm trọng.

Tôi lo lắng nói:

- Ta không có xe cấp cứu, mà từ đây về Hà Nội hơn 400 cây số, đường lại xấu, sợ bệnh nhân không chịu nổi.

Tôi chỉ cầu sao cho đêm nay dài đến một trăm năm để nàng công chúa tỉnh dậy. Tất cả mọi người sẽ chẳng còn ai trên đời, chỉ còn nàng với tôi...

Những giọt huyết thanh ngập ngừng rơi, chúng chạy vào tim nàng, ở đó hình ảnh của một ông An nào đó đã hằn sâu, tôi hiểu là nó không thể tan biến dù là sau một trăm năm.

Sóng biển đêm rền rền bề nhạc trầm, tiếng phi lao vi vu thổi sáo hòa quyện, một giai điệu âm thầm lan tỏa trong không gian như bản nhạc cầu nguyện ở nhà thờ.

Tôi khẽ đặt tay lên trán nàng, vẫn còn nóng hầm hập. Nàng từ từ mở mắt, hàng mi rợp bóng thăm thẳm nhìn tôi: "Tôi ốm có nặng không anh?".

Tôi khe khẽ lắc đầu, tôi chỉ muốn gọi nàng là "em" mà không dám. Nàng nắm lấy tay tôi giữ chặt thì thào:

- Anh giống anh An quá - Nàng lại nhắc câu nói ban sáng.

- Tôi chỉ mong mình được trở thành anh An của chị.

Nàng đặt ngón tay lên môi nói khẽ:

"Đừng nói gì hết".

Đêm ấy trăng hạ tuần muộn màng hiện lên trên bầu trời đêm thăm thẳm, ánh sáng nhợt nhạt của vầng trăng khuyết rải màn sáng bàng bạc qua khung cửa. Nàng nằm đó lung linh mờ ảo như sắp bay mất vào không trung.

Mắt chúng tôi đăm đắm nhìn nhau, mà suy nghĩ khác nhau vời vợi. Nàng là ảo ảnh hạnh phúc mà tôi hằng mơ tưởng. Còn tôi, có lẽ là ảo ảnh của mối tình sâu nặng đã qua của nàng.

Đêm chầm chậm trôi qua, trời rạng dần. Mộng mơ tan biến như sao sớm mai.

Ngồi họp giao ban mà lòng tôi thấp thỏm, viện trưởng nhận tiếp tục điều trị cho nàng hay chuyển đi?

Ông chăm chú đọc bệnh án, xem các chỉ số nhiệt độ, huyết áp rồi thong thả nói:

- Bệnh nhân giường số 20 hôm nay sẽ chuyển về bệnh viện trung ương.

Tim tôi thắt lại, tôi hấp tấp nói xen ngang:

- Thưa anh, tôi sợ đang tình trạng sốt cao đi đường sẽ nguy hiểm, có lẽ nên lưu lại vài hôm chờ ổn định...

Bác sĩ viện trưởng nghiêm khắc nhìn tôi:

- Không thể để chậm trễ, cần phải đưa đi ngay để điều trị gan kịp thời. Cần một y tá đi theo bệnh nhân để phòng khi cần cấp cứu dọc đường.

Tôi thầm mong được đi cùng nàng mà không dám nói ra.

Tiếng gõ cửa rất mạnh, rồi ông gấu hiện ra bơ phờ như con gấu vừa ngủ đông trở dậy:

- Xin lỗi các anh, tôi đã có xe và đã nhờ được một bà bác sĩ cũng đi nghỉ ở đây về cùng để săn sóc bệnh nhân.

- ồ, thế thì may quá! - Bác sĩ viện trưởng vui mừng, còn tôi thì mừng hụt.

Tôi dìu nàng ra chiếc xe Toyota Land Cruiser mầu xanh sẫm, đỡ nàng như nâng một cành hoa mong manh. Tôi những muốn bế xốc nàng và ước sao cứ đi như thế suốt cả 400 cây số. Trước khi đặt nàng vào xe, tôi khẽ ôm siết và ghé môi vào làn tóc thơm dịu của nàng.

Nàng mỉm cười nói khẽ: "Tôi sẽ trở lại nơi này".

Ông chồng chạy thình thịch ra xe, tay xách túi thuốc dự phòng rối rít luôn mồm: "Cám ơn, cám ơn các anh các chị vô cùng. Thật tận tình chu đáo quá!". Ông ta bế thằng bé ngồi vào ghế trước.

Một bà luống tuổi bước lên xe ngồi cạnh nàng, bà ta ân cần đặt chiếc gối và trải chăn: "Em nằm xuống cho đỡ mệt". Nàng lắc đầu và vẫn ngồi cạnh cửa xe nhìn chúng tôi, đưa tay vẫy vẫy.

Khi xe bắt đầu chuyển bánh, nàng nhìn xoáy vào tôi, đôi mắt rợp bóng hút hồn. Tôi ngẩn ngơ nhìn chiếc xe chạy hút bóng sau cung đường.

Một bàn tay đập vai tôi rất mạnh, bà y tá già cười cười bảo: "Bị hút mất hồn rồi hả?".

Tôi vội bỏ đi, chẳng hiểu sao chân lại bước đến quán cháo trai, ngồi vào chiếc ghế ngoài hiên lặng lẽ nhìn ra biển khơi tìm bóng con tàu trắng mà nàng hôm qua đã đăm đăm ngắm nhìn. Chiếc tàu đã đi mất rồi, chỉ còn hình ảnh nàng diệu vợi bâng khuâng, và âm hưởng giai điệu bài hát Thuyền và biển như vang vọng:

... Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ...

Mới có hai mươi bốn giờ mà tôi thấy như cả cuộc đời đã trôi qua.

Tốt nghiệp ra trường tôi về công tác tại vùng bãi tắm ấy, bạn bè ngạc nhiên sao tôi lại về một nơi xa xôi hẻo lánh gần biên giới như thế? Họ thì hiểu làm sao được nỗi lòng của tôi, mà chính tôi cũng không hiểu mình, điều gì đã cuốn mình về đây nhỉ?

Từ bấy đến nay đã hơn mười năm trôi qua, mùa hè nào tôi cũng chờ đợi, chờ đợi cho đến khi gió mùa đông bắc thổi về, biển trở thành mầu xám, mưa bụi giăng giăng, nhìn ra khơi chẳng còn rõ hình bóng một con tàu nào nữa. Lại chờ đến hè sang năm...

Tháng 4-2002

HOMECHAT
1 | 1 | 239
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com