Tác giả: Lê Anh Dũng
Quang liếc người ngồi bên cạnh trong lúc bà ta đang thắt giây nịt bụng để chuẩn bị đoạn đường thứ hai, Đài Loan đi Los Angeles. Kể từ lúc lên máy bay, vốn Anh văn ráp nối thời trước năm bảy mươi lăm không còn có ích gì cho Quang nữa, dù chàng cố nhớ lại, nói lại. Chẳng có tiếp viên hàng không nào hiểu ông nói gì và chính ông cũng không thể nào nghe được, hiểu được những gì từ loa phóng thanh. Cuối cùng ông chỉ đoán mò trong suốt hành trình từ Việt Nam đến Đài Loan. Cái khôn ngoan ông có được là vì những hành khách chung quanh cùng chuyến, họ đi đâu thì mình theo đó. Để cho chắc ăn, ông gạ hỏi một bà Việt Nam ngồi bên cánh trái, cạnh cửa sổ. Nhưng chắc gì bà ta là người Việt Nam, Quang thăm dò:
Thưa.... Bà là người Việt Nam?
- Dạ, Tôi từ Mỹ về thăm gia đình, bây giờ trở lại Mỹ.
Quang như vớ được của, suýt nữa thì ôm chầm lấy bà vì mừng quính, ông lắp bắp:
- Xin lỗi, bà ở Mỹ... Mà có ở Westmister không vậy?
Người đàn bà Việt Nam vừa nhìn ra cửa sổ để thưởng thức những đợt mây trắng xây thành dưới bụng con tàu, mặc dù máy bay đang về hướng mặt trời trên Thái Bình Dương lúc rạng sáng... Vừa lơ đãng trả lời:
- Tôi ở Los... Ông về Westminster à!
Quang không hiểu bà nói ở Los là ở nơi nào. Trước khi đi, ông cũng mua một bản đồ nước Mỹ có đủ chi tiết các thành phố chính, và xem đi xem lại nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thấy thành phố nào mang tên Los...! Nếu hỏi thêm thì đâm ra mình quê hay sao! Quang chuyển qua giọng tâm sự ví von:
- Tôi có thằng em định cư ở Nam California, thành phố Westminster. Vợ chồng chú nó mời tôi đi du lịch. Lần đầu tiên qua Mỹ nên có những " khó khăn nhất định", nếu có "sự cố" xin cô làm ơn chỉ vẽ giùm...!
Bà Việt Nam quay lại, có vẻ chú ý người đối thoại hơn. Bà nhìn Quang thật lâu làm ông hơi ngượng. Bây giờ thì ông mới chú ý hơn về người đàn bà ngồi cạnh mình.
Suốt thời gian từ Sài Gòn đến Đài Loan, ông cứ tưởng bà là người Xẫm hay Phi Luật Tân... Ai dè là người mình! Nhưng sao bà ta to mập, bệ xệ thế! Chiếc ghế trên phi cơ bự như vậy mà bà ta ngồi cũng chật và có vẻ rất khó xoay trở... Trong đầu ông, hình ảnh người đàn bà Việt Nam lúc nào cũng thanh thanh, nho nhỏ, thướt tha...! Quang giật mình khi bà ta vừa nhìn ông vừa nói:
- Chú em của ông có biết để ra phi trường Los đón không? Mà anh em cách xa nhau bao lâu có còn nhớ mặt không? Nếu không nhớ thì rắc rối to...
Ồ! thì ra bà ta nói thành phố Los là Los Angsles, hú hồn! Quang trả lời bà với giọng vui, ông còn cố nở nụ cười cầu tài:
- Anh em chúng tôi xa nhau từ sau năm Bảy lăm. Lúc đó thằng Út Lân cở hai mươi hai. Tháng ba năm đó tôi còn kẹt ở Kuntum với đơn vị. Suốt thời gian rút quân theo tỉnh lộ Bảy, ngả Phú Bổn, tôi thoát chết không biết bao lần... Khi về đến nhà tại Qui Nhơn thì ông Dương Văn Minh cũng vừa tuyên bố đầu hàng. Anh em tôi từ đó không gặp mặt nhau. Út Lân mới ra trường Thủ Đức về đơn vị của nó ở Quảng Trị. Suốt một thời gian dài gia đình tôi tưởng nó đã chết, nhưng mấy năm sau thì nghe tin nó ở Mỹ... Thế đấy! Có lẽ bây giờ nó đổi khác lắm. Nhưng tôi có hình của nó gởi về, tôi có thể nhận ra. Ồ! Nhưng tôi không gởi hình của tôi cho nó, không biêt nó còn nhớ tôi không nữa...!
Bà Việt Nam lại nhìn Quang và hỏi:
- Đó mới rắc rối, em của ông đứng ở phi trường đón mà không biết mặt ông thì... Còn ông không đi cải tạo hay sao?
Quang thoáng nghĩ, chắc là bà ta dò hỏi xem mình cấp bực gì mà sao không xuất ngoại theo diện HO... Ông thẳng thắn:
- Tôi cấp Hạ Sĩ Quan nên chỉ bị tập trung học ba ngày rồi họ cho về làm ruộng hợp tác. Bao nhiêu năm nay, nhờ thằng Út thỉnh thoảng cho một ít, nên gia đình cũng tương đối... Thằng Út có điện thoại cho tôi trước khi đi là nó đem theo một cái bảng đen viết tên tôi bằng phấn trắng, nó cầm giơ cao... Tôi sẽ tìm ra cái bảng đó.
Bà Việt Nam: - Đến giờ nầy mà Quang vẫn chưa biết tên - Cười sặc sụa. Thân hình bà rung lên, những thớ mỡ rung chuyển theo cái giây thắt nịt bụng, chiếc áo đỏ chim cò và chiếc quần một ống – Không, chiếc váy mới đúng – màu huyết dụ, hai má xệ xuống... Mái tóc nhuộm màu hung hung. Quang đoán chừng bà ta độ tuổi bốn chín năm mươi, nhưng vẫn còn ham săn sóc sắc đẹp... Bà Việt Nam hết cười, thở hơi nặng vì cười quá... nên mệt. Có lẽ bà cười vì câu chuyện Quang kể có vẻ vừa khôi hài lại vừa nhà quê. Chắc vậy! Bỗng nhiên bà ta quay sang hướng khác:
- Đường còn dài, máy bay đang trên vùng Thái Bình Dương, ngủ một chút cho khỏe đi ông... À quên, ông tên gì? Tôi tên Anna.
Anna liếc xéo Quang, miệng tủm tỉm cười, ông thoáng hiểu là nàng đang có vẻ chịu mình. Dĩ nhiên, nếu so tuổi, ông phải già hơn nàng độ mươi tuổi... Có một điều, nàng mập quá, trông không bắt mắt... Ông cũng cười lại:
- Chào Anna! Tôi tên Quang...!
Màn ảnh trước mặt đang chiếu một cuốn phim nói về tình yêu và chiến tranh. Quang nhắm mắt lại, ngã đầu về phía sau, tiếng động cơ êm êm. Phía hàng ghế trên, một cặp tình nhân đang cười với nhau âu yếm...
Máy bay trên độ cao nên tai Quang hơi lùng bùng, ông phải hít một hơi thật sâu, bịt mũi, thở mạnh để cho khí trong phổi làm thông hai lỗ tai. Các cô tiếp viên phi hành đang lăng xăng lo bữa ăn sáng. Quang quay lại phía sau và lại nhìn về phía trước, hành khách đang kẻ ngủ gật, người đọc sách, hay xem phim. Những cặp tình nhân thì đang âu yếm nhau một cách tự nhiên thoải mái...
Phi cơ đang ở trạng thái tốt đẹp trong một hành trình dài, thì hình như phía các tiếp viên hàng không lại đang thì thầm với nhau có vẻ không bình thường. Trên gương mặt từng người hiện rỏ nỗi lo âu sợ hãi. Sống và chiến đấu lâu năm trong cuộc chiến tranh đầy bất trắc, nên qua kinh nghiệm, ông có thể đọc được, đoán được việc gì quan trọng lắm, trên gương mặt từng người tiếp viên hàng không... Quang nhìn lại Anna đang ngã đầu ra phía sau, hai mắt nhắm nghiền, ngáy pho pho, tiếng ngáy to và đứt đoạn... Máy phóng thanh nói một hơi dài, lặp đi lặp lại, các tiếp viên phi hành ngưng việc tiếp thức ăn, chạy tới chạy lui. Quang hoảng quá, không hiểu chuyện gì xảy ra, ông bèn đánh bạo, lấy tay thúc vào hông Anna đánh thức bà dậy. Anna choàng tỉnh, quay qua cằn nhằn:
- Không ngủ đi một chút lại còn phá người ta...
Quang chỉ về phía các tiếp viên và hành khách người ngoại quốc đang xôn xao, xí xô xí xà với nhau, trông ai cũng có vẻ lo âu và sợ hãi. Anna bắt đầu tỉnh hẳn cơn buồn ngủ, quay qua một ông Mỹ to tướng, ngồi ghế bên kia. Hai bên trao đổi với nhau vài câu tiếng Anh. Anna lo lắng nói lại với Quang:
- Nước Mỹ đang bị bọn khủng bố tấn công. Bọn khủng bố cướp một lúc bốn chiếc phi cơ chở đầy hành khách như mình đang đi. Hai tòa nhà chọc trời ở New York bị hai chiếc đâm vào, sập hoàn toàn, Ngũ Giác Đài bị một phi cơ đâm vào đang cháy lớn... Một chiếc khác bị rớt gần thủ đô. Toàn thể các cơ quan chính phủ tại Hoa Thịnh Đốn di tản. Tất cả các phi trường đều đóng cửa không cho phi cơ hạ cánh... Phi cơ của mình đang chuyển hướng đến Gia Nã Đại để đáp xuống Toronto.
Anna nói một hơi rồi ngưng lại để thở vì mệt và thần kinh căng thẳng. Quang tưởng như mình nghe lầm, tưởng như Anna nói giỡn chơi, tưởng như Anna nói về một cuốn phim tưởng tượng. Ông không thể nào hình dung ra một nước Mỹ cường thịnh, một nước Mỹ vô địch lại có thể, trong một thời gian ngắn chớp nhoáng đã trở thành một bãi chiến trường kinh hoàng như lời Anna kể. Ông cũng không thể nào ngờ rằng, mình là một nhân chứng kỳ lạ trên một chuyến bay trùng hợp vào thời gian nước Mỹ bị tấn công bất ngờ như Trân Châu Cảng hay Tết Mậu Thân của Việt Nam.
Anna lại quay qua nói chuyện với ông Mỹ to lớn. Hai người nói với nhau rất nhiều. Tiếng loa phóng thanh tiếp tục đưa tin bằng tiếng Mỹ. Mọi người sau khi nghe được đều xầm xì hoảng hốt... Anna lại quay qua nói chuyện Quang:
- Xuống phi trường ở Canada tạm thời chờ đợi... Ông có số điện thoại của em ông không? Có lẽ giờ nầy em của ông đang đứng chờ tại phi trường Los. Thôi! mọi sự để Thượng Đế sắp đặt. Có gì cần tôi sẽ giúp ông...!
Quang rối rít:
- Cám ơn cô Anna, nếu không có cô, tôi chẳng biết làm thế nào thích ứng với hoàn cảnh nầy. Tôi có số điện thoại nhà thằng Út Lân. Đến nơi tôi sẽ nhờ cô gọi giúp cho. Trời ơi! Tại sao lại như thế nầy!
Ông yên chí, xuống Canada người ta sẽ cho mình ở khách sạn và lo cho mình... Tôi sẽ lo cho ông...!
Quang lí nhí trong miệng hai tiếng cám ơn, rồi bỗng nhiên ông cảm thấy hình như bị choáng váng trong lúc máy bay rơi vào khoảng không gian bởi lỗ hổng không khí. Toàn thân ông như lạnh cóng. Ông thầm cầu nguyện xin đừng chết giữa đường và xin được bình an để trở về cố hương dầu phải hủy bỏ cuộc du lịch nầy.
Anna tỏ ra rất thích ứng với hoàn cảnh, nàng lấy khăn tay lau mồ hôi đang vả ra trên trán Quang, tay kia luồn qua cổ Quang làm gối. Sự chăm sóc thân mật bất ngờ làm Quang hơi ngại, nhưng ông đã đuối sức, tinh thần xuống dốc trầm trọng. Anna vừa lau mồ hôi vừa nói nhỏ bên tai ông:
- Trước Bảy Lăm, Anna là y tá ở Tổng Y Viện Cộng Hòa đấy! Để yên nào...
Thế là đến Canada, Anna và Quang ở chung một khách sạn. Để cho tiện lợi việc liên lạc với thằng Lân ở Mỹ, Anna đề nghị ông hãy chung phòng cho tiện. Hành khách trên phi cơ rất đông mà số phòng cũng giới hạn nên việc chung phòng trong trường hợp nầy Quang thấy hợp lý... Hãng máy bay lo hết mọi chi phí phòng ốc và ăn uống cho đến khi họ đưa về Mỹ. Quang, lần đầu tiên ở chung phòng với người đàn bà kể từ khi vợ ông qua đời vì một cơn bạo bịnh. Không phải ông không có duyên để bước thêm bước nữa, nhưng trong cảnh gà trống nuôi con, với tình hình kinh tế chẳng có gì để cho gia đình đủ sống thì làm thế nào cam thêm một miệng ăn nữa... Trong lúc ông phải chạy xe Honda ôm. Thời gian đã làm cho tình cảm trong ông khô cằn như mãnh đất quê hương cày lên sỏi đá. Nếu không có thằng Út lo viện trợ thì ông cũng chẳng biết xoay trở thế nào nuôi con ăn học.
Anh Quang, tắm rửa đi rồi còn lo ăn uống, điện thoại về Mỹ nữa chứ! Ngồi thừ người ra đó có ích chi...
Quang lúng túng đi vào phòng tắm. Ở Việt Nam nhà của ông đâu có phòng tắm. Ông thường mặc quần đùi, mang cái gàu ra giếng sau nhà, xách nước tắm trên một phiến đá ong... Giờ nầy ông đứng trước một phòng tắm lớn, đủ thứ dụng cụ mà lần đầu tiên ông mới thấy. Ông chưa dám cởi quần áo, chui vào bồn tắm đứng ngắm hai cái vặn nước. Thôi thì cứ làm theo trực giác, ông nghĩ... Thế là ông lấy tay mở vòi nước. Nước nóng quá bất ngờ xịt tung tóe làm ông hoảng, chạy phóng trở ra. Anna nghe tiếng động chạy vào, hai người gặp nhau ngay ở cửa phòng tắm. Nàng bạo dạn đẩy ngược Quang trở vào phòng, đóng cửa..... Một thoáng bỡ ngỡ, một thoáng ngạc nhiên, một thoáng rung động, một thoáng lâng lâng... Anna tuy mập mạp nhưng rất đậm đà trái chín...!
Tiếng cánh cửa garare tự động đóng lại kêu ken két làm Quang choàng tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ sáng. Chắc thằng Út vừa lái xe đi làm, vợ nó thì đã đi từ năm giờ... Quang xoay người nằm nghiêng, lấy cái "rì một cồng rô", nhắm vào màn ảnh TV trong góc phòng bấm bấm. Tiếng Mỹ xí xô xí xà, cùng lúc hai bà Mỹ đen xuất hiện trong một màn vui buổi sáng. Ông lại bấm đổi băng tần số để tìm đài Việt Nam. Nhưng nhớ lại là đài Việt Nam chỉ có lúc bốn hay năm giờ chiều. Ngáp một cái thật dài, ông tung mền ngồi dậy, tắt TV, mang đôi dép, nhẹ bước trên tấm thảm màu vàng đậm để vào phòng tắm...
Vừa đi ông vừa nghĩ bụng, ở Mỹ cái gì cũng cầu kỳ, đôi dép mang trong nhà, thằng Út đưa cho ông dùng, giống như đôi giày hạ hồi xửa hồi xưa ông nội mang cùng áo dài khăn đóng chụp hình để thờ. Nhà cửa ở Mỹ cũng lạ hơn ở quê mình. Từ hồi cha mẹ sinh ra, ông thấy chẳng có nhà nào làm cầu tiêu nhà tắm gì ráo. Muốn đi... thì cứ tự động ra ngoài đồng. Muốn tắm thì cứ ra giếng xách nước xối... Ở phố thì cũng giản dị thôi chứ đâu có nhiều chuyện thế nầy! Ở đây mỗi phòng đều có cầu tiêu, buồng tắm, nước nóng nước lạnh, chỉ cần vặn vòi. Nghĩ đến đó ông rùng mình đỏ mặt khi nhớ lại những cảm giác hồi xuân trong phòng tắm ở khách sạn bên Canada với Anna... Ông vội lấy cái bàn chải, vặn nước thật mạnh để xóa những ý nghĩ mơ hồ đang ùa vào trí nhớ. Ông nhìn sàn nhà lót toàn thảm, nhớ lúc mới vừa vô nhà thằng Út, tí nữa là ông tông vào bức tường bằng kiếng trước mặt... Ông bỗng bật cười một mình khi nghĩ đến lúc còn ở phi trường, vào restroom, sau khi làm xong cái việc hàng ngày, ông mò tìm cái cần giật nước mà không thấy. Đứng tần ngần một lúc, khi xoay mình bước đi là hệ thống tự động nó xả ào ào. Với ý nghĩ tại sao mình quê vậy... Ông nhìn vào gương cười ha hả!
Ông lại chép miệng thở dài xấu hổ khi nghĩ tới hôm đến thăm gia đình cha mẹ vợ thằng Út. Đó là ngày chúa nhật, sau khi đến Mỹ được một tuần lễ. Lúc ông và vợ chồng thằng Út đến nhà thì ông Giáo, cha vợ thằng Út đang tắm trên lầu. Bà Giáo tiếp ông ở phòng khách rồi cáo lỗi xuống bếp làm cơm đãi khách. Quang ngồi một mình nhìn tổng quát phòng khách rộng, đèn đóm sáng trưng không phân biệt đâu là vách, đâu là cửa sổ hay tường. Ông Giáo tuy là cha vợ thằng Út, nhưng tuổi thì nhỏ hơn ông... Ông thầm nghĩ, ở Mỹ sao nhà nào cũng sang trọng và rộng thế! Trong lúc đang đứng ngắm chậu hoa lan thì có tiếng động. Ông ngẩng lên thấy một người đàn ông đang đi tới. Quang vội vã chấp tay chào và sắp đưa tay ra bắt thì phía sau có tiếng nói: " Chào anh! tôi ở phía bên nầy mà!" Quang quay lại đụng phải ông suôi đứng phía hông mình. Hóa ra vừa rồi Quang đã chào cái bóng của ông suôi trong gương. Quê quá không biết làm sai, Quang bèn chữa thẹn bằng một tràng cười dã lã: "Nhà anh để kiếng soi mặt làm tường nhiều quá, tôi trông gà hóa cuốc!" Ông Giáo cười đáp lại: "Ở Mỹ là phồn vinh giả tạo mà anh!" Kể từ cái hôm suýt đâm đầu vào gương tại nhà thằng Út, lần thứ hai tại nhà ông Giáo, Quang thấy mình cần phải "võ trang" bằng giác quan hơn nữa chứ không thì...
Đã gần sáu tháng sau cái ngày mười một tháng chín nhớ đời ấy, Quang cũng dần quen với những gì lạ lẫm lần đầu tiếp xúc. Ông cũng thích nghi với hoàn cảnh, theo kịp các phương tiện văn minh và các sinh hoạt hàng ngày... Út Lân cũng đưa ông đi thăm hầu hết các hội đoàn ái hữu trong vùng. Ông cũng không thể nào quên được cái cảm giác đầu tiên sau hai mươi bảy năm đứng dưới lá cờ vàng và hát bài quốc ca. Quang nhớ rất rõ, cái cảm giác lành lạnh chạy dài dọc theo xương sống khi toàn thể mọi người cất tiếng cùng hát. Ông lạnh khắp người, nổi da gà vì những luồng khí vừa lạnh vừa ấm dồn lên ngực, lên tim, bài hát mà tưởng chẳng bao giờ nghe lại thấy lại... Ôi! những kích xúc không tên nhưng mãnh liệt theo về từng hồi ức. Các bạn hữu cùng trang lứa ngày xưa xúm lại hỏi thăm chuyện nhà chuyện quê rối rít... Ông cảm thấy có một cái gì đó như cảnh xuân sống lại trong lòng, hồi tưởng lại hết những kỷ niệm tưởng đã chìm sâu vào quá khứ.
Quang ra khỏi phòng tắm, cuối tháng hai trời còn lạnh, thằng Út đi làm, để máy sưởi với nhiệt độ 70, có lẽ nó sợ ông lạnh. Nhìn căn phòng khách với đầy đủ phương tiện từ sofa, bàn ghế và cây cảnh, nhìn các bức tranh treo trên tường, Quang cảm thấy như có cái gì đó trong ông một sự trống vắng. Nhà rộng thênh thang, phòng nầy nối tiếp phòng kia, sân trước vườn sau đầy hoa và cây cảnh... Nhưng hình như thiếu một cái gì đó. Từ khi ông đến đây, chưa thấy thằng Út giới thiệu ông với hàng xóm láng giềng như ở quê mình. Mà nghĩ cũng lạ, ở quê mình, mỗi khi có người thân quen từ xa đến hay ở hải ngoại về là y như rằng cả xóm, cả khu phố đều biết và đến chúc mừng hay thăm viếng. Hình như hàng xóm láng giềng ở Mỹ không có cái không khí ấy, không có cái tình tự ấy. Nhà nhà đóng cửa im ỉm, tình đồng lân hình như không có trên cái đất giàu có văn minh nầy.
Nghĩ cũng tội nghiệp thằng Út. Qua đây rồi Quang mới thông cảm với nó. Vợ chồng nó làm việc suốt tuần, vợ thì làm ca sáng thức dậy lúc bốn giờ, lái xe trên đoạn đường xa lộ khoảng sáu mươi miles mới đến sở làm. Chồng thì ra khỏi nhà khoảng chín giờ sáng, mang theo đứa con hai tuổi đem gởi nhà bế-bi-sích. Ông theo dõi thấy tụi nó, với đồng lương của hai vợ chồng, tiền bill tiền nước, tiền ga, tiền điện thoại, tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm... Hồi ở quê nhà ông chẳng bao giờ biết được và thấy được những sinh hoạt và đời sống tại Mỹ như thế nào. Ông chỉ nghĩ rằng vợ nó lương sáu chục nghìn một năm, nó thì tám mươi lăm nghìn là giàu qua xá. Ông thử tính ra tiền Việt Nam thì chẳng có một tổng bộ trưởng nào có được số tiền hằng năm như thế! Cho nên nếu ông có viết thư xin nó một ít để cất nhà hay làm vốn thì cũng chẳng có gì quá đáng đối với vợ chồng nó... Nhưng khi mắt thấy tai nghe và theo dỏi, so sánh đồng lương của nó, sau khi trừ thuế và chi phí hàng tháng, ông mới biết rằng, đúng như ông cha ta còn để lại câu: " Làm cho lắm, tắm cũng vẫn ở truồng" hay "Lớn thuyền thì lớn sóng"
Nhà cửa của nó to lớn như thế, mang tiếng là mua với giá mấy trăm nghìn, nhưng là tiền vay trả góp chứ đâu có trả hết một lần như ở Việt Nam. Hồi ông nghe vợ chồng nó mua căn nhà lầu với giá năm trăm nghìn đô, ông lè lưỡi tưởng tượng ra số vàng tương đương thì chẳng thế nào đếm... Út Lân có lần tâm sự với ông:
Anh Hai biết không, ở Mỹ mất job là mất tất cả, nhà băng sẽ tịch thu nhà nếu mình không trả nợ đều hàng tháng. Nhà của mình đang ở, mang tiếng là của mình mua, nhưng chủ thực sự là nhà băng. Ở Việt Nam, tuy ở nhà nhỏ, không có phương tiện nhiều, nhưng là nhà của anh, chính anh làm chủ. Ở Mỹ coi vậy mà toàn là giả tạo...
Nhà cửa to lớn như thế, nhưng vợ chồng và đứa con trai hai tuổi của nó chui vào ở, sinh hoạt và ngủ chỉ mấy tiếng đồng hồ. Tụi nó không kịp ngắm mấy cành hoa phong lan vừa nở, không có thì giờ theo dỏi một phim chiếu trên TV, cũng ít khi coi được trọn cuốn phim từ máy VCR, không có thì giờ ra vườn sau xem đàn cá Koi nhỡn nhơ dưới nước... Chúng nó giống như hai cái máy biết đi làm... Tôi nghiệp thật. Nếu không đến tân nơi để biết rỏ tình trạng gia đình thằng em, ông cứ đinh ninh rằng nó rất giàu. Ông an ũi, dù sao mình ở quê cũng không thiếu nợ như chúa chỗm như vợ chồng nó, không tất bật trước một đống bill phải chi trả hàng tháng. Mình chỉ lo đủ tiền mua gạo và tiền chợ, đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ...
Trên bàn ăn, vợ thằng Út cẩn thận để một tô mì và tờ giấy: "Anh Hai, cho tô mì vô Microwave bấm hai phút, thịt em để sẳn trong tủ lạnh!" Quang mĩm cười bưng tô mì làm theo lời chỉ dẫn. Ông nhớ lại những ngày đầu tiên xử dụng cái máy làm nóng này và những thứ lỉnh kỉnh khác... Ối! Mà rồi cũng quen thôi! Điện thoại reo, ông ngần ngại cầm ống nghe, một tràng tiếng Anh đầu dây bên kia, ông nghe loáng thoáng mau miệng trả lời:
- Ai đông nô!
Nói rồi ông gát ống nghe, chẳng cần biết bên kia đầu dây nói gì thêm. Mở máy làm nóng, lấy tô mì ra bưng đến bàn, vừa lấy đũa trộn mì vừa nhìn ra sau nhà. Mấy đóa hoa hồng mới nở trông thật đẹp. Tiếng vài con quạ kêu chát chúa trên nóc nhà bên cạnh. Thằng Lân đã đưa ông đi chơi Las Vegas mấy ngày, lúc đầu ông rất thích và hãnh diện là mình cũng được trực tiếp đến tham quan thành phố nổi tiếng cờ bạc và toàn ánh điện sáng đủ màu sắc nầy. Nhưng được một ngày thì ông đòi về. Không khí ồn ào nóng bức không thích hợp với ông. Ông chẳng có máu cờ bạc nên những trò giải trí này không hấp dẫn lắm. Thằng em cũng đưa ông đi chơi Disneyland. Ở quê nhà ông thường xem các phim do Disney sản xuất, phim hoạt họa gia đình chuột, chó, voi, sư tử, gấu... Ông thích nhất là con vịt ĐoNal và chú chuột Miky mouse. Bây giờ thì được đứng ngay trong thế giới thần tiên này, được thưởng thức những trò chơi, những cảnh sắc huy hoàng trong từng show, nhất là đợt show cuối với những đợt pháo bông bắn lên trời... Đúng là thế giới thần tiên. Nó cũng đưa ông đi viếng các chùa trong khu vực nhân dịp Tết, toàn là những chùa vĩ đại, Phật cũng vĩ đại, Sư sãi nào cũng đỏ da thắm thịt.
Thứ bảy chúa nhật ông được vợ chồng thằng Út đưa đi chơi các thắng cảnh, thăm viếng bạn bè, người quen. Hầu hết những ngày nó đi làm, Quang cảm thấy như bị bỏ tù trong căn nhà rộng thênh thang vằng vẻ. Tiếng Anh tiếng U bập bẹ không dám đi một mình, điện thoại reo cũng chỉ nói được một câu trước khi cúp máy. Nhớ có lần Quang đi bộ ra đường, leo lên xe bus. Trước khi đi ông đã xem bản đồ. Nhà Út ở gần góc đường Golden West và Trask. Ông ra đứng ở góc Golden West, đón xe theo hướng về phố Bolsa. Đáng lý ông bỏ tiền mua vé và xin chuyển qua xe 64 ở góc Golden West và Bolsa, nhưng ông đâu có biết, nếu biết, nói cũng đâu có ai hiểu, cho nên xuống xe rồi lên xe mua thêm vé khác. Chuyến đi đó ông đi lòng vòng một ngày xuýt nữa là lạc.
Quang nhớ có hôm, hình như đã gần một tháng kể từ khi qua Mỹ. Ông định tự mình tham quan phố Bolsa mà người ta gọi là Little Gaigon, Thủ Đô của người Việt tị nạn. Chú nhật trước đó vợ chồng thằng em cũng đã dẫn ông đi ăn sáng tại một tiệm phở gần khu Phước Lộc Thọ, đi bằng xe hơi, mà tụi nó không có thì giờ đưa ông đi dạo. Sau khi xuống xe bus ở khu Magnolia, ông thong thả đi bộ một vòng. Ở giữa nước Mỹ mà hình như ông đang đứng tại một phố Việt Nam. Tiệm ăn, hàng quán, chợ búa, văn phòng Bác sĩ, Luật sư... Bảng hiệu đều bằng tiếng Việt Nam. Đầu phố cuối phố toàn người Việt Nam, xe cộ chạy trên đường hầu hết là đầu đen da vàng. Ít khi ông gặp người Mỹ đen đi bộ. Mỹ trắng thì thỉnh thoảng mới thấy. Quang ghé vào một khu sầm uất bên trong một chợ mà người ta treo bảng là supermaket, ông sững sờ thấy cả một rừng hàng hóa sắp ngay ngắn. Nào hàng thịt hàng cá, hàng rau quả, hàng tạp hóa, hàng đông lạnh... Người đi mua sắm đông đúc, chen chân nhau. Ông đi một dạo, để ý tìm, những thứ quí hiếm đều có mặt, thượng vàng hạ cám đều có đủ. Khách chỉ cần nhìn bảng giá là lấy bỏ vào xe đẩy đến sắp hàng chờ tính tiền bằng máy. Chẳng thấy ai kì kèo trả giá bớt một thêm hai...
Quang đang chú ý vào gian hàng bánh kẹo và rượu bày đầy trên kệ, thì có tiếng reo:
- Quang phải không? Thuận đây!
Quang quay lại, một bất ngờ kỳ lạ, thằng Thuận, bạn học hồi nhỏ, trước năm Bảy lăm là Đại Úy Nhảy Dù, đi tù gần mười ba năm, qua Mỹ theo diện HO..
- Thuận! Tao mơ hay tỉnh, tưởng là chẳng bao giờ có thể gặp lại mầy!
Vừa nói ông vừa chạy lại ôm chầm lấy Thuận. Hai người nhìn nhau hồi lâu. Những kỷ niệm xa xưa hồi còn đi học với nhau lại hiện về trong ông mãnh liệt. Thuận kéo ông ra khỏi khu chợ, nói:
Đi với tao! Bỏ cái chuyện đi chợ đi búa, kiếm một chỗ ngồi nói chuyện đã... Tao ở rất xa, cách đây gần hai tiếng đồng hồ lái xe. Làm việc cả tuần, cho nên ít đến đây, ít tiếp xúc với đồng hương... Hơn nữa tao cũng chán đời lắm!
Thuận nói một hơi, vừa nói vừa lôi Quang vào một tiệm cà phê mang tên Croissant d’Oré. Lúc nầy tiệm đang đông, khách ngồi cả ngoài hiên. Không khí thật náo nhiệt và ấm cúng. Thuận và Quang chọn một bàn sát trong góc phòng. Vừa gọi hai đĩa bò kho bánh mì, Thuận vừa giới thiệu:
Quán nầy hội tụ toàn dân HO và cựu quân nhân. Chính trị chính em gì cũng có đủ. Nếu mầy có thì giờ ngồi đây chừng một buổi là biết hết thời sự thế giới thượng vàng hạ cám và cả Việt Nam...
Quang nhớ hôm ấy Thuận nói rất nhiều về thời sự, có lẽ nó mừng vì gặp lại bạn cố tri, mừng vì hãng mới cho nó lên lương... Hai người kể cho nhau về cuộc sống riêng và những kỷ niệm. Quang được Thuận giải tỏa một vài thắc mắc mà ngay cả thằng Út Lân cũng không trả lời cho ông thỏa mãn. Đó là lý do tại sao nước Mỹ bị khủng bố. Theo Thuận, người Mỹ xưa nay đem chiến tranh ra khỏi chính quốc và chỉ tham chiến xa lãnh thổ của mình. Họ cũng chưa bao giờ có khái niệm tường tận một cuộc chiến tranh du kích. Vì thế họ cũng chưa học được gì sau kinh nghiệm ở Việt Nam.
Biến cố 911 chỉ là trận mở màn cho một cuộc chiến tranh du kích toàn thế giới. Nước Mỹ đang và sẽ đối diện với một kẻ thù khắp nơi, ngay cả trong lòng đất nước. Không còn nơi nào an toàn cũng chằng có người nào tin cẫn. Mặt trận mới nầy không có chiến trường cụ thể, không có nhân vật cụ thể. Nó không còn là chiến tranh giữa chủ nghĩa Tư Bản và Cộng Sản, nó cũng không còn biên giới... Con người, chính họ sẽ điên cuồng tự nguyện trở thành những trái bom biết di động đến chỗ nào và lúc nào thì nổ. Ôm bom tự sát trở thành cái mode thời đại của những tín đồ Hồi Giáo quá khích! A Phú Hãn chỉ là diện chứ chưa phải là điểm. Rồi đây Hoa Kỳ sẽ mở rộng chiến trường chống khủng bố bằng nhiều hình thức và bất cứ giá nào để hạ Sadam của xứ Iraq. Bin Laden nếu có chết thì cũng phải để cho còn sống và cuộc truy lùng không bao giờ chấm dứt... Cuộc chiến nầy xen giữa chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tôn giáo cưc đoan! Nó nằm ở Trung Đông. Khi nào giải quyết được các tranh chấp vùng Trung Đông thì khi đó mới có biến chuyển. Mà lò lửa Trung Đông thì không bao giờ tắt được khi Palestines và Do Thái vẫn là mối thù truyền kiếp.
Sau cái ngày đau thương ấy, người Mỹ và cả nước Mỹ đều phải nhìn lại chính mình, nhìn lại chính sách cây gậy và củ cà rốt, nhìn lại thái độ trịch thượng vốn có xưa nay của một thằng nhà giàu... Thuận còn nói nhiều về đề tài nầy nhưng Quang đã quên, ông mệt mỏi trở về nhà, trong lúc thằng em đang định gọi điện thoại cho Cảnh sát, báo cáo ông mất tích... Ông nhớ lại gương mặt mừng rỡ của nó khi ông bấm chuông cửa và trở về an toàn...
Pha ly cà phê sữa đậm, kéo ghế ra sân sau ngồi nhâm nhi, nhìn đàn cá Koi bơi lội dưới hồ. Đàn cá thấy có người vội bơi lướt tới, đưa mấy cái mõ to tướng lên khỏi mặt nước đòi ăn... Vài con chim nhỏ đang bay bên cánh hoa hút nhụy. Cảnh vật yên tĩnh và cô đơn. Còn hơn chục ngày nữa là hết hạn sáu tháng, Quang cũng không muốn gia hạn thêm thời gian. Về lại Việt Nam để coi nhà cho tụi nhỏ đi làm. Dầu sao cũng không trống vắng như ở đây. Trong lúc đang loay hoay với những tư tưởng vụn vặt ráp nối nhau trong sáu tháng trời ở Mỹ thì chuông điện thoại reo:
- Alô!
Anh Quang hã! Em đây, Anna đây, anh làm gì đó...
Đang uống cà phê.
Chờ em! Em xuống liền trong vòng nửa tiếng, đi ăn với em nghe, trưa nay em đải anh món dê hầm thuốc bắc.
Không có khách hay sao mà xuống, bỏ tiệm cho ai?
Em giao cho con nhỏ bạn, nhớ anh quá... Cúp nhé, chờ em xuống.
Quang gát điện thoại, ông mĩm cười suy nghĩ mông lung. Nhớ tới thân hình đẫy đà nặng cân của Anna, nhớ đến cái cảnh trong phòng tắm ở khách sạn bên Canada, nhớ đến những cảm giác Anna mang đến cho ông... Quang chợt nghĩ, muốn ở lại Mỹ luôn cũng chẳng khó khăn gì.