Mẹ ừ, mẹ hử, tay Mẹ lần xoa bóp tay con, Mẹ vuốt tóc tôi, mắt Mẹ đỏ hoe... rồi vắng một tuần lại cũng thấy Mẹ lên thăm. Mẹ đâu biết rằng khi con từ giã Mẹ trở vào nhóm là phải vội vàng lên trình diện ban chịu trách để đi lao động ngay, đó là quy luật dành riêng cho người có thăm nuôi trong ngày chúa nhật: tùy theo mùa, “lao động” có khác nhau, khi thì một thúng lúa giống lội trên 6 cây số đường ruộng; khi thì 5 cây chuối cây giống cao khoảng hơn thước; khi thì một bó đầu khóm giống. Thúng lúa giống một giạ tuy có nặng nề, vậy mà dễ di chuyển vì khi thấy mệt, tù cứ để xuống nghỉ, thời gian di chuyển không bắt buộc nhưng tù nào cũng muốn xong về sớm đề sắp xếp đồ thăm nuôi; 5 cây chuối mới là nan giải , thường thì tù dùng dây kết lại làm bè, rồi cứ dọc theo bờ kinh mà kéo tới khúc lộ, đoạn ôm từng cây băng qua, ra tới nơi, đào lỗ trồng 5 cây xong mới được về. Sau đó, tên chịu trách còn đến xem xét từng... cây coi có bị bầm dập gì không (xem cây chứ không phải xem người vì người đã bầm sẵn rồi có dập thêm thì chúng càng mừng thôi); Với đầu khóm giống càng khổ hơn vì tuy nó không nặng nhưng gai góc, nếu vác vai thì gai đâm cổ, ôm ngang eo thì làm sao đi, cách nào thì cũng bị gai quào xước cả người.
Mới mười tám tháng xa nhà mà lòng tôi đã thấy nhớ lắm. Lúc ở đơn vị, dù là đơn vị tổng trừ bị luôn phải rày đây mai đó, nhưng mỗi khi thấy nhớ nhà thì dù cho cắm trại... 200% đi nữa, tôi muốn về là tôi về, không có đơn vị trưởng hay quân cảnh nào cản ngăn tôi được, dù biết về thăm Mẹ xong trở lại là... chịu phạt. Bây giờ Mẹ tôi ngồi đó, rất muốn ôm hôn Mẹ mà không làm sao hôn được.
Mất Nước là mất tất cả, tôi bây giờ là thằng hàng binh, nhục ơi là nhục, đánh đấm kiểu nào mà phải buông súng đầu hàng! Không! Trăm lần không! Ngàn lần không! Cá nhân tôi không đầu hàng mà tôi bị bắt buộc ở trong “tập thể đầu hàng”.
Ngày còn ở trại cải tạo Huyện Tây, mỗi nửa tháng được cho thăm nuôi một lần, tù bên trong nhìn rõ thân nhân từ ngoài đường di chuyển về hướng cổng trại. Ðã có lần máu tôi chợt nóng lên, mắt tôi như tóe lửa, khi nhìn thấy cảnh Mẹ tôi hai tay xách đầy hai giỏ, nặng lầm lũi bước vào cổng trại bị một thằng võ trang dùng mũi súng gạt ngang làm Mẹ hoảng hốt chao người, mất thăng bằng suýt té, hai tay tôi đã nắm chặt lại trong niềm tức giận, Mẹ ơi! Con trai Mẹ hèn quá! Mẹ ơi! Hoàn cảnh nào đã biến con trai Mẹ thành thằng hèn. Mẹ ơi! chắc Mẹ vẫn biết thằng con trai út của Mẹ có một trí nhớ rất tốt, cả đời nó sẽ không bao giờ quên hình ảnh Mẹ mình lảo đảo trước sắt thép của kẻ thù
Mưa vẫn trải đều hột, chưa có dấu hiệu gì sắp ngớt, bầu trời vẫn một màu đen kịt, thỉnh thoảng chớp nháng sáng trời, sấm động gầm gừ rền vang, gió vẫn xoáy lốc từng cơn -Mưa quá làm sao hút thuốc Mỏng, mầy đói bụng chưa?
Tiếng của Trầm làm tôi quay về với thực tại, Trầm đã ngâm mình xuống nước không biết lúc nào và đang ngồi phía sau tôi, thấy tôi ngoáy đầu nhìn lại, nó nhe răng cười, da mặt nó đã tái xanh dù nắng gió đồng Tháp Mười đã biến tù thành ông táo Tàu từ lâu. Người tôi run lên từng đợt, tôi vuốt mặt mấy cái: - Lạnh quá Trầm ơi, tao chịu hết muốn nổi rồi, chút về mày cạo gió giùm tao nha Trầm. Ðói bụng quá mà mưa như vầy làm sao mà ăn, tao cũng thèm thuốc lắm rồi, mưa điệu nầy tới chiều chưa dứt. Mà tại sao lần nầy tụi chịu trách cho thu quân trễ quá vậy?
Mắt tôi thấy nằng nặng với cái lạnh, đói, lại còn buồn ngủ nữa, tôi bỗng như thấy lại hình ảnh một buổi trưa tại trại Huyện Tây: vì buổi sáng Mẹ đã vào thăm, buổi chiều tôi yên chí nằm trong phòng, ai ngờ tôi đã rất ngạc nhiên khi được gọi tên ra thăm nuôi. Mặc vội bộ bà ba đen Xây Dựng Nông Thôn, tôi ào ra cổng trai, mắt mở to đầy ngạc nhiên lẫn thích thú "Mắt Nâu"! Trời ơi Mắt Nâu của tôi lặn lội từ Sài Gòn xuống thăm tôi, đi chung với Mắt Nâu còn có Khưu thị Tuyết Mai, cũng bạn chung lớp năm Nhiệm Ý, ban Việt. Theo phản ứng tự nhiên tôi chồm tới định nắm tay, nhưng tôi kịp "thắng" lại, vì tôi đã tự biết tôi là ai. Tôi đâu còn là sĩ quan ở trại Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đài phát thanh Sài Gòn nữa mà mừng vui khi thấy Mắt Nâu vào trại thăm tôi như những ngày còn trong đơn vị. Ở đây là “trại cải tạo”, một lối nói văn vẻ thay cho trại tù hay khám đường .... -Ê, Bảy Quế đang nói gì với mấy nhóm trưởng kìa Mỏng. Không chừng thu quân đó mày. Tôi đang mơ màng nhớ lại những hình ảnh đã qua thì giọng thằng Trầm một lần nữa lại đưa tôi về thực tại, hai hàm răng tôi đánh vào nhau nghe cồm cộp, tiếng tôi run run đứt khoảng: -Về là phải rồi ...mưa như vầy mà còn đào gì nữa.
Tôi đứng thẳng người lên, cơn gió xoáy ngang làm tôi lảo đảo suýt té, ngồi lâu quá chân bị tê, bây giờ gió mưa lại đập vào người làm tôi run lên. -Rán đi Mỏng, chắc về thiệt. Mày lấy tấm nylon của tao quấn đỡ, về tao cạo gió cho mày.
Thằng Trầm an ủi tôi. Chú Tư Hiếu, nhóm trưởng, khoát tay ra hiệu tập họp, tôi run rẩy chạy lúp xúp theo Trầm về vị trí xếp hàng, anh em bạn tù người nào cũng loi ngoi như chuột lột, mặt mày xanh xao, đứng co ro. Bảy Quế điểm danh xong toán nào là cho toán đó về, anh em rẽ nước, băng đồng... Mưa vẫn không ngớt hột, chúng tôi vừa đói, vừa lạnh trong khi nước lên ngang rún, phải lội hơn cây số mới ra tới bờ lộ cái, anh em rủ nhau chạy cho... đỡ lạnh -Rán chạy lẹ Mỏng, tới quán mua mấy củ mì ăn đỡ đói với hút điếu thuốc cho ấm lòng.
Thằng Trầm run giọng nói với tôi. Rồi đám tù cũng về tới trước cổng trại, hôm nay không có anh em nào xuống kinh tắm như thường lệ mà tự động xếp hàng chờ điểm số để nhập trại. Gió vẫn vù vù thổi, chớp vẫn nháng sáng trời, có lẽ đã hơn 2 giờ trưa, tôi thấy trong người khó chịu, vào phòng thay áo quần khô xong tôi vạch lưng cho Trầm cạo gió, nó xin chút dầu lửa và dùng cái muỗng cạo lưng cho tôi. -Mầy bị trúng gió rồi Mỏng, mới cạo sơ mà đã thấy tím bầm ...
Tôi cũng không màng ăn cơm chiều, trùm mền nằm thiếp luôn cho tới kẻng điểm danh tối mới ráng ngồi dậy, thấy nặng đầu và mình mẩy nóng hực, tôi đứng lên mà lảo đảo suýt ngã... -Anh Ðẹp báo cáo giùm, tôi nóng quá, lại chóng mặt, không ra điểm số được. Tôi gượng nói với Ðẹp trưởng nhóm, xong ngã ra. Tôi nằm mê man cả hai ngày, chỉ uống chút nước do người bạn tù nào đó cũng bệnh nghỉ ở nhà như tôi mớm cho. Mấy viên thuốc ABC mang theo, tôi cố gắng uống mỗi ngày 4 viên, buổi tan tầm thằng Trầm đi lao động về nấu cho tôi soong cháo, nhưng tôi cũng chỉ ăn được vài muỗng vì miệng mồm đắng nghét. Thằng Trầm an ủi tôi : - Mầy phải rán uống thuốc và ăn nhiều cháo mới có sức mà hết bệnh được. - Miệng đắng quá, tao thèm uống nước chanh Trầm ơi, tay chân tao như rã rời, cử động hết muốn nổi. Tôi gượng cười: ” Không biết tao qua khỏi con trăng này không”.
Tôi thiếp đi nhiều hơn tỉnh, nhiều đêm thức giấc, tôi nhớ Mẹ vô cùng, từ nhỏ sống cạnh kề Mẹ, tôi ít khi bệnh; vào quân trường cũng thế, ai sao tôi vậy, chín tháng quân trường, ngay cả trong thời gian huấn nhục tôi chưa từng bị xỉu; cũng từng dầm mưa dãi nắng khi ra đơn vị; cũng ngủ bờ, ngủ bụi, nhất là trên con đường máu 7B di tản từ Pleiku về đến Bình Tuy, biết bao nhiêu là gian hiểm tôi đều vượt qua được, không lẽ trong cảnh tù đày như vầy mà lại... Tôi không dám nghĩ tiếp, nhưng có lẽ vì quá tủi thân, nước mắt tuôn trào ướt cả má. Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn, phải chi mình chết bờ, chết bụi trên con lộ 7B cho rồi đở phải cực thân như bây giờ.; nhưng rồi tôi cũng lại nghĩ: “Sông có khúc, người có lúc” mình phải ráng sống , sống để có ngày nhìn thấy toàn dân đứng lên xé nát lá cờ sao.
Tình trạng cứ thế kéo dài đến mươi ngày tôi mới dần tỉnh. Trầm đi lao động về, cùng với thằng Quang Phục Quốc, ngày ngày vẫn nấu và mang đến chỗ nằm cho tôi từng chén cháo. Tôi ăn được nửa chén, rồi một chén... Những chén cháo có được là nhờ từ những buổi lao động may mắn gặp được đất mềm, tụi nó đào xong sớm, rảnh tay bắt con cá, con tôm; ngang đồng nhổ nắm rau đắng đất về nấu cháo cho tôi, Ôi! Trong hoàn cảnh không có người thân mà được bạn tù chăm sóc, lòng tôi cảm động lắm! Tôi cũng tự mình cố gắng đi ra, đi vào, phơi nắng buổi sáng, gần một tháng trời mới tương đối bình phục. Một hôm thằng Trầm về sớm nấu cho tôi một soong nước, nó ra phía sau pha nước cho tôi tắm, đã lâu mới cởi áo quần, tôi thầy người tôi toàn là xương, tắm mát mẻ, hòm đất đóng lâu ngày phải kỳ cọ thật lâu; buổi tối thằng Trầm pha gô nước trà có mấy miếng kẹo đậu phọng, mời một số bạn bè trong nhóm đến uống trà mừng... tôi hết bệnh. Tuy trong mình thấy nhẹ nhàng nhưng tôi cảm thấy còn yếu lắm bởi ăn cháo suốt gần cả tháng.
Rồi tôi bị chuyển qua nhiều trại tù, riêng trại Mỹ Phước Tây tôi ở gần 12 tháng. Một thời gian rất ngắn so với tuổi tù của tôi, nhưng tôi nhớ trại nầy nhiều nhất. Mỹ Phước Tây trong lòng tôi vẫn là ... địa ngục trần gian bởi chế độ lao động quá nặng nề và cai tù đánh đập tù quá tàn nhẫn. Anh Thiếu Tá Huề kiệt sức chết ở đây, anh Ðại úy Lành (giáo phái Hoà hảo) bị tụi cán bộ dàn cảnh bắn chết phía sau trại, anh trung sĩ Gương, cảnh sát, bị võ trang nhắm thử... súng bắn chết... người thật trong lúc lao động đào kinh. Còn biết bao nhiêu anh em tù bị chết vì mìn bẫy trong lúc cuốc đất trồng hoa màu, bao nhiêu anh em vượt trai bị bắt lại bị đánh mềm như bột, thân thể tươm máu còn bị trói ké, bỏ nằm dưới cột cờ phơi nắng, trình điễn cho anh em tù đến coi. Ba người bạn cùng nhóm: Sàng, Bi và Nguyễn Thanh Quang (trung úy Không Quân) và Ðại úy Triệu, tỉnh đoàn trưởng, tỉnh đoàn Xây Dựng NôngThôn, Gò Công vượt thoát được.
x x x
Nhiều năm đã trôi qua, bây giờ nơi đất tạm dung, mỗi khi tan ca về gặp phải trời mưa, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ tới những cơn mưa Ðồng Tháp. Trầm qua Mỹ theo diện HO 15 bây giờ ở đâu? Ðại úy Triệu vượt thoát tới bến bờ tự do hình như đã qua đời vì bệnh? Còn Quang, Sàng ,Bi... bây giờ các bạn ở đâu? Tôi hy vọng trái đất vẫn tròn, có như vậy mình mới mong có cơ duyên gặp lại những người bạn đồng cảnh ngộ ngày xưa.
Nếu không có ngày của tháng Tư đen, tôi sẽ không bao giờ hiểu được sự thâm ác của người cộng sản. Một ngày nào đó tôi sẽ về thăm lại quê hương, tôi sẽ tìm thăm lại con lộ 7B mà tôi đã bước chân đi qua, một đoạn đường đầy máu và nước mắt mà người chết đi cũng chưa hiểu tại sao phải bỏ quân đoàn 2, đoạn đường mà xác người chết bị đạn hất tung hai ba lần như trong một bản nhạc của người họ Trịnh đã viết. Tôi sẽ thăm lại Ðồng Tháp Mười, thăm những con kênh xẻ ngang dọc như bàn cờ mà ở đó ngày ngày tôi đều bị đỉa hút... máu, người... hút hết sinh lực; ở đó tay chân tôi đã phải lao động khổ sai, tai mắt tôi đã phải luôn nghe và chứng kiến những lời chửi mắng của bọn chịu trách, cai tù.
Tôi có thực hiện được điều mà lòng tôi mong muốn không? Sẽ được thôi, nếu tôi tin tưởng cờ vàng rồi sẽ bay trở lại trên suốt dải đất quê hương ...vào một ngày không xa lắm! Viết Tại KỲ ÐÀ ÐỘNG, Quý Xuân 2003 Thuỷ Lan Vi