Anh Quân gặp tôi buồn bã ngồi một mình ngoài quán nước bên sông chờ người tôi yêu. Niềm cô đơn của tôi làm anh động lòng: - Em chờ Duy hả? Tôi gật đầu: - Dạ. Mấy hôm nay không thấy anh ấy. Em tưởng là anh ấy tới gặp các bạn ở đây. Anh Quân thở dài: - Nó không nói cho em biết gì sao? - Biết gì anh? Anh Quân trầm ngâm: - Đáng lẽ thì anh cũng không nên nói, vì anh cũng chẳng biết gì nhiều. Anh hạ thấp giọng nhìn vào đôi mắt mở lớn của tôi: - Duy là nhân viên của lực lượng đặc biệt hoạt động ban đêm ngoài biển Bắc. Những hôm tối trời là những đêm nó thường phải đi công tác. Anh chỉ biết có thế, nhưng thường nó chỉ đi đêm, không biết tại sao mấy hôm nay không thấy nó. Hay là … Quân thẫn thờ ngừng nói, bàn tay tôi run lên và nước mắt tôi ứa ra lưng tròng: - Em qua bên kia sông, tới căn cứ của anh ấy để hỏi thăm. Quân can: - Đừng! Ở đó tên nó không còn là Duy, và dù thế nào đi nữa người ta cũng không nói cho em biết đâu. Tôi oà lên khóc. Anh Quân ôm vai tôi dỗ dành, và đưa tôi về nhà. Mẹ tôi nhìn tôi xót xa, lắc đầu thở dài: - Đời loạn lạc, yêu làm gì cho khổ! Tôi bỏ ăn trốn trong phòng nằm vùi, nghĩ đến anh là nước mắt tôi lại ứa ra. Tôi bỏ dạy, sống vật vờ như thế cho đến buổi chiều tôi chợt nghe tiếng anh lao xao bên ngoài. Tôi chạy vụt ra khỏi phòng, ôm lấy anh khóc như mưa. Anh không nói, chỉ nâng đầu tôi, hôn lên những dòng nuớc mắt chảy dài. Khi cơn nức nở đã dịu xuống tôi mím môi, dùng cả hai nắm tay đấm vào ngực anh liên hồi: - Em ghét anh! Đi đâu không cho em biết. Làm em tưởng … Tôi lại bật lên khóc. Anh nhẹ thở dài, ôm tôi dỗ dành: - Nín đi em. Bất ngờ anh phải tham dự một lớp huấn luyện ở ngoài khơi, không kịp báo cho em. Giá mà nhà có điện thoại … Thôi, ra đây anh lau mặt cho. Tôi dụi đầu vào ngực áo anh: - Không! Bộ em xấu lắm sao? Anh mỉm cười: - Chưa bao giờ anh thấy em dễ thương như bây giờ. Chúng tôi ngồi xuống bên nhau ở đầu hè. Anh phân trần với tôi, giọng anh thoáng buồn: - Anh không cho em biết về cuộc sống hiện tại của anh vì biết là em sẽ lo lắng cho anh. Thực ra thì công tác của anh, dù ở trong lòng địch, cũng không nguy hiểm hơn những chuyến tuần tiễu trên sông rạch miền Nam của bạn bè anh. Anh ra ngoài đó ban đêm, đổ toán biệt kích lên bờ hoặc bắn phá các đài radar xong là ra về liền. Tàu của anh chạy nhanh và tối tân hơn chiến hạm ngoài đó. Họ chạy theo không kịp nên không có gì đáng lo sợ. Tôi vẫn chưa yên lòng: - Có ai bị thương hay … Tôi không dám nói hết câu nhưng anh hiểu là tôi muốn biết có ai tử trận ngoài đó không. Hình như anh chỉ nói cho tôi yên lòng: - Có vài đụng độ nhỏ, thiệt hại không đáng kể. Chiến tranh mà em. Tôi bâng khuâng: - Tại sao anh lại chọn đời sống này? Anh lại thở dài: - Anh may mắn được xuất ngoại ngay sau đi tốt nghiệp. Em biết là anh rất yêu đời sống sông nước, và rất hãnh diện được là người đi biển. Nhưng ra khỏi VN mới thấy sự kém cỏi của mình, anh băn khoăn cho thân phận và mang một nỗi buồn, mà người ta gọi là nỗi buồn nhược tiểu. Thú thật với em là anh đi tìm một cảm giác mạnh, tìm một nếp sống mới, và anh gia nhập lực lượng đặc biệt, làm người nay ở mai về để quên nỗi băn khoăn.
Anh ngừng nói, mắt anh nhìn xa xăm, đưa tay tìm bao thuốc trong túi áo. Tôi dưạ đầu vào vai anh. Tôi không khóc nữa, và nỗi buồn cũng đã lắng đọng, chỉ còn một niềm xót xa dịu dàng. Bây giờ tôi hiểu anh hơn, biết tại sao mắt anh buồn, và tôi yêu anh hơn. Tôi gọi nhỏ: - Anh! - Anh nghe. - Anh Quân nói ở bên căn cứ người ta không biết Trung-Úy Duy là ai. Nếu có chuyện gì em làm sao em tìm được anh? Anh ngần ngừ: - Em hỏi ông … Bột. Lê Văn Bột. Tôi tưởng anh nói đùa cho vui, nhưng không, mắt anh vẫn nhìn xa xăm, điếu thuốc trên môi anh vẫn cháy đỏ, và vòng tay anh ôm tôi thật dịu dàng.
Những buổi chiều sau đó khi chia tay anh ở bến phà cho anh trở lại căn cứ đi công tác tôi mang mang trong lòng một nỗi buồn ly biệt. Tôi hay giật mình thức giấc giữa đêm, thao thức nhớ tới anh, và lóng ngóng buổi sáng chờ anh về để được chúi đầu vào ngực anh, dấu đôi mắt mờ đi vì nhớ thương.
Bố mẹ đều biết là Duy và tôi rất yêu thương nhau nên cũng tán thành. Mẹ nói cuối năm chị Huệ và anh Quân thành hôn xong sẽ tính chuyện cho tôi. Tôi vừa vui mừng vừa hồi hộp. Đời sống của anh như thế làm sao tôi yên lòng, và anh nữa, có bao giờ anh nghĩ tới một ngày ở mãi một bến sông? Thỉnh thoảng tôi có nói với anh về những ước mơ nhỏ nhoi, một nơi thật bình yên cho những người yêu nhau, một nơi mà chúng tôi không có những ngày chờ trông. Anh ngồi nghe, mỉm cuời nhưng đôi mắt vẫn buồn. Có một lần thấy anh ngồi yên lặng quá lâu nên tôi hỏi anh đang nghĩ gì. Anh nhìn tôi ngập ngừng: - Em biết không, anh đi tìm quên nỗi buồn thân phận, nhưng không ngờ lại gặp những nỗi buồn chua xót hơn. Đêm qua người ta mang xác Liêm về, em nhớ Liêm không? Có lần anh ta tới đây với anh. Liêm và anh đã từng tâm sự với nhau về nếp sống này. Đã đành rằng chiến tranh là tàn ác, nhưng để bảo vệ sự bí mật và an toàn của lực lương người ta thà giết chứ không tha, không bỏ qua cho cả những ngư dân vô tội không may lọt vào vòng giao tranh. Cũng như anh, Liêm ray rứt vì sự tàn ác của chiến tranh và những việc bọn anh đang làm nên đã xin ra khỏi lực lượng. Anh đốt điếu thuốc, hững hờ cầm giữa hai ngón tay: - Đêm qua là chuyến công tác cuối cùng của Liêm. Biển đông mạnh, tàu của Liêm bị giạt ra khỏi đội hình trong lúc im lặng vô tuyến trong vùng biển Bắc nên bị nhận lầm là tàu địch. Quả đạn đại bác từ tàu anh bắn sang đã giết chết ngay Liêm và vài người của thủy thủ đoàn. Ánh sáng của quả đạn loé lên cho bọn anh nhận ra mình đã lầm, nhưng cũng đã quá muộn. Mang xác bạn về anh chỉ muốn chết. Nếu quả đạn đó bắn vào anh thì đâu anh có đau đớn như lúc này. Anh ngừng nói, nuớc mắt anh ứa ra chảy dài. Tôi ôm lấy anh, tôi cũng khóc, nhưng không biết nói một lời nào để an ủi anh. Khi xúc động đã lắng xuống, anh vuốt tóc tôi nhẹ nhàng: - Nhu em. Anh đã quyết định. Vài tháng nữa hết hợp đồng anh sẽ trở về Sài Gòn. Anh phải tìm một con đường khác cho thân phận hèn kém của mình. Anh sẽ trở lại Hoa Kỳ học tiếp, học lên cao, rồi về nước làm việc trong ngành huấn luyện hoặc kỹ thuật chứ không thể mãi mãi đi tìm quên trong chiến tranh. Tôi hốt hoảng: - Anh bỏ em sao? Anh … anh … Tôi bật lên khóc, anh ôm tôi nhỏ nhẹ: - Không, chúng mình tạm thời xa nhau ít lâu thôi. Chúng mình còn quá trẻ để lập gia đình, nhưng anh sẽ xin với bố mẹ để chúng mình làm đám hỏi. Vài năm nữa cũng chưa muộn. Lúc ấy chúng mình sẽ có một tương lai yên lành và vững chắc hơn. Em bằng lòng nhé. Anh phải đi dù rằng anh rất yêu và không muốn xa em.
Tôi vẫn khóc, dựa đầu vào vai anh, mặc cho anh vuốt ve dỗ dành. Mười chín tuổi, tình yêu đầu đời, tôi không muốn xa người tôi yêu, dù chỉ một ngày, nhưng tôi biết là tôi không giữ được anh nên dù rất buồn tôi vẫn nghe những lời khuyên nhủ dịu dàng của anh. Bố mẹ tôi không đồng ý cho chúng tôi làm đám hỏi. Mẹ tôi cương quyết: - Các con làm đám cưới ngay thì mẹ bằng lòng. Làm đám hỏi xong rồi thằng Duy bỏ đi biền biệt, không biết rõ đi đâu, không biết chắc ngày về thì có khác gì chết rồi. Không, mẹ không bằng lòng. Không những mẹ không bằng lòng cho chúng tôi làm đám hỏi mà còn cắt đứt tình yêu của chúng tôi, cấm tôi gặp Duy, và không cho phép anh tới nhà. Duy cúi đầu chịu đựng, và vì tự ái nên không bao giờ ngỏ lời năn nỉ, mặc dù cả hai chúng tôi đều rất buồn. Tôi biết là Duy rất yêu tôi nhưng đặt sự nghiệp trên tình yêu, tìm một con đường cho tương lai nên dù có chút tủi thân nhưng không bao giờ tôi giận anh. Đêm cuối cùng trước khi anh rời Đà Nẵng, tôi trốn nhà tới khách sạn ở với anh một đêm. Tôi muốn cho anh hết, “anh giữ cho em, em không giữ được” vì tôi biết có lẽ không bao giờ tôi gặp lại anh. Anh ôm tôi nhưng cũng như bao lần trước, anh dừng lại ở chiếc khuy áo cuối cùng, và tôi vẫn còn là con gái khi tôi lấy chồng một năm sau đó, khi nghe tin Duy đã rời Việt Nam.
Tôi nghe tiếng cười khúc khích của Trinh nên giật mình, đưa mắt nhìn sang. Trinh tiếp tục cười: - Chị coi cái joke này funny chưa. Em đọc chị nghe nhé: Một người đàn ông buồn rầu vì không biết mình bỏ quên cái mũ đắt tiền ở đâu. Anh ta lang thang vào nhà thờ, gặp đúng lúc cha xứ đang giảng về 10 điều răn. Khi cha xứ nói đến đoạn con người không nên ngoại tình thì anh ta đứng bật dậy lầm bầm: “Vậy là mình nhớ ra đã bỏ quên cái nón ở đâu rồi.” Tôi bật cười: - Ông này đúng là đa đoan! - Hì hì. Ai cũng vậy chị ơi. Đàn bà chúng mình còn “đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo” cơ mà. Đàn ông thì ‘dăm bảy mối tình’ là chuyện thường. Bộ anh nhà ‘ngoan’ lắm hả. - Tôi cũng chẳng biết. Nhưng chắc cũng chẳng ngoan lắm. Còn ông xã của cô? - Ối giời ơi, khi mới quen nhau em tưởng ông ấy hiền lành đạo mạo lắm, ai ngờ sống với nhau mấy chục năm mới biết. Một hôm ‘chàng’ thủ thỉ kể những chuyện tình xưa cho em nghe. Đếm trên đầu ngón tay không hết chị à. Tôi ngạc nhiên: - Thế cô không ghen sao? - Ồ chuyện xưa mà ăn thua gì. Với lại khi lấy lính thủy mẹ em đã cảnh cáo rồi. Tôi tần ngần: - Chồng cô là sĩ quan Hải Quân hả? - Dạ. Nghe anh ấy kể về những mối tình xưa em thương những người yêu cũ của anh ấy, và thương cả anh ấy hơn chứ không ghen. Hoàn cảnh mà, chứ đâu ai muốn xa nhau. Hôm anh ấy kể cho em nghe mối tình ngoài Đà Nẵng, mặt anh ấy thật buồn, em cũng hơi tức, muốn cắn cho anh ấy một cái nhưng cũng thấy thương chị gì đó quá trời. Lại một sự trùng hợp nữa, tôi nghĩ thầm. Miệng Trinh vẫn cười thật tươi: - Chị biết Tiên Sa là chỗ nào không? Nghe nhà em kể chuyện nhưng em chẳng biết nó ở đâu, hỏi anh ấy thì lúc đó ‘chàng’ như người trên mây, chắc là đang nhớ về người xưa, em đá mấy cái vào chân vẫn cứ trơ ra! Trinh vẫn cười, nhưng cổ họng tôi khô lại: - Tiên Sa ư? Bán đảo đó ở bên kia sông Hàn của thành phố Đà Nẵng. Tôi có … ông anh họ một thời làm việc tại đó. - Cũng Hải Quân hả chị? Anh ấy tên gì? Tôi nuốt nước bọt, cố nghĩ ra một cái tên: - Quân. Hình như là Vũ Quân. - Ông chồng em tên Duy, hồi ở ngoài đó còn có tên là Bột. Không chừng hai người biết nhau. Tim tôi đập mạnh, tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn: - Có thể lắm. Em … - bỗng dưng tôi thấy thân thiết với người đàn bà cởi mở này - vợ chồng em thật là dễ thương. Bao giờ em trở lại San Jose? - Mai em trở lại Irvine. Mốt về lại San Jose. Nhưng chưa biết chắc. Nếu ông chồng em không nhớ biển, đi chơi xa đâu đó với bạn bè. Tôi thở ra nhè nhẹ, cố gắng giữ cho lòng bình thản và tiếng nói tự nhiên: - Mấy ông lính thủy thì nhiều tật lắm. Ông anh họ tôi hút thuốc liên tục. Ông xã em có còn, à quên, ông xã em có hút thuốc không? - Hì hì. ‘Chàng’ hút như đầu máy xe lửa, nhưng từ ngày lấy em, em chê hôi nên bỏ dần. Bây giờ hết rồi. Thỉnh thoảng mang ống pipe ra, ngậm lên miệng cho đỡ nhớ thôi.
Tôi cố ngăn niềm xúc động: - Ông xã em phải thật tình yêu em lắm nên mới làm vậy. Bao nhiêu cuộc tình rồi mới chọn em! Trinh gật đầu: - Em biết. Duyên số mà chị. Tôi cũng gật đầu: - Đúng thế đó em. Có duyên mà không có nợ thì cũng đành. Tôi nhìn ra cửa sổ, cố ngăn cho nước mắt khỏi ứa ra. Bao nhiêu năm không gặp, bây giờ nghe tin anh. Em làm gì bây giờ hả anh yêu? Anh vẫn còn kể chuyện chúng mình, anh còn nhớ em ư? Em cũng đâu đã quên, nhưng mà thôi … cám ơn anh … “đời chia như nhánh sông”. Mong anh giữ gìn sức khoẻ nhé anh yêu. Xe lửa kéo một hồi còi báo hiệu đã tới một ga xép gần San Diego. Tôi hít một hơi thở thật dài, quay lại nhìn Trinh nói thật nhanh: - Tôi chợt nhớ ra là cần phải xuống chỗ này mua mấy món đồ rồi sẽ gọi con tôi mang xe tới đón. Rất vui được gặp em. Chúc em đi chơi vui vẻ. Trinh còn ngơ ngác, và xe lửa vừa ngừng là tôi đã ra khỏi toa tàu, rảo bước về phía toa xe cuối cùng. Tôi sợ Trinh sẽ xin số điện thoại của tôi. Tôi sợ tôi sẽ mềm lòng, muốn gặp lại anh để rồi thêm ngỡ ngàng. Khi chắc chắn là Trinh không còn thấy tôi nữa tôi mới đi chậm lại, tìm đường ra khỏi sân ga. Trời hôm nay gió nhẹ, mây xám vương trên đỉnh núi, mịt mờ như những ngày trở gió nơi bến sông khi tôi đưa tiễn anh. Anh, vĩnh biệt anh. Lúc nào em cũng nhớ thương anh. Mắt tôi mờ đi nhưng tôi cũng chẳng buồn đưa tay dụi mắt, chỉ cúi đầu lặng lẽ đi trong phố vắng không người.