Ba năm sau. Mùa đông. Lần này anh đến thăm chị không phải ở chung cư thê thảm được chống đỡ bằng ống nước, dây phơi mà đến nhà chồng chị. Dù đang mặc áo khoác dày thế mà thoáng một cái, anh hỏi: "Em sắp sinh?". Chị cười ngượng nghịu, gật đầu. "Trông em thế nào ấy nhỉ? Cứ như ai ấy, lạ lắm". "Anh thấy em giống ai?", chị cúi cúi giấu khuôn mặt to sù, lông mi lông mày trắng phớ ra. "Giống... bà ngoại em", anh cười. Rồi chợt tắt ngay: "Bụng em to thế này, đi thăm bà với anh chắc khó". "Em đi được", chị hào hứng. Bất Bạt chiều cuối đông xám xịt. Những bia mộ co ro đứng dưới mưa phùn. Trời đất giao nhau sũng nước. Vài đứa trẻ còn loanh quanh mời chào anh chị quét lại sơn, nhổ tí cỏ. Anh phát cho mỗi thằng một nghìn, nói nhỏ: "Cút"! Thoáng cái chỉ còn những ngọn đồi thoai thoải, những tấm bia nhấp nhô trên nền những lùm cây xa xôi. "Nếu bà không ngã cầu thang, bà phải sống trăm tuổi". Vừa thắp hương, anh vừa lầu bầu như trách móc bà. Khói hương đặc quánh trong làn mưa lạnh lây phây, thơm nồng nàn, nhức nhối. Chợt ngẩng nhìn chị đang cúi cạnh, xếp những đồ lễ ra đĩa, đặt ngay ngắn lên mộ: "Làm việc này để được gì? Bà trèo lên gác xép ở để được gì? Được căn phòng của bà rộng cho cháu ngoại bà có góc học tập. Đấy là bà nghĩ thế chứ. Nó có cần học đâu? Còn bà thì ngã cầu thang và chết". Chị vẫn im lặng. Một cơn gió thốc quạ Những làn mưa nhỏ chéo xiên kéo theo luồng khói hương tạt sang phủ lấy ngôi mộ bên cạnh. Chị đưa anh bó hương vừa đốt, nói: "Anh thắp hương cho hàng xóm của bà đi. Có họ, bà đỡ buồn". Anh lúi cúi bên các tấm bia. Đất chật, người đông. Khói hương làm góc nghĩa trang ấm hẳn lên. Chị nhìn anh. Bụng bắt đầu có mỡ. Tóc cắt cao. Dù trời sầm sì cũng không làm da anh tái. Môi đỏ. Và thơm. Đứng bên cạnh chị, anh phân trần: "Bà chỉ thích mỗi chả rươi. Anh chẳng biết mua cho bà cái gì. Thôi cứ gửi tiền bà tiêu". Đống lửa hóa mã bùng cháy dữ dội. Thỉnh thoảng một tay lửa bứt ra, bay lên rồi tắt ngấm.
Bữa cơm buổi chiều ở nhà chị. Có đĩa rau muống luộc lẫn rau rút. Đĩa đậu phụ rán tẩm hành và những con cá cơm khô rán, bát muối vừng. Anh không nhai mà nuốt chửng. Nước rau đánh me trong trong, vàng vàng anh chan hết veo. Bát cà không còn một quả. "Cậu mà bắt nạt cô ấy, tôi giết". Anh cảm ơn chồng chị - người đàn ông đạt một cách tương đối mọi tiêu chuẩn - bằng nụ cười kèm ánh mắt hăm dọa. Chồng chị hiền lành: "Ai mà bắt nạt được em anh", rồi bưng chiếc mâm tất cả bát đũa đều sạch bong đi. Để một gói tiền ra bàn, trong một chiếc phong bì dài, anh ngượng ngùng: "Em cầm chi tiêu cho cháu. Lúc em sinh cháu, chắc anh vẫn ở bên kia". Chồng chị giãy nảy lên: "Lần nào bác về cũng cho quà. Qùa bọn em xin, chứ tiền không dám nhận đâu". Anh lừ mắt. Từ ngày biết anh, yêu anh, rồi coi anh như một người tri âm tri kỷ, lần đầu tiên chị thấy anh mắt sắc lạnh như thể bắn tia về phía chồng chị: "Làm đàn bà khổ lắm. Cậu phải thương yêu chăm sóc cô ấy. Thiếu gì, điện sang anh. Mai kia về hẳn, đi làm với anh đỡ vợ". Hình như chồng chị bắt được ánh mắt truy quét tàn sát của anh nên không nghĩ đến chuyện trả lại phong bì tiền, khẽ "vâng". "Đeo thử kính mới anh xem. Em kiếm ở đâu ra của nợ này? Mọi người khác nhau ở cái mặt. Đẹp xấu thiện ác là ở cái mặt, em cứ làm sấu mình đi là thế nào?". Anh đưa vào tay chị một cặp kính mới: "Số 2 đấy". Chị ngượng nghịu tháo chiếc kính gọng mica hai mắt to như hai khung cửa sổ xuống, đeo kính mới vào. "Ngẩng lên anh xem nào. Đời mới đấy". Gọng titan mềm oặt. Chị ngẩng lên. Mặt sáng bừng, ánh mắt yêu thương biết ơn lấp lóa sau cặp kính bóng. "Đấy, thế mới là một cô giáo chứ. Ai lại như bà già đang móc sợi thuê ấy". Anh nói rồi đứng lên. Mùi thơm đàn ông phảng phất bên chị khi anh nắm cổ tay chị, bóp mạnh: "Mẹ tròn con vuông nhé. Anh đi đây". Mùi thơm theo anh ra cửa. Còn loáng thoáng lại vài ngày trong hơi đông se lạnh. Thế thôi. Bất chợt, đôi khi có một niềm vui hay nỗi buồn. Chị muốn nói với anh. Ba ngày đau đẻ và ra đời một chú nhóc da nhuôm nhuôm, mắt to, tóc lưa thưa, miệng chíp chíp đòi ăn. Chị muốn có anh bên cạnh. Từ trong sâu thẳm, anh luôn tồn tại thật vững chắc. Kiên cố. Mưa thưa dần. Những người cùng đứng trú mưa cạnh chị đã đi từ lúc nào. Không có gì phải vội. Còn gì nữa mà vội. Cuộc đời của chị sẽ còn rất dài. Đều đều như cả triệu người trôi như dòng sông hằng ngày ngoài đường buổi sáng buổi chiều kia. Ngày mai. Ngày kia. Lâu, lâu lắm sẽ thế nào?
Hồi ấy, chị cứ tự chê mình với những câu rất thành thật. Còn anh thì áp đặt lại: "Không phải thế. Tại em không chú ý đến em chứ cắt lại tóc, mặc quần áo khác, là "ngon" ngay... ". Anh thường nói thế và chị cũng tin thế. Hai năm nay, anh ở Việt Nam. Anh có một công ty xuất nhập khẩu cả trong nam ngoài bắc. Chị biết là anh ở rất gần chị nhưng cũng ít gặp lắm. Một lần anh đột ngột xuất hiện. Mặt nhiều nếp nhăn hơn, quần áo đơn giản hơn. Anh đưa vào tay chị một gói nhỏ: "Mai em mang đến đưa cho mẹ hộ anh. Chia làm ba lần may ra mẹ nhận". Chị tròn mắt ngạc nhiên, tự nhiên mở gói giấy. Những tờ đôla lạnh và xanh biếc. "Đừng hỏi gì. Cứ chia ba ra. Bảo mẹ cứ mua thuốc Pháp mà uống. Bệnh của mẹ rời thuốc ra là đi đấy". "Anh ở đây ăn cơm với nhà em!". Chị gói tiền, cất vào một túi ni-lông. Tìm khắp nhà không ra chỗ giấu. Mặt chị căng thẳng. "Em để chỗ nào vớ vẩn nhất ấy. Đừng cho vào tủ. Bọn trộm chỉ quan tâm những chỗ kín đáo thôi". "Chưa bao giờ em nhiều tiền thế này". Chị nói rồi nhét xuống dưới tờ báo trong ngăn tủ. "Yên tâm đi. Trộm vào nhà ai phải tìm hiểu thật chắc. Em giáo viên nghèo, nó vào lấy sách à! Có gì ăn không? Bao giờ bố con nó về". Còn nhớ, chị cuống lên chạy ra chợ mua đồ ăn theo thực đơn của anh. Nhoáng nhoàng hai vợ chồng bưng mâm ra. Anh ôm thằng Bống, chơi với nó rồi hai bác cháu sà vào mâm. Cả chị và chồng không ăn được, vì nhìn anh. Bát canh cua khoai sọ nấu rau muống. Vài con tôm đồng rang. Bát cà chấm mắm tôm. Ớt caỵ Anh ăn bốn bát cơm. Nói là sáu tháng mới được một bữa ngon. Chị hỏi: "Anh có thiếu gì đâu. Nhà to, xe ô-tô đẹp. Sao phải vất vả thế". Anh cười phá lên. Rồi tắt lịm: "Vào guồng rồi. Trong một dây xích, mình là một mắt xích. Cỗ máy đang chạy, không thể tuột một mắt xích nào". "Chả cấm được ai nếu mình không muốn. Cùng lắm mất một tí" - Chị tiếp: "Như kiểu bọn em nghỉ mất sức ấy". Anh lắc đầu, đập tay lên vai chị như vỗ vai một cô bé: "Không đơn giản như em nghĩ đâu. Guồng máy của anh khắc nghiệt lắm". "Bao giờ anh lấy vợ?". Anh cúi đầu im lặng. Rồi nói: "Anh đi với đứa nào quá lắm được sáu tháng. Luôn là tỷ lệ nghịch giữa độ dài của chân và độ ngắn của óc. Chỉ giỏi moi tiền. Khốn nạn. Mình đẻ được ra nó, nó lại nghĩ mình ngu". Anh lắc đầu, chán không giấu được: "Anh không lấy vợ đâu. Sau này già, chết, con trai đến bưng ảnh chống gậy cho bác" - Anh nói và ôm chặt thằng Bống vào lòng. Chân thành. Đơn giản: "Ăn no chóng lớn. Sau này mẹ đẻ em bé. Về ở với bác học hành tử tế, thằng Bống của bác". Rồi hai bác cháu tròn mồm đọc: "Bống bống bang bang. Mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà tạ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người". Thằng Bống ngượng nghịu đọc theo anh. Mặt anh giãn ra. Hôn hít dúi dụi vào gáy. Rưng rưng.
Loáng cái, anh đã biến mất, nhanh như lúc đến. Nếu không có túi quà cho thằng Bống và mùi thơm của anh thì chị không tin là anh vừa ở đó. Những ngọn đèn đã bật. Chẳng soi sáng được những con đường nhưng lại rất cần. Chị tin là lúc ấy, ngồi trong chiếc xe ấy, đi qua con đường này, anh sẽ ngoảnh nhìn ra. Cũng như chị lúc này, ý nghĩ và bàn chân cứ hút chị về con đường có một trăm linh tám cây bằng lăng tím. Có ngôi nhà của anh. Sau cơn mưa, đến hạt bụi cũng không còn. Tất cả như vừa tắm gội. Những tán hoa mong manh, chỗ đậm chỗ nhạt như mầu tranh sơn dầu của một bức tranh phong cảnh khổng lồ. Anh căm thù người đàn ông nào đánh đàn bà. Đây là lần thứ hai anh phạm tội cố ý gây thương tích. Và nạn nhân thì chết bởi cơn điên của anh. Chị hỏi anh - lần thăm duy nhất, khi biết tin anh bị bắt: "Sao anh lại làm thế?". Anh gầy, da xanh trong suốt. Tóc dài lên và quần áo làm anh nhỏ lại rất nhiều. Cúi cúi không nhìn chị - giống tất cả những lần chị cúi không nhìn anh trước đây. "Anh chứng kiến cảnh nó đánh vợ. Vợ nó lại đang có bầu. Bao lần nó lừa đểu bọn anh, anh cho quạ Nhưng cứ đánh vợ là không được. Mỗi lần nhìn thấy thằng nào đánh vợ, anh lại nhớ ông ấy... và mẹ anh". Chị thở dài. Phải rồi, đến bố đẻ anh đánh mẹ, anh còn không chịu nữa là thằng đàn em lừa lọc: "Thì anh bảo nó. Nghìn thằng như thế có chết, xã hội cũng chẳng hết những thằng đánh vợ". Chị nhìn anh đăm đăm. Giống ngày xưa anh hay nhìn chị. Hôm nay chị diện hơn bình thường. Không phải cố tình mà chị dùng những thứ anh tặng. Chiếc kính cận số 2 mới nhất. Mảnh vải hoa tím pha đen anh cho đã may thành áo rất vừa. Và chút nước hoa... Thật mềm mại, sâu lắng. "Em về đi. Đừng cho mẹ anh biết. Cũng may bà già kém mắt ít đọc báo... ". Anh thì thầm. "Anh cần gì không?". Anh lắc đầu, cười: "Cần bát canh rau muống luộc, cần thằng Bống học giỏi... Lớn khôn còn chống gậy cho bác. Cần cho em nhiều lắm". Rồi lắc đầu: "Với mình, anh chẳng cần gì. Em biết anh quá còn gì". Chị nhìn anh đăm đăm. Chưa bao giờ chị nhìn anh kỹ thế: "Anh nhớ bà ngoại không?". "Anh nhớ. Bà đã cho anh câu chuyện "Làm việc này được gì?". Anh nhắc lại, giọng đều đều, đầu gật gật. "Sao lúc sắp giết nó, anh không tự hỏi - Thằng này chết anh được gì?". Chị cáu giận dần lên. Anh cụp mắt xuống, thở dài: "Có phải lúc nào cũng tự hỏi và trả lời được thế đâu. Nhất là trong cơn điên. Mà mọi điều tốt đẹp chỉ đến khi người ta bình tĩnh". Chị cáu: "Anh thì nói hay lắm". Anh nhìn, ánh mắt thẳng chiếu xuyên qua chị. Không cụp xuống như trước nữa. Anh hiểu chị giận anh. "Anh" không phải là kẻ giết người... ". Chị tiếc tất cả những điều tốt đẹp hay sự tồi tệ. Cái tốt đẹp đã hết và điều tồi tệ đang bắt đầu. Hiểu rõ một thứ tình cảm trên tất cả mọi thứ tình cảm mà anh chị đã có với nhau. Qua cơn sốc, chị dịu lại: "Anh có dặn gì em không?". Rồi chợt ân hận tê tái là tại sao mình lại thốt ra câu đó. Nó chỉ dành cho những cuộc chia taỵ Mà chị không muốn thế. Anh lắc đầu, thì thầm: "Anh tin là em biết làm mọi điều giúp anh. Chỉ tiếc... mọi chuyện bất ngờ quá. Anh không kịp đưa cho em cái gì". Chị lắc đầu, môi cắn chặt. Chị biết, khi chia tay anh, ra khỏi cánh cổng trại giam kia, chị sẽ khóc. Chị đâu cần tiền bạc của anh. Dù trước khi giết người, anh rất giàu. Chị cần anh là anh, là những điều tốt đẹp như một khoảng trời nhỏ. Một bức tường có mái che đằng sau lưng. Mỗi lần đuối sức hay thất bại trên đường đời, chị có chỗ lùi lại, tựa lưng và thở. Rồi đi tiếp.
Có những tiếng cười vỡ ra trong phố vắng của bọn trẻ đi qua. Chị dắt xe đi dọc phố một trăm linh tám cây bằng lăng. Một mình. Nhìn đâu cũng thấy chiếc xe xanh sẫm kín như một chiếc hòm - Hỏa Lò thu nhỏ với những chấn song sắt bé lừ lừ chạy trên đường. Đằng trước, đằng sau có xe cảnh sát hộ tống. Mỗi lần có đoàn xe đó đi qua, ai cũng ngoái lại nhìn. Đã nhiều lần chị nhìn theo những chiếc xe đó, cảm thấy cuộc sống sạch đi một hạt bụi. Con đường bớt đi một viên sỏi dễ làm người ta ngã. Chị chỉ thấy dòng sông. Một dòng sông sóng sánh ánh trăng giữa cái chung cư mốc thếch, già nuạ Có chiếc xe thuyền trôi làm vỡ ánh trăng. Vô thức. Chị đã đi hết phố. Hết một trăm linh tám cây bằng lăng tím đậm, tím nhạt rập rình trong gió. Nhiều lúc nhãng đi. Cứ tưởng lại như ngày xưa. Thỉnh thoảng chị tan học sớm, đến nhà chờ anh về. Ngó vào thấy mẹ anh lụi cụi. Chị dựng xe ngoài cổng. Đi dạo dọc phố một mình và đến những gốc cây đã thuộc vẫn thích đếm. Đừng dồn ai đến bước đường cùng. Đừng gây lòng hận thù và đừng làm ai căm thù mình quá. Lúc bố anh đánh mẹ anh, bố anh chắc không nghĩ nó sẽ thành tiềm thức để anh trở thành kẻ giết người? Đi đâu bây giờ nhỉ? Cổng tòa án ở giữa ngã năm. Một trăm linh tám vị anh hùng Lương Sơn Bạc đứng canh phố Công Lý. Vẫn uy nghiêm, đen thẫm một góc bên cạnh một tòa tháp cao vút, sáng đèn. Giờ đây không phải là nơi giam tù nhân nữa. Hỏa Lò bây giờ chỉ dành cho khách tham quan. Chị tin là ngày xưa, anh và lũ trẻ ở phố chắc phải đá bóng bắt xe ở sân tòa này suốt cả tuổi thợ Bây giờ sẽ không bao giờ còn anh để chị hỏi điều đó. Lúc xe chở anh đi qua, anh nghĩ gì khi nhìn về nhà mình? Ngôi nhà mà chỉ cần vài bước chân là đến. Và một trăm linh tám người bạn. Ba vòng phố. Rồi bốn vòng. Chị có thể đi mãi thế này đến sáng. Đi thế này để được gì? Để thấy lại những gì đã qua và những ngày sẽ đến. Để hỏi và tự trả lời. Đến bây giờ chị mới hiểu là không được sai lầm. Dù là nhỏ. Không phải lỗi lầm nào cũng có thể nói lời xin lỗi hay sửa chữa, chuộc lại. Có những sai lầm phải xin lỗi bằng sự chết. Chị cay đắng sau lần thứ năm đi dọc phố một trăm linh tám cây bằng lăng để quyết định lên xe về nhà khi nhận ra những điều nhỏ nhoi nhất là nếu có đi thế này mãi cũng chẳng có ai chờ chị Ở cuối đường. Và những điều mơ ước ngày xưa của anh chị sẽ không làm được một việc gì, dù nhỏ nhất. Hà Nội 17-5-2002