Toàn gục đầu xuống bàn. Cái gì đã bịt mắt anh suốt bao nhiêu năm qua khiến anh không thấy được sự bố thí miệt thị của người đàn bà nằm trong những tờ đô la xanh đỏ anh vẫn thường xuyên nhận được? Cái gì đã ngăn cản anh một lần, chỉ cần một lần thôi, phản tỉnh? Phải, chỉ cần một lần phản tỉnh thôi là anh sẽ nhận ra ngay sự ngu xuẩn của mình: tư cách anh đã bị người đàn bà đánh xuống thang điểm cuối cùng. Anh đã không đủ bản lĩnh để từ khước sự giúp đỡ xuất phát từ một lời hứa cho có chuyện trước lúc nàng bỏ anh. Anh ngỡ lương tâm được an ủi khi nghĩ rằng mình đã hối lộ đứa con gái yêu thương để được thoát khỏi địa ngục, nhưng bây giờ nàng đã phản đòn: nàng đang trả phí tổn cho hậu quả của một ca chấn thương tinh thần của anh! Thôi đi nghe, Toàn! Toàn thầm nhủ và trên mặt anh hiện lên sự thù hằn dễ sợ. - Tôi làm ông buồn hả?- Ông Ngữ nhìn Toàn, hỏi. - Không. Tôi cám ơn anh. - Chuyện đó không đáng. Ông sắp sửa phải cám ơn tôi về một chuyện khác lớn hơn, quan trọng hơn. - Anh nói đi. - Một người bạn ở Mỹ vừa gởi về cho tôi cuốn tiểu thuyết đang “best-seller” bên đó. Tôi đọc rồi, tuyệt. Ông dịch ngay đi, kiếm tiền xài. - Có nhà xuất bản nào chịu nhận không? - Tôi cam đoan với ông là có! Cả nước đang đọc sách dịch. Các nhà xuất bản đang tranh giành bản thảo. Toàn cả quyết: - Anh cho tôi mượn cuốn sách. Bằng trở lại tìm Toàn nhiều lần nữa sau đêm ngủ lại nhà Toàn. Hai người trở nên gần gũi nhau qua những câu chuyện. Tốt nghiệp loại ưu trường điện ảnh Mátxcơva, Bằng có ý định ở lại Nga thêm vài năm nữa để có thể vừa làm vừa học thêm với các đạo diễn Nga tiếng tăm. Nhưng không may cho anh, lúc bây giờ tư tưởng xét lại của Krútsốp đã phát triển mạnh thành phong trào ở Liên Xô. Bằng là đảng viên, là bí thư chi bộ, nghĩa là thuộc hàng cốt cán của đảng. Sợ anh bị lây căn bệnh xét lại nguy hiểm đó, người ta rút anh về nước như đã rút về nước một phần lớn cốt cán đang theo học hoặc nghiên cứu tại các trường ở Liên Xô. Nhưng đối với Bằng thì đã quá muộn rồi. Vợ anh cũng bị vạ lây- nhân một đợt giảm biên chế, nàng về với anh hẳn. Hai vợ chồng cùng thất nghiệp, sống hoang mang và thoi thóp bằng số nữ trang còn lại từ ngày cưới nhau..Hồi ấy có một vài cây bút trẻ tài năng thì ít nhưng rất háo danh, trong đó có Quốc Vạn, con trai độc nhất của một nhà buôn. Hắn viết truyện ngắn, mang đến cho Bằng xem. Bằng sửa nát như tương cả cái truyện, gần như đã viết lại mới hoàn toàn, thế mà hắn không tự ái, vẫn vui vẻ cầm bản thảo về đánh máy, gởi đi. Dĩ nhiên là đăng được.
Đồ đạc trong nhà có được là nhờ mấy năm học Liên Xô lần lược rơi vào tai người khác, sự khánh kiệt đã rõ dần, lúc ấy, trí Bằng bỗng sáng bừng lên, anh nghĩ đến Quốc Vạn và bảo thảo cuốn tiểu thuyết của mình. Anh tìm gặp Quốc Vạn. Hắn đang còn một bước nhảy vọt vào văn đàn. Trong khi đó sự nghiệp văn chương, điện ảnh của ông chưa đi đâu nhưng cầm bút đã kết thúc. Anh sẽ cho thằng Quốc Vạn cuốn tiểu thuyết của mình! Đổi lại, hắn sẽ cho anh cái ăn như đã từng đãi anh những chầu bia ngút trời sau khi anh tân trang “tác phẩm” của hắn…Không ngờ Quốc Vạn đồng ý một cách hồ hởi! Chỉ có một điều kiện: Anh và hắn sẽ bàn bạc gọt giũa những chỗ gai góc. Anh được cầm trước số tiền bằng gấp hai mươi lần nhuận bút của cuốn sách. Hắn hứa nếu cuốn sách gây được tiếng vang, tùy vào mức độ, hắn sẽ thưởng anh hậu hĩnh. Đúng như mong đợi của hai người, cuốn tiểu thuyết “của Quốc Vạn” đã được ấn hành. Tài năng của Quốc Vạn đã được khẳng định! Bằng yên tâm sống được ba tháng để viết thêm một cuốn tiểu thuyết về đề tài công nhân theo đề nghị của hắn. Loại đề tài này Bằng không rành lắm nên viết có hơi chậm. Quốc Vạn thường xuyên đến nhà giục anh vì hắn đã lỡ hứa với nhà xuất bản về thời hạn nộp bản thảo. Càng gần đến hạn hắn càng tỏ ra nóng ruột đến mức không còn biết điều gì đang xảy ra trong quan hệ giữa hai người. Hắn không trực tiếp đến nhà anh nữa. Vợ hắn đến. Đó là một cô gái mà bao nhiêu nét đẹp đã dồn hết ra bề ngoài, cho nên, bên trong, tâm hồn và đầu óc, không còn gì đáng kể nữa. Mỗi ngày Bằng phải giao cho cô năm trang viết tay để về đánh máy. Bằng thường không có đủ số trang để giao ngay khi cô ta đến mà phải cắm đầu ngồi viết trước ánh mắt giận dữ và những lời chì chiết của cô ta. Có nhiều lần không giữ được kiên nhẫn cô ta chờ đợi cô ta đã vùng vằng bỏ về, sau khi ném lại cho anh mấy câu chửi rủa. Nước mắt đắng cay tủi nhục đã nhỏ xuống trên những trang bản thảo viết thuê cho Quốc Vạn. Nhưng riết rồi Bằng cũng quen đi. Anh lại “câu” được một nhà văn trẻ khác, bạn của Quốc Vạn. Sức ép tăng lên, thì giờ eo hẹp, anh hì hục suốt ngày đêm với cây bút chì và trang giấy. Vợ của anh, hình như thấp thoáng khi chiều xuống, đêm về, hình như lướt qua bàn làm việc của anh rồi mất hút, thường để lại mình anh và một khoảng không vắng lặng trong nhà. Anh không hay biết rằng trong lúc mải mê với các nhân vật của cuốn tiểu thuyết trinh thám thì vợ anh và một người đàn ông khác đã cùng nhau viết đến chương cuối của cuộc tình vụng trộm nhưng đầy háo hức. Kể từ đó anh thề đoạn tuyệt hẳn với văn chương! Về quê vay được họ hàng một ít tiền làm vốn liếng, Bằng, không còn cách nào khác, xông thẳng vào trận chiến buôn bán của Hà Nội. Sự tồn tại được tính từng ngày và từng thương vụ lặt vặt. Nhưng rồi chỉ nhờ một lần liều lĩnh, một lần may mắn, với cả một lần ngốc nghếch nữa…Bằng đã phất lên thật nhanh, nghiễm nhiên trở thành tay buôn hàng cao cấp có cỡ. Bấy giờ Bằng mới sắp xếp thời gian, sắp xếp nhân sự đàn em vào guồng máy làm ăn để tránh xuất đầu lộ diện nhiều, để hình ảnh nhem nhuốc bụi bặm của anh ngày nào có thể biến mất đi trong đầu óc của dân phố chợ. Bấy giờ Bằng bắt đầu làm quen với sinh hoạt, thói ăn chơi của giới có tiền, có máu mặt của Hà Nội…Một vài lần anh chạm trán thằng Quốc Vạn- trong quán bia, trong sòng bạc…-nhưng cả hai đều phớt lờ nhau. Con người ta ai cũng có số. Bằng nghĩ vậy như là tự trả lời mỗi khi anh sực nhớ rồi ngạc nhiên đến khó hiểu về tình trạng của mình. Duy chỉ có một điều anh quyết không thụ động ngồi chờ số phận đưa đẩy mà sẽ tự mình toan tính, thúc đẩy cho nó mau chóng trở thành hiện thực. Đó là ý định rời bỏ hẳn Hà Nội để vào hẳn Sài Gòn. Đó không phải là cuộc ra đi thuần túy tìm vùng đất mới.
Bằng cho là mình hai lần gặp may khi vừa đặt chân lên đất Sài Gòn. Một là thắng đậm trong lần đánh bạc thử thời vận đầu tiên tại nhà ông Hoàng. Hai là gặp được nhà văn Nguyễn Toàn. Khởi đi như thế là tốt đẹp. Sài Gòn hình như đã sẵn sàng đón anh vào hội nhập. Nghe xong câu chuyện quá khứ của Bằng, như từ trong vô thức Toàn thốt lên một câu lạ lùng: - Tôi sợ nhất là lúc nhắm mắt xuôi tay mà vẫn chưa biết được một mùa thu Hà Nội. Bằng khẽ cười: - Anh vẫn còn mơ mộng lắm đấy! Toàn ngạc nhiên: - Sao lại vẫn còn? Không có gì có thể giết chết được tâm hồn mơ mộng của rồi cả. Nhưng điều tôi nói đâu phải là mơ mộng. Hà Nội, tôi hằng ước ao một lần được đến để tìm lại một mảnh tâm linh của chính mình. Bằng nói: - Có thể là Hà Nội cất giữ của mỗi người Việt chúng ta một mãnh tâm linh, nhưng theo thời gian nó đã đánh mất rất nhiều của người này người kia. - Vậy anh tưởng rằng ở đây, phương Nam này, thành phố Sài Gòn này có thể mang lại cho anh toàn những điều tốt lành chăng?- Toàn nói mà không hay biết mình đã cất giọng và riết róng. - Không, tôi không kỳ vọng gì nhiều. Nhưng đơn giản là tôi muốn hoàn tất nốt phần còn lại của đời mình một cách êm thấm. Rất may cho tôi là tôi có một khoản tiền lớn và không có những mối liên hệ tình cảm sâu sắc. Cô đơn thật dễ chịu. Tự dưng Toàn nghĩ tới đứa em gái tu sĩ rồi thầm hỏi với một nội tâm như thế nào mà người ta có thể quay lưng trước một cuộc sống dồn dập muôn màu muôn vẻ này. Không lẽ có trên trần gian những cõi riêng tư bất khả xâm phạm, ở đó hết ngày này qua ngày khác một người ngồi đối diện với bóng mình, nói chuyện với chính mình? Người đàn ông này không có vẻ gì của một đạo sĩ hay thiền sư, vậy thì cuộc đời đầy sóng gió của anh ta chẳng lẽ dễ dàng thu xếp được qua một bên? Dường như anh không có ý thức trả thù đời, không để tâm oán giận ai, thản nhiên đi tiếp đoạn cuối hành trình một đời người. Nghĩ tới đó, trong tâm hồn Toàn chợt dậy lên những cảm xúc kỳ lạ- như là cảm thông vừa như là bức bối, như là xót thương vừa như là thảng thốt đến mức khó chịu. Bao trùm lên tất cả là niềm yêu mến. Phải rồi, không biết từ lúc nào, Toàn bắt đầu cảm thấy yêu mến người đàn ông xa lạ này. Bất ngờ với cả chính mình, Toàn hỏi: - Anh vẫn thường đến chơi chỗ ông Hoàng chứ? Bằng lắc đầu: - Không. Kể từ sau đêm gặp anh.
Toàn không chờ đợi một câu trả lời như vậy. Anh rơi vào trạng thái mất thăng bằng. Và nỗi buồn, như có thể sờ thấy được đang ở trước mắt anh. Anh ngỡ như mình đang phạm tội đẩy một con người vào bóng tối hiu quạnh. Mặt khác, anh thấy tức giận con người đang tự làm mình trở nên trỗng rỗng, vô ích, tẻ nhạt. Anh quên rằng anh đã từng sống kiếp sống tầm gửi nhiều năm tháng qua. Toàn nóng nảy: - Còn ông Hoàng? - Ông ta ồn ào quá, tôi không gần được- Bằng điềm tĩnh trả lời. - Anh sẽ làm gì những ngày tới?- Toàn thấy mình thật vô lý ngay khi đặt câu hỏi này, nhưng một nỗi náo nức muốn tìm hiểu, khám phá đã không được dằn xuống. - Gần như không làm gì cả, anh Toàn ạ. Tôi đang tìm mua một căn nhà nhỏ ở một nơi yên tĩnh. Còn lại bao nhiêu vốn liếng tôi gửi vào tín dụng, lấy lãi sống qua ngày. Toàn tỏ vẻ không tin: - Vậy thôi à? Tôi nghe nói những người ngoài ấy vào đây đều mang theo những dự định to lớn. Họ có sự khôn ngoan thật đáng nể và hầu hết đều thành công. Bằng buồn bã nói: - Tôi thì không. Toàn có cảm giác như tiếng “không” được nhấn mạnh và rền rĩ. Bất chợt trong trí anh hiện lên một đoạn phim ngắn anh từng xem hồi nhỏ. Trên màn ảnh là cận cảnh đôi chân khẳng khiu đang lê từng bước khó nhọc, rồi viễn cảnh một nghĩa trang khổng lồ lô nhô những cây thánh giá, cận cảnh một đáy huyệt đen nhòm. Toàn còn nhớ lúc ấy anh hồi hộp tột độ, mồ hôi vã ra như tắm, úp mặt vào đôi tay, tuyệt vọng vì thấy giữa khoảng không rợn người không còn ai ngăn cản đôi chân kia đang lạnh lùng đi tới, mỗi lúc một gần nghĩa trang và lỗ huyệt. Cái gì nơi anh ta đã gây cho Toàn sự liên tưởng kỳ lạ đó? Phải chăng là từ tiếng “không” mạnh mẽ được thốt lên như một tuyên bố phủ định tất cả? Và như thế trước mắt và chung quanh anh ta chỉ còn có cái chết rình rập đợi chờ. Ý nghĩ đó làm Toàn nghẹn ngào. Bằng hỏi mượn một số sách báo cũ của các tác giả nước ngoài được dịch ở miền Nam trước 75. Toàn loay hoay tìm kiếm với nỗi mừng thầm là Bằng sẽ trở lại với anh để trả sách. Nhưng liền đó là sự hoang mang: không lẽ ông ta sẽ đốt hết quỹ thời gian còn lại của mình chỉ với một việc duy nhất là đọc sách? Trao mấy cuốn sách vào tay Bằng, Toàn cười nói: - Bằng à, tôi nói anh đừng giận, tôi nghĩ rằng thành phố này không cho phép có thêm một ẩn sĩ như anh đâu, nếu anh có ý định đó. Bằng phá lên cười, nương theo ẩn ý của Toàn: - Tôi không có hộ khẩu ở đây thật, nhưng ai nỡ làm khó một người sắp xuống lỗ như tôi. - Thì anh vẫn phải biết điều chứ? Bằng tỏ ra thành thật: - Tôi sẽ cố gắng làm một cư dân lương thiện: Toàn lắc đầu: - Người lương thiện ở đây cũng không ít đâu. Vấn đề là làm sao cho xã hội này trở nên lương thiện. Bằng ngạc nhiên:
- Sao anh lại nói những điều to tát ấy với tôi? Tôi đã không kể cho anh nghe về thân phận chẳng ra gì của tôi rồi đó sao? Với tôi bây giờ quan trọng nhất là tìm cho được một lý do gì đó để động viên mình tiếp tục tồn tại. Nói thẳng ra là tôi đang cố gắng đừng để cho ý nghĩ tự sát mon men đến trong đầu. Tôi sợ hãi cái chết mặc dù cuộc đời này đã không còn nghĩa lý gì với tôi nữa. Toàn đã từng đối diện trên những trang bản thảo của mình một vài nhân vật kiểu như Bằng. Anh cố lôi kéo nhân vật ấy ra khỏi tình thế cô đơn, tuyệt vọng; nó như một cái xác không hồn nặng nề, anh khó khăn lắm mới vực dậy được, đưa nó ra khỏi đường hầm hoặc căn nhà lạnh lẽo. Cũng có lúc anh bất lực, đành buông xuôi quay mặt đi rồi ngay sau đó anh rơi vào trạng thái u ám, sợ hãi trang giấy và những dòng chữ, có khi hàng tháng trời không dám ngồi vào bàn viết. Phải chăng một trong những nhân vật từng làm anh phát ốm vì bị ám ảnh không dứt là có thật trong đời sống, nhưng cho tới hôm nay mãi xuất hiện trước mặt anh? Anh chợt lo sợ sau khi rời khỏi nơi đây, người đàn ông này sẽ biến mất tăm không để lại dấu vết gì giữa thành phố đông đúc người xe này. Đã cảm thấy bồn chồn, hồi hộp. Đã bắt đầu thấy hiện lên một mối liên hệ âm thầm giữa anh và ông ta cùng lúc với sự đe dọa vô hình cắt đứt mối liên hệ ấy. Toàn buộc mình phải tỉnh táo, phải nói một điều gì đó quan trọng, phải nắm bắt cho được tâm thế hiện tại của người đàn ông này…Dường như với Toàn lúc này không có gì đáng quan tâm hơn những điều đó. Vẻ nôn nóng, căng thẳng hằn thành nét trên mặt Toàn. Anh nói trong khi quan sát từng cử chỉ của Bằng: - Tôi không tin lời anh nói chút nào. Chính anh mới là người nói những điều to tát về mình. - Tôi nói thật mà- Bằng vội vã trả lời. - Không, tôi không tin. Hay cũng có thể là tôi không muốn một người như anh lại nói về mình như vậy. - Xin lỗi anh Toàn. Tôi không có ý định thổ lộ điều gì với ai nhưng không hiểu sao…Có lẽ vì anh đã khai thác tôi một cách khéo léo chăng? Toàn như đang chìm trong cõi nào xa xăm: - Bàn tay nào đã ném em gái tôi, và bao nhiêu người khác vào giữa cuộc sống cho nó vùi dập rồi lại ném vào những góc xó nào không ai hay biết? Giữa đám đông nhân sinh ồn ào ngoài kia, những ai đang sống và những ai đã chết rồi? Bằng nói: - Anh nói dễ làm người ta có cảm tưởng như anh là một con người hạnh phúc và không có vấn đề gì bên trong. Toàn như bừng tỉnh: - Không, không ai có thể hạnh phúc trong khi đầu óc rối rắm những câu hỏi như vậy được cả. - Tôi cảm nhận được điều đó anh Toàn ạ. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với em gái anh vậy?
Toàn buồn bã: - Nhiều năm trôi qua nhưng tôi không thể nào chịu đựng nổi ý nghĩ em gái mình lại là một nữ tu, đi đứng nằm ngồi, quỳ gối giữa bốn bức tường lạnh lẽo của tu viện, không có bóng dáng một người đàn ông nào ngoại trừ một vị linh mục già mỗi ngày hai bận đến dâng lễ. Có thể sống như vậy được sao? - Có lẽ đó là em gái anh nên anh mới phải nghĩ ngợi nhiều. Anh biết đó, những người tu khổ hạnh vẫn tự đánh roi vào thân thể mình cho đến độ đau đớn cao nhất và họ gọi đó là hạnh phúc. Em gái anh, biết đâu, cũng là một người hạnh phúc. - Không. Người ta đã hiểu sai ý nghĩa của hạnh phúc. Phía ngoài cuộc tồn tại này, đã là hư vô rồi, chẳng còn hạnh phúc hay bất hạnh gì hết. - Nhưng chúng ta đang nói về em gái anh- Bằng ngắt lời Toàn- Anh cho rằng nó nằm ngoài cuộc tồn tại này, nó là hư vô ư? Toàn bỗng giật mình, hai tay bưng lấy mặt. Đó là phản ứng tự nhiên của một người theo đạo dòng, từng sống một thời thiếu niên trong không khí lung linh đạo hạnh, tâm hồn luôn luôn trong sạch bởi phúc âm, mười điều răn và những bài thánh ca… - Không, tôi không định nói vậy. Đơn giản là tôi muốn thấy em tôi đi lại nói cười ngay trong cuộc đời dù cuộc đời đã đối xử nhẫn tâm với nó. Bằng kêu lên: - Anh yêu đời quá đấy! - Không biết có phải vậy không?- Toàn nói- Có điều tôi quan niệm rằng sinh ra trên cõi đời này, thì con người phải làm tròn sứ mệnh của mình là sống hết mình với nó không được lẩn tránh. Nhưng còn anh? Bằng ngạc nhiên: - Anh muốn nói gì? - Tôi không đồng ý với cách anh sắp xếm phần cuối cuộc đời mình. Nói thật tình là anh làm tôi khó chịu. Đã có lúc tôi trộm nghĩ rằng anh không có ý định tiếp tục duy trì mối quan hệ với tôi. Có thể ngay hôm nay chưa biết chừng. - Tôi chưa sợ hãi đến mức phải xa lánh con người. Tôi chưa tính đến chuyện “diện bích qui ẩn”. Nhưng tôi cũng chẳng mạnh mẽ hơn em gái anh đâu! Ngay cả một cuộc sống êm ả mà tôi cố tạo dựng cũng chưa chắc đã thực hiện được với một quá khứ nhiều điều tiếng. Toàn như phát hiện ra điều gì thật hệ trọng, thật rốt ráo. Anh lặng lẽ cúi đầu. Nếu có một người nào đó nói với anh những điều anh lặp đi lặp lại với Bằng thì sao?
Toàn định tìm một quán cà phê nhưng chưa tìm ra thì một cơn mưa bất ngờ đổ xuống khiến hai người phải tấp vào một hiên nhà. Hôm nay Toàn có niềm vui nho nhỏ. Đó là lần đầu tiên sau hơn mười năm anh lại nhận được một món tiền khá lớn nhuận bút cuốn sách dịch do ông Ngữ giới thiệu. Anh đã chia sẻ niềm vui đó với ông Ngữ, Bằng và Phương bằng một cuộc nhậu đặc sản với bia lon. Ba người bạn của Toàn đã vui vẻ làm quen nhau. Khi hai gã đàn ông ấy đã bí tỉ ngả nghiêng trò chuyện, Toàn và Phương tìm cách lẻn đi. Hôm nay, trong mắt Toàn, Phương đẹp hơn bao giờ hết và anh không ngớt nhìn vào khuôn mặt quen thuộc mà lạ lẫm của người yêu. Đêm. Mưa. Những ánh đèn pha lướt nhanh trên mặt đường sũng ướt. Hai hàng cây bên đường đứng im như đang nhìn ngắm họ. Toàn ôm chặt Phương vào lòng. Những phần da thịt mềm mại và những đường cong trên cơ thể nàng, anh cảm thấy rõ đang rung lên nhè nhẹ. Toàn phủ lên mặt cô, lên cổ, lên tóc nàng một trận mưa hôn. - Anh yêu em! - Rượu đang lên tiếng phải không? - Em làm anh phát điên lên đây…-Toàn ghì siết tấm thân lẳn chắc của nàng dưới bộ áo dài, bàn tay hấp tấp tìm tới giữa hai đùi nàng. - Do mưa đó thôi! - Đêm nay chúng ta sẽ có con với nhau, nghe em. - Sao anh không cưới em? - Anh sẽ cưới em… - Lúc nào hở anh? Em đang khổ sở vì chờ đợi đây… - Lúc nào em có con, lúc đó chúng ta là vợ chồng… - Anh nghe đây: em đã có mang rồi.
Toàn buông Phương ra. Dường như anh vừa nghe thấy một giọt mưa lớn rơi ngay trên đỉnh đầu. - Em nói thật chứ? - Em nói thật. Đã gần một tháng nay rồi. Anh có mừng không? Toàn hoàn toàn thoát khỏi cơn say: - Anh chưa biết nữa. Bất ngờ quá, anh tưởng là em có phòng chứ? - Em vẫn thường xuyên đề phòng…Nhưng có một hôm nào đó em quên. Hôm ấy em muốn chết hẳn dưới sức nặng của người anh, và thế là em chỉ còn nhớ duy nhất một điều là em đang hạnh phúc. - Bây giờ phải làm sao? - Anh muốn nói gì? - Anh không biết… - Em sẽ sinh con. Chắc em làm anh thất vọng lắm phải không? - Anh không chuẩn bị gì cho đời anh, nói gì đến chuẩn bị cho cả một gia đình. Nhưng anh không có cảm giác thất vọng. Anh chỉ thấy lo lắng cho em. - Sao anh không cưới em? Mùa hè sắp hết rồi. Em sẽ phải đến trường. Anh sẽ để mặc em trước dư luận sao? Đôi mắt Toàn ánh lên những tia sáng, Toàn nhìn thẳng như muốn xé toang màn mưa đêm. Anh nói, như là nói với ai chứ không phải với Phương: - Anh sẽ cưới em. Ngay đêm nay. Trong căn nhà của anh.