Tôi đạp xe lên Xã Tắc tìm Trọng. Xã Tắc tuy nằm trong nội thành Huế nhưng khung cảnh không khác gì ở nhà quệ Giữa xóm có một cái nền hình chữ nhật cao khoảng gần đầu gối, rộng mỗi cạnh khoảng mấy chục thước, chung quanh xây gạch để giữ đất. Đó là nền Xã Tắc, giữa là ruộng Tịch Điền. 0 Nhà Lê Trọng ở lại sát bên cạnh nền. Tuy là nhà tranh, nhưng sạch sẽ và tươm tất. Trước nhà là mái hiên có vách che, có cửa sổ rộng. Khi tôi đến thì Lê Trọng đang ngồi học trước sân. Thấy tôi, Lê Trọng dẫn tôi ra phía đầu nền Xã Tắc, chỗ đó vắng vẻ, nói với vẻ mặt quan trọng: - "Thằng Hoàng Thanh đi tìm tau, đòi bắn vì tau làm nhục em nó." Hoàng Thanh, anh ruột cô Nhạn, là bạn học bọn chúng tôi năm học lớp Đệ Tứ. Sau khi đậu Trung Học, vì đã lớn tuổi, anh ta xin vào làm Công An. Nghe Lê Trọng nói như vậy, tôi cũng hơi lo: - "Nó cho mày làm như rứa là nhục em nó cũng đúng. Nổi sùng lên nó dám nổ súng bất tử lắm." Lê Trọng nói, giọng buồn bả: - "Tau có dám đi phố mô, cũng không dám đi qua cầu Trường Tiền, lỡ gặp nó giữa cầu là hết đường chạy. Từ đây qua trường, tau đi ngã cầu Bạch Hổ." 0 - "Chỗ ni mi cũng làm "précepteur" ? Tôi hỏi. - "Không, ăn cơm tháng nhưng hơi rẻ. Tháng nầy chưa có tiền trả tiền cơm. Chắc tau bỏ học." - "Học bổng mày tiêu hết rồi?" Tôi lại hỏi. - "Tiêu hết. Chừ thì "bô xu". Lê Trọng nói, giọng buồn. Tôi làm thinh; chẳng có cách gì giúp Lê Trọng được. Từ đó đến khi chia tay, hai chúng tôi không nói gì với nhau nữa cả, lòng thì trĩu nặng một nỗi buồn. Tôi nghĩ đến bạn và thấy thương. Mới qua khỏi mấy năm học trung học vất vả, nghèo khó, nguồn vui tới chưa lâu thì bạn tôi gặp một tai nạn khác.
Thế rồi Lê Trọng bỏ học thật. Chưa hết niên khóa, anh xin về dạy học tại ngôi trường cũ mà anh đã từng học ở đó, trường Nguyễn Hoàng, rồi bị động viên trước Tết Mậu Thân năm 1968. Kể từ thời gian ấy, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau, chuyện trò, rủ nhau đi uống cà-phê, gác chân lên nhau ngủ chung một giường nhưng nguồn vui vô tư của thời thanh xuân, thuở làm học trò thì không còn nữa. Tôi cũng nhập ngủ sau Tết Mậu Thân, cuộc đời binh lính nổi trôi vô định đưa tôi đi biền biệt vào Nam, hết Cà Mau tới Rạch Giá, Hà Tiên. Quê hương, làng nước, bà con, bạn bè xa dần. Khoảng dài không gian trong đời thực đã trở thành vô tận trong tâm hồn bé nhỏ của tôi, chỉ còn lại những dấu ấn sâu sắc và buồn ba,? càng lúc càng nhạt nhòa phai lạt đi trong tận đáy lòng của một người lang bạt tận cuối thiên nhai. ...
Khi anh ta đạp chiếc xe xích lô trống ngang trước cửa chợ Đông Ba thì có một người đàn bà đã lớn tuổi gọi: - "Ê! Xích lô! Vô cửa Thượng Tứ mấy?" Anh ta hỏi: - "Trong hay ngoài cửa?" - "Trong." Người đàn bà trả lời - "Xa không?" Anh ta lại hỏi. - "Một khúc thôi." Người đàn bà nói. - "Bà cho ba trăm." - "Chi mà "mắc" rứa?" Tuy nói thế, nhưng người đàn bà cũng leng teng xách gói, giỏ lỉnh kỉnh bỏ lên xe xích lộ Trong khi hai bên đối dáp, bà ấy cũng không nhìn người đạp xích lô mà lo soạn lấy mấy gói hàng đem từ trong chợ ra. Sau khi lên xe rồi, anh ta đạp xe chạy tới, người đàn bà lại nói: - "Tui biểu ông tui ra đón, nhưng nhiều hàng quá nên tui lại thôi. Xe "vét-pa" chở đâu có hết được. Đi xích lô cho tiện."
Ban đầu, anh ta thấy người đàn bà nầy có vẻ hơi quen, nhưng khi nghe nói ông chồng đi xe Vespa mà lại ở trong cửa Thượng Tứ thì anh bỗng hơi ngờ ngợ, nghĩ thầm trong bụng: "Thôi chết rồi! Không chừng "người xưa" thì ê càng lắm." Bỗng người đàn bà lại hỏi: - "Ông có liên can chi tới chế độ cũ không? Mấy ông sĩ quan đi cải tạo về, hồi ni đạp xích lô nhiều lắm." Anh ta hơi ngại, sợ người đàn bà có thể nhìn ra mình, bèn nói lãng: - "Tui có quan hệ chi mô! Hồi trước đạp xích lô. Bây giờ chừ cũng rứa."
Sau vụ từ hôn - cũng đã hơn mười lăm năm rồi - lòng anh ta đôi khi hối hận. Một cô gái từ chỗ giới bình dân, anh đã nâng cô ta lên để chuẩn bị làm vợ một giáo sư trung học tương lai, rồi lại thả cô gái ấy đánh ùm xuống một hồ nước lạnh ngắt. Cô ta không tự tử cũng là điều may cho anh, tránh được cái tiếng thất đức. Ít lâu sau chàng nghe tin cô ta lấy chồng, một người tài xế xe buýt học hành không tới đâu, nhưng lại là con trai một ông nghiệp chủ xe đò giàu có. Chiều chiều người tài xế ấy lái xe Vespa chở vợ đi chơi.
Chàng tự an ủi như thế cô ta cũng sướng một đời. Làm vợ một ông giáo sư, hay cao hơn chút nữa, một ông bác sĩ, kỹ sư là điều mơ ước của nhiều người con gái Huế. Dù có được như thế, trong cái đổi thay của xã hội bây giờ, chắc gì mấy ai một đời giàu có sung sướng như người đàn bà nầy.
Nhưng dù sao, việc không thành do anh ta làm nên ngày xưa cũng là nỗi đau cho cô ta, từng làm cho anh hối hận. Phải chi anh ta đừng tới, để cô ta yên phận một cô gái bán bánh kẹo ở chợ Đông Ba, rồi thành hôn với một người giàu nghèo như thế nào đó, thuộc giới lao động chân tay như cô, thì mọi sự coi như êm xuôi, không có gì. Đằng nầy, anh ta đã tới rồi đành đoạn bỏ đi! Anh thấy mình thật "đoảng", một con người "đoản hậu". Dù vì bạn bè chế riễu mà hồi hôn, nhưng bao giờ anh ta cũng thấy lỗi tự nơi mình. Tự trách cho mình.
Rồi chàng ta đi lính gần mười năm, được biệt phái về đi dạy lại. Tù cải tạo 5 năm rưỡi. Thân phận những anh chồng đi tù cải tạo về hơi na ná giống nhau. Người đàn ông khi đã sa cơ thất thế thì đều vậy thôi! Một là ở nhà lặt rau, quét nhà nấu cơm để vợ xông pha ra chợ búa kiếm tiền nuôi cả nhà, hay như chàng, đi làm "dân biểu". Dân biểu đạp xe đi đâu thì đạp xe đi đó. Đó là nghề duy nhất mà chế độ mới còn làm ngơ với họ.
Vốn dĩ vợ chàng là học trò, nhà chỉ khá giả nhưng bố lại là công chức, con gái lớn lên đi học và quanh quẩn trong nhà, không biết một chút gì về việc buôn bán. Có chồng thì cũng chỉ ở nhà lo việc "tề gia nội trợ".
Đùng một cái, chồng đi cải tạo "mút mùa Lệ Thủy". Các cô học trò cũ ấy không nghề không nghiệp, không biết buôn biết bán nên chỉ được có "năm mươi phần trăm thiên ha".. Nghĩ tới đó, anh ta cảm thấy buồn cười vì lời nói đùa của bạn anh: - "Vợ tao chỉ được có năm mươi phần trăm thiên hạ. Nghĩa là người ta mười phần thì vợ tao được có năm phần. Này nghe! Người ta "buôn bán làm ăn" thì vợ tao là học trò xuất thân nên chỉ biết "bán" mà không "buôn", biết "ăn" mà không biết "làm". Thành ra được năm mươi phần trăm chớ chi nữa!"
Nói câu nói đùa nên anh bạn cười mà lại chảy nước mắt! Nghĩ tới vợ mình cũng năm mươi phần trăm, anh ta thấy thương vợ. Vậy mà hơn năm năm trời, vợ anh ta lấy chi nuôi con? Vốn dĩ anh không giàu. Làm cái nghề mở mang trí óc cho trẻ con, không phải là nghề buôn chữ bán nghĩa, làm sao mà giàu. Có ai làm nghề đi dạy mà giàu? Anh ta nghĩ thế. Mọi người ai cũng nghĩ thế! Đi lính thời buổi vật giá leo thang, dù là lương sĩ quan, lương sai biệt thì cũng "Tiền lính tính liền", làm chi có dử! Vợ con khổ là điều chắc. Thằng con trai đầu lòng nay 15 tuổi ra ngồi vá xe đạp ngoài cửa Ngăn kiếm ăn qua ngày. Mấy đứa kia đều nhỏ, ở nhà coi sóc nhau để vợ chàng đi buôn "tổng quát". "Tổng quát" là gặp gì buôn nấy, từ bó rau muống cho tới con cá lóc, cá trê, cái áo cái quần đã cũ, miễn kiếm được vài chục đồng mua gạo cho con ăn.
Vì vậy mà suốt mấy năm trời ở trong trại cải tạo, anh ta biết hoàn cảnh vợ chàng "học trò xuất thân lấy chồng" nên không mấy khi trông vợ lên thăm. Chàng nhìn xuống người đàn bà ngồi phía trước xe và bâng khuâng tự hỏi. Nếu như chàng lấy người đàn bà nầy làm vợ như ngày xưa đã làm lễ hỏi thì trong mấy năm tù cải tạo hay ngay bây giờ, đời chàng ra sao nhỉ?
Chàng có học, vợ chàng cũng có học, nhưng mỗi khi xã hội thay bậc đổi ngôi thì ông hóa thành thằng, thằng hóa thành ông, giống như lúc xã hội đổi thay đời Tây tới cai trị nước An-Nam vậy. Thành ra câu than của Trần Tế Xương gần một thế kỷ trước lại đúng với đời bây giờ: "Sách vở ích gì cho buổi ấy." Cái học, cái kiến thức, trí thức của chế độ cũ mà chàng đã dày công dùi mài, so với đời bây giờ còn rẻ hơn cái bọc nylong đem bán ve chai.
Xe lên cái dốc cầu trước cửa Thượng Tứ nên trở nên nặng, chàng phải rán sức đạp cho quạ Rán lên một chút, một chút nữa thôi, qua khỏi cái đỉnh dốc giữa cầu là xe lại xuống dốc, lại khỏe. Chàng vừa rán sức đạp xe lên dốc vừa nhủ thầm: "Rán lên một chút, một chút nữa thôi." Nhưng chàng lại sực nhớ sáng nay chưa ăn gì. Sáng nay, chàng tính ăn chén cơm nguội lót lòng nhưng nghĩ đến vợ và con mình chưa ăn gì mà cũng sắp đi kiếm ăn nên chàng lại thôi, nhường lại cho họ. Biết tính chàng như thế, vợ chàng cằn nhằn, biểu chàng ăn. Vốn dĩ chàng có tính bướng, ưa làm trái với những việc gì mà vợ chàng thường ép chàng phải làm. Thấy nét mặt vợ không vui, chàng lại không ăn, uống ngụm nước trà. Vợ chàng nói: - "Đã không ăn, lại uống nước trà cho xót ruột. Nói mãi không nghe!"
Chàng không trả lời vì thấy vợ nói đúng, nhưng vẫn cứ không ăn, đẩy xe xích lô ra cổng và đạp đi.
Hiện giờ chàng thấy rõ cơn đói đang tới, dù chàng thấy khỏe hơn khi đã qua được đỉnh dốc cao. Rồi cứ cái đà xe xuống dốc như thế, chàng đạp phụ thêm, chẳng mấy chốc, người đàn bà biểu chàng dừng xe lại. Bà ta vội vàng lỉnh kỉnh ôm gói, giỏ đựng đồ ăn vào nhà. Chàng nghĩ có lẽ bây giờ bà ta cũng khá giả lắm nên mới mua sắm nhiều như vậy. Phần đông người ta ngày nay đi chợ mua đồ ăn chỉ là một cái xách nhỏ nhẹ tênh mà thôi.
Khi người đàn bà xuống xe và lấy hết đồ đạc trên xe đi vào nhà, chàng vội vàng quay xe vòng lại con đường cũ, nghĩ tới cuộc hội ngộ bất ngờ và đầy trớ trêu trong đời người, rồi vui mừng nghĩ thầm: "May quá! Bà ta không nhận ra mình."
Chú thích: (Sự kiện có thật, chi tiết do tác giả hư cấu. Viết để nhớ để thương một người bạn cũ rất thân) 0 Giờ ra chơi là giờ nghỉ giải lao giữa buổi học 0 Chức tương đương với Thư Ký Trưởng của một huyện, phủ chỉ dưới quyền Tri Huyện, Tri phủ mà thôi 0 Đại văn hào 0 Xã Tắc: Thuở xưa dựng nước tất quí trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần Hậu Thổ; dân cần có lúa ăn nên lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước là mất Xã Tắc nên Xã Tắc cũng có nghĩa là Quốc Giạ Xã Tắc đàn (hay nền) là chỗ vua tế Thổ Thần và Cốc Thần. Hai vị thần giữ gìn cho nước nhà được yên ổn. (Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh) Sau khi đánh thắng quân Thoát Hoan (Mông Cổ) lần thứ hai, giành lại được giang sơn như cũ, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông có làm hai câu thơ để kỷ niệm: Xã Tắc lưỡng hồi lao thạch mã Sơn hà thiên cổ điện kim âu Trần Trọng Kim dịch nôm: Xã Tắc hai phen bon ngựa đá Non sông thiên cổ vững âu vàng. Theo truyền thuyết thì sau khi giành lại Thăng Long, vua về lại cố đô thì thấy chân những con ngựa đá trong sân chầu đều dính bùn. Người ta đồn rằng tổ tiên đã cưỡi những con ngựa đá ấy đi đánh giặc Nguyên giúp cho vua và dân nước Nam. Giữa nền Xã Tắc là ruộng Tịch Điền. Mỗi năm sau khi Khâm Thiên Giám xem thời tiết và định ngày thì Bộ Lễ làm lễ tế Thổ Thần và Cốc Thần. Nhà vua đích thân ra tế và cày một đường ruộng Tịch Điền để tượng trưng, mở đầu cho việc cày cấy mùa màng sắp tới. Sở dĩ có nền Xã Tắc và tế lễ Thổ Thần và Thần nông, v.v... vì nước ta là nước nông nghiệp. 0 Thực ra là cầu xe lửa. Cầu Bạch Hổ là chiếc cầu sắt nhỏ, gần đầu cầu xe lửa, trên đường từ Huế đi Kim Long. Người Huế thường gọi lầm cầu xe lửa ngang sông Hương là cầu Bạch Hổ.