Tuấn nhẩy bổ vào phòng truyền tin: - John, mày nói sao? Đánh lớn à? Người hạ sĩ quan vô tuyến Mỹ gật đầu: - Ừ, xong rồi. Bên nó chết nhiều lắm, mà bên mình cũng thiệt hại. Hai nhái chết, hai Xiu bị thương nặng. Chiêu hồi và tù binh bị thương cũng nhiều. Tuấn lo lắng: - Họ đã gọi máy bay tải thương chưa? - Rồi, chiếc đầu tiên vừa bay đi. Chiếc thứ hai sắp cất cánh đó. Tuấn nhẩy phốc ra cửa. Thọ, Thọ. Mày có sao không? Tao đến với mày đây. Tuấn thấy nôn nao trong dạ. Chàng chạy về phòng, quơ vội cái bao da và khẩu súng chạy ra sân baỵ Chiếc trực thăng thứ hai đang mở máy, cánh quạt xoay tít. Tuấn la lên: - Cho tôi theo với. Người y tá Mỹ hối thúc: - Mau lên, mau lên. Chiếc trực thăng bốc vọt lên cao, đảo một vòng rồi bay thẳng. Khoảng năm phút sau TUấn đã thấy bóng người lố nhố bên bờ một nhánh sông. Gã y tá bảo: - Tới rồi đó. Hai chiếc càng lớn của trực thăng vừa chạm đất Tuấn đã nhẩy bừa xuống. Mọi người đang đứng tụm lại cạnh những chiến lợi phẩm, những xác Việt cộng bị kéo lại chất thành đống. Nắng chiều đỏ quạch, nhưng không còn gay gắt và gió hây hây thổi nghiêng ngọn cỏ. Tuấn dáo dác nhìn quanh. Đại K đang ngồi cạnh một người nằm dài trên mặt đất, một tấm poncho che tới ngực. Tuấn lo sợ chạy lại gần: - Đại úy, Thọ đâu rồi? Đại K ngẩng lên, Tuấn thấy đôi mắt ông đỏ ngầu. Tuấn nhìn xuống, kêu lên đau đớn: - Trời ơi, Thọ. Và Tuấn ngồi thụp xuống, ôm lấy hai vai Thọ. Người Thọ lạnh ngắt, mắt nửa khép nửa mở. Môi hơi trễ xuống đầy vẻ ngạo mạn và bực dọc. Tuấn nghẹn ngào nói không thành tiếng: - Thọ Ơi. Tội nghiệp mày quá. Mày nói trước những gì mày sẽ gặp mà tao đâu có tin. Tao đã trách mày mà tao không ngờ là mày nói đúng. Tuấn khóc lên rưng rức. Ít ai nghĩ rằng người ta có thể tỉnh táo nâng súng bắn chết một người mà cũng có thể òa khóc vì thương xót một người bị giết. Hai tâm trạng ấy chỉ cách nhau bằng sự hận thù hay thương mến. Tuấn kể lể: - Vậy mà tao không cản được mày. Mày yêu người ta, viết thư xin cưới người ta, bây giờ mày chết thì người ta đã viết thư trả lời. Tội nghiệp cho mày, tội nghiệp cho cô ấy. Biết đâu cô ấy chẳng trả lời là bằng lòng, để bây giờ lấy một người... đã chết! Tuấn mở nắp bao da, rút tờ giấy phép và một phong thư xanh xinh xắn. Tuấn đặt hai vật ấy vào lòng bàn tay Thọ, nửa nắm nửa mở hờ hững. Tuấn thì thầm: - Của mày, tao đã làm đúng lời mày dặn. Nhưng chắc bây giờ thì mày chẳng còn cần tới những thứ này nữa đâu. Hai y tá Mỹ cúi xuống nhấc bỗng Thọ lên đặt vào túi ponchọ Chiếc fermeture kéo lại, Thọ và những phiền muộn, những lo nghĩ, những kỷ vật sau cùng của người con gái phương xa đều ở lại sau lần bao vải. Tuấn quay sang Đại K mếu máo: - Thư cô ấy vừa tới hồi sáng. Có lẽ cô ấy trả lời bằng lòng làm vợ nó, Đại Úy nhỉ ! Đại K lặng lẽ gật đầu. Buổi chiều xuống dần. Nước sông đã lên cao, nhưng cành cây đổ gẫy xuống giòng vật vờ, trôi ra Cửa Lớn.
Hết
Một đoạn viết thêm cho Thọ (Lời của tác giả) Thọ, Bây giờ mày đã chết. Chắc mày chẳng biết lâu lâu tao lại đến thăm mộ mày một lần đâu nhỉ. Khi thì một mình, khi thì V. rủ cùng đi. Chính ra tao không nên nhắc nhở về mày mới phải. Người ta bảo hãy để yên người đã chết. Tao đồng ý, nhưng cứ nghĩ đến chuyến đi cùng với mày trên một giòng sông, đến nét mặt mày lúc nằm đó tao lại mủi lòng. Và tao muốn mày phải còn sống mãi, ít ra là qua những giòng chữ của tao.
Nếu mày còn sống, sẽ biết tập truyện dài phóng sự này, một phần mày đã đọc trên báo T. Đ. ngày trước, với tựa đề ỴE. Đ.A. Khi cả tập bản thảo hoàn thành tao đã để thất lạc một nửa cuối. Đến lúc mày chết tao bỗng có ý nghĩ dành nửa cuốn viết lại để nói về mày, với tất cả lòng thương nhớ của tao. Người đi đã chết, người còn sống gánh thêm một gánh nặng buồn phiền. Sự hiện diện của mày trên mặt đất này như một giấc mơ, dù hai mươi tám năm thật dài. Như chưa từng có mày, chưa từng có nét mặt, nụ cười, tiếng nói mày trong trí óc mọi người, tâm khảm tao. Nếu mày còn sống tao sẽ giải thích cho mày nghe tại sao tao viết tập truyện này. Mày vẫn thường chê tao lãng mạn, xa rời thực tế. Khi đọc những truyện ngắn tao viết "dạo đó", mày đã cười và đùa là tao đang mợ Nhưng lần này tao tin mày không còn ý nghĩ đó. Tao cứ muốn nghĩ là mày đã đọc và còn đọc được những gì tao viết bây giờ. Và tao giải thích cho mày nghe nhé.
Tường Vi, cô bé ngây thơ đó (trong tập bản thảo đã mất) có hạnh phúc hơn. Cô bé không lấy chồng nhưng sống vui bên gia đình, và bên người con trai cô bé thương mến. Cô bé có đủ thì giờ để tìm hiểu về thế giới yêu thương và những người tuổi trẻ chung quanh. Trong tám chương sách, chỉ có Thúy là bất hạnh nhất. Hoàng (nhân vật ngoài đời) rớt máy bay ở gần biên giới Việt Lào trong chuyến thả dù biệt kích. Quên, tao chưa nói để mày biết thêm, mỗi nhân vật trong này đều "đại diện" cho một người ở "ngoài đời". Và người nào cũng liên hệ ít nhiều đến tao cả. Tao nghĩ rằng cuộc sống thay đổi không ngừng, lúc chậm lúc nhanh. Những biến đổi có khi không đến, mà có khi dồn dập đến. Như chuyện của mày, V. đã khóc và kể với tao về chuyện "chúng mày với nhau". Và đó là lý do tao biến đổi Tường Vi thành V. của mày, trong truyện.
Mày có muốn biết sự thật về những nhân vật - quá nhiều - trong truyện này không? Tao cố tình kể ra nhiều nhân vật, rồi bỏ lửng lơ ở đó. Thực tế cũng vậy, như chúng tạ Mỗi người đều có rất nhiều người thân, và bạn bè. Mỗi người con gái thời buổi này, như em, như cháu và như cả Uyên người yêu tao nữa, đều quen biết bao nhiêu người trai trẻ trong đủ thứ áo nhà binh, trong đủ hoàn cảnh sống. Trong những trường hợp như ở nhà Phựơng ngày sinh nhật, nhà Hiền ngày cưới của nàng với Quân. Quân bây giờ vẫn đóng ở Biên Hòa, mỗi chiều phóng chiếc vespa cũ vừa mua lại, về với vợ. Tường Vi vẫn đi học ở Trưng Vương (V. của mày đó mà). Sáng sáng vào giờ tan học, tao vẫn thỉnh thoảng bắt gặp cô nhỏ ôm cặp hững hờ bước, cúi mặt đếm lá vàng chạy lăng quăng trước cổng trường. Và đi ngang trường Võ Trường Toản, học trò tan thật đông, cô bé không buồn ngước mắt lên kiêu hãnh với những lời ngợi ca sắc đẹp mình, bật lên đâu đó. Như trước khi quen mày.
Dũng đi lính rồi. Bây giờ có lẽ hắn đang làm HLV ở trung tâm Vạn Kiếp, Bà Rịa thì phải. Không gặp hắn tao cũng không rõ chuyện hắn với Phựơng ra sao. Còn Mẫn, mày ngờ đựơc không, ông Thiếu Tá già Mẫn nói, chỉ là một anh Mẽo giầu sụ.
Thọ. Thế giới thực tế của tuổi trẻ môi hồng đấy nhé. Mày trách tao lãng mạn xa rời thực tế nữa không? Tao vẫn gặp bọn Hoạt, Chuyên, Tâm, Yến ở đường Lê Lợi những chiều thứ bẩy, những "Boum" lậu với bọn hippy, những chốn ăn chơi như Đêm Mầu Hồng, Queen Bee...
Tao muốn tin rằng những gì tao viết sẽ chẳng làm ai phật lòng, kể cả những nếp sống riêng tư thầm kín của những người tao "mượng" vào trong truyện và đặt cho họ một cái tên. Như V. của mày (tao đã xin phép). Riêng có mày là tao đề tên thật, và Hoàng Pilot. Vì chúng mày đã đi vào quên lãng! Vì trừ tao, hình như chẳng còn mấy ai luôn nhớ tới chúng mày. Đời viết lách lẩm cẩm của tao chỉ để thỏa mãn một nhu cầu, như mày đã biết.Chẳng ao ước danh cao, tiền lắm. Chẳng để... "quyến rũ" ai.
Chỉ là một ao ước nho nhỏ: gửi những kỷ nịêm tao đã gặp vào nét chữ.
Bây giờ sắp Giáng Sinh rồi đó. Thế giới "tuổi trẻ môi hồng" - lối nói tao ưa dùng - đang nhộn nhịp cóc chịu được. Tao muốn kết thúc những giòng này trong những ý nghĩ thật lắng đọng, thật bình yên. Nhưng ba cô gái - Uyên và hai bạn của nàng - đang đấu tưng bừng bên cạnh tao về chương trình du hí tối Giáng Sinh.
Tao đứng dậy, nghĩ về mày và chép miệng: - Tuổi trẻ vẫn vui, vẫn lắm chuyện và... môi hồng vẫn nở những nụ cười hạnh phúc. Chỉ có mày chết và... tao buồn.