Hạnh đứng im, thoáng suy nghĩ, rồi đi lên nhà trên. Chị thấy anh Hai Chí đang ngồi bên bàn, quẹt lửa để đốt thuốc mà quẹt hoài không cháy. Chị bước tới, giành lấy cái hộp quẹt. Mở coi thấy khô dầu, chị đi chế dầu rồi trở ra quẹt cho anh đốt thuốc. Trong lúc anh thở phà hơi khói đầu tiên, chị hỏi: - Sao hữa nay anh về không cho em út hay để nó lên đón? Anh Hai Chí nghe hỏi vẫn ngồi im. Hai ngón tay anh kẹp điếu thuốc chợt run run, làm cho tàn thuốc rớt xuống mặt bàn. Anh cúi xuống, kề miệng từ từ thổi cho tàn thuốc bay đi. Hạnh thấy động tác anh chậm rãi, và anh vẫn chưa trả lời câu chị hỏi. Ngỡ anh giận trả, chị nói vả lả sang chuyện khác: - Em xuống đây hôm qua.. Anh à, cái vụ nhà văn hóa huyện đó được rồi. Thiệt em mừng quá! Anh Hai hỏi: - Được là sao? - Thì theo ý anh bảo em hôm nọ, em đề xuất với huyện ủy. Tất cả đồng chí đều tán thành nhường trụ sở huyện ủy để lấy chỗ làm nhà văn hóa huyện. Khuôn mặt anh Hai Chí vụt sáng rỡ: - Vậy hả, vậy thì tốt quá. Xuôi lọt hết à, có ai phản đối không? - Ban đâu cũng có vài ý kiến do dự, cho rằng dời về chỗ khác hơi chật chội. Nhưng anh Ba Đấu bí thư rất tán đồng. ảnh còn khen ý kiến hay, vậy mà ảnh không nghĩ ra. Anh Hai Chí càng hồ hởi: - Đúng quá. Em coi, cái chỗ đó xưa kia là cái chỗ gì? Là chi khu giặc. Từ đó, tụi nó tung ra bao nhiêu cuộc càn, giết hại bao nhiều bà con, đồng chí, anh em mình. Chỗ đó trước kia ai đi qua cũng không dám ngó vô. Chính anh và bao anh em ở tiểu đoàn 479 đã đổ máu tại đó.Huyện ủy ở đó làm gì, ở chỗ hẹp hơn một chút có sao đâu, nhường cho nhà văn hóa để cô bác, trẻ nhỏ lui tới coi sách coi phim, hay hơn nhiều chớ. Trong huyện, chỉ có cơ ngơi ấy là khang trang nhứt, mình dành cho dân, dân mới thấy mình coi trọng phúc lợi của họ. Chỉ riêng một mắt đó cũng lợi lắm, lợi lớn lắm. - Thì em cũng thấy lợi mới đề xuất Anh Hai Chí ghé sát mặt Hạnh, cười hỏi: - Nhưng mà em có nói ý kiến đó là của anh Hai Chí không? Chắc là không chớ gì? Hạnh bị câu hỏi trêu bất ngờ, lúng túng đỏ cả mặt. Anh Hai càng cườii: - Rồi, vậy là sáng kiến thuộc về Sáu Hạnh rồi, còn tôi kể như tiêu.. - Anh Hai! Hạnh kêu lên, thụi lia lịa vào vai anh. Anh càng cười. Đột nhiên anh chợt ngừng lại, chầm chậm bưng ly nước trà lên uống. Hồi sau, anh khẽ bảo: - Nè, nói chơi đừng có giận bất tử nghe.. Từ giờ trở đi, nếu anh nghĩ ra được điều gì mà anh cho là phải, thì anh sẽ bàn góp với em để em bung ra được là quý rồi. Anh em mình hãy cứ coi như hai mà một, tuy đôi khi cũng phải ngó một mà hai.. Em dòm coi trời sụp tối chưa?
Hạnh ngó sững vào đôi mắt anh, vụt hốt hoảng. Biết mình lỡ lời, anh Hai vội tiếp: - Ngồi ở trong này đâu có biết ở ngoài còn sớm hay tối.. Em à, nếu còn sớm, hai anh em mình thả ra biển chơi đi, lâu rồi anh không được ra đó. Hạnh hơi bớt lo, vội đáp: - Dạ, đi thì đi, nhưng anh phải quấn khăn vô, coi chừng gió! Chị tháo chiếc khăn rằn trên cổ mình, quấn vào cổ anh, rồi chạy vô bếp váo với mẹ: - Má à, anh Hai ảnh muốn ra biển chơi, con đi với ảnh một chút! - ờ, đi đi con.. nhớ về sớm. ở ngoải gió nhiều, coi chừng bịnh thêm rồi khổ Anh Hai Chí cùng Hạnh ra khỏi nhà lúc trời sâm sẩm. Nhưng bên ngoài vẫn chưa thuộc về đêm.. Bầu trời chiều hôm ở miền quê biển vào tháng năm này bao giờ cũng có vẻ chia tay muộn với ánh mặt trời. Vả chăng, ở cách đây không xa, chỉ chừng vài lượt chớp cánh của con chim nhàn là tới cả một vùng thoáng đãng của biển xanh mênh mang. Anh Hai Chí để tay mình cho Hạnh cầm, dắt đi trên lối cát. Tay phải anh vẫn quơ cây gậy trúc về phía trước. Hạnh nói: - Sao anh không bỏ gậy ở nhà, đem theo làm chi? - Tại quen rồi.. Với lại đâu phải lúc nào cũng có em, rồi phải cần tới nó em à! Hạnh nghe câu nói như đọng chứa cái gì nhức nhối, dẫn chị trở về với mối lo âu mà chị không muốn có. Chị liền chộp lấy cây gậy trên tay anh, cắp vào nách một cách bướng bỉnh. Anh Hai Chí ngoan ngoãn nghe theo, miệng tủm tỉm cười. Nhưng nụ cười này Hạnh không ngó thấy, bởi đêm đã xuống. Nhè nhẹ lan tỏa, đêm xóa nhòa vùng đất giồng có những mảnh vườn nhà trước đó không lâu hãy còn đỏ rực những chùm anh đào chín. Bây giờ các bụi anh đào lá biếc và sắc đỏ trái chín đều đã lẫn vào bóng tối. Ngược lại, tiếng nói của biển lại càng cất lên cao. Tiếng sóng vỗ vào đêm chừng như mạnh hơn. Từ trùng khơi, sóng ào ào đánh vào cửa Xoài Rạp. Hai người ra tới bãi biển thì trời đã mọc đầy sao. Hạnh nhìn thấy rõ từng bầy sao chi chít. Nhưng anh Hai Chí chỉ ngước trông thấy một bầu trời biêng biếc ràng rạng. Hạnh ngó thấy ven cây bờ bên kia sông Xoài Rạp, còn anh Hai chỉ thấy một vùng sóng nước dạt dào mờ mịt. Ban ngày, cái làn sương giăng trước mắt anh mỏng hơn, nhưng ban đêm hình như nó đầy hơn. - Mình ngồi ở đây đi anh, ra ngoài kia gió lăm! Hạnh bảo. Anh Hai gật đầu, nghe theo. Họ ngồi xuống cạnh lái một chiếc ghe cũ bể, nằm úp trên cát. Dường như chiếc ghe nằm đấy đã lâu. Khắp mạn sườn nó lủng bở, khiến mỗi lần gió thổi qua, nó kêu lên nghe hu hú. Vậy mà ở trước mũi, nó vẫn còn có hai con mắt, sơn trắng, như nhìn qua được đêm tối. Hạnh cảm thấy như chiếc ghe ngó thấy mình. Chiếc khăn nơi cổ anh Hai Chí sút ra, bay phần phật. Hạnh vội quàng lại cho anh. Anh ngồi im để Hạnh quàng, và lên quờ tay lấy lại chiếc gậy, anh chọt chọt đầu gậy xuống lớp cát trước mắt. Bỗng nhiên anh buông cây gậy, đưa tay run rẩy tìm kiếm, cầm lấy hai cườm tay Hạnh, bất ngờ thốt: - Anh ở trên trại về lần này là.. là cũng có chuyện.. Hạnh ngước nhìn anh, lo sợ. Anh tiếp: - Cái con.. con mắt trái của anh coi bộ hơi kỳ. Bác sĩ khám xong, quyết định anh phải đi lên thành phố Hồ Chí Minh. Tức nhiên bác sĩ ở tỉnh chỉ mới khám qua thôi.. Hạnh hỏi gấp: - Nhưng mà anh thấy sao? - Nó hơi mờ mờ.. thỉnh thoảng xung quanh mắt hơi nhức nhức. - Lâu chưa anh? - Chừng một tuần nay. Hạnh bắt đầu ngồi không yên chỗ. Đột nhiên, chị nhổm dậy: - Không được, vụ này để lâu không được đâu! - Bình tĩnh, nghe anh nói đã.. - Bình tĩnh, bình tĩnh là làm sao. Vụ này để chậm một ngày cũng không được. Nội nhựt ngày mai, phải đi thành phố Hồ Chí Minh thôi. Em sẽ xin phép mấy ảnh để đi với anh! Anh Hai Chí cười: - Anh biết mà, biết là nói với em thì em làm rần rần lên liền. Thì tức nhiên phải đi lên đó rồi. Nhưng bữa nay, anh về đây gặp em là để nói câu chuyện.. Giọng anh bỗng trở nên trang trọng: - Lúc trưa anh chỉ tính ghé huyện để gặp em, nhưng em đã xuống đây..
Anh Hai đặt hai bàn tay Hạnh lên đầu gối mình, nhỏ nhẹ. - Em à, bây giờ anh nói rõ, em đừng giận. Mà chắc em cũng không giận nữa đâu. Thiệt tình, đời anh nếu không có em thì kể như anh chẳng tính tới người nào nữa. Như vậy, tức nhiên là quá buồn, buồn hiu thôi.. Anh sẽ không tự ngăn cản mình cùng em thành chồng thành vợ đâu, ngặt nổi cái con mắt đang dở chứng của anh đây nó cản ngăn. Anh nói thiệt, nếu rủi ro anh hỏng hết cả hai mắt thì anh không.. không thể gắn đời anh vào đời em dù anh dư biết em vẫn không thay đổi.. Nhưng mà không được đâu, em còn bận bịu lo toan công tác, em còn đang tiến, tất cả mọi cái gì rị em lại giữa lúc này đều không được.. Cho tới giờ phút này, cái con mắt anh chưa biết ra sao. Kể cũng chưa phải hết hy vọng, vì nó chưa thật rõ, nhưng nó có hiện tượng, đại khái như anh vừa nói.. Mấy bữa nay, làm như lúc nào trước mắt anh cũng có một làn hơi nước.. Hay là tại mấy bữa nay trời nóng nực quá.. Dừng lại một chút, anh lại tiếp: - Mới rồi anh có dùng chữ rủi ro, nói vậy cũng trật. Rủi ro cái gì, mình đánh nó tan nát, đánh nó gục luôn thì mình cũng phải bị nó cào cấu trầy mình trầy mẩy chút đỉnh chứ! Anh Hai Chí đã nói hết. Anh nghĩ không còn có lúc nào nữa, thôi thì nói cho ddứt, cho xong. Chớ kỳ thật nói tới đâu anh đau lòng tới đó, có lúc chính anh cũng hoang mang nhưng rồi anh phải kềm lòng, trấn tĩnh lại. Nào ngờ, giữa lúc này, đôi bàn tay Hạnh đang để yên trên gối anh chợt run lên. Rồi Hạnh cúi gập người, gục đầu vào gối anh khóc nức. Anh cứ để cho Hạnh khóc, tin rằng sau tiếng khóc đó, mọi sự sẽ êm xuôi. Nhưng giữa lúc đang khóc, chị vụt ngẩng lên, đứng thẳng dậy nói: - Được rồi, anh nói như vậy em nghe rõ rồi. Nhưng bây giờ em cũng xin được phép nói rõ với anh, em không chấp nhận. Em không bỏ anh! Người chỉ hy pháo binh năm xưa, người chiến sĩ trăm trận vào sinh ra tử mình còn đầy thương tích bỗng nhiên gặp cú bất ngờ. Những tưởng lòng cao thượng của mình đã chấm dứt được mối họa lây từ mình sang người khác, không dè lòng cao thượng đó bị một tinh thần còn cao cả hơn quật lại. Anh Hai nín lặng khá lâu, mới nói, giọng chân thành khẩn thiết: - Thôi.. anh tính như vầy, đặt trường hợp lần này con mắt của anh không có sao thì hai đứa mình coi như không có chi thay đổi. Nhược bằng.. Anh Hai Chí chưa dứt lời, một giọng nói dõng dạc đã cắt ngang: - Không, dù anh có mù, em không thể khác. Tôi không bỏ anh, anh nghe chưa, anh Hai Chí! Dường như sau tiếg nói của người con gái, sóng biển đang cuồn cuộn trườn mình vào bờ cát cũng lên tiếng bảo rằng sóng đã nghe. Cửa Xoài Rạp ở trước mặt hai người, giờ đây vẫn như tự thuở hoang sơ trời sinh, đang mênh mông một vùng gió dập sóng dồi vô cùng vô tận kia như cũng thề rằng đã nghe cô gái nói. Và chiếc ghe cũ bể nằm úp sấp mà hai người tạm làm chỗ tựa nương nầy nữa, nó vẫn cứ mở mắt nhìn, vẫn cứ để cho gió lùa qua mạn sườn hở nứt mà hu hú cất lên cái tiếng kêu của kẻ làm chứng. 1982