Chỉ mục bài viết |
---|
Mật Rắn |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Ðặng Quân Chi nheo nheo đôi mắt sắc sảo rồi nhảy cẫng lên:
- Tuyệt! Tuyệt! Bác vừa nhắc đến nghề nghiệp của em, vừa chửi mắng khéo em. Thế mà bác cứ bảo chưa chỉnh. Thôi được, em chịu thua. Chán quá, định xoay bác, mà không xong.
Sau khi người bán rắn tập tễnh đi ra, tự dưng tôi thấy buồn buồn trong lòng. Thằng cha cũng khá nhanh nhạy, nói theo kiểu cổ là khá mẫn tiệp. Cái gì đã đẩy hắn tới cảnh huống hôm nay? Ðiều gì khiến hắn lênh phênh, bừa bãi và dối trá? Tôi thở dài. Cảm chuyện người. Cảm chuyện mình.
“Một trăm linh tám vị anh hùng” mà Ðặng Quân Chi hoặc các cô vợ y giao cho tôi, tôi cẩn thận gói lại, cất đi. Mỗi lúc đưa mật cho tôi, Quân Chi thường khuyên tôi nên nuốt vào bụng, hơn là ngâm trong rượu. Tôi chỉ im lặng nhìn hắn, rồi lục tìm ví tiền lép kẹp của tôi mà trả đủ số. Hắn cũng im lặng nhìn tôi. Cả hai như âm thầm đối thoại với nhau, rằng: - ”Tội nghiệp ông già phó cạo. Tôi thương ông, nhưng tôi vẫn cứ lột sạch một ngày công vất vả của ông. Bởi vì, tôi đói!” - “Này, thằng què! Tao biết rõ mày đã đối xử thế nào cùng tao. Nhưng cầm lấy cho khỏi đói. Còn tao, tao chịu khó thức khuya, câu ít cá dưới hồ, cũng kiếm được vài đồng bạc. Ðừng lo cho tao!”.
Ðó, kẻ này biết rõ ruột gan kẻ kia! Có một điều tôi thích thú ở Ðặng Quân Chi là cái tài dệt chuyện của hắn. Dệt một cách bài bản, li kỳ và thông minh nữa. Hắn không chỉ giỏi moi tiền của tôi, mà còn lột cả “chất xám” của tôi. Những đêm khuya rỗi rãi, hắn thường mò vào trong đền, kể mọi chuyện ba xí ba tú cho mấy ông già nghe, để rồi nằn nì tôi kể cho hắn một đôi điều có liên quan tới rắn. Tôi hào hứng kể với hắn rằng, theo một cuốn sách nào đó, người ta nói ở bên Mông Cổ có loại rắn tên là Ðôn-gôi Khốc-khôi được coi là độc nhất thế giới. Ðôn-gôi Khốc-khôi không cần cắn bập vào da thịt. Cách xa ba mét nó đã phóng ra nọc độc giết chết ngay lập tức từ người tới lạc đà, mãnh thú và chim ác. Vì thế từ nhiều năm nay, người ta biết rằng có tồn tại con Ðôn-gôi Khốc-khôi, song chưa thấy một ai thấy rõ hình thù và đời sống sinh thái của nó. Còn ở bên Ấn Ðộ, có một giống chồn tên là Rích-ki Tích-ki Ta-vi, chuyên săn diệt rắn độc. Rích-ki Tích-ki Ta-vi bằng một cú nhảy tuyệt vời lên khoảng không, lúc rơi xuống, bao giờ nó cũng ngoạm đúng và cắn nát cổ rắn. Vì thế, người Ăng-lê, người Hà Lan, người Bồ Ðào Nha khi sang Ấn Ðộ, đã không tiếc bỏ ra từng lạng vàng mua một con Rích-ki Tích-ki Ta-vi, để làm vệ sĩ cho họ.
Ngày hôm sau, tại một ngã tư nào đó, lúc ngồi bán rắn, Ðặng Quân Chi đã phồng mang trợn mắt kể cho mọi người nghe rằng chính hắn đã sờ thấy, đã ăn gỏi một con Ðôn-gôi Khốc-khôi có nguồn gốc ở sa mạc Gô-bi. To gan hơn, hắn còn kể: một vị tùy viên ở sứ quán Mông Cổ đã yêu mến, đổi cho hắn một con Ðôn-gôi Khốc-khôi lấy hai cặp mang bành và hổ trâu. Gặp dịp thuận tiện sẽ còn mời hắn sang thăm Mông Cổ để biểu diễn kĩ xảo bắt rắn. Chà chà, cái thằng!
Bẵng đi nửa tháng trời không thấy Ðặng Quân Chi vào chơi trong đền. Kể cũng lạ, tự dưng tôi thấy bồn chồn đượm chút lo lo cho hắn, như tình cảm đối với chính người ruột thịt của mình. Không đừng được, tôi phóng xe đạp đi tìm một vài đầu phố, nơi hắn vẫn ngồi ba hoa với đám đông mua rắn.
Tại một cửa hàng bún xáo, tôi gặp người vợ thứ hai, cái cô gầy yếu nhẽo nhèo của hắn. Cô đang vừa ho, vừa ngồi nhổ lông vịt, lông ngan. Hàng chục con ngan và vịt đã cắt tiết, nhúng nước sôi, nằm trong một chiếc rổ lớn.
- Này, độ này chồng cô đi đâu thế? – Tôi hỏi.
Cô gái không trả lời. Tôi lạ lùng và kiên nhẫn hỏi lại cô ta đến lần thứ ba câu hỏi ấy. Cô gái khó nhọc ngẩng mặt lên, nét mặt xanh xao, đôi mắt trắng dã như mắt lợn luộc, rồi cô cười khì một tiếng, khuôn mặt nhăn nhúm thảm thương:
- Ông hỏi “chồng” tôi ấy à? Cái thằng tập tễnh trời đánh thánh vật ấy à? Mời ông vào nhà đá mà tìm nó. Chồng! Chồng! Pựt sì...
- Chuyện thế nào vậy cô?
- Trời đất ơi, đã bở hơi tai ra, không thở được, còn đến quấy rầy. Ông có mắt không?
- Mắt thì lúc nào tôi cũng có, ở trên mặt tôi đây này.
- Thế ông thong manh à, mà không thấy từ giờ đến chiều tôi còn phải nhổ lông, mổ lòng những ngần này ngan vịt, để cho bà chủ hàng có thịt bán bún? Ông có biết thương người không?
- Bây giờ thì tôi biết thương đây – Nói xong, tôi rút ở túi ra và giúi vào tay cô ta tờ giấy hai đồng.
Nét mặt cô gái dịu đi, đôi môi cũng mất vẻ cong cớn. Cô nói:
- Nó đi tù rồi. Giam ở Công an Hoàn Kiếm ấy. Nếu ông xót nó thì mời ông vào đấy mà tiếp tế cho nó.
- Rầy rà nhỉ? Tội gì vậy?
- Nổi cáu với khách, rồi quăng rắn vào mặt khách. Ðể cho mang bành cắn vào mặt người ta.
- Chết! Chết! Mang bành độc lắm. Người ta có việc gì không?
- Ông đi mà hỏi họ.
- Thế các cô... các cô... các cô vợ của chú ấy, có đi thăm hỏi chú ấy không?
- Các cô nào, vợ nào? Cả tôi nữa phải không? – Cô ta nhìn tôi, lộ vẻ giễu cợt, khinh bỉ, rồi cười giòn một hồi.
- Ôi... cái ông phó cạo tội nghiệp này, đúng là “người đời”. Chẳng có đứa nào là chồng, cũng chẳng có con nào là vợ, ái tình bờ hồ mà, ông ơi là ông ơi. Nhân đây, tôi xin có lời mách giùm ông nhé. Tôi hỏi ông đã nuốt hết mấy chục cái mật rắn chưa?
- Chưa!
- Vì sao vậy?
- Tôi ngờ ngợ có cái gì không ổn, nên không nuốt.
- Ôi, thế thì ông ở hiền gặp lành đấy.
- Thế à?
- Chứ gì nữa. Toàn là mật vịt mật ngan cả đấy thôi.
- Mà thủ phạm tiếp tay cho hắn là cô?
- Còn sao nữa.
- Sao cô nỡ thế?
- Ðói mà, đức ông ơi.
- Một cặp canh ty rất đẹp đôi!
- Cũng cảm ơn ông có lời khen. Thôi, tôi trả lời ông vậy cũng bõ hai đồng bạc của ông rồi đấy.
- Tôi trả thêm hai đồng nữa. Cho tôi hỏi thêm vài câu.
Nói xong tôi lại rút đưa cho cô hai đồng nữa, bụng nghĩ “mất toi hai buổi công tác cắt tóc của mình”. Cô gái giật lấy tờ tiền giấy, nhét vội vào cái coóc-xê trước bộ ngực lép kẹp, nhoẻn cười:
- Ông muốn lấy khẩu cung gì thì lấy đi, quàng lên kẻo tối.
- Chú ấy bảo quê ở Lệ Mật?
Lại một cái cười giòn khanh khách của cô gái:
- Con đĩ mẹ cái thằng bịp! Thưa với ông rằng: Lệ Mật là quê nhà tôi ạ. Tôi về Lệ Mật lấy rắn, những con rắn vứt đi, người ta đã bỏ hết nanh liêm, rút hết nọc độc ấy mà, rồi bán lại cho nó, nó đem bán lại cho các người đấy. Còn quê nó ấy ư? Có quỷ biết. Ông còn hỏi gì thêm nữa không?
- Cảm ơn cô. Ðủ lắm rồi. Lẽ ra tôi phải trả cô bốn chục mới đúng!
Lại chừng nửa tháng sau.
Một hôm tôi liều mạng sang bên huyện Gia Lâm vào giữa ban ngày. Tôi nói liều mạng vì hồi ấy máy bay Mỹ bắn phá dữ dội thành phố. Chẳng mấy ai dám đi cầu phao sông Hồng vào lúc chín mười giờ sáng cả, trừ một số cán bộ và bộ đội có công chuyện khẩn cấp. Cũng may không có gì xảy ra. Khoảng sáu giờ chiều thì tôi về đến nhà, người nhão nhừ mệt mỏi.
Ðặng Quân Chi ngồi lù lù trên chiếc ghế đá ở ngoài dinh Trấn Ba. Thấy tôi, hắn đứng lên, reo to:
- Ôi... Bác có mong em không?
- Cũng có mong.
- Còn em thì nhớ bác quá.
- Cứ cho là như vậy đi! Chú vui vẻ nhỉ! Mà... xanh xao, bủng beo thế kia kìa!
- Chả sao, bác ạ. Em về Lệ Mật xây lấy ba gian nhà. Thì cũng phải lo cho có chỗ chui rúc chứ bác? Giá mà bác vềchơi thăm cơ ngơi nhà cửa của em. Cực kỳ, bác ạ!
- Toàn bằng đá?
- Em nhờ đổ bê-tông thôi.
- Có cửa sổ sắt! Có người bồng súng đứng gác. Cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm, phải không?
Ðặng Quân Chi tròn mắt, lè lưỡi đứng im. Tôi bảo hắn theo tôi vào phòng. Thuốc lá! Trà! Rượu! Chúng tôi chuyện trò cùng nhau chừng vài tiếng đồng hồ. Ðặng Quân Chi uể oải ngáp dài, đứng lên vươn vai:
- Bác cho em suy nghĩ đã. Cảm ơn bác đã thực tâm cho em những lời vàng ngọc, bác đã lo cho em hơn cả mẹ đẻ của em. Nhưng em không về Gia Lâm đâu. Em tởm cái đời công chức lắm.
- Sao vậy?
- Tâm tính em hỏng mất rồi. Vả lại, người ta nói: “Sập gụ nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội...”.
- Bậy nào. Bên ấy là cơ sở sản xuất lớn. Người ta cũng chẳng thiếu gì kẻ đảm đương công việc. Chỗ họ quen thân với tôi, họ nể nhời mới nhận chứ.
- Em chán ngấy rồi. Theo Phật chết đói, theo Quan chết đòn. Ðem thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Chắc bác lại cho rằng em bịp, nếu em nói trước đay em đã từng là ủy viên văn xã của một huyện?
- Không, về điều này thì tôi hoàn toàn tin.
- Vậy mà bác còn gò em? Em hỏng mất rồi, không làm lại được đâu.
- Ngày xưa cũng có lúc tôi nghĩ thế.
- Thì ngày nay bác cũng vẫn là “trốn việc quan đi ở chùa” đấy thôi.
- Tôi khác, chú khác. Chú còn trẻ...
- Gần lửa thì mặt nào cũng rát như nhau. Mà kỳ quái thật, bác biết rõ ràng em lừa bịp bác từ đầu đến chân sao bác còn thương em?
- Tôi cũng đã tự hỏi mình như vậy.
- Thế thì bác nhọc lòng làm gì?
- Quả thực chú đã tệ bạc với tôi quá nhiều, chú què ạ. Có điều, chú đã bắt được tôi làm tù binh, kể từ hôm chú nói với tôi rằng chú đói. Từ bé đến giờ tôi cũng đã đói nhiều lần mà đói khủng khiếp ấy. Chú thì chẳng biết gì về cái năm Ất Dậu đâu.
- Ðối với em, những chuyện cổ tích ấy chẳng có ý nghĩa gì! Và bác, em xin bác đừng đem những giáo lý khô khan, vô hồn ấy ra mà ràng buộc em. Trước hết, em chẳng có tài cán gì để mà đáng tiếc. Hai là, có tài thực sự cũng chẳng có ích gì. Ðời lộn xộn lắm, Bàng Thống bị tống về huyện Lôi Dương, nên Bàng Thống trở thành thằng nát rượu, Tần Cối được đặt lên ghế tể tướng, thì Tần Cối có dịp để tung hoành... Ngày mai, em lại đi bán rắn, bán mật rắn.
- Nghĩa là lại bịp?
- Rắn thực sự sao gọi là bịp!
- Rắn thật mật giả. Cái số mật ngan mật vịt ấy, tôi đã ném xuống hồ cho nó... bơi rồi.
Nét mặt Ðặng Quân Chi lạnh băng, không xấu hổ, không ân hận, cũng không nhâng nháo và cũng không quỷ quyệt hơn.
Tôi không thuyết phục tu tỉnh nổi cho người bán rắn. Về sau, hắn đi đâu, tôi không rõ. Hắn trở nên ngay thẳng hơn, hay cong queo hơn, tôi không biết. Tôi hài lòng về mình. Tôi đã làm cái phần việc, cái nghĩa vụ trong phạm vi có thể của mình. Ðôi lúc nghĩ tới Ðặng Quân Chi, tôi cũng hơi buồn buồn. Nhưng biết làm sao được? Những mảnh đời, trong đó có tôi, cứ việc tản ra, cứ việc tụ lại, theo gió, theo bão, cuộc đời dào dạt cuốn đi.