watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:36:2126/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Má Tôi
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 2

 

Quang cảnh trong nhà thật đìu hiu vắng vẻ. Trừ tiếng cười tiếng nói của con em lên bảy, trước sau không có một tiếng động.
Lúc bấy giờ má không còn làm ruộng nhà. Tất cả ruộng nương đều cho vợ chồng anh Trữ làm rẽ hết. Chị Trữ đã thôi ở cùng má. Thấy má cô quạnh, dì Bảy (chị em cô cậu với má, goá chồng và không con cái) đến ở với má cho có bạn. Dĩ ít nói, cả ngày lủi thủi làm lụng như một cái bóng. Tuy vậy trong ngoài sạch sẽ, đồ đạt sắp xếp ngay hàng thẳng lồi như nhà có nhiều lao công. Phòng dạy hè cũng đã dọn dẹp tươm tất.
Cậu Chánh và các vị phụ lão trong xóm nghe tin chúng tôi về, đến thăm và hỏi:
- Chừng nào mở lớp ?
Má đáp:
- Xin cho các cháu nghỉ mười hôm.
Một vị phụ lão cười:
- Chắc cậu sáu mắc lo đi coi mắt vợ chớ gì ? Cô đã nhắm được nơi nào chưa ?
Cậu Chánh nói:
- Mấy tháng nay tôi thấy cổ đi luôn, mà không biết đã nhắm được đâu chưa, chưa thấy cổ cho biết.
Má chỉ cười chớ không đáp. Tôi tưởng là cuộc nói đùa cho vui. Nhưng tối đến, cơm nước xong, tôi sắc thuốc bưng vào, thì má bảo:
- Con để thuốc trên bàn, để nguội má sẽ uống, và ngồi đây má nói chuyện:
Tôi ngồi bên cạnh má. Má nằm nắm lấy tay tôi, và nói với một giọng cảm động khác hẳn ngày thường:
- Con phải lo cưới vợ.
Một hơi lạnh chạy khắp mình tôi, tay tôi hơi run. Má tôi mỉm cười và nhìn tôi với vẻ âu yếm lẫn van lơn. Ðây là lần đầu tiên má tôi tỏ thái độ mềm yếu trước con cái. Tôi xúc động quá, gục đầu vào lòng má tôi. Má tôi vuốt tóc tôi, nói tiếp:
- Ðây là sự chẳng đừng được. Con hãy bình tĩnh để má nói rõ cho con nghe.
Rồi má bảo tôi đưa chén thuốc. Và má ngồi dậy thổi uống một nửa:
- Khuya, con hâm nửa còn lại ; má sẽ uống để ngủ.
Ðoạn ngồi tựa gối, nói tiếp:
- Má không còn ở với các con được bao lâu nữa.
Tôi thất kinh, ôm chầm má tôi, kêu:
- Má!
Má tôi vuốt tóc tôi:
- Con trai con đứa mà sao tâm hồn yếu ớt đến thế! Má đã chết liền đâu mà con hoảng hốt như vậy!
- Má!
- Ngồi yên tĩnh nghe má nói: Từ ngày thầy con tạ thế, mỗi tháng ít ra cũng một lần thầy về thăm má. Thầy con đi về cũng như lúc còn làm sở Délignon. Nhưng ngót nửa năm nay không thấy thầy con về, má rất nhớ trông. Hôm tháng trước thầy con lại về. Má trách. Thầy con nói: " Vợ chồng mình đã đến ngày sum họp vĩnh viễn rồi, tôi phải lo tìm nơi thích nghi, nên không về thăm mình được. Thôi mình hãy lo thu xếp việc nhà cho yên xong, rồi tôi sẽ về đón". Má chưa kịp hỏi thêm gì thì thầy con đã biến mất. Lâu nay những lời nói của thầy con thảy thảy đều ứng nghiệm. Cho nên má biết rằng má sắp xa các con. Thêm nữa sau đêm gặp thầy con má thấy trong mình khó chịu. Bệnh ngó thì không ra sao, song má biết rằng thuốc không chữa được mệnh. Bởi vậy má phải lo gấp việc gia thất cho con.
- Má!
- Má thương các con lắm. Má cũng muốn sống nuôi hai em con đến lúc lớn khôn. Song làm sao cưỡng được số trời. Má biết hai con không đến nỗi hư hỏng. Nhưng muốn ăn học cho đến khi nên người thì phải có chỗ nương tựa. Các con không thể nhờ cậy chú bác, cậu dì được. Nên con phải cưới vợ. Má đã lựa được nơi xứng đáng rồi. Ngày mốt đây má sẽ cho người đưa con đến xem mặt đứa con gái. Nếu con ưng thì má sẽ lo liệu.

Má tôi là người thận trọng. Nói điều gì, làm việc gì cũng đều cân nhắc đắn đo kỹ càng. Cho nên không bao giờ anh em chúng tôi dám cãi mệnh.
Ngày hôm sau, má tôi tuy sức vẫn yếu, song nét mặt trở vui vẻ hẳn lên. Má nhìn tôi cười. Tôi mắc cỡ đỏ cả mặt. Má cốc nhẹ trên đầu tôi một cái:
- Hư lắm ! Ðàn ông, con trai không nên đeo tánh nết đàn bà con gái.
Rồi bảo tôi ngồi bên cạnh và nói tiếp:
- Người má lựa cho con đó là con gái đầu ông Nguyễn Thái Hoàng ở Phú Phong. Ông Nguyễn Thái Hoàng là một đại phú gia trong huyện Bình Khê.
Tôi vốn có thành kiến với các nhà trọc phú, nên nghe nói đến chữ "đại phú gia" thì lòng tự nhiên phản ứng: đôi mày tôi khẽ nhíu lại. Má tôi thoáng biết ngay. Má cười:
- Con tưởng má ham giàu à? Con khờ quá ! Má đã đi coi nhiều nơi rồi. Má chỉ nhắm được có nơi đó. Bà nội rất phúc đức. Bà mẹ tánh tình ai cũng khen cũng phục. Còn con nhỏ, tuy con nhà giàu, ở gần phố, cha lại có biệt thự tại phố Cây Cốc, mà vẫn ở trong nhà quê với mẹ và bà nội, chăm lo việc gia đình, chớ không đua đòi theo chị em. Mặt mũi sáng sủa ngó dễ thương lắm và bốn phía ai cũng khen rằng có nết na. Vì vậy mà má ưng ý.
- Thưa má. Họ giàu, mình nghèo, chắc gì họ gả.
- Ở Bình Khê, nhà nào giàu hơn họ Quách, họ Trần? Giấy rách vẫn còn lề. Hai ông bà ông Nguyễn Thái Hoàng vốn tay trắng dựng nên cơ nghiệp, má chắc là người thấy xa hiểu rộng, không có ý thức "cân của làm sui". Thôi, cậu hãy "sửa bộ mặt cho sạch sẽ dễ coi" đi, để sáng mai sớm lên Phú Phong.
Ở Phú Phong tôi có bà cô tên là Năm Lâu, em bạn dì của thầy tôi. Việc tôi lên coi mắt vợ, má tôi đã cho cô tôi biết trước và cậy cô tôi tìm cách cho tôi thấy được rõ ràng… nên cô tôi đã bố trí chu đáo. Song lúc bấy giờ tôi chưa biết muốn vợ, lại thêm tự nghĩ:"má mà đã khen là dễ thương thì nhất định là dễ thương, còn phải coi làm chi cho mất công". Cho nên tôi không lưu tâm đến việc gặp gỡ. Khi về nhà, má hỏi, tôi thưa:
- Con đồng ý với má.
Má cười:
- Sao tiến bộ chóng thế? Có thấy thật không hay nói láo cho qua chuyện? Liệu đó, chớ sau nầy đừng «đổ thừa» tại mả đó nhé.
Thế rồi tôi lo dạy học cùng em tôi. Má lo nhờ mai mối đi nói, rồi đi hỏi. Ðám hỏi lo xong (ngày 11 tháng 6 âm lịch) thì má tôi mệt nặng. Tôi cho học trò nghỉ để lo việc thuốc thang. Những ông lang hốt thuốc cho má lâu nay đều bất lực. Tôi rước thấy Tàu An Thái, rồi đưa má đi nhà thương Kim Châu. Má chìu ý tôi, nhưng nói:
- Không uống thuốc, không đi nhà thương, sợ các con buồn. Chớ dù có thuốc tiên cũng không chữa được mạng. Nhưng sang năm má mới theo thầy con.

Thấy má mỗi ngày mỗi yếu thêm, thuốc thang không chút hiệu quả, anh em tôi hết sức buồn lo. Nhưng má tôi vẫn bình tĩnh và thường nói cùng tôi:
- Người sắp chết thường lo cho con cái không người nuôi nấng thương yêu. Má đã tìm cho con một nơi phước đức rồi. Má yên tâm mà nhắm mắt. Con không nên buồn. Co lo sao cho con và hai em con nên người phải, đó là thương thầy má. Sống lâu không phải ở nơi tuổi tác, mà do nơi con cháu biết làm cho rạng vẻ môn mi. "Hữu sanh thể phách hoàn thiên địa ; bất tử tinh thần tại tử tôn". Má mong sao các con ráng làm cho "tinh thần bất tử". Ðó mới thật là có hiếu.
Tuy yếu, nhưng ngày nào má cũng bảo chúng tôi đọc truyện cho má nghe. Ngoài những bộ Ðông châu, Tây du, Tam quốc đã có sẵn từ trước, chúng tôi mỗi năm mỗi mua thêm một số nữa như Hán Sở tranh hùng, Thuyết Ðường, Nhạc Phi, Tống Ðịch Thanh, v.v. Má rất lấy làm thích thú.
Ông gia bà gia tôi nghe tin má tôi uống thuốc thầy Tàu, uống thuốc nhà thương Kim Châu không bớt, liền tìm mua sâm tốt và cho gia y là thầy Lưỡng Xuông xem mạch hốt thuốc. Má tôi khoẻ dần dần và đến cuối tháng 7 âm lịch, hết hạn nghỉ hè, thì má đi ra đi vô được. Chúng tôi yên tâm tựu trường.

Khi bằng lòng gả con cho tôi, ông gia tôi có giao hẹn cùng má tôi rằng chỉ cho đi hỏi sớm, còn cưới thì phải đợi năm sau. Má tôi bằng lòng. Nhưng sau khi uống thuốc thầy Lưỡng, khoẻ được mấy tháng thì má tôi yếu trở lại mặc dù thầy hết lòng và thuốc hốt toàn thứ tốt. Biết rằng không còn sống được bao lâu nữa, má tôi yêu cầu ông gia bà gia tôi cho làm lễ cưới trước kỳ hạn. ông gia bà gia tôi hoan hỷ chấp thuận. Lễ cưới cử hành ngày 11 tháng chạp âm và lễ rước vào ngày 26. Vì tất cả đã chuẩn bị trước nên mặc dù má yếu, nghi lễ không thiếu sót và buổi lễ rất long trọng. Hôm đám hỏi, má tôi thân hành đến nhà gái. Nhưng ngày cưới, vì sức yếu quá nên bác tôi đứng chủ hôn.
Rước vợ tôi về Trường Ðịnh rồi, má tôi cho mời bác tôi, và ông gia tôi đến bàn việc nhà.
Má tôi thưa cùng bác tôi:
- Làng Trường Ðịnh không thể ở được nữa. Sau khi tôi qua đời, phải bán hết nhà cửa ruộng đất. Lũ con tôi sau nầy muốn ở Thuận Ngãi, Phú Phong hay nơi nào tuỳ ý.
Và thưa cùng ông gia tôi:
- Anh chị vốn có lượng bao dung, đã thương rể tất thương luôn hai đứa em côi của nó. Tôi xin gửi chúng cho anh chị. Ruộng đất của tôi bán hết cũng tạm đủ cho thằng Tạo ăn học đến đậu bằng trung học. Nếu có thiếu hụt, anh chị cho cháu mượn thêm, cháu không dám quên ơn đức. Ðưá con gái út của tôi nó cũng theo chị nó về làm bạn cùng lũ con gái anh chị. Ðược anh chị chu toàn cho, tôi yên tâm mà nhắm mắt.
Bác tôi và ông gia tôi xin nhận lời.
Má tôi cho mời Cậu Chánh Trần Trác đến, và thưa:
- Lũ con tôi còn nhỏ chưa có thể phụng tự ông ngoại và cậu chúng được. Tôi có trích đám Mốc và đám Cổng làm hương hoả. Tôi chết rồi, nhờ anh rước vong linh cậu tôi và em tôi về từ đường thờ. Sau nầy con tôi lớn khôn, chúng sẽ lo đền ơn trả thảo cho ông ngoại.
Giấy ruộng má đã viết sẵn, bèn lấy giao ngay cho Cậu Chánh.
Sắp đặt xong mọi việc, má tôi yên vui. Tuy nằm một chỗ mà lễ tết má tôi chỉ vẽ cho nhà tôi sắm sửa chu đáo, trong nhà vui vẻ như mọi năm.
Má tôi đối với nhà tôi hết sức thương yêu. Má thường nói riêng với tôi:
- Má rất tiếc không sống được để dạy dỗ vợ con. Nó phúc hậu và sáng ý, lại khéo tay. Nếu được má chỉ vẽ thêm thì con gái huyện nhà chưa chắc đã có người hơn nổi. Má không ngờ phải theo thầy con gấp, nên môn cắt áo đậu bông của ông nội còn truyền cho má và các món bánh Tàu bà cố ngoại con dạy, má không truyền lại cho nó được. Cách pha trà má học được của bà cố ngoại, nhưng lũ bay đều hạng ""ngưu ẩm", có biết cũng không ích gì.
Má tôi cũng thường khuyên dạy nhà tôi cách xử thế. Lại dặn riêng những "bí quyết" để "trị" tôi. Nhưng dặn nhà tôi giữ kín, nên tôi đành chịu đứng ngoài "vòng bí mật".

Tết xong, bệnh má tôi nặng thêm. Tôi biết không qua khỏi tháng giêng, định xuống trường xin phép thêm (vì tôi đã được phép nghỉ trước lễ nghỉ tết đến 10 hôm để cưới vợ, theo đơn xin của má tôi) để ở nhà với má. Nhưng đến chiều mồng 6 tháng giêng âm lịch, má gọi anh em tôi vào dặn:
- Sanh ly tử biệt là cảnh đau lòng nhất trên thế gian. Song thầy các con đã dạy rằng không có gì đáng bi lụy, vì đó chỉ là cảnh thay đổi của ngày đêm. Các con nhớ "chết là đi về" và "sống lâu không ở nơi tuổi" như má đã nói với các con. Ðể má yên vui nơi chín suối, các con nên nhớ những lời má đã dạy bấy lâu nay. Tức là phải ăn ở cho phải Ðạo. Nếu vun thêm nền phúc đức của ông bà để lại không nổi thì ráng giữ đừng cho sụp lở. Và sau khi an táng má xong, các con phải bán nhà bán ruộng, về nương nhờ anh chị bên Phú Phong. Nhất định không nên bịn rịn nơi các con đã sanh trưởng. Quê hương ai lại không thương yêu. Nhưng chỉ bo bo giữ gốc tre làng, sao bằng lo lập nên công nghiệp để làm vẻ vang cho làng nước. Thầy má sẽ luôn luôn ở bên các con để phù hộ cho các con lo tròn nghĩa vụ của kẻ làm con làm dân, nếu các con nhớ lời má dặn.
Ðoạn kêu nhà tôi bảo lo sửa soạn hành lý để ngày hôm sau chúng tôi tựu trường, vì ngày mồng 7 khai hạ hết hạn nghỉ tết:
- Con được học bỗng, phải giữ kỷ luật trường chặt chẽ. Con phải có mặt tại trường ngày mở lớp. Má có đi cũng mươi hôm nữa. Má sẽ tin cho các con biết ngày má đi để các con về.
Sáng hôm sau, má lại gọi nhà tôi bảo lo dọn cơm nưóc cho anh em tôi ăn đi Qui Nhơn. Chúng tôi không dám trái mệnh. Song có cảm giác rằng má tôi không còn ở lại được lâu, nên ăn uống xong, vào chào má rồi mang gói ra cửa trước đi quành ra cửa sau, lén chun vào nhà trên ẩn náu. Má nằm buồng nhà dưới, cửa đóng kín. Chúng tôi nằm lặng im. Nhà tôi lo dọn dẹp dưới nhà bếp. Trong ngoài yên lặng như tờ. Vài giờ đồng hồ sau má tôi gọi nhà tôi hỏi:
- Sao hai đứa nó chưa đi ?
Nhà tôi thưa:
- Dạ đi rồi.
Má rầy:
- Chúng nó trốn trên nhà trên, chớ đi gì! Bảo chúng nếu còn bần dùn, má sẽ chết ngay bây giờ.
Chúng tôi thất kinh, phải gạt lệ ra đi.
Ðến Qui Nhơn đã tối. Sáng hôm sau chúng tôi mới vào trường. Vừa đến văn phòng thì ông Tổng Giám thị Huỳnh Văn Gi cho hay rằng má tôi đã mất và cho phép chúng tôi về nhà chịu tang 10 ngày.
Thì ra chúng tôi ra đi được vài giờ đồng hồ thì má tôi mất, vào lối bốn giờ chiều. Nhà tôi liền cho người lên tin cho bác tôi và ông gia bà gia tôi biết. Ông gia tôi một mặt đánh điện tín xuống Qui Nhơn, một mặt cho gia nhân xuống giúp nhà tôi.
Từ lúc bệnh trở nặng đến lúc nhắm mắt má tôi luôn luôn bình tĩnh và tỉnh táo. Nằm một chỗ mà mọi việc đều sắp đặt chu đáo và quan tài cùng đồ hậu sự cũng đã mua sắm sẵn sàng. Trước khi đi, dặn đi dặn lại người nuôi:
- Tôi chết rồi thời phải liệm ngay vì hôm nay được ngày. Rồi ngày mai, hai đứa con tôi về lúc nào là đưa tôi đi lúc ấy.
Cho nên khi anh em tôi về thì ông gia bà gia tôi và bà con bên nội bên ngoại đều đã tề tựu đông đủ. Chúng tôi vào nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, rồi nghìn thu vĩnh biệt!
Thảm quá Má ơi!
Anh em tôi lúc bấy giờ thân xác rã rời, tâm hồn tê tái. Nhà tôi mới 16 tuổi đầu lại mới về làm dâu chưa đầy nửa tháng! Nhưng nhờ ông gia bà gia tôi bỏ cả việc nhà xuống đôn đốc mọi việc và nhờ sức ủng hộ của bà con cô bác gần xa, nên đám tang rất chu đáo và rất trọng thể.
Má tôi an nghỉ cạnh thầy tôi theo sở nguyện lúc bình sanh.
Ðám tang xong rồi, mọi người đều đi về nhà hết. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng tôi và hai em tôi cùng dì Bảy với ông Năm Tân là người lão bộc ông gia bà gia để lại giúp đỡ chúng tôi. Cảnh nhà quạnh vắng đến lạnh lùng. Nhất là ban đêm, cảnh càng thê lương áo não! Trước bàn thờ mẹ, bốn chúng tôi phủ phục mà khóc. Nhìn thấy hai em nhỏ dại, tôi đứt từng đoạn lòng! Không buồn ăn, không buồn ngủ. Lắm lúc tôi cảm thấy nghẹn thở ! Tôi có cảm giác bị nhận chìm dưới biển sâu, và vợ cùng hai em tôi là ba chiếc bong bóng nổi lênh bênh trên biển cả ngay trước mắt tôi nhưng ở tận trên mặt sóng xa cách nghìn trùng. Tôi thấy ngợp và quằn quại từng cơn.

Ðau đớn quá, em tôi vừa khóc vừa nói cùng chị:
- Em hết muốn học nữa!
Nhà tôi nghẹn ngào đáp:
- Má dặn đi dặn lại tôi chớ để cho chú và nhà tôi bỏ học một ngày. nếu chú và nhà tôi thôi học, tôi phải mang tội cùng má trước nhất.
Lúc bấy giờ tôi không còn nghĩ đến gì cả. Tôi đã mất hẳn lòng tự chủ mà má tôi đã rèn luyện bấy lâu. Em tôi muốn thôi học, nếu nhà tôi cũng muốn nữa, thì chắc tôi cũng theo. Nhưng nghe nhà tôi nói tôi liền nhớ đến lời ông gia tôi nói với giọng nghiêm nghị, khi ra về:
- Làm tuần thất nhật rồi, anh em con phải về ngay Phú Phong để đi xuống trường. Còn con Em ở nhà với chị nó. Cô Thông đã căn dặn trước khi mất. Các con không được trái lời.
Tôi tự nghĩ:
- Ði hết ai lo bát nước nén hương !
Nhưng tôi vụt thấy đôi mắt má tôi nhìn tôi nửa thương nửa quở:
- Thờ cha mẹ nơi tâm chớ đâu phải nơi hương khói. Nhớ thương cha mẹ thì phải lo hoàn thành sở nguyện của cha mẹ buổi bình sanh, chớ đâu phải đắm mình trong nước mắt?(!13)
Tôi phải cố gắng dồn tất cả nghị lực để chống mọi nỗi buồn thương chán nản. Không phải là dễ ! Nhưng nhờ những lời giáo huấn, lời di huấn của má tôi luôn luôn vang vọng bên tai tôi, khiến cho tâm phải nhượng bộ trí.
Cho nên làm tuần thất nhật xong, chúng tôi giao nhà cửa cho dì Bảy coi ngó, và nhờ dì lo việc hương khói hằng ngày cho má tôi. Con Em thì giao cho nhà tôi săn sóc. Còn hai anh em tôi lo tiếp tục việc học hành.
Ở nhà cứ rằm và mồng một mỗi tháng, nhà tôi ở Phú Phong, mua sắm lễ vật thân hành đem xuống Trường Ðịnh cúng má tôi.
Sau khi làm tuần ba tháng mười ngày cho má tôi xong, chúng tôi rước hương linh thầy má về thờ tại nhà bác tôi ở Thuận Nghĩa (tức Quách Trọng Ðường là từ đường của ông nội tôi, mà bác tôi phụng tự). Cậu Chánh rước ông ngoại tôi về thờ tại từ đường họ Trần. Còn vườn nhà thì bán cho mợ Tú Khương.
Từ đây chúng tôi bước sang đoạn đời khác, nhưng cảnh buồn không cha mẹ, nỗi buồn thương khi mất mẹ, chẳng những không bao giờ phai lạt, mà mỗi ngày mỗi thêm thấm lịm vào tâm, mỗi thêm cô đọng nơi hồn. Cuộc đời đã bao nhiêu lần biến đổi, sớm tối đã hơn bốn mươi năm qua, mà hễ nghĩ đến mẹ già xưa là không cầm được nước mắt!

Lòng tôi thương yêu thờ kính thầy và má tôi thật không có nặng nhẹ.
- Cảnh có núi sông nhiều thú lạ
Ðời không cha mẹ ít khi vui.
- Tùng trúc cảnh xưa còn thấy đó
Thung huyên bóng ngã biết về đâu.
Nhưng đối với thầy tôi, tôi có cảm tưởng là thầy đi du lịch. Cho nên chỉ nhớ như nhớ người đi xa chớ không buồn thương. Còn đối với má tôi, mỗi lần tôi nghĩ đến thì lòng tôi luôn luôn thảm thiết, não nùng ! Nói đến những bà mẹ hiền đức, trông thấy những bà mẹ phúc hậu…, nước mắt tự nhiên rơi !
- Ðùm bọc nghĩ thương em trẻ dại
Ấm no thêm nhớ mẹ già xưa !

Còn ngôi nhà ở Trường Ðịnh, tuy bán cho mợ Tú, song mỗi lần chúng tôi về thăm phần mộ thầy má, chúng tôi đều ghé vào thăm cho đến lúc mợ Tú triệt hạ nhà cũ dựng nhà mới và sửa sang lại vườn tược làm mất những dấu tích ngày xưa. Lần cuối cùng tôi về thăm vườn nhà cũ là mùa xuân năm 1932. Áo não bồi hồi, tôi có bài thơ cảm tác:
Quê người dong ruổi bấy nhiêu lâu
Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu
Trống trải ba gian nhà nhện choán
Ngửa nghiêng bốn mặt dạu bìm leo
Cội tùng bóng ngã sương rơi lệ
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu
Lẳng lặng bên thềm ôn chuyện cũ
Giật mình ngỡ đến chốn nào đâu !

** *
Và từ ấy vì đi làm việc xa, nên chỉ vài ba năm một lần, chúng tôi mới về Trường Ðịnh. Mà về cũng chỉ để thăm phần mộ thầy má chúng tôi mà thôi. Vì má tôi mất rồi thì tình bà con bên phía ngoại đối với chúng tôi không còn đằm thắm như trước, nhất là sau khi cậu Chánh qua đời. Chừng ấy tôi mới thấm thía câu nói của má tôi trước khi mất:
- Làng Trường Ðịnh không thể ở được nữa.
Tình người tuy có bạc, song tình quê đối với người cũ, nhất là phần mộ của hai thân vẫn giữ chặt lòng tôi vào làng Trường Ðịnh. Tôi mong làm được một cái gì cho làngTrường Ðịnh nơi còn giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm về đời thơ ấu của tôi, và nơi thầy má tôi an nghỉ vĩnh viễn.
***
Phần mộ của thầy má tôi bằng đất. Năm 1930 tôi muốn xây mộ vôi, để được yên tâm khi làm việc nơi xa xứ. Nhưng ông tú Võ Kiêm (chồng sau bà ngoại tôi) đến xem cuộc đất, bảo chưa được năm. Ðến năm 1936, tôi lại muốn thực hiện ý muốn một lần nữa. Ông gia tôi nhờ ông thầy địa có tiếng ở Tuy Phước, tục gọi là ông "Ðại Hào mục" đến ngắm đi ngắm lại, rồi bảo rằng "mộ thầy tôi đã kết, làm vôi sợ động không nên". Dượng hương Bỗng tức ông Bùi Sơn Nhi ở Xuân Hoà cũng nói:
- Ông nội cháu thường dặn: "Hễ mồ mả cha ông đã yên rồi thì không nên đụng đến". Cho nên mộ ông Thỉ Tổ của cháu vẫn là mộ đất, mặc dù con cháu giàu có đời nọ nối đời kia.
Vì vậy mỗi lần nảy ý định xây mộ vôi cho thầy má thì lòng lo ngại "đào móng động anh khí kết tụ", nổi lên ngăn lại. Cho nên mãi đến nay vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện. Mấy năm giặc giã liên miên, không về thăm được, mỗi lần nghĩ đến, lòng tôi ngùi ngùi.
Nha Trang, Trọng Xuân Ðinh Vị
(Tháng 3 năm 1967)
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 91
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com