watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
09:25:3926/04/2025
Kho tàng truyện

Ngày Cuối Tuần

Hầy Tín hát: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến...”.

Vừa hát thầy vừa xách nồi thịt ra cửa bếp mở nắp nhìn. Nồi thịt kho đi kho lại cả tuần đã chảy nhựa, mặn chằng, phần mỡ thì nhũn nhẽo ra còn nạc thì cứng chắc lại.

Thầy khẽ lắc đầu rồi vẫn đặt lên bếp kho lại. Thầy nói thịt còn hơi bị nhiều, sao mà giải quyết hết được đây. Thầy Nghinh đang ngồi ngoài lu nước gọt miếng bí xanh cuối cùng đã khô xốp, không nói gì. Không phải hai thầy vụng về không biết cách chia đều thực phẩm cho năm ngày trong tuần, mà vì món thịt này đã quá ớn rồi. Cho dù là thịt cũng có lúc người ta không còn thấy ngon nổi nữa. Đã vậy tuần này biển lại tốt, cứ vài ngày lại được một bữa cá tươi, nên nồi thịt đã ế lại càng ế.

- Chào hai thầy.

Một người phụ nữ cỡ tuổi năm mươi xuất hiện ngoài cửa như một vị thần ban vui cứu khổ, tay bưng chiếc rổ nhựa nhỏ. Lại cá. Biết mà.

- Cảm ơn dì Sáu, nhưng chiều nay tụi con còn nhiều đồ ăn lắm.

- Biết rồi. Chỉ có một lát đây chớ không có nhiều đâu. Cá bò mà tươi như vầy ăn còn ngon hơn cả cá dài. Ba nó mang về nguyên một con lận.

Tất nhiên hai thầy không nỡ từ chối vì lát cá tươi quá, nhìn ngon quá. Thôi cảm ơn đi. Dù sao nhận cá của nhà dì Sáu cũng thoải mái hơn vì họ không phải là cha mẹ học sinh của hai thầy. Dì Sáu có ba đứa con đều đã lớn. Hai đứa con trai đã theo cha đi biển, còn cô con gái đã lấy chồng. Cũng may mà cô con gái đã lấy chồng, không lại tưởng dì Sáu muốn kiếm một ông rể làm thầy giáo!

Chiều nay là chiều thứ sáu, buổi chiều của ngày cuối tuần, tuy ngày cuối tuần ở đây không nhất định phải là thứ sáu. Vì đò chạy hai ngày một chuyến mà một tuần lại lẻ bảy ngày nên hẳn nhiên có sự so le. Ví như tuần này đò chạy vào các ngày thứ ba năm bảy, nên chiều thứ sáu mới được đúng là chiều cuối tuần. Còn tuần sau đò chạy vào các ngày thứ hai tư sáu thì ngày cuối tuần lại thường vào thứ năm.

Hồi đầu hai thầy cứ thắc mắc sao đảo không có bến cá, không có chợ, vậy cá đánh về làm thế nào? Thì ra các ghe tàu đi biển về thường phải chạy thẳng vào đất liền bán cá xong mới quay về đảo. Vì vậy số cá mang về ăn chỉ để ăn, nên hai thầy chẳng phải ngại gì cả. Thật lòng mà nói thì món cá tươi vẫn hấp dẫn hơn.

Canh cá tươi nấu ngót nấu chua so với món thịt ba chỉ kho trường kỳ này giống như câu chuyện thần thoại thơm nức, long lanh sắc màu so với câu định nghĩa toán học xương xẩu. Nhưng nếu vì cá mà phải đổ bỏ thịt là chuyện hai thầy không muốn. Nhưng biết sao được: bữa chiều cuối tuần là bữa tổng kết, phải giải quyết hết những gì còn tồn đọng trước khi xuống đò, để tuần sau lại đùm túm xách ra.

Thầy Tín gọi bữa chiều cuối tuần này là bữa út. Giàu út ăn khó út chịu. Thầy Nghinh cãi giàu con út chứ khó gì con út. Thì cũng vậy cả chứ gì. Tính không khéo thì bị cháy nồi mà tính kỹ quá thì “ráng mà ăn cho hết”. Biết vậy đó nhưng không phải cứ biết là làm được. Nhất là khi người ta mới ngoài hai mươi tuổi, đã quen xả láng. Đang ăn ngon mà bắt phải dừng lại để dành bữa sau, trong lúc nồi vẫn còn thì thà làm luôn đi rồi bữa sau khỏi ăn còn hơn.

Vì vậy mà hồi đầu, cứ đến gần ngày cuối tuần là hai thầy chỉ còn biết sang mua rau ướp đá bên quán chị Nhớ - quán hàng ở gần trường mà thầy Nghinh đã mua mì gói bữa mới ra. Nhưng bây giờ thầy Nghinh đã rất ngạc nhiên nhận ra mình cũng có khả năng biết ăn nhín để dành chứ không phải chỉ biết xả láng. Và lại còn biết tiếc của nữa, phải như lúc trước ăn không hết là đổ bỏ, tiếc gì. Nhưng bây giờ thì hai thầy đã thấy tiếc, nhất là thầy Tín.

Nhưng dù sao chuyện thực phẩm cũng dễ tính toán hơn. Còn một thứ khác mà hai thầy phải trả giá đắt hơn nhiều mới có được kinh nghiệm, đó là nước. Bể nước mưa lớn gần bằng cả căn phòng, nắp xây kín nên hai thầy cứ quen tay vặn vòi như nước máy. Đến khi thấy nước chảy yếu dần, hứng mãi không đầy một ca đánh răng mới mở vuông nắp ra dòm thử thì thôi rồi, nước chỉ còn lấp xấp đáy bể khó mà chảy thêm được nữa. Lúc đó thầy Nghinh mới nhớ lại bữa thầy Tín mới ra, chẳng hiểu do hồi hộp hay do cảm xúc bị xáo trộn mà còn đang giữa chiều nắng chang chang thầy Tín bỗng hỏi thăm chỗ giải quyết nhu cầu. Chết rồi. Thầy Nghinh kêu lên. Có xa không? Xa. Tít trên sườn núi lận, để chiều muộn muộn một chút được không? Không được. Vậy là thầy Nghinh đi trước, thầy Tín thập thõm bám theo.

Dù chỉ ra trước có hai ngày nhưng thầy Nghinh vẫn là người đến trước, đã từng trải hơn nên có trách nhiệm dẫn đường cho người đến sau. Đường đi lên núi không có, nó chỉ là một trong số rất nhiều lối đi dẫn lên chỗ đó. Lên dốc, xuống khe, lúc vòng qua tảng đá, lúc luồn qua bụi cây. Đến chỗ sườn núi khá quang đãng lác đác vài bụi thanh long dại, vẻ như một cái rẫy bỏ hoang thì thầy Nghinh dừng lại, chỉ vào một cái lều không mái quây giữa trời, bốn bên che chắn bằng những mảnh tôn cũ và bao bố, cao đến thắt lưng. Thầy Tín bước đến, nhưng vừa đến gần ngó vào đã vội nhăn mũi lùi lại. Thầy Nghinh thông cảm nói hay là ráng chịu cực đi thêm một đoạn nữa xuống chỗ này…

Chỗ này là một dòng suối khô, hai bên bờ có cây phủ rậm rạp nên đỡ nắng và kín đáo hơn. Mới nhìn cũng thấy ngay khúc suối khô này đã được sử dụng làm khu vệ sinh lộ thiên. Dù sao nó cũng còn đỡ hơn cái lều chính qui đằng kia, chỉ phiền nỗi là phải có người canh chừng. Thầy Nghinh ngồi gác dưới một bụi cây bên bờ, nói vọng xuống: “Mát chưa? Mát quá còn gì. Ngồi dưới suối tiên, có cây là hai bên bờ, lại có người theo hầu canh gác thế này, ngang với chúa đảo còn gì nữa”. Dọc đường về thấy thầy Tín im lặng vẻ nản chí, thầy Nghinh lại lên dây cót:

- Rồi cũng quen thôi. Ở đây người ta sống được không lẽ mình không sống được. Cứ thử sức chịu đựng biết đâu một lúc nào đó sẽ thấy không vô ích. Ví như sẽ được là bạn của thiên thần chẳng hạn. Thầy không biết chứ khúc suối đó ngày xưa nguyên là nơi các chúa đảo ra gặp gỡ các thiên thần, nên bây giờ những ai đến chỗ đó để trút bỏ thì đều có thể trở thành bạn của thiên thần…

- Chúa đảo cái con khỉ mốc. Chẳng lẽ…

- Thì đúng rồi. Chúa đảo là khỉ chứ là gì nữa. Khi chưa có người thì không phải khỉ làm chúa tể ở đây là gì. Còn bạn của thiên thần là ai biết chưa? Bạn của thiên thần là ác quỉ! Trời, đơn giản.

- Chẳng lẽ xây được cả cái trường mà không xây nổi cái nhà vệ sinh? - Thầy Tín vẫn bực bõ thắc mắc.

- Không phải không xây được - thầy Nghinh lại thấy mình có trách nhiệm phải giải thích - nhưng mà nước đâu? Nước để gột rửa tội lỗi còn chưa đủ lấy đâu nước giội bồn cầu.

Giải thích cho thầy Tín như vậy nhưng chính thầy Nghinh lại là người gục đầu mệt mỏi trước. Cái ý định tươi rói ban đầu là sẽ quyết chịu đựng để khám phá tưởng đang héo dần khô dần. Thậm chí thầy còn bực dọc khi thấy thầy Tín sau đó đã thích nghi một cách dễ dàng, có lúc còn quay lại lên dây cót cho thầy. Và cũng chính thầy Nghinh lại bị bất ngờ khi phát hiện bể nước cạn. Bởi vì lời thầy giải thích cho thầy Tín bữa đó nguyên là lời của chú Ba thôn đảo trưởng, thầy nghe rồi nói lại, chứ thầy cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện lo cho bể nước.

Ngay cả khi thấy đò chở hàng dãy phuy nước từ đất liền ra mỗi chuyến thầy cũng thấy thờ ơ như đó là chuyện không liên quan đến mình. Hậu quả là từ bữa đó hai thầy phải kêu bác chủ đò bơm nước ngọt với giá 40.000 đồng một khối. Sao cao dữ vậy bác Tám? Hai thầy thông cảm, ai cũng vậy thôi, tôi mua nước máy trong đất liền đã 11.000 rồi, giá nước kinh doanh mà. Trời, 40.000 một khối, gấp 30 lần giá nước sinh hoạt trong thành phố. Hai thầy nhìn nhau, bây giờ mới thấy nước quí giá như thế nào.

Vậy là nước được xếp vào bài học kinh nghiệm thứ hai sau ánh sáng. Bài học thứ nhất là “chạy tối”. Cứ từ quãng 17 giờ trở đi là hai thầy phải khẩn trương cơm nước, tắm táp, thu dọn… nghĩa là phải xong xuôi mọi việc trước khi trời tối, nhất là vào những chiều cuối tuần như chiều nay. Có bê bối lắm cũng chỉ để xoong nồi chén đũa từ ngày trước đến ngày sau là cùng, chứ không lẽ để từ tuần này qua tuần khác.

Chiều nay cũng vậy, hai thầy ăn cơm từ lúc trời còn sáng. Thầy Tín dồn hết chỗ cơm và thức ăn thừa để ra gốc cây cho các chú cẩu đến ăn. Bữa nay đến lượt thầy Tín rửa chén. Thầy Nghinh tranh thủ thời gian vơ đám áo quần dơ nhét hết vào balô để sáng mai xách xuống đò mang về nhà giặt ủi. Trên đường đi ra cầu đò nếu thích thì ghé quán mua một rổ nhỏ khoai lang luộc mang theo ăn sáng.

Vậy là xong. Sớm mai sẽ băng vượt trùng dương về với đất liền. Không biết mấy đứa cháu có còn giành nhau xách balô cho cậu, đòi quà cậu nữa không. Quà gì? Thầy Nghinh đã nghĩ mãi, kiếm mãi mà chẳng thấy đảo có gì có thể làm quà được. Vỏ ốc thì chẳng có cái nào lành lặn ưng ý. Rong sụn tươi thì có mùi hôi, nấu chè sẽ không ngon vì chưa qua chế biến. Cuối cùng nhờ thầy Tín quân sư, thầy đã kiếm ra được quà, đó là một hòn san hô trắng như cục bột đã được sóng bào nhẵn xoa tròn như quả trứng, kèm theo một câu chuyện huyền thoại về hòn san hô...
HOMECHAT
1 | 1 | 254
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com