Người Giúp Việc
Tác giả: Lê Xuân Khoa
Từng có thời cùng cảnh "cơm niêu nước lọ", nhưng bây giờ cuộc sống của họ đã có nhiều khác biệt. Và họ gặp lại nhau trong một tình huống mà cả hai đều muốn nói lời cảm ơn, đồng thời lại thấy cần phải nói lời xin lỗi.
Người chủ nhà đứng trước chiếc gương lớn, quệt tý sáp giữ da lên gương mặt vốn đã trắng như phấn, thân tình nói:
- Cô Lương cho cháu ăn đấy ư. Tôi với cô cùng tuổi, thậm chí cô hơn tôi những chín tháng, gọi chị xưng em như thế không ổn đâu.
- Ô kìa chị, xưng hô như vậy em lại thấy thuận chị ạ.
- Tôi biết cô khiêm tốn, nhưng giữ kẽ quá cũng không hay. Quần áo cô giặt hết rồi chứ? Sao không dùng máy giặt lại vò bằng tay.
- Máy giặt tốn nước lắm. Vả lại giặt bằng tay sạch hơn.
- Cô tắm nước ấm cho cháu đấy chứ?
- Vâng, nước ấm chị ạ. Trẻ con phải dùng nước ấm, mùa nào cũng vậy, không cẩn thận là dễ viêm họng lắm.
- Cô rẩy vài giọt nước hoa vào.
- Vâng, em vẫn làm như chị dặn đấy ạ.
Công việc của chị Lương được chủ giao không nhiều và cũng chẳng mấy nặng nhọc. Nấu nướng, giặt giũ, lau chùi sàn nhà, cầu thang và một số đồ đạc cần thiết. Việc giữ bé Thỏ bông và tắm rửa cho nó là chính. Ngoài ra, chủ nhà còn giao cho chị mỗi ngày 30 nghìn đồng ra chợ để mua sắm bữa ăn trong ngày. Với gia chủ số tiền chi tiêu trong ngày như vậy không có gì đáng suy nghĩ, nhưng ở nhà quê của chị Lương thì đó quả là một món không nhỏ, có thể trang trải cho cả nửa tháng. Chợt có cái gì đó từ thẳm sâu đáy lòng cộm lên. Ngẫm lại nào mình có biếng nhác, anh ấy cũng không cờ bạc rượu chè chi. Đêm hôm ấy, dù chăn đã kín cổ, người giúp việc không chợp được mắt. Thế rồi những gương mặt túng bấn ở quê hiện dần. Có lẽ giờ này thằng cu Tí đã ngủ nhưng anh ấy đang nghĩ ngợi điều gì đó. Có thể là tương lai, một tương lai sáng sủa hơn, miếng ăn cái mặc không đến nỗi tất bật như ngày hôm nay.
Khác với mọi hôm, anh Tam không xem đá bóng ở ti-vi đến mãi khuya vì bé Thỏ bông hai hôm nay ấm đầu không chịu rời mẹ. Tắt máy xong, anh ngồi trên bàn lập lòe điếu thuốc mãi mới lên giường chợp mắt được. Nhớ lại những ngày đi lao động nước ngoài. Sau giờ ở công trường, để có tiền, có cái gửi về nhà, ngày lễ, chủ nhật, phải lầm lụi, bươn chải, phải quên mình đi, phải đừng bao giờ nghĩ đến tư cách, thể diện, thậm chí còn phải chấp nhận nhục nhã nữa. Một hôm, nhân lúc rỗi việc, anh buột lời tâm sự:
- Chúng tôi đến với nhau muộn cô ạ. Gần năm mươi tuổi con đầu lòng còn o oe thế này đây.
Câu nói có sức cảm hóa mạnh. Người giúp việc xúc động:
- Kinh tế đầy đủ, anh chị đẻ liền mấy đứa đi.
- Tôi cũng nghĩ thế. Nhờ mấy năm lao động ở nước ngoài có tích góp được chút ít. Đấy cô xem, dù đã có ba người giúp việc nhưng nhà tôi vẫn phải bám cửa hàng suốt ngày. Tôi cũng thế, là một phó giám đốc điện máy, việc cứ như đặt vào tay, muốn nghỉ vài ngày cũng khó. Cô chú hai à, có đứa nào học xong chưa tôi tìm việc cho. Con lớn rồi thế là sướng...
Nhưng nhà quê vất vả anh ạ. Có vài sào ruộng không đủ làm, tiền học cho con, công vui chuyện buồn, giật gấu vá vai thế nào cũng không đủ. Buồn tay buồn chân nhà em lại ngồi cạnh cái bơm, bơm xe máy, xe đạp, mỗi ngày chỉ thêm thắt được dăm nghìn đồng.
- Tới đây có ngày lễ liền với thứ bảy chủ nhật, cô cứ nói với nhà tôi một tiếng, nên tranh thủ về thăm nhà vài ngày.
- Cảm ơn anh, em cũng nghĩ thế nhưng không dám nói ra anh ạ.
- Cứ có lời với nhà tôi, tôi ủng hộ. Tiền tàu xe tôi giúp.
- Ôi, cảm ơn anh. Anh chị cho về vài ngày là quý rồi.
- Quý nhau là ở tình cảm, ở lòng người, tiền thì nay có mai không, cô đừng ngại.
Câu nói như cởi tấm lòng, người giúp việc thầm nghĩ. Đúng vậy, quý nhau là ở tấm lòng, ở cái tư chất của mỗi con người cụ thể, giàu sang chưa hẳn đã xấu, nghèo chưa chắc là tốt một khi người ta có miếng ăn của để, có đồng tiền rủng rỉnh trong tay, bản chất lúc đó mới bộc lộ. Những suy nghĩ mông lung trong đầu người giúp việc ở đâu đó ập đến. Lại cồn cào nhớ con, nhớ chồng. Tắm rửa, ăn uống, liệu anh Quân có để cho thằng cu Tí bát cơm khi nó đi chơi về đòi mẹ như khi mình ở nhà hay không.
Ngày hôm đó nhác thấy người giúp việc kém vui, chủ nhà thăm dò:
- Cô Lương có chuyện gì không bằng lòng phải không?
- Ô kìa chị. Anh chị tốt bụng, coi em như người trong nhà, thật lòng em diễm phúc lắm chị ạ.
- Cô đừng nói vậy. Gia cảnh khó khăn cô mới lên đây. Vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ xấu về cô đâu. Mới lại cái đói ở thành phố bây giờ cũng chỉ đói xe, đói nhà cao cửa rộng chứ mấy ai đói cơm, đói gạo. Hay là ngày lễ và thứ bảy chủ nhật tới, cô tranh thủ về thăm nhà vài bữa đi.
Anh Tam nghe hai người trao đổi, đế vào:
- Thế này mình ạ, cô Lương đã giúp vợ chồng ta hơn hai tháng, mình cứ để cô về vài ngày và cầm trước một triệu. Ra tấm ra món còn mua được đôi lợn giống.
Chị Thu sẵng giọng, nói ngay:
- Lợn gà gì. Đàn ông nhà các anh biết gì mà lợn với gà. Lợn gà cũng cốt ở người đàn bà, rước lợn về ai cám bã cho.
Nói đoạn chị bước ra cửa, đi về phía có những quầy hàng. Lát sau, với một túi bánh kẹo, mấy cái bút, bốn năm quyển vở và vài bộ quần áo trẻ con, chị bước vào nhà, chân tình lên tiếng:
- Cô Lương vẫn đang ở bếp đấy ư. Con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông. Tôi được biết ở quê một con bê nho nhỏ chỉ khoảng hai triệu rưỡi đến ba triệu đồng thôi. Nhà tôi nói đúng đấy, đồng tiền không ra tấm ra món thì chẳng làm được ngũ nghề gì cả. Cô cầm về ba triệu mạnh dạn mua một con bê cái. Mỗi năm nó cho một lứa, có thế mới có chỗ mà nhìn.
Chưa bao giờ có món tiền vài trăm nghìn đồng trong tay, người giúp việc kêu lên:
- Ôi em đội ơn chị, em không dám.
- Dám dám cái gì, nhà quê các cô cứ quen tính chuyện vặt vãnh. Một con lợn, vài con gà, đến bao giờ mới mát mặt được. Tôi đã tin cô, cô cứ cầm về. Nhưng nhớ là phải mua ngay đi chứ giá cả leo thang, thế này bỏ vào tiết kiệm chỉ tổ cắt thịt mình nuôi lũ heo.
- Nhưng mà...
- Cô hay nhỉ. Hôm nay thứ năm, chiều mai anh Tam đưa cô ra bến xe.
- Thế thì em xin chị.
- Xin xin, tôi có cho cô đâu. Ba triệu là tiền công sáu tháng của cô. Vợ chồng tôi cũng mong cô chú nhất định sẽ đến ngày có miệng ăn miệng để. Nhớ là sắp xếp rồi trở lại nhé, đừng để chúng tôi mong.
- Vâng ạ, em sẽ lên ngay thôi ạ.
Người giúp việc bước khỏi nhà mà vợ chồng anh Tam cứ trông giờ trông phút. Rồi một ngày tiếp nữa lại bị hoàng hôn đẩy vào chỗ tối, người giúp việc chưa quay trở lại. Tối hôm ấy, hai vợ chồng ngồi vào bàn ăn nhưng cả hai không buồn nâng bát. Lặng thinh hồi lâu, người chồng bật lời:
- Cô Lương về gần tuần lễ rồi, mình có nhận được điện thoại của cô ấy không.
- Ô kìa, em tưởng...
- Tưởng tưởng cái gì, người ta đọc trên báo rồi tự tìm đến. Đàn bà các cô dễ thông cảm nhau hơn, em phải chủ động hỏi chứ. Nhưng không sao đâu. Chắc gia đình có công việc quan trọng gì đó, cũng có thể hai ông bà ấy đang mải tìm cho được con bê ưng ý cũng nên.
- Em cũng nghĩ thế.
Anh Tam lại uể oải nâng chén. Những hớp rượu bây giờ chẳng có hứng thú gì nữa, nồng và cay như một thứ hoàn toàn xa lạ. Tiếng anh đầy trách móc:
- Đáng ra em phải nắm được quê quán người ta. Điện thoại nhà quê không có thì cũng phải có địa chỉ, chứ nói Kim Bảng ai biết xã nào.
Cho đến một sáng, tiếng chuông nhà chợt vang to. Lòng khấp khởi, cặp mắt vụt sáng, chị Thu hớt hải chạy xuống gác trệt với nỗi vui mừng vô hạn.
- Chào cô. Đây là nhà anh Tam phải không ạ.
Tựa người bước hẫng, chị ậm ờ:
- Vâng, có việc gì đấy ạ?
- Chị là chị Thu?
- Vâng, có việc gì đấy ạ.
- Chị cho tôi gặp anh Tam.
- Nhà tôi bận chút việc, có chuyện gì anh trao đổi với tôi cũng được.
- Chuyện thì nhiều, một lúc không nói hết đâu. Cô cứ cho tôi gặp Tam đi.
Chủ nhà vẻ không bằng lòng, lạnh lùng quay vào nhà, để lại mấy tiếng nhỏ và nhạt nhẽo:
- Anh chờ một lát.
Phải một lúc mới có tiếng chân thong thả từ cầu thang bước xuống. Vừa nhìn rõ người trong nhà, người ngoài cổng nói to:
- Tam!
Chủ nhân có mấy giây nhận diện, rồi cũng nói như reo:
- Cha cha, thằng Quân! Mày đi đâu thế này, sao biết nhà tao.
- Tao đi hỏi tội mày đây. Hồi ấy nếu tao không là chủ tịch công đoàn kiêm xưởng trưởng cơ khí trực tiếp phụ trách mày, thì mày đi lao động Liên Xô ba năm thế nào được. Rồi mày ở tịt bên đó bảy năm. Ấy thế mà, khi về nước, mày không thèm hỏi thăm tao lấy nửa lời. Thế nào, Thu là cô bé mày hỏi ý kiến tao đấy à.
- Chính là cô ấy. Lên gác đi. Thu có đọc thư của mày gửi cho tao hồi ấy, cô ấy quý mày lắm, nhưng hiện giờ không biết mày là ai đâu. Thế nào, vợ con thế nào, nhà cửa ở quê à.
Quân gãi đầu:
- Đúng là mày không biết bà xã của tao thật sao?
- Mày giấu như giấu của quý ở quê biết thế cóc nào được.
Hai người bước vào phòng khách ở tầng hai. Bà chủ Thu đang phơi phóng trên sân thượng tầng bốn.
Quân tiếp tục:
- Giấu giấu cái gì, vừa nghèo vừa xấu, đâu phải chim công chim phượng mà bỏ lồng để ngắm. Thật lòng tao lên để cảm ơn và xin lỗi vợ chồng mày đây.
- Tào lao, cảm ơn cái gì, xin lỗi ai. Tao biết lỗi với mày rồi, đừng chửi nữa kẻo rồi Thu nó nghe thấy.
- Tam ạ, bọn mình tính rồi, không mua bò đâu. Bằng số tiền các cậu cho Lương vay, bọn mình sẽ sắm bộ đồ nghề sửa chữa xe máy. Làng mình hiện có hơn hai trăm xe máy các loại, xe công nông và máy chế biến nông sản chưa kể. Về người giúp việc cho các cậu bọn mình sẽ giới thiệu người khác, yên tâm đi.
- Kìa, Lương là bà xã của cậu?
- Tao cũng không ngờ, cứ như trong tiểu thuyết ấy. Lương nói vợ chồng nhà chủ trước đây đi lao động ở Liên Xô và lấy nhau bên ấy. Nghe vậy tao khẳng định đích thị là vợ chồng mày rồi.
Lời vừa lọt tai, Tam vội lên tầng gọi vợ, nước mắt rơm rớm vì xúc động, vì hồi ức hai người cùng cơm niêu muối lọ trong những năm tháng thời bao cấp sống lại. Tam giữ Quân ở lại ba ngày rồi thuê chiếc xe con đưa cả Thỏ bông cùng về quê Quân. Ra khỏi thành phố, những thảm lúa nối tiếp phập phồng xanh trải trong làn gió nhẹ khiến vợ chồng Tam có cảm giác thanh thản như đi trong thế giới bao la để tầm mắt có cơ hội vượt ra khỏi những bức tường chật chội và cấn cái. Đường làng ngõ xóm cũng đã được rải nhựa hoặc bê-tông hóa, trơn nhẵn, và khang trang. Xe gắn máy đi lại nhiều hơn xe đạp. Tuy vậy nhà tranh và nhà lợp rạ dáng dấp một làng quê xưa vẫn còn ẩn hiện bên những ngôi nhà mái ngói, nhà cao tầng hiện đại. Tam thầm nghĩ sự phân tầng trong xã hội chưa thể xóa bỏ ngày một ngày hai. Lòng dạ bùi ngùi anh chợt thương Quân quá đỗi. Và lòng nhủ lòng sẽ đầu tư cho Quân cái xưởng ra tấm ra món để một ngày nào đó vợ chồng Quân cũng có gương mặt sán lạn ngay trên mảnh đất yêu dấu mà anh ấy không nỡ rời xa.