watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:29:1926/04/2025
Kho tàng truyện


Nơi Én Bay Về

Tác giả: Lưu Cẩm Vân

Phía trước nhà Yên đang ở là một ngôi giáo đường có cái tháp chuông cao và nhọn hoắt... Bên dưới tháp chuông là vòm mái thật rộng làm cho nhà thờ thêm bề thế và nghiêm trang cùng một cánh cổng và cái sân chung với nhà thờ là hai dãy nhà khang trang của một ngôi trường tiểu học.


Chiều chiều cánh cổng mở rộng thả cho bầy học trò nhỏ tíu ta, tíu tít chạy về với các bậc cha mẹ đang nôn nóng đứng đông nghẹt cả con đường nhỏ xíu. Khi đó, trên hàng ngàn con chim én bay về đen đặc trên không, chao liệng quanh cái tháp chuông rồi chui vào trong vòm mái của nhà thờ. Hình ảnh ấy tạo nên một ấn tượng trong lòng Yên khiến cho dù mấy lần bất hòa với chủ nhà Yên vẫn không nỡ chuyển nhà như những lần trước.

“Nhà” của Yên là một căn gác nhỏ chỉ đủ chỗ kê một tấm nệm và một cái tủ vải để đựng quần áo. Đó là cái tổ của ba con én nhỏ, tình cờ tìm thấy nhau, tình cờ thấy thương mến nhau mà cùng về ở chung.

Nhỏ Hà, nhỏ Khánh lần đầu nghe Yên ví von như thế đã cười suýt sặc cơm. Bọn nó là dân học toán làm gì mà hiểu được những cảm xúc trong lòng Yên. Vậy mà anh ta hiểu được, anh ta cũng là dân học toán đang ở trọ ở căn gác phía sau.

Câu hỏi làm quen của anh ta là: “Cô có thấy tội nghiệp mấy con chim én kia không?”. Yên ngạc nhiên nhìn anh ta như mới ở trên trời rơi xuống, ngạc nhiên nhìn anh đến quên trả lời. Anh ta dựa lưng vào tường nhìn lên mảng trời chiều đang kéo mây xám xịt, mấy con chim én đảo cánh bay xuống thấp rồi vút lên cao, anh ta nói mà vẫn không nhìn Yên:

- Trời sắp mưa, sao bạn không bay vào tổ nhanh cho rồi.

Lúc ấy, Yên liếc ngang làm thinh quay vô nhà nhưng anh chàng lại hỏi:

- Yên chưa trả lời tôi mà.

- Tôi đâu biết anh là ai mà nói chuyện.

- Tôi ở đây cả tháng rồi.

- Kệ anh.

Yên gặp anh ta lần thứ hai ở dưới chân cầu thang, anh ta ngồi ngang ở gốc cây xoài trong sân, anh ta nói khi Yên bước ngang: “Tôi tên Triều. Triều có nghĩa là con sóng”. Yên làm lơ bước đi nhưng anh đã nhanh chân chặn ngang trước mặt cô: “Sao Yên chảnh quá vậy. Tôi nhìn Yên đâu phải thế! Hay tôi lầm?"

Thế là Yên có thêm một người bạn, Triều không giống như những người bạn trai học cùng lớp của Yên. Anh cao lớn hơn, chững chạc vì quả thật là anh lớn hơn Yên năm tuổi, nhưng anh chỉ mới học năm thứ hai ở Bách khoa.

Trông anh không có vẻ nghèo khổ để phải đi học muộn dù Yên thấy hình như anh cũng vừa đi học, vừa đi làm như Yên. Yên đi làm vào những ngày không có tiết học, công việc của Yên là trông coi một lớp dạy vẽ, chuẩn bị cho các cô cậu học sinh định thi vào trường Kiến trúc.

Năm nay là năm học cuối nên Yên chuyên tâm vào việc làm đồ án tốt nghiệp, những ngày này Yên phải đi thực tế nhiều hơn là đến trường, có hôm đến tối mịt mới về tới nhà. Lúc ấy, Triều đã ngồi vào bàn học, anh có vẻ chăm chỉ nhưng khó khăn, gần như anh phải đánh vật cùng với sách vở, không thấy anh có bạn bè đến chơi, cũng chẳng biết anh sinh hoạt thế nào mà không có giặt giũ, nấu nướng.

Thỉnh thoảng Yên thấy anh đi học về xách theo một hộp cơm và chai nước khoáng. Thật là anh chàng lười. Yên nghĩ thế rồi lại thấy mình tò mò và cười thầm mình vô duyên.

Thỉnh thoảng Triều gõ cửa phòng Yên để hỏi mượn quyển sách, khi trả sách lúc nào cũng kèm theo mấy cái bánh mì ngọt. Hà và Khánh rất thích, rồi cả bọn trở thành bạn của nhau. Thứ bảy, Chủ nhật không đi học, Hà, Khánh thường mong Triều sang chơi nhưng lại không thấy anh đâu.

Quen nhau gần nửa năm học mà Yên không biết gì nhiều về Triều ngoài thông tin anh phải đi học chậm hơn người cùng tuổi nhiều năm. Yên không biết anh quê ở đâu chỉ nghĩ rằng cũng là khách trọ của thành phố như mình. Sắp đến ngày thi học kỳ, Triều vắng nhà thường xuyên, lâu không gặp anh Yên cũng lạ, lần nào đến trước cửa phòng Triều, Yên cũng thấy chiếc ổ khóa to đùng nằm lặng lẽ.

Buổi chiều một mình ở nhà, Yên lại leo lên cái sân thượng nhỏ xíu, tìm một góc đứng nhìn xuống nhà thờ. Chiều chủ nhật, không có học trò, sân trường vắng tanh chỉ còn mấy người khách ngồi trên những chiếc ghế đá đặt rải rác trong sân. Chắc là mới tan một buổi lễ, những người ngồi lại hẳn cũng giống tâm trạng của Yên, đang chờ đàn én trở về sau một ngày bay xa kiếm ăn.

Mặt trời đã lặn ở phía sau tàng cây cao, thành phố chưa lên đèn như được bao phủ trong màn sương khói mờ mờ. Yên bỗng thấy lòng man mác nhớ nhà, nỗi nhớ này lâu lắm Yên mới cảm thấy. Xa nhà đi học gần năm năm nay, Yên cứ tưởng mình quá quen thuộc với thành phố như quen với giọng nói người phương Nam.

Mỗi lần mẹ nhắc: “Con lại nói giống Sài Gòn rồi”, Yên phản đối nhưng không dám chắc lắm. Yên đã yêu thành phố này giống như yêu phố biển, một nơi gắn với tuổi thơ của mình còn một nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn Yên khi bắt đầu tuổi lớn. Mỗi lần về thăm nhà, Yên lại nôn nao nhớ thành phố. Mẹ hỏi: “Hay là con có bạn trai ở đó rồi”. Yên nói cho mẹ yên lòng: “Nếu có ai con sẽ lập tức mang về trình diện với mẹ”.

Quả thật là Yên chưa có ai, những người bạn trai ở trường chỉ là bạn của sách vở, chưa có ai đủ thân để chia sẻ tâm sự buồn vui, huống hồ… Mới đây Yên bắt gặp mình thường nghĩ về Triều, thật vớ vẩn. Triều chẳng có gì chung để Yên phải nghĩ đến. Dù vậy, Yên vẫn biết rõ ràng rằng mình muốn biết nhiều hơn về Triều.

Vừa mới nghĩ đến Triều đã thấy anh từ dưới cầu thang đi lên. Yên bối rối làm như Triều cũng biết ý nghĩ của mình. Yên chào Triều rồi lại nhìn xuống nóc nhà thờ, những con chim én bắt đầu bay về, tiếng vỗ cánh, rồi tiếng gọi bầy ríu rít. Triều đứng cạnh Yên, cả hai cùng im lặng. Rất lâu rồi Triều là người lên tiếng trước.

- Yên không hỏi tôi ở đâu về ư?

- Anh ở đâu về vậy?

- Đúng là Yên thật… Yên thắc mắc về tôi sao không hỏi?

Giọng Yên cảnh giác.

- Anh nói gì vậy?

- Yên muốn biết về tôi, cụ thể thế nào Yên hỏi đi.

Yên nói trong tiếng cười “Anh buồn cười thật. Tôi có muốn hỏi gì đâu!”.

- Thế Yên không muốn hiểu rõ hơn về người bạn của mình à? Tôi chưa phải là bạn của Yên sao?

Giọng Yên lấp lửng: “Nếu là bạn của tôi, anh phải tự nói về mình chứ!”.

Triều nhìn theo những cánh chim én giờ chỉ còn là những chấm đen nhỏ bay thoăn thoắt. Yên cười, bọn nó bay như thế là đạt bao nhiêu cây số giờ nhỉ? Triều trả lời bằng một câu chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi của Yên:

- Trời trở lạnh rồi, xuống nhà thờ đi Yên.

Triều có mặt ở nhà trọ đều đặn hơn, anh có vẻ dồn hết sức cho ngày thi học kỳ. Hình như anh đã nghỉ làm. Yên không hỏi nhưng đoán thế vì ngoài giờ đi học Triều đều có mặt ở nhà, anh ngoan ngoãn như cậu học trò cấp hai. Một buổi tối Yên trở về nhà muộn, khi Yên tự mở cửa vào nhà bằng chìa khóa riêng thì một người phụ nữ đến gần nhỏ nhẹ hỏi cô:

- Em ơi, cho cô hỏi có Triều trọ học ở đây phải không?

Đó là một phụ nữ đứng tuổi nhưng còn rất đẹp, bà mừng rỡ khi Yên nhận lời đưa bà lên nơi ở của Triều. Anh mở cửa và nụ cười dành cho Yên bắt đầu tắt đi khi nhìn thấy người đứng phía sau. Yên nhường lối cho người phụ nữ, gật đầu chào bà và trở về phòng mình. Rất lâu mới nghe tiếng chân của họ đi ngang phòng mình, Yên nằm một lúc mà không nghe tiếng chân trở lên của Triều. Lâu lắm và Yên ngủ quên.

Mấy ngày thi rồi cũng qua, những buổi học cuối năm qua lơ mơ, chơi nhiều hơn học. Bọn sinh viên xa nhà như Yên đều nôn nao chuẩn bị về quê ăn tết. Triều bất ngờ đến đón Yên ở nơi cô làm việc. Anh nói ngay khi vừa mới gặp nhau: “Yên đi uống cafe với tôi được không?”.

Nhìn gương mặt buồn buồn tội nghiệp của Triều, Yên không nỡ từ chối, Triều đưa Yên đến một quán cafe nằm trong vườn của một ngôi biệt thự. Anh chọn cái bàn nằm cạnh góc một cây hoa ngọc lan và kéo ghế cho Yên. Triều gọi một ly cafe sữa và một ly trà lipton theo ý của Yên.

Anh vắt chanh, bỏ đường và khuấy lên, đẩy nhẹ ly nước trà vàng óng về phía Yên rồi chẳng nhìn đến ly của mình, anh tựa lưng ra ghế, mắt nhìn đăm đăm về một điểm nào phía sau Yên. Anh nói như thì thầm…

… Đó là mẹ tôi. Mẹ tôi rất đẹp phải không Yên? Bà có bốn người con trai, tôi là út. Ba tôi mất đâu khi tôi còn nhỏ, tôi không biết mặt cha, nhưng tôi không hề buồn vì mẹ tôi là một phụ nữ tuyệt vời, bà vừa là cha, vừa là mẹ. Mẹ yêu tôi có phần hơn những người anh lớn của tôi, từ nhỏ tôi quen được chiều chuộng, nâng niu, mẹ chẳng bao giờ làm gì trái ý tôi.

Tôi học hành tạm tạm, tốt nghiệp phổ thông rồi tôi không thích học nữa, tôi bỗng thích một chiếc xe hơi, nhìn những chiếc xe đủ màu ngoài đường tôi thích được sở hữu một chiếc, ngăn tôi không được, mẹ đồng ý cho tôi nghỉ học đi làm để có tiền mua một chiếc xe hơi cho riêng mình. Công việc của tôi là phụ các anh trông coi thu mua hàng cho siêu thị của mẹ tôi.

Sao Yên nhìn tôi như thế, tôi không có vẻ gì là công tử con nhà giàu phải không? Sau ba năm làm việc tôi có đủ tiền mua một chiếc xe, tất nhiên là dễ dàng hơn mọi người vì mẹ vẫn còn phải nuôi tôi như con trẻ. Mấy năm gần đây, các anh tôi lần lượt lập gia đình, có thêm người nhà cũng vui hơn nhưng dần dần tôi nhận ra hình như có một cái hố sâu đang hình thành giữa anh em chúng tôi.

Tôi cứ nghĩ là do mâu thuẫn giữa những chị dâu, lâu dần tôi lại có cảm giác như họ sợ tôi tranh chấp phần gia tài của mẹ. Tình anh em nhẹ hơn của cải, tôi buồn lắm, lúc đó gặp lại bạn bè ai cũng có sự nghiệp, địa vị xã hội, tôi thấy những gì mình đang có bỗng vô nghĩa. Cuộc sống của tôi tẻ nhạt vì chẳng có ý nghĩa gì để tôn trọng, sực tỉnh tôi đã đi học lại vì thật là phép lạ khi tôi đã thi đỗ được vào trường đại học và tôi có lý do xin phép mẹ ra ở riêng để tiện học hành.

Không khí thật nặng nề dù trời đang mát dịu và mùi hương ngọc lan tỏa ra nhẹ nhàng. Yên chớp mắt khi Triều chợt ngừng nói, cô nhấc chiếc phin ra khỏi ly cà phê bị bỏ quên từ nãy. Yên khua nhẹ lớp sữa bên dưới, ly cafe bây giờ màu nâu nhạt đã loãng. Cô nói cho lồng ngực nhẹ bớt đi: “Cafe chắc không ngon nữa anh Triều à!”.

- Cảm ơn Yên. Mới đây tôi hiểu vì sao có sự thay đổi của các anh tôi – Giọng nói của Triều bỗng trở nên khó khăn – Tôi không có cùng một người cha với họ. Tôi không thể tưởng tượng được là bấy lâu nay cha tôi vẫn còn sống và tôi có rất nhiều anh chị. Tôi có cả một đại gia đình khác.

Triều lại im lặng mà Yên thì không dám lên tiếng hỏi. Dằn được cơn xúc động, Triều lại nói:

- Cảm ơn Yên đã thật ngoan để nghe chuyện của tôi. Hiểu ra thân phận mình tôi đã về hỏi mẹ, tôi hỏi vì sao mẹ giấu tôi mọi chuyện, vì sao mẹ con tôi lại lưu lạc đến đây, mẹ không trả lời câu hỏi nào của tôi, mẹ chỉ xin lỗi nhưng tôi cũng hiểu tôi là một đứa con rơi.

Yên nín thở nhìn Triều đang cắn môi, hai bên thái dương anh nổi lên những đường gân, anh đang muốn ngăn cho mình khỏi xúc động nhưng Yên vẫn nhìn thấy những tia đỏ trong mắt của Triều.

- Tôi biết một ít thông tin về cha tôi cùng lúc với tin ông qua đời. Tôi không thể ngăn đừng tìm đến với nguồn gốc của mình. Tôi đã tìm đến nơi mà lẽ ra tôi phải lớn lên ở đó, phải được sống cùng với những người lẽ ra là người thân của mình. Tôi đã biết cha qua tấm ảnh trên ngôi mộ của ông, tôi nhìn thấy đường nét của mình trên gương mặt những người anh ở đó. Điều mà lâu nay tôi không thấy ở những người anh cùng lớn lên với mình.

Yên muốn nói với Triều vài câu nhưng cô không tìm được câu nào khả dĩ để cho Triều hiểu rằng cô rất xúc động khi nghe chuyện của Triều. Cuối cùng Yên cũng hỏi được một câu mà cô bỗng thấy lãng xẹt:

- Tại sao anh lại kể cho tôi nghe chuyện riêng của anh?

Câu trả lời của Triều cũng khá bất ngờ:

- Tôi muốn Yên biết hết mọi chuyện của tôi. Tôi muốn chia sẻ cùng Yên. Em hiểu không?

Vài lần gặp nhau sau đó ở sân thượng, khi cả hai cùng ngắm đàn chim én trở về vào buổi chiều. Triều lại hỏi Yên. Tôi có nên tìm đến nhận anh em với gia đình tôi không Yên? Mẹ để tùy tôi quyết định. Tôi không trách mẹ khi mẹ đã phải bỏ quê mà đi vì hạnh phúc của ba tôi. Tôi cũng không trách ba vì nghe đâu ông cũng nhiều lần tìm kiếm mẹ con tôi. Mẹ tôi buồn vì tôi không trở về nhà, tôi cũng buồn lắm vì không chịu nổi sự xa cách của các anh chị. Yên bảo, tôi phải làm sao?

Yên không có câu trả lời nào cho Triều bởi so với anh, cô còn ít tuổi đời lại chẳng có kinh nghiệm sống bằng anh. Hôm cuối trước ngày về nhà ăn tết, cùng đứng với Triều ở nơi cũ, nhìn đàn én bay về. Yên nói: “Chim én cũng có nhà phải không anh Triều? Dù là ai cũng phải có nhà để về, chỉ có về nhà người ta mới cảm thấy bình yên!”. Triều nhìn Yên thật lâu. Rồi anh nói: “Cảm ơn Yên”.

Ngày Yên về quê, Triều đưa ra tận ga. Yên giục mãi mà Triều không chịu về cho đến khi tàu sắp chạy, anh mới giúi vào tay Yên một gói giấy nhỏ xinh xắn có thắt nơ hồng “về đến nhà hãy mở ra Yên nhé”.

Món quà tết của Triều là một chiếc điện thoại di động có ghi sẵn tin nhắn: “Để chúng ta gần nhau hơn. Cảm ơn em về mọi điều…”. Yên không hiểu mình làm được gì cho Triều nhưng mấy dòng nhắn của anh đã làm cho tim Yên lao xao.

Chiếc điện thoại di động rung lần đầu tiên vào đúng giờ giao thừa. Giọng nói của Triều gần gũi: “Chúc em một mùa xuân mới tốt lành. Sớm về nhé, con én nhỏ”.

Yên vui lắm và trong thoáng nhớ về Triều, Yên nhìn thấy cả đàn chim én bay lượn rộn ràng trên nóc nhà thờ. Yên và Triều cũng thế, ai cũng phải có nơi chốn quay về.

HOMECHAT
1 | 1 | 130
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com