Nhân Quả
Tác giả: Đỗ Nhật Minh
Thật sung sướng vô cùng khi tôi có dịp trở về quê thăm lại họ hàng bè bạn gần xa. Mười hai năm trời còn gì. Ðiều chủ yếu làm tôi đến với Nhân là được thắp nén hương, cúi đầu trước ảnh và mộ bố anh. Phải, tôi được biết qua người quen, ông cụ đã mất cách đây hai năm. Không bao giờ tôi quên buổi gặp ông cụ trong nhà vườn.
Tôi rụt rè bấm chuông điện. Lát sau, một đứa trẻ chừng mười hai, mười ba tuổi mũi hếch, da sạm nắng hộc tốc chạy ra:
- Ai đấy ạ?
- Tôi...
Ngay lập tức con chó tây to bằng con bê từ đâu đó vút ra lao rầm về cánh cổng sắt làm tôi kinh hoàng, không kịp nói hết câu. Thật hú vía là tôi không để tay vào song cửa như mọi bận. "Giôn! Vào!" - Tiếng quát của chú bé đã làm con chó im bặt. "Bác chờ cháu xích con Giôn này đã". Chú bé xích con chó vào thân cây ổi ở cạnh đầu hồi cách không xa cánh cổng.
- Bác Nhân có nhà không cháu? - Tôi vừa hỏi vừa quan sát con chó.
- Dạ - Chú bé lạ lẫm nhìn tôi - Bác có việc gì gấp với bác cháu không ạ?
- Gấp thì không phải nhưng quan trọng cháu ạ.
- Vậy mời bác vào nhà.
Tôi để ý con chó, và thật lạ, bây giờ nó quay ra gặm cây ổi với vẻ tuyệt vọng. Tôi khẽ khàng dắt xe máy vào cuối sân. Chừng dăm bảy phút sau có tiếng dép xuống cầu thang, "Ai đấy?". Một giọng hờ hững từ trong nhà vọng ra. "Tôi, Giang. May quá ông có nhà". Không có tiếng đáp. Tôi nghe rất rõ tiếng gặm sồn sột cùng với loảng xoảng của dây xích sắt. Tôi quay lại nhìn. Thì ra con Giôn bên cây ổi.
Ðúng là bất đắc dĩ, tôi mới lại phải đến đây. Ðến một hai lần đã ngại đằng này những bốn, năm lần. Cái trò xin việc là khổ nhục lắm, nhất là khi đi tay không. Trước mặt Nhân, tôi cố tỏ ra vui vẻ, thanh thản nhưng trong lòng đầy buồn bực.
- Ðúng là chỗ tôi đang thiếu người. Tôi sẵn sàng tiếp nhận cháu ông nhưng được hay không lại ở cấp trên - Nhân vừa nói vừa ngáp, đúng ra là chỉ há mồm.
Câu này tôi đã nghe lần trước và sau đó thuộc lòng.
- Cấp trên là huyện hay ở tỉnh? - Tôi hỏi, Nhân chằm chằm nhìn tôi với đôi mắt sắc lẹm:
- Dĩ nhiên huyện phải đưa lên nhưng quyết định lại là ở tỉnh - Nhân khoanh tay trước ngực, thủng thẳng - Ông lạ gì thời buổi bây giờ...
Ðang nói, Nhân im bặt. Tôi hiểu sự buông lửng của anh. Tôi bảo:
- Ông cứ ghi tiếp nhận cháu, còn thế nào nữa tôi sẽ lo tiếp. Ông đọc hồ sơ cháu rồi đấy, cháu tốt nghiệp đại học loại giỏi, năm nào cũng là sinh viên xuất sắc. Cháu học tài chính - kế toán, đúng ngành thuế.
Im lặng. Tôi nghe rõ tiếng dây xích sắt loảng xoảng và tiếng gặm sồn sột của con Giôn bên đầu hồi.
- Anh Nhân! - Giọng cô gái từ trên gác vọng xuống - Có điện của anh Kế.
Nhân đứng phắt dậy, đi như chạy lên gác. Không hiểu anh đang có khách đặc biệt trên đường dây hay là sợ tôi kể lể những điều mà tôi đã trò chuyện lần đầu gặp nhau. Hôm ấy Nhân bảo chuyện tôi kể đều lặt vặt, xưa như trái đất. Ðó là một thời tôi và Nhân cùng tiểu đội ở Mặt trận Ðường Chín - Nam Lào. Hai thằng cùng tuổi mười tám, lần đầu ra trận. Nhiều lần đói và khát, tôi và Nhân mò vào bản. Có trăm chuyện dở khóc dở cười về chuyện này. Rồi cả hai cùng xuất ngũ. Tôi thi đỗ vào Ðại học Sư phạm, làm ông giáo. Nhân về nhà độ hơn tháng nhờ người quen ở huyện gọi lên làm quản lý thị trường, sau được cử đi học bồi dưỡng, chuyển sang thuế. Tôi cũng kể rõ về gia cảnh của cháu ruột tôi để Nhân lo giúp. Cũng là có người mách mà tôi biết chỗ Chi cục Thuế của Nhân còn thiếu biên chế về tài chính - kế toán. Bố cháu công chức đã về hưu bị bệnh khớp hơn năm nay, chỉ đi lại lòng khòng. Mẹ cháu đau nặng dạ dày, nghỉ mất sức đã lâu. Mấy anh chị của cháu đều có gia đình riêng, lại công tác ở nơi xa. Nếu không vì hoàn cảnh gia đình, cháu tôi đã làm ở Hà Nội vì ở đấy đã có mấy nơi tiếp nhận.
Cô gái từ cầu thang loẹt quẹt đôi dép đi xuống. Vẫn là cô gái mà tôi đã gặp mấy lần trước. Ðó là cô gái khá trẻ, da trắng trẻo, có bộ ngực đồ sộ. Cô mặc áo thun rộng, với chiếc váy lửng mầu hoa cà. Nghe người ta kể, mấy năm nay Nhân ly thân với vợ - một phụ nữ làm ruộng ở quê - để sống già nhân ngãi non vợ chồng với cô tiệm may ở phố - chính là cô gái này. Chuyện vợ chồng Nhân, tôi có biết. Thời trẻ, Chanh - vợ Nhân - chuyên bán bánh cuốn ở chợ phố làng, giáp huyện lỵ. Hồi ấy, Nhân làm quản lý thị trường của huyện. Hàng chế phẩm từ gạo như bánh, bún, mì, rượu bị cấm tuyệt đối nên người bán phải bán vụng trộm. Riêng Chanh được phép bán công khai. Ấy là nhờ Nhân - tổ trưởng tổ quản lý thị trường - bảo trợ. Khi Chanh có mang tháng thứ tư hay thứ năm gì ấy, chuyện vỡ lở. Lúc ấy Nhân muốn bỏ Chanh để lấy một cô mậu dịch viên bán thực phẩm nhưng không được vì sợ cơ quan buộc thôi việc. Thằng Quả, con đầu lòng của hai người, giống bố như tạc, sau khi học xong phổ thông trung học, được bố chạy chọt đưa về Phòng Tài chính huyện. Nghe nói, Quả cũng tốt nghiệp đại học tại chức, giờ cũng lên chức phó phòng.
Cô gái nở nụ cười rất tươi chào tôi rồi dắt xe máy ra sân. Tôi nghe rất rõ tiếng sồn sột gặm vỏ cây và tiếng dây xích loảng xoảng bên đầu hồi.
Nhân hấp tấp đi xuống, giọng trịch thượng:
- Tôi lại có khách sắp đến.
Tôi đứng dậy:
- Tôi chờ ông xuống để chào rồi về.
- Vâng. Cứ thế nhé!
Tôi chưa kịp hỏi cho rõ cái ý câu trả lời của Nhân thế nào thì đã nghe tiếng còi xe máy ở cổng. Nhân đi như chạy ra sân, và tiếp đó là tiếng cười vang: "Ông tuyệt vời, quá tuyệt vời". Tôi vội vàng đứng dậy bước ra chỗ xe máy.
- Ồ, thầy Giang! Sao thầy lại ở đây?
Tôi ngẩng đầu nhìn và nhận ra Giáp - học trò cũ - cùng với mấy người trẻ tuổi đang bước qua cổng. Tôi đã gặp Giáp đôi ba lần trên tỉnh. Trước đây Giáp là Phó Chủ tịch huyện phụ trách khối kinh tế, nay được lên tỉnh với chức vụ gì đó bên tài chính. Tôi cười đáp lại rồi dắt xe máy ra. Giáp sấn tới, giữ xe tôi lại:
- Chẳng mấy khi chúng em gặp thầy. Thầy ở đây uống rượu với chúng em. Thầy về bây giờ, chúng em cũng về luôn - Giáp hất hàm nhìn Nhân - Ông Nhân định để thầy giáo tôi về hay sao?
Nhân giang hai tay lên trời, kêu rầm lên:
- Ông Giang là bạn thân thiết của tôi, sống chết với nhau mấy năm trời trong chiến tranh ác liệt. Lúc này dứt khoát không vì lý do gì, ông lại bỏ chúng tôi để về nhà. Thật là cuộc hội ngộ đầy bất ngờ, thú vị.
Giáp đã nhanh tay khóa cổ xe máy của tôi và kéo tuột tôi vào nhà. Ở bên cây ổi già cong queo, con Giôn lúc đứng lúc ngồi. Tôi nghe loáng thoáng tiếng gặm cỏ cây sồn sột đôi lúc cả tiếng dây xích sắt loảng xoảng.
Nhân bật bia lon. Tiếng cười nói ầm ĩ. Tôi chối từ uống, trò chuyện dăm ba phút rồi kiếm cớ để ra ngoài. Lúc này khi chỉ có một mình và rỗi rãi thời giờ, tôi mới để ý vườn trước nhà của Nhân quá ư rộng, có lẽ phải tới hai sào. Nhân quả là tinh ranh khi cách đây mấy năm đã mua mảnh đất đây - Trại Gà, khu đất trũng cách thị trấn hơn cây số. Hồi ấy xã ven thị này có chủ trương bán đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ðối tượng mua là người của xã. Nhân cho tiền một người quen ở xã để đứng tên mua đất. Anh bồi dưỡng "phong bì" cho vài ba vị cán bộ chủ chốt xã. Thế là anh đã có một mảnh đất ưng ý. Thực ra không phải bỗng dưng anh quẳng tiền. Qua nhiều người, anh biết sẽ có dự án làm quốc lộ mới chạy qua Trại Gà. Vậy là anh vội vàng đón lõng. Khi anh mua xong xuôi đất, làm tạm ba gian nhà tre nứa, dự án mới được công bố. Người ta đổ xô về đây mua đất. Giá đất tăng vùn vụn, lúc đầu chỉ là nửa chỉ mét vuông, giờ đã lên năm chỉ. Nếu bây giờ Nhân bán nửa đất cũng có bạc tỷ trong tay, nhưng anh bảo, giá đất sẽ còn cao vọt khi tỉnh này lên đô thị loại ba và huyện lỵ nơi anh công tác sẽ là thị xã. Vườn nhà Nhân không khác gì trang trại, toàn những cây ăn quả, nhiều nhất là vải thiều sau mới đến các cây ăn quả khác. Nếu đứng nhìn từ sân chỉ thấy ngọn cây, không thấy gốc bởi tại sau tường hoa đặt la liệt cây cảnh là hàng rào, lưới sắt dày dây leo của mướp, nho, gấc. Có một cánh cổng sắt dẫn vào vườn nhưng luôn bị khóa.
Tôi ra cổng và gặp chú bé mũi hếch đang ngồi chơi với con chó. Con Giôn lậm lừ nhìn tôi nhưng không hề có ý gây sự. Lúc này tôi mới để ý thân cây ổi rách tướp, nham nhở. Hẳn là con Giôn luôn gặm cây này mỗi khi bị mắng và bị xích. Tôi vẫy tay chú bé ra ngoài:
- Cháu là cháu bác Nhân à?
Chú bé đáp, giọng ráo hoảnh:
- Không ạ. Cháu đi làm thuê.
- Cụ thể là việc gì?
- Tạp vụ ạ. Bác Nhân bảo cháu thế.
Tôi bật cười:
- Thế thủ trưởng trả nhân viên tạp vụ bao lương?
- Hai trăm nghìn và ba bữa ăn - Chú bé lí nhí trả lời và có ý bỏ đi.
- Bác rất muốn vào vườn cho khuây khỏa. Cháu mở cổng cho bác nhé?
Chú bé nghiêm giọng:
- Không được bác ạ. Ðây là lệnh của bác Nhân. Không một ai được phép vào đó.
- Khiếp qua, cứ như là bí mật quân sự.
- Thì ở đấy cũng có một bí mật... - Ðang nói, chú im bặt, mặt đỏ vang, hẳn là lỡ lời.
Tôi bị kích thích bởi câu ấy.
- Bác vào quan sát, và thề danh dự với cháu là sẽ im lặng suốt đời.
Chú bé chằm chằm nhìn tôi, tựa như cố đoán tôi là người thế nào. Lát sau, chú hạ giọng:
- Cháu cũng sắp nghỉ, đằng nào cũng lộ. Ở đây cũng khổ lắm. Bác vào vườn, chớ để lộ cho bác Nhân biết. Cháu xin bác - chú thì thào - bây giờ bác sang nhà bên phải. Bên họ, giờ này không có ai ở nhà. Bên ấy không có cổng và cũng chẳng có chó. Bác qua vườn họ, chỗ cây khế cuối cùng sẽ thấy cửa nhỏ, vừa một người chui. Chỗ ấy cháu mới đục đấy.
Thú thực, tôi vô cùng hồi hộp - có lẽ còn hơn cả buổi tập bắn súng lần đầu. Tim tôi đập rộn lên trong khi đầu óc vẫn không giữ được sự tò mò, kinh ngạc. Thật không thể ngờ có một bí mật trong khu vườn. Nhưng là cái gì nhỉ? Tại sao lại không vào cổng chính mà phải chui vào lỗ đục tường?
Tôi rảo bước qua nhà bên. Không phải mất nhiều thời gian, tôi đã tìm ra cái ô cửa bí mật trên tường. Khi đã qua ô cửa, tôi giật thót khi nhìn thấy một căn nhà ngói một gian thấp lè tè tựa như cái miếu ở phía sau cây vải thiều. Dứt khoát đây không phải là cái miếu nhưng mà là nhà gì? Tôi nhẹ bước đi tới. Cánh cửa mở toang nhưng vì nhà thấp lại bị cây cối xung quanh che phủ nên bên trong nhà chỉ lờ mờ sáng. Có tiếng động - hình như tiếng cọt kẹt của tre gỗ. Tim tôi thót lại vì tò mò và cả sợ hãi. Tôi bước vào. Giời ơi, người - một cụ già.
- Thằng Vàng hả? - Một giọng phều phào vọng ra từ trên giường.
- Kh...ô...ng. Cháu...
Ông cụ từ trong màn nghển cổ ra:
- Ông là ai?
Bây giờ đứng một lúc thuần mắt, tôi mới nhận rõ ông cụ. Chả lẽ đây là bố Nhân? Chắc là phải vì Nhân giống ông cụ này như đúc. Vì sao cụ lại ở chỗ này? Trông vườn? Bệnh phải cách ly? Tôi lập tức bác bỏ những câu hỏi mà mình đặt ra.
- Ông bật hộ tôi cái điện.
Bảng công tắc điện được gắn trên tường đầu giường. Trong ánh sáng điện, ông cụ cùng các đồ vật trong nhà hiện ra với vẻ tiều tụy. Chiếc giường gỗ cũ kỹ. Cái màn tuyn xanh thủng lỗ chỗ. Một ghế ba nan ọp ẹp, trên đó một chiếc tích nước ố vàng, hai chén sành vỡ quai. Trong nhà nồng nặc mùi ẩm mốc, muỗi bay loạn xạ.
Ông cụ khó nhọc ngồi dậy.
- Ông là bạn đồng ngũ với thằng Nhân hả? À..., tôi nhớ ra rồi, Giang. Phải đã lâu quá... - Ông cụ ngồi dựa lưng vào tường, đưa đôi mắt lờ đờ nhìn tôi - Trên đời này có thằng con nào mất dạy như thằng Nhân nhà tôi không. Nó hành hạ tôi đến nông nỗi này - ông chậm chạp đưa một chân sưng vù ra - Tôi chửi nó vì ngày giỗ mẹ, nó không về. Tôi chửi nó vì hành hạ vợ rồi lòng thòng với con bé bằng tuổi con ở trên phố. Từ ngày bà nhà tôi mất, tôi sống thui thủi một mình. Thế rồi nó bắt tôi lên đây ở để nó bán nhà ở quê, tức là đuổi vợ đi. Sau mấy lần tôi mắng chửi, nó tống tôi vào nhà trong vườn này - cái nhà mà trước đây ông chủ cũ làm để nuôi lợn.
Giọng ông cụ mỗi lúc yếu dần. Thi thoảng cụ phải dừng lời vì những cơn ho kéo dài. Qua lời kể của cụ, tôi biết vợ Nhân đang phải sang tỉnh ngoài để sống với con gái. Nhân nói với mọi người rằng, ông cụ vẫn sống ở nhà quê với đứa cháu ruột vì thích yên tĩnh lại được gần gụi anh em họ hàng. Hằng ngày Vàng - phải, chú bé tạp vụ ấy - có nhiệm vụ mang cơm nước cho cụ. Cổng vườn bao giờ cũng khóa để ông cụ khỏi ra. (Ấy là Nhân đề phòng xa, chứ ông cụ bảo có bò cũng không chắc được, huống hồ là đi vì hai chân khớp nặng lại sưng vù, đến ỉa đái cũng phải ngồi trong nhà). Mọi việc lớn nhỏ của cụ đều do chú bé đảm nhiệm. Hôm nọ cụ dỗ dành mãi, Vàng (đó là tên cụ đặt vì yêu quý, chứ đúng ra là Chí) mới đục một ô cửa qua bức tường nhà bên. Ông cụ bảo để thế nhỡ có ai vào, cụ mới đem chuyện Nhân ra tố cáo, và nếu khỏe chân cụ sẽ lẻn ra ngoài kể tội thằng con.
Có tiếng tìm gọi tôi í ới từ sân nhà. Tôi vội vàng trở ra...
Sau buổi ấy, tôi không trở lại nhà Nhân. Ấy là vì con tôi ở trong Cần Thơ hết viết thư lại ra bắc giục vợ chồng tôi vào trong đó. Nó đã ướm sẵn một căn nhà và mảnh vườn ở ngoại thành. Vậy là cả hai đứa con tôi đều công tác trong nam. Bàn đi tính lại mãi, vợ chồng tôi đều nhất trí theo con. Cũng rất ngẫu nhiên, anh chị tôi lại vào Vũng Tàu để sống với cậu con trưởng khi cháu có quyết định điều động công tác ở đó. Nhờ gặp thầy thuốc giỏi, anh chị tôi đều khỏi bệnh. Cháu út học tài chính - kế toán được một công ty liên doanh nước ngoài ở Vũng Tàu tiếp nhận.
Thật sung sướng vô cùng khi tôi có dịp trở về quê thăm lại họ hàng bè bạn gần xa. Mười hai năm trời còn gì. Có lẽ không có tiền của con, tôi không thể đi đây đi đó được. Một trong những người mà tôi sẽ tới thăm là Nhân. Tôi rất giận Nhân vì nhiều lẽ trong đó có chuyện anh ta nhận tiền để đưa một cô trung cấp kế toán vào làm trong khi tìm mọi cách thoái thác nhận cháu tôi. Ðiều chủ yếu làm tôi đến với Nhân là được thắp nén hương, cúi đầu trước ảnh và mộ bố anh. Phải, tôi được biết qua người quen, ông cụ đã mất cách đây hai năm. Không bao giờ tôi quên buổi gặp ông cụ trong nhà vườn.
Tôi đến nhà Nhân và ngạc nhiên hết sức khi thấy căn nhà ba tầng ngày xưa hầu như vẫn không thay đổi, và cả khu vườn nữa. Ra mở cổng vẫn là chú bé chừng mười hai mười ba tuổi, dĩ nhiên không phải là chú bé Vàng năm nào. Chú bé lậm lừ nhìn tôi:
- Ông hỏi ai?
- Ông Nhân có nhà không cháu?
Chú bé lặng im rồi nhìn tôi với con mắt dò xét.
- Ông vào gặp ông Nhân có việc gì ạ? Bác Quả đi họp trên tỉnh. Vợ bác ở cơ quan, trưa mới về.
Phải giải thích mãi, chú bé mới cho tôi vào. Tôi để ý cây ổi ở đầu hồi không còn. Chú bé bảo do con Giôn gặm, cây ổi đã chết khô. Thấy cổng vào vườn hé mở, tôi lách vào đi tới. Căn nhà ngói một gian bé nhỏ vẫn như xưa. Tôi lẳng lặng đến. Có tiếng động trong nhà. Lạ thật, ai nhỉ? Cánh cửa mở toang. Tôi khom lưng bước vào.
- Ai đấy? - Một giọng run rẩy cất lên.
Giời ơi, một ông già. Bố Nhân? Vậy cụ vẫn còn sống. Ông cụ lòng khòng ngồi dậy, thõng chiếc chân quấn băng trắng dính máu.
- Cụ ơi cháu đây. Bao năm...
Ông cụ mếu máo:
- Mày không nhận ra tao à?
Tôi đến gần. Giời ơi, Nhân!