Nơi Chung Sống Của Mafia Và Nàng Venus
Tác giả: Trần Thị Trường
10 euro cho một đĩa spaghetti - nấm tôm, 3 euro cho một ly rượu nhỏ và 3 nữa cho 1 ly capuccino, bữa trưa tổng cộng 16 euro cho một người và khi ăn xong thì bụng nặng mắt díp. Không chỉ tiếc tiền mà còn quá tiếc thời gian cho nên hôm sau chúng tôi cho nho khô, bánh lương khô và chai nước cùng máy ảnh và bộ chân máy vào ba-lô, hệt như Tây ba-lô vẫn nhìn thấy ở đường phố nước ta khi chúng tôi lên đường. Trước hết thăm khu di tích Palatine. Nơi có Forum Romanum - quảng trường chợ chính và cổ nhất ở Roma nằm trong thung lũng giữa các đồi Palatine, Capitoline và Quirinal - trung tâm chính trị và tôn giáo của thế giới La Mã một thời, nơi sinh ra những huyền thoại cổ về các thần miếu và là nơi có các khải hoàn môn nổi tiếng... Và cũng nơi đấy đã diễn ra những bi hài kịch của những vị hoàng đế đầu tiên của thế giới phương Tây. Trước những hàng cột còn nguyên hoặc đã bị gãy nham nhở, trước những Diễn đàn (Forum) [1] được xây bằng loại vật liệu có màu và chất tựa gạch đá ong vùng trung du của ta, tôi hình dung về cuộc đời đầy mâu thuẫn của Nero và thời kỳ lịch sử đầu công nguyên của vùng đất đế quốc này.
Trông cuộc đời này, có cuộc đấu tranh nội tâm nào vĩ đại đã diễn ra như nội tâm của Nero? Một bên là Quyền lực và Cái đẹp. Nero lớn lao ở chỗ ông ta tin rằng nếu không có quyền lực thì đồng thời là không có tiền, không có sức mạnh... những "phương tiện" đắc dụng nhất ngõ hầu bảo vệ cho cái đẹp tồn tại và phát triển. Và tiến tới quyền lực là con đường có nhiều mâu thuẫn phải trải qua nhất, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất, có nhiều "chất liệu" cho sáng tạo Cái đẹp (thi ca) nhất v.v... Và một bên là những thủ đoạn để giữ vững ngôi vị của quyền lực.
Đi tiếp, rồi leo lên ngọn đồi thứ Bảy Capitoline nổi tiếng, giữa khoảng trống của những tòa công thự lớn lao đã qua những thăng trầm kinh khủng của thời gian, tôi cúi nhìn xuống thung lũng. Những đám cỏ xanh xanh xen lẫn đất đỏ và đá tảng rồi chợt nhớ đến cái khát vọng vượt thắng của ông ta, Nero, người đã từng thực tâm muốn viết (sáng tác) được một cái gì đó hay hơn, nổi trội hơn thiên trường ca của Homère viết về sự sụp đổ của thành Tơ-roa. Ông những muốn hình tượng trong thơ (những sáng tác của) mình sẽ làm lu mờ hình ảnh của Ôđyxê và Iliat... Một khát vọng đẹp cho dù không thành tựu. Nhưng thực sự tồi tệ và đáng nguyền rủa bởi vì đã không thành tựu mà còn làm một kinh thành như Rome bị thiêu cháy chỉ vì ông ta muốn tìm được những thi hứng bất ngờ... Cảm giác tiếc nuối dâng đầy trái tim tôi. Nero - một kẻ đã từng tâm sự rằng "Ta là một nghệ sĩ nên ta không muốn sống một cuộc sống tầm thường. Qua Âm nhạc và thi ca, ta từng biết đến những tồn tại phi thường, những đỉnh Olimpơ vĩ đại. Là nghệ sĩ, ta muốn khám phá những nơi chưa từng ai khám phá, ta muốn kiếm tìm những gì chưa có ai dám kiếm tìm... Ta muốn trở thành người vĩ đại nhất... Nhưng than ôi, tại sao ta lại phải gánh cả hai gánh nặng nề: quyền lực tối cao và tài năng vĩ đại... ". Vậy mà cũng vẫn con người ấy, Nero, lại thích chém giết và tàn sát...
Khi ngẩng lên thì thấy mặt trời đã choàng cho kinh thành Rome một "tấm áo toga" màu nắng chiều khiến cho những cột cẩm thạch ngời sáng và những pho tượng tiên nữ còn sót lại trong vườn ửng lên màu da người.
Tôi lững thững bước đến gần hàng rào (bảo vệ di sản), say sưa nhìn những hàng cột trên bệ với những chiếc lá cách điệu tuyệt đẹp ở trên đầu và rồi đưa mắt tìm pho tượng Héc-quyn nhưng rồi nhớ rằng sau mọi cuộc lộn xộn, sau những kiếm tìm với nhiều chết chóc xảy ra trên mặt đất mọi thế lực ở trần thế đã lại uống cùng một thứ thảo dược của Auguste (hoàng đế La Mã đầu tiên, cháu ruột đồng thời là con nuôi của César) nên đã có chung một suy nghĩ rằng, con người sở dĩ lớn hơn mọi sinh vật bởi nó có những tồn tại văn hóa. Héc-quyn [2], Vệ nữ [3] hay những tác phẩm nghệ thuật từ Cổ đại, qua Giotto [4] đến Phục hưng [5]... đều đã được đưa vào cất giữ và ngự trong những vị trí xứng đáng của các viện bảo tàng.
Nói đến bảo tàng, một lần nữa xin thưa rằng dù đã được xem, được nghe khá nhiều về các họa sĩ, điêu khắc gia và tác phẩm của họ nhưng khi bước chân vào những bảo tàng ở Rome tôi vẫn bị choáng ngợp và lẫn lộn. Đâu rồi bức Cái hôn của Giu-đa (Giotto) với đôi mắt giả dối của kẻ phản bội và vẻ xót thương, chứ không phải là giận dữ của người bị bội phản? Người ta bảo giá trị những bức tranh của ông già Gôtich-cổ điển này là ở những gương mặt nhân vật được mô tả. Không chỉ là tài tình của bút pháp mà là sự phản chiếu thảm kịch của con người và sự cộng thông lớn lao của tác giả với đời sống qua con mắt của ông... Đâu rồi bức The School of Athens (Lò triết học ở Aten)?.. Bức của Giotto thì không nhìn thấy mặc dù tôi đã "quần đảo" khắp 0, nơi có cả một hệ bích họa của con người tạo ra khái niệm Phục hưng mặc dù ông thuộc về một thời Gôtich đã cũ. Nhưng sang Room 8 thì tôi gặp hai nhà hiền triết Platon và Aristote giữa các nhân sĩ trí thức thành Aten của Raphael. Nhìn thần thái của người giơ ngón tay chỉ trời Platon, và ánh mắt của người vung bàn tay chỉ đất của Aristote và "những tư thế tranh cãi" của các triết gia Aten tôi bỗng nghĩ đến sự đa dạng của quan niệm, của chí hướng và con đường phát triển của loài người. Chỉ một bức ấy thôi đã đánh thức lý trí và làm mất đi những lẫn lộn của tôi. Tôi ý thức rõ ràng về Raphael với sự cập nhật thường hằng của người nghệ sĩ...
Ở Rome không chỉ có những tác phẩm của các nghệ sĩ Italia, cũng như bức La Gioconda của L. da Vinci lại nằm ở bảo tàng của nước Pháp, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ thế giới lại có mặt trong những bảo tàng của Giáo hoàng. Phải chăng biểu tượng hùng mạnh của mỗi nước ở châu Âu chính là việc nó sở hữu bao nhiêu tác phẩm của các bậc thầy? Pho Đức Mẹ sầu bi bằng đá hoa cương nguyên khối hiện đang được bảo vệ bằng một tủ kính dày đặt ngay gần cửa ra vào nhà thờ Thánh Phêrô ở Rome. Lịch sử kể rằng Michelangelo đã tạc nên tượng này vào lúc ông mới 23 tuổi, và giai thoại thì kể rằng để đông đảo người dân ở Mỹ có thể xem được tác phẩm này chính phủ Mỹ đã mượn (có bảo hiểm bằng nhiều triệu đôla) để rồi sau đó xuýt xoa bởi lòng dân ngưỡng mộ không muốn trả nên đã hỏi Tòa Thánh Vatican để mua với giá bao nhiêu kilô cẩm thạch là bấy nhiêu kilô vàng mười.
Trên trần nhà thờ Sixtine cũng trong Vatican City, ngay gần nhà thờ Thánh Phêrô là cả một hệ tranh của Michelangelo. Từ Ngày phán xử cuối cùng, Tiên tri Ezechiel, Sáng thế đến Đuổi khỏi thiên đường. Ngửa cổ để tìm cho đến khi nhìn thấy ở khoảng giữa, bức Sáng thế có hai bàn tay với vào nhau không tới của một người già và một người trẻ (cả hai đều là đàn ông), tôi bỗng liều lĩnh mà cho rằng Michelangelo đã lừa cả các giáo hoàng thời bấy giờ. Ông tuân lệnh họ vẽ lịch sử Kinh Thánh nhưng ông đã vẽ Kinh Thánh bằng suy tư rất đời của con người mình. Mặc dù trong sách lịch sử thì dẫn rằng để vừa làm vừa lòng các giáo hoàng, để phù hợp với tinh thần tôn giáo nhiều họa sĩ sau đó đã chữa lỗi cho Michelangelo bằng cách "mặc" thêm những áo toga, tunica và peplum cho nhiều nhân vật trong tranh của ông ấy nhưng cái chi tiết hai bàn tay không nối vào nhau, và sự "khỏa thân 100%" của anh chàng trẻ thì vẫn còn nguyên đó. Hình tượng này há chẳng lay động đời sống tinh thần cho mọi thời đại?
Vâng, sẽ rất dài và có thể không bao giờ có được sự đầy đủ và diễm lệ của Henryk Sienkiewicz trong Quo Vadis [7] nếu viết ở đây về tất cả những gì tôi đã gặp ở Vatican City và Rome. Chỉ xin thêm một chút để được dẫn bạn đến trước cột Trajan và khải hoàn môn Titus. Cột Trajan cao bằng tòa nhà mười tầng, được dựng từ năm 113 để tôn vinh Hoàng đế Trajan. Bề mặt cột bằng cẩm thạch được chạm trổ theo hình dạng của cuộn giấy quấn quanh cột. Hơn 2.500 nhân vật của trang lịch sử Trajan ở Dacie. Rồi sau đó đưa bạn vào Villa Borghese và bảo tàng ở đó. Cũng như các bảo tàng khác ở châu Âu với các gian phòng tuyệt đẹp. Trần, hay vách, hay vòm cuốn, hay cửa ra vào, mỗi chi tiết của mỗi căn phòng đều là một tác phẩm nghệ thuật đạt tới đỉnh điểm của một nền văn hóa... Nơi này cũng trưng bày vô vàn các bức tranh hay các nhóm tượng. Nhóm tượng gồm Apollo và Daphne quanh người quấn những dây nho xuân, hay nhóm tượng Thần đồng nội ôm ngang lưng tiên nữ đầu đội vòng nguyệt quế, hay tượng đơn tạc công chúa Paolina Bonaparte tựa đầu trên cánh tay trần nằm xoãi người trên bệ đá khảm vàng, hoặc các tượng đơn bán thân của những anh hùng thời cổ đại... của các danh họa đồng thời là kiến trúc sư bậc thầy như Bernini hay Antonio Canova...Tất cả đều bằng cẩm thạch. Vâng, nếu bạn đồng tình du lịch qua trang viết này để rồi cùng tôi bước tới một suy tư khác thì thật là hân hạnh. Tôi suy tư rằng: Mẹ cha sinh ra ta là con người nhưng cùng với thời gian hình như chất người trong ta cứ dần biến mất đi. Hãy thư thái chiêm ngưỡng các tác phẩm và để cho tâm hồn ngất ngây trước vẻ đẹp của vạn vật. Nó sẽ giúp ta tìm lại, bổ sung và duy trì niềm tin vào cuộc sống. Không còn niềm tin thì hẳn sẽ không còn phẩm hạnh làm người.
Rồi sau đó, mỗi ngày sau khi lấy lại sức lực bằng một giấc ngủ và những bữa ăn giản dị ta lại lên xe bus hoặc rảo bước trên vỉa hè để tiếp tục kiếm tìm cái đẹp ở cái đô thành xa lạ này. Vừa đi vừa băn khoăn: Tại sao nơi này lại nhiều mâu thuẫn đến thế. Mâu thuẫn nội tại của Nero. Mâu thuẫn của Mussolini, người đầu tiên có tinh thần vô sản, người có một tình yêu tuyệt vời với 2 người đàn bà lại đồng thời là một kẻ độc tài khét tiếng. Mâu thuẫn của một vùng đất đẻ ra tổ chức Mafia với hình thức đầu tiên mang ý tưởng chống bạo lực nhưng cuối cùng lại bao gồm những kẻ dùng bạo lực và buôn ma túy. Vâng. Thật là lạ. Một vùng vừa sinh ra nhiều cái đẹp cho ta say mê ngưỡng mộ vừa là quê hương của những trùm Mafia nổi tiếng khiến cho ta ngạc nhiên đến kinh hoàng...
Nhưng đi mãi rồi thế nào cuối cùng bước chân của bạn sẽ trở lại con đường Hòa giải. Con đường có tên là Via di Conciliazione, được Mussolini tạo ra để bày tỏ lòng mình với tinh thần tôn giáo của những Giáo hoàng, con đường dẫn bạn từ những hỗn độn phàm tục vào một thế giới khác. Bạn sẽ không còn băn khoăn gì nữa nếu bạn nghe được trong tâm mình câu "Hãy nâng tâm hồn lên".[8]
Tháng 1/2004
Chú thích:
[1] The Roman Forum hay The Imperial Forum... là những Diễn đàn đế chế, nơi diễn ra những cuộc tranh luận của công dân về các vấn đề của thành phố, nơi còn được dùng làm tòa án, pháp đình v.v...
[2] Hec-quyn: anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, con trai của thần Dớt, người được thờ trên đỉnh Olimpơ.
[3] Venus - hay còn gọi là Vệ nữ. Không chỉ một mà có rất nhiều bức. Ví dụ: Vệ nữ ở Milô, mất tay, Vệ nữ ở Bảo tàng Capitoline. Đó là các tiên nữ được tạc bằng cẩm thạch tuyệt đẹp nhưng có cái đầu khá nhỏ so với vóc dáng thân xác bởi một quan niệm đàn bà con gái là những kẻ có linh hồn nhưng không biết suy tư.
[4] Giotto di Bondone: họa sĩ thế kỷ 13, còn được gọi là ông tổ của Hội họa Tây phương.
[5] Phục hưng- chỉ một thời kỳ canh tân văn hóa trải dài 3 thế kỷ.
[6] Ở Museum Vatican có 14 Room. Mỗi Room trưng bầy tác phẩm của một tác giả.
[7] "Quo Vadis Domine" (Người đi đâu?) là câu Chúa Giê-su hỏi ông Phêrô khi gặp ông bỏ thành Rome đi lánh sự tiêu diệt của Nero; được đại văn hào Henryk Sienkiewicz, Ba Lan, đặt tên cho thiên tiểu thuyết Quo Vadis (Nobel 1905).
[8] Một câu nguyện "Hãy nâng tâm hồn lên... Chúng con đang hướng về Chúa".