Người Thợ Gương
Tác giả: Levi, Primo
Timoteo, cha của anh và tổ tiên ngược tới thời xa xưa nhất đều làm gương soi. Tủ bánh nhà họ vẫn cất mấy cái gương đồng xanh rỉ, gương bạc đen sạm sau hàng thế kỷ hơi người; mấy cái khác bằng pha lê đóng khung ngà hay gỗ quý. Sau khi cha qua đời, Timoteo cảm thấy mình thoát những trói buộc truyền thống, anh tiếp tục chế tạo gương theo điều lệ nghề nghiệp và bán kiếm lời ở khắp vùng, nhưng anh lại bắt đầu nghĩ về dự tính cũ của mình.
Ngay hồi anh còn nhỏ, cha và ông nội không biết anh đã vi phạm luật phường hội. Trong ngày, vào những giờ ở xưởng, anh là thợ tập sự đúng kỷ luật, làm những tấm gương phẳng nhàm chán bình thường: trong suốt, không màu, loại gương thiên hạ nói là phản chiếu ảnh thực (dù là ảo ảnh) của thế gian, và nhất là ảnh mặt người. Buổi tối, khi không ai kiểm soát, anh chế biến một loại gương khác. Gương để làm gì? "Nó phản chiếu", như tâm trí con người. Nhưng loại gương thường chỉ tuân theo định luật vật lý đơn giản và bất biến; chúng chỉ phản chiếu một tâm hồn cứng ngắc gò bó tự cho là đã thu tóm cái thực tại của thế gian - như thể chỉ có một thực tại! Tấm gương bí mật của Timoteo linh hoạt hơn.
Cái thì bằng kính màu, vằn sọc, trắng đục, phản chiếu một thế giới đỏ hơn hay xanh hơn thực, hay đa sắc, hay có đường nét mờ thanh nhã khiến cho vật thể hay con người kết tụ lại như mây. Cái thì đa diện, làm bằng những phiến mỏng hay mảnh vỡ đặt nghiêng tinh xảo khiến hình ảnh vỡ tan thành bức khảm duyên dáng nhưng bất khả nhận diện. Một sáng chế như vậy Timoteo phải mất nhiều tuần, đảo ngược cao thấp, phải trái; ai nhìn nó lần đầu đều cảm thấy cực kỳ choáng váng, nhưng nếu bền chí vài giờ sẽ quen với thế giới đảo lộn, rồi sẽ thấy buồn nôn khi đối diện với một thế giới bỗng nhiên ngăn nắp. Một tấm gương khác làm bằng ba phiến, ai nhìn mình trong đó sẽ thấy khuôn mặt mình nhân ba. Timoteo biếu nó cho vị tu sĩ ở giáo khu để trong giờ giáo lý ông có thể giảng cho trẻ con sự huyền diệu của Chúa Ba Ngôi.
Có những tấm gương phóng lớn ngốc nghếch như mắt bò, tấm khác thu nhỏ lại hoặc khiến đồ vật trông như xa vô tận; có cái bạn thấy mình cao và gầy lỏng khỏng, cái khác béo và lùn như Bụt. Với ý làm quà cho Agatha, Timoteo dùng một tấm kính hơi gợn sóng làm gương tủ áo, nhưng anh đạt đến một kết quả không ngờ. Nếu người soi đứng yên nhìn mình, hình ảnh chỉ hơi biến dạng; nhưng nếu người soi di chuyển lên xuống, hơi cong đầu gối hay nhón đầu ngón chân, bụng và ngực sẽ lên xuống dữ dội. Agatha thấy mình biến dạng lêu nghêu như con cò, vai, ngực và bụng ép lại thành một nắm trên cặp chân dài thái quá như cây que; và sau đó lập tức biến thành con quỷ, cổ như sợi chỉ treo cả người, một đống ruột bầy nhầy nằm bẹp như tảng đất sét của thợ gốm trì xuống dưới sức nặng của chính nó. Chuyện kết thúc tệ hại. Agatha đập gương và từ hôn, Timoteo đau khổ, tuy chả mấy.
Anh có một dự định nhiều tham vọng hơn trong đầu. Cực kỳ bí mật, anh thử nhiều loại kính và bạc mạ khác nhau, anh cho gương qua điện trường, rọi đèn mua từ các nước xa xôi, đến khi cảm thấy đạt mục đích chế tạo tấm gương siêu hình. Siêu Gương không theo luật quang học mà tái tạo hình ảnh người đứng trước bạn thấy về bạn. Ý niệm cũ, người kể truyện ngụ ngôn Aesop và bao nhiêu kẻ trước và sau ông đã nghĩ đến, nhưng Timoteo là người đầu tiên thành công.
Siêu Gương của Timoteo cỡ một tấm danh thiếp, dẻo và dính. Thực ra nó được làm để gắn lên trán. Timoteo thử mẫu đầu tiên bằng cách dán lên tường, và anh thấy chẳng có gì đặc biệt trong gương: hình ảnh bình thường của anh, một kẻ ba mươi tuổi đã hói, phảng phất tinh anh, mơ mộng và hơi lơ đãng, nhưng dĩ nhiên bức tường không thấy anh, không chứa đựng hình ảnh của anh. Anh chuẩn bị khoảng hai mươi mẫu, và anh nghĩ hình như nên tặng mẫu đầu tiên cho Agatha, người mà anh vẫn giữ mối liên hệ say đắm, hy vọng nàng sẽ tha thứ cho anh về chuyện cái gương méo mó.
Agatha lạnh lùng tiếp anh. Nàng cố ý lơ đãng khi anh giải thích, nhưng khi Timoteo đề nghị nàng gắn Siêu Gương lên mày, nàng sẵn sàng ưng thuận: nàng quá hiểu ý Timoteo. Thật vậy, anh thấy như trên một màn ảnh nhỏ, ảnh của chính mình không đáng hãnh diện lắm. Viền tóc anh chẳng những hớt ra sau, anh còn hói, môi mở hé một nụ cười ngớ ngẩn để lộ hàm răng mục (đúng, anh hoãn việc chữa trị theo lời nha sĩ đã khá lâu), biểu lộ của anh không mơ màng mà rõ là khờ khạo, và cái nhìn trong mắt anh thật ra rất lạ. Sao lạ thế? Chả mấy chốc anh hiểu: trong tấm gương thường, mắt anh luôn luôn nhìn anh, ngược lại, trong tấm gương đó mắt nhìn chếch về phía trái anh. Anh bước đến và hơi nhích sang một bên: đôi mắt chớp, thoát sang bên phải. Timoteo bỏ Agatha với cảm giác mâu thuẫn: thử nghiệm thành công, nhưng nếu quả thật Agatha thấy anh như thế thì bỏ nhau là cái chắc.
Anh biếu mẫu Siêu Gương thứ hai cho mẹ, bà chẳng hỏi gì. Anh thấy mình như đứa bé mười sáu, tóc vàng, hồng hào, thanh tao và thần tiên, tóc anh chải gọn, và nút cà vạt của anh thắt đẹp: như bức ảnh trong ký ức, anh tự nghĩ. Chả giống gì với tấm ảnh chụp ở trường mà anh tìm thấy trong ngăn kéo vài năm trước cho thấy một đứa bé sinh động, nhưng không khác gì với đa số bạn cùng lớp.
Siêu Gương thứ ba thuộc về Emma, chắc chắn phải thế. Timoteo ngả từ Agatha sang Emma chẳng phải là ngạc nhiên lắm. Emma nhỏ bé, lười nhác, hòa nhã, và e thẹn. Nàng kín đáo dạy Timoteo một số tài mà chính anh chưa từng nghĩ đến. Nàng kém thông minh hơn Agatha, nhưng nàng không có cái cứng rắn lạnh lùng. Chữ Agatha nghĩa là đá mã não: Timoteo chưa bao giờ nghĩ cái tên cũng mang một nghĩa nào đó. Emma chả hiểu gì về công việc của Timoteo, nhưng nàng thường gõ cửa xưởng và ở đó say mê nhìn anh hàng giờ. Trên hàng lông mày mịn của Emma, Timoteo thấy một Timoteo phi thường. Nửa người anh, mình trần: anh có bộ ngực cân đối mà anh thường tiếc mình không có, khuôn mặt như thần Apollo viền trong bờm tóc dầy thoáng hiện vòng nguyệt quế, một cái nhìn vừa trong sáng, vừa vui tươi và vừa sắc sảo. Ngay giây phút đó Timoteo biết rằng anh yêu Emma với một mối tình nồng nhiệt, dịu dàng và bền vững.
Anh phát vài tấm Siêu Gương cho bạn bè. Anh nhận thấy không có hai hình ảnh trùng khớp: tóm lại, một Timoteo có thật không hiện hữu. Anh để ý thêm rằng Siêu Gương có một đặc tính đáng chú ý: nó khiến tình bạn cũ đúng đắn thêm bền chặt, nó làm tình bạn hời hợt và xã giao tan rã nhanh chóng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực khai thác thương mại đều thất bại, mọi người bán hàng đều báo rằng rất ít khách thỏa mãn với hình ảnh phản chiếu trên lông mày bạn bè hay họ hàng. Rốt cuộc, bán được rất ít dù đã giảm nửa giá. Timoteo lấy bằng sáng chế Siêu Gương và chịu đói xanh mướt vài năm để cố giữ môn bài, anh thử bán nó nhưng vô vọng, rồi anh tự ý bỏ để tiếp tục làm những tấm gương phẳng với phẩm chất tuyệt vời đến tuổi về hưu.