Phòng kế toán nơi tôi làm việc có 3 nam, 3 nữ tính luôn ông boss tôi, vị chi là 6 người. Trong đó ngoại trừ chị phụ tá của ông boss là sanh tháng 11, còn lại 5 người có ngày sinh nhật rải rác từ ngày mùng một đến ngày 26 tháng 12. Đứa sanh ngày 1, đứa sanh ngày 2, đứa ngày 4, đứa ngày 5 và đứa ngày 26. Cho nên thay vì cứ cách một ngày thì người nầy đãi người kia ăn sinh nhật, đãi qua đãi lại vừa mất thì giờ, vừa... ngán tiền. Phòng kế toán chúng tôi " nhất trí " cả 5 đứa chỉ làm chung một bữa ăn trưa sinh nhật nho nhỏ, vừa vui, vừa đoàn kết, vừa tiết kiệm, vừa tiện lợi và mọi người vừa " happy " là vì chỉ một người duy nhất có hân hạnh " đãi " ăn cho cả 6, là... ông boss tôi. Và bữa ăn đó đã trở thành truyền thống của phòng kế toán từ hơn 10 năm nay. Vì thế hằng năm cứ vào đầu tháng 11 là cả bọn đã lo xem lịch, chọn ngày lành, nhà hàng tốt và thông báo cho boss biết để " người " chuẩn bị. Mấy năm trước kia, khi thì đi nhà hàng Ý, khi thì nhà hàng Pháp. Nhưng từ khi nghe tôi " chê " ăn đồ Ý, món nào cũng chỉ " sốt cà chua " ; nhà hàng Tây thì " lịch sự " quá. Thế rồi một năm tôi đưa cả bọn đi nhà hàng Việt Nam, ăn xong ai cũng thấy hạp khẩu vị, và từ hơn 3 năm nay, cứ đến bữa ăn sinh nhật là mọi người đều nhắc tôi đặt trước ở nhà hàng Việt Nam ấy .
Năm nay cũng như mọi năm, tôi thông báo cho cả nhóm ngày giờ và " cái nơi đến hẹn lại lên ấy " để boss và mọi người lo chuẩn bị. Trời mùa Đông năm nay, lạnh đến muộn hơn những năm trước. Đầu tháng Mười Hai rồi vẫn chưa có tuyết nhiều. Sáu đứa chúng tôi chui vào xe của Alfonso. Anh chàng người Ý. Lúc đầu nghe tôi bỏ phiếu bác đồ ăn xứ " bố già ", tự ái dân tộc nổi lên ào ào như tánh tình cố hữu của người dân đảo Corse, Alfonso nhứt định " tại you không biết thưởng thức Italian food ". Nhưng sau lần tôi giới thiệu món " chạo tôm, thịt nướng cuốn bánh hỏi " rồi là mỗi lần phòng kế toán kéo nhau đi ăn chung, người trai nước Ý nầy chỉ " okay, tui ăn chạo tôm, thịt nướng " mà thôi. Ông boss tôi dân Canadian gốc Tây nhưng hình như boss cũng không nặng về món ăn mấy, mặc dù boss trả bill, chủ yếu là mọi người vui vẻ là boss... vui rồi.
Nhà hàng Việt Nam nằm gần khu phố Ý có tiệm cà phê Capucino mà Alfonso đến tập họp hằng tuần, nên Alfonso có vẻ rành. Cả nhóm ùa vào mang theo cái lạnh từ ngoài. Người phụ bàn chỉ cho chúng tôi cái bàn to trong gốc đã được dành riêng trước. Tôi hiểu ý thích của từng người trong nhóm nên không phải giải đáp hay thắc mắc nhiều, tôi gọi thức ăn cho tất cả.
Lúc bữa ăn gần tàn, Hương, tên cô con gái ông chủ tiệm, đến bên tôi đưa mảnh giấy vuông trắng nhỏ và thì thầm:
- Của anh ngồi bàn bên cạnh nhờ đưa chị
Tôi cầm mảnh giấy chưa đọc vội, ngước nhìn Hương. Quen nhau cũng khá thân, nghĩ là Hương đùa đưa giấy tính tiền khá sớm, nên tôi không ngại mà trêu Hương:
- Gì đây? Chưa ăn xong mà lo đòi tiền rồi?
Hương xua tay :
- Không phải. Nhưng nếu lát tính tiền Hương tính gấp đôi , tại cái anh kia bắt Hương đưa thơ.
Lúc nầy tôi mới ngẩn ngơ nhìn vào mảnh giấy nhỏ " có phải Hải Đường là Phượng đó không? " Chỉ có một người đã gọi Hải Đường là Phượng. Tim tôi đổi nhịp đập. Phong giấy nhỏ nằm trên tay tôi rung rung, nhưng sững sờ, bối rối làm tôi không dám quay lại nhìn. Đám bạn tôi không hiểu được đôi câu nói bằng tiếng Việt giữa tôi với Hương, Tony tưởng tôi đang gọi thêm thức ăn, anh chàng vội xua tay:
- No lắm rồi, tôi không ăn được nữa đâu. Hỏi xem có ai còn muốn ăn gì thêm không nhé. Mà sao hôm nay cô đói lắm vậy sao Hải Đường?
Trong sở tôi là đứa hay chọc tức Tony nhất, anh chàng nói ra câu gì tôi cũng " kê " lại được, cho nên tôi bảo Tony :
- Anh cứ thanh toán cho hết mấy khúc mía đó, tôi không order gì nữa đâu.
Hương cúi người xuống hỏi nhỏ tôi có cần nhắn lại gì với người đưa mảnh giấy kia không? Vẫn không dám quay nhìn, tôi lắc đầu với Hương:
- Thôi, cám ơn Hương.
Tôi nói Hương cho bill, để cả bọn còn trở về sở. Trong lúc chờ đợi Hương mang giấy tính tiền tới, tôi cố giữ bình tĩnh trong câu chuyện vui đùa với đám bạn và không dám quay ra phía sau để nhìn lại người xưa. Vừa đưa tách trà nóng lên môi, tôi đã nghe một giọng nói phía sau lưng, còn ấm hơn tách trà trên tay:
- Phượng lơ anh ha?
Rồi anh lịch sự xin lỗi bạn bè tôi. Anh giải thích rằng chúng tôi là bạn nhau ngày xưa, hôm nay gặp lại nơi đây tình cờ quá một cách hoang đường, huyền hoặc chính anh không tin được , 16 năm rồi.
Tôi đã có được vài giây để cái đầu óc bé tí của mình trở lại bình thường, nhưng tôi cũng chỉ có thể buột miệng kêu vỏn vẹn tên anh:
- Anh Đan.
Hình như có ai đã nói " cuộc đời là một chuỗi những sự ngẫu nhiên, tình cờ kết lại..." Có những sự tình cờ không làm ta thắc mắc, hoài nghi. Cũng có những sự tình cờ xảy đến mà đôi khi ta tự hỏi có ai đó ở đâu đây đã tiên liệu, sắp xếp trước cho ta không? Đan nhìn tôi y như ngày xưa:
Phượng ở gần đây hay sao?
Tôi vừa bước ra khỏi bàn, vừa trả lời anh:
- Dạ không, Hải ở ngoài ngoại ô. Đi làm cũng xa đây, nhưng hôm nay sinh nhật cả nhóm, Hải đưa các bạn đến đây ăn đồ ăn VN.
Tôi và Đan đi lần ra một góc phòng để tránh tiếng ồn ào, Đan đứng đối diện nhìn tôi:
- Anh làm gần đây, trưa hay đi với bạn. Phượng cho anh số phone hay địa chỉ để anh liên lạc. Anh không ngờ gặp lại Phượng. Anh tưởng như vừa mới xa Phượng đấy thôi. Nhanh quá. Anh phải hỏi Phượng một câu lúc nào anh cũng thắc mắc trong đầu: Tại sao ngày ra đi , Phượng không cho anh chia tay? Phượng lẳng lặng biến mất không một tiếng chào. Mấy ngày không thấy Phượng ghé Ngân, anh hỏi mãi Ngân vẫn nhất định không hé một chi tiết. Sau cùng anh lên nhà, bé út cho hay Phượng đang ở Canada.
Tôi vẫn đứng yên cúi đầu với niềm xúc động bất ngờ trong khi Đan loay hoay với nhiều thắc mắc:
- Phượng có bao giờ biên thư cho Ngân không kể từ ngày ra đi? Sau khi Phượng đi, anh ít ghé nhà Ngân. Cho đến ngày cưới Ngân, bọn anh mới gặp lại nhau. Anh hỏi tin tức Phượng, Ngân vẫn không kể gì với anh. Trong khi cuộc đời " ái tình, lăng nhăng " của anh thì chắc là Ngân báo cáo hết không sót một li nào cho Phượng, đúng không? Nhưng tại sao bao nhiêu năm, Phượng vẫn không viết cho anh một chữ? Nhớ buổi tối trên trường và những đêm anh đưa Phượng về không? Phượng đã hứa sẽ chia tay anh dù anh có cản Phượng ra đi , hay tất cả những lần ấy Phượng gật đầu chỉ để anh vui ?
Tôi nghe thấy xót lòng, không trả lời anh được. Im lặng một lúc , tôi nghiêng đầu nhìn anh:
- Diệp vẫn có mặt ở thành phố nầy với anh?
Đan gật đầu thay câu trả lời. Thấy các bạn nhìn, tôi đành phải chia tay Đan:
- Hải sẽ gọi anh. Bây giờ mọi người đang đợi, anh cũng phải trở về sở chứ?
Đan không tin tưởng tôi lắm, anh lắc đầu, nói như ra lệnh:
- Phượng đưa anh số phone. Trở về sở anh gọi Phượng ngay, hay chiều nay anh gặp Phượng.
Tôi đưa bàn tay ra:
- Ghi số điện thoại của anh cho Hải đi, hôm nào Hải gọi, không thì Hải đi về đây.
Tôi lì có tiếng, anh có còn lạ gì. Nắm bàn tay tôi, anh bẻ cong một ngón kêu tiếng "cốc", tôi la:
- Rồi, thế là dứt nợ Hải không gọi đâu.
- Tưởng 16 năm nay Phượng " già " đi bớt lì, chứ sao lại còn có vẻ lì hơn xưa nhỉ
Anh viết số điện thoại vào lòng bàn tay tôi và hăm dọa:
- Không gọi , anh cũng sẽ tìm ra.
Buổi trưa trở về sở tôi đã loay hoay với đống sổ sách suốt mấy giờ liền và không làm được một thứ gì cho xong. Tôi không gọi cho Đan đã đành, nhưng bao nhiêu lần tiếng chuông điện thoại reo, tôi đều để cho qua đi, không nhấc lên. Tôi cứ tự nhắc mình, " Diệp vẫn đang là vợ Đan ", tôi không có quyền và cũng không muốn mình là mối lo của Diệp, mặc dù Đan vẫn nằm trong một góc trái tim tôi .
Buổi trưa hôm nay, nhắc đến Ngân hai lần, Đan không nói nhưng tôi nghe trong âm điệu câu nói của anh như có gì trách hờn Ngân đã không cho anh một tin tức gì về tôi. Nếu anh biết chính tôi đã van xin, nài nỉ Ngân đừng kể gì hết về tôi, thì chắc là bao nhiêu giận hờn cay cú anh đổ hết lên tôi buổi trưa này. Bao nhiêu lần biên thư cho tôi, Ngân nói như mắng:
- Mầy ác vừa thôi con, biểu tao cứ nói dóc. Thinh không mà tao biến thành " kẻ thù " của ông Đan một cách lãng xẹt.
Tôi quen Đan qua Ngân. Tôi với Ngân là bạn " nối khố " từ thời Trung học. Thi lên đại học tôi.. ao. Ngân đậu vào trường Trung học sư phạm. Hai năm sau ra trường, Ngân được đưa đi dạy ở Củ Chi. Một buổi chiều tôi đến nhà Ngân. Từ ngoài cửa nhìn vào, tôi đã thấy nó ngồi với một... tên con trai. Ngân ra mở cửa. Chưa vào nhà, tôi đã nắm áo nó liếc xéo:
-" Thằng " nào vậy?
- Lịch sự chút đi con. Thầy giáo đó, cứ thấy con trai là thằng, không khá được.
Ngày còn đi học, tôi mơ làm nha sĩ, Ngân ước thành cô giáo. Thi rớt đại học, mộng tôi tan cái vèo. Ngân thì còn nước còn tát. " Đại học chê thì mình tuột xuống một bậc vậy ". Ngân nói, và nó nộp đơn vào trung học sư phạm. Ngân thành cô giáo sau hai năm. Ngân mê đứng trên bục giảng từ những ngày nó còn ngồi dãy bàn chót với đám con gái 6 đứa chúng tôi, cho nên " thầy cô giáo " là một thiên chức đối với nó. Nghe tôi kêu đồng nghiệp nó là " thằng ", con nhỏ xỉ vả tôi ngay lập tức. Vào nhà, Ngân chỉ vào tôi:
- Nghe tiếng, bữa nay gặp mặt cho thỏa lòng. Cái con mà Ngân cứ nhắc hoài trên nhà tập thể đó. Nó tên là Hải Đường, nhưng làm biếng lắm, cứ Hải, Hải không hà. Làm rớt chữ Đường cho nên nó ăn nói cũng chẳng ngọt ngào mấy. Bạn Ngân toàn những đứa như nó.
Con nhỏ bôi bác tôi quá, rồi quay sang bạn nó:
- Còn đây, cùng dòng họ Dương Hoàng nhà mầy đó: Thầy Đan nghe mậy.
Ngân gằn tiếng thầy như để nhắc nhở tôi nên lịch sự với bạn nó. Tôi cười:
- Chào anh.
Đan bước tới gần gật đầu chào tôi. Rồi anh quay qua bàn, rót cho tôi ly nước:
- Anh mời Phượng ly nước.
Tôi ngạc nhiên tròn mắt nhìn " Phượng nào? ", trong khi Ngân " lên lớp " Đan:
- Ngân vừa mới giới thiệu rằng Đan là thầy giáo. Thầy giáo kiểu nầy làm sao nhớ bài mà dạy học trò. Có cái tên còn không nhớ. Đã nói nó là Hải Đường. Phượng, Phượng nào?
Đan như nói với mình tôi:
- Trên nhà tập thể Ngân " ca " Hải Đường ghê lắm. Nhưng mà đối với anh, Hải Đường là Phượng. Anh đặt tên Phượng để mình anh yêu.
Ly nước sóng sánh như muốn đổ. Tôi nghe chơi vơi, hụt hẫng. Tim tôi ai vừa xiết một cái đau nhói. Tôi không dám nhìn Đan , nhưng bối rối lại đưa tôi lạc vào ánh mắt Đan đang nhìn tôi giễu cợt. Tôi chao lòng không biết nói gì. Ngân nói giúp tôi:
- Đừng có loạn quá đi. Đan cũng Dương Hoàng như dòng họ nhà nó đó, yêu yêu. Dởm vừa thôi.
- Tự nhiên Ngân bắt làm anh em, Đan đâu có chịu. Thôi không bàn nữa, để yên cho Phượng uống nước.
Thế là từ đó, với Đan tôi là Phượng. Ít hôm sau, Ngân ghé nhà kéo tôi đi theo nó lên trường để cho tôi coi nó làm " cô giáo ". Lần đầu tiên tôi biết cách thức đi xe đò lên Củ Chi, và để biết bạn tôi đáng thương đến thế nào trong công việc " trồng người " của nó, khi từng buổi sáng, từng buổi chiều chạy theo mỗi chuyến " xe đò nội thành ". Lần ấy Ngân có lớp buổi sáng, buổi chiều và ngày hôm sau, nên Ngân không về, rủ tôi đêm ấy ở lại " nhà tập thể " của nó. Các thầy cô giáo bạn Ngân thấy có " người khách lạ " ghé thăm và ở lại, nên tất cả chẳng ai đón xe đò trở về thành phố ngày hôm đó. Liên, một cô giáo bạn Ngân, đề nghị cả bọn mở party thức đêm. Chẳng có một lời phản đối, còn có thêm những đề nghị và nhiều tiết mục nữa. Đầu tiên là chương trình " tham quan " Củ Chi. Cả bọn đưa tôi đi bộ từ trường học xuống chợ. Trên đường đi cứ cách một vài căn nhà gặp một đứa học trò chạy ra chào thầy, một căn nhà khác đứa chạy ra chào cô. Xuống được tới chợ trời cũng gần tắt nắng . Đi ngang một sân vận động trống, thấy có tấm lưới volley giăng sẵn, Đan đề nghị cả bọn vào đánh banh. Vô tình hay cố ý, tôi vào phe Đan. Đan đánh volley rất cừ nhưng tôi và Ngân cứ làm mất banh nên Đan thua. Phe kia có Hiền. Nhìn hai người thả banh tôi quên mất đường về. Trời gần tối, Ngân hối mọi người đi chợ mua đồ về làm cơm tối. Tôi đi sau cùng giữa Ngân và Đan. Đấy là lần thứ nhì tôi gặp Đan, mà sao anh và tôi như đã có sợi dây thân quen nhau từ bao giờ. Đan nói chuyện với tôi hiền hòa, thân mật, nhưng trong giọng anh lúc nào cũng như ra lệnh. Tôi hỏi Ngân hay tại lúc nào anh cũng là người sau cùng quyết định trong cái đám " nhà tập thể " của tụi mầy nên quen tánh rồi. Ngân nói " ai cũng nể, nên ổng quen tánh. Nhưng tánh ổng tốt " Tôi để ý thấy mọi người hay hỏi ý Đan từ tất cả mọi vấn đề . Ngân kể tôi nghe Đan uy tín đến nỗi, một lần Bình và Hiền, là hai thầy giáo, cãi nhau, bạn bè khuyên không nghe . Thấy tình hình trở nên nghiêm trọng, Ngân nói " đi kiếm ông Đan xuống đi ". Chỉ vậy thôi mà hai người tự động chấm dứt. Thấy tôi và Ngân chỉ nhắc toàn kỷ niệm trung học của hai đứa và đám bạn B2 ngày xưa, Đan... phản đối:
- Nhà tập thể nghe Ngân nhắc đến Phượng tới nỗi ai cũng... ghen. Bây giờ hai người cứ nói chuyện riêng của Ngân với Phượng, làtới phiên anh ghen.
Vừa nói Đan vừa nắm tay tôi. Tôi để yên bàn tay mình trong tay anh. Tôi không biết ở Đan có chất gì cuốn hút tôi. Hồi sáng nầy Đan không có lớp dạy, buổi chiều anh mới lên. Vừa bước vào nhà tập thể, nhìn thấy tôi ngồi đó chung giữa những đồng nghiệp của anh, Đan sững sờ buông rơi túi sách vở trước cặp mắt tròn xoe ngơ ngác của mọi người. Đan lách qua đám bạn, anh bước đến trước mặt tôi:
- Phượng lên tới đây? Biết vậy anh đã lên từ sáng.
Tôi nghe hình như là giọng Quang thắc mắc:
- Ai Phượng? Hải Đường mà? Bà Ngân, hai người nầy gặp nhau rồi à?
Đan trả lời Quang bằng câu nói đã nói với tôi cũng cùng thắc mắc đó lần trước. Chuẩn bị lại sách vở để lên lớp dạy buổi chiều, Đan căn dặn:
- Phượng ngồi trong nầy chơi đợi anh, anh chỉ có hai tiết buổi chiều nay.
Ngân lên giọng khi nhìn thấy tôi vâng lời một cách ngoan ngoãn:
- Sao mầy ngồi im vậy con khỉ. Tao dắt mầy lên đây đâu phải ngồi đây " chơi đợi anh ".
Rồi quay qua Đan, nó liếc xéo:
Để đầu óc mà lên lớp đi, làm như tui dẫn bạn tui lên đây cho ông vậy? Thiệt chán.
Tôi ngơ ngác thắc mắc với chính mình. Sao tôi chấp nhận dễ dàng những gì đến từ Đan? Có phải tại tôi vừa mới vuột Sơn khỏi tầm tay, hạnh phúc những ngày có Sơn còn đó, kỷ niệm những ngày với Sơn cũng còn đây, nên tất cả những đón đưa ngọt ngào, những lo lắng thân thương của Đan mà tôi cứ ngỡ là tình cảm của Sơn? Tôi đang quay quắt nhớ Sơn thì Đan hiện đến.
Buổi tối, Đan rủ tôi lang thang trong sân trường. Đan dạy Toán nên hay vào thẳng vấn đề không dài dòng đón đưa. Tôi sững sờ ngạc nhiên khi nghe Đan nói " nếu anh là Sơn, anh đã không ra đi một mình ". Sơn bỏ tôi, đi vượt biên chỉ có mình Ngân hay. Tôi mắng thầm trong dạ " con nầy, báo cáo không sai sót một chi tiết ". Ngân gặp Đan hằng ngày, nên nó kể anh nghe hết mọi chuyện về tôi cũng không lạ. Rồi Đan cản khi biết tôi có ý định ra đi, anh ân cần " nguy hiểm lắm, Phượng đừng đi ". Tôi tâm sự:
- Hải ở đây bao nhiêu năm rồi có làm gì được đâu anh . Đường học hành bị bít mất, cả gia đình Hải bị trù dập đủ điều không lối thoát. Ba Hải nói sẽ lo cho anh Phan và Hải đi. Qua đó rồi Hải với anh Phan sẽ lo cho các em. Anh Phan đã đi rồi. Bây giờ Hải cũng thích đi ".
- Phượng đi anh lo lắm. Sao Phượng không đợi anh Phan bảo lãnh?
Nghe tôi cứ nằng nặc ý định ra đi, Đan đề nghị:
- Dù sao thì lúc ra đi , Phượng cũng nhớ cho anh chia tay.
Câu nói đầy ân tình của Đan đã theo tôi suốt quãng đời dài. Tôi gật đầu bừa cho anh yên lòng, để sau nầy khi nghe Ngân nói " ông Đan cứ đòi tao đưa địa chỉ mầy, bao nhiêu lần tao đã tính đưa ", tôi nghe mà rát buốt trong lòng. Tôi viết về cho Ngân bằng những giọt nước mắt từ lòng tôi trong những tháng ngày cô đơn băng giá giữa thiên đường xa lạ nầy:
- Mầy thấy Đan đối với tao ra sao rồi. Tình cảm ấy, chân thành ấy, yêu thương ấy bộ mầy nghĩ đầu óc tao chai cứng, tim tao là viên sỏi, người tao là cỏ cây hay sao mà không biết chùng lòng? Nhưng rồi làm sao mầy giải thích, làm sao Đan cắt nghĩa cho Diệp khi Diệp biết ra rằng tao là bạn mầy? Nếu anh Trấn thuộc về một người khác, bạn mầy, mầy có buồn không? Tao mất Sơn rồi nên tao hiểu, sẽ đau lắm Ngân ơi. Thôi để yên cho Đan.
Tôi nói với Ngân hùng hồn như vậy nhưng đâu ai biết được trong lòng tôi như buốt nhức vô cùng. Tôi làm mọi cách để đưa hình ảnh Đan ra khỏi cuộc đời tôi, thoát ra khỏi niềm suy tư mơ mộng nhớ mong của tôi mà có được đâu. Anh vẫn hiện ra trong từng nỗi muộn phiền ray rứt của tôi. Đâu có làm sao quên những đêm anh đạp xe kề cận với tôi trên đường về từ nhà Ngân, không lần nào anh không nhắc " nhớ cho anh chia tay ". Chưa chia tay mà tôi đã sợ phút giây tạ từ ấy. Tôi biết chắc tôi sẽ không làm sao đủ sức đối diện với anh trong giờ tiễn biệt, nhưng ngại ngần không dám nói thật cho anh nghe, và rồi lần nào tôi cũng gật đầu bừa để vừa ý anh.
Tuy rằng đã một đôi lần tôi muốn thay đổi ý định, chỉ vì Đan, mà rồi tôi không dám. Có thật sự tôi sẽ hạnh phúc không hay tôi sẽ là nguyên nhân của niềm khổ lụy cho Diệp, Đan và tôi. Năm đó, Đan đi với Ngân đến nhà tôi buổi chiều mùng hai Tết. Tôi còn đang ngủ. Giọng Ngân eo éo:
- Chời, con nầy tính ngủ suốt năm hay sao? Dậy mà lãnh của nợ đi, lì xì mầy đó, tao về.
Nheo cặp mắt , nhìn bạn tôi đang vui cười trong không khí Tết mà tôi thấy lòng mình mặn đắng. Đối với tôi xuân có còn gì nữa đâu. Người yêu cũ đã bỏ đi. Người yêu mới đâu phải của tôi. Tôi nằm nhà ngủ vùi để quên nỗi đơn côi. Đan đến, hân hoan rủ tôi lên nhà anh. Tôi lắc đầu. Anh xụ mặt. Tôi vẫn lắc đầu. Đan còn dụ tôi lên anh đãi ăn bánh tét, thịt kho, anh vẽ hình Phượng nữa. Chụp hình thì còn hy vọng làm mồi dụ khị nó chứ vẽ hình nó đem bán hay sao cái ông nầy. Mà làm như mình nhà ông là có thịt kho, có bánh tét, nhà người ta ăn cơm nguội hết chắc, Ngân chống tay nhìn Đan. Đan chống chế, không phải, bánh tét ngon nổi tiếng anh mới rủ Phượng. Ngân đẩy tôi từ sau lưng, thôi mầy dọn dẹp mặt mày, sửa soạn đi dùm tao cái đi Hải, chứ để mọi người nhìn cái mặt ông Đan, suốt năm không khá. Đứng giữa phòng làm việc nhà Đan tôi say sưa ngắm nhìn mớ tranh Đan vẽ. Nào giờ Hải không nghe anh nói vẽ tranh bao giờ?. Tao đã nói, thằng anh hai mầy nhiều nghề lắm. Còn đờn nữa. Tết nhứt lì xì một bài đi Đan. Ngân thúc vì biết rằng tôi đã sắp xa Đan. Buổi tối Đan đưa tôi về, anh hỏi Phượng có nghe sắp đi chưa? Tôi giấu Đan, không biết, chắc là còn lâu lắm Đan ơi. Ở lại đi Phượng. Đan chỉ nói vỏn vẹn chừng ấy chữ mà tôi nghe nhức nhối tận tim mình, tôi nuốt xuống giọt nước mắt sắp lăn ra. Niềm vui của tôi với Đan chỉ được tính từng ngày, từng buổi. Như hôm nay và giây phút nầy. Nhưng sao Đan lại hỏi tôi bao giờ đi? tôi nghi ngờ hay Ngân đã kể cho Đan nghe, cách đây ít hôm, tôi và Ngân đã cố năn nỉ Ba cho tôi hoãn lại chuyến đi một thời gian. Ba sững sờ la tôi một trận.
Cho đến một ngày tôi nhận được thư Ngân báo tin " Đan sắp rời nơi đây để đi Canada, do gia đình Diệp bảo lãnh " là đã gần 12 năm xa cách. Nơi Đan đến, không gần tôi lắm. Tôi nhủ lòng thôi thế cũng xong, hai ta tóc đã nhạt màu, tình ta chắc cũng úa nhầu thời gian. Thời gian đủ dài và chúng tôi đủ già để không còn làm khổ nhau. Đến lúc lòng tôi đã tạm lắng yên thì ai xui cho tôi gặp lại anh ngày hôm nay, ngay hôm sinh nhật của mình. Tôi tưởng tôi quên anh rồi. Tôi tưởng lòng tôi sẽ thản nhiên, vô tư một cách bình yên cho dù có ai nhắc đến tên anh một ngàn lần. Vậy mà bất ngờ nghe lại giọng nói của anh, tim tôi đã như có những vết xước dọc ngang xuyên thủng lòng mình . Tôi bàng hoàng nhận ra rằng anh còn nằm yên trong đoạn đời đã qua của tôi. Tôi cố không nhớ lại mà sao kỷ niệm ngọt ngào cứ kéo nhau chảy tràn vào suy nghĩ, sao giọng nói Đan cứ vang vang, ánh mắt Đan cứ ẩn hiện trong tôi. Kỷ niệm ơi, sao còn sinh ra làm gì?