Tác giả: Anh Vân
Sau khi làm thủ tục cho người bạn vào khám bịnh ở General Hospital, tôi tìm chỗ ngồi đọc nốt truyện ngắn Thác Đổ Sau Nhà của Võ Phiến để thời gian chờ đợi qua nhanh hơn. Tôi đưa mắt quan sát, tìm một ghế trống trong phòng chờ đợi chật ních người nhưng không có. Tôi đành phải đứng tựa lưng vào tường, cạnh cái tủ bán thức ăn và nước uống tự động. Tôi định mở tập Truyện Ngắn I để đọc tiếp thì thấy một cô gái còn rất trẻ, rất đẹp ngồi trên chiếc xe lăn, đang dùng tay để lăn chiếc xe về phía tủ bán thức ăn. Tự dưng lòng tôi xao xuyến và hồi hộp một cách kỳ lạ. Tim tôi nhảy nhanh hơn trong lồng ngực. Tôi bị xúc động không phải vì sắc đẹp mê hồn của cô gái mà vì cái chân bị cụt gần tới đầu gối. Cô gái mặc áo thun đen dài tay, cái quần jean còn mới. Chân phải cô đặt trên cái gác chân, còn chân trái chỉ là cái ống quần buông thõng đong đưa nhè nhẹ. Cô gái đẹp quá, một sắc đẹp não lòng mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Gương mặt nàng là một kết hợp sắc sảo những đường nét kiều diễm giữa Âu và Á. Cái mũi dọc dừa thanh tú, tương xứng với gương mặt. Cái miệng hơi nhỏ, xinh xắn và hồng nhuận. Đôi mắt to, đen với hai hàng mi dài, cong vút, chỉ vầng trán là hơi thấp. Có lẽ cô ta là người Mễ, tôi đoáọc thế.
Tôi hỏi:
- Cô muốn mua thức uống, phải không? Tôi có thể giúp cô.
Cô gái nhìn lên bảng đề giá tiền rồi nhìn tôi, hỏi:
- Đến sáu mươi xu một lon à? Tôi chỉ còn năm mươi xu. Ông có tiễn lẻ, cho tôi đổi một đồng?
Cô gái vừa hỏi vừa mở cái bóp nhỏ cầm ở tay định lấy tiền nhưng tôi ngăn lại:
- Tôi không đủ tiền lẻ đổi cho cô nhưng tôi có mười xu. Cô đưa năm mươi xu đây.
Tôi móc túi lấy ra đồng mười xu và nhận năm mươi xu từ tay cô gái, vừa hỏi:
- Cô muốn loại nào?
- Seven Up.
Tôi bỏ tiền vào máy rồi bấm nút có hình lon nước Seven Up. Lon nước ngọt màu xanh rớt xuống, lăn ra ngoài máng. Tôi cầm lon nước mát lạnh trao tận tay cô gái.
Cô gái đưa bàn tay với những ngón thon dài, trắng nuột ra nhận lon nước, vừa hỏi:
- Tôi thiếu ông mười xu rồi làm sao trả?
Tôi lắc đầu:
- Chỉ có mười xu, cô đừng bận tâm.
Có lẽ cô gái cảm thông được ánh mắt đầy thương xót của tôi nên nói với giọng thất dịu dàng và buồn:
- Ông tử tế quá! Cám ơn ông.
Lúc đó, một người đàn bà đã trọng tuổi tiến về phía chúng tôi vừa nói một tràng dài tiếng Mễ mà tôi không hiểu gì hết.
Cô gái gật đầu chào tôi:
- Từ giã ông, tôi phải về.
- Chào cô.
Người đàn bà Mễ cũng gật đầu chào tôi rồi đẩy chiếc xe đi.
Tôi đứng nhìn theo cô gái đến lúc chiếc xe khuất sau bức tường. Tôi bước ra ngoài hành lang. Bên ngoài nắng sớm chiếu nghiêng nghiêng xuống khoảnh sân xi-măng, hắt lên làn hơi nóng khó chịu. Mới mười giờ mà ánh nắng đã gay gắt. Tôi bước nhanh đến thảm cỏ trước mặt và ngồi dưới một tàn cây lớn. Tôi vẫn chưa hết xao xuyến trong lòng nên không còn muốn đọc tiếp truyện ngắn mà tôi đọc dang dở. Lần nào cũng vậy, khi gặp một người đàn bà nào còn trẻ, bị cụt chân là tôi liên tưởng ngay đến Kim Liên, người bạn gái xinh đẹp cùng đơn vị với tôi ngày xưa.
Kỷ niệm qua đã lâu rồi, hơn hai mươi năm mà mỗi lần chợt nhớ đến Kim Liên, lòng tôi bao giờ cũng bùi ngùi thương cảm xen lẫn nỗi ray rứt khôn nguôi.
... Cuối năm 1969, tôi về trình diện Trung đoàn 16, thuộc Sư đoàn 9. Sau khi hoàn tất các thủ tục ở ban I, tôi bước ra ngoài và một hình ảnh đẹp đập vào mắt và cuốn hút ánh mắt tôi là một cô gái, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, dáng dấp cao ráo, làn da trắng trẻo, tươi mát. Cô ta mặc bộ quân phục rất vừa vặn, trên bâu áo rực rỡ một cái hoa mai vàng. Nàng đội nón rộng vành, bẻ cong lên trông như nón của mấy chú cao-bồi. Bên hông mang một cây colt xề xệ, trông nàng đẹp một cách khoẻ mạnh vừa có vẻ hơi ba-gai,
Cô gái hỏi tôi trước:
- Thiếu uý mới thuyên chuyển về đây, phải không?
- Phải.
- Có chỗ nghỉ ngơi gì chưa?
- Bây giờ thì chưa. Tối nay tôi sẽ nghỉ ở nhà một người bạn rồi mai ra trình diện Tiểu đoàn.
- Tiểu đoàn mấy?
- Tiểu đoàn 3.
Cô ta chìa tay ra cho tôi bắt rồi tự giới thiệu:
- Tôi, Thiếu uý Liên. Còn anh tên Luân, phải không?
Tôi biết cô ta nhìn tên tôi trên miệng túi áo.
Tôi đáp:
- Phải, tôi tên Luân. Hân hạnh được biết Thiếu uý.
Liên vui vẻ:
- Chúng ta cùng cấp bực, gọi tên nhau cho thân mật. Huynh đệ chi binh cả. Trong cái ba-lô của anh có hột xoàn, vàng bạc gì không? Còn nếu chỉ có vài bột đồ nhà binh thì gởi ở phòng Liên, Liên giữ cho.
- Thế thì còn gì bằng nhưng cô đừng mở ra nhé. Quần áo chưa giặt, hôi lắm.
Liên cười cười:
- Các ông thì có ai tự lo nổi cho mình đâu.
Tối đó, Chuẩn đến chở tôi về nhà nghỉ. Gặp tôi, Chuẩn hỏi ngay:
- Quần áo đâu? Chỉ có bộ đồ dính mình à?
Tôi chìa ta một bọc giấy nhỏ đang cầm ở tay.
- Mang theo một bộ, còn bao nhiêu gởi Thiếu uý Liên.
Chuẩn ngạc nhiên:
- Mới về mà đã quen với Liên rồi à?
- Cô ta làm quen trước.
- Ừ, cô ta vui vẻ, dễ thương nhưng thương không dễ. Dở dang một lần rồi nên dường như cô ta không còn tin đàn ông nữa.
- Dở dang một lần rồi à?
- Một con. Gái một con trông mòn con mắt. Trung đoàn có nhiều tên trồng cây si lắm nhưng chẳng tên nào lọt được mắt xanh.
Sáng hôm sau, tôi ra trình diện đơn vị và phải hành quân luôn ngày hôm đó. Tiểu đoàn hành quân khoảng một tháng thì được trở về hậu cứ, nghỉ dưỡng quân hai ngày. Với hai ngày dưỡng quân ngắn ngủi, tôi không thể về với gia đình, cũng chẳng biết đi đâu. Tôi chán nản nhìn bộ đồ trận đang mặc vừa dơ vừa hôi hám. Tôi nghỉ ngay đến mấy bộ đồ trận trong ba-lô gởi Liên, có lẽ còn khá hơn. Tôi định đến căn nhà trong hậu cứ dành cho Liên thì thấy một cô Trung sĩ rất trẻ, khoảng hai mươi tuổi là cùng, chạy đến, đưa tay chào tôi, hỏi:
- Phải Thiếu uý Luân không?
Tôi chào đáp lễ:
- Phải.
- Thiếu uý Liên nói, mấy bộ đồ trận của Thiếu uý gởi đã được giặt sạch rồi, Thiếu uý có thể vào tắm rửa sạch sẽ, đi chơi.
Tôi nghe nhẹ cả mình, đưa mắt nhìn tên cô Trung sĩ trên miệng túi áo, hỏi:
- Cô tên Cúc phải không?
- Dạ, phải.
- Thiếu uý Liên có ở nhà không?
- Chị ấy đi Sa đéc thăm mẹ, chiều nay về. Thiếu uý có định đi đâu chơi không?
Tôi nhún vai:
- Tôi có quen với ai ở đây đâu. Tắm rửa xong, ngủ một giấc cho đã rồi chiều tính.
Bước vào nhà, tôi đã thấy ba bộ đồ của tôi được giặt sạch sẽ và ủi hồ thẳng nếp để trên cái bàn bằng gỗ thông. Nhìn ba bộ đồ, tôi biết Liên hay Cúc đã bỏ tiệm giặt ủi giùm tôi. Tôi chưa kịp hỏi bao nhiêu tiền để trả lại, đã thấy Cúc nhoẻn miệng cười vừa chìa tay ra, dáng điệu lý lắc, dễ thương.
Tôi hỏi:
- Bao nhiêu?
- Ba chịt. Mỗi bộ mười tì. Chị Liên chỉ giúp Thiếu uý bằng miệng thôi. Chị ấy nói, Thiếu uý xa gia đình, chẳng ai chăm sóc nên bảo em có lo được gì cho Thiếu uý thì lo để Thiếu uý đỡ tủi thân. Thế là em phải đem đồ ra tiệm rồi phải ghé tiệm lấy về. Cũng may tiệm cũng gần đây thôi.
- Cám ơn Cúc nhé! Tôi đề nghị thế nầy, ở những chỗ riêng tư, mình gọi nhau bằng tên cho thân mật. Cúc đồng ý không?
- Đồng ý ngay. Chị Liên cũng từng đề nghị với em như vậy.
Tắm xong, thấy phía trước có cái ghế bố nhà binh và cái ghế vải xếp, tôi hỏi:
- Tôi có thể nằm ngủ trên cái ghế bố nầy không?
- Thì chị Liên mang về cho anh Luân đó.
Rồi Cúc chỉ tấm ri-đô, nói tiếp:
- Tấm ri-đô nầy là vĩ tuyến 17. Phần bên trong là địa phận của em và chị Liên. Bên ngoài là của anh. Dọc theo vĩ tuyến đều có gài mìn. Xỉn rượu, lạc bước vào là kí-lô (1) ngay tức khắc.
Tôi bật cười:
- Quen được với cô Liên và Cúc thật may mắn.
Cúc nhìn tôi rồi một tay chống nạnh, một tay quơ quơ về phía trước, một chân nhịp nhịp xuống đất vừa hát: Huynh đệ chi binh là gì đó anh Luân? Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính, thương nhau khác chi nhân tình. Từ chàng đơ dem cùi bắp và rồi đi lên thượng cấp, đều là huynh đệ chi binh...
Tôi cười lớn trước thái độ trẻ con của Cúc và nhận thấy đời lính cũng có những cái hay hay, là rất dễ thân nhau và thân một cách chân tình.
Cúc nói:
- Anh Luân ngủ đi. Em ra chợ mua một ít thực phẩm để chiều nấu cơm cho bộ ba mình ăn.
Tôi ngăn lại:
- Khỏi Cúc. Chiều nay, anh dẫn em và Liên ra Vĩnh Long ăn cho sướng cuộc đời.
- Ái chà! Thiếu uý Luân bảnh vậy ta!
Cúc bước ra ngoài. Tôi lên nằm trên cái ghế bố. Sau những ngày hành quân vất vả, đặt lưng xuống là tôi ngủ ngay. Không biết tôi đã ngủ bao lâu cho đến lúc nghe tiếng đẩy cửa và tiếng suỵt của Cúc, tôi biết Liên đã về nhưng tôi vẫn nằm yên. Có lẽ Liên đang đứng nhìn tôi. Một lúc, tôi nghe Liên nói:
- Anh chàng cũng bảnh trai chớ bộ. Lúc ngủ trông dễ thương ghê.
- Ảnh vui tính lắm
Tôi muốn bật cười nhưng cố nín để Liên khỏi phải mắc cở.
Tôi nghe Liên hỏi Cúc:
- Chiều nay có gì ăn không? Nấu luôn cho anh Luân ăn.
- Anh Luân hứa, dẫn hai chị em mình ra Vĩnh Long ăn.
- Ái chà! Anh chàng Luân nầy ngon hé.
Tôi làm bộ trở mình rồi mở mắt ra, ngồi dậy.
- À, cô Liên về rồi!
- Liên mới về tới. Hành quân sao anh?
Tôi nhún vai, tạo giọng thân mật:
- Thì Liên biết rồi. Còn về đây gặp Liên là còn sống. Hai chân còn nguyên là chưa giẵm lên mìn con cóc của Trung cộng.
Liên nhìn tôi một lúc:
- Tóc anh dài quá. Râu ria che muốn kín miệng. Coi chừng tụi con lính bảo Thiếu uý Luân không có miệng thì nguy to.
Tôi bật cười, biết Liên muốn nói gì nhưng vẫn làm bộ ngây thơ:
- Thì cùng lắm vén râu lên, vạch miệng cho tụi nó xem.
Cúc cười ré lên:
- Chị Liên gặp thứ thiệt rồi.
Liên cũng bật cười khanh khách rồi quay qua nói với Cúc:
- Cúc, em kêu thằng Hiển mang đồ nghề qua hớt tóc cho anh Luân đi.
- Ở hậu cứ có người hớt tóc hả Liên?
- Có. Hớt xong, anh cho nó năm mười đồng gì đó.
Thấy Liên lo cho tôi có vẻ chu đáo khiến tôi cũng thấy được an ủi.
Tôi nói:
- Cám ơn sự săn sóc của Liên và Cúc.
Liên bước vào bên trong tấm ri-đô vừa trả lời:
- Ơn huệ gì. Tụi em là dân Chiến Tranh Chính Trị mà. Lo cho anh một chút để anh lên tinh thần cũng là điều tốt. Anh đừng băn khoăn về những chuyện nho nhỏ mà em và Cúc đã làm cho anh. Lúc trước tụi em cũng lo cho anh Hoàng như vậy.
- Hoàng bây giờ ở đâu?
- Rửa cẳng, leo lên bàn thờ ngồi rồi.
Tôi giựt mình với lối nói chuyện lạnh lùng của Liên. Đời lính là vậy. Sống nay, chết mai và cái chết trở nên rất bình thường. Người lính nằm chết trên giường bịnh, đối với chúng tôi mới là chuyện không bình thường.
Cúc đã dẫn được anh thợ hớt tóc về. Tôi nói lớn với Liên:
- Liên nghỉ mệt một lúc rồi anh dẫn em và Cúc đi ăn.
- Nghỉ mệt gì nữa. Đã sáu giờ rồi. Anh hớt tóc xong, đi là vừa.
Tôi ngạc nhiên, kêu lên:
- Đã sáu giờ rồi à?
Thế ra tôi đã ngủ một giấc hơn bốn tiếng đồng hồ. Đời lính thiếu thốn nhiều thứ. Ăn thiếu. Ngủ thiếu. Quần áo thì lúc nào cũng hôi hám, nhơm nhớp mồ hôi. Cả chuyện làm tình cũng vậy. Đôi ba tháng mới bắn được một quả. Chỉ có sự hiểm nguy là có thừa. Cái chết lúc nào cũng chờ chực bên mình.
Anh thợ hớt tóc cho tôi, giống như người ta gọt trái dừa khô. Khoảng mười phút là xong.
Liên đã thay xong quần áo. Nàng bước ra, đứng nhìn tôi. Cúc gục gặc đầu vừa cười vừa nói:
- Râu tóc rậm rạp mà còn có người khen là bảnh trai. Bây giờ râu tóc sạch sẽ...
Liên hét:
- Nhảm! Cái con nhỏ nầy, miệng không lành da non.
Tôi cười cười, quay qua hỏi Cúc:
- Ai khen anh bảnh trai vậy Cúc? Nói cho anh mừng coi.
Liên trề môi.
- Xí! Ma khen anh bảnh trai chớ ai. Nghe...
Tôi ngắt ngang lời Liên:
- Nhưng ma đàn ông hay đàn bà? Ma đàn bà khen, anh mới thật sự mừng.
Cúc ngồi xuống đất cười bò ra. Liên lại hét:
- Cả anh Luân cũng nhảm luôn. Nghe con Cúc, bán lúa giống ra ăn.
Nói xong, Liên rút cái khăn tay, phủi mớ tóc rớt trên áo tôi. Liên không cười nhưng gương mặt trông như cười. Biết Liên mắc cỡ, tôi quay qua hỏi Cúc:
- Em có thể mượn được xe của ai không?
Cúc trả lời:
- Em mượn thì không ai cho nhưng ngược lại rất nhiều người muốn cho chị Liên mượn thì chị lại không mượn.. Cuộc đời rõ bất công.
Liên quăng cái khăn tay cho Cúc, nói:
- Mầy phủi tóc cho ảnh đi. Để tao đi mượn xe.
Nói xong, Liên bỏ đi. Tôi dỗ Cúc như dỗ một đứa bé:
- Chừng nào có xe, anh sẽ cho Cúc mượn mà không cho Liên mượn.
Cúc cười lớn, gọi giựt ngược Liên lại:
- Chị Liên có nghe anh Luân nói không?
- Nghe. Ảnh xạo mấy đó. Đừng tưởng bở
- Kệ, em thích ai xạo em.
Liên đi độ khoảng mười phút đã thấy lái xe về.
Tôi hỏi:
- Xe của ai mới toanh vậy Liên?
- Của Đại uý, chỉ huy hậu cứ Trung đoàn. Thôi, lên xe!
Tôi lên ngồi cạnh Liên. Cúc ngồi phía sau.
Tôi hỏi:
- Anh lái hay Liên lái?
- Em lái.
Cúc nắm bâu áo, kéo ngược tôi ra sau, kề tai nói nhỏ:
- Chị Liên lái thì hai anh em mình phải cầu nguyện.
Tôi bật cười. Liên trề môi:
- Xí! Có phải nó kêu anh cầu nguyện không?
- Sao em hay vậy?
- Mỗi lần em lái xe, nó đều dặn mọi người trên xe cầu nguyện.
Trời chiều thật đẹp. Phương tây màu ráng đỏ ối, hắt lên làm rực rỡ cả một vùng trời. Gió mát từ hai cánh đồng bên đường thổi mạnh làm tóc Liên bay ngược về phía sau, trông Liên vừa đẹp vừa oai hùng. Mùi dầu thơm Taboo hoà lẫn với mùi da thịt từ người liên thoang thoảng đưa vào mũi làm tôi ngây ngất. Thì ra cuộc đời vẫn có hạnh phúc nhưng nó mong manh như mây chiều và phải biết tận hưởng ngay những gì mình đang có.
Liên lái xe thật bạo. Đường từ Long Hồ ra Vĩnh Long có nhiều đoạn gồ ghề, lổm chổm những ổ gà, nhứt là khoảng Đất Méo nhưng Liên vẫn không giảm tốc độ khiến nhiều lúc, chiếc xe vồng lên như con ngựa chứng.
Liên hỏi lớn vì gió:
- Chiều đẹp không anh Luân?
- Đẹp.
- Mình đâu có bao nhiêu buổi chiều đẹp như thế nầy trong đời, nhứt là đời lính. Phải không anh Luân?
Cúc chen vào:
- Vậy thì vui lên đi.
- Vui chớ. Làm sao buồn được khi bên cạnh anh có đến hai người đẹp.
Cúc cười thích thú:
- Em khoái nghe anh Luân nói chuyện ghê.
- Đừng tưởng bở. Mấy cha nội nói năng ngọt ngào, khéo léo chừng nào mới đáng sợ chừng nấy.
- Mặc kệ. em thích như vậy. Thà chết ngộp trong ly nước đường còn hơn là sống mà cứ phải nếm toàn mật đắng.
Liên quay qua nói với tôi:
- Con nhỏ nầy như vậy đó anh. Khoái sống trong ảo tưởng lắm. Biết người ta xạo mà nó vẫn khoái.
- Nhưng anh có xạo đâu. Làm sao có thể buồn khi bên cạnh có hai cô vừa trẻ đẹp vừa vui tính như em và Cúc.
Liên lắc đầu:
- Xạo vừa vừa thôi ông. Cúc chết chớ em không chết đâu.
Tôi chợt nhớ đến lời Chuẩn dường như cô ta không còn tin đàn ông nữa nêến lời lặng.
Cúc hát lớn ở phía sau: Anh ơi, có bao lâu? Sáu mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu...
Tôi khen:
- Dân Chiến Tranh Chính Trị có khác.
Vào thành phố, Liên cho xe chậm lại vừa hỏi:
- Mình ăn ở đâu đây?
- Tuỳ Liên. Em biết nhiều hơn anh.
Cúc đề nghị;
- Ba Vị đi!
Tôi chiều Cúc:
- Ô-kê, Ba Vị, Liên chịu không?
- Chịu, để con nhỏ nầy khỏi phải nếm mật đắng.
Thức ăn đã gọi xong. Tôi và Liên uống bia. Cúc uống nước ngọt. Nhìn gương mặt tươi rói của Cúc khiến tôi vui lây. Muốn cho Liên vui, tôi nói đùa:
- Lái xe như Liên, lúc chết thế nào cũng được lên Thiên đàng.
Liên ngạc nhiên:
- Đâu, anh nói rõ, em nghe.
- Anh đọc đâu đó một câu chuyện như sau: Thánh Peter đang gác cổng Thiên Đàng thì có hai người đàn ông đi tới. Sau khi tra xét lý lịch, một người được vào, một người bị giữ lại. Người bị giữ lại ngạc nhiên hỏi: Thánh có lầm chăng? Tôi là Mục sư mà, còn anh kia chỉ là tài xế xe đò. Thánh Peter trợn mắt: Lầm thế nào được mà lầm. Khi còn ở trần gian, mỗi lần ông giảng đạo, các con chiên đều ngủ gà, ngủ gật. Còn anh tài xế kia, mỗi lần ảnh lái xe thì tất cả mọi người trên xe đều cầu nguyện Thánh Peter
Liên và Cúc ngã người vào thành ghế, cười lớn. Cúc cười đến văng thức ăn ra ngoài. Vài thực khách gần đó, nhìn chúng tôi, mỉm cười thông cảm.
Bữa ăn chiều thật vui và kéo dài đến mười giờ tối.
Chiến cuộc mỗi ngày một leo thang. Lính chiến hành quân không ngừng. Những ngày dưỡng quân phải nghỉ tại chỗ. Thỉnh thoảng đơn vị mới được về hậu cứ nhưng chỉ nghỉ từ một đến hai ngày nên tôi đành phải ở lại với Liên và Cúc. Nhờ vậy, tôi và Liên có dịp gần nhau nhiều hơn và tình cảm của chúng tôi dành cho nhau mỗi ngày một sâu đậm hơn.
Một hôm, Liên dẫn tôi về Sa đéc thăm mẹ và con nàng. Gia đình Liên khá giả. Ngôi nhà của mẹ nàng rất đẹp, nền đúc, mái lợp ngói đỏ, tường quét vôi vàng, toạ lạc trên một mảnh đất rộng, phía trước là sông, phía sau là vườn cây ăn trái. Mẹ Liên chưa già lắm, gương mặt phúc hậu. Thấy Liên dẫn tôi về, bà vồn vã, ân cần. Đứa con gái Liên mới ba tuổi, tên Hiền, mặt mũi kháu khỉnh dễ thương. Cớ lẽ thiếu tình thương nên quen với tôi mới vài giờ, nó đã tỏ ra quyến luyến, quấn quít bên tôi. Hai ngày ở nhà Liên thật tuyệt. Tôi được ăn những món do Liên và mẹ Liên nấu như canh chua cá bông lau, cá he chiên dầm nước mắm tỏi, tôm càng kho tộ. trưa ra vườn tìm bẻ trái cây hoặc uống nước dừa. Duy có buổi chiều, sắp trở về hậu cứ, tôi đã làm Liên buồn vì lỡ xúc phạm nàng.
Liên rủ tôi tắm sông và tôi đồng ý ngay. Liên mặc áo túi màu trắng, cái quần đùi đen và choàng thêm một cái khăn lông ở bên ngoài. Tôi mặc quần đùi và ở trần. Tôi có được một thân thể nở nang như một lực sĩ nên tôi thích ở trần.
Thấy tôi cởi áo ra, Liên trầm trồ:
- Không ngờ anh Luân là một lực sĩ. Anh lội giỏi không?
- Tàm tạm, còn Liên?
- Cũng tàm tạm.
Nhưng Liên không lội tàm tạm như nàng nói. Liên lội rất giỏi, lội sải, lội bướm đều đẹp cả. Nhờ lội nhiều nên thân thể Liên rất cân đối. Dưới nước Liên nhanh như con rái cá. Mới ở cách tôi khoảng năm thước, Liên ngụp đầu xuống và chừng vài giây sau, tôi đã bị Liên kéo rịt xuống nước. Bị tấn công thình lình, không kịp đề phòng, tôi bị uống vài hớp nước. Tôi đưa tay cù vào nách Liên nhưng Liên càng kéo mạnh hơn khiến tôi nổi sùng. Tôi luồn tay vào phía sau quần nàng, bóp mạnh vào mông khiến Liên buông tôi ra ngay.
Liên trồi đầu lên, la lớn:
- Anh làm gì vậy?
Cái mông chắc nịch và làn da trơn mát của Liên làm tôi bị động tình. Tôi lội vào, leo lên ngồi trên cầu. Liên cũng lội nhanh vào bờ.
Tôi hối hận, nắm tay Liên:
- Liên, anh xin lỗi. Anh không hiểu sao, anh làm như vậy?
Liên giựt tay lại rồi chụp cái khăn quấn ngang mình, bỏ vô nhưng đi được vài bước, không hiểu nghĩ gì, Liên dừng lại hỏi:
- Bây giờ vô không?
Tôi lắc đầu:
- Không.
- Hồi nãy mình đi tắm, má đã nấu cơm xong. Ăn rồi còn về hậu cứ cho kịp.
Tôi vẫn lắc đầu:
- Không, anh không vô.
- Em không giỡn với anh à. Lúc nầy chiều chiều, mấy thằng Việt cộng hay ra chận xe lắm đó.
- Kệ cha tụi nó. Anh không vô. Em cho anh mượn cái khăn, anh mới vô.
Liên đỏ mặt, lột cái khăn ném về phía tôi rồi bật cười rộ vừa quay lưng bỏ chạy. Tiếng cười giòn tan, quyện trong gió chiều.
Trong bữa cơm, tôi vẫn còn băn khoăn về việc đã xúc phạm Liên, trong khi Liên thỉnh thoảng lấm lét nhìn tôi. Thấy Liên và tôi có vẻ quá thân mật, mẹ Liên không được vui. Nhân dịp Liên ra sau bếp gọt xoài, mẹ Liên nói với tôi:
- Liên có tất cả ba chị em. Con chị lớn của nó có chồng bác sĩ, còn con em, cả hai vợ chồng đều là giáo sư. Chỉ có nó, tự nhiên rồi xin vào quân đội. Đời nó bất hạnh nên bác thương nó nhiều nhứt. Bác chỉ mong, có ai mang hạnh phúc đến cho nó để bác yên tâm, bằng không cũng đừng mang bất hạnh đến cho nó nữa.
Tôi hiểu mẹ Liên muốn nói gì. Im lặng một lúc, tôi nói:
- Thưa bác, cháu thương em Liên lắm. Nếu không mang được hạnh phúc đến cho Liên, cháu sẽ không bao giờ mang bất hạnh đến.
Mẹ Liên nhìn tôi bằng đôi mắt thật dịu dàng.
Liên mang hai dĩa xoài ra, một cho mẹ nàng và con, một cho tôi và nàng. Màu xoài vàng lườm, trông thật ngon mắt. Bé Hiền con của Liên không chịu ngồi với ngoại. Nó đến ngồi giữa tôi và Liên. Việc Liên đem dĩa xoài để cùng ăn với tôi làm tôi yên tâm, biết Liên đã hết giận. Tôi cầm miếng xoài ngon nhứt đút cho bé Hiền ăn vừa nhìn Liên, nói nhỏ:
- Anh cám ơn Liên.
Tôi và Liên vừa về tới hậu cứ đã thấy Chuẩn đến, rủ tôi đi nhậu.
Chuẩn nhanh nhẩu:
- Tối nay cho tôi bắt anh Luân một đêm nhé chị Liên?
Liên đỏ mặt:
- Anh Chuẩn nói chuyện gì lạ vậy? Anh Luân muốn đi đâu thì đi chớ. Sao lại hỏi Liên?
Chuẩn ú ớ không trả lời được. Liên trở vào nhà, ngồi buồn thiu dưới ánh đèn. Dường như ý Liên không muốn tôi đi nhưng tôi cũng vào sửa soạn đồ để đi với Chuẩn và cũng chỉ mang theo một bộ đồ sạch như lần trước. Bỏ mấy bộ đồ dơ lại cho Liên.
Tôi nói nhỏ:
- Liên, em tha lỗi cho anh rồi mà.
- Thì em đâu còn giận anh chuyện hồi chiều nữa.
Liên móc túi đưa tôi cái chìa khoá cửa.
- Anh giữ cái chìa khoá. Lỡ em và Cúc không có ở nhà, anh cũng có thể vào nằm nghỉ.
Tôi hỏi:
- Em không còn giận anh nhưng sao em buồn thiu vậy? Nhìn em buồn, anh chịu không nổi đâu.
Mắt Liên rơm rớm lệ. Nàng đứng lên bỏ vào trong và kéo tấm ri-dô lại.
Tôi đứng bên ngoài nói vọng vào:
- Liên! Mai anh Chuẩn chở anh vào hậu cứ Tiểu đoàn. Gặp em kỳ dưỡng quân sau nhé Liên.
Liên không trả lời. Tôi trở ra đi với Chuẩn mà lòng buồn rười rượi.
Lần hành quân đó, tôi buồn và thương nhớ Liên lạ lùng. Tôi đã yêu Liên rồi chăng?
Mỹ, anh lính mang đồ cho tôi, hỏi:
- Sao chuyến nầy, ông thầy buồn vậy, ông thầy?
Tôi thở dài:
- Có gì buồn đâu mậy.
Mỹ cười:
- Ông thầy giấu em sao nổi.
Tiểu đoàn hành quân mới được mấy ngày, bỗng có lịnh quay về hậu cứ chờ lịnh mới. Tất cả quân nhân không được rời đơn vị với bất cứ lý do gì. Tôi mừng như điên, chạy về hậu cứ Trung đoàn tìm Liên thì cửa khoá. Có lẽ Liên và Cúc cùng đi công tác. Tôi mở cửa, vào nhà nằm nghỉ cũng để chờ Liên về. Thấy đồ đạc bỏ bừa bãi ở ghế bố, tôi đến nằm trên cái ghế xếp rồi ngủ quên lúc nào không hay, cho đến khi tôi nghe tiếng chìa khoá tra vào ổ, Liên đẩy cửa bước vào rồi khoá lại. Có lẽ từ ngoài nắng vừa bước vào trong mát và cũng có lẽ tại cái ghế vải đặt ở cạnh ghế bố, thấp nên Liên không thấy tôi. Nàng vói tay kéo bộ đồ mát. Vì tưởng nhà không có ai nên Liên không kéo tấm ri-đô lại. Biết Liên sắp thay đồ, tôi muốn lên tiếng cho nàng biết sự có mặt của tôi nhưng không biết một ý nghĩ quái ác nào đã giữ tôi lại. Liên khom người xuống, trút bỏ y phục ra. Tôi chỉ nhìn thấy được phía sau phần thân thể Liên nhưng cái mông tròn và chắc, đôi chân thon dài khoẻ mạnh với làn da mịn màng, trắng mát của nàng cũng đủ làm tôi muốn nghẹt thở. Liên đã thay đồ xong. Tôi biết không thể im lặng được nữa nên lên tiếng:
- Ái chà! Liên phạm tội công súc tu sĩ đó nhén
Liên giựt mình, hét lên một tiếng, nhào lại ngồi trên bụng tôi. Một tiếng rắc vang lên. Cái sườn ghế gãy lìa. Đít tôi chấm đất. Mình tôi cong như con tôm. Lên vẫn ngồi trên bụng, hai tay đấm lia lịa lên ngực tôi nhưng không đấm mạnh. Tôi nhìn Liên, thấy gương mặt nàng chỉ thoáng nét hốt hoảng nhưng ánh mắt nhìn tôi không một chút giận hờn mà gần như mừng rỡ vì gặp lại tôi.
Tôi giữ hai tay Liên lại:
- Liên, anh nhớ em đến chết được.
Liên mở to mắt nhìn vào mắt tôi một lúc như để đo lường mức độ tình cảm trong tôi rồi thình lình vòng tay ôm cứng lấy tôi, hôn tới tấp lên mặt, lên mũi như nhớ thương tôi đã lâu ngày. Tình dục trong tôi nổi lên như cơn bão dữ. Thân thể tôi căng cứng. Tôi bồng xốc Liên dậy, ẵm vào phòng và đặt Liên nằm xuống giường. Liên nằm yên chờ đợi. Tôi trang trọng mở từng hạt nút áo Liên, bỗng dưng tôi nhớ đến lời của mẹ Liên. Tôi thở mạnh, nằm nghiêng người xuống ôm Liên, nhắm mắt lại. Phải, nếu tôi yêu Liên, nếu chúng tôi yêu nhau, tôi sẽ mang nỗi bất hạnh đến cho Liên, không sao tránh khỏi. Và tôi đã hứa với mẹ Liên.
Tôi ôm chặt Liên hơn, vùi đầu vào ngực Liên, nói như rên rỉ:
- Liên, anh yêu em nhưng anh rất sợ mang nỗi bất hạnh đến cho em. Liên ơi! Chúng mình khổ quá, phải không em?
Liên bật khóc thành tiếng. Dường như tâm sự nầy đã dày vò Liên từ những ngày qua nên lúc tôi vừa đề cập đến là Liên khóc ngay. Tôi cúi xuống, hôn lên hai gò má Liên, hôn lên đôi mắt đẫm lệ, hôn lên trán, lên mái tóc đen mượt của Liên. Lưỡi tôi có vị mặn của nước mắt. Tôi thấy thương Liên quá. Tất cả cũng tại tôi, đều tại tôi. Đã hai lần, tôi xúc phạm đến Liên. Đã hai lần, tôi làm vẩn đục tình bạn giữa tôi và Liên. Tôi định ngồi dậy bỏ ra ngoài nhưng Liên đã kéo đầu tôi xuống. Môi Liên gắn chặt lấy môi tôi trong cái hôn cuồng nhiệt. Trong cơn mê thảng thốt đó, Liên đã cuống quít, hỏi tôi: Mình phải làm sao bây giờ, hả Luân? Giọng nói bi thương, tuyệt vọng. Mấy tiếng mình phải làm sao bây giờ? đã làm tim tôi đau nhói. Mình phải làm sao bây giờ để có nhau? Phải em muốn hỏi vậy không Liên? Tôi cũng như Liên, không biết phải làm sao. Tôi đã có gia đình, Liên cũng biết điều đó nhưng chúng tôi không ai chống lại nổi sự yếu đuối của tình cảm, không ai cưỡng lại nổi sự khao khát.
Tôi đứng dậy, im lặng nhìn Liên một lúc rồi lặng lẽ bước ra ngoài. Tới ngưỡng cửa, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy Liên đang nằm sấp, úp mặt xuống gối, đôi vai run run. Lòng tôi tan nát.
Tối đó, tôi không dám về căn nhà Liên trong hậu cứ. Tôi lang thang ở các quán rượu đến lúc say mèm mới chui vào khách sạn Thanh Bình ngủ như chết cho đến sáng.
Đã qua ba ngày dưỡng quân nhưng tôi vẫn không về được với gia đình vì cứ phải ở lại đơn vị chờ lịnh. Không về với gia đình, tôi cũng cố gắng tránh Liên dù lòng tôi nhớ thương Liên như thiêu đốt. Tôi lang thang khắp nơi. Đôi khi đi uống rượu với lính đến lúc say mèm. Đêm đêm về nhà Chuẩn, tôi cũng không sao ngủ được vì hình ảnh và câu hỏi đầy bi thương, tuyệt vọng của Liên: Mình phải làm sao bây giờ hả Luân? Anh biết làm sao bây giờ dù anh rất muốn có em trong đời sống. Anh sống không hợp cũng không có tình yêu với người đàn bà đang chung sống nhưng anh còn trách nhiệm với các con anh. Em là bóng mát cuối đường, là thiên đàng tình ái mà anh mơ ước nhưng không sao đến được. Những ý nghĩ đó cứ quanh đi quẩn lại trong đầu...
Một ngày vì lòng nhớ thương Liên thúc đẩy, tôi lang thang đến bộ chỉ huy Trung đoàn thì gặp Cúc. Thấy tôi, Cúc đi xăm xăm tới và hỏi tôi với giọng giận dữ:
- Anh làm gì chị Liên em vậy?
Tôi thở dài, không biết trả lời Cúc thế nào nên chỉ hỏi:
- Mấy ngày nay Liên ra sao, Cúc?
- Ra sao? Đến gặp chị ấy xem. Mặt mày hốc hác. Đôi mắt thâm quầng. Anh đạt được mục đích của anh rồi phải không?
Tôi biết Cúc rất thương Liên. Hai người tính khí hoàn toàn khác nhau nhưng thương nhau như hai chị em. Dù giận, tôi vẫn nói với Cúc thật dịu dàng:
- Cúc, em đừng hỗn với anh. Hãy nhìn gương mặt anh xem.
Mặt Cúc hoà hoãn lại. Nàng nói:
- Hãy đến gặp chị Liên đi. Chị ấy muốn gặp anh.
Cúc bỏ đi. Tôi thấy Liên từ văn phòng ban 5 bước ra. Thấy tôi, Liên đi thẳng lại.
- Sao mấy ngày nay, anh tránh em?
Tôi nhìn Liên, lòng đau như cắt. Đúng như lời Cúc nói. Liên gầy ốm, hốc hác. Đôi mắt thâm quầng.
Tôi trả lời:
- Em đã hiểu rồi mà.
Giọng Liên thật buồn:
- Thôi thì ráng coi nhau như bạn. Trông anh mất sức lắm. Mấy ngày nay, anh uống rượu say mèm, phải không?
Tôi không trả lời. Ngập ngừng một lúc, Liên nói tiếp:
- Đơn vị anh sắp phải hành quân xa.
- Đi đâu? Bên Cao miên phải không?
Liên gật đầu:
- Em có chuyện phải đi. Chiều về ăn cơm với em và Cúc. Cúc, nó nhớ anh.
Tôi gật đầu nhưng lại thất hứa. Đã yêu nhau, đang yêu nhau tha thiết mà ráng coi nhau như bạn, tôi biết không phải là chuyện dễ làm. Chỉ cần một phút yếu lòng là chúng tôi sẽ đưa tay đầu hàng số mệnh. Sống trong quân đội, tôi đã nhiễm cái tính xấu là yêu cuồng, sống vội. Quen biết được người con gái nào, có cơ hội là tôi nghĩ ngay đến chuyện chiếm đoạt thân xác cô gái ấy nhưng với Liên tôi lại không dám. Điều đó giúp tôi nhận ra tình yêu của tôi dành cho Liên rất tha thiết và chân thành. Tôi không có quyền làm Liên khổ. Chỉ mới nghĩ đến Liên sẽ khổ vì tôi cũng đủ làm lòng tôi xót xa, đau đớn. Ngoài hành quân, tôi bận rộn suốt ngày, phải đương đầu với hiểm nguy từng giờ, từng phút và tôi chỉ thương nhớ Liên mỗi lúc đêm về. Còn trong những ngày dưỡng quân, không việc gì để làm, hình ảnh Liên bám sát lấy tôi như hình với bóng, đã khiến tôi khổ sở không sao nói nổi. Câu ca dao nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa, như ngồi đống than. đã diễn tả đúng tâm trạng tôi. Tôi như kẻ đang đứng trên đống lửa, đang ngồi trên đống than vì thương nhớ Liên.
Tôi gặp lại Liên trong dịp lễ tiễn đoàn quân đi chinh chiến xa vào một buổi chiều. Ban 5 Chiến Tranh Chính Trị Trung đoàn kết hợp với phòng 5 Sư đoàn tổ chức buổi lễ tiễn đưa khá long trọng. Liên trang điểm giản dị. Đôi gò má phơn phớt chút phấn hồng, đôi môi một chút son đỏ thắm. Đôi mắt vương buồn càng làm sắc đẹp Liên thêm não nùng.
Thấy tôi, Liên đến với tôi ngay và nói với giọng phiền trách:
- Anh định tránh em luôn à?
Tôi tự hỏi: Tại sao Liên không hiểu tôi? Tôi nói:
- Liên, nếu em biết anh đã khổ sở, đau đớn nhớ thương em như thế nào, chắc em không nỡ trách anh đâu.
Mắt Liên rơm rớm lệ nhưng rồi nàng tự chủ được ngay. Liên lấy khăn tay chậm hai giọt lệ ở khoé mắt và nói:
- Em phải tới mỗi bàn chừng năm phút. Sau đó, em sẽ nhờ Cúc và các chị bên Sư đoàn lo tiếp các bàn khác. Em sẽ đến với anh ngay.
Rồi Liên chỉ cái bàn trong cùng vừa nói với tôi:
- Anh đến ngồi ở bàn đó đi, chỉ có anh Trạc, mình sẽ nói chuyện dễ hơn.
Từ xa, trông thấy tôi, Cúc chạy nhanh đến:
- Anh Luân còn giận em hết? Xin lỗi anh về những lời hôm trước.
Liên bỏ đi vừa nói vói lại:
- Xí! Ai thèm giận mầy cho mệt.
Tôi nói:
- Không sao đâu Cúc. Anh hiểu em.
- Thấy chị Liên khổ quá, em mới giận anh. Bây giờ chị Liên đã nói rõ về anh, em mới hiểu. Tối nay, em sẽ đi các bàn thay chị Liên để chị có thời giờ ngồi với anh.
- Cám ơn Cúc.
Cúc bỏ đi, tôi đến bàn trong cùng ngồi với Trạc. Thấy tôi, Trạc hỏi:
- Sao lúc nầy, thấy ông buồn vậy Luân? Lậm bùa nặng rồi phải không?
- Bùa gì?
Trạc cười khà khà:
- Cả Trung đoàn ai không biết Liên và mầy yêu nhau. Mẹ, như tao mà khoẻ. Dưỡng quân, chui vào mấy nhà thổ nghỉ là sướng nhất. Tiền nhà binh, tình nhà thổ. Xong rồi thì thôi. Lúc chết cũớng nhất.
Tôi không trả lời. Trạc pha một ly rượu rồi đẩy về phía tôi.
- Mượn rượu giải thành sầu đi mầy.
Độ nửa giờ sau, Liên tới. Trạc hỏi:
- Sao? Bây giờ ông bà muốn tôi ngồi đây hay đi?
Liên không trả lời. Tôi tặc lưỡi:
- Thì cứ ngồi đây đi.
Có lần Chuẩn chỉ hỏi đùa Liên, bắt tôi đi một đêm, Liên đã cự ngay. Lần nầy Liên im lặng như mặc nhiên công nhận tình yêu của tôi và nàng.
Thấy tôi buồn, Liên cố gắng làm cho tôi vui. Nàng nói nhỏ cho tôi vừa đủ nghe:
- Cách đây khoảng nửa tháng, má có ghé hậu cứ thăm em. Má cũng có hỏi thăm anh và khen anh có tư cách. Phải chi má biết chuyện anh từng luồn tay vào quần bóp đít con gái bả giữa ban ngày, chắc bả té ngửa.
Nói xong Liên cười khúc khích vừa đưa tay đấm mạnh vào vai tôi, nói tiếp:
- Đã vậy còn làm nũng không chịu vô, phải có cái khăn mới vô.
Tôi bật cười choàng tay qua ôm vai Liên vừa thầm nghĩ: Ôi! Người đàn bà nầy, tấm thân đẹp đẽ nầy tôi thương biết mấy nhưng tôi biết không bao giờ tôi có được. Tôi nhìn qua Liên thấy mắt Liên loé lên ánh tinh nghịch và vui thích. Yêu nhau rồi, Liên coi chuyện tôi đã xúc phạm nàng như hành động đáng tức cười hơn đáng giận. Tôi đưa tay nắm lấy tay Liên, bóp nhẹ. Liên để yên bàn tay mềm mại, ấm áp trong tay tôi. Cả hai chúng tôi im lặng để tận hưởng những giây phút ngàn vàng đó...
Trạc cầm ly đứng lên:
- Chán hai ông bà quá! Mới đây mặt mày người nào người nấy như đi đưa ma. Bây giờ cười nói như con nít. Tôi đi bàn khác ngồi để ông bà tự do.
Trạc đi rồi, Liên nói với tôi:
- Đúng ra em không được ngồi đây tiếp riêng một mình anh nhưng em mặc kệ. Có bị khiển trách thì vì anh mà bị, em cũng vui.
Tôi cảm động bóp tay Liên mạnh hơn. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau suốt mấy tiếng đồng hồ để lắng nghe, đôi tim của chúng tôi hoà chung một nhịp.
Tôi hành quân bên Cao miên hơn một tháng thì được tin Liên. Một anh bạn thân ở Ban I, gọi máy báo cho tôi biết, trong một chuyến công tác xa, xe Liên bị mìn của Việt cộng trên khoảng đường Vĩnh Long, Vĩnh Bình. Liên chỉ bị thương nhẹ. Tôi yên tâm. Lính tráng bị thương như dân nhà giàu bị ghẻ. Rồi sẽ mạnh, lo gì.
Thêm một tuần lễ, sau ngày được tin Liên bị thương, trong bữa ăn chiều, Mỹ, anh lính mang đồ cho tôi, hỏi:
- Ông thầy hay tin Thiếu uý Liên bị thương chưa?
- Hay rồi.
- Tội nghiệp! Một chân của Thiếu uý Liên...
Tôi bỏ đũa, đứng bật dậy, hai chân lão đảo. Tôi hỏi lớn:
- Chân của Thiếu uý Liên làm sao?
Tôi nghe tiếng nói tôi, âm vang nghẹn ngào như tiếng khóc.
- Nghe một chân bị cưa bỏ.
Tôi ôm đầu, kêu lớn như con thú bị thương:
- Trời ơi! Liên của tôi!
Tôi bỏ dở bữa cơm, lên võng nằm nghỉ. Miếng cơm vừa nuốt như ngừng lại giữa thực quản. Ngực tôi nằng nặng, khó thở. Nước mắt tôi ứa ra, đong đầy hai trũng mắt. Mỹ quăng cho tôi cái khăn lông. Tôi lấy khăn phủ lên mặt, khóc âm thầm cho số phận hẩm hiu của Liên.
Khoảng thời gian đó, tôi sống như kẻ mộng du, lòng dạ lúc nào cũng lo lắng, hồi hộp, và sợ hãi. Tôi lo lắng đủ thứ, sợ hãi vu vơ, sợ Liên nghĩ quẩn rồi tự tử. Điều đó vô cùng nguy hiểm cho một lính chiến như tôi nhưng tôi không sao tự chủ được. Nhiều đêm tôi bị ác mộng và tỉnh giấc, thức luôn cho đến sáng. Tôi chỉ mong trở về để gặp lại Liên, gặp lại người bạn gái mà tình bạn đã hơn một lần bị tôi làm vẩn đục.
Cuộc hành quân vừa tròn hai tháng thì được lịnh rút về. Khoảng đường từ tỉnh lỵ Tà Keo về hậu cứ xa diệu vợi. Tôi nhắm mặt lại cố ngủ cho quên đường dài. nhưng hình ảnh Liên cứ lãng đãng hiện về, lúc thì Liên cùng tôi đang đùa giỡn dưới dòng sông mát mẻ trước nhà, lúc cùng Liên đang bẻ trái cây và chia nhau những trái ngon. Có lúc hình ảnh Liên đang thay đồ... Những hình ảnh cũ cứ thay phiên nhau nhảy múa trong đầu làm tôi khổ sở.
Đoàn xe vừa về tới Vĩnh Long, tôi không về hậu cứ tắm rửa, thay đồ như mọi lần trước khi gặp Liên. Tôi lái xe thẳng về cần Thơ, lủi xe vào chợ mua một chai Taboo, một hộp phấn hồng MaxFactor mà Liên thường dùng. Thái độ vội vã của tôi, với bộ quân phục lấm bụi đường, với mái tóc và hàm râu để dài hơn hai tháng, tạo cho cô bán hàng một nụ cười thương cảm nhưng tôi không chú ý đến điều đó. Tôi lái xe vào bịnh viện dã chiến thăm Liên. Tôi đã dự định bao nhiêu lời để nói với Liên. Tôi sẽ vuốt tóc nàng, sẽ nói với nàng những lời an ủi dịu dàng nhứt như nói với cô em gái nhỏ. Tôi sẽ khóc với Liên để cùng chia sẻ nỗi bất hạnh với nàng.
Theo hướng tay chỉ của cô y tá trực, tôi thấy một người đàn bà gầy yếu, quay lưng lại phía tôi. Mái tóc đen dài phủ xuống bờ vai tròn nhỏ quen thuộc, đã giúp tôi nhận ra Liên. Liên đang mặc bộ đồ màu xanh nhạt của bịnh viện. Cái quần dài, một ống quần bao phủ cái chân đang đứng dưới nên gạch bông. Ống quần bên trái buông thõng lất phất nhè nhẹ theo cử động của thân thể. Tay phải Liên vịn thanh giường sắt. Tay trái đưa ra cầm cây nạng, tìm cách bước xuống.
Tôi lặng người nhìn Liên. Hai mắt tôi cay sè. Một màn nước mỏng bao phủ đôi mắt tôi làm hình ảnh Liên nhạt nhoà. Mồ hôi tôi ra ướt mình. Tôi cảm thấy chóng mặt và cảnh vật trong bịnh viện như đang đảo lộn quay cuồng. Một tay tôi nắm chặt cạnh bàn viết, nói như rên rỉ: Ôi! Liên của tôi đó sao? Nỗi bất bình với định mệnh khắc nghiệt đã an bài cho Liên dâng đầy lòng tôi. Định mệnh nào đã trút lên đời Liên bao nỗi bất công tàn ác? Tôi thù ghét cuộc chiến dơ bẩn và tàn ác do người Cộng sản gây ra. Tôi bỏ lại gói quà trên bàn viết của cô ý tá trực, bước nhanh ra khỏi cửa bịnh viện mặc cô ý tá đang gọi giựt ngược phía sau lưng.
Ra đến xe, sức chịu đựng của tôi đã hết. Tôi gục đầu trên tay lái, khóc như một đứa trẻ thơ.
Sau hai tuần, ngày tôi vào bịnh viện thăm Liên, tôi nhận được lịnh biệt phái trở về dạy học. Tôi đã xa Liên từ đó.
Câu chuyện đã xảy ra hơn hai mươi năm. Tôi và Liên đã xa nhau hơn hai mươi năm. Xa nhau không một tiếng giã từ. Mỗi lần nhớ đến Liên hay một hình ảnh gợi nhớ đến Liên đều làm lòng tôi ray rứt. Có lúc tôi cho rằng, việc lặng lẽ xa Liên là một hành động đúng. Gặp làm gì trong cảnh huống đau lòng đó để rồi cũng phải xa nhau. Tôi nghĩ, có lẽ Liên chỉ muốn tôi giữ hình ảnh đẹp đẽ của nàng mãi mãi trong tâm khảm hơn là hình ảnh tật nguyền. Có lúc tôi lại cho rằng, việc lặng lẽ xa Liên là một hành động tệ bạc nhất, tàn nhẫn nhất. Tại sao không gặp lại để cùng Liên chia sẻ nỗi đau tận cùng đó?
Nhưng dù việc đó đúng hay sai thì hình ảnh Liên vẫn là niềm đau, nỗi nhớ không thể rời xa tôi trong kiếp sống nầy.