Cô gái khẽ đằng hắng một cái rồi bắt đầu nhỏ nhẻ đọc. Từ lá thư thứ nhất tới lá thư thứ hai, thứ ba, cô đọc đều đều không vấp một chữ. Trong lá thư nào, anh chiến sĩ cũng hỏi thăm sức khỏe của ông lão và cô gái, hỏi thăm vườn chim và xóm bìa rừng. Anh ta hỏi han thiệt là nhiều thứ. Nào là ở vườn dạo này có nhiều chim như trước không, mùa khô vừa rồi có bắt được rùa nhiều không. Anh ta còn hỏi những ống trúm cũ ở nhà đã thay chưa, rồi bảo rằng ở đơn vị rất thèm lươn. Thư anh cũng có kể chuyện đánh chác, nói là đã đánh nhau với lính Mỹ. Anh ta kể lại một trận mới đây, đơn vị anh rình liền ba ngày, hứng tụi Mỹ trên trực thăng đổ xuống như thể hứng sung, hốt sạch không chừa một thằng Mỹ nào kể cả những thằng mới thoạt trông thấy quân ta giương lê ra là nó đã bụm mặt ù té chạy. Ông lão ngồi nghe đọc thư, cứ gật gù, vê vê chòm râu. Dường như là ông mới nghe đọc những thư ấy lần đầu vậy. Nghe thằng cháu kể chuyện đánh Mỹ, ông lão cứ là mê đi, ông rướn cả người tới, vỗ đùi kêu: "Thiệt là đồ chết nhát mà chỉ giỏi làm phách trên máy bay chớ đối mặt với bộ đội mình thì là đồ khốn!". Ông la vậy rồi bưng chén cơm và ăn coi ngon lành. Ông trệu trạo nhai cơm nói: - Cái thằng Thắng coi bộ thèm lươn thèm rùa dữ rồi, tao biết mà. - Thơ nào ảnh cũng nói có dịp thì sẽ ghé, mà chớ có thấy ảnh ghé. Gần giáp năm rồi! - Cô gái nói, có ý trách móc. Ông lão dừng đũa bảo: - Nói vậy chứ đâu phải dễ ghé con! Tụi nó đâu có rảnh tay, hết trận này là mần ăn tới trận khác. Lóng rày Mỹ nó qua nhiều, bộ đội phải đánh nó liền giết nó mới kịp chớ! Cô gái lặng lẽ xếp thư cất vào ví. Ông lão ăn xong bữa cơm, vừa xỉa răng vừa nói: - Con viết thơ cho nó đi nghe. Nói cho nó biết là xóm mình rừng mình mới bị Mỹ liệng bom, bao nhiêu người chết, chim cò rùa rắn hoảng chạy ra sao, viết cho nó hay đi nghe con!
Ông lão dặn thế đoạn bò vào góc chòi, kéo tấm đệm trải ra. Cô gái đi mắc mùng cho ông lão. Một chốc sau ông lão đã cất tiếng ngáy. Cô gái vẫn còn ngồi bên đèn vá một cái áo. Lúc cô vá xong thì đã nghe tiếng gọi í ới ngoài kinh. Chị em du kích đã gọi cô đi gác. Cô gái đứng dậy khoác súng, thổi tắt đèn và ra khỏi chòi. Gian chòi chỉ còn lại có ông lão nằm ngủ. Tiếng ngáy của ông nghe rất khỏe. Tới khoảng nửa đêm, chợt có tiếng súng nổ rền ngoài phía sông Trẹm. Ông lão giật mình tỉnh dậy. Ban đầu ông còn nằm, về sau súng nổ dữ quá, tiếng "đêka" nổ nghe "phùm phùm phùm" rồi tiếng đại liên, trung liên cứ rành roạch, rành roạch. Ông lão tức khắc ngồi bật dậy: "Chết cha rồi, đánh rồi!". Ông lão thầm la lên. Và cứ như một đứa trẻ, ông lão cứ loai choai trên sàn chòi. Sau cùng, nôn quá, ông chui ra khỏi chòi. Đứng ở sân, ông ngó hướng súng nổ. Nhưng rừng tràm che khuất, đâu để ông ngó thấy được cái gì. Thế là ông lọ mọ chạy ra bờ kinh. ở đây, ông lão thấy được những ánh chớp xanh lè lóe lên như thể trời nhoáng chuyển mưa. ánh chớp đỏ lóe lên một đỗi sau thì tiếng "phùm phùm" mới vọng tới tai ông. "Rõ ràng là đêka rồi, chắc đánh ở Biển Bạch!". Ông lão thầm nghĩ. Khoái quá, ông chạy tới bờ kinh, bật cười kha kha. Có tiếng xuồng ai dưới kinh đang rẽ nước đi tới. Ông lão quát hỏi. Té ra là xuồng mấy đứa nữ du kích đi tuần về. Tiếng cô cháu dâu hỏi: - Nội đó hả? - ờ, tao đây. - Đánh ở Biển Bạch rồi nội ơi! - Đánh đồn Biển Bạch hả? Trời đất, tao cũng cầm chắc là đánh Biển Bạch mà! Vừa lúc mũi xuồng rướn vào bờ, cô gái xách súng nhảy lên lào phào: - Đúng rồi, đã có thông báo của xã. - Thông báo gì? - Thông báo chánh thức đêm nay bộ đội mình tấn công đồn Biển Bạch, xã huy động tất cả lực lượng lát nữa ra bám dài tới bờ sông để sẵn sàng giữ rừng nếu sáng ngày máy bay nó phá rừng nữa. - Vậy hả? Được rồi, được rồi. Mấy đứa nào dưới xuồng đó bây, về lo chuẩn bị đi! - Tụi con chuẩn bị hết rồi nội ơi, tính lại rước nội đi luôn thể đây. Bà con trong đội mình hay hết rồi!
Mấy cô gái nói rồi cũng xô nhau nhảy lên hết. Các cô thì thào với ông lão: - Nội à, nghe đâu mai bộ đội sẽ rút qua đây! Nghe thấy, ông lão nói như nạt: - Rút qua đây? ối, không có đâu. Mấy đứa bây làm sao mà biết. Bộ đội người ta có một trăm con đường rút. Chuyện đó làm sao tụi bây biết được! Tuy nạt thế, nhưng vừa đi trở lên chòi, ông lão nghĩ bụng chừng như mấy đứa nữ du kích nói có lý. Chớ nếu không, sao lại huy động cả xã đến cứu rừng một cách gấp rút như vậy? Trời vừa rạng sáng, máy bay giặc đã kéo tới vần vũ cánh rừng. Những chiếc phản lực bay rú qua rừng tràm còn ướt sương. Bom dầu bắt đầu nổ "phùm phùm" dọc theo con kinh rừng dài trên mười cây số; một trái bom rơi xuống cách đội cứu rừng của ông Tư Vườn Chim độ hai công đất. Lập tức ông lão vung cuốc ra lệnh mọi người xông tới. Ông lão mở đường để đào mương ngắn cắt ở phía dưới gió. Lúc bấy giờ không biết cái áo trong người ông lão đã liệng đâu mất. Như một viên tướng, ông lão nhảy bổ xông xáo từ chỗ này đến chỗ khác. Trái bom dầu cháy bùng. Hơi bom thổi cái khăn xước trên đầu ông lão bay riệt ra phía sau. Với chiếc cuốc vung lên tới tấp, ông lão cắt mương. Mọi người nối đuôi sau lưng ông, tận lực chém tràm, dọn đất, đào bới. Ngọn lửa khét lẹt từ phía trên gió táp dần xuống phía họ. Mùi xăng nồng nặc tỏa khắp rừng tràm, báo hiệu rằng nó còn tiếp tục cháy rộng ra nữa. Trên đầu mọi người, những chiếc phản lực vẫn vút ngang, hú lên ghê rợn. Súng trường bá đỏ của du kích nổ ầm ầm. Tốp bắn máy bay đều là nữ du kích, trong đó có cô cháu dâu ông lão. Các cô núp dưới những gốc tràm, nghếch nòng súng lên mà bắn đón những con dơi sắt khổng lồ.
Cái mương ngăn cắt ngọn lửa bom trong phút chốc đã thành hình. Cuốc vá xắn đứt những dây choại, dây dớn, những gốc mốp trắng nhểu nước ròng ròng. Đất đào lên được họ xúc đổ dập vào ngọn lửa đang cháy. Được cái đất U Minh này vốn là cội cây mục và lá tràm nên đào cũng không khó. Ông Tư Vườn Chim đưa lưỡi cuốc tới đâu là đất ở đó sụp lở ào ào. Quả là ông cuốc đất dày kinh nghiệm hơn người. Ông cuốc nhanh nhưng không vung cao, do đó ông ít bị mất sức. ở ven mảng rừng tràm bị phá trống, đội cứu rừng do ông lão chỉ huy dăng ngang đưa mười mấy bộ ngực ra như chống chỏi vầng lửa đang ùa tới. Cái thứ lửa bom này thiệt là hung hiểm làm sao. Nó cháy cuốn tất cả mọi cây tràm tươi, và nếu dại dột đem nước dưới kinh đổ hắt vào thì nó càng cháy lớn hơn. Chỉ có một cách không cho nó cháy lan, là đào mương ngăn cắt.
Cái mương hình vòng cung vây bọc lấy vùng lửa cứ mỗi lúc được đào sâu thêm... Cuối cùng, lúc ngọn lửa phả tới nóng rát, ông Tư thét lớn ra lệnh cho mọi người nhảy lên. Người ta kéo lôi mấy thím nông dân chậm chạp và mấy đứa nhỏ phụ khuân đất ở dưới. Lửa tràn tới, réo nghe hù hù. Bất ngờ, lửa bị chặn đứng, bởi cái mương vừa đào xong đó. Ông Tư Vườn Chim đưa mắt nhìn ngọn lửa tiu nghỉu la liếm bờ bên kia, thầm nói: "Tao chỉ cho mày cháy một lõm đó thôi, không để mày cháy lần ra đâu!". Và ông khoái trá nhận ra trái bom vừa rồi không phá hoại được bao nhiêu. Xung quanh ông, rừng tràm vẫn vươn những thân trắng lốp, lá tràm vẫn xanh ngắt che rợp trên đầu. Bọn máy bay phản lực bây giờ không dám rà sát nữa. Từ bên dưới, các cô du kích cứ xoay theo gốc tràm mà nổ súng. Tuy thế, chúng vẫn liệng bom dầu bừa bãi. Mấy trái rơi ngay giữa kinh. Dòng kinh nước U Minh ngầu đỏ như máu ấy sôi lên sùng sục. Đến lúc trời hửng nắng, bọn máy bay giặc lại mở một đợt tấn công dồn dập. Ba trái bom dầu rơi liền nhau, bốc cháy ở quãng rừng do đội ông Tư coi giữ. Ông lão la lên: - Theo tôi!
Thế rồi, ông hươi cuốc cho mở ngay một đường theo thế hình rắn lượn, vòng vèo vây chặt lấy chỗ bom cháy. Đám người bám theo ông lão như một đoàn múa rồng rắn. Họ lại đốn gốc tràm, chém rễ cây, đào, cuốc. Đường mương ngăn cắt có dài hơn, nên họ phải rải người ra và cuộc chiến đấu của họ lần này so với lần trước gay go gấp bội. Tưởng chừng lần này ngọn lửa sẽ xô giạt họ và cháy lan rộng ra. Đám người lúc ẩn lúc hiện sau vùng lửa khói. Mùi xăng nồng nặc làm cho họ muốn nghẹt thở. Hơi nóng của bom hực lên. Nhưng rồi cái mương lượn vòng quanh lửa ấy cuối cùng sâu xuống được một lớp đất, một lớp nữa, rồi thêm một lớp nữa. Khi vùng lửa đã bị cái mương kỳ diệu ấy hoàn toàn ngăn lại, mọi người khiêng lên khỏi mương một thím nông dân và một thằng bé. Cả hai bị nhựa xăng phết lên người. Ông lão cho khiêng cả hai về xóm. Từ đấy đến xế chiều, đội cứu rừng của ông lão còn đối phó tới gần một chục trái bom xăng do hai đợt máy bay giặc liệng xuống. Không có ai bị thương vì bom, nhưng có thêm mấy người nữa lả đi. Lúc mặt trời xế bóng, ông lão cùng mọi người dập tắt một đám cháy cuối cùng. Khi mương đã móc xong, ông lão ngã vật ra. Mọi người xúm lại khiêng ông lão lên. Ông lão bất tỉnh, vì quá mệt và vì trên lưng ông bị phỏng nhiều mảng. Cô cháu dâu và một cô du kích nữa võng ông lão đi qua quãng rừng tràm bị cháy để về vườn chim. Dọc đường, ông lão tỉnh dậy ngơ ngác hỏi khiêng ông đi đâu. Cô gái bảo là khiêng ông về chòi thì ông vùng choàng dậy nhảy xuống, chạy về phía tuyến rừng của ông khi nãy. Nhưng được có mấy bước, ông lão ngã khuỵu xuống. Hai cô gái lại đặt ông lên võng, khiêng đi. Về tới chòi, cô cháu dâu chạy vội ra bờ kinh ngắt vội mấy lá môn nước, đỡ ông lão dậy, lót lưng cho ông nằm. Từ đó trở đi, mỗi lần tỉnh dậy, ông lão lại hỏi: "Tụi nó còn liệng bom nữa không?"
Cô gái ứa nước mắt lắc đầu. Mà thiệt, sau cái đám cháy ông lão cứu chữa rồi ngã xuống đó, máy bay giặc không đến nữa. Ngoài chòi, rừng tràm đã tắt nắng. Hoàng hôn U Minh lại đến, cùng với tiếng sóng biển miệt Hòn Đá Bạc vỗ về không ngớt. Vườn chim không xao xác như chiều hôm trước nữa. Có lẽ cò và diệc đã lánh bớt về những cánh rừng còn yên tĩnh.Cái chòi đắm mình trong buổi chiều đổ xuống, trong tiếng rì rào của rừng tràm xao gió và trong tiếng sóng biển đồng vọng. Sau một ngày chiến đầu tận lực, bây giờ ông lão nằm im giữa chòi, lúc tỉnh lại, lúc thiếp đi. Những vết phỏng ở lưng ông lão không nặng, nhưng ông lão mệt đuối, vì đã ba hôm ròng ông dốc tất cả sức lực của tuổi già để giành giật lại từng khoảng rừng tràm. Đêm xuống dịu dàng như mọi đêm U Minh tháng hạ. Trong bóng đêm nhập nhoạng gian chòi, ông lão lại thiếp đi. Lần này ông lão mơ thấy những cảnh chưa bao giờ ông hằng mơ thấy. Cả rừng tràm bừng lên một sức sống mãnh liệt. Lá tràm chưa có lúc nào xanh tươi đến thế, hương tràm chưa có lúc nào ngát thơm đến thế. Bông tràm rụng trắng cả mặt kinh. Cái vườn chim của ông thì mới lạ lùng hết chỗ nói, tổ chim cứ đong đưa ken sát nhau đến nỗi khó mà nhìn thấy kẻ trời. Ngoài cò và diệc còn có nhiều loại chim lạ lũ lượt bay về hàng đàn, con nào con nấy lông cánh cũng sặc sỡ muôn màu. Ông lão cảm thấy người mình cứ lâng lâng, thấy như mình không còn ở cõi địa giới nữa mà là đang phiêu diêu tới một miền thần tiên cực lạc. Trong mơ, ông còn tới dự đám cưới của cháu. Chỗ đám cưới coi y như chỗ động tiên. Bộ đội giải phóng mặc quân phục mới tinh đang múa hát và uống rượu múc ở kinh lên, vì khi ấy nước dưới kinh đều biến thành rượu cả. Mấy đứa nữ du kích xã chuyên chuốc rượu, chẳng thiếu một đứa nào. Chúng nó ăn vận đẹp quá. Có điều rất lạ trong đám cưới đó sao chỉ có mình ông lão là ở trần, bịt khăn xước, và tay nắm chặt cây cuốc. Ông nhìn người mình, cũng lấy làm kinh ngạc cho mình. Thế rồi bỗng ông nghe tiếng gì y hệt tiếng bom, ông liền vung mạnh cuốc quát bảo tất cả mọi người đi theo ông cứu rừng. Trong tư thế chạy lao lên ông lão đạp mạnh một cái và bừng tỉnh. Trước mắt ông lão bây giờ lại là một cảnh mơ nữa. Ngồi sát bên ông là thằng Thắng cháu ông đang nắm tay ông lay gọi: - Nội ơi, con về đây nè, nội ơi!
Ông lão nhướng mắt nhìn. Đúng thằng Thắng thiệt rồi! Nó mặc quần áo bộ đội, nhưng không phải quần áo mới như hồi nãy, mà là quần áo may bằng vải thô ướt đầm mồ hôi. Hồi nãy ông không thấy nó đeo súng, nhưng bây giờ nó đeo súng, thứ súng gì lạ hoắc ông chưa hề gặp. Trông nó cao lớn hẳn lên. Ông lão cứ ngỡ là mình còn trong chiêm bao. Nhưng không, chỗ ông nằm là chòi chim rõ ràng. Đúng là cái vách lá xé ấy, ngọn đèn bánh ú ấy. Bên cạnh thằng Thắng là vợ chưa cưới của nó. Ông lão trân trối nhìn cháu mình, nghi hoặc. Cô gái run run ôm bàn tay ông lão: - Anh Thắng, ảnh mới về ngang nội à! Tỉnh lại đi! Nội ơi! Ông lão chợt thấy lưng mình rát bỏng, đau đớn. Nhờ đó ông mới vỡ lẽ đâu như mình không còn nằm mơ nữa. Trong lúc cô gái lập cập cắt nghĩa cho ông biết là bộ đội từ ngoài sông Trẹm vừa đổ qua rừng, bộ đội đã tiêu diệt đồn Biển Bạch rồi, ông lão ngơ ngác mất một lúc nữa rồi cầm tay đứa cháu: - Vậy mà... tao cứ tưởng... Tao tỉnh rồi, tỉnh rồi. Thắng ơi, tụi đồn Biển Bạch tan hết rồi hả? - Tan hết, tụi con còn nhận chìm luôn mấy tàu tiếp vận nữa nội à. Hồi xế, tụi con ở ngoài sông mới bắt đầu băng rừng. Ông lão nhổm đầu dậy hỏi: - Sao, rừng còn đi được chớ, chắc chưa cháy hết chớ? Anh em bây giờ có yên không? - Máy bay rà dữ lắm, nó theo tụi con trọn ngày nay đó nội à. Nhưng tụi con qua rừng bình yên. Máy bay nó đâu có phát hiện nổi. Nhờ rừng mình chưa cháy hết, nhờ rừng còn xanh nhiều. Xã mình giữ rừng hay quá. Nội ơi, nội ở lại rán mạnh, con phải đi ngay bây giờ. Đơn vị con đã lên hết rồi. Mắt cô gái bắt đầu đỏ hoe, rưng rưng. Ông lão lặng lẽ nhìn cháu. Lát sau ông gật đầu nói: - ừ, thôi con đi đi, đi cho kịp anh em...
Anh chiến sĩ đứng dậy, xốc lại súng nơi vai. Anh ta nhìn ông lão, nhìn cô gái, và nói với ông lão: - Con đi nội nghe! Thình lình anh đưa tay cho cô gái, nhoẻn miệng cười. Hai người bắt tay nhau, người cười người mếu. Anh ta trêu: ... "Du kích gì mà khóc?" Khiến cô gái đang mếu bật cười phì ra. Anh chiến sĩ ngó bao quát gian chòi lần nữa, rồi quay lưng bước ra khỏi chòi. Cô gái bật choàng dậy, chạy theo anh. Chỉ còn lại ông lão, một mình nằm giữa chòi chim. Bây giờ ông lão mở mắt, tỉnh táo hẳn ra. Ông đang lắng nghe tiếng chân bộ đội hãy còn thình thịch đi ngang và tiếng dầm chèo khua chạm vào mạn xuồng ở dưới kinh. Lâu sau, mọi tiếng động đó im đi, xa đi. Đêm U Minh lại trở về với tiếng sóng biển nghe rùng rùng như những hồi trống, với tiếng gió xào xạc những ngọn tràm cao. Ông lão Vườn Chim lại thiếp đi. Không biết ông có mơ giấc mơ nào nữa hay không. Nhưng vẻ mặt ông lão bây giờ trông thanh thản, trông như đang cười. Cô gái đã trở lại chòi. Quỳ thụp hai gối xuống sàn chòi, cô cầm một chiếc khăn, mím môi và thấm nhẹ những giọt nước vàng chảy rỉ ra ở lưng và vai ông lão. 1965