Bình nói với tôi: - Chú đã biết chuyện một cán bộ khoa học của ta trốn chạy khỏi Tổ quốc của mình chưa? Chưa hả? Cái thằng ấy là bạn cháu, bạn chí thiết của cháu, nó tên là Dũng. Sau khi tốt nghiệp đại học nó về làm việc ở Viện nghiên cứu silicát, rồi đi nghiên cứu ở Đức, được các thầy khuyến khích làm luận án thi tiến sĩ. Dũng nước cuối năm 76, vào thành phố này làm ở phòng kỹ thuật của Sở công nghiệp. Ba mươi lăm tuổi vẫn sống độc thân, ở nhà tập thể. Người hắn nhìn ngoài thì nhỏ thấp, hiền lành, nhưng cực kỳ thông minh và quyết đoán. Khi ta cải tạo một nhà máy bột giặt, Sở liền đưa Dũng về phụ trách công tác kỹ thuật. Cách làm việc của Dũng cũng hay lắm, trách nhiệm phải rành rọt, của tôi, của anh, của nó cho phân minh, không có cái gọi là tập thể mù mờ hỗn độn, đến lúc hỏng trật không còn truy tìm được trách nhiệm thuộc về ai, thì "tất cả anh em chúng tôi" đều chịu mà. Cái "tinh thần tập thể" ấy chỉ khuyến khích kẻ bất tài, lười biếng, kẻ nhút nhát, và cả những thằng ăn cắp nữa. Giám đốc xí nghiệp vốn là thợ đúc ở Hải Phòng, nhưng thưa với chú, đây là một nhà máy hóa chất ạ. Có lần xí nghiệp bị kẹt ít ngày về cung ứng vật tư, ông giám đốc lập tức gào lên: "Nếu không có, tôi sẽ cho đóng cửa nhà máy"!. Rồi ông ta làm găng hơn, chẳng biết nghe đứa nào xúi giục, lập văn bản gửi lên ủy ban thành phố và Sở Công nghiệp tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy thật. Cháu được giám đốc công ty cử xuống điều tra, chuyện bố láo cả, chỉ thiếu có một số vật tư dự trữ, chưa ảnh hưởng tới công việc trước mắt mà dám hạ lệnh cho công nhân nghỉ việc. Do dốt quá, quá dốt, nghe anh em họ kêu đã vội tin ngay là đúng. Lại tập thể! Tập thể phải có cái đầu chứ, anh ăn lương cao để làm một thành viên vô danh trong một tập thể lù mù sao? Ông này phải chuyển đi, xí nghiệp không có giám đốc mà chỉ có hai phó giám đốc, một là thằng Dũng mới được đề bạt và một ông cũng có biết qua nghề rèn dũa gì đó. Dũng chạy lên công ty, hỏi thẳng: "Tại sao các ông không cho tôi làm giám đốc? Hai phó giám đốc! Làm ăn gì mà kỳ thế!". Giám đốc công ty bảo: "Mày sơn đỏ mày đã rồi tao đề bạt cho". Nó nổi khùng lên: "Các anh muốn sơn đỏ tôi lúc nào mà chẳng được. Tôi là con liệt sĩ, từ bé đến lớn do cách mạng nuôi nấng, đào tạo còn chưa đủ tin à?". Có lần, Dũng nói với cháu: "Tao chán mấy cha ở chỗ tao làm việc quá. Họ thiếu sự thẳng thắn, thật thà lại không dám quyết đoán. Mày đừng ngồi trên công ty nữa, xuống xưởng với tao đi, chúng mình sẽ tổ chức lại cách làm việc theo một nề nếp mới". Cháu cũng bảo nó: "Làm việc với mấy ông trên đừng có nổi nóng mà hỏng cả. Rồi mày cũng phải phấn đấu vào Đảng đi, không là đảng viên sao đủ được tin để giao việc". Nó vẫn cười cợt: "Tao làm việc thật tốt, chẳng lẽ cấp trên cứ ngờ tao mãi". Hình như cháu bắt đầu nghĩ ngợi có giống chú chút ít thì phải, nghĩa là, nghĩa là... muốn khuyên nó nên nhân nhượng, nghĩa là đừng quyết đoán quá. Anh công nghiệp phải hạ mình xuống thành anh nông nghiệp, cái trách nhiệm cá nhân phải hòa tan trong cái lãnh đạm của tập thể, cái sắc sảo thì mài cùn đi thành cái mù mờ, cái tiên phong thì tụt lại một chút để khỏi bị xung quanh ganh ghét. Tự biến hóa thành kẻ vô danh, là tôi mà chẳng phải là tôi, công thì được hưởng mà tội lại không phải gánh lấy, tội của mọi người, tội của trên, của dưới, của tất cả, chứ không phải của riêng một ai, nhất là không phải của tôi. Thiệt, nhà nước chịu, cái đại tập thể chịu, chứ cái tiểu tập thể vẫn có thể yên tâm mà ngủ kỹ. Một năm sau Dũng được đề bạt làm giám đốc một xí nghiệp bột giặt, dẫu rằng nó vẫn chưa được sơn đỏ. Tức là trên đã khuyến khích nhân tài, đã phân công hợp lý, và sửa chữa như vậy cũng là nhanh. Cháu chưa kịp mừng cho nó, mừng cho chúng cháu, vì Đảng đã dám tin một người tức là dám tin một thế hệ, thì cái thằng ấy, chính cái thằng Dũng ấy là mắc sai lầm, một sai lầm cũng tầm thường như trăm ngàn người khác. Nó có yêu một cô là nghệ sĩ hát cải lương, hai bên đã hứa hôn và chuẩn bị làm lễ cưới. Lúc này anh chàng đang rất cần tiền. Nó liền ký một số giấy giới thiệu tới xí nghiệp giấy mua giấy quyến và giấy pơ-luya, loại khổ một mét vuông, khoảng năm trăm tờ. Là mua cho nó thôi, và việc mua bán này đã được một người trong ban giám đốc xí nghiệp giấy thỏa thuận. Nào ngờ cái người đã thỏa thuận lại giữ các giấy giới thiệu do Dũng ký, đưa lên trên báo cáo. Dũng tức giận đến phát điên, nó than thở với cháu: "Cái thằng chó đẻ, nó có thỏa thuận mình mới dám làm, ai ngờ chính nó lại ủn mình vào bẫy". Chú Tường, phó giám đốc công ty, là phó tiến sĩ về hóa chất cao phân tử, rất tin bọn trẻ chúng cháu, nên hoàn toàn bị bất ngờ trước sự lừa lọc của Dũng để kiếm ra đồng tiền. Nhưng chú vẫn tha thứ và tin dùng Dũng như trước đây. Chú Tường là một mẫu người rất hay, chú Việt ạ. Con người đó mới là nhân vật chính của văn học, vì cuộc đời của họ dầy lắm mà sự cống hiến của họ cho đến hôm nay vẫn còn rất to lớn và có ý nghĩa quyết định. Năm chục tuổi, nhưng rất trẻ, một người cháu tin rằng sẽ mãi mãi trẻ. Khi biết Dũng ký giấy tùm lum mua giấy cho riêng mình, chú Tường nói với cháu đầy lo lắng: "Người có tài mà hám tiền, hám danh là rất đáng ngại. Anh ta sẽ không nghĩ tới sự cống hiến nữa mà chỉ còn lo có chuyện kinh doanh sinh lợi mà thôi. ở đâu sinh được lợi, anh ta sẽ đặt vốn vào đó". Hai tháng sau, thằng Dũng và cô vợ chưa cưới trốn ra nước ngoài, theo đường dây tổ chức trong Chợ Lớn, nghe nói nó đi không phải mất tiền, nước ngoài họ đang cần mua chất xám, dầu phải tiêu cả vài chục lạng vàng để được một nhà khoa học cũng vẫn còn là quá rẻ. Một câu chuyện hơi buồn chú nhỉ, người bất tài mà ở cương vị phụ trách thì tất cả sẽ rối tung, người có tài nhưng hám danh hám lợi thì dễ mất cả Cách mạng lẫn Tổ quốc. Nhưng các chú vẫn cứ nên tin ở bọn cháu đi, dẫu có bực, có ghét vẫn cứ phải tin, vừa giao vừa dạy vậy, phải mất công tí chút chứ biết làm sao.
Lại tranh luận về Thiền. Diễn giả mê say nhất luôn luôn là anh Chương. - Nói về Thiền tức không còn là Thiền nữa. Đạo mà nói ra được không còn là đạo nữa. Tinh hoa của Thiền theo tôi là nghệ thuật tập trung tư tưởng ở mức tuyệt đối. Một tờ giấy cầm lỏng lẻo ngón tay không thể đâm thủng được, nhưng mũi kim có thể đâm thủng, vì nó nhỏ hơn nên bén hơn. Tập trung sự suy nghĩ của mình cho thật nhỏ lại, cho cực kỳ nhỏ thì không có sự bí mật nào của tạo hóa không bị khám phá. Vĩ nhân hơn người thường chẳng qua họ biết cách tập trung sức suy nghĩ của họ ở mức cao nhất. Các cụ xưa thường nói: Tâm viên ý mã, cái tâm của con người chạy nhảy như vượn như ngựa, nên tạp ý nhiều, cái tinh túy bị che lấp. Thiền là lọc bùn cho viên kim cương được lòi ra cho Phật tính được hiện ra. Tôi hỏi: - Người đã Thiền đầu óc có sáng suốt hơn người chưa biết Thiền không? - Tất nhiên là tỉnh táo, sáng suốt hơn bọn ta rồi. ở Mỹ, có một người Thiền tới mức nhìn thấu cả nghiệp trước của người khác. Người ta đưa tới cho ông ta coi một cô gái mắc tật nắm chặt bàn tay mặt, thuốc men đã nhiều nhưng không khỏi, bàn tay chỉ mở ra được ít ngày lại từ từ co ngón nắm lại như cũ. Ông ấy bảo ngay bàn tay oan nghiệt kia kiếp trước đã giết nhiều người quá, nay sám hối đi thì có thể lành khỏi. Quả nhiên như thế thật, sau khi mở được bàn tay cô gái liền quy Phật. Bên Mỹ đạo Phật cũng phát triển lắm. Tôi nói: - Một thế kỷ nữa nước Mỹ sẽ có thêm vài triệu tín đồ theo đạo Phật vì đức Phật đã giúp họ mở được một bàn tay. Anh Chương cười xòa: - Cũng có thể, có thể lắm chứ. Anh Quý: - Tôi có biết một triệu phú Mỹ hằng năm sang Nhật giam mình trong Thiền viện một tháng. Trước đây ông ta chỉ là triệu phú, sau khi học Thiền ông trở thành tỷ phú, không khéo bây giờ thành tỷ tỷ phú cũng nên. Tôi kêu to: - Đức Phật bất công quá! Anh Quý: - Về sau thằng cha có viết sách thú nhận nhờ có Thiền tạo được cho hắn sự cân bằng trong tâm não, nên đầu óc thông minh hẳn lên, các ngón tẩy của đối phương trên thương trường hắn nhìn thấu cả, quyết định các việc không hề sai trật một ly. Mặc anh Chương thoáng đỏ: - Thằng Mỹ dẫu có theo Lão, theo Trang vẫn cứ kiếm được ra tiền. Cái đầu óc thực dụng của nó nhìn ra đồng tiền tinh lắm. Tôi nói với anh Hảo: - Anh ở cùng với anh Chương mà không học Thiền để di dưỡng tính tình? Anh Hảo cười nhẹ: - Tôi vẫn Thiền đấy chứ, nhưng theo cách của tôi, mà cũng chẳng nghĩ rằng đó là Thiền. Không biết Thiền là siêu đẳng lắm. Thế nào là hi ngôn, tự nhiên, ít nói, để cho tự nhiên. Cậu Chương lý luận nhiều quá tôi e rằng khó mà đạt được cái đào của Thiền. - Tôi không đạt tới cái huyền nhiệm của Thiền thì đã chết rũ xương ngoài kia rồi. - Tôi không nhằm đạt tới cái gì cả, không nghĩ mình sẽ thu được cái lợi gì cả, kiến tố, bão phác tôi chỉ cốt giữ cái giản dị, cái tự nhiên thôi.
Anh Quý nghe đã có vẻ chăm chú: - Nhưng theo được cái cách Thiền của anh thì khó quá! - Không khó, khó quá lại không phải là đạo nữa. Tôi sống như nước, thượng thiện nhược thủy bậc thượng thiện sống như nước. Nước luôn luôn có khuynh hướng nhập vào dòng lớn chảy ra đại dương. Mà tự nhiên, mà thanh thản. - Xin lỗi, sắp sang năm mới không nên nói đến chuyện chết, nhưng nếu phải chết anh sẽ di ngôn cho con cháu điều gì? - Tri túc chi túc biết đủ trong cái đủ. Nhưng mà khó, người ta chỉ hiểu được khi đã trong ngoài bảy mươi thôi. Tôi pha trò: - Tạo hóa thật khéo, chỉ cho hiểu khi đã gần kề cái chết. Nếu còn trẻ đã hiểu thì cuộc đời mất mọi cái vui, ai nấy đều mực thước, đều siêu thoát thì em phải bỏ nghề. Anh Quý: - Thằng Việt là đại ích kỷ. Lúc nào nó cũng chỉ nghĩ có cái nghề của nó. Tôi vẫn bông đùa: - Anh mà không ích kỷ? Miễn là cái tài ngoại giao của mình thật là sáng chói là đủ, bất kể cái đích của nó là thiện hay ác. - Nhưng tôi đã bắt đầu hiểu. - Em nói có sai đâu. Người ta chỉ hiểu khi đã không thể tham được nữa. Anh Hảo: - Việt nó nói đúng. Người ta chỉ hiểu khi đã gạt bỏ được mọi tham vọng cá nhân. Còn vị kỷ là dễ lầm lắm. Anh ngừng lại một chút rồi nhướng mắt hỏi tôi: - Việt có tin rằng riêng anh thì đã hiểu từ năm còn rất trẻ không? Tôi trả lời rất thành thật: - Vâng, với anh thì em tin. Anh Hảo tốt nghiệp trường luật ở Paris, về nước được chính chủ bảo hộ bổ nhiệm làm tri huyện, một chức quan cai trị vào loại cà mèng nhất. Ông bố tôi là dân tham biện chuyển sang ngạch quan lại, học vấn và uy danh tất nhiên không thể bằng ông cử nhân luật, nên cụ có vẻ thích thú cái chức vụ mới đó lắm, thì có cà mèng vẫn cứ là quan lớn và vợ quan lớn tức thị là bà lớn và bà lớn có thể kể với họ hàng: "Ông huyện nhà tôi...". Ông huyện nhà tôi thì sang hơn "ông tham, ông phán, ông ký nhà tôi" rồi. Cái năm chú vợ cháu rể gặp nhau tại huyện Kim Động cũng rất thú vị. Anh cháu thì chán nản, treo ấn từ quan để trở về cái ghế luật sư tự do của mình, ông chú thì hí hửng đến nhận huyện mới thay cháu, với hy vọng một hai năm nữa sẽ được quan trên thương mà thăng lên tri phủ, vì huyện Kim Động là huyện to, thường gọi là phủ Kim Động, có thể gọi ông huyện Kim Động là "tri phủ chờ" cũng được. Bốn mươi năm sau, hai chú cháu gặp nhau ở Sài Gòn và tôi là người được chứng kiến. Ông chú nói ngậm ngùi:
- Năm nay anh đã sáu chục chưa? - Sáu mươi thế nào, sáu nhăm rồi chú ạ, chú hơn cháu mười tuổi, phải không? - Nhưng anh còn khỏe quá, trẻ quá. Người cách mạng hình như trẻ lâu hơn bọn tôi. - Biết đủ, hễ biết đủ thì sống thanh thản lắm. - Anh dám chịu mất hết bây giờ lại được cả. Tôi cố giữ cái được của tôi, hóa ra lại mất hết. Anh Hảo là người sướng từ trong trứng, bố tôi thì thế nào được. Cái đại gia đình ấy có cả hai vế: tân học thì có một tiến sĩ, một luật sư, cựu học thì có một phó vương và một khâm sai đại thần. Họ sang đến thế mà họ theo cách mạng được, cả ông phó vương lẫn ông khâm sai đại thần. Còn ông tri huyện khăng khăng bảo thủ chế độ cũ, muốn sống chết vì nó, từ chối mọi sự thay đổi. Thượng thư dám nói tục, đùa tục, họ có nói tục cũng không ai dám nghĩ cụ lớn là dân hèn, còn tri huyện, tri phủ lại thích nói chữ, thích mùi vị quan cách. Con cái những gia đình thật phú quý một đôi trường hợp lại thức thời, con gái những gia đình nửa quý nửa tiện có khi lại khó, do cách giáo dục trói buộc từ nhỏ. Những công dân - công tử theo cách mạng nửa đầu rất hăng hái, rất nết na, nghiêm trang như kẻ tân tòng một tôn giáo. Lấy vợ nông dân, ăn cơm giở đầu đũa, gọi nhau là đồng chí, gia đình có gửi vàng tiếp tế cũng không nhận mà còn viết thư mắng mỏ, vì sự săn sóc riêng tư ấy đã làm nhơ nhuốc cái tâm hồn trinh bạch của người chiến sĩ cách mạng. Nhưng cái nửa sau xem ra không được hồn nhiên như cái nửa đầu, có vẻ mệt, có vẻ chán, có vẻ thất vọng vì cái hôm nay không giống mấy những mơ mộng của hôm qua. Thì ra đã cách mạng rồi mà vẫn giữ còn giàu với nghèo, còn sang với hèn, còn sạch với bẩn, chưa có bình đẳng cho tất cả, cũng chưa có công bằng cho tất cả. Nhưng cách mạng là chuyện của lịch sử, của con người, chuyện của trần gian, với bao nỗi nhọc nhằn, cay đắng của trần gian. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nó là chuyện của thượng giới, của tiên cảnh, ngoại trừ trong cái đầu đầy mộng tưởng của các công tử đi làm cách mạng. Anh Hảo là đại công tử đi làm cách mạng, nhưng thật may, anh vẫn giữ được cái nhìn đắm đuối, nụ cười hồn nhiên từ trẻ đến già. Chẳng phải vì anh từng trải quá mà hiểu được đời, chỉ vì trời đã cho anh cái tính chất phác, giản dị, tự nhiên. Mấy năm đầu đánh Pháp anh làm thứ trưởng một bộ trong chính phủ kháng chiến. Về sau bộ đó không còn, anh xuống làm vụ trưởng. Có thời anh được tin, có thời anh bị ngờ, rồi anh lại được tin. Được tin hay không được tin anh vẫn làm việc hết lòng, vẫn vui cười, và khi được tham dự các cuộc họp anh vẫn nói rất to những điều anh cho là đúng, là phải. Vì anh làm việc ở tòa án nhiều năm, nên anh luôn luôn nhắc nhở mọi người phải chú ý tới vai trò của tòa án, nó là một trong ba cơ quan bảo vệ và phát huy sức mạnh của luật pháp, luật pháp là cơ chế pháp lý của quyền làm chủ tập thể. Có lần tôi nói với anh rằng trong cái hiểu của tôi thì anh công an giống hệt anh bộ đội, là một chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên một mặt trận không có chiến tuyến, không rõ kẻ thù, không có ngưng nghỉ và có thể bị đâm từ sau lưng bất cứ lúc nào. Còn anh kiểm sát và tòa án là những viên chức đeo kính trắng ngồi bàn giấy, thuộc lòng các điều luật, nghiệt ngã, chấp nhặt, bắt bẻ. Tôi nói bậy bạ đến thế mà anh không giận, anh vẫn trả lời từ tốn: "Trước mặt chúng tôi không chỉ có kẻ địch mà còn có những người vi phạm pháp luật, là cậu, là tôi, là các con tôi, thậm chí có cả cấp trên của chúng ta nữa. Với kẻ địch chắc chắn anh em ta không thể đầu hàng, nhưng với bạn bè và người thân có khi chúng ta phải buông vũ khí. Đã thấy khó chưa? Rất khó! Có cần phải can đảm không? Rất cần! Với chúng tôi, cái dũng khí của người cách mạng là tất cả". Một ông già đã bảy mươi, xuất thân từ một gia đình đại quý tộc, theo cách mạng đã non bốn chục năm, khi nói tới cái dũng khí của người cách mạng ánh mắt vẫn long lanh, nghe mà cảm động. Anh sống phảng phất như tín đồ Lão Trang, nhưng lại hoạt động mê say và đầy trách nhiệm, đã nghỉ hưu từ dăm năm nay, nhưng vẫn nhận đủ mọi thứ việc theo hợp đồng với cơ quan cũ, vẫn tham dự các hội nghị quốc tế về pháp luật, đầu óc vẫn minh mẫn, trí nhớ không suy giảm, ăn khỏe, ngủ ngon, dáng dấp nhanh nhẹn như còn đang tuổi cường tráng. Anh bảo tôi: "Lão tử sống một trăm sáu chục tuổi, tôi cho là có lý, vì ông già ấy sống khôn lắm. Sống thật thanh thản chẳng những sống được lâu mà làm việc cũng được lâu". Anh Hảo nhận xét về cậu em rất đúng. Anh Chương phải lý lẽ mới Thiền được. Thiền phải là một cái được của anh khi anh đã chịu mất bao nhiêu cái khác. Ông em đọc sách Thiền, tìm thầy học thiền, thích bàn bạc về Thiền, Thiền đối với anh đã là một tôn giáo mới, cần có giáo lý, có thầy giảng, có tín đồ, và cái không khí ủng hộ. Ông anh mỉm cười: "Thiền thuộc về tâm học, kẻ biết không nói, người nói không biết, nó là bất ngôn tri giáo (12)". Ông em muốn đạt tới sự ngộ đạo bằng nghị lực, bằng diễn văn, bằng sự tính toán trước như chương trình tranh cử vào thượng viện. Ông anh lắc đầu hoài nghi: "Thiền chủ trương không tranh, không muốn, đã muốn là có lòng tham thì Thiền làm sao?". Tôi biết cái ý tứ sâu xa của anh Hảo, anh không Thiền, cũng chẳng ham, anh là thế, như trời đất sinh ra, hồn nhiên và chất phác, làm việc cho cách mạng, tranh cãi cho chân lý vẫn là Thiền, ngồi nhà đọc sách, chơi với các cháu cũng là Thiền, mà anh đâu có để ý tới cái Thiền, không phản đối nhưng cũng chẳng có gì để mà tin. Tin làm gì nhiều thế? Tin rằng cuộc đời dẫu thế nào vẫn cứ là tốt đẹp, cách mạng dầu có chuyện gì cũng vẫn là phát triển, tiến bộ. Thế là đủ, đã rất đủ để làm việc, để vui chơi, để an nghỉ. Cuộc tranh luận thế nào là Thiền giữa hai anh em đã kéo dài một năm nay, từ lúc anh Chương ở ngoài Bắc về và định cư tại nhà anh chị Hảo.
Anh Chương nói với anh Hảo: - Anh có thể chê tôi ngu vì tôi hay ham. Mọi sự khốn nạn của đời tôi là do cái lòng ham. Nhưng cứ xem, tướng quân muốn làm hoàng đế, thứ phi muốn lên chánh cung, nước giàu muốn thêm thuộc địa, đấy, đấy, đã muốn tức là có tham, đã tham là lắm sự khốn nạn lắm. Rút lại tướng quân bị rơi đầu, thứ phi bị thảm tử, nước giàu thành nước nghèo, không được cái gì hết, nhưng không ai rút kinh nghiệm cả, đời sau vẫn theo vết xe đổ của đời trước, người sau cứ theo cái kinh nghiệm thất bại của người xưa, tham cả, do cái tham nó xui khiến cả. Tôi sẽ còn lý luận về Thiền, vì tôi muốn đạt tới chỗ sâu thẳm của nó, tại sao người khác đắc đạo mà tôi lại không thể? Vô lý! Rất có thể tôi lại sẽ thất bại như làm giáo dục thất bại, hợp tác với Mỹ thất bại, liên minh với cộng sản thất bại. Thất bại dài dài, nhưng tôi không tiếc đời đâu, một đời người được tiêu vào những cái muốn của mình làm say mê lắm. Chỉ vì cái muốn của mình không thức thời, nói theo ngôn ngữ hôm nay, là một chướng ngại trong sự vận động chung, nên mình cam chịu thất bại. Nhưng tôi vẫn còn nhiều ham muốn lắm nhé! Luôn luôn ham muốn, chỉ cầu rằng cái ham của tôi không làm tổn hại đến một ai.