watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:57:4129/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Gặp Gỡ Cuối Năm
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Tất cả các trang
Trang 8 trong tổng số 14

Chương 5

Bữa cơm đã gần tàn. Rượu hết, các món nhắm cũng hết, cơm xới ra người ăn người không, riêng anh Đại vẫn xới một bát cơm thật đầy, anh ăn không nhiều, nhưng nhai chậm, nuốt chậm, nên cũng ngượng nghịu vì cả bàn ăn phải chờ mình. Anh đặt đũa nói múm mím:
- Xin lỗi cả nhà nhé. Bữa nay mình ăn ngon miệng quá. Khi nãy nghe các vị nói chuyện về một chú Tàu nào đó, tôi cũng có một chuyện về anh Ba Tàu. Chuyện ly kỳ lắm, có tài văn chương như cậu Việt là viết được một roman phiêu lưu tuyệt hay. Cái năm Pháp nó đưa tôi đi an trí ở Mã Đảo...
Chị Hoàng thét lên:
- Vứt mẹ cái Mã Đảo của anh đi! Bốn chục năm nay vẫn chưa kể hết chuyện Mã Đảo, hả? Bà Bơ ơi! Cho cà phê nhá!
Anh Đại vẫn cười hiền lành:
- Một ngày trong tù dài bằng một năm ngoài tự do. Bảy năm ở tù phải sống thêm cả trăm năm vẫn kể chưa hết chuyện. Các vị chắc đều biết cái eo biển Mozambique chứ? Bên này là Mã Đảo, bên kia là xứ Mozambique. Thời ấy quân Đức đang đánh nhau với quân Anh ở Bắc Phi, tàu buôn, tàu khách đi lại trong Đại Tây Dương bị tàu ngầm Đức đánh chìm vô số. Một buổi sáng chúng tôi nhìn thấy có một chiếc xuồng lờ lững táp vào chân đảo. Trong xuồng chỉ có một người nằm mê man như sắp chết. Một bộ xương người thì đúng hơn, tóc râu che kín mặt, tóc đen râu đen, là người châu á, nhưng đã là người cùng một châu cũng coi như người cùng một nước. Bọn tôi bế anh ta lên, pha sữa cho anh nhắp từng chút một, dần dần cũng tỉnh lại. Thì ra anh ta là người Tàu, nói tiếng Pháp khá lắm, đã từng ở Đông Dương ít năm, rồi sang Pháp, chiến tranh châu Âu bùng nổ, mất sạch cả gia sản lại tìm đường qua châu Phi, ở Côte d Ivoire, làm ăn khó khăn quá mới theo bè bạn đi Mozambique bằng đường biển, dọc đường bị thủy lôi Đức đánh đắm, có hăm bốn người nhảy được xuống xuồng cấp cứu, lênh đênh trên mặt biển Đại Tây Dương đã non một tháng trời...
Chị Hoàng kêu lên:
- Một tháng trên biển! Họ chịu được đói, được khát, hả?
Anh Quý nhăn mặt:
- Bà này nghe chuyện rõ hay, có hăm bốn người nhảy xuống xuồng chỉ còn một người sống sót tức là đã có hăm ba cái xác vứt xuống biển rồi.
Chị Hoàng vênh mặt, hỏi anh Đại:
- Toi khoe câu chuyện ly kỳ có thể viết tiểu thuyết được mà chỉ có thế thôi à? Già rồi bố ạ, chuyện ông già mỗi ngày mỗi nhạt. Chỉ có đớp thôi!
Tôi nhìn anh Chương cười mỉm, quả nhiên anh Đại đã già thật, thì cái người sống sót ấy có thể là người Tàu mà cũng có thể là người Anh, người Pháp hoặc người Đức, chuyện quốc tịch của người bị nạn có gì là quan hệ. Hoàn toàn giống với cách viết của một nhà văn đã quá già. Mở đầu cuốn sách nghĩ rằng sẽ có chuyện động trời, gấp cuốn sách lại như người bị mắc lỡm, vừa mất tiền lại mất cả cái công hồi hộp chờ đợi sự kết thúc bất ngờ ở chương cuối. Cả mọi người nhìn anh Đại ái ngại cho một tuổi già, kể cả mấy ông già ngót nghét bảy chục cũng cảm thấy như trẻ hẳn lại, thông minh hơn lên vì được xót xa cho một người khác già hơn, đáng thương hơn. Nhưng cái ông già đáng thương hại ấy lại đung đưa con mắt một cách tinh quái, miệng mủm mỉm đầy hóm hỉnh, e hèm, dặng hắng, rồi mới tiếp tục câu chuyện chắc hẳn sẽ rất tức cười vì cái nhạt nhẽo, cái vô duyên của nó.
- Tất nhiên đã có hăm ba người chết, chỉ có một người sống nhưng họ không chết một lúc mà đã chết lần lượt.
Chị Hoàng cười gập người trên bàn, nước mắt chảy giàn cả ra má:
- Thôi, thôi, con xin bố, lú lẫn vừa vừa chứ!
Anh Đại vẫn nói ngớ ngẩn:
- Lần lượt không phải từng người, nói thế nào cho các vị hiểu được nhỉ, mà từng nửa một.
Không ai cười nữa, đưa mắt nhìn nhau, cái gì từng nửa?
- Vâng, chết từng mẻ một, mỗi mẻ là một nửa. Tôi nói rõ hơn nhé. Mẻ đầu chết mười hai người, mẻ sau chết sáu người, rồi chết ba người, ba người sau cùng thì chết lần lượt từng người một. Tất nhiên trong ba người ấy có một người không chết, đó là anh Ba Tàu chúng tôi đã cứu được.

Không phải là một chuyện nhạt nữa rồi, một chuyện đã bắt đầu có cái tầm vóc riêng của nó, cái huyền bí riêng của nó. Mà ông lão biết kể chuyện lắm, chưa lẫn, hoàn toàn chưa có lẫn.
- Vâng, những người chết đầu tiên rất thanh thản vì tấm lòng hỉ xả. Những người chết sau tuy có đau đớn hơn, nhưng vẫn còn là tự nguyện. Duy có ba anh sau cùng thì phải vật lộn,
phải chống chọi với cái chết, nói cho rõ hơn, phải chống lại những mưu mô, những thủ đoạn của người cùng thuyền để giành lấy cái sống, dẫu rằng cái sự sống ấy là hết sức mong manh.
Lại văn chương nữa! Thì ra khi đã có một cốt truyện quan trọng, với những chi tiết tuyệt vời, lời văn tự nó đến, đến thật mềm mại, thật uyển chuyển và trong trẻo như không có tí cố gắng nào.
- Họ không đói mà chỉ khát, cái khát hành hạ con người còn cay độc hơn cái đói, các vị ngồi đây chưa biết đói, cũng chưa biết khát nên khó mà hiểu được. Xin lỗi, có lẽ Việt nó có biết chút ít, lính văn nghệ thì chỉ được biết có chút ít thôi. Tôi cũng biết được chút ít, tù chính trị nhưng Tây còn muốn dùng nên không nỡ để đói hẳn, để khát hẳn như tù cộng sản. Này, mình nói năng lảm nhảm đã ra người lẫn chưa thế, tám chục tuổi, minh mẫn mãi thế nào được. Có lúc lẫn, nhưng không phải lúc nào cũng lẫn, có phải không?
Viết được một câu chuyện hay, chinh phục được lòng người thì người viết lại có cả quyền đôi lúc được giỡn mặt bạn đọc tí chút. Là nhà văn có tài nghĩ cũng sướng thật, viết như đùa, triết lý như đùa, nhân vật như đùa, mà vẫn quyến rũ biết bao.
- Sống nhiều ngày trên biển lại không có một giọt nước dự trữ, tức là cầm chắc cái chết, một cái chết rất khổ, vì xung quanh là nước, nước mênh mông, nước xanh rờn mà không uống được. Cái nghịch cảnh ấy làm người ta khô cháy hơn, cào cấu gan ruột hơn, dễ cuồng điên hơn. Lúc ấy chết được là cách giải thoát sung sướng nhất. Cái chết không đáng sợ bằng cái khát, nên mười hai người đã tình nguyện chịu chết, nghĩa là cho phép mười hai người kia giết mình lấy máu uống thay nước.
Chị Hoàng bưng lấy mặt, rên rỉ:
- Thôi, không nói nữa, ghê quá, câu chuyện của anh ghê quá!
Anh Chương cười nhạt:
- Cái bà này miệng hùm gan sứa thật. Muốn làm loạn mà sợ máu người à?
Chị Hoàng nửa nhăn nửa cười:
- Mình chỉ thích có người khác làm thôi, còn mình thì sợ lắm.

Anh Quý:
- Tiếc rằng bà đã già quá và cũng xấu quá, nên khó có chàng hiệp sĩ nào muốn xả thân vì bà!
Chị Hoàng cầm một chiếc đũa lao về phía ông bạn cố tri:
- Thối! Làm nghề ngoại giao mà ăn nói đến thô tục!
Anh Đại vẫn kể tiếp, câu chữ lung linh, ào ạt như chính anh đã có một lần trải qua. Cái giây phút này giống như cái giây phút của một nhà văn có tài viết được những trang lý thú nhất. Ngòi bút tự lia trên trang giấy với bao ý tưởng, hình tượng lạ lùng, như không còn thuộc về mình, mình đâu có những cái đó, mà thuộc về một thế giới kỳ ảo, phiêu diêu, hiện ra trong phút chốc và cũng sẽ tiêu tan trong phút chốc. Cái phút đó người trong nghề gọi là phút nhập thần, phút nhập đồng, chẳng rõ hình dạng nó ra sao, phải mời mọc nó tới bằng cách nào, nó đến thì được, nó đi thì mất, có khi phải chịu mất mãi mãi. Có người được nó đến thấp thoáng một đôi lần, có người ve vãn một đời chỉ đạt tới một cảm giác gần giống như thế, nhưng không phải thế, là những tác phẩm gần giống với văn chương nhưng chưa hẳn là văn chương, là do người làm, có thể do một người hết sức thông minh và khéo léo làm, chứ chưa phải do cái phần ngoài con người làm, do "thần" làm. Hình như anh Đại sắp xa cách chúng tôi rồi đây. Tết này anh cười đùa với chúng tôi, nhưng Tết sau có khi anh đã dong chơi đùa bỡn tận cái thế giới xa xăm nào. Người đã tám mươi tuổi, bỗng chốc minh mẫn, uyển chuyển, tinh tế trên sự bình thường là đáng ngại lắm, là rất đáng ngại.

- Một số đông cầm dao giết một số đông, cái việc giết ấy đỡ run tay hơn. Còn lại sáu người cầm dao giết sáu người tuy vẫn còn là tự nguyện, cái sự giết ấy đã đòi nhiều nhẫn tâm lắm, nhiều tàn bạo lắm. Đến lúc sáu người phải giết lẫn nhau để cướp lấy cái sống thì ta có thể hình dung họ phải vật lộn, cấu xé nhau man rợ đến mức nào? Nhưng tôi kinh hãi nhất là cái pha sau cùng. Ba người buộc phải loại trừ nhau để chỉ còn một người được quyền sống. Lúc này không thể dùng sức mà phải dùng mẹo, mẹo thật nguy hiểm, thật bất ngờ. Mẹo thật hiểm thì Âu phải thua á, và cả thế giới này phải thua anh Ba Tàu. Anh Ba Tàu chúng tôi đã cứu sống là người đã thắng cuộc, thắng bằng cái lừa lọc, cái lắt léo, cái khó ngờ. Chuyện vẫn chưa kết thúc đâu, còn một hồi cuối lý thú lắm. Trước khi có anh Tàu thì tôi là cái thằng làm ra tiền nhiều nhất trong đám tù. Tôi khỏe, tôi chịu khó, lại biết được võ vẽ đôi tiếng của dân Hovas và Mérinas, nên đi vào các làng bản thật xa mua rượu nấu bằng ngô, đem về bán lại cho các vị ở nhà. Cho ông Truyền, ông Tắc, một vốn mười lời. Đến khi cái anh Tàu kia khỏe mạnh rồi thì chính hắn đi mua rượu về bán, bán rẻ hơn tôi, mà rượu cất cũng ngon hơn, nên tôi phải bỏ nghề. Về sau hắn mở một cửa hàng chạp phô nho nhỏ buôn rượu, cà phê, và lấy một cô vợ người bản xứ, da đen, gốc Mã Lai. Khi tôi mãn hạn tù thì vợ chồng hắn đã có bốn đứa con trai, đứa đầu sáu tuổi, vào trong nhà có bàn thờ Phật bà Quan Âm và đức Thánh Quan, góc nhà có bát hương thờ Thần Tài. Tế bào đầu tiên của một Chợ Lớn - Mã Đảo, bang chủ đầu tiên của một bang, một hội, ông tổ đầu tiên của một dòng họ có thể sinh sôi nảy nở tới chục ngàn người trong khoảng một thế kỷ. Có thể lắm chứ, rất có thể! Ơ hay, tách cà phê của tôi đâu? Quên mất tôi hả, bà Bơ? à, đây, xin lỗi cả nhà nhé, cũng lẫn rồi, không lẫn hoàn toàn nhưng đã có lúc hơi lẫn!
Chúng tôi ngồi nín lặng, câu chuyện vừa huyền hoặc lại vừa thật quá. Một cuốn tiểu thuyết thu ngắn. Trong cái đầu sắp được nghỉ ngơi hoàn toàn kia còn có bao nhiêu câu chuyện kỳ thú về con người, mãi mãi cái mà nhân loại được biết chẳng thấm thía gì với những cái mà triệu triệu con người vô danh mang theo vào lòng đất.

Anh Quý nhồi một mồi thuốc và nói với tôi:
- Hồi trước, ngồi ở đây thấy dân Tàu họ làm ăn, họ sinh sôi nảy nở mà sốt ruột quá. Họ là khách trú, là dân ngụ, nhưng tổng thống, thủ tướng cho đến các bộ trưởng trong chính phủ đều ở trong tay họ. Không một hoạt động nào của xã hội thoát khỏi cái bàn tay điều khiển của người Tàu. Anh ham đánh bạc thì tôi là sếp sòng, anh thích chơi gái thì tôi là chủ điếm, anh là người Việt Nam nên có quyền nhập hành với khối lượng lớn nhưng chính tôi mới là ông trùm các dịch vụ chia nó ra thành nhỏ. Uy danh như Diệm, lúc lâm nguy cũng phải trốn nấp vào nhà một anh Ba Tàu. Tôi là thế đấy, anh làm gì được tôi nào! Vậy mà thằng Kỳ dám làm. Mới nhận chức thủ tướng, nó lôi Tạ Vinh, một thằng đầu cơ gạo, ra bắn chơi giữa Sài Gòn, chiếu đèn pha mà bắn cho dân xem.
Quân mủm mỉm cười:
- Kỳ nó làm cái trò giật gân ấy để lấy le với mấy ông trí thức đó thôi. Nó cũng có chủ của nó, chủ cho làm để kiếm vốn chính trị nó mới dám làm.
Chị Hoàng hỏi:
- Chủ của Kỳ là thằng Mỹ nào thế?
- Mỹ là chủ xa, Tàu mới là chủ gần. Chủ gần của nó là Trần Thành, một tín đồ của ông Mao Trạch Đông. Cũng như chủ của Dương Văn Minh là Dương Duy Nhạc, giám đốc Bank of China (Trung Hoa ngân hàng), chủ của Nguyễn Văn Thiệu là Lý Long Thân, giám đốc hãng Vicasa làm dây kẽm gai quân sự. Trong ba anh, anh nào làm tổng thống, Chợ Lớn đều ủng hộ cả.
Chị Hoàng nói cau có:
- Vứt mẹ nó chuyện thằng Tàu đi. Nó là gì ở cái nhà này mà nói nhiều về nó thế!
Anh Chương được dịp nói chọc:
- Nó là ân nhân của bà chứ còn gì?
Chị Hoàng gắt to:
- Tôi vay chứ không xin. Trả xong nợ là coi như không quen biết.
Quân hỏi:
- Chị trả thế nào được mấy chục lượng vàng?
Chị Hoàng đã dịu giọng:
- Thằng Tuấn sẽ phải trả cho em nó.
Quân tính toán:
- Một lạng khoảng năm trăm đôn. Năm mươi lạng là hai vạn rưỡi đôn. Một viên chức của Liên hợp quốc dầu lương rất cao, nhưng không đi làm, lại hai con, tiêu tốn lắm, không nợ là may còn tiền đâu để trả nợ cho bà.

Chị Hảo cũng tính toán:
- Vàng ở Việt Nam có sáu ngàn, ở ngoại quốc là năm trăm đô la. Tiền đô la bán ở đây một ăn hai mươi, năm trăm là mười ngàn. Một lượng lãi bốn ngàn đồng! Thảo nào nhiều người mấy năm nay làm giàu nhanh thế. Con cháu người ta ở nước ngoài đông nên buôn bán theo kiểu này được. Mà nhàn quá. Một bức điện đánh đi, một bức điện đánh lại thế là đã lãi cả chục ngàn đồng.
Chị Hoàng nghiêng mặt về phía anh Chương hỏi nhỏ:
- Chẳng lẽ thằng cha ấy còn muốn cái gì khác?
Anh Chương chép miệng ra vẻ rất thản nhiên:
- Bà đến mau tin người. Người ta tốt quá thì mình cũng phải tự hỏi: Mình có cái gì để người ta phải tốt đến thế?
Chị Hoàng gắt ầm lên:
- Mình sắp chết ngụp, có người giơ tay ra, có là con khùng mới không nắm lấy. Hãy cứ sống đã rồi sau sẽ hay!
Quân nói đầy bí ẩn:
- Cái hồi sau đã đến rồi. Phải tính nhanh nhanh lên, không thì kẹt.
- Họ muốn gì ở tôi nào? Khi cho vay chú Phùng không ra điều kiện. Bao giờ có thì trả, chỉ thế thôi.
- Cũng có nhiều cách trả, chẳng cứ bằng tiền.
- Mày bảo tao còn vốn liếng gì nữa ngoài đồng tiền?
- Còn hai đứa con trai, vốn của bà đó!
Chị Hoàng nhìn Quân sững sờ, rồi lại đưa mắt nhìn người em, miệng mím lại đanh đá:
- Không, tôi không có quyền gì với hai đứa con của tôi cả, chúng đã trưởng thành rồi.
Quân vẫn nói rất tàn nhẫn:
- Với họ đã vay là phải trả. Họ nhớ lâu và thù dai lắm.
Chị Hoàng không gầm thét nữa, chị trả lời rất lạnh lẽo:
- Họ có thể giết tôi, tôi đâu cần sống lâu hơn. Nhưng chớ có đụng đến các con tôi.

Tuấn, người con trai của chị, năm nay cũng xấp xỉ với tuổi tôi, vì chị lấy chồng rất sớm, năm mười sáu tuổi, mười bảy đã có con đầu lòng. Hiện nay Tuấn là một nhân viên cấp cao của tổ chức Liên hợp quốc, xu hướng chính trị hoàn toàn khác với mẹ và cậu, lấy vợ người Pháp, nhưng không nhập quốc tịch Pháp, biết ân hận, biết xấu hổ vì đã vắng mặt trong những năm tháng đầy gian truân của dân tộc. Người mẹ rất biết chí hướng của đứa con nhưng không chê trách. Chị bảo tôi: "Mình là người của một thời, nó là người của một thời, bắt nó phải giống mình thế nào được". Chị ghét cộng sản, nhưng tôn trọng niềm tin của con, chê bai Việt cộng, nhưng cũng chửi bới tuốt tuột các nhân vật chính trị của chế độ trước, một lũ học đòi, cắn hột cơm không vỡ thì làm gì nổi. Một chế độ lý tưởng chỉ có thể có, nếu "cậu Chương" là tổng thống, còn chị phải là bà cố vấn tối cao, chính chị mới là first lady, đệ nhất phu nhân, chứ không phải cô vợ quê mùa của ông tổng thống em ruột! Cả họ biết chuyện cứ cười lăn, ông bố tôi rất quý cô cháu cũng phải than thở: "Cái thân chị ấy từ sáng đến tối còn chẳng định được, huống hồ đòi định đoạt vận mệnh của toàn quốc!". Nếu chị được tham dự cầm quyền, ngay lập tức chị sẽ bỏ tù tất cả những người chị vốn ghét và mời làm bộ trưởng tất cả những ai đã được chị thương yêu. Sẽ là một chính phủ gồm những chàng trai thật trẻ đẹp, ăn mặc thật lịch sự, nói năng thật duyên dáng và phòng họp của nội các sẽ thơm tho, bóng láng như phòng nhảy. Những buổi rỗi rãi, chẳng có việc gì làm, tôi thường đến thăm chị để ngồi nghe chị chửi cộng sản, chửi tư sản và trình bày cái cương lĩnh chính trị của "nước Cộng hòa thơm phức và bóng láng". Thấy thằng em Việt cộng cứ ngồi nhăn răng ra cười, không giận, cũng chẳng buồn tranh cải, chị tức lắm: "Cả thế giới này chỉ có mấy ông cộng sản nhà mày làm chính trị vất vả, khổ sở đến thế chứ bọn tao trong này làm chính trị vui lắm, làm như tao vừa nói ấy, có điều họ thích nói chữ, mà tao thì diễn nôm thôi". Làm chính trị không cần chú ý đến kẻ thù (những người ghét vặt thì có), không cần dân chúng (chỉ có đám dân chúng mơ hồ trong các diễn văn), không cần đồng minh (chỉ có bạn xoa mạt chược, bạn ăn tiệc và người thân trong gia đình) thì nhất định là rất vui rồi. Trong năm năm qua, mỗi lần gặp tôi, chỉ lại trừng mắt, hỏi: "Làm sao lại thế?". Có giảng giải đến rách mép chị vẫn khăng khăng: "Việc gì phải thế!" Bây giờ thì tự chị phải cắt nghĩa lấy cho bao nhiêu cái làm sao, làm sao: "Làm sao chú Phùng lại thế?", "Nghĩ rằng chú ấy là người quân tử, làm sao lại...?", "Con chị là con chị, làm sao họ dám...?". Chỉ thương một nỗi chị không quen làm, cũng không quen nghĩ, từ bé đến già sống bằng sự nhờ vả, cung Nô là cung tốt nhất trong lá số của chị, chị khoe thế, bây giờ thời thế đổi thay nên lá số cũng đổi thay, tay chân chưa vất vả nhưng cái đầu đã muốn điên lên vì phả nghĩ ngợi xa gần. Bỗng dưng nét mặt chị như giãn ra, sáng lên, đã có niềm tin mới nào chăng?
- Quân này, cố đợi vài giờ nữa, gần tới giao thừa chị sẽ nói rõ với cậu cái ý định sắp tới của chị, hay lắm, thông minh lắm, chị mà bị kẹt hả, không đời nào, chị vẫn còn bảo bối tung ra lúc thật lâm nguy.

HOMECHAT
1 | 1 | 92
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com