Chỉ mục bài viết |
---|
Đò Dọc |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Trang 12 |
Trang 13 |
Trang 14 |
Trang 15 |
Trang 16 |
Trang 17 |
Trang 18 |
Tất cả các trang |
Không quen ở nhà trống trải, Long thấy nắng bên ngoài chói lòa quá. Ánh sáng sớm lại chĩa xiên qua vách trĩ long mốt, đâm vào buồng ăn kế cận như là cuộc xâm nhập của khách không biết đều.
Không quen thì nghe khó chịu, chớ chàng vẫn biết trống trải như vậy là hạp vệ sinh; chàng lại nhận thấy cả vẻ đẹp của tấm vách trĩ lọc ánh nắng ấy nữa. Bức tranh nắng lò khe vách, là một bức tranh đẹp đang được thai nghén trong trí chàng kể từ phút nầy.
Long quan sát căn buồng, thấy nét đạm bạc của nó rồi thương gia đình nầy không biết bao nhiêu. Đó là những người hiền lành, không tham vọng lớn và nhờ vậy không ganh tị với đời, tốt bụng và sẵn sàng.
Hai bức tranh lồng kính không khung là tranh Kiều, phụ bản của một biệt ẩn ngoại quốc, có lần bán tràn lan trên vỉa hè Saigon.
Bàn ghế toàn là bàn ghế Ngã Bảy cả. Chiếc lọ dùng cắm hoa là lọ sành Lái Thiêu.
Tuy nhiên, nhà nầy có khiếu thẩm mỹ. Nếu không họ đã treo tranh sơn mài xanh xanh đỏ đỏ có gắn chiếc thuyền bằng ngà vào đó, họ đã sắm lọ rẻ tiền của Nhựt Bổn rồi.
Long với tay lấy báo xuống xem qua : vài tờ báo hằng ngày quen biết, một tờ tuần báo chánh trị. Chỉ có một quyển sách thôi: quyển “ Trại Bồ Tùng Linh ”. Nhà nầy thật là biết điệu. Đọc “ Trại Bồ Tùng Linh ” ở đây phải chỗ vô cùng.
Long lật vài trang đầu và vài trang cuối sách để xem coi lần tái bản nầy có thêm bớt gì lạ không. Chàng nhớ lại cảm giác rờn rợn mà chàng đã có, khi đọc truyện nầy lần đầu cách đây mười mấy năm. Đó là một nỗi ghê rợn dễ ưa hơn là cái kinh sợ êm đềm nơi trẻ con khi chúng nghe kể chuyện ma.
Bỗng Long rợn người lên thật. Hay là mình lạc vào động hồ ly, chàng tự hỏi thầm. Câu chuyện kỳ quặc quá để có thể là một câu chuyện thật. Càng đáng sợ hãi hơn là ở đây có đến sáu con hồ ly…
Hoa bưng vào phòng bịnh một chiếc mâm gỗ mít tròn, mượn của hàng xóm. Các gia đình miền Nam ở chợ không dùng mâm nữa từ mấy mươi năm nay rồi, nên Thái huyên trang có cần đến món đồ ấy là phải đi mượn.
Trên mâm, một tô gì lên hơi nghi ngút tỏa mùi thơm bắt đói bụng ra, mùi hành tây chiên, Long đánh hơi nghe biết như vậy.
Hoa đặt mâm xuống bàn và nói:
- Chị Hồng tôi ngại ông còn yếu, ăn cơm không tiêu hóa nổi nên nấu cháo.
- Cô Hồng nghĩ đúng lắm. Mà tôi cũng thích cháo lắm. Nhưng mà ăn rắc rối như vầy, chỉ khổ cho nhà.
- Có gì đâu mà rắc rối, ông.
- Thì phải lo thêm một món ăn, thêm bao nhiêu là công việc. Cứ cho tôi ăn cơm theo nhà, hẳn giản dị hơn.
- Không hề gì, bây giờ tôi đút cho ông ăn nhé?
- Ý chết! Trời, phiền phức quá như vậy, tôi ngại lắm. Như thế nầy, cô để mâm lên ngực tôi, chêm mền cho nó đứng lúc lắc, rồi tôi múc mà ăn lấy.
- Tùy ý ông.
Khi chiếc mâm đã được kè vững vàng. Long cầm muỗng nhưng vẫn chưa khởi ăn.
- Cháo gan, cô Hoa nói, nếu ông không ăn ngay thì gan sẽ chín, hết ngon đi.
- Cháo gan chín thì hết ngon thật đó. Nhưng chín thêm một chút xíu trong cháo hết sôi, sẽ không hỏng lắm đâu cô. Tôi có đọc sách thuốc về người Tàu, nên ngại ăn nóng lắm.
Tò mò, cô Hoa hỏi:
- Sách thuốc gì mà về người Tàu?
- Đó là một quyển hồi ký của một vị y sĩ Pháp đã ở bên Tàu trên hai mươi năm.
Ông ấy bảo người Triều Châu ưa mắc chứng ung thư nơi cuống họng. Ông ta đã ra công nghiên cứu trên mười năm để tìm ra nguyên do coi tại sao bịnh ung thư thường phát nơi cuống họng trong xứ Triều Châu thì ông tìm ra được nguyên do như sau đây: Người Triều Châu rất thích ăn nóng, lắm khi họ múc cháo đang sôi trên bếp mà ăn ngay và bảo rằng sách thuốc của họ dạy rằng ăn nóng thì tốt. Cuống họng của họ vì thế mỗi ngày bị cháy một chút cho đến vào một tuổi kia thì họ bị ung thư.
Hoa cười dọn rồi nói:
- Nhưng lâu lắm ông mới ăn cháo gan một lần, làm gì đến cháy cuống họng được.
Long cũng cười xòa, khi chợt nhận ra mình đã lo sợ vô lối.
Chàng múc một muỗng cháo, cẩn thận giữ cho muỗng nằm ngửa một cách thật thăng bằng rồi từ từ hạ muỗng xuống ngang miệng. Muỗng đầu ấy chàng múc rất may mắn vì trong đó có đủ cả: thịt bằm, gan sống, hành ta, và hành tây chiên.
Tối hôm qua, Long chưa ăn gì. Đau đớn quá, nên quên đói. Tách cà phê khi sáng dường như đánh thức sức đói của chàng nên giờ ăn cháo nghe ngon lạ. Mà cháo cũng nấu khéo thật, nên chàng khen:
- Cô Hồng quả là người nấu bếp tài tình.
- Chị hai tôi kia mới là tài. Tụi tôi đứa nào cũng chỉ xoàng xoàng thôi.
- Không, tôi khen thật tình chứ không phải vì lịch sự. Nếu xoàng mà được khéo như vầy, thì nhà nầy là quán quân nấu cơm trong nước.
Long ép hai hàm răng lại, miếng gan chín sơ lớp bọc mỏng ở ngoài, bể ra, và nước gan ngọt rỉ trên lưỡi chàng khiến chàng không muốn nuốt mà cứ để yên đó đặng ngậm mà nghe cái vị gan sống tuyệt diệu kia.
Cô Hoa ra ngoài khi Long ăn gần xong. Cô trở vô với cái tách nước trà nóng.
- Ba tôi bày vẽ con vịt, nhưng ông đã tự ăn cháo được thì chắc ông cũng uống nước được và không cần con vịt phải không ông? Dùng vịt xem ra có vẻ…
- Ừ, có vẻ bịnh hoạn quá, tôi thích nghiêng tách mà uống hơn.
Bấy giờ cô Quá vào, tay cầm một chiếc khăn lông nhỏ khổ.
- Để ông lau mồ hôi, cô nói. Ăn cháo nóng, thế nào cũng đổ mồ hôi.
Hai cô con gái chưa ra thì ông Nam Thành đã vô.
- Sao, thầy nghe đỡ hay chưa?
- Thưa ông, đỡ nhiều lắm.
- Thầy có gì thì gọi chúng tôi. Thầy lắc cái chuông nhỏ nầy thì có người tới.
Ông Nam Thành vừa nói vừa đưa ra một chiếc lục lạc chớ không phải chuông, và thêm:
- Thôi, thầy nghỉ trưa.
Cả ba người đều lặng lẽ đi ra. Long thấy mình được săn sóc châu đáo quá, nên hơi khó chịu. Nếu người ở Thái huyên trang lơ là hơn, chắc chàng cũng sẽ khó chịu. Nhưng sự vừa chứng không thể có được, người ta tống cổ chàng đi ngay, hay người ta quấn quít quanh chàng để làm cho chàng dễ chịu, không thể khác hơn được.
Thái huyên trang ăn cơm trưa bữa đó ở sau bếp chớ không phải tại buồng ăn như mọi ngày.
Ông Nam Thành tiên liệu rằng vợ con ông thế nào cũng nói đến khách, nên ông muốn họ ngồi xa khách, e câu chuyện thấu tai Long chăng.
Nhưng cả nhà không ai nói đến người bị tai nạn xe hơi cả. Họ đồng lòng tẩy chay ông ta, đồng lòng làm reo im lặng suốt bữa.
Ông Nam Thành thấy sáng kiến của mình làm khổ vợ con, nên không dám nhắc tới nó, sợ bà nổi xung lên bất tử. Bà Nam Thành không tha thiết tới khách nhiều nên chỉ bàn rộng về vụ giựt hụi mà bà thấy đăng trong báo khi sáng.
Bốn cô con gái thì cố nhiên tránh đả động đến một thanh niên vào hạng Long, mặc dầu họ rất cởi mở về việc chồng con. Họ chỉ cởi mở khi bàn tổng quát về ái tình, về hôn nhơn thôi. Nói đến riêng một người, họ vẫn ngại như thường. Gã tình nhơn, người vị hôn phu tưởng tượng là kẻ vô hình, là của chung, không gợi nghi ngờ nào được. Một thanh niên bằng xương bằng thịt có thể gây xuyên tạc, và ngộ nhận.
Lúc bữa ăn sắp tàn, ông Nam Thành hốt hoảng:
- Chết, không biết thầy ấy có đưa thơ cho ba chưa, nếu có, ba để đâu, ba quên mất rồi.
Tất cả những gì bị đè nén, như được dở nắp cho bung lên.
- Quên thì thủng thẳng sẽ kiếm, làm gì mà sợ hãi dữ vậy, bà Nam Thành cằn rằn.
- Chưa ba à, con thấy ông ấy chưa viết thơ, Quá nói.
- Coi bộ thi sĩ dữ, Hoa bàn. Cầm bút đặt lên giấy, rồi lại nghĩ chuyện khác, quẹt bậy bạ lên đó.
- Sao mày biết là bậy bạ, Hương hỏi, người ta là họa sĩ, chắc người ta gặp hứng nên phải vẽ phác ra liền đó chớ.
- À, ông ấy thế nào?
Cả nhà cười rộ sau câu hỏi của Hồng. Cô bé hôm nay vùi đầu vào bếp mãi đến bữa ăn trưa, nên không rõ bịnh tình của khách ra sao.
- Khen chị dữ lắm đó. Quá vừa nói vừa cười. Nói chị nấu cháo khéo số dách, tặng chị chức vô địch về ngành hỏa đầu quân.
Câu nói đùa của Quá là vị cứu tinh của bốn chị em. Từ đây, họ dám nói đến người đó, một người đã biến thành đối tượng của sự cười đùa của họ, và vì thế, hóa ra vô công phạt.
- Tao vái trời cho chúa nhựt này anh Bằng lên chơi. Hồng nói, để ảnh trả thù dùm tao. Mầy đừng có làm phách.
Gì chớ về môn đùa các cô em họ về vụ đó, thì Bằng là tay có nanh vuốt. Cả bốn cô em đến sợ anh ta, nên Hồng mới dọa thế.
- Biệt cửa sợ đó, Quá thách.
- Ừ, để rồi xem.
Họ vừa ăn cơm xong là trời phủ mây đen ngòm. Quá vội vã đi lấy vải bố để che vách nơi buồng bịnh. Bấy giờ Long đã thiếp ngủ, nên nàng làm việc thật nhẹ rồi rút êm ra ngoài.
Trời mưa cho đến ba giờ trưa mới dứt hột. Quá cất đồ len đương đan dở chừng vào bị, rồi bước qua phòng bịnh.
- Ông có lạnh lắm không? Nàng hỏi vì thấy Long đã thức.
- Thưa không, còn trái lại nữa. Mưa đầu mùa mà cô.
- Nhà cửa, vách, lôi thôi quá, tôi cứ lo gió vào nhiều.
- Tôi còn mong cho nó vào thường hơn nữa cô à.
Cô Quá nói “ Gió vào nhiều” và ý cô muốn chỉ về lượng. Nhưng Long lại nói “ Nó vào thường” Tiếng Nó và tiếng Thường có thể hiểu về sự năng vào của ai đó. Không rõ Long có cố ý nói hai nghĩa hay không, nhưng Quá thì hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa ngầm của tiếng “ thường” ấy.
Nàng bối rối lên và bỗng dưng đâm ra hổ thẹn. Lần đầu tiên cô gái rắn mắc và kỳ khôi ấy mắc cỡ trước một người con trai.
Đã sống nhiều, tuy năm nay chàng mới có hăm bảy tuổi thôi, Long thấy là hiểu ngay. Chàng hối hận lắm khi nhớ ra tiếng Thường của mình quá mờ ớ, quá phân hai, nên cô gái thơ kia mới ngộ nhận như vậy.
Chàng không yêu Quá, cũng không xem được nàng là một cô gái thường ; trong gia đình nầy, người nào, chàng thấy cũng đáng kính nể cả, nên chi chàng không thể để cô bé hiểu lầm mình như vậy mãi.
Chàng cố tìm một lời đính chánh khéo, nhưng tìm hoài mà không ra. Khi người ta quýnh lên, người ta vội vàng và rất dễ sai lầm tai hại. Long nóng nảy muốn phá tan ngộ nhận ngay mà vì bí quá nên nghĩ rằng chàng phải nhấn mạnh về chỗ bé bỏng của cô gái, cho cô ta bị tự ti mặc cảm không còn nghĩ mình được yêu nữa.
- Cô Út à, chàng hỏi, năm nay cô được bao nhiêu tuổi.
Không ai vô lễ đi hỏi tuổi một cô gái, Long nghĩ rằng Quá biết như vậy. Chàng lại kêu cô bằng cô Út để cho cô ta nghe mình còn bé lắm nên mới bị gọi và bị hỏi thế.
Nhưng Quá không hiểu và thấy đó là một bước tiến đến sự thân mật của Long, nên đáp:
- Dạ, em hăm hai.
Cô xưng em, chớ không phải xưng tôi như trước và như các chị của cô nữa.
Long hoảng sợ hết sức. Vô tình chàng đã xui cho Quá hiểu lầm thêm, một sự hiểu lầm có thể gieo tai hại không biết đến đâu mà lường.
May sao, giữa lúc chàng đang khó nghĩ thì Hoa vào, tay cầm đèn tọa đăng thắp dầu hôi. Nàng nói:
- Ba tôi nghĩ thắp đèn măng xông như đêm rồi chắc ông chói mắt. Vả lại ông cần đèn chong sáng đêm, mà măng xong chong sáng đêm lại bất tiện. Vậy xin ông bằng lòng với cây đèn dầu nầy.
- Dạ được, đèn dầu hôi là quí lắm rồi. Tôi có ở nhà quê một lúc, họ không thắp đèn gì hết mới là khổ chớ.
- Nhưng như vầy ông không đọc sách ban đêm được nữa.
- Tôi không dám đọc sách ban đêm đâu cô.
- Sao vậy?
- “ TRẠI BỒ TÙNG LINH” mà quí cô cho mượn, đọc ban ngày cũng đã rởn óc rồi, đọc ban đêm, chắc tôi phải la làng.
Cả ba đều cười xòa, rồi hai cô gái lui ra.
Thế là một chiếc đò dọc đã ghé bến, trên giòng Thiên lý.
Các cô Thái huyên trang đã tuyệt vọng từ mấy tháng nay, lại càng tuyệt vọng hơn từ hôm xa lộ Saigon – Biên Hòa được khởi công.
Xa lộ ấy sẽ xuyên tạc con đường Thiên lý, đưa sự quan trọng qua hết bên kia, và khúc đường trước nhà sẽ cô quạnh như một con đường làng.
Nhưng người trai mong đợi đã đến trước ngay khúc đường của họ bị mồ côi, đến trong một trường hợp kỳ dị, gần như họ ước trong mơ.
Hôm đầu các cô bị xúc động mạnh trước tai nạn nên chỉ nhớ đến sự ghê gớm của vụ lật xe thôi. Bây giờ ác mộng đã qua, các cô lắng nghe tình cảm mình xem nó thế nào khi giấc mơ hão hằng ngày đã được thực hiện.
Cô Hương vỡ mộng ngay từ lúc cô săn sóc lần đầu cho người khách trẻ tuổi. Không, cô không còn son trẻ nữa để có thể bị được lôi cuốn trong những cuộc phiêu lưu tình ái hay tình cảm nào. Người mong đợi còn trẻ, dường như là trẻ hơn cô, khó lòng mà bảo yêu cô được, cô biết thế.
Cô Hồng tuy mong gặp lại người tình cũ, chớ không phải mong hão một tao nhơn mặc khách nào, nhưng vậy, cô vẫn nghe lòng xao xuyến khi người nầy đến.
Y đến, rồi y lại thố lộ niềm riêng, nào là bị tình phụ ..v..v.. khiến cho Hồng như bị y nắm con dao đang cặm trong tim cô mà lay động. Cô nghe niềm đau cũ đang tạm êm dịu bỗng thức dậy mà hành hạ cô.
Tuy nhiên cô không ân hận đã đón tiếp người khách bất ngờ ấy. Đau khổ dầu sao cũng vẫn dễ chịu hơn là cái trống rỗng của những ngày tháng bằng phẳng, không thấy tăm dạng hy vọng nào cả.
Cô Hoa thường được người ta khen là gái có bản lãnh nên cô hay lập dị để tỏ ra ta đây quả thật có bản lãnh.
Vụ nầy là một đầu đề cho cô đùa. Cô bảo đó là một cuốn tiểu thuyết mà kết cuộc sẽ không hay ho gì đâu. Đứa nào dại, nhảy vô làm nhơn vật cho tiểu thuyết ấy, sẽ khổ cho mà xem.
Cô chế nhạo Long là một thanh niên nhiễm tiểu thuyết, làm bộ lãng mạn để thơ mộng hóa mọi việc, nói thì châu mày, làm thinh cũng châu mày, luôn luôn ra vẻ nghĩ ngợi đâu đâu.
Tóm lại cô làm như ta đây không mảy may bị chuyện ấy làm xúc động, và ta sẽ mất uy tín đi, nếu ta để tâm đến một chàng thanh niên mới đến trong đời ta.
Cô Quá, trái lại nghe lòng xao xuyến lạ kỳ. Cô gái nầy, lúc còn ở thành, chưa biết yêu. Cô chỉ mới bắt đầu bâng khuâng từ khi dọn về Thái huyên trang thôi, bâng khuâng trước những đám mây chiều, trước trận bay của trái sao, trái dầu, trướ giọt tranh xoi cát bên thềm hay đánh nhạc lên một cái chén bể vứt ngoài sân.
Người khách đến giữa lúc tình yêu của cô mới lố dạng, còn đi bơ vơ như một con thuyền không bến. Có phải đây là bến trong hay không, con thuyền tự hỏi, rồi ngập ngừng muốn cặm sào.