Chỉ mục bài viết |
---|
Bồ Tát Đưa Thơ |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Hưng xúc động bồi hồi, thương mẹ thật là thương! Mẹ chưa bao giờ đòi hỏi con cái điều gì, nay bà đã lâm vào hoàn bất đắc dĩ phải lên tiếng cầu cứu như thế nầy, có lẽ cũng khổ tâm lắm. Hưng hiểu rằng mẹ rất thiết tha và mong đợi từng giờ từng phút tin mình, do đó, tuy chẳng mấy hứng thú với việc xây dựng chùa chiền, hoằng pháp, quyên góp cúng dường…, Hưng vẫn tức tốc gởi điện thư về cho mẹ, chàng bảo đảm sẽ có đủ ngân khoản cho việc trùng tu chùa trong vòng vài tháng nữa.
Sau khi hăng hái hứa hẹn mạnh dạn cho mẹ yên tâm, đến lúc bắt đầu suy nghĩ hoạch định chương trình hành động, Hưng mới chới với chẳng biết phải làm cách nào cho ổn. Thỉnh thoảng, khi không tránh né được, Hưng buộc lòng đóng góp linh tinh cho chùa chiền, nhưng đích thân lập danh sách lạc quyên thì chàng hoàn toàn chưa kinh nghiệm. Chàng đành tìm đến cụ Sáu, bác gia trưởng Gia Đình Phật tử ngôi chùa địa phương ấp úng xin vấn kế. Sau khi nghe Hưng kể chuyện về vị tu sĩ trẻ miền Nam theo tiếng gọi của tiền kiếp đến vùng quê Quảng Bình dựng mái chùa lá hoằng pháp, bác Sáu cảm động cất tiếng tán thán :
- Hy hữu! Hy hữu! Đúng là chùa đất Phật vàng, chùa nghèo tỳ kheo đức hạnh! Thực tế là như vậy đó chú em ạ!
Tuy nhiên, khi Hưng “gạ” bác chủ trì việc lập danh sách bảo trợ thì bác từ chối quyết liệt, mời làm cố vấn bác cũng quầy quậy lắc đầu : “Khó lắm! Khó lắm!”, rồi trầm ngâm khá lâu, bác mới ôn tồn giải thích :
- Mấy năm nay tại Âu Mỹ, chùa chiền mọc nhiều như nấm, mà chùa nào cũng xây dựng vĩ đại trị giá cả triệu triệu dollars và đã thường xuyên thống thiết kêu gọi Phật tử đóng góp, nên họ đã mỏi mòn lắm rồi. Do đó, tuy số tiền hai mươi ngàn dollars đối với bên nầy chỉ là một khoảng tiền bé nhỏ, nó chưa đủ chi phí để tráng xi măng cho bãi đậu xe của một ngôi chùa bình thường, huống hồ gì là một ngôi chùa nguy nga đồ sộ, nhưng muốn lạc quyên được số tiền nhỏ nầy đâu có dễ dàng. Thời buổi nầy muốn vơ vét tiền thiên hạ, nẻo chánh là phải do các bậc đại tôn sư, danh tiếng vang rền, trong buổi họp mặt đông đủ những nhân vật tiếng tăm, đích thân kêu gọi thì mới hiệu nghiệm, còn lấp lửng đường tà thì phải có hơi hướm thần bí linh thiêng, có bùa chú vẽ rồng vẽ rắn để chữa bịnh, cầu tài, mua may, bán đắt thì mới ăn khách. Xem ra, lục đục thường tài như chú em dẫu có đi mòn mấy đôi giầy, nói sùi bọt mép thì giỏi lắm góp nhóp được vài ngàn đô là tận cùng rồi!
Thấy Hưng lộ vẻ chán nản, bác Sáu an ủi :
- Tôi phân tách cho chú em nghe chơi nhằm nhắc nhở chú em hiểu đó là chuyện khó khăn vậy thôi. Phần chú em, chú em phải can đảm đứng ra gánh vác việc lạc quyên nầy chớ! Mình lo cho chùa mà, miễn là vận dụng hết sức mình là đủ, kết quả không thành vấn đề, được bao nhiêu cũng quí giá cả! Phần tôi, tôi sẵn sàng cúng dường một trăm đô đây, xin chú cầm lấy!
Thực trạng còn tệ hơn bác Sáu đã dự đoán. Hưng viết thư ngỏ trên mạng lưới, gởi điện thư vi vút, điện thoại lia lịa, rồi bền chí đi gõ cửa khắp nơi, bất chấp quen lạ hơn hai tháng trời, mà chỉ gom góp được một ngàn năm trăm đồng. Bí lối, chàng phải “quyền biến” xử dụng vài tấm ảnh chụp hình trại cùi, trại tế bần, trại cô nhi… rồi mở “chiến dịch tình thương” lạc quyên tiền cứu trợ. Phương pháp nầy “ăn khách” với người Việt lẫn dân địa phương nên có mòi khắm khá. Trong vòng một tháng chàng đã kiểm kê được gần bốn ngàn đồng, nhưng “nguồn tài nguyên” khai thác cũng sắp cạn rồi. Trong thâm tâm, Hưng muốn xuất tiền túi, bù thêm cho đủ mười ngàn gởi về Việt Nam cho tròn lời hứa với mẹ, nhưng bà xã chàng vừa nghe chồng “nói bóng gió xa gần” đã dẫy “đong đỏng” như đĩa chạm phải vôi, rồi hét toáng lên :
- Ối trời! Bộ anh điên hả! Tiền bạc không dám ăn xài, lại đòi đem đi vất ngoài cửa sổ! Lan nói cho anh liệu đấy nhé! Một trăm đồng Lan cũng không đồng ý nữa, anh đừng mơ mộng bạc ngàn! Anh mà đụng tới tiền tiết kiệm hả, thì mạnh đường ai nấy đi đó!
Dĩ nhiên là Hưng không đủ can đảm chọn “con đường tự do”, chàng thua buồn ủ rủ, cố gắng tìm một giải pháp nào khác để khỏi thất hứa với mẹ, nhưng càng suy nghĩ càng thấy vô vọng. Tối hôm đó, Hưng vô tình nghe một chuyên viên tài chánh, bạn của bà xã, điện thoại gạ gẫm nàng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Vụ gạ gẫm nầy chẳng đi đến đâu, bởi lẽ, dù cô chuyên viên tài chánh tài ba kia chiêu dụ cách nào, vẽ vời viễn ảnh giàu sang như chớp ra sao, cũng không thể khiến cho vợ chàng, một chuyên viên thượng thặng chuyên bảo vệ két sắt, động lòng nhả ra xu nào đầu tư cả. Thế nhưng, cuộc đối thoại đó lại ảnh hưởng đến chàng. Hưng nghe ngóng nhóm công ty liên hệ đến mạng lưới đang lên nên liều lĩnh mang tất cả số tiền lạc quyên được, âm thầm mua chứng khoán XYZ một hãng hoạt động về mạng lưới. May mắn làm sao là chỉ trong vòng hai tháng, chứng khoán đó lên vù vù, vốn lời đến hai mươi tám ngàn, khiến chàng thích chí quá chẳng muốn bán ra tí nào, nếu không có thơ mẹ thúc hối. Hú hồn hú vía, chỉ mấy ngày sau đó thị trường chứng khoán nói chung bỗng tuột dốc thê thảm, riêng XYZ thì tợ như chiếc dù đứt dây rơi vùn vụt, từ hai trăm nhảy xuống một trăm, rồi rớt mãi tới mức hai mươi đồng mới tạm đu đưa ở đó. Ôi! nếu chàng chậm chạp thì giờ đây chắc có mức độn thổ trốn biệt tăm biệt tích, chớ tiền bạc của thiên hạ đóng góp lỡ thua lỗ hết thì biết làm sao giải thích ổn thỏa cho mẹ, cho bạn bè hiểu thấu. Kết toán vụ đầu tư chứng khoán đầy lợi lạc, Hưng giữ lại phần tiền dự trù trả thuế, cộng với hai ngàn lộ phí, vẫn còn lại trên hai mươi ngàn cho việc trùng tu chùa. Hưng gởi điện thơ thông báo cho mẹ thành quả lạc quyên, hẹn sẽ mang tiền về nước vào một ngày rất gần. Sau khi chuẩn bị tinh thần thật kỹ, Hưng ung dung về nhà, khui lon bia, nhắm nháp lai rai, ngồi rung đùi cười khà khà khoe vợ :
- Hên quá xá là hên! em ơi! Sáng nay thằng Bob giới thiệu cho anh một lão cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu tại Việt Nam tánh khí rất lạ đời. Lão vừa nghe anh tả oán cảnh chùa chiền bị bom đạn tàn phá hư hoại liền động lòng ủng hộ ngay mười lăm ngàn. Chuyện dị kỳ là hắn nhứt định ẩn danh, căn dặn anh thật kỹ là không để tên hắn, cứ ghi bừa một tên Việt nào đó, Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu gì cũng được, miễn là anh phải đích thân về nước quay phim phát quà, sửa chùa cho lão thấy là tốt rồi! Anh ngần ngừ đòi giới thiệu người khác thay mặt nhưng lão nằng nặc nói chẳng tin ai, mới là chuyện rắc rối chớ!
- Về thì về! Cứ trích ra một ít trong sổ lạc quyên làm chi phí, chớ có hại gì đâu?
- Ậy! Anh thấy lão xài sang nên giả vờ bàn ra : “Tao tính không đi vì muốn tiện tặn tiền lạc quyên đến mức tối đa. Mình chuyển tiền về cho người trong nước lo thì có lợi hơn nhiều”. Lão nghe anh nói như vậy, ký ngay cái chi phiếu hai ngàn đồng nữa ra lệnh : “Mầy cầm tiền nầy làm sở phí, đừng nói dài dòng nữa!”
- Trời ơi! ngon lành như vậy mà anh chưa chịu đồng ý tức khắc sao?, bà vợ hỏi dồn.
- Dĩ nhiên là anh chớp ngay cơ hội bằng vàng nầy chớ! nhưng anh nghĩ hai ngàn thì nhiều quá. Anh định về nước xài tiện tặn, khi trở qua sẽ mang trả lại ông ta phân nửa!
- Cái gì mà nhiều! Dư tiền thì lấy vé máy bay cho em đi theo, em cũng thích làm phước lắm chớ bộ! À! còn vụ đứng tên cúng dường thì sao? Anh định chọn tên nào vậy anh?, nàng trổi giọng nhõng nhẽo.
Hưng ra dáng lừng khừng, đáp :
- Lúc đầu anh có ý đề tên anh, nhưng tên anh thì lão ta biết, thằng Bob biết, nên không ổn. Thôi thì anh mượn đỡ tên em vậy!
Hưng cầm bảng danh sách ân nhân bảo trợ chìa ra :
- Nè! Em xem kỹ hàng cuối cùng kìa! Dường như ai mang tên Diệu Soie Thái Lan gì đó phải không? Ý quên! Hì… hì…! Xin lỗi! Hì… hì! Rõ ràng là tên bà Diệu Gấm Thái cẩm Lan chỉ ủng hộ “xỉu xỉu” mười lăm ngàn đô thôi! Kinh thật!
Thấy vợ thộn mặt khoái trá xem tới xem lui bảng danh sách, Hưng mỉm cười lầm thầm : “Điệu nầy rồi đây bảng công đức và hình ảnh tác oai tác phúc của nàng có lẽ sẽ được lộng khung treo đầy nhà quá!”
Vợ chồng Hưng hí hửng mang tiền về đến phi trường Tân sơn Nhứt. Gia đình bên vợ ở nước ngoài, bên chàng chỉ còn cha mẹ, và gia đình cô chú. Chuyến đi của vợ chồng Hưng cũng đột xuất nên chàng đinh ninh sẽ chẳng có mấy người đón rước. Chẳng ngờ, ngay khi còn đang làm thủ tục tại quầy hải quan, Hưng đã thấy lố nhố đông đảo bà con xa gần xôn xao vẫy tay chào đón. Bước ra cửa, bà con xúm xích, mạnh ai nấy reo vui chúc mừng khiến Hưng xúc động, lính quính chẳng biết ai hỏi câu gì, và nên trả lời ai trước nữa. Cô dâu thơi thới lướt nhanh tới trước, thân thiết ôm chầm bà già chồng. Bà già xúc động : “Nhờ hai con mà ước mơ của má thành tựu khiến cho má vui sướng quá chừng hà! Niềm vui của má trở nên vô tận khi má biết rằng chính hai con đã phát tâm đóng góp phần lớn cho công cuộc trùng tu chùa, công đức vô lượng nầy hiếm có người làm được, a con!”. Hưng thì thầm : “Đó là ý kiến của Lan! Đó là tiền mà Lan đã cực khổ làm giờ phụ trội cất ca cất củm để dành đó má!” Bà già tròn xoe đôi mắt trân trối nhìn cô dâu, nét cảm phục lộ hẳn ra ngoài. Lan ứng đối thật nhanh, nàng thỏ thẻ : “Chuyện nhỏ mà má! Miễn má vui thì anh Hưng vui, và như thế thì con mãn nguyện rồi! Má biết hông! Anh Hưng đi làm về là xách sổ đi đến tối mịt mấy tháng trời, không ăn uống ngủ nghỉ gì được, khiến con xót xa quá chừng hà!… Bởi vậy, vừa nghĩ đến nguyện vọng của má khó thành, vừa thương chồng cực khổ, con mới xúi ảnh lấy đại tiền tiết kiệm bù vào cho xong, má ạ!” Nói đến đây coi bộ Lan cảm động thật tình, nước mắt rưng rưng, khiến bà già chồng cảm kích cũng khóc ồ ồ… Nhóm đông bu quanh, ai cũng tranh nhau buông lời tán tụng, đưa Lan đến tận mây xanh, khiến Hưng lùng bùng lỗ tai, hoa cả mắt, chẳng biết người con gái đó có phải đúng là vợ của chàng không nữa? Bỏ mặc cho đám đàn bà tỉ tê tâm sự với nhau, ông già đưa Hưng đi chào cám ơn đám thân hữu hiện diện, đặc biệt có người hoàn toàn lạ mặt : những cụ ông cụ bà thuộc Hội Tương Tế Quảng Bình, mà mẹ mới truy tầm ra trong thời gian gần đây. Hưng hỏi nhỏ : “Uả! Ba nói mình không mời ai kia mà?”. “Ừ! Thì tuy mình nhứt quyết như vậy, nhưng mẹ con dò kỹ danh sách cúng dường thấy vợ con dám chi một số tiền lớn lao, bả hãnh diện quá bèn cầm tờ giấy đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố khoe khoang con dâu với bà con cô bác, thành thử mới xảy ra tình trạng tề tựu đông đảo như thế nầy”.
Khởi đầu chỉ là chuyện “Của người mà phước ta”, Lan được mọi người khâm phục tán thán nên phải ráng hành động chứng tỏ mình hiếu thảo, rộng rãi, giàu tình thương, khiêm cung, tóm lại nàng đúng là phản ảnh của mẩu người đạo đức thứ thiệt đã nhẹ nhàng cúng dường một số tiền to mà chẳng chút bận tâm. Do đó, Lan bỗng trở nên có những quyết định rất ngoạn mục. Nàng mở rộng hồ bao, mua nguyên gói du lịch mời cha mẹ chồng cùng đi Vịnh Hạ Long, Phong Nha, Huế, đoạn dừng chân tại Quảng Bình, tham dự các chương trình do thầy Hoằng Nghiệp đã tổ chức theo yêu cầu của Hưng : phát quà tại trại cùi, trại dưỡng lão, trại khuyết tật, trại cô nhi, và cuối cùng là buổi lễ then chốt : “Lễ đặt viên đá đầu tiên trùng tu chùa Giác Hải”. Cũng chính Lan bao hai chiếc xe 55 chỗ ngồi cho thân hữu được miễn phí đi tham dự các buổi lễ chánh thức tại Quảng Bình, chương trình còn ưu ái kèm theo mục hành hương thập tự tại Đà Nẳng và Huế cho ai ai cũng thỏa mãn tối đa. Trong các chương trình phước thiện, Lan chẳng những không hề “tác oai tác phúc” như Hưng dự tưởng, mà lại dịu hiền thương yêu thăm hỏi, thân mật chăm sóc mọi người, nàng xử sự tự nhiên ngọt ngào như dòng nước êm ả tắm mát lòng người. Trong các chương trình phước thiện và nhất là trong buổi buổi lễ khởi công trùng tu chùa, nàng luôn luôn được mọi người niềm nở và tán tụng là bậc đại thí chủ, nhưng nàng luôn luôn khiêm cung không dám nhận vinh hạnh đó. Trong khuông viên chùa Giác Hải, khi bị mời lên phát biểu ý kiến với tư cách vị đại thí chủ, Lan ngượng ngập ấp úng : “ Kính thưa quí thầy. Kính thưa quí Ông bà cô bác. Con không dám nhận là đại thí chủ vì thật ra thì con không có lòng, cũng không có đạo tâm… hành hạnh bố thí như quí vị thương đã ban cho con. Trước đây con không biết gì là cúng dường, là bố thí cả. Nhờ theo chồng về nước con mới mở mắt ra và hiểu biết phần nào. Con học rất nhiều từ mẹ chồng con và của tất cả quí vị về tấm lòng thiết tha đối với đạo pháp, về tấm lòng thương yêu đùm bọc những kẻ bất hạnh. Con mới chính là người đang thọ ơn và vì lẽ đó con xin có lời chân thành cảm tạ. Con cảm tạ tất cả mọi người và đặc biệt là mẹ chồng con đã tạo cho con cơ hội để nhìn thấy và lắng nghe bao điều khổ đau bất hạnh trên đời, nhờ vậy lòng con mới mở rộng ra…” Lời phát biểu mộc mạc, chẳng có xử dụng ngôn từ nhà Phật nào to tát, nhưng lại gây xúc động sâu xa trong lòng người. Tiếng vỗ tay kéo dài, có kẻ quá cảm kích còn cất tiếng hoan hô, lại có người buột miệng tán thán : “Con người dịu hiền, khiêm cung làm sao! Nhỏ tuổi mà biết bố thí không phân biệt, biết hành hạnh Bồ Tát, thật là việc hiếm có!”
Sau phần nghi lễ là phần cơm chay tự chiêu đãi do Phật tử chùa Giác Hải tổ chức. Vợ chồng Hưng cầm dĩa thức ăn hòa nhập với nhóm Phật tử địa phương nghe họ kể chuyện bước đầu dựng chùa. Thầy Hoàng Nghiệp vô tình đi ngang bỗng dừng lại, hỏi một cư sĩ trọng tuổi, gầy yếu, nước da tái mét : “ Bác Đạo khỏe chưa? Nghe bác bị lụt cuốn suýt chết phải không?”
- Thưa thầy! Con khỏe ạ! Thưa thầy, con đi băng rừng mấy mươi năm nay, gặp lũ lụt là chuyện thường nên không đến nỗi nguy hiểm thầy ạ!
Lan tò mò :
- Xin lỗi bác làm nghề chi ạ?
- Tui là bưu tá đưa thơ, cô ạ!
- Nghề phát thơ sao phải lội rừng vậy? Bác đi rừng bằng bằng xe jeep hay SUV?
Thấy ông ta ra vẻ lúng túng chẳng biết giải thích cách nào cho cô Việt kiều hiểu rõ lề lối hành nghề phát thơ trong rừng núi, thầy Hoằng Nghiệp vội đỡ lời :
- Bác Đạo đây là người phát thơ thuộc huyện Bố Trạch, nhưng bác thuộc tuyến đường đặc biệt là các thôn xã cực kỳ hẻo lánh của người thiểu số nằm rải rác trên những đỉnh cao của dãy Trường sơn, không có đường giao thông thuận tiện, chỉ có thể lội bộ : băng rừng, trèo đèo, lội suối… hàng mấy ngày trời mới có thể giao được một phong thơ mong manh cho người nhận!
- Ồ! Nguy hyểm quá! Muỗi cắn chết luôn á!
- Muỗi mòng đen nghịt thì làm sao mà tránh cho khỏi! Cô coi da tui vàng khè như vầy nè! Đã sốt rét kinh niên như thế nầy, đâu còn sợ muỗi nữa, miễn là dự trữ đủ ký ninh để uống khi lên cơn sốt là được rồi. Tui chỉ phải cẩn thận tránh hùm beo rắn rết, còn lũ lụt thì nó ập đến bất ngờ, thoát phen nào hay phen nấy cô ạ!
- Ghê quá! Bác thoát nạn mấy lần rồi? Làm sao mà thoát được vậy bác?
- Lớn nhỏ chừng mươi lần, nhưng chỉ có một lần suýt chết. Lần đó, mưa dầm cả tuần, nước ngập mông mênh, tui mắc võng trên cành cao, cột cứng thân mình trên đó cho khỏi té. Tui treo tòn ten như vậy, chịu đựng mưa gió, đói rã ruột đến năm ngày đêm, nước mới rút dần. Tui ráng lê lết leo xuống, lõm bõm mò tìm vài cành lá rừng không độc để nhai cầm sức, rồi cố gắng tiếp tục lên đường.
- Tội quá! Bác làm việc khổ cực như vậy, mà họ trả lương mỗi tháng bao nhiêu hả bác?
- Năm 1994 tui lãnh 15,000 một tháng. Bây giờ lương khá hơn, được 440,000 đồng, tính ra cũng gần được 30 đô cô ạ!
- Trời đất hơn! Với 30 đô thì bác làm gì để sống?
Bác Đạo nhe hàm răng cái còn cái mất nở nụ cười dễ dãi đáp :
- Cũng vừa đủ tiền mua rượu cho tui uống ấm bụng trong khi đi đường, và nếu có dư chút đỉnh thì tui mua kim chỉ, lưỡi câu, thuốc cảm, thuốc rét… làm quà cho những kẻ trên non cao.
Thấy Lan vươn đôi mắt tròn xoe nhìn mình, bác Đạo xề xòa tiếp lời :
- À! Tui may mắn có được bà xã đảm đương bán buôn đủ sống rồi, nên đâu cần tiền bạc gì thêm nữa a cô!
- Lạ quá! Bác phải làm việc quá ư khổ cực, tiền bạc lại không ra gì! Sao bác không nghỉ quách đi cho rồi?
- Vợ con tui đều nói y như cô vậy đó. Tui thấy họ nóng lòng thúc hối mãi nên chiều ý đệ đơn xin nghỉ hàng mươi lần, nhưng lần nào cũng tình nguyện đi làm lại, bởi vì Bưu Điện huyện không tìm được ai chịu thay thế tui đi tuyến đường nầy cả! cô ạ!
- Tìm không ra người thì họ ráng chịu chứ! Bác hơi sức đâu mà lo?
- Lo lắm chớ cô! Không ai mang thơ lên cho dân tộc thiểu số trên non thì tội nghiệp họ quá đi! Cô biết không thơ nào đối với họ cũng có tầm mức quan trọng cả. Như mới đây, có điện tín báo tin người con trai ở bản Kờ Ru đang làm việc tại Thanh Hóa lâm nạn. Tui phải tức tốc mang điện tín đi suốt ngày đêm không nghỉ lên cho họ. Tới nơi chưa kịp lấy sức thì lại phải dẫn đường cho họ đi Tuyên Hóa để họ kịp thời thấy mặt con lần cuối. Những tin tức cần thiết như vậy, không mang lên cho họ thì sao đành bụng, cô ạ!
Bác Đạo bỗng ngưng lại, ngẩng nhìn về những nọn núi xa xa, rồi mới chậm rãi nối lời :
- Thời chiến tranh, tui đã từng sống ở vùng rừng núi đó, xóm nào, bản nào tui cũng thân thiết. Ai tui cũng thương như cha mẹ anh em, đi phát thơ cho họ tui cứ coi như đây dịp tốt để tôi thăm bà con, tạo cho họ niềm vui vậy thôi! Tui nào cảm thấy khổ sở gì đâu? Mai đây, dẫu có ngày nào trên đường phát thơ bị gục ngã chết bờ chết bụi, tui cũng cam lòng.
Thầy Hoằng Nghiệp tuy bận tiếp tân hàng quan khách, nhưng có lẽ vẫn lắng nghe cuộc đối thoại, thầy bỗng tới gần chấp tay long trọng xá bác Đạo, rồi ôn tồn cất tiếng :
- Bác Đạo ạ! Bác là người mang tâm lượng của bậc bồ tát! Tôi rất khâm phục, nên xin có lời tán thán bác!
- Tội con quá thầy ơi! Con chỉ làm việc phát thơ bình thường thôi! Con đâu có xây chùa, phát chẩn bố thí, cúng dường trai tăng mà được thầy quá khen như vậy!
- Bác Đạo ạ! Thật ra mình chẳng có thể đánh giá nghề nào là tầm thường cả! Đắp đất xây cầu tầm thường không? Nhưng đó cũng là hạnh nguyện của Ngài Trì Địa Bồ Tát. Còn phát thơ như bác, xả thân mang tin tức cho người mà không vì danh vì lợi, cũng là hạnh nguyện của Bồ Tát chớ sao!
Lan bỗng nêu thắc mắc :
- Theo thầy thì những đạo nghiệp như xây chùa, phát chẩn, cúng dường trai tăng có thể đương nhiên coi là hành vi Bồ Tát không?
- Có thể có cũng có thể là không! Mình không thể hời hợt nhìn bề ngoài để phán đoán được. Một đạo nghiệp lớn nếu phát xuất do lòng thành, không làm vì danh vì lợi thì đó là Phật sự, là hành Bồ Tát đạo, ngược lại, nếu thúc đẩy bởi danh lợi mà hành động là đã bỏ Phật để hội nhập với ma, hành ma đạo rồi.
- Eo ơi! Phật với Ma chỉ khác nhau tí xíu hả thầy!
- Đúng vậy đó, đạo hữu. Ma với Phật chỉ khác nhau một niệm mà thôi! Bởi vậy sư phụ thầy thường nhắc nhở chúng đệ tử là phải luôn luôn cẩn mật quán sát mình, kẻo suốt đời ra vẻ hùng hục làm Phật sự mà thật ra đã mọc nanh Ma Vương tự lúc nào!
Tháng 8.2004
Lời cuối truyện :
Truyện nầy được viết với lòng thành kính tán thán một nhân vật có thực : Ông Nguyễn duy Đạo, nhân viên hợp đồng của Bưu điện huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo ghi nhận của báo Lao Động (được Việt Báo, xuất bản tại Nam Cali ngày 25.8.2002 đăng lại), trong hơn 10 năm ròng rã, bằng đôi chân trần, trèo đèo, lội suối, chịu đựng nhiều lần lạc đường, lũ lụt, cọp beo tấn công…, trong cơn đói lả, sốt rét hành hạ, Ông vẫn trì chí bươn bả một thân một mình lầm lũi giữa những con đường không mấy ai dám đi để mang thơ đến các thôn bản xa tít tắp trên rẻo cao, vách núi tai mèo ở vùng biên…cho các sắc dân : Ma Coong, Krai, Mầy, Vân Kiều, Khùa… Ông Đạo chỉ được trả đồng lương vừa đủ tiền uống rượu ấm bụng trong khi đi đường (chưa đầy 30 dollars vào thời điểm năm 2002), nhưng ông vẫn vui vẻ hoàn thành sứ mạng của mình. Ông không thể nghỉ được bởi vì : “Bà con thương tui như rứa, làm răng tui nghỉ việc được. Mà nếu tui nghỉ việc e không có ai thay tui. Thiệt e không có ai ….”