Nghỉ giây lát, Hoa tiếp : - Con muốn người nào khi bước chân vào gia đình nầy phải thương yêu và kính trọng mẹ. Muốn vậy theo con, chỉ có những người rể xuất thân cùng một đẳng cấp với chúng ta. Nếu chồng con là một người giàu có, có quyền thế trong xã hội, mẹ có chắc sẽ được ân cần săn sóc chu đáo, kính yêu mẹ hay ra đường gặp mẹ nó quay mặt làm ngơ vì xấu hổ. Trong trường hợp như vậy chắc chắn con sẽ bỏ nó tức khắc để trở về cuộc sống bình dị của mẹ con mình, lúc đó mẹ nghĩ thế nào về hạnh phúc của con ? Nghe con gái trình bày cặn kẽ, bà Tám không còn ý kiến nào để chống đối lời cầu xin của Hoa. Nhưng bà chưa muốn cho Hoa một quyết định cuối cùng, bà vẫn nhắc lại : - Mẹ sợ cuộc đời con sẽ khổ, một thân một mình chịu trận cả hai vai. Gia đình bên nào cũng nặng gánh, chỉ biết trông chờ vào hai bàn tay con. Sức người có hạn, con tính sẽ gánh vác được bao lâu ? - Xin phép mẹ, không phải con nói điềm xui, nhưng thực tế mẹ nghĩ xem, bà Bảo còn sống được bao lâu. Hai đứa em anh Toàn một vài năm nữa cũng lớn khôn. Một hai năm nữa có là bao, mẹ anh Toàn có nhắm mắt cũng an lòng nơi chín suối, như thế con đã làm tròn bổn phận của đứa con hiền dâu thảo. - Còn việc buôn bán của con ? - Con sẽ tổ chức lại để anh Toàn cùng con hằng ngày ra chợ. Tập cho anh quen dần, con sẽ rảnh tay một phần nào để lo tiếp những công việc khác.
Đến đây bà Tám không còn một lý lẽ nào để ngăn được con gái, bà đành chấp nhận : - Thôi mẹ chìu theo ý con, chỉ biết phú cho Trời Phật mà thôi. Hoa vui vẻ : - Con biết sẽ cực khổ phần xác, nhưng con sẽ tìm được hạnh phúc trong sự cực khổ đó và con tin chắc rằng, ở hiền bao giờ cũng gặp lành như mẹ thường dạy con, phải không mẹ? Bà Tám đứng dậy ra phòng ngoài, đốt nhang thưa chuyện với ông Tám: - Ông chứng giám cho, tôi đã hết lời nhưng không cản được nó, vậy ông có linh thiêng hãy theo sát và phù hộ cho nó. Chiều hôm sau tan chợ, Hoa bảo đứa em kế làm cơm cho mẹ ăn trước, cô qua thẳng nhà Toàn. Sau khi thăm hỏi xong bà Bảo, Hoa nói vọng ra: - Anh Toàn, vô đây có chút chuyện nói với anh. Toàn đang đứng ở cửa ra vào, nghe gọi anh vội bước vô hồi hộp chờ: - Có gì, cô Ba cứ chỉ dạy. Hoa cười: - Đừng nói như vậy nữa. Sau vài phút đắn đo, Hoa quay qua hỏi thẳng Toàn: - Anh Toàn, tôi hỏi câu nầy, anh phải thực tình trả lời tôi trước mặt mẹ anh. Quả tim Toàn muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, không biết chuyện gì đã xảy ra để Hoa trịnh trọng như vậy. Hay mình đã làm gì phật lòng. Toàn mở lời xin lỗi trước: - Nếu có gì làm cô phật lòng xin bỏ qua. - Không phải đâu anh. Bà Bảo chen vào: - Cháu nó có gì xin cô cứ nói thực, để mẹ con tôi còn chịu lỗi với cô nữa. - Dạ không phải. Hoa nhìn thẳng vào mắt Toàn: - Tôi hỏi thực anh, có phải anh đã thương tôi phải không? Vừa nghe đến đây, Toàn đã chối ngay: - Thưa cô, tôi đâu có dám nghĩ đến chuyện động trời đó. - Sao gọi là động trời, nếu thực tình anh thương tôi thì cứ thẳng thắn nói ra. Hiểu được phần nào câu hỏi, bà Bảo giục Toàn: - Nếu con có thương thầm trộm nhớ cô Ba, cô đã cho phép con cứ nói ra. Có gì phải quấy chắc cô Ba sẽ bỏ qua. Toàn đứng im như pho tượng, miệng mở không ra lời. Một hồi lâu Toàn mới hoàn hồn thú nhận: - Dạ, con đã thương thầm trộm nhớ cô Ba từ lâu. Nhưng thân phận hẩm hiu, tật nguyền, nghèo nàn con đâu dám mơ tưởng. Hoa hỏi lớn: - Anh muốn cưới tôi làm vợ không?
Như tiếng sét đánh ngang tai Toàn lẫn Bà Bảo. Cả hai người không tin là lời nói của cô gái đẹp đang ngồi trước mặt họ. Bà Tám hỏi lại một lần để xem mình có nghe lầm hay không: - Cô nói thật hay chỉ đùa cho vui ? - Thưa bác con nói thật lòng, đâu dám đem chuyện nầy ra đùa với bác và anh Toàn. Hoa chưa dứt câu nói, Toàn đã quỳ xuống gục đầu vào chân Hoa khóc òa lên như một đứa trẻ. Tay Hoa vuốt nhẹ đầu Toàn, cô thấy lòng mình lâng lâng như đang say sóng, tự dưng nước mắt Hoa cũng tuôn ra nhưng Hoa không cần phải cầm lại, cô cứ để mặc sức chảy dài xuống má, xuống ngực và giỏ từng giọt lên đầu lên tóc Toàn Trên giường bà Bảo há hốc miệng thở lớn, nước mắt dàn dụa chảy dài xuống gối. Bà quên tấm thân hôi hám của bà, cố nhoài người ra nắm chặt lấy tay Hoa như kể chìm tàu đang vớ được miếng ván. Thấy hai mẹ con đang sung sướng tột độ do sự quyết định của mình, Hoa nhủ thầm, đây cũng là giây phút hạnh phúc của chính đời mình. Đợi cho hai người lấy lại bình tĩnh, Hoa đề nghị: - Con nói thực tình, nếu bác thấy không có gì trở ngại, con và anh Toàn xin làm đám cưới sớm. Đến đây hai mẹ con yên lặng không thấy ai lên tiếng, Hoa trấn an: - Gọi là làm đám cưới mục đích để hợp thức hóa việc hôn nhân của hai người mà thôi. Bà Bảo vẫn nằm yên không có ý kiến gì. Hiểu ý, Hoa tiếp tục: - Bác và anh Toàn đừng lo ngại những vấn đề khác, con đã sắp đặt xong xuôi một phần. - Sao không lo được cô, cơm không đủ ăn lấy đâu ra tiền để lo việc cưới hỏi. - Gia đình má con không đòi hỏi gì. Mọi việc sẽ do con định liệu. Toàn lên tiếng: - Dầu sao không đóng góp được một phần nhỏ nào cũng khó xem quá. Cô Ba cho gia đình chúng tôi một thời gian ngắn để xem sao. Hoa đáp không suy nghĩ: - Chẳng cần anh Toàn, một mình tôi lo cũng xong. Chúng ta chỉ tổ chức thật đơn giản. - Thôi tùy cô Ba có lòng tốt đối với gia đình chúng tôi. Bà Bảo hỏi Hoa: - Việc gia đình trai phải làm gì theo thủ tục hỏi, cưới? Gia đình tôi thật đơn chiếc, tôi còn đây cũng như không. Không biết bác Tám bên nhà xí xá cho hay không. - Chuyện nầy để con suy tính với mẹ con. Hoa ra về đã lâu nhưng hai mẹ con bà Bảo vẫn tiếp tục câu chuyện đến khuya. Bà Bảo hỏi Toàn: - Mấy chiếc khâu vàng má nói con cất phòng thân, ngày mai đem ra tiệm bán đi để lo việc của con. Không ít thì nhiều, chứ đi cưới vợ không một đồng dính túi đâu có được. - Còn việc nhờ ai đứng thay mặt nhà trai thay Mẹ? - Mẹ đã nghĩ đến điều đó, chú con chứ ai. Toàn ngần ngại: - Không biết chú có sẵn lòng không. Bà Bảo nổi giận: - Sao lại không, tôm được cưới rồng là phước đức ba mươi đời của cha ông giòng họ con, còn đòi gì nữa. Hơn nữa, xem lại thân phận gia đình mình ra sao mà tính với toán. - Dạ, chủ nhật nầy con vô làng trình bày cho chú con hay. Cũng ngay tối nầy, sau khi về ăn vội miếng cơm, Hoa vào phòng mẹ và vào đề ngay: - Con vừa nói chuyện với bà Bảo và anh Toàn xong. - Thế nào? - Tội nghiệp, sau khi lặp lại hai ba lần họ mới tin là sự thật rồi ôm nhau khóc.
Bà Tám cười mỉm: - Dĩ nhiên, ai nghe chuyện nầy không những không tin mà còn ôm bụng lăn ra cười nữa là đằng khác. - Chuyện đã rồi và mẹ chấp thuận, con xin mẹ cho phép chúng con làm đám cưới nhanh nhanh một chút để tránh chuyện dị nghị của những người ăn không ngồi rồi, phiền phức lắm mẹ. Bà Tám không trả lời, bà đặt câu hỏi: - Thế bên đàng trai tính sao? Sợ xảy ra chuyện không hay, Hoa đành nói láo: - Dạ cũng theo thủ tục của ông bà, đàng trai đến xin cưới, tổ chức cưới hỏi đàng hoàng. - Vấn đề tiền bạc? Đã phóng lao thì phải theo lao: - Dạ, họ sẽ đóng góp với chúng ta để đãi ăn uống tại đây. Không rước dâu cũng không thể đãi đằng tại nhà đằng trai, như mẹ đã biết. Cuối cùng bà Tám cũng gật đầu : - Thôi đành vậy. - Cám ơn mẹ. Ngày hôm sau, người được Hoa thông báo trước tiên, bà Năm trầu. Vừa nghe xong, gói cau cầm trên tay bà Năm rơi tung tóe xuống đất, miệng há hốc, bà hỏi gặn lại : - Cô nói sao ? Cô chịu lấy thằng Toàn con bà Bảo ? - Dạ đúng vậy. Bà Năm đưa hai tay lên trời : - Trời đất quỷ thần ơi ! sao ngộ vậy ! Tôi đang tỉnh hay nằm mơ đây ! Ngay trong sáng hôm đó, cả chợ đều biết cô hàng rau xinh đẹp nhất chợ Cần thơ sắp lấy thằng Vẹo 0. Một vài người ác ý giải thích cho nhau : - Con Ba ăn phải bùa mê ngải lú gì của thằng Vẹo đó rồi mới chịu theo về làm dâu, để hầu con mẹ liệt giường liệt chiếu của nó ! Cái thằng khù khờ thế mà hay thật. Hoặc còn hơn : - À cô Ba mang cái bầu của thằng nào rồi, sắp đẻ đến nơi nên vơ tạm cái thằng ngu muội tật nguyền nầy để thế vào. Chiều lại có nhiều người qua lại trước sạp rau của Hoa mục đích để xem sắc mặt có bị ăn phải bùa ngải gì không hoặc có người nhìn chằm chặp vào bụng Hoa để xem nó lớn đến cỡ nào !
Đến tối, gần như dân tại thị xã đều biết việc Hoa sắp lấy chồng. Một số thanh niên trong quán café văng tục chưởi thề : - Mẹ kiếp con Hoa, các anh đây đẹp trai học giỏi con nhà giàu không lấy, lại đâm đầu vào thằng Vẹo làm gì cho khổ thân ? Vài cô gái chanh chua bỉu môi : - Phải rồi, vung nào nồi nấy, cỡ nó chỉ lấy được mấy thằng không sứt môi cũng què quặt. Vài bữa cũng bỏ nhau giữa đường cho xem ! Những lời đồn đại đều lọt vào tai Hoa, nghe qua không cầm được nước mắt, nhưng đã chấp nhận thử thách đành câm miệng chịu đựng, không cần phải đính chánh thanh minh gì thêm mệt xác. Hoa chỉ sợ một điều, nếu những lời đồn vu khống lọt vào tai bà Tám, sẽ tội nghiệp cho mẹ mà thôi. Một tuần sau, ông bà bảy, Toàn và một người em chú bác chính thức đến nhà bà Tám đúng thủ tục. Hai ông bà khăn áo chỉnh tề theo nghi lễ. Toàn áo trắng bỏ trong quần, cà vạt đỏ. Người em hai tay bưng khay trầu và rượu. Đoàn người chưa vào đến nhà nhưng đám trẻ con và những người hiếu kỳ đã đứng chật ngoài ngõ. Tiếp đàng trai ngoài bà Tám còn thêm vài người trong họ tộc hai bên nội ngoại.
Vừa vào đến nhà, ông Bảy xin phép trước : - Thưa bà Tám, vợ chồng tôi xin đại diện bà Bảo và đàng trai đến đây cầu hôn cho cháu chúng tôi. Xin bà Tám thông cảm hoàn cảnh để tha thứ về những thiếu sót. Nếu gia đình đàng gái không chê trách, xin vui lòng nhận quả cau ly rượu gọi là tình cảm của cháu tôi. Nói xong ông Bảy cúi xuống rót đầy ly rượu, bà Bảy têm miếng trầu để trên xấp giấy bạc loại 100.000 đồng rồi trịnh trọng bưng đến trưóc mặt bà Tám. Bà Tám nhận mâm cau trầu để lại xuống bàn, chậm rãi nói : - Cám ơn ông bà đã có lòng thương con gái tôi, trai gái lớn lên, chúng nó thương ai thì đành phải nghe theo. Thời buổi nầy thì con cái chỉ huy cha mẹ. Hoa hơi run vì câu nói một cách miễn cưỡng của mẹ cô, nhưng dầu sao trước mặt tất cả bà đã nhận lời. Hoa thở phào nhẹ nhỏm, trong bụng nhủ thầm, thôi thế cũng xong.
Bà cô của Hoa mời tất cả vào bàn dùng trà. Bây giờ bà Tám mới nhìn kỹ từ đầu đến chân thằng con rể tương lai. Tóc tai chải chuốt gọn gàn, miệng ít méo hơn thường nhật. Nhất là bước đi lúc nầy khá vững vàng không còn xiêu vẹo nhiều như trước đây. Bà nghĩ thầm có lẽ nhờ con Hoa nó đã luyện tập miệng mồm đi đứng. Những ác cảm ngày trước về con người tật nguyền, dám phỏng tay trên con gái của bà đã vơi đi được phần nào.
Sau phần thăm hỏi bà Bảo, mẹ Hoa đi vào vấn đề : - Ông bà định việc cưới thế nào ? Hoa liếc mắt ngầm lặp lại những gì Hoa đã căn dặn trước, Toàn xin phép : - Xin phép bà Tám cho tôi Bà cô của Hoa cười : - Thôi, cho phép thưa mẹ xưng con, chấp nhận đám hỏi thì coi như con trong nhà. Mặt mày Toàn đỏ bừng lên cảm động thưa : - Xin cám ơn mẹ, cám ơn cô Ba. Mẹ con nhờ con thưa với nếu có thể đưọc xin cưới sớm. Bà Tám ngắt lời : - Nghĩa là con muốn lúc nào? - Dạ trong tháng nầy. - Nhờ thầy xem ngày chưa? Đến đây Toàn khựng lại vì Hoa không đặn vấn đề nầy. Hoa lanh trí đỡ lời: - Dạ, con đã hỏi thầy rồi. Hai mươi chín tháng nầy là ngày tốt. Bà Tám đếm ngón tay tính nhẩm: - Cũng được. Việc đãi đằng ông bà tính sao? - Thưa bà Tám, cũng phải làm chứ, không lớn thì cũng phải mời vài ba người, nếu không trông sao được. Hoa chen vào: - Thưa mẹ, chuyện nầy con đã sắp xếp với anh Toàn rồi. Nghe con nói vậy, bà Tám úp mở: - Tùy bên gia đình đàng trai định liệu. Hôm mua thức ăn, sắm ít đồ cần thiết cho ngày cưới, Toàn đưa cho Hoa gần tám triệu đồng. Hoa ngạc nhiên: - Tiền đâu anh có? - Mẹ anh đưa cho anh gần lượng vàng của bà dành dụm để lo việc hữu sự khi nhắm mắt.
Hoa la lên: - Sao anh làm vậy, đã nói với anh là em đã lo liệu xong cả rồi. - Với em thì không sao, nhưng còn mẹ em. Đi cưới vợ tay không đâu ra thể thống gì! - Em có tiền riêng anh chỉ cần biết vậy là đủ. Bây giờ anh đem về trả lại cho mẹ để phòng bất trắc nếu mẹ anh ra đi trong lúc mình chưa xoay xở được. - Không được, mẹ đã quyết định như vậy và dặn anh phải làm đúng ý bà. Suy nghĩ một lúc, Hoa chọn giải pháp: - Em đề nghị thế nầy, lấy một triệu để phụ thêm cho mẹ vui lòng. Còn lại để qua một bên và trả cho mẹ, nhưng đừng cho bà biết bây gìờ. Sau lễ cưới xong hãy tính. Sực nhớ lại chuyện trước Hoa hỏi: - Hôm đám hỏi, anh để trong hộp hai triệu là tiền đâu vậy? - Chưa bán kịp vàng mẹ mượn trước của chú. - Thế đã giải quyết số tiền nầy chưa? - Rồi em, hôm đó vừa ra khỏi nhà em, vợ chồng chú thím tuyên bố cho anh số tiền đó làm quà cưới. - Phần anh, anh ra tiệm mua một áo trắng tay dài, một giây nịt và bộ đồ vét xám hay đen gì cũng được để hôm cưới trông cho được mắt. - Còn em? - Em tự lo liệu cho em.
Ý định lúc đầu của Hoa, lễ cưới sẽ được tổ chức thật đơn giản mục đích hợp thức hoá việc ăn ở với Toàn. Không đưa rước dâu, không ăn uống ồn ào. Một bữa cơm thân mật giữa hai gia đình cũng tạm đủ đối với hoàn cảnh đặc biệt của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng sau khi xem lại số người thân của hai gia đình và một ít khách mời, Hoa quyết định phải đãi ăn làm sao trông cho được mắt. Cô dâu chú rể có mặt trước tại nhà bà Tám, khách đến thẳng tại đây, tránh gây ồn ào trong khu phố cũng như xóm lao động của Hoa. Nhưng ngược lại, trẻ em và những người hiếu kỳ trong thị xã cũng như khu phố muốn tận mắt chứng kiến lễ cưới kỳ lạ giữa một cô gái đẹp với một anh vẹo nghèo nàn và tàn tật. Bạn học cũ của Hoa thì thi vị hoá cuộc tình của Hoa, rủ nhau đến xem lễ cưới anh gù nhà thờ Đức Bà Paris và người đẹp thành phố sông Hậu. Từ sáng, quanh ngõ vào nhà Hoa đã có mặt đủ các thành phần. Lễ cưới xảy ra đúng dự liệu, bên đàng trai ngoài chú rể còn thêm bốn người. Đàng gái, ngoài gia đình bà Tám có thêm sáu người. Khách mời gồm ông bà ân nhân cũng là chủ công ty nơi Toàn đang làm việc. Bà Năm trầu, hai bạn hàng xấu miệng trong chợ trước đây thường bôi xấu Hoa. Hai giới chức hành chánh của xóm và hai người bạn bà Tám ở gần nhà. Dự trù khoảng hai chục người. Phút chót phải tính thêm mấy người cùng xóm đến giúp dựng rạp, làm bếp Những người nầy khi hay tin Hoa lấy Toàn họ thêu dệt đủ điều, bắn tin xấu ra khắp xóm. Nhưng sau vài ngày có lẽ đã nhận ra được chân giá trị và tấm lòng cao thượng tiềm ẩn trong con người Hoa, chính họ lại cổ võ xóm ủng hộ tinh thần Hoa và bà Tám.
Đặc biệt một người không mời nhưng đã trịnh trọng đến dự, Sáng, con trai ông bà tiệm vàng Rồng Vàng ở bên hông chợ. Sáng ăn mặc giản dị, áo trắng bỏ vào quần thắt chiếc cà vạt màu hồng bước vào nhà. Khách mời không ai để ý. Chỉ có Hoa và bà Tám chẳng những ngạc nhiên mà còn sợ Sáng đến quấy phá. Hoa phản ứng nhanh, mời ngay Sáng vào nhà và tiếp đãi như một người thân. Sáng rươm rướm nước mắt hỏi nhỏ : - Hoa không tống cổ tôi ra ? Hoa bình tĩnh trả lời : - Không anh Sáng, rất hân hạnh được tiếp đón anh. Sáng đáp nhỏ để Hoa vừa đủ nghe : - Tôi rất ân hận việc làm trước kia. Hoa ngắt ngang : - Bỏ qua chuyện cũ đi. Không ai biết chuyện gì của anh đâu. - Hoa đã dạy cho tôi bài học để đời. Bây giờ tôi biết thế nào giá trị của lòng người, của tình yêu. Nếu ngày trước tôi đừng vụng về tôi đã cưới được một người con gái đẹp, thông minh, đáng kính thật hiếm có trên đời nầy.
- Bỏ qua đi anh. - Đồng ý, nhưng cho tôi một lần tạ lỗi và xin phép được làm bạn với Hoa và anh Toàn. - Rất hân hạnh. Sáng rút trong túi ra phong bì để xuống bàn: - Xin cô Hoa đừng chê trách, tôi xin phép được chúc mừng cô dâu chú rể. Nhớ lại những lời nói ngày trước của Sáng, Hoa từ chối khéo: - Anh Sáng đến, chúng em vui mừng lắm, tiền bạc quà cáp chúng em không nhận. Bữa cơm rau mắm để chung vui không tốn kém gì nhiều, mong anh đừng bận tâm. Sáng nài nỉ: - Đừng nói đến tiền bạc, đây là tấm lòng thành của tôi, chẳng đáng bao nhiêu, xin cô nhận cho tôi vui lòng. Toàn vừa đi đến, chẳng biết ất giáp gì, nói với Hoa: - Anh Sáng có lòng, em nên nhận để anh vui. Thế chẳng đặng đừng, Hoa đành cám ơn. Phong bì hơi khác thường không đoán được gì bên trong. Hoa đem vào bếp mở ra, sau nhiều lớp giấy, một lượng vàng y được gói thật kỹ. Hoa gói lại cẩn thận đem ra kín đáo trả lại cho Sáng: - Cám ơn anh nhưng tôi không nhận. Nếu anh có lòng chúc mừng, vợ chồng tôi chỉ nhận đúng số tiền tương xứng với bữa cơm hôm nay. Sáng không năn nỉ gì thêm, anh lấy lại phong bì bỏ vào túi áo.
* * *
Bữa tiệc cưới diễn ra tốt đẹp, Hoa khéo tính toán, với số tiền vừa phải nhưng đã tổ chức nấu được nhiều món ăn. Khách ra về thoải mái bằng lòng. Khi đang dọn dẹp mâm bàn, đứa em út kêu Hoa vào buồng trong trao phong bì cho Hoa và nói: - Ông Sáng bảo em phải trao tận tay chị phong bì nầy. Cầm phong bì trong tay, Hoa băn khoăn suy nghĩ có nên trả lại lần nữa hay không. Cuối cùng Hoa quyết định giữ lại để giải thoát những bức rức trong lòng Sáng và để cho Sáng hiểu nàng đã hoàn toàn quên chuyện cũ. Hoa nghĩ thầm, Sáng sẽ sung sướng vì nghĩ rằng đã làm được một việc tốt và đã đem lại một niềm vui trọn vẹn cho người khác.
Sau hôn lễ, hai vợ chồng sống tại nhà bà Bảo. Trên nguyên tắc như vậy nhưng Hoa ghé qua nhà bà Tám thường xuyên. Cứ hai ngày một lần, Hoa ở lại làm bếp nấu cơm và ăn chung với mẹ và hai em. Cuộc sống thường nhật không có gì thay đổi nhiều. Người trong xóm thường bắt gặp Toàn qua thăm bà Tám nhiều lần trong tuần và đều đặn như vậy. Hoa tổ chức lại cuộc sống, Toàn xin nghỉ việc ở công-ty để tập bán hàng với Hoa. Mua một chiếc xe gắn máy chở Toàn cùng ra chợ mỗi sáng, gần trưa vắng khách Hoa trở về nhà lo cơm nước cho bà Bảo và hai đứa em của Toàn, xong quay trở lại chợ. Đến chiều sau khi dọn hàng đóng sạp, trở về nhà công việc đầu tiên làm vệ sinh cho bà Bảo. Tối cơm nước xong, Hoa một mình về nhà lo cho bà Tám. Công việc đều đặn như một chiếc máy từ ngày nầy qua ngày khác, hai gia đình, hai bà già bốn đứa trẻ đều được bàn tay Hoa chăm sóc ăn uống, tắm rửa, giặt giũ áo quần. Dần dần bà Tám nhận thấy những gì Hoa nói ra đều đúng và con gái bà chẳng những chu toàn bổn phận làm dâu mà vẫn quấn quýt lo lắng cho mẹ cho em từ bữa cơm, bộ áo như hồi Hoa còn con gái. Từ ngày về nhà bà Bảo, chính tay Hoa đã lo việc vệ sinh tắm rửa lau chùi vết lở trên người bà Bảo, Toàn không được nhúng tay vào vì đây là việc của đàn bà con gái. Mỗi lần thấy Hoa quá cực khổ bởi công việc, Toàn cảm thấy nghẹn ngào bảo: - Em không cho anh làm anh cũng không nỡ tâm để em chăm sóc mẹ, hay mình đã ít có tiền vô tiền ra, anh đề nghị em thuê bà Chín xóm dưới đến lo cho mẹ mỗi ngày.
Hoa gạt ngang: - Mẹ còn sống với chúng ta chẳng được bao lâu nữa, để em lo cho trọn hiếu dâu con. Mẹ anh cũng là mẹ của em. Em biết kính trọng thương yêu lo lắng mẹ anh thì chắc chắn anh cũng sẽ đối xử với mẹ em như vậy. Phải không anh Toàn? Toàn không trả lời được câu nói của Hoa, anh chỉ gật đầu nhiều lần nước mắt rưng rưng vì câu nói cảm động của Hoa. Trong bữa cơm, nhiều lúc Hoa nhìn Toàn và hai đứa em ăn một cách ngon lành và mỉm cười. Có lần Toàn hỏi: - Sao em không ăn, cứ ngồi cười hoài vậy? Miếng nào ngon em gắp cho anh, gắp đầy chén hai đứa nhỏ. Em ăn đi chứ, cứ nhường nhịn hoài vậy. - Em không thấy đói, nhìn anh và hai đứa nhỏ ăn em cũng no phần nào rồi. Toàn cười: - Chưa nghe ai nói lạ lùng vậy. Anh ăn mà em no! - Em thấy tất cả những người chung quanh em sung sướng tức là hạnh phúc đã đến với em. - Em là tiên hay là người? - Không là gì hết, chỉ một người tầm thường. Anh không cần lo lắng gì cho em, em chỉ ao ước làm được chút gì đem lại niềm vui cho những người chung quanh.
Gần một năm sau ngày cưới, một buổi tối trước khi tắt đèn ngủ, Hoa kéo tay Toàn để lên bụng của mình nói nhỏ với Toàn: - Em cho anh hay một tin vui, em đã có bầu! Toàn mừng quá gục đầu xuống bên tai Hoa khóc rống lên như một đứa trẻ. Một hồi lâu Toàn đưa tay xoa nhè nhẹ lên bụng Hoa: - Thật không em, anh cũng có con được như người ta? Anh cứ tưởng đời anh không bao giờ được diễm phúc làm cha. Hoa xoa đầu Toàn trả lời trong sung sướng: - Anh là một người bình thường, khỏe mạnh dĩ nhiên phải có con như tất cả những ngưòi đàn ông khác. Ngay sáng hôm sau, Toàn vội vàng vào phòng mẹ báo tin anh đã có con. Bà Bảo cười sung sướng cầm tay Toàn: - Bây giờ thì mẹ có thể an tâm và vui lòng ra đi. - Đừng mẹ, mẹ phải sống thêm để nhìn thấy hạnh phúc của chúng con. Nhưng hai ngày sau đó, bà Bảo ra đi một cách bình yên. Trên khuôn mặt già nua hốc hác và khắc khổ, người ta thấy được một nụ cười sung sướng và thỏa mãn. Sau khi chôn cất xong bà Bảo, Hoa sửa sang nhà cửa lại ngăn nắp, có phòng riêng cho vợ chồng, phòng khách và nơi ăn ngủ của hai đứa em. Ngày ngày vẫn bán tại chợ, Hoa thường xuyên ghé về nhà thăm ăn cơm tối cùng mẹ và hai em. Đứa bé gái ra đời khỏe mạnh đẹp như Hoa, cao lớn như Toàn. Hoàn toàn không có một dấu vết tật nguyền nào của Toàn để lại.
Một buổi chiều sau khi tan chợ, Hoa về nhà, các em của Toàn cho biết: - Anh Hai qua nhà bác Tám từ trưa, sau khi ăn cơm xong. - Có gì gấp không các em? - Không chị Hai à. - Thôi các em ăn cơm một mình chị qua bên nhà. Vừa bước vào phòng ngủ, Hoa thấy Toàn đang đút cháo cho bà Tám. Hoa vội vã: - Có gì không mẹ? - Chẳng có gì, chỉ hơi mệt chút đỉnh, mẹ bảo Toàn ra chợ đón con nhưng nó không chịu để mẹ ở nhà một mình.