Dương Quốc Trung thấy hai người bọn họ, bất giác cả kinh. Nên biết Dương Quốc Trung tuy ngôi vị dưới một người mà trên vạn người, nhưng hai người Tần Tương, Uất Trì Bắc là hậu duệ của khai quốc công thần, nhất là Uất Trì Bắc cầm chiếc roi vàng của Thái tông hoàng đế ngự tứ, vả lại tính tình cương liệt, vốn không sợ kẻ quyền quý, bây giờ nộ khí đùng đùng sải chân bước vào, Dương Quắc Trung nhìn thấy, làm sao không sợ hãi?
Uất Trì Bắc bước vào tới nơi, đưa mắt quét một vòng, lại cao giọng gọi “Hô, Thiết huynh đệ, ngươi quả nhiên ở đây!”. Y thấy Thiết Ma Lặc yên ổn vô sự, nộ khí cũng giảm mấy phần, lúc ấy mới nhìn Dương Quốc Trung chào một tiếng, nói “Xin thứ lỗi ta lỗ mãng, đã không báo trước”.
Dương Quốc Trung buông tiếng cười hô hô, nghĩ một đàng nói một nẻo “Được đại giá của hai vị tướng quân cùng tới, đó đúng là chuyện mong mà còn chưa được. Kẻ dưới không biết, mạo phạm hổ uy, còn xin hai vị tướng quân nể mặt lão phu, tha tội cho họ. Mời ngồi mời ngồi, người đâu, mang trà ra đây”.
Uất Trì Bắc cười lớn nói “Nói thế làm gì, nói thế làm gì, Lão Hắc ta trong bụng trống không, uống trà ngon của người thì khó mà chịu nổi, trà ấy không uống cũng được”. Dương Quốc Trung vô cùng khó chịu, nói “Thánh giá vào Thục, khiến hai vị tướng quân vất vả, may mà mưa lớn đã tạnh, không bao lâu chắc sẽ ra khỏi tình cảnh khổ cực này”. Uất Trì Bắc nói “Bọn ta chịu khổ mót chút cũng chẳng hề gì, chỉ cần tướng gia ngươi không chịu khổ là được”.
Dương Quốc Trung mặt mũi đỏ bừng, ấp úng nói “Nghịch tặc làm loạn, đường sá khó đi, binh lương đều thiếu, lão phu cũng đồng cam cộng khổ với thánh thượng mà. Không biết hai vị tướng quân tới đây có gì chỉ giáo?”. Uất Trì Bắc chửi thầm trong lòng “Ngươi thật mặt dày, sao không dám nói đồng cam cộng khổ với quân sĩ?”. Y còn định nói móc Dương Quốc Trung vài câu, Tần Tương trì trọng hơn, đưa mắt ra hiệu cho y thôi đi.
Tần Tương nói “Ta đang muốn thỉnh giáo tướng gia, không biết ngươi gọi Thiết Đô úy tới là có chuyện gì thương lượng?”. Dương Quốc Trung vội nói “Không có gì, không có gì! Chỉ vì y hộ giá có công, lão phu lại chưa từng gặp y, nên mời tới ngồi chơi thôi”. Y vừa nói vừa liếc nhìn Thiết Ma Lặc, sợ Thiết Ma Lặc buông lời khó nghe,làm mất mặt y. May mà Thiết Ma Lặc không nói gì, Tần Tương bèn nói tiếp “Nếu đã không có chuyện gì, bọn ta có chút chuyện muốn trao đổi với Thiết Đô úy, xin cho cáo lui”.
Dương Quốc Trung trong lòng run sợ, chỉ tiếc là họ không đi sớm hơn, lúc ấy qua quít vài câu, rồi lập tức tiễn họ ra.
Thiết Ma Lặc sải chân bước ra, cười nhạt một tiếng vẫn không nói câu nào, lúc ra đi vẫn không vái chào, khiến Dương Quốc Trung tức giận phát run.
Vào tới giữa rừng, Thiết Ma Lặc thở phào một hơi, mới lên tiếng hỏi “Tại sao các ngươi biết ta ở chỗ Dương Quốc Trung?”. Uất Trì Bắc cười nói “Trường Lạc công chúa sợ ngươi gặp nạn, bảo bọn ta tới bảo giá cho ngươi!”.
Nguyên là Trường Lạc công chúa núp ở trong rừng, nghe Vũ Văn Thông nói chuyện, biết y vâng lệnh Dương Quốc Trung tới “mời” Thiết Ma Lặc trong lòng vô cùng lo lắng, vội sai nội thị gọi hai người bọn họ tới, bảo họ làm như thế như thế.
Uất Trì Bắc lại cười nói “Trường Lạc công chúa sợ ngươi bị Dương Quốc Trung hại, lo lắng tới mức đứng ngồi không yên, xem ra công chúa đối với ngươi có ý tứ lắm đấy!...
Thiết Ma Lặc đỏ mặt tía tai, vội nói “Uất Trì đại ca, đừng nói đùa như thế mà”.
Uất Trì Bắc cười lớn nói “Có gì mà không đùa được, mà ta cũng không lấy chuyện ấy để nói đùa đâu! Công chúa cũng phải lấy chồng, lấy ngươi thì có gì không được chứ? Ô, Thiết huynh đệ ơi, nếu là công chúa thứ hai thì ta không dám khuyên ngươi cưới cô ta, còn vị Trường Lạc công chúa này, là một nữ kiệt hiểu lý lẽ, văn võ toàn tài đấy. Ngươi lấy cô ta, thì không sợ bị hoàng gia coi thường đâu.
Uất Trì Bắc là một phen có ý tốt, Thiết Ma Lặc có thể nổi nóng với Dương Quốc Trụng, nhưng với Uất Trì Bắc thì không thể, lúc ấy chỉ còn cách nói thật với họ “Đại ca còn chưa biết, tiểu đệ đã đính hôn rồi”.
Uất Trì Bắc ngượng nghịu cười nói Là Lão Hắc ta lỗ mãng, không biết thì không bắt tội, Thiết huynh đệ, xin thứ lỗi cho Lão Hắc lỡ lời”.
TầnTương hỏi “Thiết huynh đệ đính hôn với cô nương nhân nào thế?”.
Thiết Ma Lặc nói “Chính là con gái của Hàn lão tiền bối Hàn Trạm”.
Tần Tương và Uất Trì Bắc đồng thanh hô hô cười rộ, nói “Té ra đều là người quen, cô nương ta quả là tài giỏi hơn công chúa nhiều”.
Uất Trì Bắc chuyển qua chuyện khác, hỏi Thiết Ma Lặc “Ta không tin Dương Quốc Trung lại tốt bụng như thế. Chẳng có chuyện gì mà lại mời ngươi tới chơi, rốt lại là chuyện gì thế?”, Thiết Ma Lặc căm hờn nói “Y bảo ta làm nanh vuốt cho y” lúc ấy bèn kể lại cuộc gặp gỡ với Dương Quốc Trung một lượt chỉ bỏ qua không nói tới đoạn Dương Quốc Trung hứa làm mai cho y.
Tần Tương thở dài nói “Dương Quốc Trung làm chuyện trái lẽ, trời giận người oán, y vẫn không biết hối lỗi, tương lai không biết sẽ gây ra chuyện gì, chỉ e giang sơn nhà Đại Đường phải mất trong tay y”.
Thiết Ma Lặc nói “Mới rồi có hai viên sứ giả Hồi Hột tới xin gặp Dương Quốc Trung, Tần đại ca có biết chuyện ấy không?”. Tần Tương nói “Cũng có nghe qua. Nói ra thì hai viên sứ giả Hồi Hột ấy cũng không phải là Dương Quốc Trung mời tới. Nguyên là Huyền tông vì thế giặc quá lớn, giang sơn là chuyện quan trọng, vì vậy muốn mượn quân nước ngoài dẹp loạn, hai viên sứ giả Hồi Hột ấy là tới thương lượng chuyện xuất binh với Huyền tông.
Điều kiện xuất binh Hồi Hột đề ra rất nặng nề, những đất đại mà họ thu hồi được thì phụ nữ và ngọc lụa đều thuộc về họ. Huyền tông và bọn Trần Nguyên Lễ, Vi Kiến Tố, Ngụy Phương mấy vị đại thần văn võ đi theo thương lượng xong, đều không dám đáp ứng, chỉ có Dương Quốc Trung ra sức bài bác lời bàn của mọi người, lý do của y là: Không nên vì chuyện nhỏ mà bỏ mất chuyện lớn”, để Hồi Hột bắt đi một số phụ nữ, cướp đi một số vàng lụa, nhưng có thể bảo toàn được giang sơn nhà Đại Đường, đó cũng là “kế sách” . Lúc ấy cũng có một số người theo gió phất cờ, phụ họa với Dương Quốc Trung, hai bên tranh luận không thôi, chưa quyết bề nào.
Tần Tương nói “Xem ra sứ giá Hồi Hột đã nghe ngóng được nội tình ấy, nên tới chạy chọt cửa Dương Quốc Trung, xin anh em y nói với hoàng thượng, cốt để thỏa mãn điều kiện của họ. Hừ hừ, chắc Dương Quốc Trung đã thu nhận rất nhiều lễ vật quý báu rồi”.
Thiết Ma Lặc cả giận nói “Dương Quác Trung không cần bách tính, bách tính cũng không cần y!”. Tần Tương vội nói “Thiết huynh đệ kín miệng, tất cả đều do hoàng thượng quyết, chúng ta không được tùy tiện nghị luận, câu ấy nếu để người khác nghe được, chỉ e ngươi sẽ bị khép vào tội danh mưu phản đấy”.
Uất Trì Bấc tức giận nói “Tần đại ca, ngươi cũng sợ rồi, chẳng lẽ chúng ta cứ mặc kệ Dương Quốc Trung làm chuyện bậy bạ sao?”.
Tần Tương cười gượng nói “Chẳng lẽ ngươi quả thật có thể giết chết Dương Quốc Trung à? Roi vàng của ngươi dọa y thì còn được, chứ nếu đánh y thật, chỉ e hoàng thượng cũng quyết không nghĩ tới công lao của tiên tổ ngươi đâu. Huống hồ chúng ta thân làm Long ky đô úy, chức trách chỉ là bảo vệ thánh giá, còn đại sự tiều đình thì không thể để chúng ta quản đâu.
Uất Trì Bắc tức tối nói “Nếu Dương Quốc Trung có chuyện gì đụng tới ta, ta cứ liều cái mạng này, quản y một phen”. Tần Tương nói “Được rồi, đước rồi, đừng nói những chuyện bực bội như thế nữa, về ngủ sớm một chút đi”. Uất Trì Bắc nổi nóng một lúc, cũng chỉ đành chia tay.
Đêm ấy, Thiết Ma Lặc tâm sự rối như tơ vò, lại không ngủ được, trong lòng nghĩ thầm “Hoàng đế là người một nhà với Dương Quốc Trung, thế thì nhất định sẽ không hỏi tội y. Đại thần trong triều, người nào cũng sợ quyền thế của Dương Quốc Trung, ngay cả Tần đại ca cũng không dám đắc tội với y cũng đủ để thấy rồi. Ôi, chẳng lẽ quả thật không có cách nào trừ khử Dương Quốc Trung sao?”.
Còn có một tâm sự khác càng khiến Thiết Ma Lặc phiền muộn hơn, đó chính là Trường Lạc công chúa đối xử với y ngày càng thân thiết, Thiết Ma Lặc vốn không bao giờ nghĩ rằng Trường Lạc công chúa lại có tình với y, nhưng từ tình hình công chúa nói chuyện với y trong rừng tối nay, rồi chuyện Dương Quốc Trung hứa làm mai mối cho y tới lời Uất Trì Bấc nói với y, bất giác lại khiến Thiết Ma Lặc không thể không nghĩ tới “Ngay Uất Trì đại ca cũng nhận ra, dường như cô ta đối với mình quả thật có mấy phần ý tứ! Chà, một Vương Yến Vũ đã đủ phiền não rồi, nếu lại thêm công chúa, thì bảo mình làm sao giãy ra được?”.
Đêm ấy Thiết Ma Lặc ngủ không được, sáng hôm sau đầu óc vẫn còn mơ màng. Gần đến giờ Ngọ, Thiết Ma Lặc đang trong trướng chờ hộ quân đưa cơm tới, chợt nghe phía ngoài có một tràng tiếng huyện náo, Thiết Ma Lặc bước ra xem, chỉ thấy một toán quân sĩ bao vây mấy người, nhìn kỹ lại, té ra người bị vây lại nhà bếp của Dương Quốc Trung.
Người nhà bếp khiêng một con heo quay, còn có thức ăn khác bốc mùi thơm phức, bọn quân sĩ đang xúm lại cướp con heo quay.
Tên Nhà bếp kia thấy Thiết Ma Lặc bước tới mà Thiết Ma Lặc lại mặc quần áo võ quan, cho rằng đã có cứu tinh, vội kêu lên “Đại nhân mau tới cứu mạng!”. Nào ngờ Thiết Ma Lặc bước tới nói “Ngươi đặt con heo quay ấy xuống là xong, ta đảm bảo họ không giết ngươi!”. Bọn quân sĩ hò reo “Đúng đấy! Bọn ta chỉ cần con heo quay này thôi, chứ không muốn ăn thịt ngươi đâu! Dương Quốc Trung nhịn một bữa có hề gì, bọn ta đã phải ăn vỏ cây rễ cỏ rồi!”. Đang ầm ĩ không sao can ra, chợt có một đội võ sĩ khác xông tới, vung roi đốp đốp chát chát đánh bừa ra, chửi “Các ngươi đói tới mức đầu óc cũng hôn mê rồi à, cả thức ăn tướng gia mời khách cũng đòi cướp?”, vung roi quất bừa xuống, cả Thiết Ma Lặc cũng bị trúng một roi!
Thiết Ma Lặc cả giận, vung tay cướp roi da của một viên võ sĩ, chửi “Các ngươi theo Dương Quốc Trung ăn thừa canh cặn mập ú, lại không nghĩ tới quân sĩ sống chết sao à?”. Roạt roạt roạt liên hoàn đánh ra, lập tức đánh mấy tên vệ sĩ đứng gần ngã lăn xuống đất kêu ầm lên.
Sự tình vừa xảy ra, lập tức như núi lửa phun trào, không sao dàn xếp, lúc đầu chỉ là một toán quân nhỏ, trong chớp mắt giống như một khối tuyết lớn lăn tròn, càng lúc càng đông, quân sĩ các doanh đều náo động, chạy tới chạy lui hò hét chửi mắng như núi băng biển động, đám võ quan làm sao ngăn chặn được? Ngay quân Vũ lâm cũng vào cuộc, tranh nhau động thủ đánh nhau với thân binh của Dương Quốc Trung!
Trong đám đông không biết có ai cao giọng kêu lên “Tìm Dương Quốc Trung tính sổ đi! Hỏi xem có phải y muốn cho chúng ta chết đói không?”. “Dương gia nhà họ hưởng phúc nhiều rỗi, làm cho quốc gia tới nông nỗi này, Dương Quốc Trung ngươi còn dám mặt dày làm Tể tướng à?”. Tiếng chửi vừa vang lên, bốn phía hưởng ứng, quân sĩ tôn Thiết Ma Lặc làm người đứng đầu, dòng người như sóng tràn vào chỗ ở tạm thời của Dương Quốc Trung. Thân binh của Dương Quốc Trung đã sớm ôm đầu bỏ chạy, đâu dám nghênh địch.
Tối hôm qua Dương Quốc Trung giữ hai viên sứ giả Hồi Hột lại bàn bạc suốt đêm, lúc ấy vừa thức dậy, đang sắp bày tiệc mời khách, nghe tiếng ầm ầm trong lòng hoảng sợ. Vệ binh thân tín của y vào báo “Không xong, quân sĩ làm ầm lên, đều do viên Thiết Đô úy mới tới dẫn đầu, muốn đánh vào đây. Xin tướng gia mau ra trấn áp!”.
Dường Quốc Trung định thần, hỏi “Chỉ có tên tiểu tử họ Thiết ấy thôi phải không? Có vị đại nhân nào khác không, Trần tướng quân thì sao?”. Thân binh nói “Không thấy Trần tướng quân đâu, các vị võ quan khác cũng đều không ra mặt”.
Trần tướng quân mà Dương Quốc Trung hỏi chính là Hộ giá Long hổ đại tướng quân Trần Nguyên Lễ thống suất ba quân, trước nay Trần Nguyên Lễ với Dương Quốc Trung bằng mặt không bằng lòng, nên lúc đầu Dương Quốc Trung còn cho là Trần Nguyên Lễ xúi quân sĩ làm loạn để đối đầu với y, bây giờ nghe thấy các võ quan ngoài Thiết Ma Lặc đều chưa ai tham gia, cũng can đảm thêm một chút, nhưng việc tới thế này, cũng chỉ đành đích thân ra trấn áp. Lúc ấy y dưới sự bảo vệ của mấy tên vệ binh đắc lực bước ra gặp quân sĩ, đồng thời bảo hai viên sứ giả Hồi Hột rón rén theo cửa sau trốn đi.
Dương Quốc Trung quát lớn “Thiết Tranh, ngươi làm quan lớn mà dám lớn mật phạm thượng làm loạn à? Ha ha, các ngươi có biết tội danh mưu phản không? Đều là phải ngũ mã phanh thây tru đi chín họ! Nghĩ tới các ngươi ngu muội vô tri, bị người ta xúi giục, bây giờ bản Tướng quốc đặc biệt ra ơn, chi bắt một mình Thiết Tranh hỏi tội, còn các ngươi thì giải tán đi?”.
Dương Quốc Trung cậy oai quyền Tể tướng, chụp cái mũ tạo phản lên, quả nhiên có rất nhiều quân sĩ bị y dọa dẫm, nhưng giống như trước khi mưa bão, không khí tạm thời yên tĩnh, nhưng nhiều quân sĩ bị khích động lại càng phẫn nộ, mưa giông càng lớn.
Dương Quốc Trung đang sai vệ sĩ bắt Thiết Ma Lặc, chợt nghe một tiếng quát lớn như tiếng chuông rền, Long ky đô úy Uất Trì Bắc xông tới, mắng lớn “Dương Quốc Trung, ngươi tư thông với sứ giả nước Phiên mới là mưu phản, lại dám vu cáo người khác à?”.
Thiết Ma Lặc chợt động tâm niệm, nghĩ thầm “Người nói ta phản, thì ta cứ phản xem, hôm nay quyết không thể cho ngươi được sống?”. Y chụp lấy cơ hội, lập tức quát theo “Các ngươi xem đấy, hai người kia chính là sứ giả Hồi Hạ vừa từ đây chạy ra?”. Hai viên sứ giả Hồi Hột hoảng sợ cúi đầu chạy thục mạng, vừa khéo sau miếu có mấy con ngự mã, hai viên sứ giả là võ sĩ nổi tiếng ở Hồi Hột, vội vàng ba chưởng hai cước đánh ngã bọn mã phu cướp ngựa, từ cấm địa “hành cung” xông ra khoảng rừng cây sau miếu bỏ chạy.
Quân sĩ mọi mắt cùng thấy, mọi tay cùng chỉ đều xông tới Dương Quốc Trung, trước khi Uất Trì Bắc phát hiện ra, không ai chú ý tới hai viên sứ giả Hồi Hột, họ chạy rất nhanh, mọi người đều không kịp đuổi theo bắt lại. Nhưng tuy thời gian gáp rút, quán sĩ cũng đều nhìn thấy hai “người Phiên” ấy rõ ràng. Có người vung tay gọi lớn “Dương Quốc Trung tư thông với Phiên sứ mưu phản, sao chúng ta không đánh chết phản tặc đi?
Dương Quốc Trung hồn phi phách tán, tuy nhiên cũng cao giọng quát “Hai viên sứ giả Hồi Hột ấy là hoàng thượng mời tới, không can hệ gì tới ta, Uất Trì tướng quân, Thiết Đô úy, các ngươi không được vu khống người tốt!”, nhưng lúc ấy ba quân đã hò hét ấm ĩ, tiếng nói của Dương Quốc Trung bị át đi trong tiếng hò hét quát tháo ầm ầm, chỉ thấy y há miệng nhe răng, chứ không ai nghe được y nói gì.
Thật ra cho dù quân sĩ nghe rõ lời y nói cũng không có ích gì. Nên biết mọi người đã ôm lòng bất mãn với y từ lâu, chỉ hận không được ăn thịt lột da y, tư thông với “Phiên sứ” chẳng qua chỉ là cái cớ để giết y mà thôi. Lúc ấy đã vỡ lở thành chuyện lớn, làm sao còn có ai chịu nghe y phân biện?
Có hai tên vệ sĩ không biết sống chết còn định bảo vệ Dương Quốc Trung tháo chạy, bị Thiết Ma Lặc vung kiếm chém ngã, quân sĩ như bầy ong tràn tới, binh khí chém bừa xuống, lập tức băm Dương Quốc Trung nát nhừ. Uất Trì Bắc vốn chỉ định doạ Dương Quốc Trung để cứu Thiết Ma Lặc, nào ngờ sự tình xảy ra lại hoàn toàn nằm ngoài sự dự liệu của y, cho dù y can đảm rắn rỏi, cũng hoảng sợ ngẩn ra.
Nỗi căm uất của quân sĩ chất chứa lâu ngày một sớm được phát tiết, quả thật lửa giận bừng bừng, không gì trấn áp được. Cục diện ấy không những bất ngờ đối với Uất Trì Bắc, mà thậm chí cả Thiết Ma Lực cũng không sao ngờ tới, quân sĩ giết chết Dương Quốc Trung rồi, trong chớp mắt lại giết luôn Thị lang bộ Hộ Dương Huyên con y nhưng vẫn chưa chịu thôi, người nào cũng như phát điên gào thét ầm ĩ, muốn giết hết cả nhà họ Dương, cả Dương Quý phi cũng tính vào đó!
Hai người chị em gái của Dương Quý phi là Hàn Quốc phu nhân và Quắc Quốc phu nhân nghe được phong thanh, vội vàng lên xe chạy đi, lúc ấy đầy đồng khắp núi đều là loạn quân làm sao chạy thoát? Đám quân sĩ nhất tề đuổi theo, đầu tiên giết chết Hàn Quốc phu nhân, rồi đuổi theo định giết Quắc Quốc phu nhân.
Quắc Quốc phu nhân giữa chỗ chết cầu được sống, quân sĩ vừa cản chiếc xe ngựa của nàng lại, nàng chợt vén rèm xe lên, nài nỉ với quân sĩ “Các ngươi đã giết anh ta rồi, ta là đàn bà, chuyện của anh ta làm không liên quan gì tới ta, xin các ngươi giơ cao đánh khẽ, tha cho hai mẹ con ta?”.
Vừa năn nỉ vừa ném ra rất nhiều vàng bạc châu báu. Qúăc Quốc phu nhân thiên tư quốc sắc, so với chị là Dương Quý phi thì còn xinh đẹp hơn ba phần, đương thời thi nhân Trương Hựu có bài thơ rằng “Quắc Quốc phu nhân được đội ơn Bình minh lên ngựa tới cung môn. Lại hiềm son phấn hại nhan sắc, Vẽ nhạt mày ngài chầu chí tôn”. Bài thơ này một mặt tả Quắc Quốc phu nhân được hoàng đế ân sủng thế nào, có thể sáng sớm cưỡi ngựa vào cửa cung, một mặt ra sức khắc họa sự xinh đẹp của nàng không cần dùng son phấn điểm trang sợ son phấn làm xấu đi dung mạo xinh đẹp, chỉ vẽ lông mày thật nhạt cũng đủ nghiêng nước nghiêng thành rồi.
Đám quân sĩ bao vây quanh xe Quắc Quốc phu nhân hoàn toàn không coi số châu báu nàng vứt ra vào đâu, nhưng đột nhiên thấy nàng vén rèm xe nhìn ra, đều không kìm được ngẩn người, huống hồ nàng nài nỉ khẩn cầu, như một đóa hoa lê trong mưa, lại càng thê thảm động lòng người, số quân sĩ kia đều cầm binh khí sáng loáng trong tay, nhưng không biết vì sao không nỡ chém xuống, để gia đinh đánh xe của Quắc Quốc phu nhân tiếp tục giong xe đi thoát ra khỏi vòng vây.
Có điều Quắc Quốc phu nhân cũng chỉ tạm thời thoát nạn, nàng chạy khỏi trạm Mã Ngôi, không tìm được cái ăn, nhịn đói mấy ngày, hình dung tiều tuỵ, sau cùng lúc chạy tới huyện Trần Thương, vẫn bị Huyện lệnh Tiết Cảnh Tiên suất lãnh lại dịch và nhân dân đuổi bắt giết chết, nhưng đó là chuyện ngoài đề, khôngcần nói nữa.
Lại nói lúc ấy loạn quân nổi lên khắp nơi, đã như một đám lửa thiêu cả cánh đồng, thế nhứ sóng dữ không sao ngăn chặn, quân sĩ phía sau thấy tiền quân thả cho Quắc Quốc phu nhân chạy thoát đều chửi mắng ầm lên, lại có người quát “Nhổ cỏ phải nhổ rễ, con tiểu hồ ly ấy thì cũng bỏ qua, chứ hồ ly Dương Quý phi thì không giết không được!”. Câu ấy vừa nói ra, rất nhiều người cùng phụ họa, tiếng la thét vang trời, lúc ấy đã không cần có ai suất lãnh, tướng sĩ cũng đã vây kín ngôi cổ miếu “hành cung”, la thét quát tháo, đòi Huyền tông hoàng đế phải lập tức giết chết Dương Quý phi.
Huyền tông nghe chuyện binh biến, làm sao dám ra? Vội sai Long hổ đại tướng quân Trần Nguyên Lễ ra mặt dùng lời lẽ ôn tồn an ủi quân sĩ, ra lệnh mọi người trở về bộ ngũ. Trần Nguyên Lễ ra nói “Các ngươi giết Dương Quốc Trung rồi, tại sao vẫn còn tụ họp chưa giải tán, làm kinh động thánh giá?”. Cũng không biết ai làm ra bốn câu ca truyền nhau trong loạn quân, quân sĩ đồng thanh hát “Giặc tuy đã giết, Rễ giặc vẫn còn, Không nhổ rễ giặc, Làm sao yên lòng?”.
Trần Nguyên Lễ chỉ đành trở vào, theo sự thật tâu lên “Ý của quân sĩ, vì Quốc Trung đã bị giết, Quý phi cũng không nên hầu hạ chí tôn nữa, xin chờ thánh giám!”.
Huyền tông cả kinh thất sắc, rơi nước mắt, nói “Phi tử ở trong cung sâu, cho dù Quốc Trung mưu phản cũng có liên quan gì tới nàng, bây giờ đang giữa lúc trẫm lưu lạc, chỉ có phi tử bên cạnh, cũng chỉ có nàng hiểu được ý trẫm, ngươi bảo trẫm làm sao bỏ nàng được?”.
Trần Nguyên Lễ nhất thời không trả lời được, chỉ đưa mắt nhìn qua Cao Lực Sĩ bên cạnh Huyền tông, Cao Lực Sĩ là thái giám được tin dùng nhất, bình thời phụng thừa Dương Quý phi tới mức không gì không làm, lúc ấy nghe tiếng reo hò quát tháo của quân sĩ, sợ họ coi y là bè đảng của Dương Quý phi lại giết y luôn, thấy Trần Nguyên Lễ đưa mắt ra hiệu, trong lòng rúng động, chỉ đành quỳ xuống tâu “Quý phi quả thật vô tội nhưng tướng sĩ đã giết Quốc Trung mà Quý phi vẫn còn ở bên cạnh hoàng thượng, làm sao họ yên tâm được? Xin hoàng thượng nghĩ kỹ, tướng sĩ yên lòng thì thánh thể mới được vạn an”. Kinh triệu Tư lệ Hàn Ngạc cũng quỳ xuống tâu “Sự giận dữ của nhiều người khó mà dàn xếp, yên nguy chỉ trong khoảnh khắc, hoàng thượng không bỏ được Quý phi, chỉ e tướng sĩ muốn hại hoàng thượng, xin bệ hạ cắt tình nhịn nhục để yên quốc gia”. Huyền tông buồn bã gật đầu, còn chưa nói gì, đã nghe Dương Quý phi sau rèm bật tiếng khóc lớn. Chỉ nghe Dương Quý phi khóc nói “Lời các ngươi ta đã nghe cả rồi, xin bệ hạ bảo trọng, đừng nhớ nhung gì tiện thiếp nữa”. Huyền tông thần sắc thê thảm xua xua tay, bọn Trần Nguyên Lễ đều không dám nói thêm câu nào,từng người từng người lui ra.
Huyền tông nhìn Quý phi, không nói câu nào, Dương Quý phi còn mong manh hy vọng, nức nở nói “Tam lang (Huyền tông xếp thứ ba), chàng không nhớ ngày bảy tháng bảy năm trước nửa đêm không người, chúng ta nói chuyện ở điện Trường Sinh sao?”. Huyền tông nói “Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành. Phi tử, trẫm chỉ mong đời đời kiếp kiếp được làm vợ chồng với ngươi., ờ…”. Tiếng la thét của quân sĩ ngoài cửa càng ầm ĩ. Huyền tông sắc mặt xám ngoét, nhưng không sao ứa nước mắt được nữa, vừa ờ một tiếng, cũng không nói được đoạn dưới. Dương Quý phi biết đã hoàn toàn tuyệt vọng, khóc nói “Vì giang sơn của bệ hạ, thần thiếp tình nguyện…tuỳ bệ hạ xử trí, chỉ xin được chết toàn thây!”. Huyền tông cũng khóc nói “Xin nhờ cậy sức phật cho phi tử được đầu thai vào nơi tốt đẹp”, rồi ngoảnh lại gọi “Cao Lực Sĩ, ra đây!”. Lúc ấy lấy ra một tấm lụa trắng ném cho Cao Lực Sĩ nói “Ngươi dắt Quý phi tới hậu điện phật đường, thay trẫm tiễn Quý phi lên tiên giới”. Phía sau Phật đường có một cái cây, Cao Lực Sĩ bưng tấm lụa lên, Dương Quý phi liền tự thắt cổ dưới cái cây ấy, chết năm ba mươi tám tuổi. Thi nhân Bạch Cư Dị về sau có bài Trường hận ca kể chuyện Dương Quý phi và Huyền tông, trong đó có một đoạn như sau “Chín trùng cửa khuyết bụi trần bay, Ngàn xe muôn ngựa ruổi về tây. Cờ lọng dùng dằng đi chậm chậm, Ra cửa đô thành hơn trăm dặm, Sáu quân không tiến biết làm sao, Quằn quại mày ngài chết trước ngựa.Trâm vòng rơi đất không người thu, Lắc lư ngọc sáng còn trên đầu, Quân vương che mặt cứu không được, Quay nhìn máu lệ xiết sầu đau” là vịnh chuyện ở trạm Mã Ngôi hôm ấy.
Huyền tông ở hành lang cạnh Phật đường nhìn thấy bồi hồi, mọi người đều tránh đi hết, y không dám bước qua nhìn cảnh tượng Dương Quý phi lúc chết, nhưng cũng không nỡ rời đi, không bao lâu chỉ nghe lá trên cây rụng xuống rào rào, giống như làm lễ lúc Dương Quý phi lâm chung, không bao lâu lại nghe keng một tiếng, có lẽ là cái trâm ngọc trên đầu Dương Quý phi rơi xuống. Huyền tông ôm mặt thở dài, nhưng giữa lúc đau xót lại bất giác cảm thấy nhẹ nhõm, loạn quân
ngoài cửa chắc đã biết tin tức, tiếng quát tháo ầm ĩ dần dần ngớt đi. Không sai, phi tử y yêu thương nhất đã chết rồi, nhưng sự uy hiếp đối với bản thân y cũng đã mất đi.
Huyền tông vẫn cảm thấy mờ mịt, cũng không biết là buồn hay vui, đột nhiên có một bóng người từ góc tối bước ra, sấn tới quỳ xuống, hạ giọng nói “Xin bệ hạ bớt đau buồn, nô tài có việc bẩm báo...”. Huyền tông nói “Tránh ra, chuyện gì trẫm cũng không đếm xỉa tới nữa”.
Y chỉ cho rằng là một thái giám nào đó, nhưng khi nhìn kỹ lại thì là một võ quan mặc nhung trang đeo kiếm. Huyền tông giật nảy mình, nói “Ngươi từ đâu tới đây?”. Lúc ấy y mới nhìn rõ là Vũ Văn Thông, chỉ cho rằng Vũ Văn Không cũng tham gia cuộc bình biến, lại hỏi “Trẫm đã xử tử Quý phi rồi, chằng lẽ quân sĩ còn không chịu tha cho trẫm sao?”. Vũ Văn Thông nói “Bệ hạ có muốn báo thù cho Quý phi không?”. Huyền tông liên tiếp xua tay, kế đó nghĩ nếu Vũ Văn Thông có ý phạm thượng tác loạn thì không cần phải giữ lễ quân thần, vì thế bèn gọi y đứng dậy, hạ giọng nói “Ngươi có lời gì, thì nói khẽ thôi”.
Vũ Văn Thông nói “Lần binh biến này quả thật là bị người ta xúi giục, tướng quốc và Quý phi vốn không đến nỗi phải chết, đều là do người ấy...”. Huyền tông hỏi “Người ấy là ai?”. Vũ Văn Thông đang định nói ra tên “người ấy”, chợt nghe có tiếng giày lộp cộp, Long hổ đại tướng quân Trần Nguyên Lễ và Trường Lạc công chúa bước vào. Trường Lạc công chúa tới để an ủi cha. Trần Nguyên Lễ thì tới xin thánh chỉ vỗ về an ủi tướng sĩ. Vũ Văn Thông nhìn thấy công chúa trong lòng hoảngsợ, vội vàng dừng lại, lại giải thích với Trần Nguyên Lễ “Ta ..sợ có loạn quân xông vào, nên tới đây bảo giá”. Thật ra Trần Nguyên Lễ chưa từng hỏi y, y giải thích như thế càng thừa, lại khiến công chúa nảy ý nghi ngờ.
Trần Nguyên Lễ nói “Tướng sĩ đều trung thành với hoàng thượng, hoàng thượng không cần phải lo lắng, xin hoàng thượng hạ chiếu an ủi vỗ về cho họ yên tâm”. Huyền tông lập tức hạ chỉ, sai Trần Nguyên Lễ ra hiểu dụ tướng sĩ nói Dương Quốc Trung tội đã đáng chết, hoàng thượng về việc này chỉ có khen thưởng, quyết không truy cứu, phi tử họ Dương cũng đã hạ chỉ ban cho được chết, bảo tướng sĩ cứ yên tâm giải tán. Chỉ đụ truyền ra, tướng sĩ còn chưa chịu tin Dương Quý phi đã chết, Huyền tông bèn sai Cao Lực Sĩ dùng chăn thêu đắp lên xác Dương Quý phi khiêng ra cho quân sĩ xem một lượt quân sĩ mới hô vạn tuế ba lần rồi giải tán.
Huyền tông lại sai Cao Lực Sĩ gấp rút chuẩn bị quan tài, chôn cất Dương Quý phi qua loa ở trạm Mã Ngôi. Cũng đúng lúc ấy có hai ky mã từ Tây Thục tới, quân sĩ chặn họ lại thì té ra là người của Thái thú Quảng Nguyên mang trái vải tới tiến cống.
Nguyên là Dương Quý phi rất thích ăn trái vải, nàng là người đất Thục, Thục Trung cũng có trái vải, có điều không ngon ngọt bằng vải Lĩnh Nam, nên sau này khi nàng đã làm Quý phi, “Sủng ái ba ngàn dồn một mối” bèn không ăn trái vải đất Thục nữa, mà đòi Thứ sử Lĩnh Nam thiết lập trạm vận chuyển cho nàng, chở trái vải Lĩnh Nam về tiến cống, câu thơ “Trái vải dặm ngàn vừa chở tới, Bụi hồng ngựa ruổi mỹ nhân cười” của Đỗ Mục thi nhân nổi tiếng đương thời là nói tới chuyện ấy.
Thái thú Quảng Nguyên đã nhận được thư qua dịch trạm, biết Huyền tông và Dương Quý phi vào Thục, nghĩ thầm “Quý phi trong lúc lánh nạn thế này, không thể ăn được trái vải Lĩnh Nam. Mình để bà ta được ăn trái cây của quê hương; cũng dễ được bà ta vui thích”. Nhưng không ngờ trái vải đưa tới, đúng lúc chôn cất Dương Quý phi. Quân sĩ tranh cướp trái vải hô hô cười rộ, trong khoảnh khắc hai sọt lớn trái vải đã bị quân sĩ ăn sạch không còn một quả. Về sau thi nhân Trương Hựu có thơ rằng “Cờ súy không nghiêm biết hỏi ai, Bắc nam hai nẻo nghĩ bùi ngùi. Phấn hương nay đã vùi trong đất, Trái vải còn đưa tới Mã Ngôi”. Chuyện thi nhân ngâm vịnh không cần kể hết, lại nói Huyền tông thấy việc biến loạn đã yên, nước lụt đã rút, đường sá lại thông, tuy vẫn đau xót cũng có cảm giác “trong cái rủi có cái may”, lúc ấy bèn sai Trần Nguyên Lễ ước thúc ba quân lên đường. Nào ngờ đại loạn tuy đã dẹp yên, nhưng vẫn còn một chút sóng gió, vì Dương Quốc Trung nguyên là người Thục, tướng sĩ thuộc hạ của y phần lớn ở trong đất Thục, có một bộ phận quân sĩ không chịu đi vào phía tây, hoặc xin ở lại Hà Lũng, hoặc xin lên Thái Nguyên, hoặc xin trở về kinh sư, bàn luận nhao nhao, không ai giống ai.