Những người thích rượu, có rượu mà không được uống lại bắt buộc phải uống nước ngọt thay rượu, đã là một cái khổ rồi.
Còn khổ hơn nữa là trong khi bị bắt buộc uống nước ngọt lại có người ngồi trước mặt uống rượu, uống ngon lành, vừa uống vừa khề khà như chọc tức, như thử thách.
Phú Bát Gia vừa uống, vừa thốt:
- Uống ngọt là diễm phúc, uống cay, uống đắng là tội là khổ. Các vị có diễm phúc còn chờ gì không hưởng phúc, trong khi lão phu đền tội? Nào xin mời các vị cầm đũa, gắp thức ăn, nhấm nháp với nước ngọt.
Hạng thông minh mất rượu, định vớt vát lại trong tiết mục ăn, nên cầm đũa liền.
Nhưng, Phú Bát Gia cao giọng hỏi:
- Cái món ăn này kẻ nào nấu đây? Thế muốn hại người hay sao mà nấu như vậy?
Hạng thông minh, nhanh hơn, vội buông đũa, nhìn chủ nhân.
Có người kinh dị hỏi:
- Tại sao?
Phú Bát Gia nghiêm sắc mặt:
- Các vị lẽ nào không biết? Món ăn có nhiều dầu mỡ, làm tổn hại sức khoẻ bởi nặng tiêu hoá, sao cho bằng những thứ rau cỏ, đậu hũ rất bổ dưỡng lại giúp cơ thể nhẹ nhàng. Phàm con nhà võ điều cơ kỵ nhất là kém sức khoẻ, ăn mỡ dầu thì cơ thể nặng nề hành động chậm chạp, lúc giao đấu không linh hoạt như ý muốn.
Dừng lại một chút, lão tiếp:
- Các vị từ xa đến, các vị là quý khách của lão phu, nếu để các vị thiệt hại, thì suốt đời lão phu mang hận nặng, thôi thì cách vị nên uống nước ngọt, ăn đậu hũ rau cỏ bảo vệ sức khoẻ còn những món có dầu có mỡ thì để cho lão phu ăn cho.
Lão lại đứng rồi thở dài tiếp:
- Lão phu già rồi sống hay chết sanh mạng không đáng kể nữa dù có uống rượu ăn thịt bị thiệt hại cũng chẳng sao. Chứ các vị khác tương lai còn dài đương nhiên phải bảo trọng.
Mọi người sững sờ.
Họ càng sững sờ hơn nữa khi tháy lão dồn hết mấy đĩa thịt thơm ngon về gần lão, đẩy những đĩa rau, đậu hũ cho khách.
Bỗng có người thốt:
- Uống cay, uống đắng là một cách chuộc tội, đền tội ăn thịt là tự làm hại lấy mình. Là bằng hữu phải gánh chịu cái tội, cái hại với nhau mới hợp đạo lý. Tại hạ nỡ nào để Bát ca lãnh cái khổ một mình. Vậy xin chia phần rượu đó, phần thịt đó với Bát ca để tỏ cái ý chí, hoạn nạn đồng chịu với nhau.
Câu nói đó, mọi người đều muốn nói song không ai dám nói.
Không nói được, họ tức uất.
Bây giờ,có người nói được họ khoan khoái vô cùng, nhưng họ lại lo sợ cho người vừa nói.
Bởi đương nhiên, Phú Bát Gia phải giận mà lão giận ai là người đó phải mất mạng.
Đúng vậy, Phú Bát Gia biến sắc mặt. Lão buông đũa xuống bàn, đũa vang thành tiếng, rồi lão cười lạnh thốt:
- Lão phu không có bằng hữu, những bằng hữu của lão phu đều chết hết rồi.
Đoạn lão hỏi:
- Người là ai?
Người đó mỉm cười :
- Ngày mừng thọ của Bát ca, tiểu đệ đến chúc lành, Bát ca chưa chào nhau, sao vội nguyền rủa cho tiểu đệ chết?
Người đó thốt câu thứ nhất, nghe rất gần, song chẳng ai nhìn thấy.
Câu thứ hai vang lên, mọi người nghe như từ xa vọng lại.
Nhưng khi tiếng cười vừa dứt âm vang, người đó xuất hiện tại cục trường.
Người đó rất cao, rất ốm, vận chiếc áo không xanh không xám, mường tượng xanh, mường tượng xám. Quanh hông có một đường dây màu vàng.
Một thanh kiếm đeo lủng lẳng nơi đường giây đó, kiếm thuộc loại rất kỳ mà cũng rất cổ.
Người đó đội chiếc nón trúc, nón có hình thức một cái chậu, chụp xuống đầu, che kín mặt.
Không ai thấy mặt y, song y thấy mọi người.
Bát gia phu nhân cũng thế.
Nhờ có lượt phấn bên ngoài che khuất, nên không ai biết được bà ta có biến sắc chăng, gương mặt bà ta trông như thường.
Người vận chiếc áo bạc màu, đeo kiếm cổ, khệnh khạng bước vào vừa cười, vừa thốt:
- Người từ xa đên, Bát ca cũng chẳng đoái hoài, ban cho một chỗ ngồi à?
Phú Bát Gia trầm gương mặt dày như da trâu thốt luôn mấy lượt.
- Ngồi! Ngồi! Ngồi!
Chừng như lão thốt đủ mười lượt, có lẽ lao còn thốt nữa nếu khách không chận lại:
- A! Tiểu đệ minh bạch rồi. Cái quy củ của Bát ca như thế nầy, có lễ vật mới được ngồi, lễ vật quý trọng thì được ngồi trên, người không lễ vật đừng hòng có chỗ ngồi, mà cái mông cũng có hy vọng nát bét đấy.
Khách đưa tay mò mò trong mình, lại tiếp:
- Tiểu đệ lại quên mất rồi. Quên mang lễ vật đến. Giờ làm sao đây?... Làm sao?
ạ! ạ! Phải rồi! Lễ không cần là quý trọng mới có giá trị, mà chỉ cần có tấm lòng người đến lễ.
Khách lấy ra một mảnh giấy, vừa nhăn, vừa thô đưa trước mặt Phú Bát Gia hỏi:
- Chẳng hay dùng món nầy thay cho lễ vật, có đủ lễ chăng hả Bát ca?
Không ai biết mảnh giấy đó dùng về việc gì.
Ngư Toàn biến sắc mặt, đinh ninh là người đó phải chết với Phú Bát Gia.
Hiến san hô còn bi giết ngay, huống hồ một mảnh giấy nhàu.
Nhưng chẳng có gi xảy ra cả.
Phú Bát Gia gật đầu nhanh.
- Đủ! Đủ! Đủ!
Lão thốt độ mươi lượt và còn thốt nữa nếu khách không chận lại.
- Bát ca đã cho là đủ, thì cũng nên cho tiểu đệ ngồi luôn, ngồi để chia xớt cái tội với Bát ca.
Khách vươn tay, chụp một người.
Người đó có ngoại hiệu là Bán Triệt Sơn, với cái hiệu đó y phải có một thân hình khổng lồ.
Thế mà khách đã giơ bổng lên dễ dàng, như chim ưng chụp gà, chụp thỏ, rồi chẳng rõ khách vung tay thế nào, Bán Triệt Sơn bị tung ra ngoài cửa.
Người đó bị tung, chỗ ngồi trống, khách ngồi xuống liền. Ngồi xong khách với tay kéo lô thịt về gần, tô thịt đang ở trước mặt Phú Bát Gia.
Khách không dùng đũa, nâng tô thịt lên miệng, húp mạnh húp nhanh.
Hết tô thịt khách đặt tô không xuống, lại cầm bình rượu nghiêng miệng bình trút rượu vào miệng, nốc ừng ực, không cần rót ra chén.
Ăn xong, uống xonh, khách điềm nhiên thốt:
- Tiểu đệ chia xớt cái tội với Bát ca rồi đó. Nếu còn tội lỗi gì nữa xin chia sớt luôn, cho trọn tình nhau.
Tội ăn là béo, uống nồng, còn tội nữa là còn món ăn béo, món uống nồng.
Chủ nhân cứ cho mang ra, khách sẵn sàng ăn, uống để chia tội với chủ.
Không rõ nghĩ sao Phú Bát Gia vỗ tay xuống bàn hỏi:
- Các ngươi thế mà cũng xưng là hào kiệt giang hồ. Gặp Điền đại gia, chẳng một ai nhận ra cứ ngồi ỳ, chẳng ai chịu đứng lên làm lễ.
Hét để đỡ phải mang thêm rượu thịt, hét để khoa? lấp sự đòi hỏi của khách, vì lão keo kiết, mà sự đòi hỏi của khách chắc chắn lão không dám khước từ rồi.
Ngư Toàn cứ nhìn thanh kiếm cổ từ lúc khách vào, bỗng nhiên đứng lên, cung cung kính kính vòng tay hỏi:
- Tôn giá họ Điền, chẳng hay tôn giá có liên quan chi đến Thần Long Kiếm Khách Điền đại gia mà giang hồ xưng là Nhất Kiếm Trấn Thiên Sơn.
Khách không đáp, ung dung lật chiếc nón trúc xuống.
Gương mặt lão hiện ra rõ rệt, một gương mặt xanh xao, như không còn một hạt máu, gương mặt đó ngày xưa hẳn cũng thanh tú xong bây giờ hằn nhiều vết sẹo, ngang có dọc có, dọc có sâu, cao ngắn dài đều có, những vết sẹo biết gương mặt giống như mặt quỷ, trông phải khiếp hãi liền.
Ngư Toàn rời nhanh chỗ ngồi, lùi lại ba bước, như hổ dữ bất thình lình.
Đoạn, y nghiêng mình sát đất, cung kính thốt.
- Thì ra, lão tiền bối.
Khách mỉm cười :
- Nào dám, Nào dám nhận sự kính trọng quá độ đó. Tại hạ là Điền Long Tử đây.
Khách cười, những vết sẹo trên gương mặt rung động mườngtượng hằng trăm con thạch sùng lao xao, khách lại càng có vẻ thần bí...
Không ai dám nhìn thẳng vào mặt khách nữa.
Du Bội Ngọc cũng nghe tiếng khách, khách là một trong mười nhân vật từng được giang hồ gọi là Thập đại cao thủ võ lâm, có hành tung nguỵ bí.
Chàng chưa biết lão, song chàng đã có lần so tài với môn đệ lão là Điền Tế Vân, suy công lực của môn đệ, cũng biết được vũ học của sư tôn.
Điền Long Tử nhìn thoáng qua chàng đoạn hỏi Ngư Toàn:
- Vị bằng hữu thiếu niên kia, họ tên chi?
Ngư Toàn đáp:
- Hắn là Ngư nhị, kẻ thân tín của vãn bối.
Điền Long gật gù:
- Khá lắm! Khá lắm. Hắn có nghi biểu nghi phàm đó. Không ngờ trong Phi Ngư Môn lại có một người như vậy, các hạ còn lo gì chẳng có kẻ tiếp nối thanh danh?
Lão chuyển ánh mắt từ Du Bội Ngọc sang Ngư Toàn, đột nhiên hỏi:
- Nghe nói Vũ lâm bát mỹ về tay các hạ, điều đó thật hay giả?
Ngư Toàn cúi đầu, ánh mắt hướng sang Phú Bát Gia, rồi lẩm nhẩm:
- Điều đó... điều đó...
Điền Long Tử vỗ tay cười lớn:
- Lão phu biết rồi. Bát ca cho các hạ ngồi lên trước hiển nhiên là các hạ đã mang Vũ Lâm Bát Mỹ hiến cho Bát ca để chúc thọ đây mà.
Mọi người hết sức kỳ quái!
Họ chẳng hiểu nổi những tượng hình bằng đá đó, có chi quí mà Điền Long Tử xem trọng. Phú Bát Gia xem trọng như vậy.
Nhưng dù sao thì những tượng hình đó phải quý, có quý nên người ta mới gọi là Vũ Lâm Bát Mỹ.
Điền Long Tử tiếp:
- Bát ca ơi! tiểu đệ, tiểu đệ uống, hao tốn của Bát ca hẳn Bát ca sốt ruột lắm.
Song, đã trót xin trót luôn, tiểu đệ mong Bát ca cho nhìn qua tý tám món báu đó. Giả như Bát ca có xót ruột rồi, thì xót thêm một chút nữa, cũng chẳng sao?
Phú Bát Gia trầm gương mặt, không đáp:
Điền Long Tử cũng trầm gương mặt tiếp:
- Tiểu đệ chỉ nhìn qua thôi mà. Tiểu đệ không làm sứt mẻ một mảnh nhỏ da thịt nào của tám vị tuyệt sắc đó đâu.
Gương mặt Phú Bát Gia biến nhanh, thoạt xanh thoạt trắng, cuối cùng lão vỗ tay xuống bàn, kêu bốp một tiếng, rồi cao giọng tiếp:
- Điền Long Tử! Đừng tưởng ta sợ ngươi mà lầm. Bách bộ Thần quyền vị tất kém Tiến bộ Liên hoàn, Du Long thập bát thức.
Điền Long Tử điềm nhiên:
- Nhưng cũng vị tất thắng nổi, phái không Bát ca?
Phú Bát Gia trầm giọng:
- Ừ!
Điền Long Tử gật đầu:
- Cho nên tiểu đệ nghĩ rằng, chúng ta không đánh nhanh là phải, đánh mà không nắm được cái cơ tất thắng, thì đánh làm chi. Tiểu đệ xin hứa, Bát ca cho xem thôi, tiểu đệ lấy mắt mà nhìn quyết chẳng mó tay vào.
Phú Bát Gia nghiến răng.
Bát Gia phu nhân mỉm cười:
- Điền đại ca xưa nay nói sao thì làm vậy, chắc không thất tín đâu. Mình nên để cho Điền đại ca nhìn qua các món ấy đi. Hà huống bao nhiêu người tại đây cũng muốn xem...
Mọi người đều biết là phu nhân ra điều kiện.
Trước hết, bà ngầm buộc chữ tín vào việc, sau đó bà phân bua với hào kiệt giang hồ.
Chẳng lẽ trước mặt đông người, Điền Long Tử không thủ tín để mất thanh danh sao?
Phú Bát Gia trầm gương mặt, suy tư một lúc, đoạn vẫy tay:
- Thôi, được rồi. Hãy gọi chúng mang chiếc bồn thủy tinh ra đây cho ta, nhớ lấy cho đầy nước trong nhé.
Xem Vũ Lâm Bát Mỹ, sao lại cần có nước trong?
Bồn thuỷ tinh, tự nhiên phải trong, bồn hình bầu dục, dài độ hai thước, dưới ánh đèn thủy tinh lại chứa nước, chớp lên muôn màu.
Tại khách sảnh, những người hiện diện đều sành xem vật báu, thoáng nhìn qua chiếc bồn, biết ngay là một vật rất cổ, rất quý, song chẳng ai biết Phú Bát Gia dùng nó vào việc gi, khi cho xem Võ Lâm Bát Mỹ.
Phú Bát Gia đặt chiếc bồn thuỷ tinh lên mặt bàn, từ từ thốt:
- Trong ba mươi năm qua, trên giang hồ có lắm tay tài ba xuất hiện có lắm người thành danh nhưng kể về phái nữ thì ai ai cũng công nhận chỉ có tám người xứng đáng với cái danh tuyệt sắc giai nhân, tuổi tác của họ không đều nhau, song người nào cũng có hấp lực làm điên đảo cả chúng sanh có thể bảo là không thừa sót một ai.
Lão chỉ chiếc rương sắt, tiếp:
- Ngư đảo chủ mang đến đây, chính là hình tượng của tám vị tuyệt đại giai nhân đó.
Mọi người lộ vẻ thất vọng.
Người dù đẹp, đẹp đến đâu cũng thế, khi còn sống, khi còn là da là thịt mới hấp dẫn chứ một hình tượng bằng đá có gì làm điên đảo người xem, mà chủ nhân hòng khoa trương một cách trịnh trọng.
Phú Bát Gia tiếp:
- Những tượng đá đó rất khác biệt với tất cả những tượng đá trên đời bởi bao nhiêu tượng đá trên đời đều là tượng chết, chỉ riêng tám tượng nầy lại là tượng sống.
Tượng bằng đá sao lại gọi là tượng sống được ?
Phú Bát Gia lấy một chiếc tượng, đặt lên bàn hỏi:
- Các vị có biết vị nữ nhân nầy là ai chăng?
Tượng chạm khắc rất khéo, trông như sống. Tượng lại rất đẹp, tượng đẹp hơn bất cứ một mỹ nhân nào đương thời, chỉ phải cái là bằng đa, dù có thần cũng chỉ là bằng đá.
Điền Long Tử mỉm cười, hỏi lại:
- Có phải là Hồng Mẫu Đơn, mà ngày trước thiên hạ thường gọi là Tái Thượng Kỳ Hoa chăng?
Phú Bát lạnh lùng:
- Đúng! Thì ra các hạ có kiến thức rất rộng.
Điền Long Tử cười nhẹ:
- Đồng Mẫu Đơn là đệ nhất cao thủ trong phái Mật Tông, rất được Hồng Vân Đạt Ma yêu mến, bà ta có nhan sắc tuyệt trần, người đương thời không ai không mơ mộng được gần bà ta, dù chỉ gần trong giây phút, dù sau đó có chết cũng cam. Rất tiếc là Hồng Vân đạt ma quá ghen, giữ rịt chẳng cho một ai nhìn trộm, chứ đừng nói là để cho một ai đến gần:
Phú Bát Gia lộ vẻ đắc ý:
- Nhưng giờ đây chúng ta cũng nhìn được, mà lại nhìn kỹ, nhìn bằng thích.
Lão vừa thốt, vừa đặt hình tượng vào bồn thuỷ tinh.
Tượng bằng đá vào trong bồn nước rồi, trở thành sống ngay.
Lạ lùng làm sao, y phục trên tượng lại rã rời, rã từ từ, rơi từ từ...
Sau cùng chỉ còn là một thân hình loã lồ...
Và có thân hình loã lồ của thiếu nữ nào lại chẳng hấp dẫn? Huống chi, thân hình loã lồ của một nữ nhân mà tất cả những dương công đều không chê được. Kẻ thù khó tánh nhất cũng không chê được.
Phú Bát Gia cao hứng phi thường, vỗ tay cười lớn:
- Hồng Vân xem bà ta như một trái cấm, vô luận kẻ nào vô phúc, vô tình nhìn bà ta, kẻ đó phải chết tức khắc. Nhưng chúng ta nhìn bằng thích, nhìn bao lâu cũng chẳng sao. Nếu muốn, chúng ta cũng có thể đi xa hơn lại nhìn..... Mọi người sửng sốt, không tưởng nổi là trên đời có chuyện lạ lùng như vậy.
Họ là nam nhân, họ tránh sao khỏi xao xuyến con tim trước một thân hình loã lồ?
Và thân hình đó lại là của một tuyệt đại giai nhân?
Đành rằng, trước mắt họ là một cái bánh vẽ, bánh có thơm, có hấp dẫn, song bánh lại không ăn được, nhưng ai ai cũng bắt thèm.
Có người háu đói, thèm đến rỏ dãi...
Điền Long Tử mỉm cười, thốt:
- Một người múa máy, sao bằng hai người cùng hoà điệu? Bát ca hãy chọn một bạn vũ cho bà ấy đi.
Phú Bát Gia gật đầu:
- Phải đấy! Chủ ý đó được lắm.
Lão nhìn vào chiếc rương nhỏ, tiếp:
- Hồng Mẫu đơn, kể ra cũng cao tuổi rồi song lão phu cũng có thể chọn một người còn trẻ, để cùng múa với bà ta.
Lão lấy ra một hình tượng khác vừa đặt vào bồn nước, vừa cười , thốt:
- Các vị có biết Giang Nam đệ nhất mỹ nhân là ai chăng?
Đây, con người đó sắp hiện ra trước mắt các vị.
Du Bội Ngọc biến sắc.
Tượng đá đó, chính là hình Lâm Đại Vũ.
Chiếc tượng vào trong nước rồi, múa lên những vũ điệu mê ly. Chừng như nàng nhoẻn miệng cười, chừng như nàng đảo đảo ánh mắt thu ba, lạ lùng làm sao, ánh mắt thu ba của nàng lại hướng về Du Bội Ngọc.
Du Bội Ngọc còn chịu làm sao nổi nữa?
Chàng đứng lên, rồi chàng bước nhanh tới, chàng co chân đá bay chiếc bàn.
Quần hùng vừa kinh hãi, vừa phẫn nộ, tuy nhiên họ lo chạy đi nơi khác hơn là phát tác, họ cho rằng tiểu tử đó hẳn đã phát điên rồi. Hắn làm như vậy là hắn tìm cái chết, và thế nào Phú Bát Gia cũng trừng trị hắn, cho nên họ tạt ra xa, sợ liên luỵ.