Văn Thiếu Côn nóng lòng như lửa đốt, mải miết đi hoài suốt ba ngày đêm.
Chiều hôm thứ ba vừa đến chùa Thiên Trấn, thuộc Ngũ Đài sơn.
Đây là một ngôi cổ tự nguy nga đồ sộ, kiến trúc lộng lẫy. Nhiều lâu đài san sát, nhiều ngọn tháp cao vút tận mây xanh, quả là một ngôi chùa bề thế xếp vào hàng nhất nhì trong nước.
Lạ lùng nhất là cửa chùa đóng chặt, khắp nơi vắng lặng như bỏ hoang lâu ngày.
Văn Thiếu Côn tiến tới cổng tam quan, đưa tay gõ nhẹ vào chiếc khoen đồng mấy cái.
Chờ một chập lâu, cửa chùa hé mở. Một nhà sư đã đứng tuổi ló đầu nhìn ra rồi chắp tay nói:
- A di đà Phật! Thí chủ đến đây có việc gì cần thiết.
Văn Thiếu Côn lễ phép đáp:
- Tôi có một phong thư muốn đưa đến Phương trượng quý tự.
Hòa thượng điềm nhiên đáp:
- Trước khi đóng cửa, Phương trượng bổn tự đã bảo rằng không bao lâu sẽ có một vị thí chủ do Hoàng Lương Mộng nhờ đưa đến một phong thư. Người có chỉ thị cho bần tăng rồi để chuẩn bị tiếp nhận chu đáo.
Văn Thiếu Côn tình thật tin ngay. Chàng đưa tay vào bọc định lấy ra, nhưng bỗng giật mình ngừng lại.
Cứ nhìn qua tướng mạo và dáng điệu của vị lão hòa thượng, Văn Thiếu Côn thấy vị này có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Trên vẻ mặt tuy cố tình che đậy, vẫn lộ nhiều bản chất tàn ác gian hiểm man trá.
Ngoài ra chàng bỗng nhớ lại lời dặn cuối cùng của Hoàng Lương Mộng, tuy việc này có vẻ đơn giản nhưng thật tế nhị và nguy hiểm.
Bao nhiêu đó đã khiến chàng thêm e dè, và rụt tay lại ngay.
- Sao thí chủ lại có vẻ ngập ngừng do dự như thế. Phong thư ấy đã rơi mất rồi sao?
Chàng lắc đầu:
- Không có gì mất mát cả. Nhưng chỉ phiền một việc...
- Việc gì?
- Vì chịu lời ủy thác phải dốc lòng làm tròn nhiệm vụ đối với Hoàng Lương Mộng lão tiền bối, tại hạ cần trao tận tay Ngọc Phổ thiền sư. Đó là điều không thể nào thay đổi được.
Lão hòa thượng cười khà khà:
- Thí chủ rất đáng phục vì đã giữ đúng tín nghĩa, nhưng người quân tử cũng cần phải biết quyền biến mới được. Vì trường hợp đặc biệt, nếu Phương trượng bổn tự không gặp được, chẳng lẽ thí chủ lại mang phong thư đem trở về lại sao?
- Việc này... Nếu cuối cùng không gặp được Ngọc Phổ thiền sư có lẽ tại hạ buộc lòng cũng phải dùng cách ấy chứ sao?
- Hà hà, như thế quả nhiên quá cố chấp.
- Đó chỉ là điều vạn bất đắc dĩ, tại hạ đâu muốn như vậy. Bây giờ xin cho phép được cáo từ.
Văn Thiếu Côn đã có ý định phải giao tài liệu tận tay Ngọc Phổ thiền sư.
Hơn nữa cứ xem tướng mạo vị sư già có nhiều điểm đáng nghi ngờ và thiếu thành thật, do đó chàng chỉ muốn tạm lánh khỏi chốn này, rồi sau sẽ hay.
Cho nên vừa nói dứt lời, Văn Thiếu Côn chắp tay bái dài rồi quay mình định bước trở ra.
Nhắm không thể thuyết phục nổi, lão hòa thượng cười khà khà nói:
- Người đã đến thì muốn đi cũng không được.
Nói rồi xuất thủ về phía Văn Thiếu Côn. Văn Thiếu Côn tung mình ra cửa điện, đồng thời quay người đánh trả lại bằng một chiêu của U Hạo thần công, lão hòa thượng trúng chưởng hộc máu mồm lăn ra chết tốt. Vì Văn Thiếu Côn nôn đi nên đã ra tay khá nặng.
Bỗng có tiếng quát lớn:
- Nghịch tử! Ngươi định chạy đi đâu?
Hồi 52
Tuyệt nghĩa đoạn tình
Văn Thiếu Côn sửng sốt đưa mắt nhìn quanh. Trong phòng khách đã chất ních cả người, đông như kiến cỏ. Ngoài vợ chồng Văn Tử Ngọc và bốn tên Truy Hồn sứ giả, còn mười hai tên áo xanh bịt mặt toàn là U Linh của Vô Nhân cốc.
Chàng từ tốn nói:
- Con đội ơn nghĩa phụ, nghĩa mẫu đã có công nuôi dưỡng mười bốn năm qua. Nhưng bây giờ con đã lớn khôn, ít nhất nghĩa phụ, nghĩa mẫu cũng cho được biết qua về thân thế của con chứ!
Văn phu nhân cười lạt nói:
- Cái ơn mười mấy năm nuôi dưỡng chẳng qua chỉ được mày cầm dao chém lại. Mày thử nghĩ như thế có phải đạo làm người chưa mà còn muốn đòi hỏi muốn tìm hết nguồn gốc lai lịch nữa.
Văn Thiếu Côn gằn giọng:
- Nghĩa mẫu, tại sao nghĩa mẫu lại không muốn nhắc đến thân thế của con như vậy. Chẳng lẽ...
Nhưng Văn phu nhân đã nói lảng sang chuyện hác:
- Láo, mày hãy cho biết, đến đây để làm gì. Mày đã nhận thư của kẻ nào để trao lại cho lão hòa thượng kia?
Chàng chưa đáp, Văn Tử Ngọc đã quát hỏi:
- Nghịch tử, mày muốn gì?
Văn Thiếu Côn cười lạt:
- Câu đó lẽ ra dành cho con được hỏi lại nghĩa phụ mới đúng.
Văn phu nhân đứng cạnh nói:
- Mày hãy trao bức thư của Hoàng Lương Mộng ra đây.
- Ồ, việc này e khó...
- Mày không bằng lòng sao?
- Nếu nghĩa mẫu có thể cho biết được công dụng của bức thư này, tức khắc con sẽ làm vừa lòng ngay.
- Nghịch tử, mày đã quá lắm rồi.
- Con đội ơn nuôi dưỡng mười mấy năm qua, hôm nay mới có cơ hội được đền đáp lại.
- Mày muốn đền đáp bằng cách nào?
Văn Thiếu Côn nghiêm trang nói lớn:
- Đáng lẽ hôm nay phải giết chết cả hai người, nhưng vì nghĩa cũ đặc cách tha cho mạng cho.
Rồi mỉm cười chàng nói tiếp:
- Sự quan hệ giữa chúng ta từ nay chấm dứt.
Văn Tử Ngọc hét lớn:
- Nghịch tử Văn Thiếu Côn, mày to gan thật.
- Từ nay chở đi, xin chớ dùng chữ Văn nữa.
- À, thế ra mày muốn...
Văn Thiếu Côn nói ngay:
- Tôi muốn tạm dùng chữ “Thời” để thay thế.
Văn phu nhân rúng động cả người, run run hỏi:
- Tại sao mày lại dùng họ Thời, chẳng lẽ mày...
Văn Thiếu Côn liếc mắt nhìn quanh bốn phía rồi lạnh lùng nói:
- Tôi chưa hoàn toàn chứng thực, nhưng từ nay trở về sau, tôi không muốn nói đến họ “Văn” nữa.
Văn Tử Ngọc tức giận nói:
- Cũng được! Nếu như thế từ nay chúng ta không đội trời chung.
Nói xong liền vận chưởng lên.
Thời Thiếu Côn nói lớn:
- Tránh ra! Tôi có chuyện cần đi gấp.
Chàng vung thanh bảo kiếm lên mở đường. Thanh bảo kiếm tạo ra một làn sáng bạc có phạm vi hai trượng.
Vợ chồng Văn Tử Ngọc vung chưởng đánh tới tấp về phía Thời Thiếu Côn.
Ánh chưởng loang loáng xung quanh người chàng. Thời Thiếu Côn tức giận đưa tay trái tung ra một chưởng nặng như núi.
“Đùng” một tiếng nổ lớn, chưởng phong của vợ chồng Văn Tử Ngọc đã bị hóa giải hết. Cả hai vợ chồng kinh sợ, họ thấy uy lực kinh hồn của U Hạo thần công tại Vô Nhân cốc.
Văn Tử Ngọc tức giận định vung chưởng đánh tiếp, Văn phu nhân vội vàng nói:
- Sao, phu quân đã quên mình dự định gì rồi sao?
Văn Tử Ngọc chợt nhớ lại, nghiến răng nói lớn:
- Nghịch tử, lần sau gặp lại nếu ta không giết chết ngươi ta không phải là người.
Nói xong y đứng lùi lại thủ thế.
Ngay lúc đó, ngoài sân có tiếng huyên náo. Mọi người nhìn ra thì thấy ba cô gái núi Trường Bạch, Khúc Tự Thủy, Tề Mãn Kiều và Chu Diệp Thanh vừa mới đến. Họ bị bọn nhà sư bao vây nhưng không dám tiến gần.
Thời Thiếu Côn định chạy ra khỏi điện nhưng Tề Mãn Kiều nói lớn:
- Thời công tử, khoan bước ra!
Nói xong nàng phóng ra một chưởng vào một nhà sư đứng tuổi cách đó không xa rồi kéo về phía nàng.
Thân hình nhà sư bị chưởng phong kéo chạy về phía Tề Mãn Kiều. Bọn nhà sư xung quanh đều xôn xao nhốn nháo nhưng không biết cách nào giải cứu.
Tề Mãn Kiều thuận tay ném nhà sư thốc ra bên cửa điện.
Thời Thiếu Côn nhìn theo thấy phía ngoài cửa nhà khách có hai lần lưới nhện giăng phủ bị bùng. Bất kỳ ai muốn ra vào đều phải chạm vào lưới nhện và kéo đứt.
Tề Mãn Kiều xuất thủ nhanh như chớp. Nhà sư không kịp phản ứng, cả thân hình quay tròn xoắn vào đám tơ nhện làm rách một mảng lớn rồi ngã nằm quay trên mặt đất.
Nhà sư hét lên một tiếng thảm thiết. Thân hình theo trớn ném lăn lông lốc mấy vòng trên mặt đất rồi im luôn không cựa quậy.
Thời Thiếu Côn sợ hãi nhìn theo không chớp mắt. Ghê gớm thay toàn thân nhà sư nhũn dần dần, đến cả đôi giày mang trên chân cũng biến thành vũng nước vàng nhầy nhụa. Trong chốc lát hoàn toàn biến sạch không còn lưu dấu vết gì cả.
Chu Diệp Thanh cười ha hả nói:
- Văn công tử, anh hãy nhìn thử tác dụng của màng nhện này và tự xem có đủ sức chịu đựng được không?
Thời Thiếu Côn chấp tay nói:
- Đa tạ cô nương, nhưng có một điều là hiện nay tôi không còn là họ Văn nữa.
- Vì sao thế? Nhưng đã đổi lấy họ gì?
- Tôi đã đổi ra họ “Thời” rồi.
- Được rồi! Bây giờ chúng mình có thể ra đi bình yên.
Thời Thiếu Côn nghe theo, tung mình nhảy đi.
Nhưng ngay khi ấy, hai vợ chồng họ Văn cùng quát lớn:
- Lũ tiện tỳ! Vô Nhân cốc và phái Vô Vi núi Trường Bạch từ này quyết không đội trời chung.
Tức thì cả hai người đồng xuất chưởng. Cả bốn tên Truy Hồn sứ giả và mười hai U Linh áo đen che mặt vừa quyền vừa chưởng cũng đồng thời tấn công tới tấp vào bọn Thời Thiếu Côn ngay.
Thời Thiếu Côn bặm môi, hét lên một tiếng, tay chưởng, tay kiếm, cùng đánh ra một lúc. Một vùng ánh sáng năm màu vô cùng mầu nhiệm, từ thân hình chàng bốc ra rực rỡ. Khí thế của vừng sáng thật là hùng hậu, đi đến đâu đẩy giạt mọi trở lục văng ra, khiến vợ chồng Văn Tử Ngọc và bọn nhân vật Vô Nhân cốc phải lảo đảo thối lui mấy bước.
Bao nhiêu nhà sư khác trông thấy chẳng dám tiến tới cứ đứng reo hò trợ oai và lui dần ra sau.
Văn phu nhân tức quá gầm lớn:
- Con tiện tỳ, phen này mày phải mất mạng rồi.
Khúc Tự Thủy cười lạt nói:
- Chưa chắc bọn ngươi đã làm gì nổi bọn ta. Hãy lựa lời mà nói, đừng phách lối như thế nữa.
Nói xong nàng quay sang bảo Thời Thiếu Côn:
- Chúng ta đi cho rồi.
Thời Thiếu Côn khẽ gật đầu, đồng ý rồi rảo bước phóng đi ngay.
Văn phu nhân huy động song chưởng thét lớn:
- Thiếu Côn, mày phải để phong thư lại đây mới được.
Thời Thiếu Côn nheo mắt nhìn bà, ranh mãnh hỏi:
- Tài liệu này đối với bà có quan trọng gì không mà đòi hỏi.
- Mày hãy vì cái ơn nuôi nấng mười mấy năm trời, đưa phong thư ấy cho ta, khỏi cần hỏi vặn làm gì vô ích.
Thời Thiếu Côn cười lạt đáp:
- Điều này nhất định không thể nào tuân theo lời bà được.
Nói xong chàng tung mình phóng đi. Vút một cái đã bay xa hàng bảy, tám trượng, phóng ra ngoài sơn môn rồi.
Văn phu nhân hồn phi phách tán, đấm ngực kêu trời cho bớt cơn bực tức rồi lủi thủi bước đi.
Thời Thiếu Côn vừa ra khỏi Trấn Thiên tự, nhớ lại sự việc vừa rồi tim nhảy đồm độp. Chàng nghĩ bụng:
- “Giá bọn Khúc Tự Thủy không tới kịp thời có lẽ mình đã tan thây thành bãi nước vàng mất rồi. Độc tố của màn nhện do chúng bố trí quả thật kinh người.
Đối với mình ba cô ấy đã có lòng giúp đỡ và nhiều lần cứu mạng sống, lẽ đâu mình cứ âm thầm ra đi không một lời giả biệt”.
Trong lúc đang phân vân suy nghĩ, bỗng Tề Mãn Kiều cất tiếng hỏi:
- Thời công tử bây giờ anh định đi đâu bây giờ?
Hồi 53
Đại hội tại Vân Mộng sơn
Thời Thiếu Côn giật mình quay lại thấy bọn Chu Diệp Thanh cũng vừa chạy tới nơi.
Chàng vội vàng chắp tay nói:
- Xin đa tạ thịnh tình giúp đỡ của ba vị cô nương. Ơn này chưa biết ngày nào đền đáp được.
Chu Diệp Thanh mỉm cười nói:
- Đối với chị em chúng tôi, công tử khỏi cần phải khách sáo như vậy.
Khúc Tự Thủy nhìn chàng hỏi:
- Bây giờ Thời công tử dự định đi về đâu?
Thời Thiếu Côn cau mày đáp:
- Hiện nay Chí Tôn cốc chủ Vô Nhân cốc đã huy động cả sào huyệt kéo ra bức bách quần hùng võ lâm ở Vân Mộng sơn. Đây là một biến cố vô cùng trọng đại sắp xảy ra nay mai. Đương nhiên là tôi cũng phải đi về Vân Mộng sơn một chuyến.
Chu Diệp Thanh vui vẻ nói:
- Hay lắm, nếu vậy chúng mình hãy cùng nhau qua Vân Mộng sơn. Nhân dịp này chúng tôi sẽ tìm cách khuyên nhủ nhị thư thư trở về núi Trường Bạch.
- Nhưng tôi còn một điều quan trọng phải làm cho xong.
- Việc gì mà quan trọng như thế?
- Muốn tìm cho được một Phân đàn Cái bang trong vùng để nhờ họ giúp cho một việc chuyển giao một tài liệu.
Tề Mãn Kiều nói:
- Tam thư thư, thư thư có biết nơi đây có tổ chức nào của Cái bang có thể liên lạc được không?
Chu Diệp Thanh đáp:
- Từ ngày xảy ra biến cố về Độc Nhãn Thần Cái, họ đã giải tán rút đi khắp nơi, khó tìm ra manh mối lắm.
- Cô nương có thể có biện pháp nào giúp đỡ không?
- Hầu hết lực lượng Cái bang hiện nay đã tập trung về Vân Mộng sơn.
Tổng đà Cái bang cũng di chuyển về đó, đóng trong một hang núi, cách đây chừng trăm dặm.
Thời Thiếu Côn mừng rỡ nói:
- Nếu vậy thì hay lắm, xin đa tạ cô nương.
(thiếu một đoạn trang 21, 22)
Nhất Liễu thiền sư cười lạt rồi điềm nhiên nói:
- Lão hòa thượng có thấy rồi. Nhà ngươi muốn gì cứ xưng ra đi.
Người kia có vẻ bực tức ngạo nghễ nói:
- Chí Tôn truyền hỏi những người tham gia đại hội đã kéo về đông đủ cả chưa.
Nhất Liễu thiền sư lắc đầu đáp:
- Chưa đủ.
Người ấy hỏi tiếp:
- Vậy còn thiếu những ai, thuộc môn phái nào?
- Việc này cần cứu xét lại mới có thể trả lời đích xác được.
Người ấy hứ một tiếng nói:
- Theo nghiêm lịnh của Chí Tôn, sáng ngày mai sẽ cử hành đại hội. Những kẻ nào không về đủ mặt sẽ xem như chống lại lệnh này, sau đại hội nhất định phải lãnh hình phạt xứng đáng, chẳng được ân xá.
Nhất Liễu thiền sư cau đôi mày bạc nói:
- Trong thư mời không hề nói rõ ngày mai khai hội. Như thế những người ở xa xôi tận miền biên giới cố nhiên không tránh khỏi bị chậm trễ chút ít.
Người kia quắc mắt nói:
- Nếu có những chi tiết ấy, đáng lẽ lão phải đến trình thẳng trước cùng ngài Chí Tôn mới phải.
Ngừng một chút, lão hừ lên và nói tiếp:
- Nếu giờ khai mạc không thi hành đúng lệnh của ngài Chí Tôn, chỉ e rằng ngày mai cả chiếc đầu trọc kia cũng không còn bảo toàn trên cổ ấy.
Nhất Liễu thiền sư niệm Phật từ tốn nói:
- Được rồi, ngày mai lão tăng tuyên bố bắt đầu khai hội. Ngoài ra chẳng hay Chí Tôn có còn phân phát điều gì nữa không?
Lão ấy đáp:
- À quên, có một điều rất cần thiết là phải bắt cho được tên đồ đệ của hòa thượng đem giải nạp Chí Tôn trước giờ khai mạc đại hội.
Nhất Liễu thiền sư cười ha hả đáp:
- Con trai lớn không cần theo cha, con gái đã trưởng thành không cần quấn mẹ. Huống chi là thầy với trò, việc đó chắc lão tăng không thể làm được. Hắn có đến dự hay không lão tăng cũng không làm chi được. Chỉ có một điều...
Thiền sư bỗng phá lên cười khanh khách và nói lớn:
- Lão tăng chắc chắn hắn sẽ đúng hẹn. Việc này khỏi cần bẩm báo lại làm gì, cứ chờ đến khi ấy sẽ có tin tức mới.
Người truyền tin rất bực tức với thái độ điềm nhiên phớt tỉnh của Nhất Liễu thiền sư. Tuy nhiên hắn không biết xử trí cách nào hơn, đành hậm hực xách tấm kim bài đi ra.
Lúc này đã sang canh ba, ánh đuốc lung linh khi sáng khi mờ, trong các trại trở nên im lìm không tiếng động.
Rừng núi thâm u như nín thinh cho qua đêm dài thanh vắng. Không bao lâu ánh bình minh đã le lói phương Đông, trời dần dần sáng tỏ.
Trong lúc mọi người đang bồn chồn nóng nảy chờ giờ khai hội, bỗng đâu một luồng gió thoảng qua, một bóng người bay vút vào trong đại trại.