Sau giờ ngọ, cơn mưa dứt, bầu không gian quang đảng man mác, bao la.
Diệp Khai gõ cửa phòng của Phó Hồng Tuyết.
Từ sáng sớm ngày nay cho đến bây giờ, không ai đến tìm Phó Hồng Tuyết.
Nghe nói đến con người mặt lạnh quanh năm, chân thọt, là ai ai cũng phải tưởng đến con độc xà.
Như vậy, còn ai muốn tiếp cận y nữa !
Huống chi, cái việc y giết Công Tôn Đoạn, có lẽ giờ đây đã được loan đi khắp cả sơn thành !
Bên trong cửa, không có người lên tiếng.
Nhưng bên cạnh, nơi cửa hông, một lão bà thò đầu bạc trắng ra, mặt lộ vẻ hoài nghi lẫn sợ hãi, bà nhìn Diệp Khai.
Mặt bà nhăn nheo, không còn chỗ cho những vết nhăn khác hiện ra nếu có thêm sau này.
Diệp Khai biết bà là người cho thuê những gian phòng tại đây.
Chàng cười hỏi:
- Phó công tử đâu, hở bà ?
Lão bà lắc đầu:
- Ở đây không có Phó công tử ! Ở đây nghèo lắm !
Diệp Khai mỉm cười.
Giận làm gì chứ !
Bỗng, lão bà tiếp theo:
- Nếu khách nhân muốn tìm cái gã mặt trắng nhợt, chân thọt đó, thì không gặp gã đâu. Gã đã dọn đi nơi khác rồi.
Diệp Khai hỏi:
- Hắn dọn đi rồi sao bà ? Đi lúc nào ?
Lão bà đáp:
- Đi gấp !
Diệp Khai lại hỏi:
- Tại sao phải đi gấp ?
Lão bà giải thích:
- Già không muốn kẻ sát nhân lưu lại nơi này. Già có nhà, cho mướn, ai mướn cũng được, nhưng không cho người ta thuê để có nơi đi lại, mưu toan sát nhân !
Diệp Khai hiểu.
Trong vùng, không một ai dám chứa kẻ đắc tội với Vạn Mã Đường.
Chàng không nói gì nữa, quay mình trở ra ngõ hẻm.
Ngờ đâu, lão bà bước theo chàng, thốt:
- Nếu ngươi không có nơi nào lưu trú, già sẽ cho ngươi thuê gian phòng đó.
Diệp Khai cười nhẹ, hỏi:
- Bà bằng lòng cho tôi mướn nhà, là xem tôi lương thiện, không phải kẻ sát nhân. Tại sao bà biết tôi không là hung thủ trong vụ án đó ?
Lão bà đáp:
- Ngươi không giống ! Hay không có vẻ sát nhân !
Diệp Khai trầm gương mặt, thốt:
- Bà xem lầm tướng người đó. Tôi có giết nhân mạng rồi đó bà, mà lại giết đến bảy tám mươi mạng nữa kia !
Lão bà thè lưỡi, trố mắt, sợ hãi.
Diệp Khai đã ra khỏi ngõ hẻm.
Chàng hy vọng gặp Phó Hồng Tuyết sớm, càng sớm càng hay.
Nhưng, chàng không gặp Phó Hồng Tuyết, mà lại gặp Đinh Cầu Cảnh.
Đinh Cầu Cảnh ngồi nơi thềm, dưới mái hiên ngôi nhà đối diện, đang cầm chén
trà.
Y phục của lão rất hoa lệ, bên ngoài còn khác chiếc thanh bào.
Thần sắc của lão không được khoan khoái lắm.
Hành nhân lúc đó thật vắng trên con lộ chánh. Tuy có cơn mưa vừa qua, song đang mùa hè, không khí vẫn oi bức như thường, mưa dù to, chẳng đem lại cái mát mẻ lâu, trái lại, còn làm thêm lầy lội những lối đi.
Lúc đó có một gã du mục, dẫn đàn dê bốn năm con đi qua.
Tuy không khí oi bức, gã du mục lại mặc áo da dê, đầu đội nón tơi vành che kín tai, chiến nón rộng quá có thể phủ trọn hai đầu người.
Con người, cùng đường rồi mới nghĩ đến việc chăn dê.
Nghề chăn dê, giữ ngựa là một nghề thấp hèn nhất ở tại địa phương này, giành cho bọn nghèo nhất.
Cho nên, hạng chăn dê, ngựa ở đây hầu như cái bóng đối với các tầng lớp người khác, không ai lưu ý đến họ, trừ chủ thuê họ. Chủ thuê có lưu ý đến họ, là vì đàn thú giao phó cho họ, thú sống chết vẫn là vấn đề quan trọng hơn sự sinh tồn thương vong của họ.
Nhưng, Đinh Cầu Cảnh vừa thấy gã du mục, vụt sáng mắt lên.
Mường tượng lão trông chờ gã từ lâu lắm rồi.
Đường lồi lõm, nước động mấy chỗ lõm, gã du mục lùa đàn dê đi quanh một vũng nước.
Đúng lúc đó, Đinh Cầu Cảnh bước ra, chận trước mặt gã.
Gã du mục không ngẩng đầu lên, định lách mình qua mình Đinh Cầu Cảnh, đi
Gã chăn dê đâu phải là con người có can đảm, có khí khái ? Làm cái nghề đó thì nhẫn nhục là cái vốn trời sanh mà !
Ngờ đâu, Đinh Cầu Cảnh có ý sanh sự với gã.
Lão hỏi:
- Ngươi hành nghề chăn dê từ lúc nào thế ?
Gã chăn dê giật mình, ấp úng:
- Từ lúc nhỏ, rất nhỏ !
Đinh Cầu Cảnh cười lạnh:
- Chẳng lẽ tại Vũ Đương Sơn cái ngón nghề của người học tập, là ngón nghề chăn
luôn.
dê ?
Gã chăn dê giật mình lượt nữa.
Cuối cùng gã ngẩng đầu lên, nhìn thoáng qua Đinh Cầu Cảnh, buông gọn:
- Ta không nhận ra ngươi !
Đinh Cầu Cảnh bỉu môi:
- Nhưng, ta, ta nhận ra ngươi.
Gã chăn dê thở dài:
- Chỉ sợ ngươi nhận lầm người !
Đinh Cầu Cảnh cao giọng:
- Lầm sao được, Lạc Lạc Sơn ! Ta biết ngươi quá mà ! Dù ngươi hóa trang cách nào, cũng không qua mắt ta được. Lần này, ngươi còn tưởng trốn thoát khỏi tay ta nữa sao chứ ?
Gã chăn dê là Lạc Lạc Sơn à ?
Lâu lắm, người chăn dê thở dài đáp:
- Dù cho ngươi có nhận ra ta, song rất tiếc ta không nhận ra ngươi !
Thế là Lạc Lạc Sơn rồi !
Đinh Cầu Cảnh cười lạnh, cởi chiếc chăn bao để lộ bộ y phục hoa lệ. Nơi chỗ gù lưng, có thêu con rồng vàng năm móng.
Lạc Lạc Sơn kêu lên thất thanh:
- Kim Bôi Đà Long !
Đinh Cầu Cảnh cười lạnh:
- Cuối cùng rồi ngươi cũng nhận được ta !
Lạc Lạc Sơn cau mày:
- Ngươi tìm ta để làm gì ?
Đinh Cầu Cảnh đáp:
- Đòi một món nợ !
Lạc Lạc Sơn hỏi:
- Nợ gì ?
Đinh Cầu Cảnh hừ một tiếng:
- Nợ cũ từ mười năm trước, chẳng lẽ ngươi quên rồi !
Lạc Lạc Sơn trầm giọng:
- Ta không hề gặp mặt ngươi lần nào, thì làm gì có nợ mà quên với chẳng quên !
Đinh Cầu Cảnh hét:
- Món nợ máu của mười bảy mạng người, ngươi muốn chối cũng không chối được đâu ! Hãy đền mạng !
Lạc Lạc Sơn lắc đầu:
- Con người này điên rồi ! Ta …
Đinh Cầu Cảnh vươn hai tay ra.
Trong tay, có một chiếc roi vàng dài năm thước. Roi chớp lên, kim quang lóe sáng. Kim quang quét ngang hông Lạc Lạc Sơn.
Lạc Lạc Sơn lách mình đồng thời cởi chiếc áo da dê trên mình vung ra, quát:
- Chờ một chút !
Đinh Cầu Cảnh không chờ, đánh luôn bốn chiêu.
Lạc Lạc Sơn dậm châm dùng chiếc áo da dê làm vũ khí nghinh chiến.
Đó là một công phu của hạng nội gia Võ Đương chuyển biến yếu mềm thành côn cứng.
Trong thoáng mắt, song phương trao đổi hơn mười chiêu, ngay trên con đường lầy
lội.
Diệp Khai đứng cách xa xa, nhìn cuộc chiến, bỗng phát hiện hai việc.
Một con quỷ rượu không bao giờ là một cao thủ võ lâm. Sở dĩ Lạc Lạc Sơn cứ mượn rượu làm màu, là vì lão có ý đánh lạc hướng sự nhận xét của người đời.
Thực ra thì lúc nào lão cũng tỉnh và tỉnh hơn bất cứ ai.
Mường tượng Lạc Lạc Sơn không nhận ra Đinh Cầu Cảnh. Nhưng Đinh Cầu Cảnh thì khi nào lại nhận lầm người !
Thế thì sự tình ra sao ?
Suy nghĩ một chút, Diệp Khai mỉm cười.
Chàng cho rằng sự tình đáng buồn cười lắm !
Nhưng, không buồn cười như chàng tưởng !
Bởi chết, đâu phải là một điều đáng cười cợt được.
Chẳng rõ tại sao, Lạc Lạc Sơn đang đánh, lại để lộ sơ hở.
Một sơ hở trí mạng, đối phương lợi dụng là lão chết liền !
Đồng thời gian với việc phát giác ra sơ hở đó, Diệp Khai thấy luôn ánh mắt của Lạc Lạc Sơn.
Ánh mắt biểu hiện sự phẫn nộ lẫn khiếp hãi, sau đó, ánh mắt từ từ lộ ra, lộ đến đổi suýt lọt tròng.
Hai cánh tay của lão vụt cứng ngắc !
Ngọn roi của Đinh Cầu Cảnh vờn quanh yết hầu lão.
Một tiếng rắc vang lên, yết hầu đứt ngang.
Đinh Cầu Cảnh ngửa mặt cười vang.
- Vay máu, phải trả máu ! Món nợ năm xưa, mãi đến ngày nay ta mới đòi được !
Lão tung mình lên, đáp xuống phía sau một nóc nhà, biến mất dạng.
Còn lại xác chết của Lạc Lạc Sơn ! Mắt lòi ra như hai hạt châu lớn.
Trên đường phố vắng bóng khách bộ hành, nhưng trong nhà vẫn có kẻ nhìn ra.
Nhìn thì nhìn, có ai dám can thiệp vào cuộc thanh toán giữa những tay giang hồ ?
Cho nên, ai chết mặc ai, không người buồn quan tâm đến.
Diệp Khai từ từ bước tới, cúi mình xuống, nhìn khuôn mặt của Lạc Lạc Sơn, hỏi:
- Tại hạ với tiên sinh, dù sao cũng là bằng hữu với nhau, tiên sinh có lời gì cần ký thác nơi tại hạ chăng ?
Tự nhiên, là không có !
Xác chết có nói năng chi được mà có lời ký thác !
Diệp Khai vỗ nhẹ tay vào vai xác chết, tiếp:
- Tiên sinh yên trí ! Có người an bày hậu sự cho tiên sinh đấy ! Tại hạ cố gắng mang vài chén rượu nhạt, đến rưới trên nấm mộ của tiên sinh !
Chàng thở dài luôn mấy tiếng, cuối cùng lại đứng lên.
Chính lúc đó, Tiêu Biệt Ly xuất hiện.
Tiêu Biệt Ly chống hai nạng sắt, bình tịnh đứng dưới mái hiên.
Mặt lão trông trắng nhợt hơn mặt Phó Hồng Tuyết.
Lão là con người quanh năm suốt tháng không dám chường ra ánh dương quang. Nhưng, bây giờ thì lão không ngại nắng nữa !
Diệp Khai tiến đến gần lão, thở dài, thốt:
- Tại hạ vốn không thích người giết người. Nhưng cảnh người giết người lại thường hiện ra trước mắt, không xem cũng không được !
Tiêu Biệt Ly lộ niềm thương cảm, trầm lặng một lúc, rồi cũng thở dài như Diệp Khai, thốt:
- Lão phu sớm biết thế nào rồi lão ấy cũng làm cái việc đó ! Rất tiếc là lão phu không khuyên ngăn kịp !
Diệp Khai gật đầu:
- Lạc đại tiên sinh chết gấp quá !
Chàng ngẩng mặt lên hỏi:
- Tiên sinh cũng vừa ra đây ?
Tiêu Biệt Ly chớp mắt:
- Đáng lẽ, lão phu phải bước ra từ lâu !
Diệp Khai tiếp:
- Tại hạ vừa nói chuyện với Lạc đại tiên sinh đó. Cho nên không trông thấy Tiêu tiên sinh bước ra.
Tiêu Biệt Ly nhìn chàng, lắc đầu:
- Kẻ chết còn nói được gì !
Diệp Khai gật đầu:
- Nhưng Lạc đại tiên sinh có nói. Bất quá không ai nghe được đó thôi.
Tiêu Biệt Ly hỏi:
- Các hạ nghe được ?
Diệp Khai đáp:
- Được !
Tiêu Biệt Ly cau mày:
- Lão ấy nói gì ?
Diệp Khai tiếp:
- Lão nói rằng lão chết rất oan !
Tiêu Biệt Ly hỏi:
- Oan như thế nào ?
Diệp Khai tiếp:
- Lão nói rằng, Đinh Cầu Cảnh vốn không đủ sức giết lão.
Tiêu Biệt Ly thốt:
- Nhưng lão cũng đã chết dưới ngọn roi của Đinh Cầu Cảnh.
Diệp Khai trầm giọng:
- Có người ám toán lão, trợ giúp Đinh Cầu Cảnh.
Tiêu Biệt Ly cau mày:
- Lão bị ám toán ? Ai ám toán lão ?
Diệp Khai xòe bàn tay.