Không say cũng chẳng có chi hay. Thì tại sao không nương theo men rượu thả hồn vào mộng ? Sáng hôm sau, Diệp Khai rời địa thất. Sương sớm chưa tan, bay thành đợt, lướt trên đầu cỏ, đợt thấp đợt cao, hoặc dày hoặc mỏng hoặc chập chờn. Thái dương chưa chường mặt, khung trời nơi đó từ nhạt biến dần thành xanh, còn lại không gian nhuộm màu xam xám. Diệp Khai phồng ngực, hít không khí trong lành. Đồng cỏ còn say ngủ, chưa thấy bóng người, chưa nghe tiếng động. Một thứ yên tĩnh kỳ diệu lan tràn, bao trùm vùng đất mênh mông bát ngát. Có lẽ giờ này Mã Phương Linh còn ngủ trên nệm ấm chăn êm. Người trẻ tuổi thì dễ ngủ hơn hạng cao niên. Dù có ưu uất, buồn phiền dữ dội nhưng cuối cùng cũng ngủ được như thường, ngủ say như thường, và thường thường thì ít lúc canh đêm không chợp mắt. Dĩ nhiên là trừ những kẻ miệt mài trong trác táng. Kẻ ấy không ngủ đêm nhưng lại lấy ngày làm đêm cũng bù trừ được. Chỉ có hạng cao niên, tâm tư loạn thì thao thức trắng đêm. Cho nên Diệp Khai tin tưởng là Vạn Mã Đường chủ khó ngủ. Sau những biến cố đó, lão mà ngủ được thì hẳn là một sự phi thường. Nhưng nếu lão thức trắng đêm thì lão đã làm gì ? Và hiện tại lão đang làm gì ? Khóc thương cho thuộc hạ chăng ? Ưu tư cho một phần mình ? Còn Tiêu Biệt Ly ? Đinh Cầu Cảnh có ở bên cạnh lão, uống rượu suốt đêm với lão chăng ? Có lẽ lão cũng khó ngủ như Vạn Mã Đường chủ, như hầu hết những bậc cao niên mang ít nhiều tâm sự. Còn Phó Hồng Tuyết ? Hắn có tìm được nơi nào cho hắn ngủ yên qua một đêm chăng ? Tuy nhiên chính Trầm Tam Nương mới là người gây nghĩ ngợi cho Diệp Khai nhiều nhất. Chàng không tưởng nỗi có một nơi nào cho bà trú tạm, ít nhất cũng trong đêm vừa qua. Song lại tin con người như bà thì dù trong bất cứ tình huống nào cũng có một nơi dung thân được, Trừ khi bà quên mất chính mình. Không rõ từ phương trời nào, một con chim ưng bay đến. Một con chim ưng sói đầu, có bộ lông xám, giữa không gian biến màu bạc, xoay quần quần. Xem ra nó có vẻ vừa đói vừa mệt. Diệp Khai nhìn nó lẩm nhẩm : - Quả như ngươi muốn tìm xác chết thì ngươi bay lạc hướng rồi. Ở đây không có xác chết. Chỉ có mỗi một người, mà ta cũng chưa chết. Chàng cười lớn tiếp : - Ít nhất ngươi cũng nên tìm chốn nào có quan tài chứ. Người chết thì phải nằm trong quan tài chứ đâu có đi đứng như ta. Phải vậy không ? Chim ưng kêu. Tiếng kêu phảng phất như hỏi: Quan tài hả ? Quan tài hả ? Lửa đã tắt rồi. Hiệu tạp hóa của Lý Mã Hổ hiện là một đống tro tàn. Hai hiệu thịt và mì, cháo hai bên vách cũng đồng số phận. Một số nhà khác trong ngõ cũng bị thiệt hại ít nhiều. Những gì được khuân dọn tránh lửa từ trong nhà ra còn nằm thành đống tại đường. Chẳng rõ chủ nhân của tạp vật đó là ai. Bên cạnh tạp vật ngổn ngang những thùng xách nước dùng trong việc chữa cháy, nguyên có hư có. Cây cháy được tưới nước vội, còn bốc hơi chứng tỏ cuộc chữa lửa mới vừa chấm dứt. Trong gió còn mùi khét nực nồng. Người Biên Thành vốn thức sớm nhưng sáng nay lại vắng bóng người trên đường. Có lẽ trong đêm họ chữa cháy quá vất vả nên giờ đây ai ai cũng mệt đừ, ngủ như chết. Thị trấn vừa nhỏ vừa xa xôi. Biên Thành qua tai nạn đó càng thêm bi thảm, thê lương. Diệp Khai đi trên con đường có cảm giác như mình làm nên tội. Vô luận thế nào thì nếu không phải chàng khởi đầu thì cuộc hỏa hoạn này không hề có. Hôm qua đáng lẽ chàng xách nước tưới lửa thì chàng lại xách rượu tưới lửa. Sau cơn hỏa hoạn, bao nhiêu người lâm vào cảnh chiếu đất màn trời. Chàng thở dài nhớ đến Trương Lão Thực, chủ tiệm mì. Trương Lão Thực quả là con người chân thực. Lão vừa là chủ vừa là đầu bếp, vừa là tiểu nhị. Cho nên từ chân đến đầu lão, dầu mỡ bê bết. Từ sáng sớm đến khuya lơ khuya lắc, quần quật như trâu. Làm như vậy mà không lấy nổi một người vợ. Bởi lão không nuôi nổi một bà. Thế nhưng lão cười suốt ngày. Hễ ai vào ăn, gọi món rẻ nhất, quá ít hoặc hèn thì lão vẫn trọng như thần tài đến viếng. Sinh ý như vậy thì làm sao có cái gì ngon mà bán cho khách được ? Tuy nhiên ai vào ăn tại quán của lão cũng không thán oán gì cả. Bây giờ thì ngôi quán của lão là đống than vụn, tro tàn. Lão phải đau hơn ai hết. Hiệu thịt trâu, heo, dê bên kia của Đinh Lão Tứ cũng đồng số phận như lão Trương Lão Thực song lão này vẫn có chút của riêng, do đó mà đỡ khổ hơn. Đêm đã tàn từ lâu. Ngọn đèn lồng trước cửa kỹ viện của Tiêu Biệt Ly vẫn còn cháy. Bỗng từ trong cửa, nửa thân người ló ra, một bàn tay vẫy chàng. Người đó là Trần Đại Quan, chủ nhân một cửa hiệu tơ lụa. Hầu hết những chủ nhân các cửa hiệu tại đây thì Diệp Khai đều quen. Thỉnh thoảng chàng đến tìm người này hoặc người nọ để bàn chuyện phiếm. Nhưng hôm nay chàng khó hiểu cái vẫy tay của Trần Đại Quan. Chàng cảm thấy có cái gì khác lạ. Diệp Khai vào. Bên trong không chỉ có một mình Trần Đại Quan mà hầu như bao nhiêu người tại thị trấn đều có mặt tại đây. Nhưng Tiêu Biệt Ly vắng mặt. Ai ai cũng lộ vẻ trầm trọng. Chiếc bàn trước mặt họ trống trơn, không rượu, không thịt. Diệp Khai nhìn kỹ thì thấy mặt họ xanh rờn. Mắt họ trợn tròn, thái độ không thân thiện mảy may. Chàng tự hỏi: - Chẳng lẽ họ biết là mình gây ra cuộc hỏa hoạn này ? Chàng mỉm cười, muốn hỏi họ là có phải họ tưởng như vậy chăng. Đúng là họ muốn tìm người sanh sự. Có điều người mà họ muốn tìm không phải là chàng. Người đó là Phó Hồng Tuyết. Họ nói với nhau, với chàng, mỗi người một câu: - Từ ngày gã họ Phó đến thị trấn này thì tai họa theo đến đây, tai họa phát sinh liên miên. - Chẳng những giết người, hắn lại còn phóng hỏa. - Trước khi hỏa hoạn phát sinh, ngươi ta còn thấy gã đến tìm Lý Mã Hổ. - Hắn đến đây như để hành tội chúng ta. - Nếu hắn không ly khai địa phương này là bọn chúng ta hết sống nổi. Trần Đại Quan, Tống lão bản và Đinh Lão Tứ nói nhiều hơn hết. Trương Lão Thực là con người không bao giờ bất mãn với ai thế mà hôm nay cũng góp giận. Ai ai cũng muốn ăn sống Phó Hồng Tuyết. Họ nghiến răng, họ trừng mắt, họ hậm hực. Đợi cho mọi người im lặng, Diệp Khai điềm nhiên hỏi: - Các vị chuẩn bị đối phó với hắn như thế nào ? Trần Đại Quan thở dài: - Bọn tôi vốn chuẩn bị mời hắn đi nơi khác mà ở. Nhưng hắn đến đây, hắn muốn lập nghiệp tại đây thì dễ gì mời mà hắn đi ngay cho. Bởi thế… Diệp Khai hỏi tiếp: - Bởi thế, các vị định làm gì à ? Trương Lão Thực đáp: - Hắn muốn bọn này không phương sống sót thì bọn này làm sao để cho hắn sống. Đinh Lão Tứ đập tay xuống mặt bàn bình bịch hét: - Bọn tôi tuy là thành phần bình dân lương thiện, an phận nhưng đừng ai chạm đến. Kẻ nào chạm đến là kẻ đó phải trả giá đắt. Tống lão bản quơ quơ chiếc điếu nói tiếp: - Chó bị rượt cùng đường, đụng tường còn nhảy thì hà huống gì là con người. Diệp Khai thong thả gật đầu. Mường tượng chàng công nhận họ nói đúng đạo lý. Trần Đại Quan thở dài: - Bọn tôi có cái tâm muốn đối phó hắn, ngặt vì lực thì thiếu hẳn. Tống lão bản cũng thở dài: - Một bọn thật thà chất phác như chúng tôi thì đương nhiên không có phương đối phó với kẻ sát nhân phóng hỏa được. Trần Đại Quan tiếp nối: - Cũng may là bọn này còn có mấy bằng hữu biết chút ít võ công. Diệp Khai hỏi: - Như Tam lão bản ? Trần Đại Quan đáp: - Tam lão bản là người có thân phận cao. Chúng tôi đâu dám kêu gọi đến. Diệp Khai cau mày: - Trừ Tam lão bản ra thì đâu còn ai là người có bản lĩnh. Trần Đại Quan thốt: - Còn chứ. Một thanh niên mà người ta quen gọi là Tiểu Lộ. Diệp Khai trố mắt: - Tiểu Lộ ? Trần Đại Quan gật đầu: - Y là đệ nhất kiếm khách trên giang hồ. Dù tuổi chưa được bao nhiêu. Tống lão bản tiếp nối: - Nghe nói chỉ trong vòng một năm qua thôi, y đã giết độ ba bốn mươi người. Nạn nhân toàn là nhất lưu cao thủ trong võ lâm. Trương Lão Thực nghiến răng phụ họa: - Lấy độc trị độc, hắn giết người phóng hỏa thì phải có người cỡ đó mới trị nổi hắn. Trần Đại Quan gật đầu: - Răng chống răng, mắt chống mắt mà. Diệp Khai trầm ngâm một chút, vụt hỏi: - Họ Lộ. Lộ là đường đi hay lộ là sương ? Trần Đại Quan đáp: - Lộ là đường đi. Diệp Khai chớp mắt: - Lộ Tiểu Giai ? Trần Đại Quan mỉm cười: - Chính y. Tống lão bản hỏi: - Diệp công tử biết y ? Diệp Khai cười nhẹ: - Tại hạ có nghe nói đến tên đó. Người ta đồn kiếm pháp của y nhanh cực độ. Mà lại độc nữa. Tống lão bản cười hì hì: - Trong hai năm gần đây trên giang hồ không ai là không nghe đến tên y. Diệp Khai gật đầu: - Nhiều người nghe danh y lắm. Tống lão bản tiếp: - Nghe nói Tử Kiếm Thần Long phái Côn Lôn và chưởng môn phái Điểm Thương cũng bại nơi tay y. Diệp Khai cười thốt: - Chừng như Tống lão bản biết rành về con người đó quá. Tống lão bản cười đắc ý: - Thú thật với Diệp công tử, thanh niên họ Lộ đó là một người bà con xa xa của tôi. Diệp Khai hỏi: - Y có chịu đến hay không ? Tống lão bản đáp: - May mắn thay, trong mấy hôm nay y có mặt trong vùng phụ cận. Đinh Lão Tứ tiếp: - Người của chúng tôi sai đi đã liên lạc được với y. Y hứa là sẽ đến. Tống lão bản tiếp luôn: - Nếu không có gì trở ngại thì trước hoàng hôn hôm nay y sẽ có mặt tại tiểu trấn này. Trương Lão Thực cao giọng: - Lúc đó thì Phó Hồng Tuyết sẽ biết bọn này không phải lũ đáng khi. Diệp Khai mỉm cười: - Việc đó các vị đã quyết định rõ, hà tất phải cho tại hạ biết ? Trần Đại Quan đáp: - Chúng tôi từ lâu xem Diệp công tử là bằng hữu, mà đã là bằng hữu với nhau thì có gì phải dấu diếm nhau. Mường tượng lão sợ Diệp Khai sẽ nói ra những lới khó nghe nên lão tiếp luôn: - Tuy nhiên chúng tôi cũng hiểu là Diệp công tử có cảm tình ít nhiều với gã họ Phó. Diệp Khai cau mày: - Các vị sợ tại hạ xen vào vụ này gây trở ngại cho kế hoạch của các vị ? Trần Đại Quan nghiêm sắc mặt: - Chúng tôi hy vọng lần này Diệp công tử bàng quan tọa thị giùm cho. Trương Lão Thực thốt: - Tôi tên là Trương Lão Thực, tôi chỉ nói những lời thực. Diệp Khai gật đầu: - Ông cứ nói. Trương Lão Thực tiếp: - Công tử hãy tiếp trợ bọn tôi giết cho được Phó Hồng Tuyết. Nhược bằng công tử không giúp bên này thì cũng đừng giúp bên kia. Cứ giữ vai trò trung gian là được. Nếu chẳng vậy… Diệp Khai chớp mắt: - Thì sao ? Trương Lão Thực đứng lên, cất cao giọng: - Thì dù bọn này đánh không hơn công tử thì vẫn liều mạng đánh, đánh luôn. Diệp Khai mỉm cười: - Tốt. Quả nhiên người tên Thực thì lời nói cũng thực. Tại hạ thích mẫu người như lão trượng lắm. Trương Lão Thực thoáng lộ vẻ mừng: - Công tử chịu giúp bọn tôi chứ ? Diệp Khai đáp: - Ít nhất thì tại hạ cũng không đứng về phía hắn. Trần Đại Quan thở phào: - Bọn tôi cảm kích công tử vô cùng. Diệp Khai tiếp: - Tại hạ hy vọng khi nào Lộ Tiểu Giai đến thì các vị cho tại hạ hay liền. Trần Đại Quan gật đầu: - Đương nhiên. Diệp Khai chợt thở dài: - Tại hạ muốn biết con người đó. Nhất là mong có dịp nhìn thấy thanh kiếm của y. Bỗng một người cất tiếng: - Nghe nói ít khi nào y cho người ta nhìn thấy thanh kiếm. Người vừa thốt là Tiêu Biệt Ly. Lão từ trên gác nhỏ, nói vọng xuống. Diệp Khai ngẩng đầu lên cười, hoỉ: - Cũng như đao của Phó Hồng Tuyết. Tiêu Biệt Ly đáp: - Có một điểm bất đồng. Diệp Khai hỏi: - Điểm nào ? Tiêu Biệt Ly tiếp: - Đao của Phó Hồng Tuyết giết ba hạng người. Còn kiếm của Lộ Tiểu Giai chỉ giết có một hạng người. Diệp Khai trố mắt: - Một hạng người ? Tiêu Biệt Ly buông gọn: - Hạng người sống. Chứ ai đi giết kẻ chết rồi ? Và người sống thì gồm biết bao nhiêu hạng. Như vậy là không có chọn lựa, hễ người còn sống là hắn giết được.