Bên trong là một bộ y phục chẹt, màu đen. Y bước tới trước mặt Vân Tại Thiên, vòng tay xá, đoạn thốt: - Tại hạ nhân hứng, đùa một chút, ngàn vạn lần xin Vân trường chủ thứ lỗi ! Vân Tại Thiên cười nhẹ: - Các hạ đến, bổn đường thêm vinh hạnh, nào có lỗi gì ! Xin mời ! Lúc đó, đã có người dìu Lạc Lạc Sơn xuống xe. Vân Tại Thiên đi trước, xuyên qua một tòa nhà rộng lớn. Hướng đạo và khách đến một vọng cửa gỗ, cánh đóng lại, người chưa gọi, cửa mở ra. Ánh sáng bên trong tuôn ra, như nước tràn bờ, đập vào mắt kẻ bên ngoài. Một người xuất hiện tại cửa. Cửa vốn cao, vốn lớn, người đó đứng tợ hồ che khuất cả ngang lẫn cao. Diệp Khai không phải thấp vóc, song muốn nhìn mặt người đó, chàng phải ngẩng đầu lên. Người đó có bộ ria quá rậm, mọc lan tràn khắp mặt, vận áo trắng, quanh hông có sợi giây da, bảng rộng độ tấc, nơi giây có một thanh loan đao cổ quái, vỏ bạc, chuôi đen. Tay y cầm một chén rượu. Chiếc chén không to lắm, nhưng nếu là người khác, thì phải dùng cả hai tay mới cầm nổi. Vân Tại Thiên bước tới, cười vuốt: - Tam Lão Bản ? Người đó đáp: - Đang chờ. Rồi hỏi lại: - Khách đã đến đủ ? Giọng nói của y rền vang, như sấm nổ ngang đầu đối tượng, ai nghe rồi, tai vẫn còn kêu oang oang. Vân Tại Thiên đáp: - Ba vị thôi ! Đại hán ria rậm nhướng đôi mày, cao giọng: - Còn ba vị nữa. Vân Tại Thiên tiếp: - Chỉ sợ đến gấp bây giờ ! Đại hán gật đầu: - Tại hạ là Công Tôn Đoạn, một vũ phu thô lỗ. Xin mời ba vị vào ! Bên trong cửa, là bức bình phong gỗ to lớn, ước độ hai trượng cao, chẳng có hình vẽ, chẳng có chữ, nhưng sạch bóng. Diệp Khai vừa bước qua cửa, thì vừa nghe vó ngựa rập ràng từ xa xa vọng đến. Lắng tai, chàng nhận được chín con. Chín ngựa thoáng mắt, đến trước sàn đài gỗ. Người trên ngựa nghiêng một chân, thân hình chênh, chân kia rời bàn đạp. Cả chín kỵ sĩ cùng xuống ngựa một lượt, động tác rập như một. Cả chín người cùng đội mảo vàng vận áo lụa tía, hông mang trường kiếm, vỏ kiếm nạm đá quý chớp chớp dưới ánh đèn. Trong chín người có mang một sợi giây băng vàng sậm quanh hông, tua kiếm lủng lẳng một hạt minh châu to bằng mắt rồng. Cả chín người cùng thuộc lứa thanh niên, dung mạo anh tuấn. Thanh niên có đai vàng và hạt minh châu, chừng như thủ lãnh của bọn, đi giữa, tám người theo vây quanh, cùng đi thẳng vào. Y cất tiếng, song chẳng rõ hướng về ai, cùng các người khách khác hay với Vân Tại Thiên, Công Tôn Đoạn: - Tại hạ đến chậm, thật lỗi quá ! Không ai đáp một tiếng nào. Y nói là lỗi quá, song mặt đầy ngạo khí, thần thái dương dương, tự nhiên người ta hiểu là y không nhận lỗi chút nào. Y đến chậm hay đến sớm tùy thích, chẳng ai trách y được. Bỗng, Công Tôn Đoạn cao giọng hỏi: - Ai là Mộ Dung Minh Châu ? Vị công tử đai vàng đảo mắt xéo qua đại hán lạnh lùng đáp: - Tại hạ ! Công Tôn Đoạn tiếp: - Tam Lão Bản chỉ thỉnh mỗi một mình các hạ thôi, xin để đám tùy tùng ở lại bên ngoài ! Mộ Dung Minh Châu biến sắc, hỏi: Họ không vào được ? Công Tôn Đoạn lắc đầu: - Không được ! Một thanh niên trong số tám người, nắm chặt đốc kiếm, tợ hồ muốn xuất thủ. Nhưng, động tác của hắn chưa thành hình, một ánh sáng chớp lên, thanh loan đao của Công Tôn Đoạn chặt đứt cả kiếm lẫn vỏ của hắn. Đút đao vào vỏ xong, Công Tôn Đoạn cất tiếng oang oang: - Ai dám bạt kiếm tại Vạn Mã Đường, cứ trông vào cái gương đó ! Mộ Dung Minh Châu xanh mặt. Bỗng y quay mình vung tay tát vào mặt gã thanh niên bên cạnh, giận thốt: - Ai bảo ngươi bạt kiếm ? Chưa chịu cút ra ngoài cho ta nhờ, còn đứng đó làm chi hả ? Thanh niên không dám nói gì, quay mình bước trở lại. Diệp Khai buồn cười hết sức ! Chàng nhận ra gã là kẻ bức chàng uống rượu hôm qua. Gã có cái tánh động việc gì cũng muốn tuốt kiếm, kiếm chưa tuốt, đã gãy rồi ! Sau bức bình phong, là tòa đại sảnh. Vô luận là ai, chỉ thấy qua tòa đại sảnh là phải kinh hãi ngay ! Chiều rộng của đại sảnh, độ mười trượng thôi, song chiều dài thì thăm thẳm, tưởng chừng vô tận. Một người đi từ đầu ngoài vào tận đầu trong, ít nhất cũng bước trên hai ngàn bước. Trên tường bên tả có vẽ vô số ngựa chạy bay, có con ngẩng đầu như hí, có con phóng vó trong không gian, con nào cũng có vẻ đặc biệt, chẳng giống con nào. Ngựa vẽ trông như ngựa thật, con nào cũng đẹp, cũng hùng tráng. Bên kia tường, là ba chữ Vạn Mã Đường, chữ to bằng vóc người, nét bút cực đẹp. Giữa sảnh, có kê một chiếc bàn rất dài, bằng gỗ trắng, dài quá độ trông như một con lộ dài, chạy theo hang núi thẳm. Hai bên bàn, có hai hàng ghế, phỏng độ ba trăm chiếc. Ai không đến Vạn Mã Đường, thì không bao giờ tưởng được trên đời có loại bàn dài cỡ đó ! Mà cũng chẳng ai tưởng có lại khách sảnh dài cỡ đó ! Khách sảnh được trang trí rất đơn giản, chẳng có phần nhỏ mỹ lệ nào. Nhưng, nó trang nghiêm vô cùng, nó cao quý ở cái chỗ mộc mạc mà thanh khiết. Vô luận ai hiếu động đến đâu, vào đây rồi là trở thành trầm tịnh ngay. Cuối đầu bàn trong, có chiếc giao ỷ rất rộng lớn, một người vận áo trắng ngồi trên giao ỷ đó. Không ai thấy rõ con người đó có dáng vẻ như thế nào, chỉ thấy là y ngồi rất nghiêm trang, chừng như cái tánh của y là luôn luôn ngồi nghiêm trang, dù ngồi một mình. Chiếc giao ỷ có lưng, cho y tựa mình, song y vẫn ngồi thẳng mình, ngại rằng dựa là mất nghiêm trang. Y ngồi cách xa các người khác, xem đơn độc quá chừng ! Y xa người mà cũng xa đời, xa vật ! Diệp Khai nhận thấy điều ấy ngay từ lúc vào đại sảnh. Con người đó mường tượng không hề hoan lạc, không hề hưởng thọ, không hề có bằng hữu. Chẳng lẽ muốn được tiếng anh hùng, người ta phải trả với cái giá đó ? Hiện tại thì y đang trầm tư, song chẳng rõ y hồi ức đến việc gì ! Những cuộc chiến gian nguy đưa y đến danh vị ngày nay ? Hay y động niềm cảm khái về kiếp nhân sanh ứ đầy sầu khổ ? Khách lũ lượt vào càng lúc càng đông, y mường tượng chẳng nghe, chẳng thấy. Người đó là ai ? Là chủ nhân Vạn Mã Đường, tại đất Quan Đông ! Người đã thắng qua trăm ngàn cuộc chiến, song người chưa thắng nổi sự mâu thuẫn trong nội tâm ! Người đã thành công trên mọi lãnh vực, song sự thành công đó chưa đảm bảo cho người sự an ninh toàn vẹn ! Người không bình tịnh được sau bao nhiêu thành quả thu lượm trên giang hồ. Vân Tại Thiên bước dài đến nơi, bước tuy đài nhưng chân dẫm nhẹ. Hắn đến cạnh chủ nhân, mọp mình thấp giọng thốt mấy câu. Chủ nhân như tỉnh mộng, lập tức đứng lên, thẳng người, vòng tay, thốt: - Xin mời các vị ! Các vị ngồi ! Mộ Dung Minh Châu lướt lên, tay không tấc sắt. Công Tôn Đoạn xông ra, ngăn chận. Mộ Dung Minh Châu biến sắc, trầm giọng hỏi: - Các hạ có điều chi chỉ giáo ? Công Tôn Đoạn không đáp, mắt đăm đăm nhìn thanh kiếm bên hông Mộ Dung Minh Châu. Thì ra, y không nắm chuôi kiếm, song thanh kiếm vẫn còn ở bên mình. Mộ Dung Minh Châu biến sắc lượt nữa. - Hay là các hạ muốn cho tại hạ mở kiếm ra, để lại tại bàn ? Công Tôn Đoạn từ từ gật đầu, gằn từng tiếng: - Không một ai được mang kiếm vào Vạn Mã Đường. Mộ Dung Minh Châu biến sắc lượt thứ ba, mồ hôi lạnh đượm thành hạt quanh xóng mũi. Vô hình trung, tay y đặt lên đốc kiếm, bàn tay đó nắm chặt đốc kiếm, gân xanh nổi vồng. Công Tôn Đoạn còn đứng nguyên tại chỗ, lạnh lùng nhìn y. Mộ Dung Minh Châu run tay, chừng như khó dằn bàn tay rút soạt kiếm khỏi vỏ. Chợt, một bàn tay đặt nhẹ lên tay sờ đốc kiếm của y. Mộ Dung Minh Châu quay nhanh mình lại. Diệp Khai cười nhẹ, nhìn y, thốt: - Không lẽ các hạ cần có một tấc sắt nơi tay mới có can đảm vào Vạn Mã Đường ? Một tiếng cộp vang lên. Thanh trường kiếm của Mộ Dung Minh Châu nằm gọn trên bàn. Một ngọn đèn trời, như loại hải đăng, theo giây rút từ từ lên cao, lên tận đỉnh cột Đèn lồng bằng lụa trắng, có năm chữ đỏ: Quan Đông Vạn Mã Đường. Bọn thanh niên áo tía, tựa mình nơi lan can sàn đài, nhìn ngọn đèn lồng từ từ lên cờ. cao. Có kẻ cười lạnh, tự thốt: - Quan Đông Vạn Mã Đường ! Hừ ! Cái khí phái khoác lác quá ! Rồi một người nhạt giọng tiếp: - Không hẳn là vậy đâu ! Bất quá, chỉ là một thực hiệu lịnh biểu thị một ý tứ gì đó thôi ! Tại chân cột cờ, vốn không có người. Hiện tại, một người đang đứng đó, vận chiếc áo trắng, chính y buông câu sau, đáp lại lời tự thốt của thanh niên áo tía. Y buông từng tiếng, rõ ràng ung dung, thần sắc rất an tường. Y không mang kiếm hoặc đao chi cả ! Chẳng rõ y xuất hiện tại đó, từ lúc nào. Y là Nhất Kiếm Phi Hoa Hoa Mãn Thiên. Thanh niên áo tía dĩ nhiên không nhận ra lai lịch của Hoa Mãn Thiên. Một trong bọn hỏi: - Ý tứ như thế nào ? Hoa Mãn Thiên vẫn với giọng từ từ, giải thích: - Cáo tố với cách anh hùng trên giang hồ, rằng tại Vạn Mã Đường, trong giây phút này, một sự thương lượng, đang bắt đầu diễn tiến, trừ những vị được mời đến dự, vô luận là ai khác, vô luận có việc chi cần thiết, cũng chẳng được xâm nhập và phải chờ đến sáng hôm sau, muốn gì thì muốn. Bỗng có một người hỏi: - Nếu có kẻ nhất định vào, trong đêm nay ? Hoa Mãn Thiên bình tỉnh nhìn gã đó. Bỗng, y vươn tay. Gã đó đứng khá xá, ngoài tầm tay của y, nhưng thanh kiếm nơi hông của gã chẳng rõ y dùng thủ pháp nào lại nằm gọn trong tay y. Đoạn, y chộp tay lại, thanh kiếm bằng thép cứng, một vật bảo vệ sinh mạng gã qua bao nhiêu ngày tháng, hiện tại bở như đất thó, gãy vụn thành năm bảy đoạn. Thanh niên trố mắt, cứng miệng, không nói được một lời. Hoa Mãn Thiên lấy một đoạn gãy, trao trả vào chiếc vỏ kiếm cho gã, rồi nhạt giọng, hỏi: - Bên ngoài có gió lạnh, bên trong có rượu ấm, sao các vị không vào tìm ấm, lại ở đây hứng cái lạnh của gió lộng từ ngàn phương ? Y thốt xong, chẳng màng nghe ai đáp, quay mình bước vào đại sảnh. Bọn thanh niên áo tía đưa mắt nhìn nhau, mặt trơ như ngốc. Kẻ nào còn kiếm, kẻ đó đặt tay lên đốc kiếm, song chẳng một thanh kiếm nào được rút ra khỏi vỏ. Vừa lúc đó, một người từ phía sau lưng họ thốt vọng tới: - Kiếm, chẳng phải là vật trang sức, mang nó mà không biết dùng thì tốt hơn đừng mang cho đỡ vướng bận. Âm thinh lanh lảnh, tuy nhỏ mà vút cao, ẩn ước có gì thành khẩn dù rằng khẩu khí có chạm tự ái người nghe. Người phát thoại, rõ ràng là không khiêu khích, bất quá chỉ đưa ra một câu, khuyến cáo vậy thôi ! Bọn thanh niên áo tía biến sắc, quay mình ! Từ trong bóng tối, người phát thoại bước ra, chầm chậm, chần này đặt vững lắm rồi mới nhấc chân kia lên, đưa tới, chúng như kéo lết, chứ không nhấc. Bất quá, lối đi của người đó ung dung hơn nhịp bước của các lễ sinh trong một cuộc tế điện. Dáng đi tự nhiên, do tập quán từ thuở nhỏ, hay chân có tật ? Bây giờ, có nhiều người bắt đầu chú ý đến sự tình quanh bọn thanh niên áo tía, nhất là họ nhìn gã bị Hoa Mãn Thiên làm bẽ mặt vừa rồi. Kẻ nào đó, hỏi: - Người thứ nhất các hạ gặp trong đêm qua, có phải là tên chân thọt đó chăng ? Thì ra, người phát thoại từ trong bóng tối, vừa bước tới đó, có tật chân thọt. Và, y là Phó Hồng Tuyết. Thanh niên chủ nhân chiếc kiếm gãy biến sắc mặt xanh dờn, cắn răng, vồng gân mặt, hỏi: - Thanh đao của các hạ, có phải là vật trang sức chăng ? Phó Hồng Tuyết lắc đầu: - Không ! Thanh niên cười lạnh: - Vậy là các hạ biết dùng đao ? Phó Hồng Tuyết chưa đáp, nhìn xuống thanh đao. Chuôi đao trong tay y, chừng như chuôi đao và tay dính liền nhau muôn đời. Thanh niên với giọng lạnh, tiếp: - Các hạ biết dùng đao, sao không vung lên cho bọn này xem thử ? Phó Hồng Tuyết thản nhiên đáp: - Đao không phải là vật nên xem ! Mang đao, không phải để cho người xem. Thanh niên bĩu môi: - Thế để làm gì ? Giết người ? Các hạ có tài ba chi mà mang đao để giết người ? Chợt, gã cười vang, tiếp luôn: - Các hạ có gan cứ giết bọn này xem ! Như vậy mới đáng mặt tài ba ! Cả bọn áo tía cùng phụ họa, rộ lên cười. Một người thốt: - Nếu không có cái gan làm việc đó, các hạ không nên do cửa mà vào ! Hãy chui qua cái lỗ hỗng lan can kia, cũng vào được ! Họ đưa tay, ngăn cửa. Phó Hồng Tuyết còn cúi đầu, nhìn thanh đao, chuôi đao vẫn nằm trong tay. Một lúc lâu, y khom mình, từ từ chui qua một lỗ hỗng lan can, cạnh cửa.