Thời khắc trôi chầm chậm, lâu, lâu lắm rồi. Chẳng biết đã bao lâu từ lúc Thủy nương nương bỏ đi, và bao lâu đã trôi qua khi bà trở lại. Chỉ biết hiện giờ bà đang đứng lặng nhìn Phương Bửu Ngọc. Bà nhìn chàng, thần sắc thản nhiên vô chừng. Phương Bửu Ngọc thở ra mấy hơi dài, cất giọng trầm buồn thốt: - Tại hạ lầm! Bạch Thủy Cung chủ hỏi: - Ngươi lầm? Lầm như thế nào? Phương Bửu Ngọc từ từ trình bày: - Có thể dung hợp chiêu thứ nhất và chiêu thứ hai làm một, nhưng nếu gộp luôn chiêu thứ ba vào đó thì hình như không thể được rồi. Trừ phi lúc động thủ, mình nhân cái vị trí chết của chiêu thứ ba mà xuất ra hai chiêu đầu. Cho nên, chỉ có thể lấy chiêu thứ ba làm bàn đạp để xuất hai chiêu kia, chứ khó mà dung hợp cả ba chiêu làm một được. Bạch Thủy Cung chủ nói: - Có phải ngươi muốn nói, đặt mình trong cái nhược để phát huy cái cường, làm như thế đối phương khinh cái nhược mà không phòng ngừa cái cường xuất phát sau đó bất thình lình, và nhờ đó mà mình có thể chiếm được cơ hội thủ thắng chăng? Phương Bửu Ngọc gật đầu: - Đúng thế! Nếu mình vừa vào cuộc đã đánh ra hai chiêu đầu thì đối phương có thể hoàn thủ, dù thắng dù bại cũng hoàn thủ được và như thế đối phương có cơ hội giành cái sống với mình. Còn nếu như thoạt đầu mà mình sử ngay chiêu thứ ba, đối phương sẽ hoang mang không biết thực lực của mình ra sao. Thừa dịp đó mà chuyển nhanh sang hai chiêu kia thì cầm chắc là đắc thủ. Bạch Thủy Cung chủ lại hỏi: - Nghĩa là ngươi cho rằng không thể dung hợp trọn ba chiêu thành một? Phương Bửu Ngọc lắc đầu: - Chắc chắn không thể được! Bạch Thủy Cung chủ trầm ngâm một lúc: - Trên thế gian này chẳng có một sự việc gì mà con người không thể làm được. Bất quá chỉ là việc khó và dễ, đã làm được và chưa làm được mà thôi. Ngươi thử suy nghĩ kỹ lại xem. Ta tin rồi ngươi sẽ làm được. Còn nếu như ngươi chưa nghĩ ra thì tốt hơn hết ngươi đừng rời khỏi Bạch Thủy Cung. Phương Bửu Ngọc la lên: - Tại sao? Bạch Thủy Cung chủ lạnh lùng: - Chẳng tại sao cả. Lẽ đơn giản là ngươi nếu không nghĩ ra được cách dung hợp ba chiêu, ngươi sẽ không làm sao đủ sức thoát khỏi nơi này! Phương Bửu Ngọc cao giọng: - Cung chủ, bà... Chàng khỏi cần nói tiếp. Bởi vì chẳng có ai nghe chàng nói cả. Bạch Thủy Cung chủ đã đi xa lắm rồi. Lần này, bà đi rất nhanh, không như lần trước-bà đi ung dung thong thả. Bà không muốn nghe chàng nói gì cả. Không ra được, thì Phương Bửu Ngọc phải suy nghĩ, phải cố gắng suy nghĩ mà tìm ra cách dung hợp ba chiêu. Chàng nghiên cứu hết hai ngày ba đêm nữa. Đúng hai ngày ba đêm sau, Bạch Thủy Cung chủ trở lại. Bà hỏi ngay: - Đã tìm ra cách chưa? Phương Bửu Ngọc lắc đầu: - Tại hạ cho rằng không thể được. Dù thật sự có cách nào đó, tại hạ thú thật, không thể nghĩ ra! Bạch Thủy Cung chủ điềm nhiên: - Tốt! Vậy ngươi nên nghỉ đi một lúc cho tâm thần ổn định lại. Chúng ta sẽ bàn tiếp sau. Bà bước ra liền sau khi câu nói ngắn ngủi dứt. Khi bà trở lại lần thứ ba, Phương Bửu Ngọc còn đang ngủ. Chàng ngủ ngay trên nền tẩm cung, tuy ngủ nhưng mắt chàng vẫn mở trao tráo. Bạch Thủy Cung chủ vừa bước vào, chàng nhận thấy ngay. Bà lại hỏi: - Đã tìm ra cách chưa? Phương Bửu Ngọc nhìn chân bà chứ không dám nhìn lên mặt: - Tại hạ vẫn... Bỗng chàng tung mình lên, xoay người đáp xuống kêu lớn: - Rồi! Tại hạ đã nghĩ ra rồi! Nghĩ ra rồi! Mừng vui quá đỗi, chàng chạy lòng vòng trong tẩm cung như trẻ nhỏ. Đoạn chàng dừng lại trước mặt cung chủ, thở hào hển, nói: - Phải! Hai chiêu đầu không hẳn là phải đứng trong một vị trí mà đánh ra. Cũng có thể đứng trong vị trí như chiêu thứ ba. Bất quá ta chỉ cần thay đổi tư thế một chút. Với tư thế mới đó, bất luận từ góc độ nào mình cũng có thể đánh rạ.. Đến lượt cung chủ kêu lên: - Thật thế sao? Phương Bửu Ngọc cao giọng: - Giả làm sao được cung chủ? Bạch Thủy Cung chủ trầm lặng một lúc lâu, ánh mắt bà mơ màng vọng hướng nơi vô định. Trong ánh mắt đó ẩn giấu cả quá khứ và tương lai... Cuối cùng, bà nói: - Tốt lắm!.... Tốt lắm!.... Tốt lắm!.... Bà nói hai chữ đó đến sáu bảy lượt. Đoạn cao giọng hỏi: - Ngươi đã hợp nhất được ba chiêu thành một, như vậy có thể nói bây giờ ngươi đã là vô địch thiên hạ rồi! Đã là vô địch sao ngươi còn chưa chịu đi? Còn ai có thể ngăn cản ngươi nữa? Phương Bửu Ngọc gật đầu: - Cung chủ nói rất đúng! Chàng quay mình bước ra cửa cung. Bạch Thủy Cung chủ không ngăn cản. Bà nhẹ buông một tiếng thở dài. Tiếng thở dài ấy tuy nhẹ, song Phương Bửu Ngọc đã nghe thấy. Chàng dừng chân, quay mình lại nói: - Tại hạ chưa đi được! Bạch Thủy Cung chủ hỏi: - Ngươi còn việc chi nữa chăng? Ta đã nói rồi, hiện giờ dù ngươi muốn hỏi gì ta cũng không trả lời đâu. Tuy nhiên, một ngày nào đó ngươi trở lại đây, rất có thể tạ.. Phương Bửu Ngọc chặn lời: - Không phải việc đó, cung chủ! Điều tại hạ muốn nói là... tại hạ không phải đến một mình, thì cũng không thể một mình ra đị.. Tấm sa mỏng trên mặt Bạch Thủy Cung chủ khẽ lay động, không hiểu có phải bà cười nhẹ hay không. Bà dịu dàng hỏi: - Ngươi định chờ tiểu công chúa? Phương Bửu Ngọc nói từng tiếng: - Đúng như vậy! Bạch Thủy Cung chủ lắc đầu: - Nàng chưa đi được đâu. Nếu ngươi đợi nàng, chỉ sợ sẽ phải chờ lâu lắm. Phương Bửu Ngọc lạnh lùng: - Dù là một năm, hay trọn đời này, tại hạ vẫn chờ. Bạch Thủy Cung chủ trầm giọng: - Ngươi chịu chờ nàng trọn đời? Thật như thế sao? Phương Bửu Ngọc từ từ cúi đầu, giọng chàng ảm đạm: - Chắc là phải vậy đó, cung chủ! Chàng thở dài nói tiếp: - Bao nhiêu việc trọng đại đang chờ đợi tại hạ ngoài chuyện cá nhân, nhất là cuộc chiến sắp tới với người áo trắng từ Đông Doanh tam đảo tới. Bất kể với giá nào, tại hạ không thể vắng mặt, tại hạ sao có thể để toàn thể võ lâm thất vọng được... Chàng vụt ngẩng đâu, giọng run run nói tiếp: - Muốn thắng cuộc chiến đó, tại hạ cần sự có mặt của nàng bên cạnh. Không có nàng, tại hạ không còn hy vọng! Cung chủ điềm nhiên hỏi: - Tại sao? Phương Bửu Ngọc cười thảm: - Tại hạ sống được tới hôm nay sở dĩ bởi hai người. Phải, chỉ có hai người thôi. Một là người áo trắng, tại hạ cần phải sống để thắng y, một người khác là nàng. Nếu trên đời này tại hạ có thể tạo dựng tiếng tăm sự nghiệp gì, thì đó là vì nàng, cho nàng. Nếu không có nàng thì tại hạ phải xây dựng sự nghiệp làm gì? Tại ha..... Chàng khóc. Đưa tay lau mấy dòng lệ không kìm nén nổi, chàng cao giọng nói tiếp: - Nếu không có người áo trắng, tại hạ làm gì đạt được thành tựu võ công như thế này, nếu không có nàng, làm gì tại hạ còn tồn tại tới ngày hôm nay! Bạch Thủy Cung chủ trầm ngâm một lúc lâu. Bà nhìn chàng rồi từ từ nói: - Những lời nói đó tại sao ngươi không nói thẳng với nàng? Ta không ngờ, thế gian chắc cũng không ai ngờ được Phương Bửu Ngọc lại là kẻ si tình tới độ lấy ái tình làm lẽ sống như thế. Phương Bửu Ngọc lại cúi đầu: - Nàng có tính khí quật cường vô cùng. Luôn luôn không bao giờ chịu để tại hạ hơn nàng về bất cứ mặt nào. Nàng có biết đâu tại hạ phải sử tới trí thông minh là để chuẩn bị đối phó với người áo trắng, nào phải nhằm mục đích hơn nàng? Thực ra, dù có hơn nàng, tại hạ cũng vui lòng nhận thua, bất cứ việc gì tại hạ cũng sẵn sàng nhận thua nàng hết. Cung chủ thử nghĩ xem, những việc như vậy làm sao tại hạ có thể nói thẳng với nàng? Làm sao nàng tin tại hạ? Huống chi nếu nàng biết là vì yêu nàng mà tại hạ sẵn sàng chịu kém, thì điều đó càng khiến nàng tự ái hơn. Tự ái và tính khí quật cường ấy sẽ phân cách nàng với tại hạ, vĩnh viễn!.... Bạch Thủy Cung chủ thở dài: - Nếu đổi lại là ta, ta sẽ tin ngay. Nếu đổi lại là ta, nhất định ta sẽ không hờ hững với mối chân tình như thế. Tiếc là... Từ phía sau bức màn gấm, bỗng có giọng nghẹn ngào thốt: - Ta tin! Bây giờ thì ta tin rồi!.... Câu nói buông dứt, một bóng người tha thướt vén màn lao ra, lao luôn vào lòng Phương Bửu Ngọc. Đó là một nữ nhân tóc dài buông xõa, mớ tóc bay phất phơ theo đà vút tới phủ lên mặt chàng, đáp trên vai chàng, mớ tóc trùm cả hai tạo thành một khối. Gương mặt nữ nhân có vẻ tiều tụy, nhưng sắc đẹp của nàng không giảm sút mà dường như vẻ đẹp còn sâu hơn. Nàng chính là Tiểu công chúa. Phương Bửu Ngọc chỉ kịp mở rộng vòng tay, ôm lấy tấm thân mảnh mai ấy vào lòng. Thân ngọc trong tay chàng nhẹ hẫng, nàng đã đồng ý trao trọn thể xác cũng như linh hồn cho chàng. Nàng buông mình, như thể xác nhận câu nói vừa rồi, nàng tin tưởng nơi chàng. Phương Bửu Ngọc một tay ghì siết tấm ngọc, một tay vuốt ve từ tóc xuống lưng, rồi lại từ lưng ngược lên vai mềm... Lâu lắm rồi, bàn tay của chàng chưa chạm tới làn da mềm mại của nàng. Chàng đưa tay nâng nhẹ cằm nàng. Nàng ngẩng mặt lên, mắt nhìn mắt, chàng dịu dàng thốt: - Hiền muội, muội ốm quá! Hiền muội! Phải! Có gì ngăn trở chàng nói lên hai tiếng đó. Từ nay, hai tiếng cô nương phải rút lui nhường chỗ cho hai tiếng hiền muội thân thiết nồng nàn hơn. Nàng nũng nịu thiết tha: - Tại ca ca đó. Đền cho muội đi. Làm sao cho bằng xưa thì làm. Tất nhiên rồi! Cần gì nàng nói. Nếu thịt chàng có thể khiến nàng trở lại như xưa ngay tức khắc, thì chàng lập tức lóc từng mảnh thịt cho nàng ăn không hối tiếc. Mỗi người chỉ nói một câu ngắn ngủi, song gồm đủ những tình cảm chất chứa trong bảy năm qua và cả những hứa hẹn tương lai. Bên trong bức màn có hai tiếng thở nhẹ của bậc cao niên. Trong tiếng thở dài như có cả niềm vui... Tiếc là Phương Bửu Ngọc không nghe thấy hai tiếng thở dài đó. Nhưng Bạch Thủy Cung chủ thì nghe rất rõ. Bà quay mặt lại phía sau, dịu giọng thốt: - Mong tất cả những người hữu tình trong thiên hạ tụ họp nhau lại thành một đại gia đình! Bảy năm trôi qua! Bảy năm, vật đổi sao dời, bao nhiêu kẻ tử người sinh. Nơi nào có sự thay đổi, chứ bờ biển này vẫn y như ngày nào. Có chăng giờ đây hình ảnh chiếc thuyền buồm ngũ sắc đã tan biến theo bọt sóng trùng dương. Cho dù chiếc thuyền buồm đó còn lại trên đời, hẳn nó cũng chẳng đậu lại nơi đây đến muôn đời. Bất quá mỗi năm nó đến một lần, rồi sau đó lại ra khơi để năm sau trở lại. Nhưng suốt bảy năm nay, nó đã không hề trở lại. Khách giang hồ chỉ hay rằng Tử Y Hầu đã chết, chứ không ai biết số phận chiếc thuyền buồm ra sao. Bảy năm qua, cảnh sắc bờ biển vẫn không có gì thay đổi. Nhưng sáu năm đầu, chẳng một ai dám tới đây ngắm cảnh trời mây, nhìn sóng bạc đầu, bởi vẫn còn đó, ấn tượng về một cuộc chiến hãi hùng. Đến năm nay, hạn định bảy năm kia đã đến, đương nhiên bờ biển phải có ngày náo nhiệt. Và từ đầu năm đã có kẻ đến nơi đây trước rồi. Ai đến đây, do hiếu kỳ mà tới hay do nóng nảy mà tới, chứ không ai đến để nghinh đón người áo trắng, cùng y khai diễn một cuộc chiến định đoạt vận mệnh võ lâm Trung Nguyên. Cho nên, họ háo hức gặp lại người áo trắng để có cái ý thức là cuộc chiến không hề được hoãn lại một thời gian nào khác, vậy thôi. Và họ phải tránh gặp mặt người áo trắng, càng tránh được bao lâu càng hay. Không rõ những kẻ hiếu kỳ ẩn mình nơi đâu, chứ hiện giờ thì bờ biển vẫn vắng vẻ... Không một bóng người. Không! Thật ra bờ biển không hoàn toàn vắng vẻ, bởi có bóng một người. Người này mặc áo trắng, người đó cũng không thay đổi dáng hình dung mạo, dù thời gian bảy năm không phải là ngắn. Người đó chính là Bạch Y Kiếm Khách, người mà toàn thể võ lâm đang chờ đợi, trong háo hức, e sơ..... Màu áo trắng quá, như sự tinh khiết của một người cả đời hết lòng nghiên cứu võ học. Mớ tóc đen dài buông xoã của y làm nổi bật hơn màu áo trắng. Mớ tóc đang phất phới trên đầu y, trước mặt ỵ.. Y đứng thẳng người, dáng vẻ oai nghiêm kinh khiếp. Thoáng nhìn qua, dường như không có gì thay đổi nơi y. Nhưng thật ra đã có sự biến đổi. Đó là ở đôi mắt. Đôi mắt y sáng lạ lùng, sáng hơn bảy năm về trước. Thanh kiếm của y vẫn ngời sáng như ngày nào. Có lẽ bảy năm qua y không hề lơi là việc lau chùi thanh kiếm, mà mỗi lần đụng tới là nâng niu trân trọng, bởi thanh kiếm là người bạn đường duy nhất của y trong chuyến vượt trùng dương tới Trung Nguyên hoàn thành ước hẹn. Y đã tới đây ba hôm rồi. Trong ba ngày đã có không ít máu chảy đầu rơi. Bởi, như đã nói, đã có không ít người đến đây từ đầu năm. Khi người áo trắng xuất hiện, số hào kiệt quy tụ cũng khá đông rồi. Thoạt đầu, không ai là không e ngại y nên không ai ra mặt. Nhưng cái cảnh trốn tránh chui rúc cũng nhàm. Hơn nữa họ nghĩ, dù sao cũng là những tay hùng cứ một phương, ngang dọc giang hồ bao năm, chẳng lẽ lại khiếp nhược chưa đánh đã thua. Cuối cùng thì cũng ngứa ngáy chân tay mà chạm mặt. Nhưng, chạm mặt với người áo trắng kể như chán sống rồi. Bảy năm trước, có ai từng thoát chết dưới đường kiếm của y chăng? Trừ một người Thanh Bình kiếm khách mà y hạ tay nương tình, và một Tử Y Hầu. Song Tử Y Hầu sau đó cũng đã chết vì cạn kiệt chân khí. Một khoảng thời gian bảy năm đem lại bao nhiêu tinh tiến cho người dốc tâm lực tu vi? Ngày nay người áo trắng hẳn còn ghê gớm hơn ngày trước. Đường kiếm tuyệt diệu nay hẳn lại càng tuyệt diệu hơn. Thử hỏi cao thủ Trung Nguyên mong gì tranh tài với y? Một người chết! Hai người chết! Ba người chết! Nhiều người chết. Hào kiệt anh hùng nối nhau gục ngã dưới đường kiếm của y. Thanh kiếm của y khô sáng, nhưng dường như vẫn thấy từng giọt máu nhỏ xuống... Không lâu lắm, quần hùng từ các nơi đổ dồn về ba ngày một. Ba hôm trước họ đã đến, như họ đã từng đến ba ngày trước đó nữa. Mỗi lần tới, đến thì nhiều mà người về thì ít, họ đã đi con đường viễn du dưới lưỡi kiếm của người áo trắng. Hôm nay, sẽ lại có bao nhiêu người tiếp tục nối bước viễn du, để cho đồng đạo võ lâm phải uất hận trong khi chờ tới lượt mình? Sau lưng người áo trắng là mặt biển mênh mang, trước mặt y giờ quần hùng đã quy tụ. Y đưa đôi mắt lạnh lẽo nhìn khắp quần hùng, nói: - Bảy năm! Bảy năm qua rồi mà võ học Trung Nguyên không hề tinh tiến mảy may. Sau Tử Y Hầu, võ lâm Trung Nguyên đã chìm lặng rồi sao? Biển người trước mặt y im thin thít, không ai dám đáp lại câu nói mỉa mai của y. Họ không nói gì, nhưng máu nóng trong người họ sôi sục, dòng máu anh hùng biết giận nhưng cũng biết mình bất lực. Họ muốn lướt tới, trăm người một lượt, ngàn người một lượt... Nhưng để làm gì? Trong ba ngày qua đã bao người gục ngã? Họ đều là những người một thân tuyệt kỹ, mà với tuyệt kỹ đó họ có thể đứng vững trên giang hồ. Họ không phải là những kẻ hữu danh vô thực, nhưng họ cũng đã gục ngã. Liệu những người tới sau có gì hơn những người đến trước? Còn nếu như muốn dùng thịt đè người, lấy số đông mà mong áp đảo Bạch Y kiếm khách thì lại là một điều quá ư buồn cười. Càng đông lại càng khiến nhau vướng bận. Bạch Y kiếm khách có thể không cần chọn đích, y cứ vung kiếm một nhát đánh ra thì năm bảy người gục. Y có thể vung kiếm suốt ngày, song quần hùng có là những con thiêu thân chăng? Từ xưa tới nay có ai nghe nói thiêu thân lao vào lửa có thể dập tắt lửa chăng? Thế nên tất cả đứng nguyên tại chỗ. Tất cả cố tiêu hóa cái câu nói mỉa mai đó của người áo trắng. Tất cả đều uất hận, nhưng chính người người uất hận nhất lại chính là người áo trắng. Câu nói mỉa mai của y không kẻ nào dám phản ứng lại, mang lại cho y sự thất vọng vô biên. Chờ đợi đúng bảy năm, vượt trùng dương từ Đông Doanh tam đảo xa xôi tới đây mà vẫn không tìm ra được một đối thủ. Tại sao võ lâm Trung Nguyên lại thiếu vắng người tài tới thế? Bỗng từ trong đám đông có tiếng kẻ nào đó vọng lên: - Công Tôn Bất Trí! Các hạ trốn ở xó nào rồi? Phương Bửu Ngọc chưa đến, Phương Bửu Ngọc hắn không dám đến, thì các hạ phải thay thế hắn chứ? Làm cái việc thanh bình cho thiên hạ mà các hạ cũng không có gan làm nữa hay sao? Âm thanh đó rất trong trẻo, chứng tỏ người vừa thốt ra là một nữ nhân. Quần hùng đang yên lặng bỗng dao động lên như mặt hồ bình lặng gặp cơn gió mạnh xô đùa. Một vài người cao giọng phụ họa, dù là không hiểu họ có biết Công Tôn Bất Trí là ai không: - Phải đó, rất phải! Phương Bửu Ngọc không dám đến, đương nhiên Công Tôn Bất Trí phải ra mặt. Vô luận thế nào Công Tôn Bất Trí cũng không thể đứng yên mà nhìn đồng đạo võ lâm ngã gục vô ích. Một vài người, rồi nhiều người phụ họa, rồi toàn thể võ lầm cũng hò hét vang ầm cả lên, tiếng thét lấn át cả tiếng sóng gầm. Từ trong đám đông, một người chạy lên, cao giọng nói: - Công Tôn Bất Trí và Mạc Bất Khuất phân công nhau đi khắp nẻo giang hồ tìm Phương Bửu Ngọc. Giả như quần hùng muốn cho cả hai phải chết thì Kim Tổ Lâm này xin thay họ mà chết trước! Y thủ một ngọn Hoa Thương, vừa thốt lên vừa chạy thẳng về phía người áo trắng. Người áo trắng vẫn đứng yên, lạnh lùng nhìn Kim Tổ Lâm. Y bình thản chờ Kim Tổ Lâm đến gần, đoạn nhích động thân hình, Kim Tổ Lâm thẳng trớn không kìm nổi lao thẳng ra hướng biển. Người áo trắng cười lạnh: - Tại hạ vì võ đạo mà tới đây chứ chẳng phải để nhìn những kẻ ngu xuẩn chết dưới thanh kiếm này. Nếu hiếu thắng ngông cuồng, chẳng hiểu gì về võ đạo, nghĩ rằng cứ phải lấy cái chết để chứng tỏ thân phận trượng phu thì cứ tìm cách nào đó mà chết, đừng làm bẩn thanh kiếm của ta. Những ai am tường võ đạo cứ bước ra, những ai quen thói vũ phu thì xin lùi lại, ta không có thời gian làm công việc của tên đao phủ đâu! Chạy xuống biển đến khi nước ngang ngực, Kim Tổ Lâm mới dừng lại được. Lúc này người áo trắng đã nói xong rồi. Y quay mình nhìn người áo trắng, sửng sốt. Y không còn chút dũng khí nào để có thể bước quay lại bờ nữa. Trong khi đó, quần hùng đưa mắt nhìn nhau, cơn xáo động bỗng chốc tắt liền. Một biển người im lặng, như ngàn bức tượng gỗ sắp thành hàng trước mặt người áo trắng. Người hận, người chán cúi đầu chẳng muốn nhìn ai. Người áo trắng lại ngửa mặt lên, thở dài: - Trời đất mang mang, võ lâm nhân số đông hơn cát sông Hằng. Thế mà ta chẳng gặp một ai khả dĩ gọi là đối thủ. Người tài hiếm lắm thay. Rồi ra võ đạo cũng phải chìm sâu trong bụi thời gian, ngàn sau còn có ai biết đến võ đạo là gì nữa. Bây giờ võ đạo đã suy vi thê thảm lắm rồi. Y tặc lưỡi: - Giết! Giết tất cả, lấy máu của họ nhuộm hồng biển rộng này để làm gì chứ? Ta có thể cứu nguy cho võ đạo được đâu? Buồn thay cho kiếp vận của nền võ học. Cánh tay mang thanh trường kiếm của y buông thõng xuống, như thể treo vào đó ngàn cân đá tảng. Y đưa tay kia khoát khoát về phía quần hùng: - Đi! Hãy đi đi! Đi hết đi! Đừng kẻ nào ở lại! Ta tha chết cho tất cả! Sét nổ bên tai cũng không làm quần hùng chấn động bằng mấy câu nói này của người áo trắng. Tha chết, tha chết cho tất cả! Mà là tất cả võ lâm Trung Nguyên! Thế là tha cho kiếp vận của võ lâm Trung Nguyên! Nhục nhã! Võ lâm Trung Nguyên nhục! Cái nhục của họ là đã không giữ được thể diện của võ lâm Trung Nguyên. Hay nói cách khác, những phần tử ưu tú của võ lâm Trung Nguyên đều có mặt ở đó bị sỉ nhục. Họ thà chết còn hơn nghe người áo trắng nói mấy câu đó. Thà họ bị giết như những con hổ kiêu hùng dưới tay kẻ đi săn, còn hơn như một con chó cúp đuôi thế này. Nhưng, biết rửa nỗi nhục đó bằng cách nào? Kim Tổ Lâm bật khóc. Y gào lên: - Cao xanh! Cao xanh! Ngoài Phương Bửu Ngọc ra trên thế gian không còn ai là đối thủ của hắn hay sao? Không ai dám động thủ với hắn nữa sao? Võ lâm không lẽ chỉ có Phương Bửu Ngọc một cột chống trời? Giả như Phương Bửu Ngọc không đến, quần hào phải chịu cúi đầu nghe hắn sỉ nhục?... Mỗi lời của Kim Tổ Lâm như những nhát roi quất vào mặt hào kiệt giang hồ. Mọi người đều đã khóc. Những tay chọc trời khuấy nước, nghênh ngang một thủa, giờ đây thảy đều thúc thủ nghe người ta lăng nhục. Không phải họ sợ chết! Nhưng chết mà không cứu vãn được tình thế, chết cũng vô ích, chết cũng không rửa được nỗi nhục. Tuy nhiên cũng có người không nhẫn nhịn được. Trong đám đông có một tiếng cười lạnh vang lên, nối tiếp là một giọng nói lạnh không kém: - Phương Bửu Ngọc! Hắn đã là cái quái gì? Nếu gặp ta, ta giết hắn không chớp mắt. Sở dĩ ta chưa xuất thủ là muốn coi bọn người ngốc nghếch các ngươi còn nạp mạng cho hổ đói được bao nhiêu người nữa. Các ngươi cứ lao đầu vào mà chịu chết, chết cho hết đi rồi ta ra tay cũng chẳng muộn. Giọng nói đó, do chính người đã phát xuất đầu tiên, gọi tên Công Tôn Bất Trí lúc vừa rồi. Người đó là một nữ nhân. Quần hùng giật mình, song chẳng ai biết được nhân vật đó là người nào. Nữ nhân đó tiếp: - Làm gì các ngươi thừ người ra như những xác chết thế? Tại sao chưa tránh qua hai bên để nhường lối cho ta tiến tới? Để ta coi tên tiểu tử áo trắng kia tài ba thế nào mà lại dám coi thường thiên hạ tới thế. Tưởng như trên thế gian có mỗi một hắn thôi chắc? Người áo trắng thoáng biến sắc. Ánh mắt của y ngời lên, chờ xem cái người lớn tiếng đó là ai. Rần rần, biển người dao động, rẽ làm hai tại trung tâm, một con đường lớn hiện ra liền. Theo con đường đó, bốn người thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần khiêng một chiếc kiệu đi vào. Ngồi trên chiếc kiệu là một nữ nhân tuổi đã trung niên, trên gương mặt đã có những đường nhăn. Thế mà, ánh mắt của bà vẫn còn ma lực kinh hồn, nhìn nam nhân nào, nam nhân đó phải ngây ngất. Tóc bà vấn cao, trên tóc cài trâm ngọc, trên mình khoác áo gấm tỏ vẻ sang quý. Điều lạ lùng là trên mình bà có tám thanh kiếm thuộc loại kiếm dài, ánh thép ngời ngời, tỏ rõ là những thanh kiếm báu. Quần hùng có kẻ nhận ra bà, kêu lên thất thanh: - Nữ ma đầu Vương Đại Nương! Có phải là bà ấy không? Một người khác nói: - Còn ai nữa? Đúng là bà ta rồi! Nghe nói chính Công Tôn Hồng cũng bị bà ta đánh bại. Bà ta đủ sức làm địch thủ của người áo trắng lắm! Một truyền mười, mười truyền trăm. Cả biển người trong cơn tuyệt vọng vụt hứng khởi trở lại. Trong trường hợp này, vô luận là ai, hắc bạch giáo, trộm cắp, gian manh dâm tặc... nếu là địch thủ của người áo trắng thì đều được hoan nghênh như thần tượng. Chưa cần biết có thắng nổi người áo trắng không, nhưng Vương Đại Nương đã được võ lâm coi như đệ nhất anh thư! Phải, bà ấy chính là Vương đại nương! Không hẹn mà quần hùng rập nhau hô vang dậy, tiếng hô chấn động cả một góc trời. Vương Đại Nương đảo mắt nhìn quanh một vòng, miệng nở một nụ cười. Người áo trắng vẫn bình thản như không. Y lạnh lùng nhìn Vương Đại Nương, buông một câu gọn lỏn: - Thì ra là một nữ nhân! Vương Đại Nương cười mỉa: - Nữ nhân thì sao? Nữ nhân vẫn có thể giết được ngươi như thường! Người áo trắng thở dài khoát tay: - Ngươi đi đi! Bình sinh ta không thích động thủ với nữ nhân! Vương Đại Nương bĩu môi: - Ngươi có muốn không động thủ cũng không được! Bà từ từ phẩy nhẹ tay. Hai đạo kiếm quang chớp lên, xẹt thẳng tới. Dù bà dùng tay, kiếm vẫn nhanh như thường, nhanh hơn mũi tên rời cung. Hai đạo kiếm quang đó làm gì được người áo trắng? Bởi người áo trắng đang nhìn bà, dù là không chú ý lắm cũng là nhìn, và hẳn là thấy những cử động của bà. Một tay kiếm thông thường cũng có thể tránh được hai đường kiếm đó, huống chi là người áo trắng. Thế thì tại sao Vương Đại Nương lại phóng ra? Như thế có phải là phí phạm hai thanh kiếm không? Gặp đại địch mà số ám khí trong mình hao hụt một cách vô ích, đúng là một cái bại lớn rồi. Chẳng qua bà dụ địch mà thôi. Chỉ cần người áo trắng khẽ nhích động thân hình thôi, là bà xuất phát tuyệt học của mình ngay. Tuyệt học đó là kiếm pháp Tử Mẫu Truy Hồn Sát Thủ. Hai lưỡi kiếm bay ra, một trước một sau nhưng lưỡi phóng sau tới đích trước, và sau cùng để công thật sự, còn trước chỉ dùng để nhử địch mà thôi. Hai đạo kiếm quang này bay ra là để dọn đường cho Tử Mẫu Truy Hồn Sát Thủ kiếm pháp mà thôi. Nhưng người áo trắng không hề nhích động thân hình. Y chỉ vung tay lên, một vệt sáng lạnh chớp ngời, rồi tiếng thép ngân dài như một điệu nhạc du dương bất tận.