Từ chủ thuyền đến trạo phu đều tháo mồ hôi hạt lèo lái con thuyền tranh từng tấc nước với gió. Họ cởi phăng áo ngoài, họ để lộ thân thể như những pho tượng đồng đen óng ánh, họ chú hết tâm thần điều khiển con thuyền. Thuyền vẫn theo lối chữ chi mà tiến, khó khăn chậm chạp vô cùng. Sông rộng, thuyền xiên qua rẽ lại không ngăn khoảng xoay chiều cho lắm. Cứ theo lệ, gần đến bờ bên này rồi, còn cách độ ba trượng là thuyền quày mũi để trở sang bên kia. Bỗng từ bên bờ, một đường giây dài bay vút xuống. Đầu giây có thòng lọng, thòng lọng như có mắt, không tròng vào đâu mà lại tròng đúng chiếc cần trục nơi mũi thuyền. Chủ thuyền kinh hãi, phu thuyền kinh hãi. Tất cả kêu lên: - Cái gì thế này? Sao lạ lùng thế? Trên bờ sông một tiếng đáp vọng xuống, nhưng đường giây cứ bị rút ngắn dần con thuyền vào bờ dần. Kéo một con thuyền to từ ngoài xa sang vào tận bờ, nếu không do nhiều người thì ai đó hẳn phải có thần lực cử đảnh vạn cân nặng. Bây giờ thì chẳng những chủ thuyền, phu thuyền kinh hãi mà hành khách cũng khiếp đảm. Tất cả bắt đầu xôn xao nháo nhốn, ai ai cũng hiện lộ rõ vẻ hoang mang. Và hành khách hỏi hành khách, rồi hành khách lại hỏi chủ thuyền. Chẳng ai đáp lời, bởi nào ai biết gì mà đáp? Vạn Lão Phu Nhân nhìn khẽ Công Tôn Hồng. Công Tôn Hồng vẫn ngồi bất động, lù lù như chiếc tháp tự nhiên, gương mặt y biến đổi. Thuyền, cuối cùng phải cặp bờ. Hơn mười đại hán vận y phục chẹt hiệp lực nhau kéo thuyền, người nào cũng mày rậm mắt to, người nào cũng có vẻ hung bạo như ác quỷ. Đứng chen trong bọn đại hán, có hai thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời. Một nàng mặc đỏ, một nàng mặc xanh nàng nào cũng gắn nụ cười nơi vành môi thành gương mặt đẹp lại càng đẹp, càng tươi hơn. Mỗi nàng nâng một chiếc mâm, nàng áo xanh nâng mâm có bình rượu nàng áo đỏ nâng mâm có chén rượu. Bình, chỉ có một chén cũng chỉ có một chiếc, bình và chén đều bằng ngọc, và đồng màu với áo của mỗi nàng. Bọn phu thuyền hết sức tức giận song giận mà làm gì, bởi ai ai cũng sợ hãi. Hai thiếu nữ từ từ bước đến gần bờ, từ từ nhấc chân lên. Không ai thấy hai nàng nhảy hay bay, chân họ vừa nhấc lên là họ đã đứng nơi mũi thuyền rồi. Nàng áo đỏ mỉm cười thốt: - Chẳng có gì đâu các vị đừng sợ. Nàng áo xanh tiếp: - Chúng tôi đến đây, chỉ muốn dâng rượu cho một vị khách, ngoài ra chẳng có mục đích gì khác. Nàng áo đỏ nói theo: - Dâng rượu rồi là các vị tiếp tục hành trình, chúng tôi không dám cầm các vị Ở đây lâu! Họ cười rất tươi, họ nói rất dịu, tuy vậy mọi người vẫn còn sợ như thường. Có kẻ làm gan lẩm nhẩm: - Dâng rượu? Rượu tiễn đưa? Sao lại có cái lối dâng rượu lạ lùng như thế này? Nhưng hai thiếu nữ đã vào trong thuyền rồi. Thấy hai thiếu nữ, Vạn Lão Phu Nhân kinh hãi phi thường bà thun người lại, vừa thun người vừa nép sát vào góc thuyền. Nhận ra chiếc đầu còn thừa bà chui đầu vào giữa hai gối, dấu luôn hai tay. Bà đã nhận ra hai thiếu nữ đó. Họ là đệ tử của Vương Đại Nương, một kèm Đa Tý Hùng, một kèm Lã Vân trong đêm đó tại rừng dâu. Hai nàng không thấy bà. Họ không nhìn bà thì làm sao thấy bà được, họ đang nhìn Công Tôn Hồng. Nàng áo đỏ kêu lên: - Hay! Hay quá! Thì ra Công tôn đại hiệp có mặt trong thuyền này. Công Tôn Hồng từ từ đứng lên. Hai thiếu nữ từ từ bước tới. Công Tôn Hồng ngưng trọng thần sắc, cất tiếng nói: - Hai cô nương... Nàng áo đỏ chận lời: - Công Tôn đại hiệp không nên đa nghi, bọn chúng tôi đến đây không có ác ý đâu! Nàng áo xanh tiếp: - Gia sư nhận rằng đại hiệp là người thủ tín, nói đi là đi, tỏ ra tư cách anh hùng, xứng đáng trong hàng ngủ võ lâm cho nên... Thiếu nữ áo đỏ tiếp: - Cho nên người sai bọn tôi đến đây tiễn hành Công Tôn đại hiệp làm tỏ rõ cái tráng chí của đại hiệp, nêu gương sáng trên giang hồ. Nàng cầm mâm có bình lấy chiếc bình rót rượu vào chén ngọc trên mâm nàng kia. Rượu không là màu san hô, rượu này có màu xanh trong xem ra ngon lắm, Công Tôn Hồng nhìn chén rượu một lúc bỗng lộ vẻ bi thương lẫn thống khổ. Thiếu nữ áo đỏ điểm nụ cười duyên thốt: - Rượu tiễn hành, đương nhiên không thể có mỗi một chén, và chén thứ nhất hàm ý chúc Công Tôn đại hiệp trên đường đài được bình an, đại hiệp là bậc anh hùng trọng tín nghĩa, đáng được người đời xem như thần tượng... Thiếu nữ áo xanh đưa chiếc mâm có chén rượu đến gần Công Tôn Hồng tiếp: - Xin mời đại hiệp! Công Tôn Hồng do dự một chút đoạn ngẩng mặt lên, buông tiếng than: - Cũng được! Rồi y chụp lấy chén rượu uống cạn. Thiếu nữ áo xanh bật cười khanh khách: - Như vậy mới khoan khoái chứ! Như vậy mới đáng hoan nghinh chứ! Quả nhiên tửu lượng hơn người! Thiếu nữ áo đỏ rót thêm một chén thốt: - Chén thứ hai hàm cái ý khuyên Công Tôn đại hiệp đừng bi thương đừng thống khổ, bằng vào võ công đó đại hiệp thừa lập nên một sự nghiệp lớn lao nơi hải ngoại. Nàng dừng lại một chút, cười nửa nụ tiếp: - Hà huống, tuy đại hiệp bại nơi tay gia sư, bại như thế cũng chẳng phải là điều đáng hận, trong võ lâm bao nhiêu người thành danh từ nhiều năm qua, vẫn phải bại nơi tay gia sư như thường. Cái bại còn thê thảm hơn gấp trăm gấp ngàn lần đó đại hiệp ơi! Thiếu nữ áo xanh nói tiếp: - Công Tôn đại hiệp thấy rõ như thế chứ? Rồi nàng giục: - Nào mời đại hiệp! Xin mời đại hiệp uống cạn chén thứ hai. Công Tôn Hồng cắn răng, gân trán nổi vòng lên lên, chụp chén rượu uống luôn. Thiếu nữ áo đỏ mỉm cười: - Chén thứ ba, xin vô phép với đại hiệp nhé, là chén cảnh cáo, nếu đại hiệp không thủ tín còn lẩn trốn trong võ lâm Trung Nguyên thì... Nàng lại cười dừng câu nói. Nàng dừng lại để nở một nụ cười. Nụ cười vẫn duyên dáng song phảng phất có một cái gì sắc bén như kiếm như đao. Nàng dừng lại thiếu nữ áo xanh tiếp: - Phải nhìn nhận Công Tôn đại hiệp có may mắn hơn người, bởi từ xưa đến nay, nào có một ai được sống sót dưới tay gia sư? Cho nên đại hiệp cần phải uống chén rượu này, uống để nhớ mãi những gì đã nói, uống để mừng cho vận số vẫn còn đỏ như thường. Nàng đưa mâm ra cười nói: - Nào, xin mời đại hiệp! Công Tôn Hồng biến sắc. Trong ánh mắt của y lửa hận đã bốc đỏ ngời, và đôi bàn tay của y nắm chặc lại cứng rắn như hai quả chùy. Hai thiếu nữ vẫn cười, thản nhiên như chẳng hề trông thấy những biểu lộ đó nơi Công Tôn Hồng. Cuối cùng, Công Tôn Hồng cũng phải uống luôn chén thứ ba. Thiếu nữ áo đỏ tiếp: - Rượu thường là ba chén, cái số lễ độ mà, song hiện tại còn chén thứ tư. Bỗng nàng trầm gương mặt, những gì tươi vui nơi gương mặt vụt biến mất, ánh mắt nàng cũng mất luôn vẻ tình tứ, trở nên sắc lạnh vô cùng. Ánh mắt đó chiếu thẳng vào mặt Công Tôn Hồng một lúc lâu, đọan nàng thốt: - Chén thứ tư, hàm cái ý cảnh cáo như chén thứ ba nhưng lại thuộc về một việc khác. Nàng gằn từng tiếng một: - Vĩnh viễn đại hiệp không nên trở lại Trung Nguyên! Nàng áo đỏ nghiêm giọng, nhưng nàng áo xanh lại cười: - Thực ra trong võ lâm Trung Thổ chẳng có gì đáng cho đại hiệp lưu luyến, cho nên một người nào đó ra đi rồi mà còn trở lại, thì đúng là một kẻ kém trí, có chết cũng chẳng đáng cho ai thương tiếc. Nàng cũng nhấn mạnh từng tiếng: - Có đúng vậy không đại hiệp? Công Tôn Hồng chấn động toàn thân, lồng ngực phập phồng gấp nhịp, hơi thở nghe rõ ràng. Lâu lắm y rung rung giọng thốt. Lần đầu tiên y mới cất tiếng, từ lúc hai thiếu nữ mời rượu: - Tốt!... tốt!... nhờ hai cô nương khi trở về phục lệnh lịnh sư, trình cho lịnh sư biết rằng, Công Tôn Hồng không còn mặt mũi nào trở lại Trung Nguyên. Bỗng y chụp chén rượu uống một hơi cạn như ba lần trước. Đoạn y bóp chén rượu vỡ vụn trong tay, y nhìn những mảnh ngọc vụn phát thệ: - Nếu tại hạ trở về thì tại hạ sẽ như chiếc chén này! Hai thiếu nữ cười vang, vỗ tay bôm bốp: - Hảo nam nhi! Hảo nam nhi! Bất thình lình hai nàng chồm tới mỗi nàng đeo một bên vai Công Tôn Hồng, mỗi nàng hôn vào má y, tiếng hôn vang lên chong chóc. Rồi cả hai cùng tiếp: - Riêng bọn chúng tôi kính dâng đại hiệp như vậy đó, tuy không là rượu song vẫn làm say người hơn rượu chứ, phải không đại hiệp? Hai nàng lùi ra xa xa, vòng tay nghiêng mình buông luôn: - Chúng tôi xin cáo từ! Cả hai quay mình bước khỏi khoang thuyền, không hề quay đầu lại. Hành khách trong thuyền thấy cả hai có vẻ hấp dẫn quá, họ nhìn mê mệt quên cả sợ hãi. Hai nàng đã đi rồi họ vẫn còn ngây ngất. Thuyền lại tách bờ. Từ trên bờ hai thiếu nữ hát vang, tiếng hát vọng xuống chen lẫn với tiếng cười: - Gió vi vu hề, sông tê lạnh! Đại hiệp đi hề không bao giờ trở lại Trung Nguyên! Trung Nguyên hề, từ nay mất một người võ lâm! Võ lâm hề! Từ nay càng vắng người. Tiếng hát vang lên, rung chuyển trọn thân hình to lớn của Công Tôn Hồng. Chẳng rõ cái rung chuyển của y hay vì gió, con thuyền cũng rung chuyển luôn. Và Vạn Lão Phu Nhân cũng rung chuyển luôn. Bây giờ bà đã minh bạch rồi, Công Tôn Hồng bị Vương Đại Nương đánh bại, trước khi động thủ, cả hai cùng long trọng phát thệ. Và lời thề đó có thể như vầy: - Người nào bị bại rời khỏi Trung Nguyên vĩnh viễn không được trở lại. Bà thầm than: - Xong! Thế là xong! Tài nghệ như Công Tôn Hồng hắn vẫn bại dưới tay Vương Đại Nương, đã đánh bại Công Tôn Hồng bà ta còn bức đuổi gấp ra hải ngoại, cái mụ đại ma đầu đó có võ công cao cường, lại điều khiển bọn hồ ly... đúng là mối họa lớn cho võ lâm. Cảnh nhiệt náo trong thuyền bây giờ lắng đọng hoàn toàn, chẳng một ai có năng khiếu khôi hài tái tạo nổi! Thuyền cứ tiến, thuyền qua khỏi tỉnh Thành Tế Nam vào đại phận Tế Dương. Trong thời gian đó thuyền có cặp lại một bãi bến, có hành khách lên bờ có hành khách xuống thuyền... Trong thời gian đó Công Tôn Hồng vẫn ngồi bất động tại chỗ. Khi đêm xuống thuyền đến Thanh Thành. Có người sắp soạn chăn mền chuẩn bị ngủ một giấc ngon. Công Tôn Hồng thở dài y cũng sắp soạn chỗ ngủ, y lấy chiếc chăn quấn trên lưng xuống trải rộng ra. Bây giờ Vạn Lão Phu Nhân mới nhận ra y thọ thương. Thương thế ở trên đầu vai, mảnh bố trắng bọc bên ngoài, còn dấu máu. Công Tôn Hồng cắn răng chịu đau gỡ mảnh bố, rắc thuốc kim thương lên đó. Thực ra thì chẳng phải vết thương làm cho y đau đớn, mà chính là niềm đau đớn phát tự trong tâm. Đêm thanh vắng nước sông xuôi giòng nước róc rách, hai bên mạn thuyền như buông lời than thở. Sông rộng về khuya có sương lạnh phủ mờ mặt nước, sương làm mờ nhạt ánh đèn, đèn thuyền, đèn nhà đâu đâu cũng hiện ra như những chấm nhỏ chấm to. Ánh đèn, dù nhạt cũng đủ soi mờ mờ giòng nước chảy. Đột nhiên trong ánh đèn mờ dợn dợn theo giòng nước có một bóng người. Người đó đội chiếc nón lá, khoác chiếc áo tơi, có cái dáng dấp của một ngư phủ. Nhưng ngu phủ làm sao lại có oai khí bốc bừng quá rõ rệt? Vạn Lão Phu Nhân và Công Tôn Hồng giật mình. Công Tôn Hồng cấp tốc kéo chiếc khăn che kín mình hơn, đồng thời y cũng kéo sụp chiếc nón xuống thấp một chút nữa. Người đó đội chiếc nón sâu hơn Công Tôn Hồng, chiếc nón che kín gương mặt dù chẳng có chiếc nón đó Công Tôn Hồng cũng khó nhận diện vì bóng đêm lờ mờ, chẳng trông được rõ ràng. Bây giờ bóng người đó đi đến trước cửa thuyền. Một cơn gió quét qua hất nhẹ chiếc nón của y lên, y đưa tay chụp lại nhưng Công Tôn Hồng cũng kịp thời trông thấy đôi mắt của y sáng rực như hai điểm sao. Y đứng tại cửa thuyền, đảo mắt nhìn khắp nơi cuối cùng dừng lại nơi mặt Công Tôn Hồng. Công Tôn Hồng khẽ nghiêng đầu qua một bên, tránh ánh mắt đó. Đến lúc Công Tôn Hồng trở đầu về tư thế cũ, bất giác sững sờ vì người đó ngồi xuống đối diện với nhau. Cùng chung một khoang thuyền gần nhau quá, dù cho ai có cố dấu mặt dấu mày đến đâu cũng vẫn bị người khác trông thấy như thường bất quá sớm hay muộn thôi. Và cuối cùng Vạn Lão Phu Nhân cũng thấy được nửa phần mặt của người đó. Bà lại giật mình lượt nữa. Bởi bà đã nhận ra người đó y chẳng phải ai xa lạ y cũng có mặt tại Thái Sơn trong đêm đại hội cũng có sự tranh chức vô địch võ lâm để đại diện võ lâm, đối hó với người áo trắng tư Đông Doanh Tam Đảo sắp đến Trung Nguyên. Người đó là Mai Khiêm, ngoại hiệu Thiên Đao! Mai Khiêm làm gì tại đất Thanh Thành? Mai Khiêm làm gì lại xuống thuyền? Hắn định đi đâu? Hay hắn cũng bị trục xuất như Công Tôn Hồng? Bây giờ hắn đáp thuyền để ra hải ngoại, và cũng vĩnh viễn chẳng trở về Trung Thổ nữa như Công Tôn Hồng? Công Tôn Hồng len lén đưa tay kéo chiếc nón xuống thấp hơn trước. Trong gian thuyền tất cả hành khách đều ngủ, ai ngủ là nằm, chỉ có hai người ngồi, ngồi là còn thức. Hai người ngồi, đương nhiên là Công Tôn Hồng và Mai Khiêm. Họ ngồi đối diện, không ai nói với ai, song oai khí còn lại trong người họ đang bốc mạnh, hai oai khí đó đang tương trì nhau trong khi còn người bất động. Vạn Lão Phu Nhân nhìn cả hai thầm nghĩ: - Lại sắp có cuộc vui khai diễn nữa đây! Ta hy vọng đừng ai lôi cuốn ta vào vòng, ta muốn được yên thân thôi. Đêm cứ xuống. Sương càng phủ, rơi càng dày, sương càng dày đèn càng mờ. Người trong thuyền ai ngủ càng ngủ say, ai thức càng thao thức. Bỗng, Mai Khiêm vòng tay: - Chào Công Tôn đại hiệp. Công Tôn Hồng không ngẩng đầu lên, lâu lắm y mới vòng tay đáp lại: - Chào Mai đại hiệp! Mai Khiêm đáp: - Thì ra Công Tôn đại hiệp còn nhận ra tại hạ! Công Tôn Hồng không đáp liền, lâu lắm như trước y mới lạnh lùng đáp: - Thì ra Mai đại hiệp còn nhận ra tại hạ! Mai Khiêm lại tiếp: - Thiên Long Côn vô địch trong thiên hạ còn ai không biết! Công Tôn Hồng không đáp. Lâu gấp hai lần trước y vẫn không đáp. Mai Khiêm chờ đợi quá lâu còn nóng nảy phần nào, đằng hắng mấy tiếng rồi tiếp: - Từ ngày cách biệt tại Thái Sơn thắm thoát đã gần tròn một trăng rồi! Công Tôn Hồng thở ra từ từ thốt: - Gần tròn một trăng rồi! Mai Khiêm tiếp: - Sau đại hội Thái Sơn anh hùng giải tán, tại hạ cứ mơ cái phong thể của Công Tôn đại hiệp, mãi nghĩ rằng, muốn gặp đại hiệp cũng phải khó khăn vất vả lắm, ngờ đâu lại gặp nhau tại đây! Công Tôn Hồng lơ lửng: - Ừ! Mai Khiêm thở dài: - Gặp nhau, lại gặp trong cảnh này, tiếc thay! Công Tôn Hồng trầm ngâm một lúc lâu rồi, hỏi lại: - Tiếc làm sao? Lần này Mai Khiêm không đáp. Công Tôn Hồng cũng chẳng hỏi thêm. Cả hai bình tịnh, song Vạn Lão Phu Nhân không bình tịnh, bà nóng nghe sự tình, song cả hai lại im lặng. Bà sôi giận, nếu có thể, bà nắm đầu cả hai nhấc bổng lên quay một lúc rồi bức phải nói, nói hết những gì bà cần nghe. Người trong thuyền vẫn ngủ say. Người thức vẫn thao thức, mỗi ngưòi theo đuổi niềm tâm sự riêng, hai ngồi một nằm, ngồi đầu đó cân nhắc nằm nóng nảy chờ nghe. Thời gian trôi qua đều đều đêm cứ xuống, sương cứ rơi đèn cứ mờ. Lâu lắm Mai Khiêm từ từ cất tiếng: - Thiên Long Côn danh chấn thiên hạ, từ lâu tại hạ mơ ước được dịp thỉnh giáo, rất tiếc sau ngày đại hội Thái Sơn công việc quá nhiều thành không rỗi rảnh... giờ đây!... giờ đây... rất tiếc Công Tôn đại hiệp thọ thương! Lời nói rất ôn hòa, êm dịu song cái ý quá lạnh quá sắc bén. Hắn tiếp: - Dù muốn giao thủ cũng không thể giao thủ bởi khi nào tại hạ dám vô lễ với người thọ thương! Công Tôn Hồng mơ màng: - Ai!... đáng tiếc... Bỗng y bật cười lớn, cười cuồng dại. Tiếng cười lớn đột nhiên phát lên mọi người đều giật mình thức dậy cùng ngồi nhanh lên, cùng sợ hãi hỏi: - Cái gì thế? Chủ thuyền cũng ló đầu vào khoang hỏi: - Cái gì thế? Gã định mắng mấy tiếng, song bốn ánh mắt trừng thẳng vào mặt hắn vừa nghiêm vừa lạnh, vừa hung. Hắn làm sao chịu đựng nổi ánh mắt của Công Tôn Hồng và Mai Khiêm? Hắn nín lặng. Công Tôn Hồng lạnh lùng hỏi: - Sắp sáng chưa chủ thuyền? Hắn đáp nhanh: - Sắp... sắp sáng rồi! Công Tôn Hồng lại hỏi: - Sắp mở thuyền chưa? Hắn đáp nhanh: - Sắp!... sắp mở thuyền! Trước bốn ánh mắt đó còn ai dám nói lên cái ý trái ngược? Thuyền mở dây tiếp tục hành trình. Khi thái dương lên đến đầu cây, thuyền đến Lợi Tân cặp bến. Chủ thuyền ngồi mở cửa khoang thuyền, cao giọng thốt: - Đến bến rồi, các vị sửa soạn lên bờ nhưng trước khi lên các vị nhớ lộ phí nhé! Hắn cười kết thúc câu nói sặc mùi con buôn. Không ai muốn ở lại lâu nhìn mặt hai người lầm lỳ đáng sợ, nên tất cả hành khách đều lên bờ nhanh chóng. Trừ Công Tôn Hồng, Mai Khiêm và Vạn Lão Phu Nhân. Chủ thuyền dợm mấy lượt định hỏi tiền, định giục họ lên bờ hắn do dự mãi, sau cùng đánh bạo hắn bước luôn vào khoang gãi đầu, ấp úng: - Đã đến bến cuối cùng rồi, các vị... Công Tôn Hồng vụt hỏi: - Thuyền đậu luôn? Không đi nữa sao? Chủ thuyền mỉm cười: - Đi chứ, nhưng trở lại Tế Hà! Các vị... không lẽ muốn trở lại Tế Hà nên không lên bờ? Mai Khiêm nạt: - Trở lại Tế Hà? Điên sao? Chủ thuyền bắt đầu sợ: - Thế thì... thì... xin các vị lên bờ. Công Tôn Hồng trầm giọng: - Thuyền không đi tới nữa à? Chủ thuyền biến sắc: - Đi tới? Để ra biển? Mai Khiêm gật đầu: - Phải! Ra biển! Chủ thuyền sợ quá sụn chân tại chỗ: - Thuyền này không ra biển được, các vị Ơi! Công Tôn Hồng cùng Mai Khiêm nhìn nhau. Chợt Mai Khiêm bướt tới rút thanh đoản đao nơi hông chủ thuyền lấy ngón tay bám vào mũi đao, thanh đao gãy liền. Đoạn Mai Khiêm cười nhạt, trong khi chủ thuyền như cầy sấy: - Như vậy đó đủ bắt buộc ngươi ra biển không? Chủ thuyền vập đầu ngay: - Xin... xin các vị... Công Tôn Hồng móc trong mình ra một vật, quăng tới trước mặt chủ thuyền.