Phương Bửu Ngọc nhìn về phía hậu. Ngưu Thiết Oa vẫn còn vác con ngựa nơi vai, đứng bên vệ đường, tiểu công chúa đang cố gắng dựng con ngựa của nàng lên. Phương Bửu Ngọc gọi to: - Thiết Oa, ngươi đứng đó chờ ta nhé! Ngưu Thiết Oa cao giọng đáp: - Tự nhiên, Thiết Oa ở đây đợi đại ca rồi, song còn nàng? Thiết Oa không đủ sức giữ gìn nàng đâu! Tiểu công chúa ngẩng đầu lên cười lạnh: - Ngươi yên chí! Nếu ta muốn đi, ta đã đi từ lâu rồi, chẳng đợi đến lúc nầy đâu! Phương Bửu Ngọc quay mình lại. Tưởng Tiếu Dân mỉm cười: - Vậy xin mời đại hiệp! Cả hai hướng về cánh rừng, đi sâu vào. Tưởng Tiếu Dân đi trước dẫn đường, Phương Bửu Ngọc bình tỉnh theo sau. Đi hơn mười trượng rồi, Tưởng Tiếu Dân không hề quay nhìn lại sau, mà cũng chẳng thốt tiếng nào. Phương Bửu Ngọc định hỏi gì đó, song thấy Tưởng Tiếu Dân có thái độ nghiêm trang quá, chàng lại thôi. Gió thu thỉnh thoảng lướt qua, lá vàng rơi rụng, chân bước lên những lá đó, lá mới đè lá cũ khô hơn, tiếng xào xào nhè nhẹ chen lẫn với tiếng rắt rắt càng tạo cho khung cảnh thêm lạnh lùng, sơ sác... Ai nói thu là cảnh tiêu sơ, thật trong lúc nầy lời nói đó đúng vô cùng! Tưởng Tiếu Dân từ từ chậm bước, vừa chậm bước, y vừa thốt: - Kể từ hôm đó, huynh đài trở thành thiên hạ vũ lâm đệ nhất nhân, thật đáng mầng cho huynh đài mà cũng chia niềm vui đó với huynh đài! Phương Bửu Ngọc khiêm nhượng: - Nhân huynh quá khen! Tưởng Tiếu Dân mỉm cười: - Tại hạ Ở đây chờ huynh đài quá lâu! Vì nguyên nhân nào, huynh đài có biết chăng? Phương Bửu Ngọc điềm đạm: - Mong nhân huynh chỉ giáo! Tưởng Tiếu Dân thốt: - Vì cái việc... Đột nhiên, một tiếng soảng vang lên, một đạo kiếm quang chớp ngời, biến thành cái mống ngắn, đầu mống kiếm chiếu xuống Phương Bửu Ngọc. Tưởng Tiếu Dân vừa thốt, vừa rút kiếm ra khỏi vỏ, vừa khoa lên vừa chiếu vào mặt Phương Bửu Ngọc, ngần ấy động tác chỉ diễn ra trong khoảng thời gian vừa vặn ba tiếng nói! Thiết tưởng trên giang hồ, chưa có ai xuất thủ nhanh bằng y! Dĩ nhiên, Phương Bửu Ngọc phải kinh hoàng vì sự tấn công bất ngờ đó. Nhưng, làm gì Tưởng Tiếu Dân xuất thủ liền lại được đắc ý ngay? Nhất là y xuất thủ trước một Phương Bửu Ngọc? Cái phản ứng tự nhiên đã nhanh, cái tài của chàng cũng cao diệu, thì đừng nói chỉ một Tưởng Tiếu Dân xuất chiêu trước mặt, dù có thêm hai ba người nữa đồng thời xuất thủ, từ bên tả, từ bên hữu, từ phía sau, chàng vẫn tránh né được như thường. Lập tức nhanh hơn cái chớp của làn điện, chàng vừa tạt người vừa lùi lại, đủ ngoài tầm kiếm thôi. Bất quá, tay chàng phất lên, tay áo bay qua, tay áo chạm vào mủi kiếm, kiếm rọc tét một đường. Từ lúc xuất hiện trên giang hồ, đây là lần thứ nhất chàng phải phản ứng hấp tấp vội vàng, song hấp tấp vội vàng vì bất ngờ hơn là phải gặp một kiếm thủ siêu việt. Dù sao, chàng cũng phải nhìn nhận kiếm pháp của Tưởng Tiếu Dân đã đạt đến mức hỏa hầu. Chàng tránh xong chiêu kiếm, buộc miệng tán: - Kiếm pháp tuyệt diệu! Hụt chiêu kiếm, Tưởng Tiếu Dân vẫn giữ nguyên bộ vị nghiêng nghiêng người, lạnh lùng thốt: - Nữu Chuyển Càn Khôn Sát Thủ Kiếm, các hạ có nghe nói đến chăng? Phương Bửu Ngọc giật mình: - Tại hạ nghe từng nói, kiếm phái Hải Nam có chiêu Phản Thủ Sát, lợi hại phi thường, có thể cho là vô địch trong thiên hạ. Ngờ đâu hôm nay tại hạ may mắn được trông thấy tận mắt nhân huynh biểu diễn! Tưởng Tiếu Dân lạnh lùng tiếp: - Tưởng Tiếu Dân nầy chờ đợi các hạ tại đây rất lâu, là cốt dùng chiêu kiếm đó, lấy tánh mạng cát hạ, các hạ có biết như vậy chăng? Y thở dài tiếp: - Không tưởng là các hạ vẫn tránh được! Phương Bửu Ngọc cau mày: - Tại hạ với nhân huynh vốn không cừu oán, tại sao nhân huynh có ý đó đối với tại hạ? Tưởng Tiếu Dân nhìn chàng một lúc lâu đáp: - Khắp trong thiên hạ, bất cứ một kiếm phái nào hay thu hẹp hơn, bất cứ một kiếm thủ nào, cũng đều có một Sát Thủ pháp phòng thân, nếu chẳng gặp trường hợp bất khả kháng thì tuyệt nhiên không nên xử dụng, do đó khách giang hồ dù có nghe nói đến, chứ dể mấy ai mục kích tận tường? Y lại cười lạnh mấy tiếng rồi từ từ tiếp: - Không mục kích tận tường những Sát Thủ pháp bí truyền đó, là một đại hạnh phúc, bởi kẻ nào trông thấy, kẻ đó không thể sống sót. Phương Bửu Ngọc thở dài: - Khi các hạ thi triển đường kiếm đó rồi, chắc chẳng có mấy ai được thoát chết! Tưởng Tiếu Dân mỉm cười: - Đường kiếm của tại hạ, đành rằng cay độc, song trên giang hồ, những đường kiếm cay độc hơn chẳng biết thực số như thế nào! Phương Bửu Ngọc gật đầu: - Các hạ nghĩ đúng, cho nên khó mà phân định được sự hơn kém, khó mà thừa nhận cái giá trị tuyệt đối của sát thủ pháp bí truyền của mỗi người, mỗi phái! Tưởng Tiếu Dân bỗng nghiêm giọng thốt: - Kể từ hôm nay, tại mỗi chặng đường, các hạ sẽ gặp một người, chờ đón như tại hạ, để xử dụng một sát thủ pháp của họ, nếu tránh được một sát thủ pháp, là các hạ biết ngay cách giải phá. Càng biết cách giải phá những đường bí truyền, các hạ sẽ nắm cái cơ tất thắng trong tay khi đối phó với người áo trắng trong tương lai. Phương Bửu Ngọc thoáng biến sắc: - Nếu không tránh được? Tưởng Tiếu Dân quát: - Thì sẽ như thân cây nầy! Y quay phắt mình, thanh kiếm quét ngang, thân cây bên cạnh bị tiện hạ, chồi trơ ra đó, tàng trịch qua một bên rồi ngã xuống, một tiếng ầm vang lên. Đoạn y cao giọng tiếp: - Nếu không tránh nổi những sát thủ đó, các hạ phải bại nơi người áo trắng là cái chắc. Và như vậy, đời cần gì phải có một Phương Bửu Ngọc? Vũ lâm cần gì phải đặt kỳ vọng nơi Phương Bửu Ngọc? Phương Bửu Ngọc sững sờ một lúc, rồi trầm giọng thốt: - Những vị kiếm khách đó, nào có cừu hận chi với tại hạ? Bất quá họ muốn cho tại hạ phải thắng người áo trắng, họ quá nhiệt tình nên tiết lộ bí học, giúp tại hạ có một kiếm thuật tân kỳ! Tưởng Tiếu Dân mỉm cười: - Các hạ hiểu được như vậy, là không uổng sự dụng tâm khổ sở của họ! Phương Bửu Ngọc thở dài: - Tuy nhiên tránh được thì tại hạ thu thập ích lợi, không tránh được thì tại hạ mất mạng! Dù sao, cái mỹ ý đó ngang bằng với ác ý! Chẳng rõ, tại sao các vị ấy dồn tại hạ vào cảnh chết? Tưởng Tiếu Dân rùn vai: - Ngày nay các hạ đã trở thành đệ nhất danh kiếm trong thiên hạ, nếu có người thắng nổi cát hạ, người đó phải nổi tiếng ngay, phàm đã luyện kiếm thì có ai lại chẳng muốn mình được nổi tiếng? Đã muốn nổi tiếng thì những kẻ luyện kiếm có ai lại không muốn sát hại các hạ? Thoáng nhìn qua các hạ cho là ác ý, song nghĩ kỹ, các hạ sẽ công nhận là lẽ công bình! Phương Bửu Ngọc rợn người: - Nhưng... việc ấy... Tưởng Tiếu Dân mỉm cười: - Việc ấy làm sao chứ? Trên thế gian nầy, có vật gì quý mà dễ chiếm đoạt đâu? Người ta đem sanh mạng đổi lấy chút danh dự, còn các hạ đem sanh mạng để đổi lấy bí học của người ta, kể ra cũng công bình, theo tại hạ nghĩ thì chẳng có gì đáng cho các hạ phải lấy làm thắc mắc! Phương Bửu Ngọc trầm ngâm một chút, lại bật cười dài: - Đời là canh bạc, mà vật đánh cuộc là sanh mạng con người! Chàng lại cười rồi tiếp: - Phía sau sanh mạng của mỗi người, mới là cái đích chánh của một canh bạc, bởi thắng cuộc không hẳn để chiếm cái mạng sống của người gây cuộc đặt làm vật cuộc, mà để chiếm những cái gì do sanh mạng đó lưu lại. Bỗng, Tưởng Tiếu Dân quát to: - Phương Bửu Ngọc! Ta đã nói hết những gì muốn nói với ngươi! Liều sống chết với nhau, hẳn phải công bình, nếu đường kiếm của ta không làm tổn thương đến ngươi, thì ta phải chết, ta chẳng khi nào trốn tránh cái chết! Thanh kiếm trong tay y vụt chớp lên, biến thành một cái mống bạc, uốn vút xuống đầu Phương Bửu Ngọc. Phương Bửu Ngọc hét: - Dừng tay! Tại sao các hạ hành động như vậy? Tưởng Tiếu Dân không đáp, cứ vung kiếm tấn công tới tấp. Kiếm pháp của y quả đã luyện đến mức siêu thần nhập hóa, mỗi nhát kiếm lợi hại phi thường. Huống chi, y quyết liều sống chết như y đã nói, nếu hạ được Phương Bửu Ngọc, thì thinh danh của y tức khắc vang rền, do đó y tận dụng tài năng và công lực để thủ thắng. Cho nên đấu pháp của y cực kỳ ác liệt. Phương Bửu Ngọc không có ý sát hại y, chàng không hề hoàn thủ, chỉ dùng thân pháp linh diệu tránh né thôi. Vô Tình công tử, quả có kiếm pháp vô tình, song qua một lúc lâu, kiếm pháp đó chẳng làm gì nổi Phương Bửu Ngọc dù chàng chỉ tránh né. Không một mủi kiếm nào chạm phải chiếc áo chàng, chứ đừng nói là chạm đến da thịt. Ngày thu dần tàn. Gió thu dần dần mạnh với đêm sắp về, gió rung chuyển cành cây, lá rơi chập chờn, phản ánh tà dương, kiếm quang chớp lên, khí khí chập trùng. Chiều thu lạnh, càng thêm lạnh với tử khí càng phút càng tỏa rộng, càng nặng động. Đột nhiên, Tưởng Tiếu Dân bật cười cuồng dại: - Tốt lắm! Phương Bửu Ngọc ngươi không có ý giết ta! Tại sao hở Phương Bửu Ngọc? Ngươi muốn gì? Phương Bửu Ngọc trầm giọng: - Các hạ hãy đi đi! Tưởng Tiếu Dân hừ một tiếng: - Chạy đi? Con nhà võ đâu có thể chạy đi dễ dàng như vậy. Con nhà võ chỉ có một việc dễ dàng nhất, là chết! Mà trên đời nầy, ai không thích làm chuyện dễ dàng? Một vòi máu vọt ra, vọt từ ngực y, vòi máu tiếp tục vọt. Y đã hoành kiếm đâm thốc vào ngực. Phương Bửu Ngọc hét lên: - Tưởng huynh!... Tưởng Tiếu Dân! Huynh đài... huynh đài... Trường kiếm cắm nơi ngực Tưởng Tiếu Dân còn rung rung, máu đã nhuộm đỏ chùm tơ nơi chuôi, gió phất qua chùm tơ rung rung, máu từ chùm tơ rõ xuống từ giọt, đều đều. Nhưng, thân hình của Tưởng Tiếu Dân còn đứng sừng sững như pho tượng. Máu ngưng vọt, nhưng lại chảy ròng ròng, nhuộm đỏ áo y, máu chảy xuống quần, ướt sũng trọn y phục nhanh chóng. Máu càng chảy ra, gương mặt y càng biến nhợt nhạt. Y chưa chết, y còn nói được, tuy giọng nói phều phào: - Trí mạng với nhau, tất phải công bình, không còn chọn cách nào khác hơn, thắng là sống, bại là chết, chỉ có những kẻ hèn mới tham sống sau cái bại! Y trừng mắt, cắn răng, đưa tay rút phăng lưỡi kiếm ra khỏi ngực. Vết thương bỏ ngỏ, máu theo kiếm vọt ra mạnh hơn lúc đầu, mạnh để rồi ngưng lại ngay, và tiếp tục chảy xuống. Đến bây giờ thân thể y mới chịu ngã, y ngã song đôi mắt chưa nhắm, y còn nhìn Phương Bửu Ngọc, giọng nói yếu ớt hơn nhiều: - Phương Bửu Ngọc! Ngươi cũng là con nhà võ, ngươi nên xem trọng ta... Ta có việc yêu cầu ngươi... ngươi đừng quên... Giọng nói đã bắt đầu khàn khàn, khó nghe lắm rồi, và lời nói hàm hồ quá, cuối cùng thì những lời nói y cốt đưa ra, là tắt ngay nơi cuống họng. Tịch mịch! Tịch mịch đến lạnh lùng!... Một cơn gió quét qua phất tung tà áo Phương Bửu Ngọc. Nhưng chàng vẫn còn đứng đó. Chàng không thể cất bước liền trong trường hợp nầy! Một khắc trước đây, chàng còn tin tưởng bằng hữu giang hồ thành thật với chàng, đặt trọn kỳ vọng nơi chàng. Tất cả đều một lòng thương mến chàng, hỗ trợ chàng trong mọi mặt, ủng hộ tinh thần tiếp giúp vật chất. Giờ đây, chàng thức ngộ ra, tất cả đều có bề trái, và bề trái của những người chàng tin là bằng hữu đó, có chứa chất một ý chí trừ diệt chàng. Với chiêu bài giúp chàng tinh tiến kinh nghiệm, chuẩn bị một trận tuyến đối phó với người áo trắng từ ngoài khơi Đông Hải sang năm, họ mong muốn thực hiện ý chí đó, không hơn không kém. Họ dồn chàng vào tử địa, bắt chàng tự tìm cái sống trong cái chết, song họ vẫn cho mình là người ơn của chàng, cái ơn thành toàn kiếm thuật cho chàng! - Trời! Một cái ơn ngang giá sanh mạng! Muốn nhận cái ơn đó chàng phải đùa với tử thần! Trên thế gian nầy, có ai thích nhận ơn theo lối đó chăng? Nhưng, chàng không thể tránh loại ơn đó, chàng sẽ chui qua dưới lưỡi hái của tử thần, để tiếp nhận loại ơn đó, chui nhiều lần bởi có nhiều người sẵn sàng “Thi ơn” với chàng! Bây giờ chàng nhận thức ra sự đối lập trên giang hồ quá tế nhị, càng tế nhị hơn là cái thế đối lập lại nằm trong phạm vi ơn nghĩa, dùng phương tiện ơn nghĩa để giữ vững cái thế đối lập! Chàng cúi đầu lặng nhìn thi thể của Tưởng Tiếu Dân, tự nhiên lệ thảm trào dâng, thoát khỏi viền mi, từ từ kết thành giòng lăn dài xuống má, chàng lẩm bẩm: - Các hạ chết! Cái chết như thế, cái chết có giá trị gì? Trừ cái chết ra, các hạ chẳng còn một phương pháp nào khác sao? Chẳng còn một lối nào khác cho các hạ sao? Các hạ kỳ quái, tất cả người trên giang hồ chẳng lẽ cũng kỳ quái như cát hạ? Các hạ yêu cầu việc gì... Bỗng chàng thấy một mảnh giấy ló ra nửa phần nơi ống tay áo Tưởng Tiếu Dân.
oOo
Không, chẳng phải một mảnh giấy, mà là một phong thơ! Phong thơ, hẳn là dành cho Phương Bửu Ngọc. Phong thơ đó, đại để ghi những ý tứ như thế nầy: - Xem thường sanh mạng cùng huynh đài khai diễn ác chiến, sống được là thành danh, nếu danh chẳng thành thì thân phải hủy diệt, huynh đài đã hiểu cái ý của tại hạ như vậy. Từ lúc ly gia đến đây chờ huynh đài, ra khỏi cửa là tại hạ thừa hiểu một đi vĩnh viển, đi không có ngày về, đi sống nhưng không về sống. Biết đó là chết, vẫn vui mà đi để được chết vui. Thời gian mấy mươi năm tuy đếm từng ngày thì dài thật, song qua rồi ngảnh mặt lại nhìn mới thấy chẳng có là bao, thì mấy phút ân tình, phỏng có giá trị gì bên cạnh hạn định một kiếp nhân sanh? Tại hạ ra đi, không hề lưu luyến tình nhà, song người ở lại sao khỏi hoài mong tin nơi phương trời xa thẳm? Cho nên trước khi lâm chung, chắc chắn là phải có phút lâm chung khi gặp huynh đài, tại hạ có mấy giòng nầy ghi sẵn, tại hạ tắt thở rồi, mấy giòng chữ sẽ hiện ra dưới mắt huynh đài, mấy giòng chữ thay tại hạ khẩn cầu huynh đài chuyển cái tin từ biệt nầy đến người đang dõi mắt trên đường trường chờ đón một bóng hình của kẻ một đi không trở lại. Lời nói khẳng khái, tỏ rõ cái khí phách của một con người, lời nói tuy có khô khan nhưng chỉ là cái khô khan giả tạo của một con người, vì chí tang bồng bắt buộc phải quên những gì nồng ấm cần thiết cho con tim! Phương Bửu Ngọc thở ra, than: - Tưởng Tiếu Dân! Tưởng Tiếu Dân! Đã nặng quan hoài với người mình tha thiết, tại sao ngươi không tha thiết với sanh mạng của ngươi? Khinh thường sanh mạng của ngươi, là khinh thường cái lưu luyến của ai kia, ngươi lấy sự vô tình đối đãi lại sự hữu tình, ngươi chết đi, tròn mộng của ngươi, ngươi có nghĩ chăng người nấp bên cửa sổ chờ vó ngựa của ngươi trở về sẽ vỡ mộng, mộng vỡ rồi thì đời cũng vỡ luôn! Ngươi có nghĩ đến những ngày thừa thãi của kẻ kia sẽ âm u thê thảm bao nhiêu chăng, nếu vắng bóng một người? Vắng bóng ngươi dưới gầm trời nầy? Bên trong phong thơ để cho Phương Bửu Ngọc, còn có phong thơ khác, nơi bì thơ, có mấy hàng chữ: - Chủ nhân Tinh Tinh tiểu lâu tại Nhiễm Hồng sơn trang, tự tay mở xem! Phương Bửu Ngọc cau mày: - Nhiễm Hồng sơn trang? Ở đâu? Chủ nhân Tinh Tinh tiểu lâu là ai? Rồi chàng lại nhìn thi thể của Tưởng Tiếu Dân, lẩm nhẩm: - Tuy nhiên, ngươi yên tâm, Tưởng Tiếu Dân, vô luận làm sao ta cũng chuyển phong thơ nầy đến tay người có quyền mở xem! Dĩ nhiên, chàng phải mai táng thi hài của Tưởng Tiếu Dân, chàng cũng chôn theo thanh trường kiếm của y, cho y vẫn còn là kiếm khách nơi dạ đài. Tà dương xuống mau, gió thu lồng mạnh... Nhìn cảnh thu thê lương, Phương Bửu Ngọc man mác tình hoài tưởng vọng về tương lai... Chàng quay mình, từ từ trở lại vệ đường. Nơi vệ đường, một số hào kiệt anh hùng đang bao vây Ngưu Thiết Oa, song phương đang cười cười nói nói với nhau. Con ngựa bị ngã, đã chết, nằm lù lù một đống gần đó. Nó chết, không vì ngã, mà vì tiểu công chúa đánh chết. Và lúc đó, tiểu công chúa đang ngồi lên thi thể nó, mặt nàng ửng đỏ, như tinh thần đang phấn chấn, miệng nàng điểm phớt nụ cười, nàng có cái vẻ như đang nói với con ngựa: - Bây giờ, thì ngươi chắc chắn không còn hất ta xuống đất nữa rồi vậy! Phương Bửu Ngọc rùng mình, nhớ lại bảy năm về trước, tại con thuyền buồm ngũ sắc, chàng hơn một lần mục kích sự biểu lộ tánh tình của tiểu công chúa, thương là nâng niu như châu báu, ghét là hủy bỏ như cỏ rác, đã thế, nàng còn thoạt yêu thoạt giận, thành ra chẳng ai hiểu nổi lúc nào nàng vui vẻ, lúc nào nàng cáu kỉnh, và vui vẻ hay cáu kỉnh được bao lâu? Đó cũng là một đoản kiếm, cũng như cái đoản kiếm của Tưởng Tiếu Dân! Con người chịu quá nặng ảnh hưởng của sở đoản, thì khó mà thành tựu lớn lao trên đời. Chàng thầm nghĩ: - Nàng có một ngoại lệ nào đối với ta chăng? Hay nàng chỉ xem ta như tất cả mọi người? Ngưu Thiết Oa vừa trông thấy chàng, sáng rực ánh mắt lên, vội bước tới: - Đại ca ơi! Mấy vị nầy nghe tin gió mà đến, đến để nhìn mặt đại ca, người trên giang hồ sao mà dành nhiều ưu ái đối với đại ca quá như vậy chứ? Tôi nghĩ từ đây mà đi tới, chúng ta sẽ gặp nhiều điều khoái ý lắm! Phương Bửu Ngọc còn nặng ảnh hưởng của cái chết vừa qua, cái chết của Tưởng Tiếu Dân, cái chết của con ngựa, chàng nhếch nụ cười thảm, thốt: - Thật vậy hở, Thiết Oa? Chúng ta mong được như vậy!
oOo
Bình Âm, là một bến sông, sông là Huỳnh Hà. Phàm là một thị trấn dù nhỏ, cũng có đông người, huống chi lại là một bến sông, địa điểm chiêu tập khách đường bộ lẫn khách đường thủy. Khách sạn An Bình hướng mặt về giòng sông, ngồi nơi lầu cao khách sạn, nhìn rõ những lượn sóng bủa trập trùng, giòng sông chảy mạnh, sóng dợn theo, sóng sau đùa sóng trước chuyển động ầm ầm. Sông rộng trải dài ngoài ngàn dặm, nhìn đuối mắt chưa thấy thân cây, mênh mang như biển. Đêm nay, thành Bình Âm náo nhiệt hơn ngày thường, tất cả quán rượu phòng trà đều đông nghẹt khách hàng, đến cả những hiệu buôn cũng ồn ào khách vào ra. Dĩ nhiên, phải có những khách từ phương xa đến, tăng phần náo nhiệt một nơi đã nhiệt náo rồi. Khách, ngoài một số con buôn dừng chân qua các cuộc ngược xuôi, còn thì toàn là những người có tham dự trong cuộc đại hội Thái Sơn. Sau ngày giải tán, họ tản mác ra bốn phương trời, và một phần lớn đổ về đây. Nhưng, nhiệt náo ở bất cứ nơi nào trong thành thị, từ hang cùng hẻm cụt, đến các con đường lớn, khách ồn ào, riêng tại An Bình khách sạn thì hoàn toàn im lặng, đúng với cái tên An Bình của nó. Bởi, nơi đó Phương Bửu Ngọc thuê phòng, và hào kiệt anh hùng không hẹn mà đồng, đều xem là một nơi đất cấm. Những ai đi qua đó, đều phải im hơi lặng tiếng, cốt giữ sự yên tịnh cho vị thiếu niên anh hùng kỳ vọng của vũ lâm, nếu thắng được người áo trắng từ ngoài khơi Đông Hải, thì sẽ là cột trụ vũ lâm luôn. Họ cố giữ sự yên tịnh cho chàng, để chứng tỏ lòng thành kính đối với chàng. Đi ngang qua đó mà phải im lặng thì dù sao cũng có phần nào khó chịu, thà đi qua những con đường khác còn hơn. Song ai ai cũng muốn đi, đi để có dịp may bất ngờ nhìn thấy bậc cao tài nhưng nhỏ tuổi. Đêm đã xuống rồi, đêm xuống dần dần, rồi đêm về khuya, đêm xuống thì trăng lên, đêm xuống càng khuya, trăng càng sáng càng lạnh. Cảnh ồn ào của thị thành cũng dần dần lắng dịu.