Không xe, không ngựa họ đi bộ, đến giờ ngọ hôm đó, họ đến con đường lớn dẫn vào Bình Âm, họ đi còn trong tiết thu, lá vàng theo gió lìa cành bay lất phất như cánh bướm lượn chào, rồi gió cuốn hơi mạnh hơn, gió hốt cát vàng buông rơi trước họ, sau họ. Tiểu công chúa rút trong mình ra một vuông khăn, bọc tóc cho cát đừng vướng đọng, cau mày thốt: - Gió lớn thế nầy, chúng ta không tìm ra một cỗ xe một con ngựa à. Cứ đi chân mãi thì khổ thật! Lừa ngựa gì chết tuyệt rồi chăng? Phương Bửu Ngọc mỉm cười: - Ngồi xe thì bực bội quá, cỡi ngựa lại chẳng ổn gì cho lắm, thà cứ ung dung nhích bước từng bước một, khỏe thì bước dồn, mệt thì bước chậm, cần đi thì đi, cần dừng thì dừng, muốn nhìn ngang nhìn dọc cứ nhìn, nhìn chán rồi đi, chẳng câu chẳng thúc, có phải tự tại chăng? Tiểu công chúa hừ một tiếng: - Một kẻ cùng căng mạt kiếp! Chẳng biết hưởng thụ những phương tiện của hạng thừa tiền dư bạc! Hèn mọn đến thế là cùng! Phương Bửu Ngọc vẫn cười tươi: - Trời sanh nghèo, tất phải chịu nghèo, không trộm cướp được, không sang đoạt được, thì làm sao? Tiểu công chúa ngảnh mặt nơi khác, không buồn nhìn gương mặt chàng, mà nàng cho rằng dơ lắm, dầy lắm! Họ vào thành, họ nghỉ chân. Thành, chưa rõ có đúng là đến thành chưa, bất quá họ vào khu vực có rất đông nhà cửa, và nơi vệ đường có ngôi hàng quán bán cái uống cái ăn. Họ gọi ba tô mì. Rồi họ gọi luôn ba mươi chiếc bánh bao. Ba tô mì, dĩ nhiên là mỗi người một tô, còn ba mươi chiếc bánh bao, ít nhất cũng có hai mươi tám chiếc về phần Ngưu Thiết Oa. Tiểu công chúa cầm đũa lên, vụt đặt đũa xuống, cau mày thốt: - Ăn uống đạm bạc như các nhà sư thế nầy, ta ăn làm sao được hở Bửu Ngọc? Ngươi quy y từ lúc nào thế? Phương Bửu Ngọc điềm nhiên: - Món ăn ngon hay dở, tùy ở cái tâm, cái bụng, bụng đói tâm muốn ăn, vui vẻ mà ăn, thì có cái gì lại chẳng ngon? Ăn để đỡ đói mà, bụng chẳng đói, tâm không muốn ăn, thì ăn gì mới ngon? Tiểu công chúa cắn môi, hừ một tiếng: - Ta không còn là trẻ con, đừng ru ngủ ta với những lời quá rẻ như vậy! Ngưu Thiết Oa mỗi lần ngốn là trọn một chiếc bánh bao, gã vừa nhai ngồm ngoàm, vừa ung dung thốt: - Đại ca nghèo, mà tiểu đệ lại mạt, cô nương có đi theo chúng tôi thì cũng phải tùy tiện mà sống, chứ đi với bọn nghèo mà mang theo cái vẻ tiểu thơ đài các, thì thực ra tự làm khổ cho cô nương đó, giả như nếu cần, vứt cái vẻ tiểu thơ đài các đó ra, bán rẻ bán mắc cũng chẳng ai mua cho! Tiểu công chúa rít lên: - Hừ! Các ngươi mắng ta! Được! Được lắm, cứ mắng, ta biết là vận khí của ta đang hồi đen tối mà! Nàng bưng tô mì lên, trút ngay xuống nền. Mặc nàng đang làm gì thì làm, Phương Bửu Ngọc và Ngưu Thiết Oa cứ ăn, ăn ngon lành chốc chốc lại chép miệng kêu chách chách, chốc chốc lại nuốt nghe ừng ực. Cả hai không liếc nhìn nàng đến nửa mắt. Nhưng tên tiểu nhị đứng cạnh đó, cất tiếng thốt oang oang: - Ở đây bán cái ăn cái uống, chứ chẳng bán cái xem cái nhìn, quý vị muốn ăn muốn uống thì cứ vào, còn muốn xem muốn nhìn, thì xin mời các vị đi nơi khác cho, để chúng tôi còn buôn bán, kiếm đồng lời nuôi sống gia đình chứ! Phương Bửu Ngọc ngẩng mặt nhìn ra, thấy vô số khách đi đường dừng chân trước cửa hiệu nhìn vào. Họ có khí thái hiên ngang, thoáng nhìn qua, Phương Bửu Ngọc nhận ra ngay họ là những hào kiệt anh hùng sau ngày đại hội Thái Sơn giải tán, có người về thẳng quê nhà, có người còn quanh quẩn trong vùng, vì một lý do nào đó. Và hiện tại, những người đó đang quy tụ bên ngoài cửa quán. Có lẽ họ cũng muốn vào quán nầy ăn uống qua loa, song đến đây rồi, chẳng hiểu nghĩ sao, họ lại khựng ở bên ngoài nhìn vào. Phương Bửu Ngọc nhìn ra, quần hùng bên ngoài nhìn vào. Chàng điểm một nụ cười, quần hùng nghiêng mình chào, bắt buộc chàng phải đứng lên đáp lể. Rồi quần hùng lùi xa ra... Ngưu Thiết Oa cười vang: - Xem kìa, các vị đó đối với đại ca tôi, hết sức cung kính! Tiểu công chúa cười lạnh: - Cung kính hay sợ hải? Biết đâu họ chẳng xem đại ca ngươi như một ôn thần, một sát tinh, họ chẳng dám đến gần? Họ đang đói đấy, mà họ chẳng dám vào đây gọi cái ăn, đủ biết họ tránh đại ca ngươi như tránh ôn dịch! Ngưu Thiết Oa chớp mắt: - Và biết đâu chẳng phải là họ không tiền để ăn mì? Tiểu công chúa hừ lạnh: - Ngươi cứ tưởng ai ai cũng cùng mạt như anh em ngươi cả! Ngưu Thiết Oa cười ha hả: - Ai biết được trong túi họ có tiền hay không có tiền chứ hở cô nương? Bỗng gã đứng lên, hướng ra ngoài gọi to: - Các vị vào đây, mì của quán nầy khá ngon đấy, cứ vào ăn, ai có tiền thì trả, ai không tiền đã có Ngưu Thiết Oa nầy bao cho! Cứ vào ăn! Quần hùng đứng xa xa, mỉm cười đáp tạ, rồi họ lùi ra xa xa hơn chút nữa. Họ họp nhau thành nhóm hoặc ba người, hoặc năm người họ thì thầm nghị luận. Gã cau mày càu nhàu: - Không vào ăn mà cũng chẳng bỏ đi, thế là nghĩa gì? Tiểu công chúa thốt: - Nếu tất cả cùng vào ăn, liệu ngươi có đủ tiền trả chăng? Không đủ tiền trả, chủ quán sẽ thưa gởi nơi nha môn, người ta sẽ đóng gông ngươi đấy cho ngươi biết! Ngưu Thiết Oa rụt đầu, cười khổ: - Cái đó... Bỗng có hai đại hán từ bên ngoài bước vào. Người bên tả vận chiếc áo quá dài, người bên hữu mặt đầy nốt ruồi, tay cầm một chiếc bọc bằng bố màu vàng. Ngưu Thiết Oa reo lên: - Hay quá! Hay quá! Chỉ có hai người vào thôi!... Hai đại hán bước đến trước mặt Phương Bửu Ngọc nghiêng mình rất thấp, vái chào. Người có nốt ruồi cất tiếng: - Có phải là Phương đại hiệp đây chăng? Phương Bửu Ngọc đứng lên đáp lễ: - Chính tại hạ! Hai vị quý tánh cao danh là chi? Đại hán có nốt ruồi thốt: - Tại hạ là Tôn Tinh, còn vị nầy là Kim Tùng, toàn là bọn vô danh tiểu tốt trên giang hồ, sở dỉ mạo muội vào đây là vì những bằng hữu bên ngoài suy cử đại diện cho toàn thể, mang chút lễ vật hiến dâng Phương đại hiệp, mong đại hiệp đừng từ khước! Thốt xong y đặt chiếc bao lên mặt bàn. Phương Bửu Ngọc mỉm cười: - Tại hạ làm sao dám nhận hậu tình của các vị? Tại sao các vị bằng hữu kia không vào cả đây cho vui? Kim Tùng nghiêng mình: - Phàm là bằng hữu trên giang hồ, trong những ngày qua, có ai lại chẳng hàm ân Phương đại hiệp ít nhiều, việc qua rồi còn vương đọng lại kế tiếp việc sắp đến. Trong tương lai gần đây, đại hiệp sẽ vì vũ lâm Trung Nguyên mà đối phó với Bạch Y Kiếm Khách, cuộc chiến đó không những đưa đến cái chết sống của một cá nhân, mà còn quan hệ đến sự tồn vong của toàn thể! Chúng tôi là những phần tử trong toàn thể đó, tự nhiên phải dành trọn kính ý cho Phương đại hiệp, thì dù hôm nay của ít lòng nhiều, của và lòng đều thành thực hiến dâng, chắc đại hiệp không nỡ nào tạo cho chúng tôi một bẽ bàng vì bị từ khước! Thốt xong, hắn nhìn sang gã đồng bạn, nháy mắt ra hiệu, rồi cả hai cùng nghiêng mình lượt nữa, cùng cất tiếng một lúc: - Xin cáo từ! Họ lui lại ba bước, họ quay mình tiến thẳng ra cửa quán, họ đi luôn. Bên ngoài quần hùng thấy hai gã đại diện bước ra, tất cả lại hướng vào quán cùng nghiêng mình rất thấp, cùng vái dài, đoạn đồng một loạt, lên ngựa đi liền. Họ không quên cái nhã ý lưu lại ba con ngựa, những người nhường ngựa, cỡi chung với đồng bạn. Phương Bửu Ngọc sững sờ! Sự việc diễn ra ngoài chỗ tưởng của chàng. Chàng nhìn ba con ngựa bên ngoài, rồi nhìn chiếc bao bố màu vàng nơi mặt bàn lẩm nhẩm: - Làm sao đây?... Tiểu công chúa hừ một tiếng: - Người ta thấy ngươi tàn mạt chẳng có bạc mà ăn mà uống, đành ăn loại mì hạ đẳng, đành uống thứ nước lá cây nầy, nên bố thí cho một số tiền tạm qua cái đói một thời gian, chứ còn làm sao nữa? Nhận đi, cứ nhận số bạc đó mà xài, người ta cúng trước cho ngươi đó, để sang năm ngươi có bị kiếm khách áo trắng giết chết đi, người ta khỏi thắc mắc sợ Oan hồn ngươi theo đuổi mà đòi cung cấp! Lấy số bạc cúng cô hồn đó mà dùng, dùng rồi sẵn sàng chết cho người ta! Ngưu Thiết Oa không màng đến lời châm biếm của Tiểu công chúa, nhìn ra cửa lẩm nhẩm: - Họ để lại ba con ngựa... Tiểu công chúa lại hừ một tiếng, lớn hơn: - Ba con ngựa đó? Người ta sợ các ngươi ăn no, đi không nổi nên để lại, chở các ngươi đến chốn đến nơi, xem ra họ cũng tế nhị lắm đấy! Cũng như Ngưu Thiết Oa, Phương Bửu Ngọc chẳng hề quan tâm đến sự mỉa mai của nàng. Nàng nói chi, làm chi mặc nàng, chàng như không nghe không thấy. Bởi, chàng đang suy tư về thái độ của đồng đạo vũ lâm đối với chàng. Tất cả đã dành rõ rệt sự ưu ái tuyệt đối cho chàng, tất cả sẵn sàng làm bất cứ việc gì cho chàng như vậy đó, hơn nữa họ lại tế nhị vô cùng, họ nhìn đến cái thiếu thầm kín mà bù đắp cho chàng, và họ viện dẫn một lý do rất vững vàng để ngăn chận mọi từ khước nơi chàng. Dĩ nhiên chàng cảm khích vô cùng. Chàng cảm kích, miên man với ý niềm đó, dù tiểu công chúa có gây giông tố bão bùng sát bên tai, chưa chắc là chàng dao động, nói chi một vài câu mỉa mai? Tiểu công chúa bắn thêm một mũi tên độc: - Bây giờ thì ngươi có tiền rồi, cứ gọi cái ngon mà ăn, ăn cho bằng thích đi, ngươi còn chần chờ chi nửa? Phương Bửu Ngọc vẩn không lưu ý đến nàng. Một lúc lâu, chàng bình tĩnh lấy trong mình ra mấy phân bạc vụn, thanh toán tiền mì và tiền bánh, còn chiếc bao đó, thay vì mở ra, chàng lại cột chặt các mối thêm. Tiểu công chúa xì một tiếng: - Làm cao, làm cách ruột sạch bụng không! Thử xem đến lúc cạn túi rồi, có mó đến nó hay không cho biết! Nàng bước ra cửa, vụt nhảy lên lưng một con ngựa cao giọng thốt: - Ta ăn no quá rồi, đi chân không nổi! Tiền, người ta tặng, Phương Bửu Ngọc không dùng, lại đi dùng ngựa cũng do người ta tặng nữa sao? Nhưng Tiểu công chúa đã lên ngựa rồi, chàng phải xử trí như thế nào? Còn xử trí như thế nào nửa? Dù muốn, dù không chàng cũng phải lên ngựa. Nếu không dùng ngựa chạy theo, nàng sẽ sổng đi mất, biết tìm đâu cho gặp lại nàng, và tìm đến bao giờ mới gặp lại nàng? Chàng, thân vóc nhỏ, cỡi ngựa dễ dàng. Ngưu Thiết Oa, có thân hình hộ pháp, ngồi trên lưng ngựa, mường tượng một con dế mèn chở một khối thịt to, lắc lắc lư lư, dật dật dờ dờ, gã phải cố gượng lắm mới khỏi ngã xuống đường, mà con ngựa cũng khó khăn lắm mới chạy đi được. Nghĩ ra, thú cũng có con may con rủi, tại sao con ngựa đó lại thuộc về Ngưu Thiết Oa, mà chẳng phải là hai con ngựa kia?
oOo
Theo gió ngựa lướt đi, tóc của Tiểu công chúa buông xõa phất ngược về sau, tà áo trắng cũng phất phất theo, trông nàng như một tiên nữ chớp cánh quạt mây, nhẹ nhàng, phiêu phưởng. Nàng cỡi ngựa rất khéo, tưởng chừng bình sanh nàng tập cái nghề kỵ mã không ngừng. Phương Bửu Ngọc ra roi giục ngựa, song vẫn không theo kịp nàng. Nàng không quay đầu nhìn lại, cứ thúc ngựa phi nước đại, cứ bật cười ha hả, vừa cười vừa reo lên: - Nhanh! Nhanh ghê! Nhanh vô tưởng! Nàng đang độ cao hứng phi thường! Ít nhất cũng phải có một lần thắng Phương Bửu Ngọc chứ, hiện tại chàng không đuổi theo kịp, thì nàng thắng rồi, còn gì nửa? Với niềm cao hứng đó, nàng khoan khoái đến đỏ hồng gương mặt, màu hồng của đôi má phản chiếu với màu tóc đen huyền, tóc đen viền bên ngoài một gương mặt trắng hồng tròn trịa, nàng hiện ra như một người trời, sáng rở huy hoàng... Đẹp làm sao! Rất tiếc, Phương Bửu Ngọc dù không vượt lên nổi ngang ngựa nàng, vẫn lo sợ cho nàng gọi gấp: - Đề phòng đấy! Ngã xuống đường là có khổ!... Bên vệ đường người đi không ít, họ vừa tránh, họ hãi hùng trước vó ngựa loạn cuồng, vừa thích thú được xem một cuộc đuổi bắt hào hứng. Tiểu công chúa lại không buông lỏng cương ngựa, chập hai tay lại vỗ lên bôm bốp: - Ngươi xem đó, quái sự năm nào cũng có, năm nay quái sự nhiều hơn, năm nào thì người cỡi ngựa, năm nay ngựa lại cỡi người! Ngựa cỡi người, là ngựa chạy hoang đạp nhầu lên khách bộ hành, ai tránh kịp thì cầm như phúc đức ba mươi đời để lại, ai không tránh được thì ráng nằm đó mà chịu cho vui, vui nàng chứ nào chẳng phải vui cho khách bàng quang hay vui nạn nhân! Rồi nàng gập cúp lưng trên mình con ngựa mà cười, bất kể con ngựa chạy như thế nào. Phương Bửu Ngọc kinh hoàng, vừa lo phía trước, vừa sợ phía sau, chàng quay đầu nhìn lại, xem Ngưu Thiết Oa như thế nào. Ngưu Thiết Oa không chịu kém, cố ra roi, giục con ngựa chở khối thịt khổng lồ lao vun vút theo. Nhưng, đánh thế nào, con ngựa cũng chẳng chạy nhanh nổi, gã nhảy xuống, vác con ngựa lên vai, rồi cố sức chạy bộ theo sau. Ngựa bị xốc bụng, hí vang trời, bốn chân đạp lung tung, Ngưu Thiết Oa hai tay kềm bốn chân ngựa, gọi oang oang: - Đợi! Đợi tôi với chứ, đại ca!... Phương Bửu Ngọc vừa kinh hãi vừa nực cười hỏi: - Thiết Oa, ngươi làm cái trò gì thế? Ngưu Thiết Oa đáp: - Bình sanh tiểu đệ có cỡi ngựa bao giờ đâu? Mà con ngựa nầy xem ra không đủ sức chở Thiết Oa, nó không giữ được tiểu đệ, thì tiểu đệ phải chở nó! Tiểu công chúa cười khoái trá: - Phải đó! Phải đó! Ngươi làm như vậy... Bỗng nàng rú lên một tiếng, thân hình bị tung vọt đi... Con ngựa của nàng vấp chân, ngã nhào hất nàng văng ra xa. Phương Bửu Ngọc hoảng hồn, vội rời mình ngựa bay đến, định cứu nàng song sợ không cứu kịp. Ngờ đâu lúc đó từ bên vệ đường, một bóng người lao vút tới nhanh hơn mủi tên bắn, đưa tay hứng Tiểu công chúa. Đồng thời y nhảy tạt qua một bên, tránh con ngựa đang cuốn theo đà ngã. Người đó, vận y phục rực rỡ, thân vóc cao, mặt trắng quá gần như xanh xanh. Dung mạo của người đó anh tuấn phi thường, thần thái hơi cao ngạo. Nhìn thoáng qua, Phương Bửu Ngọc nhận ra ngay, y là Vô Tình công tử Tưởng Tiếu Dân. Phương Bửu Ngọc vòng tay cảm tạ: - Nếu không có huynh dài, thì chẳng biết sự tình tai hại như thế nào mà nói. Tấu xảo làm sao huynh đài lại có mặt đúng lúc! Tưởng Tiếu Dân cười nhẹ: - Chẳng phải tấu xảo đâu, mà thực ra tại hạ Ở đây chờ đã lâu. Còn như vị cô nương nầy té ngựa, điều đó thì tự nhiên là tại hạ không hề nghĩ đến! Phương Bửu Ngọc nhếch nụ cười khổ: - Chính tại hạ cũng chẳng hề nghĩ đến! Con người ta lúc đắc ý quá độ, lại thường sơ xuất! Kể ra cũng là một bài học đáng giá cho nàng. Một tiếng bốp vang lên, Tiểu công chúa vung tay tát mạnh vào mặt Tưởng Tiếu Dân. Tưởng Tiếu Dân kinh hãi lùi lại mấy bước. Tiểu công chúa đã đứng sững trên mặt đường. Phương Bửu Ngọc biến sắc: - Cô nương... cô nương điên rồi sao? Tiểu công chúa gằn giọng: - Ai cho phép hắn ôm ta? Phương Bửu Ngọc cau mày: - Nhưng vị huynh đài này cứu cô nương... Tiểu công chúa xì một tiếng: - Ai bảo hắn cứu ta? Ta có cần đâu? Nàng quay mình bước đi ngay. Phương Bửu Ngọc lặng người tại chỗ, chẳng biết ăn làm sao, nói làm sao! Chàng nhìn qua Tưởng Tiếu Dân, thấy y bình thản trở lại như thường... Phương Bửu Ngọc cười thảm ấp úng: - Huynh đài... Tưởng Tiếu Dân điềm nhiên: - Khỏi phải nói chi, nhân huynh ạ! Điều quan trọng là tại hạ được gặp nhân huynh, ngoài ra thì chẳng có gì đáng quan tâm! Phương Bửu Ngọc thở dài: - Huynh đài chờ đây có phải chờ tại hạ chăng? Không làm sao giải thích trường hợp Tiểu công chúa cho êm dịu, bắt buộc Phương Bửu Ngọc phải chuyển hướng câu chuyện liền để cuộc đối thoại nhẹ phần bẽ bàng vì cái ngông của nàng thiếu nữ ương ngạnh đến vô lễ. Tưởng Tiếu Dân mỉm cười: - Đúng vậy! Phương Bửu Ngọc hỏi: - Huynh đài có điều chi chỉ giáo? Tưởng Tiếu Dân chớp mắt: - Nhân huynh có thể bước lại đây chăng? Bất quá tại hạ xin nhân huynh chậm cuộc hành trình lại mấy phút! Phương Bửu Ngọc gật đầu: - Được chứ!