Ít nhất cũng có sáu người chết rồi. Trong khi những đại hán này mang quan tài đến đây, thì tại đấu trường có ai đã tắt thở dưới tay đối thủ chưa? Nếu có đã được bao nhiêu người tắt thở? Chắc chắn là có người chực sẵn quanh đài trường, hốt xác cho vào quan tài, khi đủ số lại cho đài tải đến đây. Ngọn Thái Sơn, đệ nhất danh sơn khấp mười ba tỉnh Bắc Nam toàn lãnh tổ Trung Nguyên, Thái Sơn đêm nay đẫm máu, người bốn phương đổ về để đem tấm thân hữu dụng đổi lấy một chút hư danh, hư danh về tay chưa chắc họ sẽ làm gì hữu ích cho đời, nhưng đời đã mất đi bao nhiêu anh tài hữu dụng! Máu đã đổ trên đỉnh Thái Sơn rồi, đổ từ lâu, nơi đó ít nhất cũng đã có hơn mười cuộc đấu diễn ra, mà chàng thì vẫn còn ẩn nấp trong động sâu tăm tối. Buồn thay cho một con người như chàng, hoài bão cái chí hùng, muốn tạo một bộ mặt mới cho võ lâm, nhưng hoàn cảnh chẳng tùy người, thành ra người phải bị tình thế chế ngự. Đại hán cầm mồi lửa, bật cười thốt: - Công tác của chúng ta tuy khổ nhọc thật, song bù lại vẫn có người ca ngợi chúng ta! Một người cười nhẹ: - Ca ngợi? Ca ngợi cái quái gì, khi chúng ta bắt buộc làm cái việc tang tóc này? Chỉ có những kẻ điên mới khen ngợi chúng ta! Đại hán cầm mồi lửa trầm giọng đáp: - Ngươi cứ nghĩ kỹ một chút là hiểu. Hiện tại trên đỉnh Thái Sơn có bao nhiêu người? Họ muốn ra chẳng ra được, họ muốn vào chẳng vào được, tiến thoái lưỡng nan, ngoài ra còn một số lớn chẳng đến gần đài trường để xem đao kiếm giết người. Họ dù là đại anh hùng, đại hào kiệt, họ đứng đâu, ở đâu đấy chẳng nhích dộng được. Còn chúng ta ra bằng thích, vào bằng thích, nơi nào chúng ta đi ngang qua là nơi đó phải nhường lối, có phải chúng ta oai phong lẫm lẫm khí thế đường đường chăng? Quần hùng còn kém chúng ta là thế sao chúng ta thán oán? Sao chúng ta không hãnh diện mà lại thán oán? Thôi đi đừng được mười rồi đòi trăm, được trăm lại đòi ngàn. Cứ đi đi lên gặp xem một lúc nào họ chết đủ số chúng ta lại mang đến đây! Tất cả cùng cười vang, rồi tất cả kéo nhau ra khỏi động. Phương Bửu Ngọc nhanh như chớp từ trong bóng tối vọt ra điểm vào ba huyệt đạo trên mình người đi sau cùng. Đại hán đó không kêu lên được một tiếng nào ngã ngay tại chỗ. Phương Bửu Ngọc đã hờm tay đỡ hắn, giữ cho thân hắn khỏi rơi xuống đất, gây tiếng động, chàng cấp tốc lột y phục của hắn, đổi y phục của chàng. Làm cái việc đó chàng phải hết sức nhanh tay để còn theo kịp các đại hán kia. Toàn bọn chẳng một ai hay biết, chúng vừa đi vừa cười vừa nói như thường. Thay đổi y phục xong, Phương Bửu Ngọc mang đại hán đó giấu vào một chỗ kín đáo, thoáng nhìn qua thi thể Ngụy Bất Tham thở dài lẩm bẩm: - Thúc thúc đã làm nên tội lớn, chết là phải. Tuy nhiên lúc sắp chết còn biết ăn năn, hối hận, có lẽ trời cao cũng tha tội cho thúc thúc mà oan hồn của các vị thúc bá kia cũng lượng xét thúc thúc, chẳng còn ngậm hờn nữa. Thôi, cứ yên giấc ngàn thu, nếu sau này còn được trở lên dương thế, xin thúc thúc đừng giẫm vào vết xe cũ. Chàng chưa vội chạy theo bọn đại hán kia, nhìn qua các cỗ quan tài một lượt, đoạn tiếp: - Thúc thúc nằm đây có biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt bầu bạn với thúc thúc. Kể ra cũng chẳng nỗi đến đỗi nào tịch mịch. Thúc thúc hẳn cũng thư thái chứ? Chàng cắn răng, khép nhanh mí mắt nghiến nát hai hạt lệ vừa đọng nơi khóe, đoạn lao vút mình ra ngoài chạy theo bọn đại hán. Không lâu lắm chàng theo kịp bọn đại hán nhập vào bọn chúng. Và không lâu lắm, chàng nghe tiếng huyên náo từ đài trọng vọng đến, như vậy là chàng đã đến gần... Cuối cùng chàng cũng có mặt tại đại hội Thái Sơn, âm thầm có mặt. Chàng chưa đến tận nơi đã thầm hỏi: - Ai đang đấu với ai? Ai đã thắng ai trong những cuộc đấu trước? Có thêm bao nhiêu người chết? Tâm tư làm việc, chân cũng làm việc, dần dần chàng cũng đến gần đài trường hơn. Bây giờ, chàng nghe được những tiếng hoan hô, chàng có cảm tưởng những tiếng hoan hô đó được đổi bằng máu. Trên giang hồ, có vị anh hùng nào không thành danh bằng máu? Có thinh danh nào không nhuộm màu máu? Máu nhuộm hồng thinh danh, máu càng ánh ngời, thinh đanh càng đi khắp bốn phương trời. Và thành tích kiêu hùng của họ được ghi lại bằng những dòng chữ máu. Máu thay mực viết thành văn. Xác chết thay giấy, tiếp nhận những câu văn? Phương Bửu Ngọc nghe tiếng hoan hô, sôi động khí hùng, nhưng nghĩ đến máu hồng của thinh danh, màu hồng của lịch sử, chàng giật mình rồi rùng mình nghe lạnh khắp thân thể. Máu nóng do khí hùng nung lên, không làm ấm được thân thể lạnh giá của chàng. Vô hình trung chàng nắm chặt hai bàn tay. Ngón tay như ấn sâu vào da thịt. Bọn đại hán đi trước dĩ nhiên sôi niềm khích động. Chúng khích động vì đại hội quá náo nhiệt, vì có những cuộc đấu hào hứng mê ly chứ chúng làm gì có cái tâm hào hiệp như Phương Bửu Ngọc mà khích động đúng một chiều với chàng? Chúng gia tăng tốc độ, bước nhanh hơn như sợ mất một màn hấp dẫn đang diễn tiến. Bởi mơ màng với nhiều ý niệm, Phương Bửu Ngọc như cái máy bước theo bọn đại hán. Bỗng chàng giật mình trước ánh sáng như ban ngày từ đài trường chiếu xuống. Bên dưới ánh sáng là hằng ngàn, hằng vạn đầu người, chỉ thấy đầu người thôi, không ai thấy những phần bên dưới đầu người. Và những chiếc đầu đó dao động như sóng bủa nhấp nhô giữa đại dương. Bởi cuộc đấu gồm song phương, mà bên nào lại chẳng có bằng hữu, bằng hữu của mỗi bên theo diễn tiến của mỗi bên mà lo ngại mà reo hò, ít nhất tại cục trường cũng chia ra thành hai chiến tuyến cho mỗi cuộc đấu. Không kể những người bàng quan, vô quan hệ với đấu thủ, họ hoan hô một chiêu đẹp của bên này rồi trở lại reo hò trước phản ứng tân kỳ của bên kiạ.. Càng đến gần đài trường, Phương Bửu Ngọc càng cúi thấp đầu chẳng dám nhìn ngang nhìn dọc. Mắt không nhìn song chàng hướng tai về bốn phía, thu nhập mọi âm thinh, để tâm tư lọc lại chọn những gì đáng lưu ý. Người đông như rừng như biển, nhưng trông thấy các đại hán này đều vẹt ra hai bên nhường lối. Bọn đại hán từ tên đầu đến tên cuối nối đuôi cá lượn theo con đường nứt nẻ giữa biển người, trông như một con rắn lượn mình theo khe núi. Qua giữa biển người đó, Phương Bửu Ngọc hít phải đủ mùi, tuy nhiên chỉ có mùi rượu là nồng nặc nhất. Tai chàng lắng nghe lời bàn tán của họ. Có kẻ gọi người bên cạnh: - Ngươi xem kia, Thiên Thượng Phi Hoa Lãnh Băng Ngư cũng là tay khá đấy chứ. Hắn đã thắng hai trận liên tiếp rồi, dù sao thì sức người cũng có hạn, hắn tham công quá, chẳng trách giờ đây hắn xuất hạn từng hạt lớn như thế! Một người khác hừ một tiếng: - Thắng hai trận thì đã có gì oanh liệt đâu? Chứ bọn Tả Đao Mai Khiêm, Phan Tế Thành, Tiểu Hoa Thương Mã Thúc Vĩnh, Tưởng Tiếu Dân, Âu Dương Thiên Kiều, bọn này há chẳng thắng hai trận đó sao? Một người nữa cãi: - Nhờ vận khí của họ đến lúc đỏ chứ có gì đáng ngợi? Chỉ vì bọn Lữ Vân, Ngư Truyền Giáp, Anh Thiết Lĩnh chưa ra mặt họ chỉ gặp những tay tầm thường, tự nhiên họ tháng một vài trận, chứ có gì lạ mà phải ca tụng? Bỗng một người thốt: - Nhắc đến mấy người đó tôi lại nhớ Phương Bửu Ngọc!.... Y bỏ dở câu nói quay lại sừng sộ mấy đại hán khiêng quan tài: - Các vị này đi đâu mà vội vàng thế? Nếu trong ấy không có xác chết chờ các vị thì dù cho các vị có là hoàng đế, tại hạ cũng chẳng nhường lối cho lâu! Bọn đại hán biết lỗi, cười ve vuốt, không còn dám nghinh ngang xô người này, đẩy người nọ như trước nữa. Phương Bửu Ngọc lúc đó mới ngẩng đầu lên thấy tại trướng có mấy đại hán đang xách những thùng nước dội rửa sân đài bởi máu đổ quá nhiều, vừa bốc mùi tanh, mà cũng trông dơ dáy quá. Máu? Máu của ai? Dù là máu của ai, cũng đã có một vị anh hùng táng mạng. Võ lâm đã hao hụt một phần. Chàng nhận ra, bên tả đài có một chiếc bàn sáu bảy người ngồi sau chiếc bàn đó. Trong số có Đinh lão phu nhân với mớ tóc bạc trong thần sắc oai nghiêm, cạnh bà là Vô Tà Đạo Trưởng với gương mặt hồng hào, cạnh đạo trưởng là Nhất Mộc đại sư thân hình gầy ốm, vẻ mặt lạnh lùng. Một người luôn cau đôi mày, lộ vẻ niềm ưu tư, góp mặt trong ban giám định đó chính là Vạn Tử Lương... Phương Bửu Ngọc không đám nhìn lâu nữa, sợ những người quen biết bất chợt trông thấy chàng. Chàng đưa mắt sang bên hữu, nơi đó có một nhóm người đang ngồi ngay trên sàn đài. Những người đó đều có vẻ hân hoan, nhìn thoáng qua Phương Bửu Ngọc biết ngay họ là những đấu thủ đã thông qua nhiều trận. Chàng nhận dễ dàng Phan Tế Thành, Âu Dương Thiên Kiều, Mã Thúc Nguyên, Tưởng Tiếu Dân, Mai Khiêm, Lãnh Băng Ngư. Lãnh Băng Ngư ngoại hiệu là Thiên Thượng Phi Hoa, là con người mà ai ai cũng cho rằng sẽ thắng trận cuối cùng để lãnh chức đại biểu võ lâm đáng lý ra lúc này phải dương dương tự đắc, nhưng chẳng hiểu tại sao vẻ kiêu ngạo tiêu tan, chừng như y có điều gì lo nghĩ nặng nề ... Phương Bửu Ngọc quan sát qua từng người một, thấy người nào cũng huyết khí phương cương, tinh thần sung mãn ánh mắt sáng lạ thường. Họ xứng đáng là những tay võ lâm danh hiệp. Bên cạnh những bộ mặt quen thuộc còn có nhiều người khác Phương Bửu Ngọc chưa từng biết. Ngồi trên dài, họ là mục tiêu của hàng ngàn hàng vạn ánh mắt, chẳng rõ biển người nhìn họ với cảm nghĩ như thế nào, chỉ thấy họ đắc ý phi thường. Họ nghiễm nhiên trở thành trung tâm vũ trụ, bảo sao họ không hãnh diện? Tuy nhiên nếu nhìn kỹ tất thấy người nào cũng thoáng lộ sự lo lắng, bởi họ chưa đi đến đoạn đường cùng. Mỉa mai thay, giờ đây, họ ngồi bên nhau, song trong chốc lát đây, họ sẽ trí mạng với nhau, cái số người đó, sẽ hao hụt một nửa, số còn lại cũng sẽ hao hụt, một nửa, hao hụt để rồi cuối cũng còn lại một người, người cuối cùng đi qua bao nhiêu xác chết, xác của những người mà lúc bình thường được xem là bằng hữu. Vì chút hư danh, bằng hữu phải trải thân lót đường cho bằng hữu tiến lên? Đó tinh thần cầu tiến của một số người trong võ lâm là thế. Họ không tiến về võ thuật, họ chỉ tiến về hư danh. Dĩ nhiên trong số đó, cũng có Tề Tinh Thọ, chủ nhân Khoái Tụ Viên, có trang chủ Vạn Trúc Sơn Trang, có Âu Dương Thiên Kiều phu nhân, có cả Đinh Thị Song Kiệt hai con trai của Đinh lão phu nhân. Một bóng hình chàng lưu ý nhất, là Ngưu Thiết Oa, hắn cũng có mặt trong số, với thân vóc to lớn phi thường, hắn như con phượng đứng giữa đàn gà, hắn đã mất hẳn nụ cười hồn nhiên thường hữu. Đôi mày của hắn chừng như cau lại quá nhiều, hiện tại dù không cau cũng vẫn nhíu. Hắn tư tưởng đến vị đại ca của hắn chăng?... Kim Tổ Lâm cứ uống, uống cạn chén đầy rót đầy chén cạn, uống rớt không ngừng, uống như sợ chẳng còn dịp uống nữa. Xem cái dáng của y giờ đây, người ta có cảm tưởng những ngày qua y luôn luôn say, không phút giây nào tỉnh. Bởi thế thần sắc y tiều tụy thấy rõ. Y phải uống rất nhiều rượu chứ, để quên đi những gì đã tao ngộ trong ngày qua, quên đi tai nạn, quên đi bất hạnh... Nhìn Kim Tổ Lâm, nhìn Ngưu Thiết Oa, bất giác Phương Bửu Ngọc nhỏ lệ. Sau cùng chàng thấy mặt Mạc Bất Khuất và Thạch Bất Vi. Chàng đinh ninh là cả hai đã bị Ngụy Bất Tham hãm hại rồi, bây giờ trông thấy họ còn sống chàng mừng vô tưởng. Mạc Bất Khuất tiều tụy như người có bệnh trầm kha, thân hình ốm lại, nếu không quen lắm, chắc chẳng ai nhìn ra con người ngày nào còn là thủ lãnh bảy đại đệ tử, nghinh ngang khắp sông hồ. Thạch Bất Vi ở bên cạnh Mạc Bất Khuất, gương mặt trầm trầm. Bỗng, Đinh lão phu nhân cất tiếng. Cục trường im lặng như cảnh chết, ai ai cũng nghiêng tai chờ nghe. Bà thốt: - Hơn hai mươi cuộc đấu đã khai diễn vừa qua không có cuộc dấu nào kéo dài được mười chiêu thức. Điều đó, thật ra trên chỗ tưởng của mọi người. Những vị chiến thắng đã tỏ ra có bản lãnh phi thường, do đó mới kết thúc nhanh chóng cuộc đấu. Già hết sức hân hoan nhận ra trong hàng thanh thiếu niên ngày nay có rất nhiều vị anh hùng xuất loại, sự kiện đó là một đại hạnh cho võ lâm. Bà thốt lên hai tiếng hân hoan, giọng bà hơi trầm xuống, thay vì bốc hứng, bà dừng lại một chút rồi thở dài mấy tiếng, mới tiếp nối: - Phần sơ tuyển đã qua, giai đoạn quyết liệt bắt đầu. Già ước mong các vị nên đồng tâm, lưu ý, bởi kể từ phút giây này, một người thương vong là võ lâm tổn thất một nhân tài, khó thể bổ khuyết trong một thời gian ngắn. Giả như các vị áp dụng được phương thức điểm trúng là dừng tay, đừng hạ độc thủ với nhau thì võ lâm hân hạnh lắm lắm! Người dưới đài, ai nghe cũng tán đồng ý kiến đó, song người trên đài kia liệu họ có chịu tuân theo thước ngọc khuôn vàng đó chăng? Họ đang làm gì, trong khi Đinh lão phu nhân thốt? Ai vuốt đao sờ kiếm, cứ vuốt đao sờ kiếm, ai trầm tư, cứ trầm tư, ai cúi đầu không hề ngẩng đầu. Đinh lão phu nhân cứ thốt, họ cứ dửng dưng tợ hồ chẳng ai nghe, tợ hồ chẳng ai muốn nghe. Phu nhân thở dài tiếp: - Thời gian chẳng còn dư thừa lắm, già nói chí thành, tùy các vị nghe cùng chẳng nghe. Với tay lấy một mảnh giấy trên bàn, bà đưa cao trước mặt đọc: - Trận thứ nhất, hai đại hiệp Chấn Thiên Phích Lịch Hứa Trù và Ngọc Diện Kiếm Khách Tôn Siêu gặp nhau. Xin mời hai đại hiệp! Chấn Thiên Phích Lịch Hứa Trù có thân hình khôi vĩ, khí thế oai hùng vận y phục võ sĩ bằng gấm tay cầm thanh kim bôi khảm Sơn đao, vâng một tiếng lớn bước đến sân đài. Ngọc Diện Kiếm Khách Tôn Siêu mặt trắng gần như nhợt nhạt tay chân dịu, cử động như nữ nhân, tuy có đôi mày lưỡi kiếm, thần thái anh tuấn, song vẻ nhu nhược vẫn hiện lộ quá rõ ràng. Hai người đó, một cương, một nhu, một âm một dương, đúng là khắc tinh của nhau, chừng như trời sanh ra họ để cho họ có đối tượng mà đương đầu, không có người này thì người kia chỉ là thừa. Nhưng trong võ lâm, người ta biết rõ, họ là hai đệ huynh cộng đồng sanh tử, họ là bằng hữu với nhau, nhưng tình thân hơn ruột thịt. Họ thượng đài. Quần chúng động tính hiếu kỳ, ai ai cũng muốn nhìn xem một đôi bằng hữu chí thân, từng ăn thề sống chết có nhau, đêm nay, trên lôi đài sẽ đánh với nhau như thế nào. Hứa Trù thô giọng quát: - Tôn huynh cứ xuất chiêu! Tôn Siêu cười nhẹ: - Hứa huynh nương tay cho nhé! Chân tả bước tới, kiếm đưa lên ngực, Tôn Siêu đâm tới liền. Chiêu kiếm rất nhanh, rất độc, nhưng còn cách Hứa Trù độ thước, liền ngừng lại. Thì ra đó là một chiêu lễ độ. Hứa Trù hét lên một tiếng lớn, vung đao đúng chiêu thức Triều Thiên Nhất Trụ Nương, chiêu thức rất gấp, nhưng lưỡi đao chưa vào, sống đao đưa ra mũi thẳng lên không. Đó là chiêu đáp lễ. Cả hai nhìn nhau, cả hai cùng gật đầu, rồi cả hai cùng vung đao, kiếm vào cuộc. Đao quang, kiếm quang chớp chớp giao chuyển, xoắn tít vào nhau, cả hai kết tinh một khối, xoay quanh đài trường. Gió đao, gió kiếm rít lên, vùn vụt. Mười chiêu qua rồi. Quần hùng nhận ra, họ không quyết tâm tranh thắng, đao cũng như kiếm, xuất phát thì hùng hổ, oai mãnh phi thường, nhưng gần đến đối tượng, lại giảm ngay công lực, giảm đến bảy tám phần. Chừng như họ có thỏa thuận với nhau, nếu cuộc bắt thăm đưa họ đối chiến với nhau, thì họ đánh vờ như vậy. Bây giờ họ đang vung đao, múa kiếm nhưng chẳng để làm gì cho họ, mà chỉ để hội trường xem cho vui mắt. Thật sự Tôn Siêu có sử dụng kiếm pháp bí truyền, là Lạc Anh Tân Phân Thất Thập Nhị Thức và Hứa Trù cũng thi triển đao pháp thần kỳ là Khảm Sơn đao, song chẳng có gì nguy hiểm cho nhau... Đinh lão phu nhân từng khuyến cáo các đấu thủ điểm trúng là dừng, cả hai chưa điểm trúng, đã dừng bước. Chiêu thức của họ hoàn toàn chẳng có công lực. Quần hùng bắt đầu cười, có một vài người ngoảnh mặt nhìn nơi khác không muốn xem một trò biểu diễn phường tuồng. Chỉ có Đinh lão phu nhân thì luôn luôn gật gù, vẻ tán thưởng. Bỗng thanh kiếm từ trên vút xuống như mống bạc chúi đầu. Thanh đao từ bên dưới vọt lên như rồng thiêng quất đuôi. Một tiếng xoảng vang lên, thanh đao chém lên kiếm, kiếm vuột tay Tôn Siêu bay bổng lên không. Quần hùng giật mình. Hứa Trù cũng giật mình, mà Tôn Siêu cũng giật mình. Trong ánh mắt của Hứa Trù, niềm hối hận hiện rõ. Hắn nào cố ý? Hắn cũng chẳng hiểu tại sao có sự kỳ lạ như vậy. Hắn đâu có ý làm mất mặt người bằng hữu chí thân, cộng đồng sanh tử. Tôn Siêu nhún chân, nhảy vút theo thanh kiếm. Kiếm bay lên chạm vào sà nóc đài, cắm phập vào đó, Tôn Siêu đưa tay rút kiếm, thuận đả đảo lộn thân hình, từ bên trên lao trở lại đài trường, đồng thời vươn tay ra, đâm xèo xuống Hứa Trù. Tôn Siêu vuột kiếm mặt đỏ bừng, đỏ vì thẹn, thẹn quá thành phẫn hận, phát xuất chiêu sát thủ quyết rửa nhục. Hứa Trù còn sững sờ vì sự kiện xảy ra quá bất ngờ, không kịp làm một phản ứng thích nghi. Hứa Trù rú thảm một tiếng, chấn động đấu trường, máu từ người y vọt ra, vòi cao mấy thước y ngã nhào. Thanh kiếm của Tôn Siêu từ bên trên đâm xuống, do phía tả yết hầu của Hứa Trù xuyên thủng đến hông sườn bên hữu. Hứng nhát kiếm đó, Hứa Trù trông mong gì sống sót nổi? Sự kiện diễn ra trên chỗ tưởng của mọi người. Ai đang ngồi vụt đứng lên phóng cổ nhìn cho rõ. Ai đang đứng, rùng mình chẳng dám nhìn lâu, lại ngồi xuống. Thanh kiếm vẫn còn cắm nơi yết hầu của Hứa Trù. Hứa Trù chưa chết hẳn, thân hình còn rung rung, thanh kiếm rung theo, tua kiếm màu hồng rung theo, tua kiếm khá dài, lưỡi kiếm đâm sâu tua phủ vai, bết máu nhiễu ròng ròng. Ngọc Diện Kiếm Khách Tôn Siêu lặng người như chết tại chỗ. Gương mặt y nhợt nhạt, một gương mặt chẳng còn hạt máu nhưng áo y dù là màu xanh, vẫn ánh ngời máu đỏ của Hứa Trù bắn sang. Biển người chìm trong tử tịch, không ai thở nổi trước diễn tiến bất ngờ. Tiếng rên nho nhỏ của Hứa Trù vang lên rất rõ, ai đứng gần chân đài đều nghe lọt. Hứa Trù giương đôi mất lờ đờ nhìn Tôn Siêu thều thào: - Tôn huynh! ...tiểu đệ ... nào cố ý ... Y tắt thở, không dứt tròn cái ý để chứng minh tấm chân thành. Tôn Siêu bỗng ngẩng mặt lên không cười cuồng dại: - Hay! ...Ha ha!.... chết đến... hay?... Vẫn cười mãi, y vụt bước tới rút thanh kiếm khỏi chiếc xác của Hứa Trù, quay ngược mũi kiếm, chỉ ngay yết hầu y, vận công lực đâm thốc vào. Một đôi bằng hữu từng thề nguyện cộng đồng canh tử, thì giờ đây họ đã giữ trọn lời thề, sanh không đồng chứ chắc chắn là phải tử đồng!.... Họ đã hiến máu cho võ lâm, họ chết đi để cho võ lâm còn tồn tại mãi với ý nghĩa kiêu hùng để tròn chủ trương tinh thần thượng võ! Máu đã đổ, mở màn cho một phút tuyển nhân tài! Cái chết của Ngọc Diện Kiếm Khách Tôn Siêu làm sôi động hội trường một lúc, rồi đâu đó lại im lặng như chẳng có gì xảy ra. Đúng vậy, nơi đây nào phải chỉ có cái chết của một Hứa Trù một Tôn Siêu? Bất quá, cái chết của cả hai, ngoài chỗ tưởng tượng của mọi người nên quần hùng dao động một lúc rồi tự nhiên im lặng trở lại. Nơi đây đã có nhiều người chết rồi và sẽ có nhiều người chết nữa, thì tại sao phải bâng khuâng về cái chết của Tôn và Hứa? Các đại hán túc trực tại đài trường, mang nước rửa máu, đưa xác chết xuống đài. Đinh lão phu nhân thở dài lẩm bẩm: - Tại sao lại phải khổ? Tại sao?... Quần hùng cũng như bà than thở: - Tại sao? Ai bắt buộc mình phải đau khổ? Đã nói được những lời như thế, sao họ chẳng tự hỏi tại sao họ đến đây? Ai bắt buộc họ làm trọng tài, ai cưỡng bức họ phải vào ban giám định? Mâu thuẫn! Cho nên kẻ ở ngoài vòng đừng bao giờ phê bình người trong cuộc. Phương Bửu Ngọc ở trong nhóm tẩm liệm xác chết, lặng lẽ làm phần việc của chung. Nếu có một người có quyền thán trách những ai đến đây để rũ thây để rơi máu, thì người đó là Phương Bửu Ngọc, bởi chàng chống đối đại hội Thái Sơn. Chàng chống đối rõ rệt, nên chàng hầu như thân bại danh liệt, bây giờ nhìn trước mắt cuộc diễn tiến mà chàng toan tính ngăn chận, chàng phải đau lòng hơn ai hết, thật sự đau lòng chứ không bao nhiêu người, niềm xót thương dấy lên như mây chiều rồi phút chốc lại tan theo gió ... Chàng lặng lẽ làm hai cái việc bất đắc dĩ, chẳng muốn nhìn chi cả. Hai xác chết, không nói lên được sự bi ai của cuộc tương tàn, thì đại hội phải tiếp tục, vẫn tiếp tục để nối dài chiếc thang hiếu thắng, cho một người nào đó, vượt lên đỉnh hư danh. Đinh lão phu nhân còn xúc động, giọng bà run run khi đọc tiếp mảnh giấy ghi tên đấu thủ: - Trận thứ hai, giữa hai đại hiệp Cửu Liên Hoàn Tiền Khuê và Thiên Kiều Trường chủ Âu Dương Thiên Kiều? Xin mời hai đại hiệp thượng đài. Lôi đài có một diện tích rất rộng, bên tả là bàn chủ tọa, bên hữu giành cho những người được chọn qua kỳ sơ tuyển. Khoảng giữa đài, cao hơn quanh đây, chính nơi đó là lôi đài chánh thức. Lên lôi đài, đấu thủ có thể phi thân, mà cũng có thể bước theo chiếc thang. Âu Dương Thiên Kiều đứng lên trước. Y không giở thuật khinh công, y chững chạc bước từng bước một đến chiếc thang, lên từng nấc một. Mỗi bước đi của y, biểu dương một khí thế hùng mạnh, xứng đáng với thân phận một trường chủ đứng đầu một tông phái. Còn Cửu Liên Hoàn Tiền Khuê trái lại, phi thân lên đài. Thuật khinh công của họ Tiền quả đã đạt đến mức cao diệu, nhìn y thi triển thân pháp, quần hùng đều thán phục. Dùng thuật khinh công lên đài, dĩ nhiên Tiền Khuê phải lên trước Âu Dương Thiên Kiều, y nhìn Âu Dương Thiên Kiều lên từng nấc thang một bất giác giật mình. Y sợ hãi trước khí thế hùng mãnh của Âu Dương Thiên Kiều, điều đó kể ra cũng lạ. Nếu quần hùng biết y sợ thì chẳng nói làm chi bởi có ai chẳng sợ khi nhận ra đối tượng có chỗ dáng sợ? Nhưng y chẳng hiểu tại sao bỗng nhiên mình lại yếu hèn như thế. Sợ thì còn đăng tên, tranh chiến làm chi? ...