Nếu cho rằng hai vật đó là những vật của trẻ con múa may đùa giỡn, cũng không ngoa tí nào. Nhưng nhìn hai vật đó, Phương bửu Ngọc chẳng dám khinh thường. Bởi chàng hiểu phàm vũ khí càng ngắn, càng nhỏ, thì càng lợi hại. Ngư truyền Giáp cầm hai món vũ khí đó, hét lên một tiếng, cúi thấp mình xuống, chạy vòng vòng xung quanh Phương bửu Ngọc, chạy như con khỉ làm trò, bất thình lình quét quảy ngang đối phương, còn thanh đao thì lòn dưới ngọn quảy, đâm tới. Thanh đao nhắm trung bộ của Phương bửu Ngọc bay qua. Chiêu thức đó chẳng có gì phi thường cả. Phương bửu Ngọc lách mình qua một bên, né tránh. Ngư truyền Giáp biến thế, công tiếp liền. Y đưa ra một thoáng đúng ba chiêu, dùng ngọn quảy làm chủ lực, còn thanh đao thì chỉ tiếp trợ thôi, tuy tiếp trợ song vẫn lợi hại như thường. Bây giờ thì những người đứng xem bên ngoài mới biết tại sao Ngư truyền Giáp mặc y phục hoa lệ như vậy. Thì ra màu sắc y phục chớp lên theo sự di động của y, rồi thép đao chớp lên, ánh chớp của hai thứ đó làm hoa mắt đối phương, khó mà nhận định được rõ ràng chiêu thức của y. Qua ánh chớp đó, không ai còn thấy thân hình của Ngư truyền Giáp chuyển động như thế nào nữa. Ngư truyền Giáp đã đánh ra hơn mười chiêu rồi, mà Phương bửu Ngọc chỉ tránh né, chứ chưa hoàn thủ. Những người đứng bên ngoài chờ mãi, chẳng thấy chàng xuất chiêu, có người không dằn được tính nóng, gọi to: - Phản công chứ, Phương bửu Ngọc! Người vừa gọi đó, lạ lùng thay, lại chính là Ngư Phượng Giáp, em gái của Ngư truyền Giáp. Nàng giục chàng đánh trả lại anh chàng! Kim tổ Lâm lắc đầu thở dài: - Xem ra sau này Phương bửu Ngọc sẽ hưởng rất nhiều diễm phúc, song dù sao thì hắn cũng phải gặp nhiều phiền phức với cái bọn giai nhân. Chắc chắn là hắn sẽ phải khổ sở vì nữ sắc, dù hắn không hiếu sắc! Mạc bất Khuất cau mày: - Biết làm sao, khi hắn là một mỹ nam tử! Mong rằng hắn đừng mê luyến các nàng như các nàng mê luyến hắn. Bỗng Mạc bất Khuất kêu lên: - Á! Á!.... Thì ra mũi đao của Ngư truyền Giáp sắp sửa chạm vào bụng của Phương bửu Ngọc. Tình thế hết sức hiểm nguy cho chàng. Thấy cái nguy đó, Mạc bất Khuất mới kêu lên, chính y, y cũng chẳng biết phải hóa giải thế đao đó cách nào cho kịp thời... Cho nên y lo sợ. Nhưng y lo sợ cho Phương bửu Ngọc vô ích. Bằng một thân pháp cực kỳ linh diệu, chẳng ai thấy kịp chàng di động như thế nào, chàng tránh ngọn đao đó dễ dàng. Đồng thời, cũng chẳng ai thấy chàng rút thanh kiếm gỗ ra từ lúc nào, sau khi chàng lách mình trách mũi đao thì tay chàng đã cầm thanh kiếm.
Thanh kiếm đó bay ra, xuyên qua vùng đao quang, quảy ảnh, rồi một loạt tiếng lạch cạch vang lên, đao quang và quảy ành như bị cuồng phong dồn về phía hậu, xa vị trí chiến đấu hơn bảy thước, tắt phụt. Ngư truyền Giáp từ dưới đất, lồm cồm chỗi dậy, tay đao, tay quảy đều buông thõng. Chẳng ai thấy tại sao Ngư truyền Giáp bại nơi tay Phương bửu Ngọc. Phần Phương bửu Ngọc, chàng đưa thanh kiếm gỗ lên, lấy tay vuốt dài theo thân kiếm, hơn mười vật sáng loáng từ thân kiếm rơi ra, nằm gọn trong tay chàng. Những vật đó, là những mũi Phi Ngư Thích. Trong lúc thoái hậu, ngã xuống đất, Ngư truyền Giáp đã phóng trái lại hơn mười mũi phi ngư thích, song Phương bửu Ngọc khoa thanh kiếm gỗ hứng trọn những ám khí đó, như chiếc khiên da hứng những mũi tên. Mạc bất Khuất thở dài: - Võ công Ngư truyền Giáp khá cao đó, mà món Phi ngư thích đúng là sở trường của hắn! Kể ra, hắn cũng là một tay lợi hại! Vạn tử Lương mỉm cười: - Khen hắn, là gián tiếp khen Phương bửu Ngọc, đối phương càng lợi hại thì Phương bửu Ngọc càng phi thường, có phi thường mới chế ngự được tay lợi hại. Kẻ bàng quan vỗ tay, reo hò, trong tiếng hoan hô, có âm thanh nữ nhân, nhưng Ngư Phượng Giáp thì im lặng, ánh mắt nàng ngời lên niềm thán phục, có pha lẫn say sưa.
* * *
Chương trình dự định đánh đúng bốn mươi trận, với Lữ Vân, với Ngư truyền Giáp, Phương bửu Ngọc đã đánh xong hai trận rồi. Còn lại ba mươi tám trận. Giờ đây, chàng và bọn Vạn tử Lương đang ở trên con đường lớn tại thành Hiệp phí phía Bắc vùng Sào Hồ. Con đường đó, rất dài, từ hướng Tây dẫn thẳng đến hướng Đông, dài không thấy tận đầu, mặt đường rộng đủ cho hai cỗ xe chạy song song, hai bên đường có phố, có lẽ cũng khá rộng, khác bộ hành xuôi ngược dập dìu. Người bản xứ khá đông, mà kẻ từ đấy Hoán Châu đổ về học tập tại ngôi trường danh tiếng của vùng này cũng chẳng ít. Ngày thường đã vậy, hôm nay còn náo nhiệt gấp mấy lần. Náo nhiệt vì anh hùng hào kiệt quy tụ một số lớn, họ đang có mặt tại võ trường Thiên Kiều. Võ trường nằm trên một con đường đó, một con đường chạy dọc ven sông dài, bờ Bắc đến tận dòng Dĩnh Thúy, theo đường dân cư phần đông hoặc tập văn, hoặc luyện võ, chứ không như ở những con đường khác, thiên hạ chuyên thương trường hay nông nghiệp. Bên cạnh thương trường, có tòa Thiên Kiều đại tửu lâu, sinh ý rất thịnh vượng, khách hàng phần lớn là hào kiệt anh hùng, từ bốn phương sông hồ qua lại tạm dừng chân. Tửu lâu cứ đến hoàng hôn là không còn một bàn trống, khách ăn uống bàn bàn, luận luận, nói cười, câu chuyện chỉ quanh quẩn về võ học. Gần đây, đề tài câu chuyện giữa thực khách dần dần thay đổi, họ bắt đầu bàn bạc về một vị thiếu niên tài tuấn vừa xuất hiện trên giang hồ. Thiếu niên, dĩ nhiên là Phương bửu Ngọc. Một lão nhân thốt với niềm cảm khái bốc cao trong ánh mắt: - Lão phu từng bôn tẩu bốn phương suốt mấy mươi năm dài, nghe cũng nhiều, thấy cũng lắm, tuy nhiên chưa hề biết có kẻ nào thành danh sớm, sớm trên chỗ tưởng, như một Phương bửu Ngọc đời này! Một người khác tiếp nối: - Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, độ mươi hôm, mà tạo được thanh danh chấn động khắp sông hồ, thiết tưởng cũng là một sự kiện hi hữu trong võ lâm đấy! Phương bửu Ngọc quả là một kỳ tài! Một người nữa phụ họa: - Lần thứ nhất trên giang hồ, Phương bửu Ngọc giao thủ với Bửu Mã thần thương Lữ Vân, chàng ta chưa có mảy may kinh nghiệm chiến đấu, vậy mà cũng thủ thắng dễ dàng, rồi từ cuộc này đến cuộc khác, qua mỗi lần giao thủ là mỗi dịp cho chàng ta rút kinh nghiệm, hiện tại thì chàng đã già dặn lắm rồi! Thử kể xem chàng ta thắng được những ai: Bửu Mã thần thương Lữ Vân bên cạnh hồ Động Đình, Giang Thượng Phi Hoa Ngư truyền Giáp tại Ngư gia thành, Khuôn tân Sanh tại Võ Xương, Đơn nghi Thành tại Cửu Giang, Cao Quan Anh tại Nam Xương, Triệu Kiếm Minh tại Kỳ Môn, những danh thủ đó đều bị chàng ta đánh bại. Một người tặc lưỡi: - Rất tiếc chúng ta từ miền Bắc xuôi về Nam, tin tức thất thường, thành ra lỡ mất bao nhiêu dịp mục kích cái tài cao của Phương bửu Ngọc, cứ mỗi lần đến tận nơi, là cuộc chiến đã xong! Một người chừng như rất thạo giải thích: - Kiếm pháp của Phương bửu Ngọc cao diệu không thể tưởng, kiếm pháp do thiên ý mà thành chứ không phải con người truyền dạy, cứ vung tay là kiếm tùy theo ýý, muốn làm sao thì đắc thủ làm vậy, chẳng cần chiêu thức, theo cái sáo, cái quy củ của các kiếm pháp thông thường của bất cứ môn phái nào. Có tiếng thở ra: - Đem kiếm pháp của chàng ta so sánh với kiếm pháp của người áo trắng độ nào đánh bại Tử y hầu chẳng rõ kiếm pháp nào cao minh hơn... Người vừa giải thích tiếp nối: - Gì thì chẳng biết, chứ kiếm pháp của người áo trắng, cứ chớp sáng lên chừng như y chú trọng đến kiếm quang, kiếm ảnh, còn Phương bửu Ngọc thì thủ pháp rất kinh dị, kiếm xuất ra, không rít gió, chừng như chẳng mảy may phát động cái khí thế bức người... Bỗng, một đại hán cao giọng chen vào: - Tiểu đệ vừa từ Giang Nam đến đây, may mắn được trong thấy Phương bửu Ngọc hiển lộng tuyệt học, nhờ vậy mà biết được rõ ràng hơn những lời truyền thuyết trên giang hồ. Cuộc chiến tại Tiểu Cô Sơn tiểu đệ được chứng kiến từ đầu đến cuối! Có kẻ reo lên: - Tiểu Cô Sơn? Căn cứ của Đa Tý Hùng Ngụy Báo? Chẳng lẽ Ngụy Báo cũng thất bại hả? Đại hán đó gật đầu: - Họ Ngụy bại nơi tay Phương bửu Ngọc! Ngụy Báo thay đổi bốn loại vũ khí: Đao thương, côn, bút, dùng đến tám món ám khí tiêu, châm, đạn, tiễn, nổ, tật lê, hoàn, vẫn không làm sao áp đảo được Phương bửu Ngọc. Cuối cùng đại hiệp phải nhận bại! Một người kêu lên: - Trên thế gian này, làm gì có kiếm thuật siêu nhiên như vậy? Điều đó dù là sự thực, nhưng thuộc loại sự thật khó tin! Đại hán tiếp: - Đúng vậy, nếu chẳng chính mắt trông thấy, dù ai bức tử tiểu đệ cũng chẳng tin nổi! Hôm đó, có hơn năm trăm bằng hữu giang hồ dự khán cuộc đấu, tiểu đệ nhìn ra thì chẳng một ai không biến sắc. Mọi người xem chiến, ngây ngất xuất thần, khi bừng tỉnh cơn mê thì Phương thiếu hiệp đã biến mất dạng, thành những kẻ hiếu kỳ muốn thỉnh giáo một vài điều, phải mang tuyệt vọng mà rời Tiểu Cô Sơn! Có người lấy làm lạ hỏi: - Tại sao Phương thiếu hiệp bỏ đi? Có sợ gì chăng? Đại hán mỉm cười: - Huynh đài nào biết được, Phương thiếu hiệp bỏ đi là để tránh sự phiền nhiễu do bọn thiếu nữ gây nên. Người trước đó hừ một tiếng: - Thiếu nữ? Thiếu nữ nào mới được chứ? Tại sao lại có nữ nhân trong vụ? Đại hán tiếp: - Sự việc bắt nguồn từ hai vị cô nương Ngư phượng Giáp và Phùng tố Văn tại Ngư gia Thành. Cả hai cô nương quá ái mộ cao tài của Phương thiếu hiệp, chẳng kể thẹn thùng, đã cắt mất của thiếu hiệp hai chéo áo, giữ mảnh vải đó làm vật lưu niệm. Sự việc đó được truyền đi khắp nơi, gây nên một phong trào, phàm thiếu nữ xuất thân từ gia đình hào hiệp đều theo đuổi Phương thiếu hiệp, tất cả cùng muốn có một vật lưu niệm như hai cô nương kia, cho nên sau mỗi cuộc chiến, Phương thiếu hiệp phải lẻn đi như vậy. Nếu cứ mỗi nơi nào có cuộc chiến, mà bỏ lại một vài chéo áo, cuối cùng thì phải để mình trần, rồi cắt chẳng được chéo áo nào, các thiếu nữ dám cắt đến da thịt lắm! Có mấy người cùng kêu lên: - Trời! Trời! Lại có những quái sự như vậy! Ái mộ chi mà bất nhân thất đức thế chứ! Đại hán lại tiếp: - Chính tiểu đệ có nhìn các thiếu nữ đứng xem cuộc chiến, tất cả đều ngây người, như bị một hấp lực thu hút mãnh liệt! Đúng là cái cảnh si cuồng không tưởng tượng nổi! Rồi đại hán đó kết luận: - Thực ra tiểu đệ nhìn nhận là Phương thiếu hiệp rất khôi ngô tuấn tú, gọi là mỹ nam tử cũng chưa đủ mô tả cái vẻ đẹp của chàng! Mỗi người một câu, ai ai cũng hoan nghênh, cũng ngưỡng mộ chàng! Có kẻ hỏi bâng quơ: - Chẳng rõ, sau những cuộc chiến đó, Phương thiếu hiệp sẽ đi đến đâu nữa? Đại hán nọ đáp: - Bởi tránh mọi sự phiền nhiễu do bọn người ái mộ, Phương thiếu hiệp hành tung bí mật, nên chẳng ai biết được người sẽ đi tới đâu. Tuy nhiên tiểu đệ nghe rằng, cuộc chiến sắp tới đây sẽ khai diễn với trường chủ võ trường Thiên Kiều này, vì thế mà tiểu đệ chẳng quản ngày đêm, kiêm trình đến đây cho kịp mục kích! Có mấy người cùng phụ họa: - Bọn này cũng nghe như vậy, và cuộc chiến phải khai diễn sáng hôm nay. Nhưng đã đến đây chờ chực mãi, chúng tôi chẳng thấy gì cả... Bỗng có một người vận y phục gấm từ xa chạy đến, mặt lộ vẻ hân hoan, vừa bước lên lầu, vừa thở, vừa thốt: - Đến, đến rồi!.... Người vận y phục gấm, là một thiếu niên, tên Lý vĩnh Thanh, đệ tử của trường chủ võ trường Thiên Kiều. Mọi người nhao nhao lên, hỏi: - Đến! Cái gì đến? Lý vĩnh Thanh cười hì hì đáp: - Các vị chờ đợi chẳng uổng công chút nào! Phương thiếu hiệp vừa gửi thư tới, bức thư hiện trong tay gia sư! Bầu không khí càng ồn ào hơn: - Chiến thư! Chiến thư đã đến! Hẳn người cũng đã đến! Đi! Chúng ta đi xem cho biết vị thiếu niên tài tuấn đó như thế nào! Một người hừ nhẹ: - Đi? Đi đâu? Thành Hiệp Phì to lớn thế này, còn ai biết Phương thiếu hiệp ngụ nơi nào mà tìm? Một kẻ lập luận: - Dù có tài nghệ đến mức độ nào, Phương bửu Ngọc cũng là một con người bằng xương, bằng thịt, hắn phải biết mệt mỏi, phải biết tĩnh dưỡng chứ, trước khi giao chiến ác liệt cần phải nghỉ ngơi cho sức khỏe dồi dào, lý nào ngao du lồ lộ trên đường trên phố mà toan đi tìm? Một người bàn: - Đúng vậy! Có lẽ hiện giờ chàng ta đang ở trong nhà một vị bằng hữu võ lâm nào đó! Nếu không nữa thì cũng ở trong một khách sạn nào an tịnh! Tìm không được đâu! Cái tin đó được truyền ra, chẳng mấy phút mà khắp thành Hiệp Phì đều hay biết. Bọn người đó, tuy nói thế, song vẫn đổ xô đi tìm, có người tìm trong những khách sạn nội thành, có người ra tận ngoại ô...
* * *
Hai cỗ xe mui đen, xe sau nối xe trước, từ từ qua cửa thành vào khu phố. Hai cỗ xe dừng lại trước một khách sạn bình thường. Từ trên xe, Vạn tử Lương, Kim tổ Lâm, bảy đệ tử, Phương bửu Ngọc và Ngưu thiết Oa bước xuống, vào khách sạn. Vạn tử Lương mỉm cười thốt: - Chủ ý của Công Tôn nhị hiệp hay lắm đó, phải để cho họ vào đây tìm kiếm chúng ta rồi, họ đi ra là chúng ta vào, như vậy thì tránh được sự phiền nhiễu của họ! Công Tôn Bất Trí lúc còn theo học với Thanh bình kiếm khách Bạch Tam Không từng được sư phó khen là con người có tâm cơ, tuy cơ trí của y chưa được truyền dương trên giang hồ, song mấy lúc sau này Vạn tử Lương hết sức khâm phục. Bây giờ, một lần nữa, y tỏ rõ cái cơ trí đó, bằng cách chờ cho mọi người hiếu kỳ tìm tòi lục lạo ngôi khách sạn này rồi, cả bọn mới kéo vào. Dĩ nhiên, họ chẳng bao giờ trở lại đây, tìm lần thứ hai, họ còn phải đi tìm những nơi khác. Từ lúc rời khu rừng của Kim tổ Lâm, tuy có Vạn tử Lương điều động chuyến viễn hành, song chính Công Tôn Bất Trí hoạch định đường đi nước bước, nơi nào nên đến trước, nơi nào sau, đi theo con đường nào tránh sự dòm ngó của những kẻ hiếu kỳ. Nhờ vậy, đoàn người mới được an tịnh tối đa. Bởi là cuộc chiến liên tục, mọi người đều thỏa thuận là chỉ ăn, cần ăn cho có đầy đủ sức khỏe nhưng cấm uống. Kim tổ Lâm bắt buộc phải tuân theo đa số, tuy nhiên vẫn không giấu được vẻ buồn buồn. Con sâu rượu, vớt ra khỏi vò rượu, bỏ trên khô, liệu con sâu đó có sống nổi không? Kim tổ Lâm vẫn sống được đấy chứ, nhưng sống khổ sở vô cùng, y chẳng mong gì hơn là cuộc chiến vòng quanh đất nước này sớm chấm dứt, để cho y tiếp nối cái thú say nồng. Vào khách sạn, trước khi chọn nơi ngủ, phải kiếm cái ăn. Trong khách sạn, chẳng biết do ai bày biện, có sẵn một bàn tiệc thức ăn bốc khói thơm phưng phức, trên bàn có mấy vò rượu ngon. Kim tổ Lâm thở dài: - Kẻ nào đó, có diễm phúc mấy đời mà được vò rượu chực chờ như vậy, ta còn kém, kém xa! Công Tôn Bất Trí cau mày, gọi tiểu nhị, hỏi: - Bàn tiệc của ai đây? Nếu phòng ăn không còn chỗ, thì ngươi nên dọn bữa ăn cho ta ngay trong phòng ngủ cũng được. Tiểu nhị mỉm cười: - Tiệc này là của các vị, chứ còn của ai nữa? Công Tôn Bất Trí trầm gương mặt: - Mà do ai bày đặt ra chứ? Tiểu nhị đáp: - Phu nhân Âu dương trường chủ võ trường Thiên Kiều đấy. Có lý nào các vị không hiểu việc ấy sao? Người đã dặn bọn chúng tôi, bày biện sẵn để chờ quý vị. Công Tôn Bất Trí thoáng biến sắc mặt: - Phu nhân Âu dương trường chủ? Do đâu mà người biết được bọn ta đến đây? Vạn tử Lương và những người kia cũng hết sức kỳ quái. Tiểu nhị cũng lấy làm lạ về cái chỗ bọn Công Tôn Bất Trí chẳng hay biết tí gì về việc này. Tuy nhiên hắn tiếp luôn: - Chẳng những người đặt tiệc sẵn, mà chính người còn chọn phòng cho các vị, đâu đó được an bài chu đáo lắm rồi. Các vị chẳng còn phải lo liệu gì cả. Chợt nghĩ ra, tiểu nhị lộ vẻ sợ sệt, rung rung giọng hỏi: - Hay là... hay là... bọn chúng tôi bày tiệc không khéo? Có điểm nào sơ thất không? Công Tôn Bất Trí lắc đầu: - Chẳng có gì sơ thất cả. Nhưng ngươi đừng làm ổn ào lên chứ? Hãy lui đi nơi khác, khi nào cần, ta sẽ gọi. Tiểu nhị nghiêng mình chào, bước đi, thần sắc còn hoang mang, hắn chưa xóa tan được sự kinh dị. Vạn tử Lương cau mày: - Âu Dưong phu nhân là nhân vật như thế nào? Trong bọn mình có ai biết bà ấy không? Mạc bất Khuất lắc đầu: - Vạn đại hiệp là bậc tiền bối, không biết được thì bọn tiểu điệt làm gì biết chứ? Công Tôn Bất Trí trầm ngâm một chút: - Sao bà ấy biết rõ là chúng ta đến đây? Tại thành Hiệp Phì này nào phải chỉ có một khách sạn này? Tôi chỉ sợ bên trong có ẩn tình gì, chúng ta không thể không đề phòng. Ngưu thiết Oa cao giọng: - Mặc cho họ muốn làm gì thì làm, mình cứ ăn, no rồi hãy tính. Kim bất Úy đồng tình ngay: - Đúng! Hợp đạo lý lắm lắm! Ăn, cứ ăn, ăn rồi hẵng hay! Y ngồi xuống, với tay cầm đũa, nhưng Công Tôn Bất Trí ngăn chặn liền. Kim bất Úy hừ một tiếng: - Sợ gì chứ? Nhị ca lo xa quá! Dù sao, Âu Dương Thiên Kiều cũng là một nhân vật có tên tuổi trên giang hồ, có lẽ nào lại hạ độc trong thức ăn sao? Công Tôn Bất Trí thốt: - Đành rằng Âu Dương Thiên Kiều là một nhân vật hữu danh đấy, nhưng vợ y thì sao? Có ai biết được người đàn bà ấy như thế nào? Thuộc bạch đạo hay hắc đạo? Có lương tâm hay táng tận lương tâm? Kim bất Úy giật mình: - Vậy thì... Bỗng, gã tiểu nhị bước tới, bước đi của hắn trịnh trọng quá, hắn đưa tay, trong tay có tấm thiệp màu hồng, hắn cao giọng thốt: - Bên ngoài khách sạn, có Âu Dương phu nhân đang chờ đợi các vị chấp nhận cho người vào bái kiến! Vạn tử Lương chỉnh nghiêm thần sắc, đưa tay tiếp lấy tấm thiếp, trên tấm thiếp có tên Âu Sương Châu, chứ chẳng có tên Âu Dương Thiên Kiều. Công Tôn Bất Trí cau mày: - Âu Dương Thiên Kiều chưa chịu xuất hiện, mà Âu Dương phu nhân lại đến! Tại sao người đàn bà đó lưu ý đến hành tung chúng ta? Mọi người cùng nhìn nhau, chẳng ai hỏi ai, chẳng ai nói gì với ai, nhưng tất cả đều nghĩ rằng Âu Dương phu nhân có hành động bí mật quá. Cơ trí sâu xa như Công Tôn Bất Trí mà còn lắc đầu, không hiểu, thì liệu còn ai hiểu được? Vạn tử Lương nhìn sang Công Tôn Bất Trí, trầm giọng hỏi: - Tiếp kiến hay tử khước? Công Tôn Bất Trí không cần đáp, có tiếng chạm của các vật trang sức vang lên, rồi tiếng chân người, cuối cùng là giọng cười trong trẻo, những tiếng động đó từ ngoài cửa vọng vào, càng phút càng nghe rõ. Như vậy, là người xin bái kiến vẫn vào, bên trong, bọn Vạn tử Lương có chấp thuận hay từ khước, khách cũng vào như thường. Mạc bất Khuất cười chua: - Không tiếp kiến cũng chẳng được rồi! Y đứng lên trước hơn hết, y nhìn ra, thấy một người mang quá nhiều châu ngọc nơi mình, châu ngọc chiếu ngời hoa mắt tất cả. Người vừa vào đó có mang trang sức bằng châu ngọc, hẳn là một nữ nhân. Nữ nhân diễm lệ phi thường, danh từ giai nhân gắn cho cũng chẳng xứng đáng với vẻ đẹp huyền diệu của khách. Vạn tử Lương vội nghiêng mình làm lễ: - Phu nhân hạ cố đến đây, chẳng hay có điều chi chỉ giáo? Người đẹp đảo mắt nhìn ra bốn phía, ánh mắt đó dừng lại nơi Phương bửu Ngọc lâu hơn. Lạ lùng thay, Phương bửu Ngọc thấy khách, chàng như bạt vía bay hồn. Người đẹp từ từ cất tiếng: - Bửu Nhi còn nhận ra ta chăng? Đột nhiên, Phương bửu Ngọc kêu to lên một tiếng, nhún chân tung bổng người lên không, vọt ngang qua bàn tiệc, đáp xuống trước mặt nữ nhân, đặt hai tay lên vai nàng, nói gấp: - Châu Nhi? Châu Nhi phải không? Người đẹp rung rung giọng: - Phải! Ta là Châu Nhi! Bửu Nhi ơi!.... Không ngờ ngươi còn nhận ra ta! Nàng òa lên khóc. Thì ra, chính là Châu Nhi, một nàng hầu đẹp đẽ của Tử y hầu ngày trước, trên thuyền buồm ngũ sắc, nàng cao quý thế nào, giờ đây, lại sống dưới mái nhà một võ sư tầm thường!