Hồi 5-1
Hồ nam thu dạ tầm bằng hữu
Kiểm nghiệm tà dương tróc cuồng đồ
Trưa hôm sau, bọn Chính Lan vừa sang đến bờ nam sông Hoài, đã bị chặn lại. Đó là một hán tử trung niên mặc áo đen. Người gã đẫm ướt mồ hôi và lem luốc cát bụi, chứng tỏ đã kiêm trình không nghỉ. Hán tử cố nén hơi thở dồn dập, kính cẩn hỏi:
- Phải chăng công tử là Hồng Nhất Điểm đại hiệp?
Chính Lan gật đầu. Gã mừng rỡ nói tiếp:
- Tiểu nhân là Dạ Trung Báo Cát Tráng, thủ hạ của Hách đại ca, xin bái kiến đại hiệp.
Gã dừng lại lấy hơi:
- Bẩm đại hiệp, cách nay hơn mười ngày, Hách đại ca đột nhập vào Chữ gia trang ở Ngũ Linh Nguyên và đã bị bắt. Tiểu nhân theo lời dặn dò từ trước, định về Hoàng Cúc lâu bẩm báo, không ngờ lại gặp ở đây.
Chính Lan chấn động, lo lắng cho bằng hữu, hỏi lại gã:
- Hách đại hiệp có bị thương tích gì không?
Hán tử buồn rầu đáp:
- Đêm ấy Hách đại ca cùng tiểu nhân và một người nữa tiến vào Chữ gia trang. Không ngờ chúng có trạm canh ngầm dưới đất nên đã phát hiện ngay. Hách đại ca liều mạng đoạn hậu cho tiểu nhân đào thoát để báo tin cho công tử rõ.
Chính Lan cau mày:
- Phải chăng Hách huynh đã phát hiện quái sự nên mới tìm cách điều tra?
- Thưa phải! Sau mấy tháng kiên nhẫn mai phục, bọn tiểu nhân phát hiện một lão già có dung mạo rất giống bức họa đi vào Chữ gia trang. Hách đại ca đã đoán rằng nốt ruồi son kia chỉ là thủ thuật đánh lạc hướng của giới hắc đạo, nên đã quyết định đột nhập.
Chính Lan đã hiểu, chàng nghiêm nghị nói:
- Các hạ cứ tìm quán trọ nghỉ cho lại sức. Tại hạ sẽ đi ngay Hồ Nam để giải cứu Hách huynh. Nếu cần phải san bằng nơi ấy, tại hạ cũng chẳng từ nan.
Dạ Trung Báo mỉm cười:
- Tiểu nhân đã quen bôn ba ngàn dặm, chẳng hề thấy mệt mỏi gì cả. Xin được theo công tử trở về Ngũ Linh Nguyên. Không tận mắt nhìn thấy Hách đại ca được an toàn, Tráng này chẳng yên tâm.
Chính Lan thầm khen ngợi lòng trung nghĩa của Cát Tráng. Chàng quay sang nói với Hỏa chân nhân:
- Thúc phụ! Xin người đưa các nàng đi Nam Kinh trước. Xong việc ở Hồ Nam, tiểu tế sẽ đến ngay.
Năm nàng ấp úng đòi theo, Chính Lan bác ngay:
- Thủ hạ của Thiết Xuyên ở đấy còn rất nhiều, không cần các nàng trợ giúp. Hơn nữa, bọn ta sẽ đi cả ngày lẫn đêm, các nàng chẳng kham nổi đâu.
Tây Môn Nhỉ tán thành:
- Chính Lan nói đúng, bọn ngươi đi theo cũng chỉ vướng chân tay.
Lão trao cho Chính Lan một trái Đảo Thiên thần đạn đen bóng:
- Ngươi hãy cầm lấy bảo bối này mà đối phó với Chữ gia trang. Nếu chúng giết Thiết Xuyên thì cho chúng nếm mùi thần đạn.
Chính Lan mừng rỡ cảm tạ chân nhân rồi cùng Dạ Trung Báo đi ngay. Chàng nóng ruột, lo lắng cho Vô Nhân Kiếm Khách nên đi không ngơi nghỉ, vài trăm dặm lại thay một lần ngựa. Vì vậy, chiều ngày thứ năm đã qua ranh giới Hồ Nam.
Dạ Trung Báo lộ vẻ mệt mỏi nhưng Chính Lan vẫn thản nhiên, dù đã thức trắng bốn đêm.
Công phu Qui Tức Bảo Nguyên Đại Pháp là tuyệt học vô thượng của Thiên Trúc, đến Hoàng Hạc Tú Sĩ còn phải khâm phục. Vì vậy, ông bắt Chính Lan phải khổ luyện môn tâm pháp gia truyền này của dòng họ Âu Dương. Nhờ vậy, tuy suốt ngày ngồi trên mình ngựa thực ra cơ thể Chính Lan luôn có một nửa được nghỉ ngơi. Khi phong bế huyệt đạo và cảm giác toàn thân, chàng có thể nằm bất động hàng tháng mà vẫn khoẻ mạnh.
Dọc đường vẫn có những lúc dừng chân để người ngựa ăn uống. Chẳng bao giờ Chính Lan nhắm mắt trước Cát Tráng. Gã ngủ rồi chàng mới nghỉ ngơi, gã mở mắt thì chàng đã thức tự bao giờ.
Kể cả lúc nghỉ, đôi mắt Chính Lan cũng chỉ khép hờ. Người ngoài nhìn vào cũng sẽ nghĩ rằng chàng còn chưa nghỉ.
Sư phụ chàng, Hoàng Hạc Tú Sĩ Ngũ Di Nghiệp, tự biết đã gây nhiều thù oán với bọn tà ma. Sau này Chính Lan xuất đạo sẽ bị chúng trút giận lên đầu. Do đó, ông ra sức đào luyện chàng trở thành một người luôn cảnh giác, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thêm bốn ngày đêm nữa trôi qua, Chính Lan và Dạ Trung Báo chỉ còn cách vùng nói Ngũ Linh Nguyên hơn trăm dặm. Cát Tráng bảo chàng:
- Âu Dương công tử, chúng ta phải đi đường tắt mới mong bảo toàn được tung tích. Con đường mé hữu này cũng rộng rãi, dễ đi, nhưng vì xuyên qua những cánh rừng đầy hổ, báo nên ít người qua lại.
Chính Lan mỉm cười:
- Hổ báo thì không sao.
Hai người rẽ vào con đường ấy. Đi được mười dặm đã đến khu rừng già rậm rạp, xanh tươi nhờ mưa hạ.
Bỗng trước mặt vang lên những tiếng quát như sấm:
- Hồng Nhất Điểm đứng lại.
Chính câu nói kia đã cứu chàng thoát chết. Trừ phi được báo trước, chẳng ai có thể biết chàng sẽ đi đường này. Vừa lúc ấy, Dạ Trung Báo nhoài người vung hữu thủ cắm mũi tiểu đao xanh biếc vào lưng chàng. Chính Lan đã cảnh giác nên kịp rạp mình xuống lưng ngựa tránh đòn ám toán. Dẫu sao cũng hơi muộn, lưỡi đao tẩm độc rạch một đường nơi bả vai lưng trái. Chàng chéo tay giáng một chưởng vào ngực tên đê tiện. Gã rú lên thảm thiết, văng khỏi mình ngựa. Đám phục binh đã ùa ra chặn kín phía trước, cách đầu ngựa vài trượng. Tất nhiên phía sau cũng có.
Chính Lan nhận ra trước mặt đông đến ba, bốn chục tên cung thủ, và được thống lĩnh bởi bốn gã trong Tây Vực Bát Hung của Đào Hoa cung.
Chàng lại nghe vết thương ngứa ngáy, cảm giác tê dại lan dần, biết là có độc. Không một phút chần chừ, Chính Lan rút trái Đảo Thiên thần đạn, bấm mạnh vào nốt lồi trên đỉnh rồi ném liền. Thần đạn rơi vào giữa đội hình đối phương và phát ra tiếng nổ long trời lở đất. Máu thịt, cát đá văng tung toé, khói bụi mịt mù và vang dậy tiếng rên la thảm khốc.
Chính Lan thúc ngựa lao đến như bay, trường kiếm lăm lăm, sẵn sàng chém giết để mở đường. Nhưng không còn ai đủ sức và dũng khí để cản chân chàng. Đám phục binh phía sau cũng khiếp đảm, chẳng dám đuổi theo.
Chạy được vài dặm, Chính Lan rẽ vào đường mòn bên trái. Chàng xuống ngựa đuổi cho nó chạy tiếp vào rừng, còn mình thì trở ra, đi sang cánh rừng phía đối diện. Chính Lan vào sâu hơn dặm, thấy một cây thiết mộc rậm rạp, cao lớn chạng ba rộng rãi kín đáo liền tung mình lên trên ấy. Chàng uống vội ba viên linh đan vội rồi vận khí trục độc.
Hoàng Hạc Tú Sĩ không muốn đem một thân công lực hùng hậu vào lòng đất, nên đã kiên nhẫn dùng phép Án Ma Hóa Nguyên đại pháp, ngày ngày xoa bóp huyệt đạo, truyền chân khí cho Chính Lan. Trong suốt hơn mười một năm trời. Ông đã dồn được ba mươi năm tu vi cho vào cơ thể Chính Lan. Nhờ vậy, hiện nay, chàng có đến hơn bốn mươi năm công lực. Bản lãnh còn cao siêu hơn tú sĩ thời trai trẻ. Cũng vì thế mà Chính Lan đã luyện xong lớp thứ bảy của pho nội công Thái Chân Cương Khí. Trong võ lâm, ít ai biết Hoàng Hạc Tú Sĩ xuất thân tứ Đạo giáo. Ngũ Di Nghiệp học võ công của đạo gia, nhưng lại sống và hành hiệp theo tôn chỉ của Khổng giáo nên không hề mặc đạo bào.
Nhờ công ơn tài bồi của ân sư, Chính Lan mới có một tu vi vượt xa tuổi tác như hiện nay. Do đó, chàng đủ sức trục hết kỳ độc ra khỏi cơ thể.
Sau gần canh giờ, Chính Lan mở mắt xả công. Chàng nhíu mày suy nghĩ khá lâu và quyết định lên đường đi Chữ gia trang chứ không quay lại.
Chắc chắn Vô Nhân Kiếm Khách Hách Thiết Xuyên đã bị bắt nên đối phương mới biết họ Hách có một thủ hạ tên Dạ Trung Báo Cát Tráng, và cho người giả dạng.
Chính Lan xem Thiết Xuyên là bằng hữu của mình nên không thể không cứu. Còn như gã đã bị giết thì chàng sẽ báo thù. Hơn nữa, việc cao thủ Đào Hoa cung có mặt ở Hồ Nam chứng tỏ Chữ gia trang đã trở thành kẻ địch của chàng.
Chính Lan mở tay nải, lấy lương khô ăn cho thật no, tìm suối nước tắm rửa rồi thay y phục. Chàng thầm cám ơn Chu Thục Nghi đã bắt mình phải đem theo bộ trường bào xanh thẳm bằng gấm Hồ Châu.
Trường An đại mỹ nhân ỷ mình là biểu muội nên nhõng nhẽo hơn ba nàng kia. Nàng quen cảnh giàu sang nên muốn trượng phu mình được hưởng thụ như bao người khác. Thục Nghi bảo:
- Tướng công nói rằng giá trị của con người là ở cái tâm thiện lương, nhân phẩm chứ không phải do y phục. Vậy thì chàng có mặc áo gấm cũng chẳng hề gì. Trong khi bọn thiếp châu ngọc phủ thân, lụa là che gót, chàng khiêm tốn quá chỉ e không hợp cảnh, hợp tình.
Chính Lan sở đắc đạo Trung Dung nên mỉm cười không tranh cãi, vui vẻ mang theo những gì nàng muốn. Bậc đại trí chẳng bao giờ nên tranh cãi với mỹ nhân.
Ngay chiều hôm ấy Chính Lan đã có mặt ở trấn Vọng Sơn, cách Chữ gia trang ba dặm. Trấn này nằm ở mé đông vùng núi Ngũ Linh Nguyên. Chính Lan ghé vào một tửu quán ở đầu tây của trấn Vọng Sơn. Từ nơi này, chàng có thể ngắm cảnh hoàng hôn trên quần thể núi non hùng vĩ kia.
Trước lúc đến đây, chàng đã vào một tiệm trong trấn, nhờ lão thợ cạo sửa sang bộ râu lởm chởm của chín ngày dong ruổi. Chàng không cạo sạch mà chỉ tỉa tót cho gọn gàng lại. Nhờ vậy, bộ râu mép, râu quai nón xanh rậm kia đã biến chàng thành người xa lạ. Hơn nữa, cách trang phục của Chính Lan đã trở thành truyền thuyết nên chẳng ai ngờ rằng hán tử áo gấm này lại là Hồng Nhất Điểm thư sinh.
Chính Lan vào quán, chọn một bàn dưới mái tây hiên. Chàng quan sát thực khách, thầm tức cười khi thấy ngay cả nơi hoang vu này cũng có người ái mộ mình. Quả thực là có đến ba chàng kiếm sĩ trẻ tuổi đang ngồi một mình một bàn, phong thái ung dung, nhàn nhã, áo vải, mũ học trò đen, có cả tráp gỗ nhỏ. Cả ba đều trang nghiêm, trầm mặc, nhìn về phía cuối trời tây, thỉnh thoảng lại mỉm cười bí ẩn.
Chính Lan bất giác sinh lòng thương hại cho họ. Lịch sử Trung Hoa có biết bao nhiêu anh tài, nghĩa sĩ. Võ lâm cũng chẳng thiếu những bậc hào kiệt lẫy lừng, suốt đời bôn ba vì chính khí. Sao họ không bắt chước nhân cách mà lại bám víu lấy hình thức bên ngoài của một ngôi sao mới tỏa sáng. Chàng tự nhủ từ nay sẽ ăn mặc tùy tiện, vải hay lụa cũng được, có như vậy mới thức tỉnh được lòng say mê mù quáng của lớp đàn em.
Chính Lan ăn xong, nâng chén nhâm nhi, ngắm nhìn ráng chiều rơi trên đỉnh ba ngàn ngọn núi trước mặt.
Ngũ Linh Nguyên là thắng cảnh hùng vĩ nhất Hồ Nam và cả Trung Hoa. Nó có những vẻ đẹp riêng biệt mà Hoàng sơn hay Võ Di sơn không có. Vùng núi này rộng đến hơn ngàn dặm vuông, gần ba ngàn ngọn núi nhọn, hình thù đa dạng, mọc thẳng đứng. Giữa các ngọn núi là những suối nước chảy vòng quanh, trong mát hữu tình. Ngũ Linh Nguyên còn có nhiều thác và khoảng bốn mươi hai động. Đặc biệt nhất là hai cây cầu đá do tạo hóa làm nên, hình dáng cong đều rất đẹp.
Rừng rậm bao phủ gần hết diện tích vùng danh sơn này. Kỳ hoa dị thảo, thú quí sinh sôi nảy nở rất nhiều nhờ khí hậu ôn hòa, mùa hạ thì mát và đông thì ấm áp.
Chính Lan cũng từng được nghe Hoàng Hạc Tú Sĩ kể rằng Sơn Tây là chốn ẩn cư lý tưởng của rất nhiều kỳ nhân, dị sĩ. Đa số bọn họ là người theo đạo Lão Trang nên tìm đến nơi non xanh nước biếc, tĩnh lặng trong lành này mà tu tiên.
Khi hoàng hôn lịm tắt, Chính Lan rời tửu quán, tìm khách điếm nghỉ ngơi.
Cơn mưa thu lúc đầu canh hai càng khiến chàng yên tâm lên đường đến Chữ gia trang. Trời tối đen như mực và ướt át, lạnh lùng. Chính Lan nhờ nhãn lực tinh tường nên vẫn lướt đi như gió thoảng.
Chữ gia trang le lói ánh đèn và thỉnh thoảng vọng ra tiếng chó sủa. Chàng biết họ canh phòng cẩn mật và đang chuẩn bị đón tiếp.
Mục đích của Chính Lan là trước tiên phải cứu cho được Hách Thiết Xuyên, nếu gã còn sống. Vì vậy, chàng không thể bại lộ hành tung quá sớm. Chàng lăn mình dưới bùn nhão để đánh lừa khứu giác bọn chó săn, rồi tiến vào.
Chung quanh Chữ gia trang là một cánh rừng dày độ hai mươi trượng.
Trời mưa lớn, gió to khua động cành lá nên che giấu cho sự di chuyển của Chính Lan. Chàng nhanh nhẹn và linh họat như loài chim đêm, lao từ cànhnày sang cành khác, băng qua dải rừng cây. Chàng đã phát hiện tiếng động của bọn mai phục phía dưới, nhưng chúng lại chẳng thể ngờ rằng đối phương đang đi trên đầu mình. Cơn mưa lạnh giá đã khiến chúng co mình trong lớp áo tơi, run lên bần bật nên chẳng còn tinh tường nữa.
Vào đến chân tường xây, Chính Lan nghỉ ngơi một lát cho lại sức rồi dùng Bích Hổ Công bò lên bức tường cao hai trượng. Chàng nhô đầu nhìn vào trong, thấy bên kia tường là một vườn hoa nhỏ. Xa xa chừng hơn hai chục trượng là toà đại sảnh chính của Chữ gia trang.
Giờ đây, dưới mái hiên trước treo sáu chiếc đèn lồng, rọi sáng khoảng sân rộng. Cách thềm sảnh tám trượng là một chiếc lồng gỗ lớn, loại lồng thường dùng để nhốt thú dữ. Chính Lan căng mắt quan sát, kinh hãi nhận ra trong lồng có một người đang ngồi dựa góc. Thân hình gầy gò kia rất giống Vô Nhân Kiếm Khách Hách Thiết Xuyên.
Chính Lan nhìn lại chung quanh, phát giác trong những dãy nhà gần đấy đều có người mai phục. Chàng thở dài, hiểu rằng Chữ Công Sinh đã đem Thiết Xuyên ra làm mồi, nhử chàng vào bẫy.
Chính Lan nhảy vào trong, len lỏi qua những bụi hoa, ra đến tận bìa vườn. Chàng phục sau một lùm cây, căng óc suy nghĩ, cố tìm ra cách cứu Thiết Xuyên.
Đầu canh ba, cơn mưa tạnh hẳn. Một gã áo đen mở cửa sảnh, xua bầy chó ra ngoài. Sáu con hổ ngao to lớn và dữ tợn này còn lợi hại hơn hai chục võ sĩ.
Thính giác và khứu giác của chúng rất tinh tường, phát hiện được ngay những ai muốn đến gần lồng gỗ.
Dường như đã được huấn luyện chu đáo nên chúng lẩn quẩn quanh chỗ nhốt tù nhân. Chính Lan đành bó tay nằm im một chỗ, bất động như một xác chết. Mười hai năm khổ luyện trên núi Đại Tuyết sơn đã đem lại cho chàng một định lực rất thâm hậu. Nếu không có bầy chó, chàng sẵn sàng chờ đợi cho bọn mai phục mệt mỏi, thiếp đi rồi sẽ ra tay. Nhưng chó thì rất tỉnh ngủ.
Bỗng hai con hổ ngao lớn nhất rời bầy đi về phía vườn hoa. Một ý niệm lóe lên như sét giữa trời đêm. Chính Lan nắm chặt chuôi kiếm rồi giả tiếng chuột rúc rích. Hai con vật hoan hỉ tiến đến gần Chính Lan. Mùi bùn đã không cho phép chúng nhận ra đống lù lù kia là một con người, tò mò đi vào sâu hơn. Không bỏ lỡ cơ hội, khi mục tiêu đã vừa tầm tay, Chính Lan vung kiếm chém bay đầu hai con vật tội nghiệp. Nhờ vậy, chúng chết rất êm ái, chẳng hề sủa lên một lời trách móc.
Chính Lan kéo xác hai con hổ ngao vào sâu hơn nữa và rút tiểu kiếm ra. Chàng chặt phăng tám chiếc đùi, mổ bụng và cố lột bộ da ra khỏi khung xương.
Ngày còn học nghệ ở Tứ Xuyên, chàng thường đi săn thú để lấy thịt ăn và lột da bán, nên thủ pháp thiện nghệ không thua gì bọn đồ tể chuyên nghiệp.
Sau một canh giờ, Chính Lan đã có được hai bộ da chó, đương nhiên còn dính đầy máu và mỡ bên trong. Dẫu sao chàng cũng hài lòng khi khoác bộ da ấy vào người. Dưới ánh sáng nhá nhem yếu ớt này, bọn cung thủ chắc chắn sẽ không phân biệt được, và có lẽ lũ chó kia cũng vậy.
Tuy không chắc chắn lắm nhưng Chính Lan vẫn phải liều. Vì bằng hữu, chàng có thể làm tất cả.
Chính Lan bỏ trường kiếm lại trong vườn hoa, chậm chạp bò ra ngoài, chàng thầm van vái bốn con hổ ngao kia sẽ không sủa quá sớm.
Cuối cùng thì Chính Lan cũng bò được đến gần lồng gỗ. Mùi máu nồng nặc khiến bọn hổ ngao kia thắc mắc, đến gần đánh hơi và bắt đầu liếm láp những vết máu. Chính Lan vội nằm phục sát đất, bế khí bất động, mặc cho lũ chó làm gì thì làm.
Lát sau, bốn con vật chê mùi bùn nên trở về chỗ nằm. Chính Lan mừng như sống lại, thò tay qua khe lồng thăm mạch Thiết Xuyên. Mạch đập rất yếu nhưng họ Hách vẫn còn sống. Chính Lan điểm liền ba huyệt đạo, đề phòng Thiết Xuyên gây ra tiếng động không cần thiết, rồi rút tiểu kiếm cắt song gỗ.
Với bảy thành Thái Chân khí công và thanh kiếm nhỏ sắc bén tuyệt luân. Từng thanh gỗ đứt ngọt như đậu hũ. Chính Lan cắt ngay chỗ Thiết Xuyên đang dựa nên gã ngã ngửa ra ngoài lồng. Tất nhiên chàng đã chờ sẵn.
Trong giây lát, chàng đã chụp bộ da chó thứ hai vào người Thiết Xuyên. Xong xuôi, Chính Lan đặt gã nằm sấp xuống, rồi dùng tả thủ nâng ngực gã lên, mặc cho tay chân buông thỏng như tư thế đang bò.
Với hai chân và một tay còn lại, Chính Lan di chuyển về phía vườn hoa. Bọn hổ ngao kia dường như đã phát hiện quái sự nên bám theo ngửi mãi. Nhưng may thay chúng không sủa mà chỉ lo liếm máu của bộ da trên người Thiết Xuyên.
Chính bốn con chó tò mò kia đã che chắn cho bọn Chính Lan. Đám mai phục nhìn ra cũng chỉ tưởng là cả bầy chó đang kéo nhau đi. Còn may hơn nữa là khi đến gần vườn hoa thì lũ chó chán không theo nữa. Chính Lan thở phào, lột nhanh hai bộ da hôi hám ra khỏi cơ thể mình và Thiết Xuyên rồi lấy dây cột chặt gã vào lưng mình.
Với sức nặng của một người nữa chẳng thể nào ra bằng cách chuyền trên cây. Chàng đánh liều sử dụng đọan đường rải sỏi trắng rộng rãi kia.
Giờ đã gần cuối canh tư, chàng tin rằng bọn mai phục đều ngủ say. Hơn nữa, khinh công của chàng đã đạt đến mức đạp tuyết vô ngấn, chúng khó mà phát hiện được. Dẫu chúng có biết thì trong màn đêm tối tăm này cũng khó mà tập kích trúng mục tiêu. Khoảng cách hai mươi trượng đối với Chính Lan chỉ là vài bước nhảy.
Xuân rồi, gặp nhau ở Chu gia trang, Thiết Xuyên đã nói rõ là con đường này không hề có cạm bẫy. Tuy nhiên, Chính Lan vẫn thận trọng, vận hết nhãn lực quan sát. Chàng lướt đi êm ái còn hơn cánh dơi đêm, vài trượng lại phục xuống nghe ngóng.
Có lẽ do cơn mưa thu lạnh lẽo lúc tối đã ru chúng vào giấc ngủ, hoặc do chúng quá ỷ y vào đàn hổ ngao, nên Chính Lan thoát ra an toàn.
Cuối đường có chạm canh, chính là tòa tiểu đình bằng gỗ ở bên tả. Gã võ sĩ áo đen vẫn còn thức, ngồi trên ghế dựa, quay mặt ra ngoài. Gã chỉ chú ý đến kẻ ở bên ngoài vào nên không ngờ tử thần lại từ trong ra.
Chính Lan âm thầm lướt đến, xạ một đạo Huyết Tuyến Điểm Hồng vào huyệt Não Hộ sau đầu gã. Tên hắc y rùng mình chết không kịp ngáp. Chính Lan đã kịp ập vào, đỡ lấy thân hình mềm nhũn kia, không cho rơi xuống đất.
Chàng ghé vào bìa rừng lấy tay nải rồi nhắm hướng đông lướt nhanh. Đến sáng thì chàng rời xa Chữ gia trang được năm chục dặm.
Lúc trưa, Chính Lan đã để ý đến một căn nông xá nằm lẻ loi giữa ruộng kê bên đường. Giờ đây, chàng chạy thẳng đến đây để xem tình trạng của Thiết Xuyên.
Chủ nhân của căn nhà tranh này là một lão già tuổi lục tuần chất phác. Lão đang nấu nước sau bếp, thấy có người đẩy cổng, vội chạy ra xem.
Mặt mũi, y phục của Chính Lan và Thiết Xuyên dính đầy máu chó và bùn đất nên trông rất kinh khiếp. Lão nông phu hồn phi phách tán, run lên cầm cập. Chính Lan chỉ mũi kiếm vào ngựa lão rồi nghiêm giọng:
- Ta có người bạn bị thương, cần nghỉ ngơi và chăm sóc. Lão mà mở miệng là hét thì đừng trách bổn sơn vương độc ác.
Lão ta nghe chàng tự xưng là cường đạo, vội gật đầu lia lịa, chắt tay vái dài:
- Đại vương yên tâm, tiểu nhân chẳng dám trái lệnh.
Thói đời thường như vậy, chẳng có gì là lạ cả. Nếu chàng nói năng mềm mỏng, không chừng lão còn chất vấn này kia và tỏ vẻ không vui. Nhưng bản năng cầu sinh sẽ khiến lão rất ngoan ngoãn phục vụ.
Quả thực vậy, Chính Lan vừa đặt Thiết Xuyên xuống chóng tre thì lão ta đã bưng nước nóng và khăn sạch lên.
Chính Lan cởi hết y phục nạn nhân, dùng khăn nhúng nước lau thật kỹ. Phải đến ba thau mới gọi là sạch sẽ.
Chàng thăm mạch và quan sát trước sau, nhận ra Thiết Xuyên bị cao thủ nào đó dùng chưởng lực âm nhu đả thương. Dấu ấn chưởng ấn chỉ hơi mờ mờ, chứng tỏ công lực của hung thủ rất cao cường. May thay, chàng cũng luyện âm công. Lão Trang chủ trương “nhu thắng cương, nhược thắng cường” nên tâm pháp nội công Thái Âm chân khí chính là bậc thượng thừa của mọi loại âm công.
Chính Lan nghiêm giọng bảo lão già:
- Giờ ta sẽ trị thương cho bằng hữu, lão hãy xuống bếp nấu cháo và không được quấy rầy. Xong việc, bổn sơn vương sẽ thưởng cho ít bạc. Còn như lão bỏ trốn hoặc tri hô thì ta sẽ đốt sạch chiếc chòi này, và kéo lâu là đến hỏi tội.
Lão nông phu bị tia mắt sáng quắc, đầy sát khí của chàng uy hiếp, vội vái dài rồi bước ra.
Chính Lan cho Thiết Xuyên uống năm viên linh đan, dồn chân khí vào người gã để đả thông kinh mạch. Ba khắc sau, mạch vượng lên, chân khí bắt đầu tích tụ lại ở đan điền Thiết Xuyên.
Gã đã thoát chết nhưng phải tịnh dưỡng ít nhất là một tháng. Chính Lan xoa bóp thêm một hồi thì họ Hách tỉnh lại. Gã mở mắt, chăm chú nhìn gương mặt lem luốc của Chính Lan, mỉm cười:
- Ta biết thế nào công tử cũng đến cứu ta.
Câu nói tuy đơn giản nhưng ngập tràn tình bằng hữu. Gã nói thế vì Chính Lan lâm nạn thì giá nào gã cũng liều mình cứu cho được.
Chính Lan mỉm cười xiết chặt tay gã:
- Hách huynh cứ nghỉ ngơi, tại hạ sẽ bưng cháo lên.
Nhưng lão già sợ chết kia đã mau mắn xuất hiện, trên tay là một tô cháo nóng bốc hơi nghi ngút và thơm phức. Lão cười nịnh:
- Bẩm đại vương, tiểu lão đã làm thịt con gà mái tơ để nấu cháo, ăn vào sẽ khoẻ ngay.
Chính Lan gật gù:
- Tối lắm! Lão hãy đút cho bệnh nhân ăn, còn ta phải đi tắm rửa cái đã.
Tất nhiên lão rất vui vẻ, phụng ý thi hành. Chính Lan nháy mắt với Thiết Xuyên rồi ra sau giếng tắm gội, thay y phục.
Lúc chàng trở vào thì Thiết Xuyên đã ăn xong. Lão nông phu ngơ ngác nhìn gương mặt hiền lành, nhân hậu của Chính Lan, không hiểu có phải là gã cường đạo lúc nãy hay không?
Chính Lan vận công cho mắt sáng quắc lên rồi cười nhạt:
- Lão già rồi mà không biết câu “tri nhân tri diện bất tri tâm” hay sao? Bổn sơn vương chính là phật diện xà tâm, giết người không gớm máu đây.
Thế là lão lại ngoan ngoãn và sợ hãi như trước. Chính Lan mỉm cười:
- Danh tính của lão là gì?
- Bẩm đại vương! Tiểu lão là Trần Cửu, con cái chẳng có, vợ thì mới chết được hai năm.
Chính Lan mở tay nải, trao cho lão năm nén bạc:
- Lão hãy cầm lấy năm chục lượng bạc này mà làm vốn dưỡng già. Tối nay bọn ta sẽ rời khỏi đây.
Số bạc này đối với người nghèo rất lớn, dẫu dành dụm cả đời cũng không được. Trần Cửu sụp xuống lạy như tế sao, mếu máo nói:
- Ơn đức của đại vương, tiểu lão xin tạc dạ.
Chính Lan phất tay áo, một luồng kình lực mềm mãi nâng Trần Cửu lên. Lão càng sợ hãi và càng tin chàng là đạo tặc.
Trời vừa tối, Chính Lan đã cõng Thiết Xuyên rời nhà Trần Cửu, bước như bay về hướng đông. Họ Hách còn rất yếu, không thể cưỡi ngựa được nên Chính Lan ngày nghỉ đêm đi, cõng gã đến tận Trường Sa. Chàng biết rằng chỉ có cách này mới thoát được sự truy lùng của Chữ gia trang và Đào Hoa cung.
Ở ngoài cửa tây thành Trường Sa có một tòa trang viện rộng lớn nhưng lặng lẽ, im lìm. Trước cổng không treo bảng nên chẳng ai biết đây là cơ ngơi của một tay đạo tặc đã có thời lừng lẫy suốt bảy trăm dặm Trường giang.
Nê Long Hàn Đình Tân năm nay đã sáu mươi ba, bỏ nghề thủy tặc, cáo lão qui điền được hai năm. Lão từng được Chính Lan cứu mạng nên rất vui mửng đón tiếp ân nhân.
Chính Lan ở lại hai ngày, giao Thiết Xuyên cho Nê Long chăm sóc rồi đi ngay Nam Kinh.
Chính Lan đến nơi đúng trước hôm cúng thất tuần của Hồng Diện Tài Thần.
Quí gia trang giờ đây tràn ngập bằng hữu võ lâm. Có người mới đến, có người mới quay lại và cũng có người ở đây từ ngày đưa ma Quí Thừa Khải.
Những người nhiệt huyết đã họp lại thành một lực lượng, truy lùng khắp thành Nam Kinh và vùng phụ cận để truy tìm hung thủ. Bọn trộm cướp địa phương đều bị tra hỏi gắt gao, nhưng chẳng hề có manh mối gì.
Cơ ngơi của họ Quí rộng đến hàng chục mẫu, phòng ốc nhiều vô số. Vì vậy, khách khứa được bố trí trong những căn tiểu viện biệt lập và tiện nghi. Gã gia đinh đưa Chính Lan vào thẳng nơi ở của bọn Tây Môn Nhỉ.
Hỏa chân nhân cùng đám nữ lang đang nóng ruột lo lắng cho Chính Lan nên rất vui mừng khi thấy chàng xuất hiện. Kính Hồ Tiên Cơ dương đôi mắt u sầu nhìn phu tướng, giọt lệ hân hoan lén trào ra. Nhưng nàng chẳng thể chạy đến ôm lấy Chính Lan như ba nữ nhân kia. Thứ nhất, do bản tánh nàng đằm thắm và kín đáo, thứ hai, nàng mặc cảm vì quá khứ. Uyển Như yêu thương Chính Lan bằng cả trái tim thiếu phụ từng trải, ngượng ngùng dâng hiến mảnh đời đầy những vết hằn.