Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn chống Pháp, triều đình Huế rối beng vì không có vua. Thống tướng De Coucey đày Nguyễm Văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính ra đảo Haiti; sai ông De Champeaux lên Khiêm Lăng yết kiến đức Từ Dũ, xin lập ông Chánh Mông là Kiến Giang Quận Công lên làm vua. Ngày mồng 6 tháng 8, ông Chánh Mông phải thân hành sang bên tòa Khâm Sứ làm lễ thụ phong, rồi làm lễ tấn tôn, đặt niên hiệu là Đồng Khánh. Tương truyền khi còn là Hoàng Tử , muốn biết thời điểm nào lên ngôi và làm vua được bao lâu, hoàng tử đã khẩn cầu nữ thần Thiên Y Na ở điện Hòn Chén cho biết. Nữ thần đã đóan đúng ngày Hoàng Tử lên ngôi vua. Sau đó, Đồng Khánh đã xây cất lại ngôi đền này, đặt tên là Huệ Nam Điện. Đồng Khánh là ông vua đầu tiên của triều Nguyễn thừa nhận nền bảo hộ của Pháp, tiếp xúc với nền văn minh Tây phương, mang huy chương Bắc Đẩu bội tinh, là người đầu tiên gửi mua hàng hóa của Pháp qua trung gian của một thương gia người Pháp ở Huế. Ông cũng thích mua các đồ chơi do người Pháp chế tạo. Mội lần hàng về, Đồng Khánh ban một phần cho các hoàng thân, các đại thần, cung phi mỹ nữ cùng các thái giám hầu cận. Trong sinh hoạt thường nhật, nhà vua hay chú ý đến ngoại diện, thường chăm sóc trang điểm. F . Baille kể lại trong bài " Les Annamite " như sau. - " Hằng ngày một toán cung nữ được chọn trong tất cả đẳng cấp phục dịch Đức vua. Ba mươi người chia nhau canh gác hậu cung của Ngài, năm nàng luôn ở cạnh Ngài, luân phiên săn sóc, trang điểm cho Ngài. Các nàng thay quần áo cho Ngài, chải chuốt bộ móng tay cho dài hơn ngón tay, thoa dầu thơm, vấn khăn lụa chung quanh đầu Ngài. Sau cùng, chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt quanh Ngài sao cho thật hoàn hảo; năm cung nữ này cũng kiêm lo hầu cơm nước Đức vua. Thường nhật Ngài dùng ba lần: sáu giờ sáng, mười một giờ trưa và ba giờ chiều. Mội bữa ăn có 50 món khác nhau, do 50 đầu bếp nấu nướng cho hoàng cung. Một người lo nấu một món riêng của mình và khi chuông đổ thì trao cho đám thị vệ đưa qua đoàn thái giám. Các ông này chuyển đến năm cung nữ và chỉ có mấy nàng mới được hân hạnh quỳ gối hầu cơm Đức vua. Ngài nhấm nháp vài món ăn và uống một thứ rượu mạnh đặc biệt chế bằng hột sen và các loại cây có mùi thơm. Đức vua Đồng Khánh còn dùng rượu chát Bordeaux theo lời khuyên của các y sĩ để giúp cho tạng phủ hơi yếu. Gạo đức vua dùng phải thật trắng và chọn lựa từng hạt, nấu trong nồi đất, mỗi lần nấu xong thì đập bỏ. Đũa vua dùng vót bằng tre vừa mới trổ đủ lá và thay đổ hằng ngày. Loại đủa ngà không tiện dụng vì hơi nặng với tay nhà vua. Số lượng gạo phải được xem kỷ và nấu thật đúng , không bao giờ nhiều hay ít hơn, nếu Đức vua không ăn như ngày thường, nếu ngày thấy không ngon miệng thì Ngài gọi các viên Ngự Y đến xem mạch bốc thuốc. Ngài bắt các y sĩ uống thuốc trước mặt Ngài ".
Chương 2 Đồng Khánh Xem Diễn Tuồng - Một Cảnh Tiếp Đón Phái Điàn Pháp
ĐỒNG KHÁNH XEM DIỄN TUỒNG Cuộc vui trong Hoàng Cung thường là diễn tuồng ở Duyệt Thị Đường. Từ vua Tự Đức trở về trước, nhà vua chỉ xem diễn tuồng với các đại thần hoặc cung phi; đến khi vua Đồng Khánh lên ngôi , có thêm các quan Pháp, cũng được mời xem. Đây là quang cảnh một buổi diễn tuồng dưới triều Đồng Khánh do F. Baille kể lại: - " Cuộc vui được chọn diễn trong diễn Hoàng Cung để hầu Đức Vua thường là hát bội . Người ta trang hoàng một gian phòng thật rộng hình vuông, ba phía bỏ trống giữa có nhiều bàn dài trải vải đỏ để tiếp khách; trên có trái cây và bánh gói giấy đủ màu, hình dáng kỳ lạ, ly tách để các thị vệ rót rượu bia, nước trà. Đức vua ngồi trên ngai b vàng riêng biệt đặt trên cái bục khá cao trước mặt có một cái bàn để tách và hộp đựng đường làm bằng ngọc thạch, một cái mâm nhỏ có vành cao tuyệt khéo đựng những món đồ dùng của Ngài mà đi đâu Ngài đem theo. Một túi vải nhỏ đựng đầy thuốc điếu dài và nhỏ, một đồng hồ báo thức bằng vàng, vài món nữ trang, dầu thơm, bình xịt dầu, một cái gương nhỏ...tất cả đồ lễ của một ông vua ở Á Đông mới quen với nền văn minh của chúng ta. Bên mặt và bên trái của Ngài, ông Thống Sứ và Tướng chỉ huy quân đội ngồi trên ghế riêng rẽ. Phía sau có treo một bức sáo đan thưa, người đứng có thể nhìn qua kẽ hở. Chúng tôi nghe được cả tiếng nói thì thầm của mấy nàng cung nữ hầu vua ( ....) Đức vua vừa ngự trên long ỷ thì dàn nhạc giáo đầu gồm lối hai mươi nhạc sĩ ngồi xổm đánh trống, gảy đàn, thổi kèn tạo thành một giai điệu triền miên và ỉnh tai. Trước mặt n họ có một cái trống lớn, đúng ra là một cái thùng to. Một vị quan lớn ngồi sau trống. Chúng tôi nhận thấylà nhạc phụ của Đức Vua , quan kinh lược ở Bắc kỳ. Mỗi khi nghệ sỹ khéo trình diễn, thì ông đánh hai hay ba tiếng trống, mỗi tiếng tiêu biểu một số tiền biếu tặng diễn viên. Các đào kép trong vở tuồng ăn mặc chững chạc ra sân khấu lạy chào Đức vua, đoạn đưa ra nhiều mảnh vải thêu những chữ nho lớn tỏ lòng tôn kính và chúc Đức vua sống lâu. Một diễn viên khác lược thuật vỡ tuồng với giọng chát chúa, tiếp đến là bắt đầu xuất hát mà người ta không biết chắc chừng nào chấm dứt .... " Vì thích xem hát bội, vua Đồng Khánh đặt tên cho những cung nữ của mình theo tên các nhân vật trong vở Vạn Bửu Trình Tường, như Đại Hoàng , Nhân Sâm, Cam Thảo..v..v.. Đây là vở ông đặc biệt yêu thích, các nhân vật lấy tên các vị thuốc mà đặt. 0
MỘT CẢNH TIẾP ĐÓN PHÁI ĐÒAN PHÁP Khác với các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cố tìm cách xa lánh người Pháp, vua Đồng Khánh lại cố thắt chặt tình thân hữu. Thỉnh thoảng ông mời các vị đại diện Pháp vào Đại Nội dự yến hay xem hát tuồng. Một sự thay đổi về cung cách tiếp đón phái đoàn ngoại giao Pháp dưới triều Đồng Khánh là phái đoàn được đi cửa giữa Ngọ Môn, kể cả viên Khâm Sứ lẫn đoàn tùy tùng. Đây là một sự kiện chưa bao giờ có từ triều Tự Đức trở về trước. Các quan Pháp, dù lớn đến bực nào, hễ vào đại Nội, là phải đi cửa bên, vì chỉ có vua mới đi cửa giữa. Lúc phái đoàn ngoại quốc vào điện, vua vẫn chễm chệ ngồi trên ngai vàng, việc đón tiếp đã có hoàng thân, bá quan văn võ đảm trách. Qua triều Đồng Khánh, có sự thay đổi khác biệt. Lúc quan khách ngoại quốc đến cửa Ngọ Môn, các hoàng thân, các viên Đại thần mặc áo đại triều, mang hia, đội mũ đứng chực sẵn để tiếp đón. Các hoàng thân, các vị đại thần đều đứng trong điện Thái Hòa, còn bá quan theo phẩm trật nhỏ không được tham dự. Từ cửa Ngọ Môn, phái đoàn tiếp tân đưa viên Khâm Sứ và đoàn tùy tùng vào trong điện. Vua Đồng Khánh ngồi trên ngai đặt tận trong cùng sau lưng có mấy thị vệ phe phẩy quạt hầu. Ông bước xuống ngai, nói mấy câu hàn huyên và nghe mấy câu chúc từ của đại diện Pháp rồi trả lời lại, tiếng nói rất nhỏ ( vì theo đúng nghi thức tiếng nói của bậc Đế Vương bao giờ cũng nhỏ). Một viên quan ngự tiền dịch ra tiếng Pháp. Vua Đồng Khánh mời quan khách qua điện Càn Thành để dùng trà. Nhà vua mặc áo hoàng bào thêu rồng chạy chỉ vàng đính châu ngọc. Chiếc áo khá nặng nên đi mỗi bước phải có thái giám chạy theo nâng vạt áo trước lên ( cũng nên biết thêm là những lúc đáp thăm tại tòa Khâm Sứ, trên hai bên vai áo vua còn cài thêm hai cái ngủ đúc thành hình con rồng bằng vàng đặc). Tiếp theo vua là quan Khâm Sứ, đoàn tùy tùng và quan lại. Sau đó là một ban nhạc, vừa đi vừa cử nhạc... ( Theo Bửu Kê )
Chương 3 Những Điều Huyền Bí Ám Ảnh Suốt Cuộc Đời
Vị nữ thần đền Ngọc Trản đã tiên đoán đúng ngày Đồng Khánh lên ngôi, nên nhà vua rất lo sợ khi nghỉ đến lời của thần báo cho biết mình chỉ làm vua được 3 năm. Hẳn nhà vua muốn kéo dài tuổi thọ, thay đổi cơ trời nên rất thích đọc các sách về Kinh Dịch, bói toán, tìm hiểu những điều huyền bí. Với một ông vua còn trai trẻ như vậy ( 22 tuổi) cũng là một điều hiếm! Nhà vua thường lên đền Ngọc Trản ( điện Hòn Chén ) cầu bái, lại sắc cho bộ Lễ, mỗi năm hai kỳ ( mùa Xuân và mùa Thu) phải cử một vị quan đại diện triều đình đến nơi để dâng đồ lễ. Những bức hoành, bức liễn, những bài thơ treo trong đền thờ, một phần lớn do Đồng Khánh sáng tác để ca tụng công đức Nữ Thần che chở cho ngai vàng và bảo vệ dân chúng; tên Huệ Nam Điện do ông đặt cũng phát sinh từ ý đồ ấy. Tuy vua rất sợ ngày kết cục cuộc sống đời mình, nhưng rồi ngày ấy cũng vẫn đến. Nữ thần đã đoán đúng. Sau 3 năm trị vì, Đồng Khánh nhuốm bệnh nặng, không ăn được thứ gì cả. Thỉnh thoảng cơn sốt nổi lên, đầu nhà vua nhức như búa bổ. Quan Ngự Y người Việt không chữa được, kẻ bị quở trách, kẻ bị giam cầm. Vua nhờ bác sĩ Pháp. Ông Cotte được cử sang chữa trị, nhưng không được ở lại trong cung, chỉ dặn dò các viên thái giám cách pha chế thuốc rồi phải ra về. Sau nửa tháng nhuốm bệnh, ông qua đời vào lúc 8 giờ tối ngày 28 tháng Giêng năm 1889. Theo nhiều người thuật lại, nhà vua bị ám ảnh bởi cái chết của Phan Đình Bình, vị đại thần có ý tôn Bửu Lân lên sau khi Hàm Nghi rời bỏ ngai vàng, nên trong khi nhuốm bệnh, thường la hét vì ác mộng. Đồng Khánh qua đời, để lại hơn 10 bà phi, nhưng chỉ có 6 hoàng tử và 3 công chúa, thọ 25 tuổi.